Seite auswählen

(Góp phần tưởng nhớ Nhà Thơ Tô Thùy Yên mới vĩnh viễn ra đi)

Phạm Cao Dương

            Trong hầu hết các tác phẩm viết về Văn Học Sử Việt Nam, Nguyễn Du thường được xếp vào thời Nguyễn Sơ hay Tiền Bán Thế Kỷ 19.  Sự sắp xếp này có lẽ đã được căn cứ vào thời gian nhà đại thi hào của chúng ta sáng tác Truyện Kiều sau chuyến ông đi sứ nước Tầu về, tức sau năm 1813.  Sắp xếp như vậytôi nghĩ không được hợp lý và quá tùy thuộc vào các yếu tố chính trị và vào sự phân định thời gian theo lối Tây Phương.  Lý do là vì sắp xếp và phân định thời gian trong văn học sử không nhất thiết phải gò bó một cách cứng nhắc y như sự sắp xếp trong sử học, đành rằng ngay trong sử học, nhất là lịch sử văn minh, khi nói tới Thế Kỷ 19, người ta không bắt buộc phải nghĩ rằng thế kỷ này phải bắt đầu vào năm 1800 và chấm dứt vào năm 1899, cũng như Triều Nguyễn phải bắt đầu vào năm 1802.  Tất cả đều có thể sớm hơn hay trễ hơn tùy từng khía cạnh hay cách nhìn của sử gia về mỗi vấn đề, mỗi tác giả.  Lý do rất đơn giản: một tác phẩm văn học, đặc biệt tác phẩm văn học lớn thường phản ảnh hoàn cảnh chính trị và xã hội của cả thời đại của tác giả.

          Đối với Truyện Kiềuđược viết sau năm 1813 không có nghĩa là chỉ thuộc Thế Kỷ 19, chỉ thuộc Thời Nguyễn Sơ.  Trái lại, đại tác phẩm này phải được coi là đã thành hình từ nhiều chục năm trước đó và được kết tinh trong thập niên thứ hai của Thế Kỷ 19, dưới thời Nhà Nguyễn.  Nó không phải chỉ phản ảnh cuộc đời và tâm sự riêng của Nguyễn Du mà còn phản ảnh cuộc đời và tâm sự chung của một phần không nhỏ những người thuộc thế hệ ông, những người sinh trưởng ở Bắc Hà trong hậu bán Thế Kỷ 18, dưới thời Lê -Trịnh  và còn tiếp tục sống trong những thập niên đầu của Thế Kỷ 19 dưới thời Nguyễn Sơ.  Phạm Quý Thích và hơn hai chục ông nghè khác của Triều Lê chẳng hạn.  Gia dĩ ngoài Truyện KiềuNguyễn Du còn là tác giả của nhiều tác phẩm khác không kém giá trị ngoài tính phổ thông trong dân gian của chúng,Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh mà các sư ở các chùa ở Miền Bắc luôn luôn ngâm đọc với một giọng điệu vô cùng đau thương và thảm thiết trong ngày Rằm Tháng Bảy, ngày cúng cô hồn, chẳng hạn.  

Trong bài này, tôi muốn cùng bạn đọc nhìn lại thời đại của Nguyễn Du và những ảnh hưởng của những gì đã xảy ra ở thời này đối với cuộc đời, tâm tư và sự nghiệp của tiên sinh, đồng thời so sánh phần nào thời đại đó với thời đại của chúng ta hiện tại với một ước vọng trong những năm tới đây chúng ta có thể chứng kiến sự ra đời của không phải của một mà nhiều tác phẩm lớn nếu không hơn thì ít ra cũng không kém tác phẩm của Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh.  Tất nhiên ước vọng là một chuyện, có được hay không lại là một chuyện khác.  Nhưng ước vọng thì cứ ước vọng.

          Trong lịch sử Việt Nam từ Thế Kỷ 19 trở về trước, không có thời kỳ nào đen tối  hơn thời kỳ của những năm cuối cùng của thời Lê Mạt và trong toàn bộ lịch sử Việt Nam, không có thời nào suy đốn và nhiều bạo lực hơn thời kỳ sau năm 1945.  Nguyễn Du đã sống trong những năm cuối cùng của thời Lê Mạt và chúng ta đã sống trong những chục năm sau Thế Chiến Thứ Hai.  Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Du có thể nói là một người đã sống một cuộc sống đau thương nhất, u buồn nhất, do đó đã mang một tâm sự u uẩn nhất, xót xa nhất.  

