Seite auswählen

Báo Tuổi Trẻ ngày 23 tháng 5 năm 1989 biết về vụ thầy Hoan bị học trò cũ tìm tới nhà hành hung. Bị đâm một nhát dao, thầy nhảy từ lầu 2 xuống, gãy nhiều xương. Thầy than thở với nhà báo: “Tôi không muốn thốt lên đây một tiếng kêu than thêm vào những tiếng kêu than đã nhiều lắm rồi. Ở một ngành có thể tiêu biểu cho mọi sự khốn khó nhất: mặc tồi tàn, ăn kham khổ, sống hèn hạ… tất cả những cái đó đã quá tủi đối với tư cách nhà giáo. Chuyện học trò đánh Thầy phải chăng là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Người xưa nói sanh nghề tử nghiệp. Nghề của chúng tôi là giáo dục học sinh nên người. Thế nhưng chúng tôi đã giáo dục tồi, tạo ra những học sinh kém, chuyện học sinh đánh thầy là trái đắng nhất mà chúng tôi phải chịu. Nhưng còn xã hội, gia đình, luật pháp?”

Mổ xẻ nguyên nhân nào đã khiến cho nhà giáo từ chỗ được xã hội “tôn sư trọng đạo” trở thành “tiêu biểu cho mọi sự khốn khổ nhất: mặc tồi tàn, ăn kham khổ, sống hèn hạ” hẳn là một việc làm không dễ dàng nhưng rất cần thiết. Trước tháng 4 năm 1975, ở miền Nam, nghề giáo vẫn còn là một nghề được trọng vọng không khác bao nhiêu so với nhà giáo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà giáo có mức lương đủ cho gia đình có mức sống trung lưu, được xã hội tin cậy hơn những người có chức sắc trong chính quyền bởi cuộc sống thanh bạch. Thế mà chỉ 14 năm sau đã ra nông nỗi này! Nhớ lại ở miền Bắc sau 1954 nghề giáo cũng có hiện tượng sa sút na ná như vậy, bị xã hội xem thường, nhưng không quá nhanh và quá tệ như bây giờ. Khoảng cuối những năm 60 nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu có chính sách ưu đãi để khuyến khích sinh viên vào ngành sư phạm. Đó là khởi đầu cho sự sa sút của ngành giáo dục.

Năm 1981, khi được bổ nhiệm làm phó tổng biên tập báo Lao Động phụ trách miền Nam, tôi ra Hà Nội thăm gia đình ông tổng biên tập Trần Nhật Dụ. Tại đây tôi được gặp hai người em rể của ông là hiệu trưởng trường cấp hai ở Hà Tĩnh vừa nghỉ hưu, được cho đi du lịch theo chế độ. Hai ông cùng tuổi, cùng vào nghề giáo trước Cách mạng tháng Tám, ông Dụ là giáo viên tiểu học, còn ông kia giáo viên trung học. Nhìn lại bước đi của hai người đã cho tôi một phát hiện lý thú: sau cách mạng, ông Dụ tham gia hoạt động công đoàn huyện, rồi lên tỉnh, lên trung ương làm chủ tịch công đoàn ngành giáo dục Việt Nam. Từ chức chủ tịch công đoàn ngành, ông bước lên ghế chánh văn phòng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau khi ông Lê Vân tổng biên tập báo Lao Động qua đời, ông Dụ được chuyển sang thay thế, tiền lương 150 đồng/ tháng. Trong khi đó, người em rể đồng nghiệp của ông chí thú với nghề giáo, không tham gia công tác đoàn thể, đến cuối đời lên đến chức hiệu trưởng tiền lương 86 đồng/tháng. Chuyện này gợi cho tôi nhiều tò mò.

