Seite auswählen

Kỳ Lâm và Chóe có quyển sách hình chung tựa đề là “Những nụ cười trào lộng” dài 300 trang. Sách gồm những bài của Kỳ Lâm viết cho chuyên mục “Tản mạn cuối tuần” và Chóe vẽ hí họa cuối tuần trên báo Lao Động. Báo chí có thể loại tiểu phẩm được định nghĩa là bài viết ngắn nói về đề tài thời sự, có tính châm biếm; về tranh thì có “biếm họa” nhằm chỉ trích những thói hư tật xấu. Nhưng Lỳ Lâm và Chóe không đồng ý với định nghĩa đó, cho rằng mình chẳng biếm ai cả mà chỉ góp những nụ cười trào lộng.

Kỳ Lâm tên thật là Trần Văn Nuôi, sinh năm 1929, vào Đảng năm 1948. Ông Dương Đình Thảo đi làm phát ngôn của đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ở Hoà đàm Paris, đã xin Trần Văn Nuôi làm phụ tá cho mình. Cán bộ ban tổ chức Trung ương Đảng đến nhà gặp lúc anh Nuôi đang cởi trần nằm ngủ, bên gối có quyển Thánh Kinh. Ông này báo cáo với cấp trên là một người say mê Thánh Kinh như thế không thể dùng được. Trong báo Người Lao Động lúc đó có chú liên lạc tên Kỳ Lâm thường cằn nhằn “chú Nuôi kỳ quá, tại sao chú không ký tên mình mà cứ ký tên của cháu?” Anh Nuôi cười: “Kỳ Lâm của cháu là rừng lạ, đẹp, còn Kỳ Lâm của chú là cầm ly, hoàn toàn khác nhau mà!” Khi tôi được điều đến làm tổng biên tập báo Người Lao Động, anh đang làm ủy viên ban biên tập. Tôi đã bãi chức anh do khi triệu tập họp ban biên tập, anh đến trong tình trạng say xỉn.

Trong bề ngoài, mọi người cứ tưởng anh không quan tâm chuyện của mọi người trong cơ quan, nhưng không phải vậy. Một lần anh tìm tôi, cho biết: “Trong cơ quan có hai cô cậu đã có gia đình yên ấm nhưng đang lẹo tẹo với nhau đấy. Anh nên góp ý với họ, kẻo tan vỡ cả hai gia đình, tội cho sắp nhỏ”. Một lần khác, anh gửi thư ra Hà Nội gọi tôi: “Anh thu xếp vào ngay, kẻo mất Chóe. Chóe đang bất mãn với trưởng ban miền Nam”.

Một sáng chủ nhật anh đạp xe đến nhà tôi. Hai anh em uống trà, trò chuyện. Chợt anh hạ giọng thầm thì: “Mình nói thật với Công, mình ra Đảng lâu lắm rồi, hàng chục năm rồi, nhưng chỉ vì mình hèn, không dám làm đơn xin ra!” Tôi (tổng biên tập kiêm nhiệm bí thư đảng ủy) hỏi “tại sao?” Vẫn giọng thì thầm: “Chắc anh cũng đã nhận thấy cộng sản là… là… phi nhân mà!” Tôi đáp: “Nhưng sau mỗi sai lầm, Đảng cũng đã tự phê bình. Chúng mình có trách nhiệm góp ý đòi hỏi Đảng trở nên nhân văn hơn”. Anh hỏi lại: “Có ảo tưởng không vậy ông?” Chúng tôi im lặng uống trà.

Ngày 15-11-1992, anh viết bài báo cuối cùng có tựa đề “Khiếp sợ”. Anh đến tòa soạn nộp bài đúng giờ rồi quay xe đạp đến quán rượu “cầm ly”. Đã chếnh choáng hơi men, anh chợt nghĩ phải có thêm lời bình, nên lại đạp xe tới tòa soạn viết thêm: “Ôi khiếp sợ! Món quà nghiệt ngã mà thiên nhiên và xã hội ép mọi người chúng ta phải nhận từ khi mở mắt chào đời. Nó chính là thước đo sự yếu đuối của bạn và tôi…” Nộp lại bài đã chữa, anh lên xe lạng quạng rời tòa báo hai trăm mét thì bị một xe gắn máy đi cùng chiều tông ngã, làm chấn thương sọ não và qua đời sau mấy hôm!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (49): Ngày nhận việc được gặp các bạn văn nổi tiếng

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (51): Nguyên do nhà văn Trần Hoài Dương bỏ Đảng