Còn trong lịch sử dân tộc, chúng ta là những kẻ đã phải gánh chịu hay được chứng kiến nhiều cảnh đổ vỡ, chia ly éo le nhất, từ đó đã mang những niềm đau khắc khoải nhất, thầm kín nhất, đặc biệt là những người đã có cái may, hay không may sinh ra và trưởng thành trong những năm trước khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt và hiện tại vẫn còn đang sống.   

Nguyễn Du cũng là người có cái may đồng thời cũng là cái không may tương tự.  Hai đại biến cố, hai cuộc đời cách nhau hơn bốn trăm năm, tuy mang những tính cách đặc thù của những biến cố và những sự thực lịch sử vẫn có những tác động giống nhau đối với nội tâm của con người. Có khác chăng là ở thời Nguyễn Du mọi chuyện chỉ xảy ra quanh quẩn trong nội địa của nước Việt Nam và giữa người Việt Nam với nhau.  Còn ở thời đại chúng ta mọi chuyện đã xảy ra trên một bình diện lớn lao hơn, cổ kim chưa từng có, là khắp thế giới.  Biến cố 30 tháng 4, 1975 đã bẩy tung hàng triệu người Việt ra khắp địa cầu để đến bây giờ, bước sang Thiên Niên Kỷ Thứ Ba sau Tây Lịch, một học sinh Việt Nam đã có thể hãnh diện được học rằng: “Mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ!” thay thế cho một học sinh người Anh hồi cuối Thế Kỷ 19, với tất cả những cái may cũng như những cái không may của sự kiện lịch sử này. 

          Sinh năm 1865, dưới thời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26, trong một gia đình cha, chú, anh, em đều thi đậu và làm quan to vào bậc nhất phẩm đương thời.  Nguyễn Du đã có dịp sống cuộc đời niên thiếu của một công tử con nhà thế gia, vọng tộc ở chốn kinh đô ngàn năm văn vật, vào lúc cơ nghiệp của hai họ Lê, Trịnh còn tương đối vững chãi, chưa có gì báo trước một sự xụp đổ trong tương lai.  Ông hãy còn được thấy tận mắt hay được nghe nói về cuộc sống nghiêm ngặt hay nhàn rỗi, xa hoa ở các cung vua, phủ chúa vào lúc nước nhà vô sự như được tả trong Thượng Kinh Ký Sựcủa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) hoặc Vũ Trung Tùy Bútcủa Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), mặc dầu cha mẹ mất sớm và mặc dầu không được thành công lắm trên đường khoa hoạn. Nhưng kể từ khi Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm mất (1782), thế đứng của hai họ Lê, Trịnh đã bắt đầu suy sụp.  Kiêu Binh làm loạn (1784) và Tây Sơn ra Bắc (1786 – 1787) đã chấm dứt triều đại Nhà Lê sau ngót bốn trăm năm trị vì kể từ khi Lê Thái Tổ đánh đuổi Quân Minh dựng nên nghiệp lớn (1428 -1787) và làm xụp đổ ngôi chúa của họ Trịnh.Tố Như Tiên Sinh lúc ấy mới có 22, 23 tuổi.  Cuộc đời đầy u buồn, bất đắc chí, xen lẫn với những nuối tiếc của ông bắt đầu từ khi ông phải tản cư về ẩn náu ở quê vợ thuộc xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình ngày nay, xa hẳn đất kinh kỳ, nơi sau này chỉ còn là cảnh:

Thiên niên cự thất thành quan đạo,

Nhất phiến tân thành một cố cung.

                                                          (Thăng Long I)

Dinh xưa cung cũ còn đâu?

Mà nay đường trước thành sau khác rồi

                                                          (Hoa Đăng dịch)

                   hay:

Tương thức mỹ nhân khan bão tử,

Đồng du hiệp thiếu tận thành ông.

Người đẹp buổi xưa đều bế trẻ,

Bạn chơi thuở nhỏ thẩy thành ông!

                                                          (Quách Tấn dịch)

khi Nguyễn Du “Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long”  (Bạc đầu còn được thấy Thăng Long) nhân chuyến đi sứ Nhà Thanh vào năm 1813 có dịp ghé lại.