Từ những năm 50 của thế kỷ 20, người Việt Nam đã bắt đầu được nghe: nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhà nước này sắp xếp lại thứ tự của “tứ dân”, từ sĩ, nông, công, thương trở thành: giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng thông qua đảng Cộng sản; giai cấp nông dân là quân chủ lực của cách mạng, chia thành cố nông, bần nông, trung nông. Cố nông, bần nông là chỗ dựa tin cậy; trung nông kém tin cậy hơn, phải chia ra lớp dưới và lớp trên để có phân biệt đối xử. Phú nông vừa lao động vừa bóc lột, phải tước bỏ phần bóc lột của họ. Địa chủ là đối tượng phải tiêu diệt. Tầng lớp trí thức có cái đuôi là tiểu tư sản, được gọi đùa là “tạch tạch xè”, bị xem là có lập trường bấp bênh, dễ dao động, phải luôn luôn được theo dõi, giáo dục. Thương nhân là hàng xấu xa nhất, phải cải tạo để thành người lao động. Theo cách sắp xếp này, thầy giáo Thu tiểu tư sản, “tạch tạch xè”. Nhiều người cho rằng cách sắp xếp này đã đem tay chân thay cho đầu óc của xã hội.

Thời xưa các ông đồ được xã hội kính trọng không kém những bậc phú hộ và những vị có chức sắc trong chính quyền. Đến thời tân học các nhà giáo cũng được quý trọng như thế. Miền Bắc trước năm 1954 và miền Nam trước tháng 4 năm 1975, thầy giáo cấp một có mức lương đủ nuôi vợ con và thuê người giúp việc. Các chàng trai vừa tốt nghiệp ngành sư phạm đã được các gia đình giàu có đánh tiếng muốn gã con. Thời ấy phải là người học giỏi mới dám thi vào ngành sư phạm, vì ngành này tuyển sinh khắc khe nhất. Miền Bắc sau năm 1954, và miền Nam sau năm 1975, trở thành xã hội chính trị (trong chế độ toàn trị do đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo). Cấp ủy đảng được coi là những người danh giá nhất trong làng, xã, quận, huyện, tỉnh, thành. Nhà giáo là “tạch tạch xè”, nhưng chủ tịch công đoàn ngành giáo dục thì lại là “chiến sĩ vô sản”. Trong bài nói với sinh viên trường đại học sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho nhà giáo nhiệm vụ mà họ không thể làm nổi: người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Ông thầy giáo làm sao so nổi với ông cấp ủy! Các thành viên của cấp ủy chia nhau nắm chính quyền, các đoàn thể như công đoàn, nông hội, thanh niên, phụ nữ, phụ lão. Giáo viên mà không có chân trong ban chấp hành công đoàn giáo dục thì chỉ ngang với một đoàn viên của các đoàn thể công đoàn hoặc nông hội, nhưng kém hơn họ về mức sống, vì ngoài tiền lương chết đói, ông thầy giáo không có thu nhập gì thêm. Thu nhập thấp thì địa vị xã hội cũng xuống thấp, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm khó khăn, phải hạ dần điểm tuyển, miễn học phí, đưa tới chất lượng giáo viên kém dần. Bởi vì những người học lực kém mới phải vào ngành sư phạm. Để trang trải cuộc sống, nhà giáo phải tìm cách đối phó. Trên lớp thì dạy qua loa để buộc học sinh phải xin học thêm. Thu nhập từ dạy thêm cao gấp mấy lần tiền lương. Các thầy dạy môn lịch sử, địa lý không thể dạy thêm nên đành phải làm đủ mọi nghề, kể cả rửa bát nhà hàng, đạp xích lô. Hình ảnh và phẩm chất thầy giáo bị tàn phá từ vật chất đến tinh thần. Đòn đánh chí mạng vào nghề giáo là tinh thần tôn sư trọng đạo, sau đó mới đến đòn đánh bằng dao gậy mà thầy Hoành phải chịu kể trên.

Thầy Hoành tự cho mình dạy tồi cho nên phải bị đánh. Có lẽ thật lòng thầy không nghĩ như vậy cho nên thầy mới hỏi tiếp: “Nhưng còn xã hội, gia đình, luật pháp? “Xin lạm bàn cùng thầy.

