Báo Lao Động vào ngày 6 tháng 5 năm 1990, có bài “Ai chịu trách nhiệm về tình hình điện hiện nay?” của nhà báo Nguyễn Minh Đức. Bài báo cho rằng miền Nam thiếu điện là do lãnh đạo ngành điện thiếu trách nhiệm, câu cuối bài “chúng tôi chờ người có trách nhiệm cao nhất của ngành điện trả lời thẳng thắn và trung thực”. Ngay hôm sau, Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương Đảng mời Chủ tịch, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cùng với Tổng Biên tập báo Lao Động lên văn phòng của ban để đối thoại với Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải. Tôi đến sớm đứng trước khu nhà để đón chủ tịch Nguyễn Văn Tư và phó chủ tịch Cù Thị Hậu vì hai người này chưa từng đến đây. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đến sớm. Thấy ông, tôi lên tiếng chào, nhưng ông ngoảnh mặt, đi thẳng. Chủ trì cuộc họp là Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trần Trọng Tân. Mở đầu, ông Tân tỏ ý lấy làm đáng tiếc sự việc đã đưa tới bất hòa không đáng có giữa các đồng chí, mong rằng với thiện chí xây dựng trong buổi gặp gỡ này sẽ tháo gỡ được vướng mắc, hai bên thông cảm nhau. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đặt câu hỏi “tại sao một trung ủy (chữ ông dùng có ý nói ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng), có thể bị bêu rếu trên báo quá dễ dàng như vậy? Anh Công đâu có xa lạ gì đối với tôi, mới hồi đầu năm tôi đã mời anh nâng ly mừng năm mới. Tòa báo của anh cũng đâu có quá xa cơ quan Bộ Năng lượng, thế mà tại sao anh không thèm hỏi tôi một câu?” Chủ tịch Nguyễn Văn Tư đề nghị tôi phát biểu. Tôi cho rằng luật báo chí không quy định những đòi hỏi của bộ trưởng, nhưng tôi cũng nhận là mình có thiếu sót về cách cư xử với anh Hải với tư cách là những người từng có quan hệ thân mật. Bây giờ sự việc đã ra công luận, tôi đề nghị Bộ Năng lượng, hoặc là có bài tiếp thụ phê bình, nói rõ sự chậm trễ của mình do có những khó khăn, hoặc là hoàn toàn bác bỏ bài báo của chúng tôi. Chúng tôi đăng nguyên văn bài của Bộ Năng lượng và sau đó chúng tôi xin phép sẽ có bài đáp lại. Chúng ta cứ đối đáp như thế cho tới khi tìm ra sự thật. Cả hội nghị im lặng mấy phút, sau đó ông Trần Trọng Tân hỏi ý kiến ông Hải và ông Hải trả lời tán thành cách xử lý đó. Cuộc họp kết thúc.
Một tuần sau, chánh văn phòng Bộ Năng lượng thừa lệnh Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải mang đến tặng báo Lao Động hai chai rượu ngoại và một lá thư cảm ơn bài “phê bình xây dựng ngành năng lượng chúng tôi”. Sau đó ít lâu, tôi có dịp gặp lại Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, ông phân trần: “Tôi không thể công khai trả lời trên báo rằng ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng miền Nam thiếu điện như hiện nay. Bởi vì đó là cấp rất cao, ở trên chính phủ, nói như vậy chắc anh đã biết. Do đó, ở thời điểm này, chúng tôi đành chịu tội oan vậy, hy vọng rồi thời gian sẽ minh oan”.