          Chưa hết, sự đổi chủ đã không diễn ra một cách êm đềm mà trong cảnh “Máu tươi lai láng , xương khô rụng rời” với những “ Bãi sa trường thịt nát máu rơi” để “Phơi thây trăm họ nên công một người” đã liên tiếp xảy ra mà Nguyễn Du đã tả trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.  Nguyễn Hữu Chỉnh, người bạn giao du thân thiết với anh em họ Nguyễn, người được coi là thiên tài vô song của đất Bắc Hà, đã bị xé xác, phơi thây, bào huynh của Nguyễn Du là Nguyễn Quỳnh cũng bị Tây Sơn giết chết.  Anh em xưa kia quây quần đông đúc, nay ly tán mỗi người một phương, còn chính Nguyễn Du cũng đã hơn một lần bị Tây Sơn bỏ ngục.  Cuối cùng vào năm 1796, tiên sinh đã phải bỏ tất cả, trở về sống ở chốn cố hương, ngày ngày đi săn để mai danh ẩn tích, nhưng vẫn một lòng tưởng nhớ tới Nhà Lê với một tâm sự mà Hồng Liên Lê Xuân Giáo, một trong những vị túc nho lão thành đã di tản sang sống ở San Diego trong thời đại của chúng ta, đã so sánh với tâm trạng của Đặng Dung, xuyên qua hai câu thơ trong bài Thuật Hoài của vị nghĩa sĩ của Thời Hậu Trần này:

Trí chủ hữu hoài phù địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Vai khiêng trái đất mong phò chúa,

Giáp gột sông trời khó vạch mây.

                                                          (Phan Kế Bính dịch)

với một lòng ước vọng không bao giờ đạt được là “Muốn ra tay tát cạn Biển Đông”. Có điều là vận của Nhà Lê đã hết.  Năm 1802, Gia Long thống nhất đất nước.  Người ẩn sĩ đã không sao ẩn được danh mình vào lúc toàn thể non sông đã đổi chủ, vào lúc:

Trời Đông Phố ào ào gió động,

Hội tao phùng đái ủng tân quân.

(Bùi Kỷ, Văn Tế Tiên Điền Nguyễn Du)

để cuối cùng thấy mình “dật dân bỗng hóa hàng thần lạ thay” hay “Hàng thần lơ láo” và chẳng biết“phận mình ra đâu”.  Bị triệu vời với đích danh, Nguyễn Du đã phải ra làm quan với Nhà Nguyễn một cách miễn cưỡng trong mười tám năm ròng.  Cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình bằng cách đau mà không chịu uống thuốc.

          Nếu lập một bảng đối chiếu đại cương thời đại Nguyễn Du với thời đại chúng ta hiện tại, ta có thể thấy vô số những điểm tương đồng.  

Cũng với đất nước bị chia đôi với con Sông Gianh được thay thế bằng Sông Bến Hải.  Cũng một xã hội tuy không cường thịnh nhưng những gì các thế hệ trước để lại vẫn còn nguyên vẹn, với những thành trì, cung điện, lăng tẩm, chùa chiền, đền miếu, tập tục, lễ nghi, văn chương đạo đức… mà một dân tộc văn minh phải lấy làm hãnh diện.  Cũng với những mốc thời gian then chốt, 1784 và 1787 cho thời Nguyễn Du và 1945, 1975 cho thời hiện tại.  Cũng với những đổi thay và đổi đời vĩ đại, khủng khiếp cho một con người bình thường, với những cảnh “thất thế tên rơi, đạn lạc”, “máu tuôn lai láng , xương khô rụng rời” trên mặt đất, hay những trường hợp “đem thân chôn giấp vào vòng kình nghê” trên mặt biển, đặc biệt là của những thành phần xưa kia “phong gấm rủ là”, “màn lan trướng huệ”, “cung quế phòng hoa”. 

 Nhưng ở thời đại chúng ta  còn ngang trái, bi thảm hơn nhiều.  Người anh hùng đất Bình Định, sau khi diệt Nhà Lê, đã đánh dấu triều đại của mình bằng chiến thắng vĩ đại ở Gò Đống Đa, tiếp đó đã khơi dậy trong lòng dân tộc mình một tinh thần tự tin và tự chủ qua dự định lấy lại Lưỡng Quảng về cho đất nước, do đó đã được một phần dân chúng Bắc Hà chấp nhận.  Những kẻ xâm chiếm Miền Nam năm 1975 đã không làm nên điều gì mọi người mong đợi.  Trái lại, chiến thắng của họ đã xô đẩy dân tộc Việt Nam đến một tình trạng càng ngày càng tăm tối, tồi tệ hơn.  

