Seite auswählen

Làm báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa ngán nhất là phải hầu ban Tuyên huấn. Lâu nay khi bàn về tự do báo chí, người ta thường cho rằng vấn đề chủ yếu là được phép ra báo tư nhân. Không đúng! Sau tháng tư năm 1975, Đảng Cộng sản đã từng cho phép Tin Sáng và Đứng Dậy (Đối diện của Chân Tín Nguyễn Ngọc Lan trước 1975) tái xuất bản. Nhưng cả hai tờ báo này hoàn toàn không có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Bởi vì hàng tuần họ phải đến nghe đại diện ban Tuyên huấn của Đảng chỉ đạo: việc nào được phép nói, và nói to hay nói nhỏ; việc nào tuyệt đối không được đụng tới, không được nói bóng nói gió. Đó là biện pháp “siêu kiểm duyệt”. Vậy mà cuối cùng Đảng vẫn không yên tâm, đã cho họ “hoàn thành nhiệm vụ”. Do đó, tự do báo chí trước hết là không bị đảng cầm quyền chỉ đạo. Suốt đời “làm báo cách mạng” tôi phải chịu sự chỉ đạo và nhiều lần phải đi hầu ban Tuyên huấn. Xin kể vài chuyện.

Báo Xuân năm 1990, Hội Nhà báo tổ chức chấm giải báo đẹp có thưởng. Báo Lao Động được giải B, không có giải A. Ban tổ chức cho biết lẽ ra Lao Động được giải A, nhưng vì đăng quảng cáo ở trang bìa, dù là bìa phụ, làm mất tính trang nghiêm nên bị hạ xuống giải B. Tôi nói, nếu vì lý do đó thì tôi không nhận giải, vì không chấp nhận cái gọi là mất tính trang nghiêm ở đây. Sau chuyện này, phó ban Tuyên huấn Hữu Thọ đưa ra góp ý trong cuộc họp đầu năm, lấy báo Nhân Dân để so sánh, coi đăng quảng cáo như dấu hiệu chạy theo thương mại. Khi lên trưởng ban Tuyên huấn, Hữu Thọ nhiều lần góp ý với tôi là nên đưa hai mục “Nói hay đừng” do Ba Thợ Tiện viết và “Tranh biếm liên hoàn” của Choé ở trang nhất vào bên trong, với lý do là “phải giữ cho trang nhất một không khí trang nghiêm”. Tôi trả lời ông, bạn đọc cần nghiêm túc, chính xác, bổ ích chứ không cần trang nghiêm. Sau vụ tố cáo âm mưu diễn biến hòa bình, tôi bị cho về hưu, Hữu Thọ lại nhắc nhở tổng biên tập Phạm Huy Hoàn điều này, hai mục trên được đưa vào trong cho tới nay.

Năm 1992 nhà báo Lưu Trọng Văn đặt câu hỏi với nhạc sĩ Trần Kiết Tường rằng “bài hát ‘Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người’ ông sáng tác trong hoàn cảnh nào?” Nhạc sĩ Trần Kiết Tường trả lời: “Sở dĩ sáng tác được bài này là nhờ tôi ở ngoài Đảng.” Đọc câu này tổng thư ký tòa soạn Lý Quý Chung và phó tổng biên tập Hồng Đăng đều ngạc nhiên và thích thú, nhưng lại sợ bị quy “quan điểm lập trường” nên chờ tôi đọc và yêu cầu, nếu tổng biên tập đồng ý thì xin cho một chữ ký với hai chữ “đã duyệt”.

Đọc câu trả lời của nhạc sĩ Trần Kiết Tường tôi nhớ ngay đến chuyện ban giám khảo văn nghệ Nam bộ thời chống Pháp do ông Hà Huy Giáp phó bí thư kiêm trưởng ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam phê phán bài “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí đảng viên, đại đội phó, trưởng ban Quân nhạc Khu 8 là một bài hát lai căng cả nhạc và lời. Ý kiến phê bình vô lý đó đã khiến Nguyễn Hữu Trí rời bỏ quân ngũ về ở ẩn tại Cần Thơ quê nhà, còn Nguyễn Bính thì ra bờ sông ven Huyện Sử, mở quán bán sách báo. Ở vùng mỏ Quảng Ninh năm 1967, tại cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ trong tỉnh, ông ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy đã to tiếng phê bình một bức tranh vẽ cây cổ thụ cành lá quấn quýt xum xuê: “Tác giả bức tranh này không quán triệt nhiệm vụ phát triển ngành than, nền kinh tế chủ yếu của tỉnh nhà. Nếu trồng toàn những cây có cành lá uốn éo cong queo thế này thì làm sao có gỗ ngay thẳng để chống lò? Tất cả các mỏ hầm lò chắc chắn phải ngừng khai thác?” Ý kiến trên đã được tờ báo địa phương in chữ đậm và tác giả của nó được suy tôn là “vị Các Mác của tỉnh nhà!” Nhà văn Sơn Nam, người đã từng được ban giám khảo do Hà Huy Giáp lãnh đạo chấm giải nhất những tác phẩm “Bên rừng Cù lao Dung” và “Tây đầu đỏ”, nhưng sau 20 năm “sống trong lòng địch” đã bị “tự diễn biến” cho nên nhiều lần nói lén với tôi: “Ông Công này, bao giờ còn dưới sự lãnh đạo của Đảng các ông thì không thể có tác phẩm ‘ra hồn’ được đâu”. Do đó, tôi quyết định phải công bố ý kiến của Trần Kiết Tường.

