Tháng 3 năm 1990, ông Nguyễn Hộ rời thành phố về sống ở vùng Phú Giáo, miền Đông Nam bộ. Cuối tháng 8, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đến gặp, khuyên ông nên về Sài Gòn. Ông nói: “Phải chi anh bảo tôi sớm hai tháng thì tôi về. Bây giờ đã muộn rồi, vì tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bí thư thành ủy Võ Trần Chí và các ông Mai Chí Thọ, Trần Trọng Tân chỉ đạo vu cáo tôi, cho rằng tôi là tên phản động, móc nối với CIA, lập Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến để chống Đảng. Họ đã đẩy tôi xuống bùn đen. Trong tình hình như vậy, tôi về thành phố làm gì. Tôi chỉ trở về thành phố khi đất nước Việt Nam có dân chủ tự do”. Khoảng nửa tháng sau, ngày 7 tháng 9 trong khi ông đang bơi xuồng trên sông hái rau cho bữa cơm thì bị công an bắt, xích tay đưa về Sài Gòn giam giữ ở nhiều nơi, cuối cùng quản thúc ông tại nhà.
Tôi biết tiếng ông Nguyễn Hộ từ thời chống Pháp, khi ông là Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp Công đoàn Nam bộ. Năm 1960 tôi vào làm báo Lao Động thì ông là ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1962 nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu thực hiện bảo hiểm xã hội và giao cho Tổng Công đoàn quản lý. Ông Nguyễn Hộ làm trưởng ban Bảo hiểm Xã hội, hai phó ban là Lương Bình Áng, Nguyễn Văn Lạc (Lương Bình Áng sau tháng 5-1975 là giám đốc sở lao động Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguyễn Văn Lạc loạn luân, bị Lê Duẩn đòi truy tố, đã tự tử). Tôi được báo Lao Động phân công tuyên truyền hoạt động bảo hiểm xã hội nên thường tiếp xúc với ông. Tôi đã viết quyển sách những bài học qua một năm thực hiện luật bảo hiểm xã hội, nhờ ông đọc trước khi đưa cho Nhà Xuất bản Lao động. Tháng 7-1975, tôi được phân công vào Sài Gòn thành lập tờ báo Lao Động Mới, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam. Sau đó tôi là tổng biên tập đầu tiên của báo Công Nhân Giải Phóng (nay là Người Lao Động) và kiêm trưởng ban Tuyên giáo của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam do ông làm chủ tịch.
Ông là người bộc trực, gặp truyện trái ý thì hay to tiếng. Có lần ông ủng hộ hợp tác xã Phước Thanh (ở đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ) khi cơ sở này xin phép luyện bô xít ra nhôm thỏi. Tôi góp ý với ông: Luyện nhôm không khó. Cái khó là nó tiêu hao lượng điện quá lớn, trong lúc chúng ta cần điện để làm những việc cấp thiết hơn. Thế là ông quát to, “anh đừng có mà thọc gậy bánh xe”. Nhưng sau khi nắm rõ mọi chuyện, ông tìm tôi nói lời xin lỗi.
Ông là người rất thoáng trong truyện dùng người. Ông đưa linh mục Phan Khắc Từ làm Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, vì việc này mà Hoàng Quốc Việt và nhiều vị bảo thủ trong Đảng phản đối dữ dội.