Ở thời đại Nguyễn Du, tuy bất đắc dĩ phải phục vụ tân quân và tân triều, nhưng các sĩ phu Bắc Hà thời ông đã được phục vụ với đầy đủ danh dự như là những quan lại, kể cả quan lại cao cấp của Triều Đình Huế.  Ở thời đại của chúng ta, những kẻ hậu duệ của Tố Như Tiên Sinh cũng phải miễn cưỡng ra phục vụ triều đại mới nhưng là phục vụ trong những trại tù khổ sai được những kẻ chiến thắng, giả nhân, giả nghĩa gọi là lao động cải tạo hoặc đem thân ra làm thuê, làm mướn nơi đất khách, quê người để nhà cầm quyền lấy tiền trả nợ, hay lên các vùng kinh tế mới ở với rắn và gió, trong những căn lều không vách…  

Ở thời đại Nguyễn Du không có những trận đói trong đó nhiều làng một mạng sống không còn để những thành phần chống đối chính quyền đương nhiệm có cơ lợi dụng.  Ở thời đại chúng ta không ai có thể quên được Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945 khiến hai triệu người bị chết. 

Ở thời đại Nguyễn Du không có chuyện vu cáo và thanh toán lẫn nhau bằng kết tội nhau là Việt gian, phản động và thủ tiêu nhau vô tội vạ.  

Ở thời  đại Nguyễn Du không có chuyện Tự Vệ Vũ Trang với những cuộn dây thừng để bắt Việt gian, với Công An chận đường bắt cóc mang đi mất tích hay đương đêm vào nhà bắt người mang đi rồi ít ngày sau nạn nhân chỉ còn mình một nơi, đầu một nẻo với một bản án gắn trên ngực, không có chuyện đồng chí con, đồng chí bố, vợ tố cáo chồng, con tố cáo cha, không có Đảng, không có Cách Mạng có quyền sinh sát trong tay để khoan hồng hay bắt người đền tội.  

Ở thời đại Nguyễn Du không có những cuộc chiến triền miên kéo dài cả ba chục năm mà vẫn chưa hoàn toàn kết thúc với ba, bốn và có thể năm triệu người chết và không biết bao nhiêu triệu người đau khổ.  

Ở thời Nguyễn Du biến loạn chỉ ảnh hưởng giới hạn trong giới cầm quyền hay lãnh đạo.  

Ở thời Nguyễn Du chiến tranh chỉ xẩy ra ở kinh đô và một số những địa điểm quan trọng.  Ở thời đại chúng ta, chiến tranh xả ra ở khắp các làng xã, các hang cùng ngõ hẻm, thậm chí cả những vùng rừng núi, những thôn bản xa xôi, trước kia rất ít người các miền đồng bằng lui tới.  Ở thời đại chúng ta, chiến tranh là chiến tranh toàn diện, không một người dân nào, dù là đàn bà, con trẻ, những kẻ khố rách, áo ôm, những người cùng đinh trong xã hội, bằng cách này hay cách khác, không bị cuốn hút vào cuộc chiến, sau đó là sự cưỡng chiếm miền Nam của người Cộng Sản miền Bắc và cuộc ra đi tị nạn của hàng triệu dân Việt trong suốt hơn bốn chục năm và ảnh hưởng của nó trên toàn cầu, cùng với lối trả thù những người bị kẹt lại một cách vô cùng hiểm độc, dã man, khó có thể tưởng tượng được bởi những người Cộng Sản miền Bắc sau biến cố 30 tháng Tư, 1975.  Tất cả đã dẫn tới  hai phong trào dời bỏ quê hương mà Phạm Duy, trong bài 1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước đã diễn tả bằng những câu hát như:

Một ngày năm bốn cha bỏ Sơn Tây,

Dắt díu con thơ vô sống nơi Biên Hòa.

Dù là xa đó vẫn là nước nhà.

Một mảnh đất thân yêu gia đình ta.

 ………… 

Một ngày bảy lăm con đứng ở cuối đường,

Loài quỷ dữ xua con ra đại dương..