Ông Võ Văn Kiệt được bầu làm thủ tướng ngày 8 tháng 8 năm 1991, ngay sau đó ông bàn với tổng bí thư Đỗ Mười việc xây dựng đường dây 500 kV tải điện từ Bắc vào Nam. Có người nhắc ông về chủ trương bán điện cho Trung Quốc của nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông Kiệt nói, “miền Nam đang thiếu điện tại sao không nghĩ cách đưa điện vào Nam? Tôi còn làm thủ tướng thì không bao giờ bán điện ra nước ngoài, trong khi có nơi đồng bào chưa có điện”. Ông Đỗ Mười tán thành ý kiến ông Kiệt, nhưng không đưa ra bàn trong Bộ Chính trị vì biết sẽ có người phản đối. Sau cuộc mật đàm Thành Đô, ông Linh chủ trương bán điện cho Trung Quốc để tăng cường quan hệ hữu nghị hai nước xã hội chủ nghĩa anh em. Nhưng đến hết nhiệm kỳ, ông vẫn chưa thực hiện được việc bán điện cho Trung Quốc, vì chưa xây dựng được đường dây tải. Lê Đức Anh, cái đuôi của Nguyễn Văn Linh, nhân vật thứ hai trong bộ chính trị, chủ tịch nước, kẻ có mặc cảm từng là cấp dưới của ông Kiệt nên luôn ngấm ngầm chống lại. Ngày 25 tháng 2 năm 1992 chính phủ quyết định xây dựng đường dây 500 kV Bắc Nam dài 1487 km có 3000 trụ điện. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải được giao nhiệm vụ như một tổng công trình sư. Ngày 24 tháng 3 năm 1992 ông Nguyễn Hà Phan đề nghị ông Kiệt dự buổi khai mạc kỳ họp cuối của Quốc Hội khóa 8, nhưng ông Kiệt từ chối, để đi ngay lên công trình đường dây 500 kV. Khởi công đường dây 500 kV trước kỳ họp Quốc Hội đã làm mất lòng các vị lãnh đạo Quốc Hội. Bà Ngô Bá Thành được ông Nguyễn Văn Linh đưa làm chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội to mồm phán, không có ý kiến của Quốc Hội, sau này trụ điện đổ thì ai chịu trách nhiệm. Tháng 9 năm 1992, tại cuộc họp hội nghị cán bộ tổ chức toàn quốc tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Linh với tư cách “cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng” đã lên án ông Kiệt “làm đường dây 500 kV là một chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tiền của nhà nước, tiêu tiền của nhà nước để gây thanh danh cho cá nhân”. Trong tình hình như vậy, xuất hiện lá thư của giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn từ Pháp gửi về cho rằng đường dây dài sẽ tạo ra chênh lệch 1/4 bước sóng không thể tải điện vào Nam được. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải trả lời bằng phương án bù 1/4 bước sóng. Ông Kiệt khẳng định, “chúng ta nhất định thành công, nếu thất bại tôi xin chịu cách chức”.
Ông Hải không biết rằng mình đang ở trong tầm ngắm của những kẻ chống chủ trương xây dựng đường dây, nói cho đúng là của những kẻ quyết chống ông Kiệt. Dịp Tết năm 1992 ông Đoàn Trung Thành tổng giám đốc Công ty Vinapol, thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan báo cáo với ông Hải chủ tịch hội này, rằng quỹ của hội đã cạn. Ông Hải vừa được các công ty xây lắp đường dây báo cáo là đến tháng 3 năm 1992 vẫn chưa nhập khẩu kịp số thép cần cho việc thi công đường dây 500K. Do đó, Ông Hải gợi ý ông Thành cung ứng 4000t thép trong tháng 3, để kịp đáp ứng cho việc thi công đường dây 500 kV và việc này sẽ giúp Vinapol thu được 3,1 tỉ đồng tiền Việt Nam bổ sung cho quỹ hội. Các báo ở trung ương rộ lên phê phán vụ này là “mua bán lòng vòng làm thất thoát 3,1 tỉ đồng của đường dây 500 kV”. Ông Nguyễn Văn Linh và đệ tử ruột Lê Đức Anh coi đây là dịp tốt để hạ thủ ông Võ Văn Kiệt, họ cho đây là vụ rút ruột công trình và quyết liệt đòi phải nghiêm trị. Ông Kiệt cho rằng việc làm này là sai, nhưng không có động cơ tư lợi, chỉ nên phê bình rút kinh nghiệm. Dịp đó, tôi và anh Phạm Thanh trưởng Ban Công nghiệp báo Nhân Dân cùng một số đồng nghiệp bàn với nhau, liệu vụ này sẽ kết cục thế nào? Chúng tôi cho rằng đây không phải là vụ tham nhũng, không phải “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 22 của Bộ Luật Hình sự. Anh Phạm Thanh hạ giọng thì thầm, “luật gì cũng thua ý kiến của các cụ. Ông Kiệt muốn tha, ông Lê Đức Anh quyết chém đầu, chỉ còn chờ ông Đỗ Mười ngã về phía nào. Nếu ông Đỗ Mười ngã về ông Lê Đức Anh thì Vũ Ngọc Hải phải ‘bóc lịch’”. Tòa án tối cao cũng chỉ cố gắng diễn sao cho thật đẹp “bản án bỏ túi”!
Dự đoán của chúng tôi đúng nhưng chưa đủ: ông Đỗ Mười không chỉ đứng về phía ông Lê Đức Anh mà là phải thực hiện ý của “cố vấn Nguyễn Văn Linh”. Dù đã cho ý kiến với ông Mười, nhưng ông Linh còn trực tiếp ra Hà Nội gặp Lê Thanh Đạo, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cho ý kiến phải đưa ông Hải vào “khung 2” tức là vào tù. Tòa án Nhân dân Tối cao diễn vượt yêu cầu của ông Linh, ông Mười, ông Anh: đưa vụ án ra xử một phiên sơ thẩm đồng thời là chung thẩm, tước quyền lợi của bị cáo không được qua phiên phúc thẩm. Ông Vũ Ngọc Hải nhận ra cái gốc của vấn đề quá muộn màng: Người ta cho ông vô tù “vì họ muốn ‘chơi’ đường dây 500 kV”! Báo Lao Động đưa đầy đủ ý kiến bào chữa sắc bén của các luật sư và là tờ báo duy nhất đăng lời phát biểu cuối cùng của ông Vũ Ngọc Hải: “Tôi đã nhận khuyết điểm trước chính phủ. Còn nếu kết tội thì phải theo pháp luật. Chính vì vậy tôi đã trình bày trước tòa các yếu tố cấu thành tội phạm theo điều 221 của Bộ Luật Hình sự, tôi đều không vi phạm. Lấy chứng cớ nào để buộc tội tôi đạo diễn ra vụ này? Trong mấy ngày qua, tôi đã được khích lệ ở sự sáng suốt công minh của hội đồng xét xử khi đưa những lời ‘cung’ buộc tội tôi ra cho phân tích, cuối cùng những lời cung vô căn cứ đã bị phủ định. Phần còn lại, tôi hết sức tin tưởng vào hội đồng xét xử sẽ kết luận tôi vô tội”. Lòng tin tưởng của ông vào sự công minh của luật pháp đã bị giáng một đòn nặng: Ba năm tù không cho kháng án! Tết năm 1995 ông Kiệt gợi ý ông Mười ban lệnh đặc xá mấy ngàn phạm nhân. Biết tin này, ông Linh kêu lên “đây là con bài để tha thằng Vũ Ngọc Hải”!
Sau khi ra tù, ông Hải bay vào Sài Gòn nhờ nhà báo Minh Thu mời tôi và hai nhà báo Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức gặp nhau ở quán Tip của gia đình Trịnh Công Sơn cùng nâng ly mừng với nhau như những “chiến hữu”. Tôi đến muộn, lúc tôi vừa tới, ông Hải từ thêm nhà hàng chạy vội ra đón, ôm chầm lấy, nói như reo lên: “Anh Công, được gặp nhau, vui quá!”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (58): Ông Nguyễn Hộ ly khai đảng Cộng sản
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (60): Hai cuộc phỏng vấn