Chính Phan Khắc Từ đã kể với tôi: trước năm 1975, ông nhận nhiệm vụ làm chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Lao động, sau đó được ông Trương văn Khâm ủy viên Thường vụ Liên hiệp Công đoàn Giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định đưa vào rừng Long Thành gặp ông Nguyễn Hộ lúc đó là ủy viên Thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định phụ trách dân vận, công vận, hoa vận. Ông Từ kể: “Lúc đó, ông Nguyễn Hộ vô cùng hấp dẫn đối với tôi. Một người cao lớn, tiếng nói trầm ấm, ngồi giữa rừng sâu mà phân tích tình hình trong nước và thế giới đâu ra đó. Đặc biệt ông nói về thái độ của các tầng lớp, đảng phái, giai cấp ở Sài Gòn hết sức sáng tỏ. Tự nhiên tôi cảm nhận đây là bài giảng của một đức ‘tổng giám mục cách mạng’. Tôi muốn sống bên cạnh ông để được truyền thụ đức tin cách mạng. Khi nghe tôi ngõ ý như vậy, ông nói ‘cách mạng cần đức cha ở tại thành phố, bởi vì công việc đức cha đang làm không đảng viên nào có thể thay thế được. Đức cha cứ tiếp tục hoạt động thực tế, chính chúng tôi phải học hỏi đức cha’”.
Một lần, ông triệu tập họp ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn vào buổi tối và tại nhà riêng của ông ở đường Trần Quốc Thảo. Hôm đó trời nóng, nhưng tôi đang bị cảm, nên mặc áo len. Ông hỏi, cậu bịnh à, rồi quay vào trong gọi “Chánh ơi! Ra đây, ra đây!” Cửa phòng mở, một anh cao lớn, có bộ râu ngoách hiếm thấy bước ra. Ông Nguyễn Hộ chỉ tôi, nói “cậu giải cảm giùm thằng cha này coi”. Chánh bước lại sờ trán tôi, bảo vén áo lên và xoa lưng tôi mấy cái rồi nói “Xong! Sáng mai bác bình phục”. Sau khi Chánh đã vào phòng, ông nói: “Nó bị Ủy ban Nhân dân Quận 6 cấm hành nghề, dọa bắt. Mình đưa nó về trốn ở đây, nuôi cơm và xem nó có tài thực hay nói dóc. Thấy ra nó có tài thực đấy. Mấy cái ông duy vật nhà mình là chúa đa nghi!” Sáng hôm sau, tôi phải đi nhà thương cấp cứu, nhưng không muốn cho ông biết. Một trường hợp khác là ông Bùi Quốc Châu, người sáng tạo ra môn “Diện Chẩn” (xem mặt đoán bệnh như câu ca dao: “Xem mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo thì lòng mới ngon.”). Bùi Quốc Châu đang bị nhiều ông thầy đông y có vai vế kích bác. Ông Nguyễn Hộ mời Bùi Quốc Châu tới thuyết trình cho mình nghe “học thuyết Diện Chẩn”. Nghe xong, ông nói “cậu cố gắng nghiên cứu để hoàn chỉnh Diện Chẩn, mình sẽ làm mọi cách giúp cậu”. Với tư cách phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố, ông gửi công văn yêu cầu Sở Nhà đất cấp ngôi nhà 17B Trần Quốc Thảo để nhà phát minh diện chẩn Bùi Quốc Châu có nơi nghiên cứu và thực nghiệm. Năm 1988 tôi ra Hà Nội, phóng viên Liên Xô Kalatnikov hỏi Sài Gòn có gì mới, tôi kể chuyện diện chẩn của Bùi Quốc Châu cho anh nghe. Kalatnikov báo về Liên Xô, ít lâu sau Bùi Quốc Châu được mời sang Mátxcơva. Từ Mátxcơva truyền tin sang Cu Ba. Bùi Quốc Châu được Cu Ba mời sang và phong “tiến sĩ danh dự”.
Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Hộ xin thành lập Hội Những Người Kháng Chiến Cũ nhằm mục đích phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống. Trong đơn xin thành lập Hội, ông cho rằng đây là thực hiện quyền công dân đã được Hiến Pháp ghi nhận. Nhưng lãnh đạo Thành ủy không chấp nhận việc thành lập hội mà chỉ cho ông thành lập Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Ông chất vấn: vì sao Hiến Pháp ghi nhận quyền lập hội mà người dân không được cho phép? Không được trả lời, ông đành phải chấp nhận thành lập Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ và xây dựng nội dung hoạt động như sau:
Hoạt động bằng các hình thức: tổ chức hội thảo, mít tinh, kiến nghị, viết báo, xuất bản tờ báo Truyền Thống Kháng Chiến, nhằm các mục tiêu cụ thể như chống tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, bức hiếp trù dập quần chúng, tham nhũng, bè phái, bao giờ lẫn nhau vì đặc quyền đặc lợi trong hàng ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước.