Một ngày bảy lăm con bỏ nước ra đi.

Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ.

Giờ cha lưu đầy ở ngay trên nước ta,

Và giờ con lưu đầy ở đây nơi xứ lạ…

          Cuối cùng là sự thành hình của Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại với nhiều hứa hẹn sẽ trở thành thành phần thứ hai của Dân Tộc Việt Nam độc lập với thành phần ở trong nước mà tôi gọi là Siêu Quốc Gia Việt Nam của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba với Thế Kỷ 21 là thời kỳ chuyển tiếp.

          Sự so sánh kể trên nếu chỉ được đặt ra một cách đơn thuần, nói chung, có thể  bị cho là không cần thiết, đặc biệt là đối với những người thường lưu tâm đến sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du, nói riêng, ai cũng có thể làm được.  Nhưng tôi đã lựa chọn nó để trình bày ở đây vì từ trước tới giờ tôi luôn luôn thắc mắc là ở thời Lê Mạt, một thời không có gì đáng gọi là huy hoàng của lịch sử dân tộc, đứng trên bình diện chính trị, ngoại giao hay quân sự , trái lại đó là một thời kỳ đại loạn, thế mà trong thời này lại có nhiều tác phẩm lớn, bất hủ xuất hiện.  Thời của chúng ta so với thời Lê Mạt còn tệ hại hơn nhiều.  Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng trong thời hiện tại đã có những công trình nào đáng kể xuất hiện chưa và trong tương lai liệu có tác phẩm nào xuất hiện không?  Nguyễn Du với những tâm sự u uẩn bời bời, chất chứa trong lòng từ nhiều chục năm, sau chuyến đi sứ sang Tầu của ông đã để lại cho hậu thế những áng văn vô giá, bất hủ. 

Người Việt chúng ta trong thời đại mới cũng có dịp xuất ngoại và xuất ngoại ra nhiều hơn là ra một nước Trung Hoa và lưu lại suốt đời hơn là một thời gian đi sứ ngắn ngủi.  Liệu rằng trong những năm, những chục năm sắp tới, điều người ta mong đợi có xảy ra không?  Câu hỏi này cho đến nay chưa có câu trả lời, nhưng tôi tin tưởng rằng một khi được tìm tòi sẽ có rất nhiều hy vọng là sẽ có, nhất là ở các anh em trẻ vì anh em vừa được sống, vừa được học hỏi.

Thời Nguyễn Du, Tiên Sinh và những người đồng thời với Tiên Sinh chỉ được biết có một nước Tầu.  Trong thời đại của chúng ta, chúng ta được biết nhiều hơn một nước Pháp hay một nước Mỹ, một nước Nga hay một nước Tầu.  Hơn thế nữa, trong thời đại Nguyễn Du, Nguyễn Du và các cựu thần Nhà Lê khác đã mang những mặc cảm tội lỗi với triều đại cũ, những bạn bè xưa và với chính mình.  Những Nhà Nho này đã hơn một lần bị đưa ra làm đề tài chế diễu.  Trong thời đại của chúng ta, không thiếu những anh em, bà con của chúng ta mang những tâm sự đau lòng của những kẻ bất đắc dĩ phải đào tẩu, bỏ lại cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, chiến hữu, thuộc cấp đã từng nhiều năm sát cánh chiến đấu với mình, che chở đùm bọc cho mình và đào tẩu bằng những phương tiện của người bạn cũ mà mình cho là đã phản bội mình, đào tẩu với một ý thức rõ ràng là hành động này sẽ làm cho phần đất mà mình phải bảo vệ sụp đổ mau chóng hơn.  Sau đó tất cả đều đã phải tranh đấu, vật lộn để tồn tại, để hướng về tương lai, tương lai cho chính mình, cho con cháu mình và tương lai cho cả tập thể mình với những nỗi lòng không dễ gì bày tỏ cùng ai được, chẳng khác gì những miếng cơm, ngụm nước mà không thiếu gì những bà con vượt biển của chúng ta đã phải nghẹn ngào nuốt nước mắt, xót xa, tủi nhục khi nhận lãnh từ tay đám hải tặc trước đó đã làm hại đời mình.