Quả nhiên báo in bài này vừa phát hành đã bị Bộ Văn hóa Thông tin phê bình trong bảng thông báo hàng tuần, tiếp theo là ban Tư tưởng Văn hóa chất vấn trong cuộc họp với các tổng biên tập do trưởng ban Trần Trọng Tân trụ trì.

Trả lời câu hỏi tại sao lại cho đăng “ý kiến oái oăm này”, tôi đáp: Theo tôi được biết, bản nhạc này vừa ra đời đã bị Tố Hữu phê bình là ủy mị không thể hiện đúng đắn tình cảm lành mạnh của nhân dân anh hùng ca ngợi lãnh tụ anh minh của mình. Trước nguy cơ bản nhạc sắp bị cấm, một số người đã đưa nó vào đêm nhạc giải trí của chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Hồ nghe bài hát ca tụng mình đã rưng rưng xúc động. Một lúc sau, cụ hỏi “chú nào là tác giả bài hát này?” Câu hỏi ấy đã cứu bài hát khỏi bị bức tử và sau đó được xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc nhiều hơn hẳn so với các bài ca ngợi Cụ Hồ trước kia. Tôi đã trả lời chất vấn của ban Văn hóa Tư tưởng rằng, đăng ý kiến trung thực của nhạc sĩ Trần Kiết Tường tác giả bài hát là để ngăn chặn những người lãnh đạo bảo thủ dùng quyền lực giết chết sự sáng tạo của nghệ sĩ đã từng xảy ra nhiều lần. Tôi kể từ bài “Tiểu đoàn 307” thời chống Pháp đến tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, tiểu thuyết “Mùa hoa giẻ” của Văn Linh, thơ “Trò chuyện với Thúy Kiều” của Lý Phương Liên… đã bị bức tử ở thời xã hội chủ nghĩa.

Ông Trần Trọng Tân im lặng hồi lâu rồi nói: “Tuy vậy những ý kiến này chỉ nên trao đổi trong nội bộ, chưa nên phổ biến trên truyền thông đại chúng gây những suy diễn không có lợi cho sự lãnh đạo của Đảng ta trên mặt trận văn hóa văn nghệ vốn rất phức tạp đã từng xảy ra Nhân văn Giai phẩm”. Sau đó ông chuyển sang vấn đề khác.

Năm 1991 trong vòng một tháng báo Lao Động có bốn bài phê bình bốn vị bộ trưởng. (Bộ trưởng bộ Y tế Phạm Song lem nhem giành nhà cửa; Thống đốc ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm không nghiêm túc thực hiện sắc lệnh đổi mới ngân hàng; Bộ trưởng lâm nghiệp Phan Xuân Đợt phá rừng mà không trồng rừng bù lại; bộ trưởng bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải chậm xây dựng nhà máy điện). Tôi được ban tư tưởng văn hóa mời riêng để góp ý. Lúc này ông Trần Trọng Tân đã vào Sài Gòn làm Phó bí thư Thành ủy. Ông Hữu Thọ lên trưởng ban. Tôi nói, tất cả các bài báo đều rất chính xác. Nếu các bộ trưởng không đồng ý thì xin cứ gửi bài phản biện, chúng tôi sẽ trả lời đúng quy định của pháp luật. Trưởng ban Hữu Thọ cười đáp: “Hôm nay ban không mời Tổng Biên tập Tống Văn Công mà mời đảng viên Tống Văn Công, cho nên chúng ta không nói chuyện pháp luật mà chỉ nói về ý thức trách nhiệm của đảng viên đối với chính phủ do Đảng mình lãnh đạo”. Tôi nói, dù chỉ xét về trách nhiệm đảng viên cũng vẫn phải căn cứ theo luật pháp chứ anh. Hữu Thọ cười, rồi thân tình nói bỗ bã theo kiểu bạn bè: “Tao hỏi mày, một chính phủ mà chỉ trong một tháng bị mày phê phán te tua tới bốn vị bộ trưởng thì còn đâu uy tín với trong, ngoài nước?” Tôi đáp, nếu chính phủ chân thành tiếp thu phê bình và có cách sửa chữa tốt thì uy tín không thể giảm mà càng tăng cao, và quan trọng hơn là đất nước phát triển, nhân dân được lợi.

Trong số báo 96-97-98 năm 2012 báo Lao Động tôi có kể lại câu chuyện trên. Trong dịp gặp nhau ở Hà Nội, Hữu Thọ vui vẻ nói “tao có đọc bài mày chửi tao. Thù dai thế!”

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (60): Hai cuộc phỏng vấn

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (62): Vu cáo âm mưu diễn biến hòa bình