Nền giáo dục của nước ta từ 1975 đến nay có hai ách tắc không thể vượt qua được. Những điều thầy Hoành nói chỉ là cái ách tắc thứ hai. Gọng kềm ý thức hệ mới là cái ách tắc thứ nhất. Tháng 9 năm 1949, Hồ Chí Minh đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc trung ương (nay là Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh) đã viết vào sổ vàng của trường một câu được coi là mục tiêu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa “Học để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự giai cấp và nhân dân, Tổ Quốc và nhân loại”. Trong bài nói ở trường Đại học sư phạm Hà Nội tháng 10 năm 1964, Hồ Chí Minh cho rằng thầy giáo phải xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa; và để được như vậy thì phải học tập chính trị, bởi vì “có học tập lý luận Mác, Lê-nin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác đảng giao phó”. Tiếp thụ tinh thần đó, ngày 14 tháng 11 năm 1988, thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Trần Chí Đáo tuyên bố “chủ trương của Bộ về tuyển sinh và đào tạo là bảo đảm Đảng tính và giai cấp tính” (báo Tuổi Trẻ). Nghị quyết trung ương 29-NQ/TW khóa 11, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh “Coi trọng công tác phát triển Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên. Bảo đảm trường học phải có chi bộ, trường đại học có đảng bộ. Đổi mới chương trình. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đọc những điều nói trên đây cho thấy những người lãnh đạo đảng Cộng sản muốn ngành giáo dục phải đào tạo lớp trẻ theo khuôn mẫu do họ chọn, để trở thành công cụ xã hội chủ nghĩa đắc lực. Để thực hiện điều đó, ngành giáo dục phải che giấu những thông tin, dữ kiện bất lợi cho chế độ toàn trị, phải chọn những thông tin, dữ kiện dù lỗi thời nhưng có thể phục vụ cho định hướng của đảng, đưa vào giáo trình.

Năm 1985 ông Mai Chí Thọ khi làm bí thư thành ủy Sài Gòn, khi đến thăm một trường mẫu giáo, đã tỏ ý ngạc nhiên vì các bài học của trẻ lên ba quá đậm chất chính trị. Ông đã có câu nói đúng: “Tôi e chẳng những không thể đạt được yêu cầu chính trị mà mục đích trồng người cũng không đạt”. Cho đến nay (2013) thử tìm xem một số sách giáo khoa cho trẻ sẽ thấy tình trạng đó vẫn còn nguyên. Quyển sách do Vũ Xuân Vinh soạn, nhà xuất bản đại học ấn hành, phần lớn theo thể thơ lục bát, một số theo thể thơ ngũ ngôn, hầu hết không có chất thơ, không đúng vần, như “Công viên đường phố thật vui. Thêm yêu đất nước thêm yêu phố phường”; “Mỗi năm một tuổi thêm vui; thi đua phấn đấu thành người trò ngoan”; “Ôi lá cờ tổ quốc. Đứng nghiêm giơ tay chào”… trong sách Tiếng Việt, lớp 3 có những “chủ điểm” như: Đơn xin vào đội, Tập tổ chức một cuộc họp; Người lính dũng cảm… Sách chỉ chọn tác phẩm của các nhà thơ kháng chiến, nhiều bài rất dở. Bài thơ “Đi hội chùa Hương” nhạt nhẽo, được chọn có lẽ vì mấy câu kết: “Ôi phải đâu lễ Phật, Người mới đi chùa Hương. Người đi thăm đất nước, Người về trong yêu thương”. Với lập trường duy vật vững vàng, nhà soạn sách chọn bài thơ này vì nó lớn tiếng hô hào rằng đi chùa không phải vì lễ Phật, còn bài thơ “Đi chùa Hương” nổi tiếng của Nguyễn Nhược Pháp cứ “Nam mô a di đà” cho nên không thể chọn!