          Trong một bài tham luận đăng trên tờ Hành Trình do Nhà Văn Cao Thế Dung chủ trương ở Thủ Đô Washington trước đây, tôi có đưa ra một nhận xét về “Bi Thảm Tính Trong Văn Hóa Việt Nam” và cho rằng đặc tính này là một trong những đặc tính của văn hóa dân tộc Việt Nam.  Nó đã làm cho nền văn hóa của dân tộc ta trở nên vô cùng phong phú, vô cùng sâu sắc và hấp dẫn sau một bề ngoài có vẻ u buồn, thiếu những mầu sắc vui tươi so với nhiều văn hóa khác.  Nguyễn Du là một trong những bằng chứng của bi thảm tính đó.  Nhưng tác phẩm của ông sở dĩ mang đặc tính ấy và trở nên muôn đời bất hủ  là vì nó phản ảnh cuộc đời và thời đại của tác giả, một cuộc đời và một thời đại đầy dẫy những bi thảm và ngang trái.  

Thời đại và cuộc đời của những người Việt chúng ta thuộc hậu bán Thế Kỷ Thứ Hai Mươi, tiền bán Thế Kỷ 21 này, nếu được diễn tả bởi những thiên tài văn học tương lai hay chưa được khám phá, chắc chắn còn có giá trị hơn gấp bội.  Có điều ước vọng là một chuyện, có được hay không lại là một chuyện khác.  Đời người quá ngắn ngủi mà những gì người ta ước mong được thấy hay muốn làm thì nhiều, đúng như nhà thơ nổi tiếng của văn học Miền Nam và Hải Ngoại, Tô Thùy Yên, người mới từ giã chúng ta để về nơi miên viễn, đã than trong bài hành bất hủ Ta Vềcủa ông:

Ta về như hạc vàng thương nhớ

Một thuở trần gian bay lướt qua.

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,

Đành không trải hết được lòng ta!

và người ta không khỏi không nghĩ tới tâm sự đầy u uẩn của Nguyễn Du:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!

Ba trăm năm lẻ về sau,

Hỏi ai người nhỏ lệ sầu Tố Như

                    (Người dịch, không rõ)

còn Tô Thùy Yên thì tuy bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, âm thầm chấp nhận nhưng bề trong không phải là không xót xa, oán hận:

Ta về – một bóng trên đường lớn,

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai.

Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?

Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay!

          Với gần mười ba năm tù, Tô Thùy Yên đã phải sống gần hết thời gian đẹp nhất của cuộc đời trong trại tù khổ sai không có án.  Hai chữ “mười năm” đã trở thành nỗi ám ảnh không dời đối với ông khiến ông đã nhiều lần nhắc tới trong bài thơ trường thiên ông làm kể trên:

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu.

Mười năm mặt sạm soi khe nước

Ta hóa thân thành vượn cổ sơ!

Mười năm thế giới già trông thấy

Đất bạc màu đi, đất bạc màu.

Một đời được mấy điều mong ước?

Núi lở sông bồi đã lắm khi…

Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động,

Mười năm, cổ lục đã ai ghi?                                           

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,

Người thức nghe buồn tận cõi xa.

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ,

Mười năm người tỏ mặt nhau đây.

Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ.

Mười năm ta vẫn cứ là ta.

Hãy kể lại mười năm mộng dữ.

Một lần kể lại để rồi thôi!

Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?

Mười năm, cây có nhớ người xa?

Mười năm con đã già trông thấy,

Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu!

Ta về như nước Tào Khê chảy,

Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ.

          Nhưng cuối cùng thì tác giả đành mượn chén rượu để giải oan:

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,

Giải oan cho cuộc biển dâu này!

          Nguyễn Du may mắn hơn.  Thời đại của Tiên Điền Tiên Sinh chưa có trại tù cải tạo.  Không những không bị đi tù, trái lại, ông còn được trịnh trọng mời ra hợp tác với tân triều và lãnh những trách vụ quan trọng ở triều đình, kể  cả đi sứ.

          Có điều, đúng như lời Tản Đà của nửa đầu thế kỷ trước, cuối cùng tất cả chỉ còn là:

Cảnh vật đầu non đường lối cũ,

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.

Phạm Cao Dương

Khởi viết Cuối Thu 1982 nhân Ngày Kỷ Niệm Thi Hào Nguyễn Du tại Quận Cam California, Hoa Kỳ.

Sửa chữa và phổ biến Đầu Hè 2019 để tưởng nhớ Nhà Thơ Tô Thùy Yên  mới về miền miên viễn..