Tôi ra nhận công tác ở báo Lao Động tháng12 năm 1988, lúc ấy đang ồn ào vụ anh Nguyên Ngọc bị buộc “thôi giữ chức tổng biên tập báo Văn Nghệ để nhận công tác khác” bởi một quyết định của ban thường vụ Hội Nhà Văn. Dư luận gọi đó là “một quyết định cách chức trá hình”. Không chỉ giới cầm bút mà bạn đọc cả nước đều phản ứng bởi lòng yêu quý nhà văn có tài, có tâm và tư tưởng tiến bộ. Nhiều tờ báo phản ánh ý kiến không đồng tình với ban thư ký Hội Nhà Văn. Để chống đỡ búa rìu dư luận, hai ông Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà Văn gặp gỡ tổng biên tập các báo chí, đài phát thanh, truyền hình để trình bày nội dung nghị quyết Ban Chấp hành Hội Nhà Văn với nhận định: vừa qua, tuần báo văn nghệ đã có một số đóng góp tích cực trong công tác đổi mới, xong bên cạnh đó, đã có những khuyết điểm lệch lạc nghiêm trọng. Ban chấp hành giao cho ban thường vụ uốn nắn, chấn chỉnh tờ tuần báo Văn Nghệ về nội dung và tổ chức nhằm nâng cao chất lượng của tuần báo theo hướng đổi mới. Hôm đó, nhiều anh chị lãnh đạo các báo, đài yêu cầu cho biết cụ thể những khuyết điểm lệch lạc nghiêm trọng là gì. Ông Nguyễn Đình Thi và ông Chính Hữu thay nhau nói rất dài, nhưng chỉ nêu rõ mỗi truyện ngắn “Phẩm tiết” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cho đó là ảnh hưởng xu hướng “hạ bệ thần tượng” của các nước Phương Tây. Hai ông cho biết có một nhà thơ nổi tiếng đã tỏ ý lo ngại: Hôm nay nói xấu Quang Trung, rồi ngày mai sẽ nói xấu Bác Hồ. Nhiều người vẫn tỏ ý băn khoăn, vì cho rằng báo Văn Nghệ vừa qua đã làm được nhiều việc lớn mà lâu nay chưa làm được: phát hiện Nguyễn Huy Thiệp một cây bút tài năng; đưa ra ánh sáng những cường hào mới trong “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” (của Phùng Gia Lộc kể chuyện ở Thanh Hoá), vực dậy những hoàn cảnh thấp cổ, bé họng bị áp bức “Người đàn bà quỳ” (bút ký của Trần Khắc)…
“Những khuyết điểm, lệch lạc nghiêm trọng” của báo Văn Nghệ đã không bào chữa được việc “cách chức trá hình” đối với tổng biên tập Nguyễn Ngọc. Báo Tuổi Trẻ đăng thư ngỏ của 12 nhà văn thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ tổng biên tập đổi mới Nguyên Ngọc. Phụ bản tạp chí Cánh Én ở miền Trung ra chuyên đề ca ngợi Nguyên Ngọc đổi mới báo Văn Nghệ và lo ngại cho số phận tờ báo sẽ xuống dốc khi bản thân tổng biên tập bị trù dập. Nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi, nhà thơ Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt gửi thư ngỏ phản đối việc cách chức trá hình đối với tổng biên tập Nguyên Ngọc.
Sau đó ít lâu, nhà thơ Bùi Minh Quốc đến tòa soạn báo Lao Động cho tôi biết, anh đã bị tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định khai trừ Đảng và cách chức chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, do viết thư ngỏ và ý kiến nghị phản đối cách xử lý đối với nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi thay mặt báo Lao Động gửi văn thư kèm theo đơn thư của nhà thơ Bùi Minh Quốc về kỷ luật khai trừ Đảng đối với anh, gửi lên Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Văn thư có đoạn: Không nên khai trừ Đảng đối với một nhà thơ chiến sĩ, cả hai vợ chồng đã gửi lại đứa con nhỏ, cùng xông ra chiến trường, có những tác phẩm mạnh hơn bom đạn và người vợ đã là liệt sĩ.
