Seite auswählen

Tôi rời ngôi nhà 51 Hàng Bồ báo Lao Động từ tháng 5 – 1975, đến năm 1988 mới trở lại. Mười bốn năm qua, nó không hề được tu sửa. Người ngồi trên tầng ba phải xuống tầng trệt tiểu tiện, vì ống dẫn nước đã hỏng. Số người vào báo Lao Động cùng thời với tôi còn non một nửa. Tất cả sống lây lất với số lương còm như công nhân viên chức hành chánh ở mọi ngành. Tuy tờ báo vẫn đang sống bao cấp, năm trước Tổng Liên đoàn Lao động phải bù lỗ. Dù vậy, tôi quyết định trước hết phải chăm sóc con người. Con người phải được sống tốt mới có thể suy nghĩ sáng tạo tốt. Dù chế độ xã hội chủ nghĩa có nhiều vùng cấm, nhưng nhà báo trung thực vẫn tìm được sự thật và cách viết đáp ứng mong muốn của bạn đọc. Tờ báo Tin Sáng sau tháng 5 -1975 và một số tờ báo ở Sài Gòn đã làm được điều đó. Việc đầu tiên, tôi thực hiện là tổ chức bữa ăn trưa miễn phí tại tòa báo như các doanh nghiệp từ khi “đổi mới”. Vài hôm sau, chị cấp dưỡng cho tôi biết, anh Việt Quốc thư ký tòa soạn không ăn cơm trưa, dù không nhận được tiền của bữa ăn. Anh ấy pha một ấm trà, loại “9 hào 3” (tiếng lóng để chỉ loại trà cám rẻ tiền, giá mỗi gói 3 hào), vừa uống vừa rít thuốc lào. Thời tôi làm phóng viên, Việt Quốc là nhân viên chữa morat, gọi nhau mày tao.

Tôi đến hỏi Việt Quốc, sao mày không ăn cơm trưa? Việt Quốc không xưng hô như ngày xưa: “Tôi đã tập nhịn bữa trưa mất một năm nay mới quen. Tôi thừa biết các ông thủ trưởng mới bao giờ cũng tìm cách lấy lòng nhân viên. Nhưng tiền ở đâu ra để ông có thể tiếp tục chi cho bữa cơm chưa? Tôi không dám liều để rồi đến khi ông kêu hết tiền, tôi lại phải mất một năm để tập nhịn ăn cho cái bụng quen thói!” Tôi nói “Nếu không cải tiến tờ báo, đưa nó ra bán được ở các sạp mà chỉ giao cho các ông chủ tịch công đoàn đút vào ngăn kéo thì đúng là sẽ không còn tiền chi! Nhưng chúng ta sẽ cùng nhau góp sức cải tiến tờ báo chứ?” Việt Quốc chỉ cười mỉm không trả lời.

Sau một tuần xem xét, tôi nhận ra, với những con người và cách bố trí công việc như lâu nay thì không thể cải tiến được tờ báo. Phòng thư ký tòa soạn với ông trưởng ban Việt Quốc là một trong những khâu ách tắc. Việt Quốc chỉ thuộc quy trình công việc, việc này rồi đến việc kia, người này xong thì chuyển qua người nọ, chứ không có khả năng nâng cao chất lượng trang báo. Sau 14 năm, anh nhân viên chữa morat Việt Quốc Được đề bạt lên làm trưởng ban thư ký tòa soạn với kiến thức y như cũ. Nhìn toàn cơ quan chỗ nào cũng thấy hiện tượng giống nhau đó. Với đội ngũ này thì đúng như Việt Quốc hỏi “tiền ở đâu ra để ông tiếp tục chi”. Tôi xây dựng đề án cải tiến tổ chức: Chọn người có năng lực thích hợp cho từng vị trí công tác. Tôi gặp riêng Việt Quốc phân tích có tình có lý với anh, Khuyên anh trở lại công việc chữa morat mà anh rất thông thạo, hứa giữ nguyên bậc lương hiện nay. Không ngờ anh hết sức tức giận: “Khi đã là tổng biên tập thì ông tự cho mình muốn buộc ai làm gì theo ý ông cũng được à? Không, tôi không chấp nhận. Tôi sẽ đưa đơn lên Tổng Công đoàn xin nghỉ hưu”. Tôi nói “Nếu Quốc muốn nghỉ hưu thì mình giải quyết cũng được”. Anh nói như rít từ kẻ răng: “Không! Tôi phải đưa lên Tổng Công đoàn để người ta biết ông là người thế nào”.

Anh đã đưa đơn lên Tổng Công đoàn và họ đã trao cho anh quyết định nghỉ hưu mà không cho anh biết đã nhận xét tôi là người thế nào!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (51): Nguyên do nhà văn Trần Hoài Dương bỏ Đảng

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (53): Hai ông thầy tướng