Xây dựng tổ chức, phát triển thành viên, thực hiện đoàn kết, tương trợ, thăm hỏi, chăm sóc gia đình anh chị em có khó khăn, thương binh, liệt sĩ.
Kiến nghị Bộ Chính trị phải kiểm điểm định kỳ về sự lãnh đạo của mình, ai có tài có đức thì tiếp tục phát huy, ai không đủ tài đức thì phải rút lui, không cho phép “sống lâu lên lão làng”.
Đòi phải thực hiện bầu cử dân chủ, chấm dứt hình thức bầu cử độc diễn. Đòi Quốc Hội cách chức những bộ trưởng, thứ trưởng kém năng lực, thiếu trách nhiệm đưa tới nạn đói trên 10 triệu người năm 1987, và làm cho nhân dân cả nước sống cơ cực kéo dài.
Đảng Cộng sản coi những đòi hỏi kể trên đe dọa quyền lãnh đạo của mình, đã làm mọi cách để ngăn chặn: cấm hội thảo, mít ting, cấm ra báo, tịch thu báo Truyền Thống Kháng Chiến tại nhà in. Do có quan hệ rộng, Ông Nguyễn Hộ đưa số báo thứ ba xuống Mỹ Tho, Cần Thơ in được 20.000 tờ. Hôm anh em đưa báo Truyền Thống vừa in xong về Sài Gòn, gặp lúc tôi đến nhà thăm ông. Ông đưa cho tôi 20 tờ và dặn: cậu mang báo ra Hà Nội phân phát cho anh em cán bộ Tổng Công đoàn và nghe góp ý, rồi phản hồi lại, để mình rút kinh nghiệm làm cho tờ báo càng ngày càng tốt hơn.
Ngay hôm sau, sở văn hóa thành phố ra lệnh tịch thu báo, cấm phát hành. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, bí thư thành ủy Võ Trần Chí chỉ đạo kế hoạch đàn áp Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ, ra lệnh cấm hoạt động, cấm ra báo. Trước tình hình đó, ngày 21-3-1990 ông Nguyễn Hộ rời thành phố, tuyên bố “ly khai đảng Cộng sản, để tiếp tục đấu tranh thực hiện tự do, dân chủ cho nhân dân”. Lập tức những thành viên còn lại của câu lạc bộ bị bắt giam: Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, Lê Đình Mạnh… Trong một lần bơi xuồng hái rau cho bữa cơm chiều, ông bị cảnh sát còng tay bắt đưa về Sài Gòn. Trong thời gian bị quản thúc tại nhà, ông Nguyễn Hộ tự thấy mình hoàn toàn tự do: “Trên đầu tôi không còn bị kẹp chặt bởi cái ‘kiềm sắt chủ nghĩa Mác-Lênin’. Tôi nhìn thẳng vào sự thật, dám chỉ ra sự thật. Tôi tự phát hiện cho mình nhiều điều lý thú mà bạn đọc sẽ thấy trong bài viết này”. Ông đã chấp bút tác phẩm “Quan Điểm và Cuộc Sống”, rút ra những kết luận nhức nhối về tình trạng đất nước dưới chế độ toàn trị của đảng Cộng sản. Sau đây là những tiêu đề trong quyển sách của ông:
Dân chủ tự do là thước đo chính xác lòng trung thành của đảng Cộng sản đối với nhân dân.
Những hệ quả khi các quyền tự do dân chủ của nhân dân bị tước đoạt.
Đảng Cộng sản Việt Nam quy chụp trấn áp những ai có ý kiến khác họ.
Đảng Cộng sản Việt Nam chống đa nguyên, đa đảng.
Đa nguyên: biểu hiện muôn màu của mọi sự vật.
Dân chủ tự do phải trả giá.
Chuyên chế, độc tài: thách thức nghiêm trọng của dân tộc Việt Nam.
Ý thức hệ cộng sản dẫn đến các việc đàn áp tôn giáo.
Xin trích ra một vài đoạn:
“Tôi làm cách mạng trên năm 56 năm, gia đình tôi có hai liệt sĩ: Nguyễn Văn Đảo, anh ruột, đại tá quân đội nhân dân hi sinh ngày 9 tháng 1 năm 1966 trong trận ném bom đầu tiên của quân xâm lược Mỹ vào Việt Nam. Trần Thị Thiệt, vợ tôi – cán bộ phụ nữ Sài Gòn, bị bắt và bị đánh chết tại Tổng nha Cảnh sát hồi Tết Mậu thân, 1968. Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì suốt 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục.”
Đầu năm 2008, ông đã dành cho anh Nguyễn Tiến Trung – Tập hợp Thanh niên Dân chủ một cuộc phỏng vấn. Ông nói “Không dân chủ là phản bội! Trời đất ơi! Không dân chủ là phản bội!” Ông cho rằng không thể chấp nhận chỉ đổi mới kinh tế mà không đổi mới thể chế chính trị. Ông nói: “Nếu muốn nói cải cách cho đúng nghĩa của nó thì phải toàn diện. Hiện nay chủ yếu chỉ là tập trung giải quyết kinh tế thôi, còn chính trị đã có Đảng có Nhà nước lãnh đạo. Chưa chắc đúng! Bởi vì theo quy luật, thường thường thằng cha nào có quyền trong tay thì nó luôn luôn hướng về độc tài. Nhân dân là chủ chứ không phải anh là chủ. Dân tộc Việt Nam là chủ đất nước. Không phải dân tộc Việt Nam chỉ biết có ăn thôi. Kinh tế là chỉ biết có ăn thôi! Không lẽ dân tộc này chiến đấu xong rồi chỉ biết có ăn thôi, không biết nói, không biết suy nghĩ gì hết? Không phải vậy! Anh hiểu như vậy là không đúng! Anh coi thường dân tộc anh! Không cho phép anh suy nghĩ như vậy.”
Quyển “Quan Điểm của Cuộc Sống” khiến ông bị bắt lần thứ hai. Tổ chức theo dõi nhân quyền đã tặng thưởng cho ông Giải tự do phát biểu Hellmann-Hammett.
Hàng tháng, anh Đinh Khắc Cần phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh với danh nghĩa đại diện cơ quan đến thăm thủ trưởng cũ, giúp ông những khó khăn trong đời sống. Một dịp Tết, tôi đến mừng tuổi ông. Ông đưa tôi xem tấm thiệp của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chúc tết ông: “Cậu xem này, họ vẫn cứ gọi mình là đồng chí!” Tôi cười nói: “Người ta muốn chiêu hồi anh đó mà”. Ông đáp: “Mình không chiêu hồi họ thì chớ, làm sao họ chiêu hồi mình được. Chính nghĩa thuộc về mình mà!”
Ông qua đời ngày 2 tháng 7 năm 2009 thọ 93 tuổi trong sự bùi ngùi thương tiếc của những người Việt Nam đấu tranh cho tự do dân chủ. Ông Hà Sĩ Phu đã viết câu đối viếng ông:
“Quan điểm tựa Sáu Dân mấy trận sửa sai thành quyết tử
Cuộc sống như Năm Hộ, hai lần kháng chiến để trường sinh.”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (57): Hầu chuyện Trần Xuân Bách
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (59): Tổng chỉ huy đường dây 500 kV Vũ Ngọc Hải phải vào tù