Bên an ninh đòi xem bài báo của nhà văn Nguyên Ngọc trước khi tôi đọc, phải chăng vì tôi đã có biểu hiện lệch lạc ký một văn thư như thế?
Việc “chấn chỉnh tờ báo Văn Nghệ về nội dung và tổ chức” gây cơn sốt ngầm trong giới cầm bút Việt Nam một thời gian dài. Tuy nhiên, đối với nguyên tổng biên tập báo Văn Nghệ mọi việc đã qua, anh thanh thản sắp xếp cho mình và bạn bè những cuộc thâm nhập thực tế lý thú. Riêng tôi, cũng được anh mời cùng tháp tùng về làng Thổ Tang, một làng làm kinh tế thị trường ngay dưới thời bao cấp. Làng này là quê hương của hai lãnh tụ Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học, Vũ Hồng Khanh, là nơi Cô Giang tự bắn vào đầu mình để được chết theo người yêu cùng lý tưởng. Làng này dân đông đất ít, không có nhiều sản vật, nhưng cả làng đi mua sản vật mọi vùng đem về chế biến thành nhiều loại sản phẩm có chất cao, rồi bán ra khắp nước. Bà con ở đây kể: sau khi Huế giải phóng, Thổ Tang đoán chắc, sắp tới đồng bào miền Nam sẽ có yêu cầu rất lớn, được cung cấp lập tức lá cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh và ảnh Bác Hồ. Cả Thổ Tang trở thành đại công xưởng kiêm đoàn vận chuyển phân phối cờ và ảnh đáp ứng yêu cầu đột xuất của đồng bào miền Nam mà các cơ quan xuất bản và phát hành của nhà nước chưa kịp nghĩ ra. Từ đầu tháng 4 năm 1975, quân giải phóng tiến tới đâu, đại diện Thổ Tang mang cờ, ảnh Bác hồ tới kịp ngay sau đó. Mười năm sau đổi mới, làng Thổ Tang đã trở thành một thị trấn to đẹp. Nhà văn Nguyên Ngọc chính là người đầu tiên phát hiện điển hình kinh tế thị trường Thổ Tang. Cá nhân tôi cũng được mở mang cách nhìn cuộc sống từ những chuyến đi do anh tổ chức.
Biết đâu sự hứng thú thái quá của tôi trong cuộc tháp tùng nhà văn đã bị xem là không đủ bản lĩnh chính trị để đọc bài viết của anh? Theo gương anh trong chuyện này, tôi cũng sẽ không chấp nhận sự xúc phạm! Nhân ngày Quốc Khánh, tổng biên tập báo Lao Động gửi thư mời cục trưởng và cục phó A.25 là Lê Kim Phùng và Khổng Minh Dụ đến dùng bữa cơm thân mật. Hôm đó, thay mặt ban biên tập báo Lao Động tiếp khách có tôi và hai phó tổng biên tập là anh Huy Đan và anh Phạm Văn Nhàn. Giữa tiệc vui, tôi nói: “Có chuyện này, tuy tế nhị, nhưng là anh em, đồng chí với nhau, tôi muốn được hỏi thẳng hai anh”. Cả cục trưởng và cục phó đều tươi cười chờ đợi. Thấy tôi ngần ngừ, cục trưởng Đoàn Kim Phụng khuyến khích: “Anh em mình hiểu nhau quá có gì mà anh không ngần ngại, cứ nói thẳng với nhau đi mà!” Cục phó Khổng Minh dụ nói thêm “Tôi đã hoạt động khá lâu ở Bến Tre quê anh, các mẹ ở Bến Tre nhận tôi làm con. Tôi rất thích tính dân Nam Bộ mình, cứ thẳng băng. Anh coi tôi như anh em đồng hương đi nha”. Tôi nói: “Hỏi chuyện này tôi cũng rất ngại. Dù vậy, xin hỏi thiệt tình như anh em trong nhà! Có phải các anh đã gài đặc tình ở cơ quan chúng tôi?” Cả hai người sửng sốt nhìn tôi, rồi cùng hỏi: “Sao anh Công lại hỏi như vậy? Vì sao chúng tôi lại phải gài đặc tình vào cơ quan báo Lao Động? Tôi nói: “Tôi biết hỏi như vậy thật là kỳ cục lắm, đường đột lắm, cũng có thể coi là mất lịch sự nữa. Chuyện thế này, vừa qua, nhà văn Nguyên Ngọc có gửi tới một bài báo về đổi mới ở một địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tôi chưa biết, chưa đọc bài này, nhưng các anh đã biết, và cử anh Đỗ Văn Phú đến xin đọc trước. Tôi không giải thích được, nên cứ băn khoăn, đành hỏi thẳng hai anh. Tôi không lo chuyện có đặc tình của các anh đâu, vì chúng tôi đâu có làm gì mờ ám mà phải sợ và che giấu. Chúng tôi chỉ sợ các anh chọn nhầm một anh nào đó đang có thắc mắc cá nhân, thì sẽ thiếu công tâm. Nếu các anh dựa vào cấp ủy và các đoàn thể của báo Lao Động mà chọn người làm đặt tình thì tôi hoàn toàn yên tâm!”
Cả hai người lãnh đạo A.25 đều quả quyết với tôi là không hề có điều tôi lo nghĩ, chuyện anh Phú biết có bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc và xin được đọc, có lẽ do sự ngẫu nhiên nào đó. Ở đời, đâu có thiếu những trường hợp ngẫu nhiên! (Khi định viết lại chuyện này, tôi gọi điện hỏi lại anh Phú, nay đang làm ủy viên ban biên tập phụ trách kinh doanh của báo Lao Động. Anh Phú cho biết, lãnh đạo cục phân công anh đến xin báo Lao Động cho đọc bài của nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng nay đã qua 20 năm, anh không còn nhớ rõ nội dung bài).
Sau khi tôi hỏi chuyện “đặc tình”, không khí cuộc gặp gỡ có hơi trầm lắng so với lúc đầu. Hôm sau, rút kinh nghiệm chuyện này, hai anh phó tổng biên tập (tuy là phó, nhưng đều có thâm niên công tác lâu hơn tôi) cho rằng cách đặt vấn đề của tôi như vậy là quá “căng”, e từ nay quan hệ hai bên sẽ xấu đi! Tôi cũng thấy như vậy, nhưng không nghĩ ra cách nào tốt hơn! Tuy nhiên sau vụ này, cả hai anh Lê Kim Phụng và Khổng Minh Dụ vẫn tiếp tục gần gũi, giúp đỡ tôi và hoạt động của báo Lao Động, không chỉ như trước mà còn tốt đẹp, thân tình hơn. Trong nhiều vụ việc rắc rối, nếu hai anh ấy có định kiến không hay, thì tôi sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Cuối năm đó, có cuộc hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc, do ông Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị phụ trách khối Tuyên-Văn-Giáo của Đảng chủ trì (cùng với các ông Trần Trọng Tân, trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và ông Trần Hoàn, bộ trưởng Bộ Thông tin). Tôi xin lên diễn đàn hội nghị này, trình bày chuyện cán bộ A 25 yêu cầu đọc bài báo của nhà văn Nguyễn Ngọc trước tổng biên tập, để xin hội nghị xem xét. Tôi cho rằng cách làm như vậy không hợp lý và có hại, vì gây cho cán bộ, phóng viên thắc mắc, lo lắng, xì xầm: “Tại sao cơ quan an ninh đòi duyệt bài trước tổng biên tập?” Tôi nhận định: “Nếu đây là một cơ chế quản lý báo chí chính thức thì sẽ gây nhiều tác dụng xấu: Một là trách nhiệm và quyền hạn của tổng biên tập báo không rõ ràng; hai là gây bất ổn tư tưởng trong cán bộ phóng viên của tờ báo; ba là gây ra sự chồng chéo trách nhiệm quản lý, đưa tới mất đoàn kết giữa ban biên tập của báo với cơ quan an ninh. Tôi đề nghị: “Nếu tổng biên tập không đủ độ tin cậy thì nên thay người khác. Còn nếu Đảng cho rằng cần có một cơ chế để cả hai bên, tổng biên tập báo và cơ quan an ninh cùng chịu trách nhiệm, thì nên thực hiện công khai. Mỗi tòa soạn báo đều có bố trí một gian phòng cho cán bộ A.25 làm việc song song với tổng biên tập, để cùng duyệt bài, cùng chịu trách nhiệm”.