Năm 2009, trên báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh số Xuân đăng bài Điều ước đầu năm của chị Trần Mai Liên, mẹ của một học sinh cấp 1 ở Gò Vấp: “Cầu mong năm mới, sách giáo khoa sửa đổi, môn công dân giáo dục không còn tiếp tục dạy những ý tưởng quá cao xa không hợp với trẻ. Đối với trẻ, cần phải dạy cho chúng biết yêu ông bà, cha mẹ, anh em và mọi người! Biết sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không tham lam ích kỷ”. Có lẽ chị muốn ngầm nhắc nhà báo về năm điều bác Hồ dạy được treo cao giữa các lớp học, đã không có điều nào dạy trẻ yêu cha mẹ, tôn trọng thầy giáo. Năm năm sau lời cầu mong của chị Trần Mai Liên, giáo sư Văn Như Cương bức xúc kêu lên: “Chuyện dạy làm người vẫn mãi là khoảng trống trong giáo dục phổ thông”. Ông trích sách “Giáo dục công dân” một bài giảng có tựa đề “Phủ định siêu hình và phủ định biện chứng”. Bức xúc của giáo sư Văn Như Cương không được trả lời, vì giáo dục xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: “Không có khoảng trống nào cả! Ngành giáo dục vẫn trung thành với khuôn mẫu ý thức hệ nhằm đào tạo những con người kế thừa để xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Cách làm của họ đúng như nhà giáo dục vĩ đại John Dewey Nhận xét về nền giáo dục bảo thủ là “làm cho tương lai phù hợp với quá khứ”.

Thực ra “dạy người” không chỉ ở môn giáo dục công dân mà phải trong toàn bộ chương trình giáo dục. Ở các nền giáo dục tiên tiến, người ta đặt nhiệm vụ giáo dục là đào tạo con người tự do, con người đầy ắp ý kiến phản biện, con người dám khác với những người đi trước dù đó là những vĩ nhân. Albert Einstein nói: “Chúng dựa trên tự do của lòng tin và giáo dục, trên nguyên lý rằng, ước muốn tìm chân lý phải đặt trước mọi ước muốn khác” và “không có tự do kia thì sẽ không có Shakespeare, không có Goethe, Newton, không có Faraday và Pasteur”. Đúng vậy, chúng ta có thể bổ sung cho câu nói của ông “không có tự do thì cũng không có Albert Einstein”.

Khi tôi viết đến đây thì trên báo tuổi trẻ hôm nay (11-5-2016), cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền ở thành phố Hồ Chí Minh gửi “8 thỉnh cầu đến Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo”:

1- Giảm bớt những kiến thức ôm đồm ra đời không dùng được; dạy cho các em biết bênh vực cái tốt, dám chống lại cái ác.

2- Đừng thay đổi liên tục, từ “nghiên cứu bài học” chưa đâu vào đâu đã chuyển sang “tích hợp liên môn”, rồi “bàn tay nặn bột”. Việc thi cử cũng thay đổi xoành xoạch!

3- Xin hãy để cho tất cả giáo viên có quyền thực sự lựa chọn hiệu trưởng của trường và quyền ứng cử vào vị trí mà họ thấy thích hợp. (Hình như cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền không nhớ rằng, hiệu trưởng phải là đảng viên?)

4- Hãy đánh giá giáo viên ở phương pháp giảng dạy, chứ không phải chăm chỉ ghi chép đầy đủ vào các loại sổ do bộ quy định.

5- Thời đại công nghệ thông tin nhưng cách quản lý vẫn còn “đèn nhà ai nấy rạng”.

6- Tăng thêm mức đãi ngộ, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa.

7- Hiện nay nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc làm là vì chương trình đại học có đến 30% những điều không cần trong cuộc sống.

8- Nói chung chú trọng nhồi nhét kiến thức (nhiều điều không dùng được) mà không chú ý giáo dục đạo đức nhân cách con người.

Ngày 12-5-2016 rất nhiều người hưởng ứng bức thư cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, đã đề xuất thêm điều thứ 9: “Chống bệnh thành tích trong giáo dục” và “Hãy để cho giáo viên sống được bằng lương”.

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (46): Vụ phong thánh 117 chân phúc tử đạo Việt Nam

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (48): Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vĩ nhân tôm cá

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen