Năm 1992, tờ báo đã tích lũy được một số tiền khá lớn, chúng tôi chủ trương trang bị máy móc hiện đại cho Xí nghiệp In Lao Động ở Hà Nội. Sau khi vay thêm tiền ở ngân hàng đầu tư phát triển, tôi mời ông tổng giám đốc bữa cơm. Tôi để máy ghi âm trên bàn, rồi vừa ăn vừa trò chuyện với ông tổng giám đốc về những khó khăn trong hoạt động của ngân hàng đầu tư và phát triển, những đề án vay tiền có kèm theo thư tay của một “ông cốp”, tệ “phết phẩy” (hưởng tỉ lệ phần trăm khi thực hiện dự án vay). Tôi mở máy ghi âm chép lại cuộc trò chuyện, chuyển cho ông tổng giám đốc xem lại trước khi đăng báo. Bài báo đã gây tác động mạnh trong dư luận. Nhà báo Lý Quý Chung cho rằng bài này có thể làm mẫu cho trường báo chí khi sinh viên học thể loại phỏng vấn.
Tết năm 1992 (Nhâm Thân), tôi gọi điện anh Hà Nghiệp trợ lý tổng bí thư Đỗ Mười đề nghị anh bố trí giúp tôi gặp phỏng vấn Tổng Bí thư để đăng báo. Anh Hà Nghiệp bảo tôi: “Anh ơi, tổng bí thư chỉ trả lời trong cuộc họp báo có phóng viên trong ngoài nước sau đại hội Đảng thôi. Anh muốn Tổng Bí thư nói gì cho tờ báo của Công đoàn thì anh cứ đặt câu hỏi và anh cũng viết nội dung trả lời giùm luôn. Sáng thứ hai, anh Mười nói chuyện với cán bộ thủ đô tại hội trường Ủy ban Nhân dân Thành phố. Anh đến sớm, khoảng 11 giờ 15, chịu khó chờ anh ấy kết thúc cuộc nói, để đưa bài cho ông ấy xem lại và tôi bố trí để chụp bức ảnh anh phỏng vấn tổng bí thư”. Quá ngây thơ, tôi cứ tưởng bở, phen này ta sẽ đưa ý kiến Tổng Bí thư giải phóng cho Công đoàn thực sự là một tổ chức thay mặt và bảo vệ quyền lợi của công nhân, không phải là thân phận của một lũ “ăn theo nói leo” nữa. Tôi đã đặt vào miệng ông Tổng Bí thư những lời vàng ngọc về trách nhiệm của công đoàn tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kèm theo phải có kế hoạch bảo hộ lao động, đảm bảo tiền lương tương xứng với lao động bỏ ra, tổ chức bữa ăn giữa ca đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh; Công đoàn phải căn cứ tình hình thực tế để chủ động đề ra biện pháp giải quyết, không nên chờ đảng ra nghị quyết rồi mới dựa theo đó mà lập chương trình hành động (câu này đã phạm huý vô cùng nghiêm trọng).
Tôi đến sớm hơn giờ hẹn mười lăm phút. Tổng bí thư đang nói chuyện với cán bộ Hà Nội. Tôi ngồi với anh Hà Nghiệp đến hơn 12 giờ trưa mà ông ấy vẫn chưa dừng lời! Khi rời hội trường, ông có vẻ rất mệt mỏi, ngồi phịch xuống ghế ngã bật ra sau. Anh Hà Nghiệp bố trí cho tôi ngồi một cái ghế bành ngang với ông qua chiếc bàn nhỏ. Tôi cho ngồi như vậy giống như hai chính khách ngồi đàm luận, không giống nhà báo phỏng vấn, nên chạy tìm một cái ghế khác kiểu đặt chênh chếch phía ngoài ông ấy.
Hôm sau, văn phòng tổng bí thư gửi lại tòa báo bài phỏng vấn. Tôi đọc, không còn một chữ nào của tôi cả! Tôi đọc mà phát ngượng vì phải đứng tên bài “phỏng vấn” này: hỏi điều mà ai cũng biết. Trả lời y như từ nghị quyết đại hội đảng mà suốt năm qua mọi người đó phải nghe đi, nghe lại đến phát chán. Anh em trong ban biên tập an ủi tôi: “Có ảnh tổng bí thư trả lời tổng biên tập ở trang bìa tờ báo Xuân là sang trọng rồi. Ngày Tết người ta chỉ xem qua chớ có ai đọc đâu. Bài này người ta gọi là loại bài ‘cúng cụ’ mà!”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (59): Tổng chỉ huy đường dây 500 kV Vũ Ngọc Hải phải vào tù
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (61): Hầu Ban Tuyên huấn