Tôi nhìn xuống thấy các đồng nghiệp cả nước chăm chú lắng nghe với vẻ đồng cảm. Ông trung tướng Dương Thông ngồi ở hàng đầu cau mày đăm đăm. Khi tôi nhắc lại, chủ tọa hội nghị, ông Đào Duy Tùng không tỏ thái độ tán thành hay phản đối mà cho nghỉ giải lao.
Gặp tôi ở bàn nước, anh Vũ Tuất Việt, tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng lôi tay tôi ra ngoài, góp ý: “Ông ơi, hôm nay hình như ông ấm đầu phải không? Hết chuyện rồi sao không đi gây sự với cơ quan an ninh?” Tôi nói: “Mình đâu có gây sự với cơ quan an ninh! Mình chỉ kiến nghị với Bộ Chính trị để đổi mới cách quản lý báo chí, làm thế nào cho sự cộng đồng trách nhiệm hợp lý hơn, không chồng chéo, không gây hiểu lầm thôi mà!” Anh Vũ Tuất Việt vẫn chưa chịu: “Để rồi coi! Ông sẽ thấy hậu quả của việc này!” Sao giờ nghỉ giải lao vào, và cho tới kết thúc hội nghị, ông Đào Duy Tùng vẫn không đề cập đến vấn đề này.
Sáng hôm sau, khi tôi vừa bước vào cửa cơ quan báo Lao Động thì anh Phạm Văn Nhàn phó tổng biên tập chờ sẵn, kéo tôi đi gặp riêng, hỏi: “Hôm qua, anh phát biểu ở hội nghị tổng kết báo chí, nêu lại chuyện A.25 yêu cầu cho duyệt bài của nhà văn Nguyên Ngọc trước phải không?” Tôi ngạc nhiên: “Vì sao anh biết mà hỏi vậy?” Anh Nhàn đáp: “Anh Đức Lạc nhà mình cho biết (anh Đức Lạc là anh ruột anh Nhàn, là ủy viên Thường vụ thành ủy thành phố Hà Nội). Anh Nhàn kể tiếp: “Tối qua, anh Đức Lạc gọi mình, kể: sau khi rời hội nghị tổng kết báo chí, ông trung tướng Dương Thông trên đường về đã ghé nhà anh Đức Lạc với vẻ mặt bực tức chưa nguôi. Ông ấy kể cho anh Đức Lạc nghe nội dung phát biểu của anh, rồi nhận xét ‘chưa từng thấy tay nào ăn nói láo lếu quá sức như cái tay tổng biên tập này!’” Nghĩ cũng lạ, người đang giận tôi là hai anh Lê Kim Phụng và Khổng Minh Dụ thì lại không hề giận. Tại sao ông trung tướng này là giận dữ đến mức như vậy? Tôi liền gửi cho ông một lá thư:
“Kính anh Dương Thông,
Được biết anh rất khó chịu Đối với phát biểu của tôi ở hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc? Anh đã hiểu lầm là tôi công kích ngành an ninh! Cuộc hội nghị này do đại diện Bộ Chính trị là đồng chí Đào Duy Tùng chủ trì, nhằm rút kinh nghiệm để cải tiến cơ chế quản lý báo chí sao cho phù hợp với đổi mới. Tôi nêu vấn đề nhằm mục đích góp phần cùng với Đảng tìm ra cách làm tốt hơn, khắc phục được sự chồng chéo, dậm chân nhau, gây ra hiểu lầm. Anh đừng nghĩ, phát biểu của tôi ở hội nghị là nhằm phê bình cách làm việc của các anh. Rất mong được trao đổi ý kiến thêm với anh để thông cảm nhau hơn”.
Đáng tiếc là tôi không nhận được hồi âm của trung tướng Dương Thông. Dù vậy tôi vẫn nghĩ rằng giữa ông và tôi không có chút hiềm khích cá nhân nào. Khoảng cách giữa ông và tôi chỉ là một câu hỏi: “Cỗ xe báo chí trên con đường tự do, cần bao nhiêu tay lái?” Câu hỏi này chắc sẽ làm cho các quốc gia có nền báo chí tự do vô cùng kinh ngạc!
Anh Nguyên Ngọc cũng vấp bước trên con đường tự do ấy, chuyện báo Văn Nghệ chỉ là giọt nước tràn ly. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn đã hy sinh cả tuổi trẻ, ấp ủ “đề dẫn tự do sáng tạo những tác phẩm xứng tầm thời đại” nghĩ rằng, đã đến lúc nói to ước mơ cao cả đó với đồng nghiệp. Anh đã nhầm! Tiếng nói của quyền lực lập tức át giọng anh: “Thời đại là thế nào hè! Thực tế của ta bây chừ là rất đẹp, có thể nói là tuyệt diệu. Tại sao các đồng chí ngại ghi chép hả? Thậm chí sao chép cũng đẹp” (lời ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu tại cuộc họp các nhà văn đảng viên tháng 6 năm 1979, bác bỏ Đề dẫn sáng tác văn học của Nguyên Ngọc. Trích “Nhớ lại” của Đào Xuân Quý).
Biểu hiện mới nhất của khoảng cách về tự do là chuyện nhà văn Nguyên Ngọc cùng các bạn ông biểu tình chống Trung Quốc gây hấn đã bị Đài Truyền hình Hà Nội xếp vào loại phản động. Tôi lại có lời khuyên gửi tới các đồng nghiệp Hà Nội ngày 1 tháng 9 năm 2011 là: “Nên xin lỗi nhà văn Nguyên Ngọc!” Nhưng cuối cùng tôi đành chia sẻ với anh nỗi thất vọng khi bến bờ tự do còn xa tít. Nay mừng anh tròn 80 xuân, với hai phần ba thế kỷ cầm bút, cầu mong sẽ đến một ngày những bài viết đau đáu vận nước của anh vang lên trong tự do.
Bài viết “Từ một bài báo nhỏ” trong năm 2012 đã được nhà xuất bản Tri Thức in trong tập sách “Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa”. Sách in xong, an ninh văn hóa không cho phát hành vì bài “Từ một bài báo nhỏ” và bài “Những dịch phẩm của tự do” của tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy. Ông Chu Hảo Giám đốc Nhà Xuất bản đề nghị: Tổ chức cuộc đối thoại giữa ba bên: nhà xuất bản, các tác giả và an ninh văn hóa. Sau một tuần cân nhắc, an ninh văn hóa không nhận đối thoại mà đồng ý cho phát hành quyển sách.”
Năm 2015 anh vào Sài Gòn mời một số anh em, Bùi Chát, Hoàng Hưng, Phạm Đình Trọng, Hoàng Dũng, Lưu Trọng Văn, Lê Phú Khải và tôi khởi xướng cuộc vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam. Văn đoàn đã tổ chức mạng Văn Việt được bạn đọc hâm mộ.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (55): Nhà báo Trần Minh Tước – Xích Điểu
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (57): Hầu chuyện Trần Xuân Bách