Nguyên Nhung
Một ngày thứ bảy, Linda dậy muộn. Nàng đưa cặp mắt xanh biếc như nước hồ thu lặng
lờ nhìn qua khung cửa kính, tấm màn mỏng màu hồng điểm những chiếc hoa lấm tấm
thật xinh. Ngoài kia nắng đã ươm vàng trên cây cỏ, sắc trời xanh biêng biếc với
những giải mây trắng ngời ngời báo hiệu một ngày tuyệt đẹp.
Đã bắt đầu sang Xuân, đợt gió đông cuối cùng vừa qua như người con gái cất vội
tấm áo ngự hàn nặng nề, ảm đạm, đất trời đã mặc vội chiếc áo mới phới phới của
mùa xuân. Tự nhiên Linda cũng cảm thấy có vạn điều đổi khác cho chính bản thân
nàng, từ trong sâu thẳm của trái tim sau cuộc giải phẫu cực kỳ khó khăn và nguy
hiểm, đánh dấu một thành công vượt bực của ngành y khoa Hoa Kỳ.
Năm vừa qua, Linda bị một chứng đau đầu kỳ lạ, nàng không thể nào suy nghĩ hoặc
làm một việc gì trọn vẹn. Căn bệnh quái ác ấy đã lấy đi hầu hết sinh lực và hạnh
phúc của người phụ nữ mới bước vào tuổi ba mươi, vừa lập gia đình với một khoa
học gia trẻ tuổi, đang làm việc ở trung tâm không gian với mức thu nhập cao.
Hai vợ chồng son, con cái chưa có, Linda là mẫu phụ nữ rất tự tin, tâm hồn nàng
giống như cây thông vươn lên mạnh mẽ trên đỉnh đồi cao, đùa với nắng và gió.
Linda vướng bệnh một cách đột ngột, sau những cơn đau đầu dai dẳng, dù tự tin
cách mấy Linda cũng nhận ra rằng không đủ sức chịu đựng. Nàng phải nhập viện,
người ta phát hiện ra những cái bướu đang hình thành làm tắc nghẽn hệ thống thần
kinh não bộ. Mặc dù các bác sĩ cố gắng tìm mọi cách chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn
không thuyên giảm và trong những cơn đau đứt quãng đó, Linda có linh cảm sự sống
như cơn gió đang ngưng nghỉ chờ cơn bão lớn. Nàng đã nhìn thấy nỗi thất vọng và
đau sót lớn lao trong đôi mắt nâu buồn bã của chồng.
Bob yêu vợ, chàng hiểu rằng mình sắp mất đi viên ngọc quý của đời chàng, cho
nên tất cả thời gian còn lại chàng dành hết trong việc kề cận, săn sóc nàng, vì
chàng biết sớm muộn gì nàng cũng ra đi. Chỉ còn một giải pháp cuối cùng, nếu
Linda được các nhà khoa học tài danh thay cho nàng một bộ óc khỏe mạnh, của một
người nào đó chẳng may thiệt mạng vì một tai nạn mà vẫn giữ nguyên được bộ óc
ngay lúc lìa đời.
Đúng lúc đó, người ta báo cho chàng một tin vui. Một phụ nữ Việt Nam khoảng gần
bốn mươi tuổi vừa qua đời vì một tai nạn, người thân của bà ta đồng ý hiến tặng
bộ óc của nạn nhân cho khoa học. Đây là một biến cố vĩ đại xảy ra cho nhân loại,
khi người ta đã thay tim, thay gan, thay phổi thành công cho một số bệnh nhân,
nhưng thay óc thì quả là chưa ai nghĩ tới. Người ta cũng hiểu rằng, dù thay hay
không thay thì Linda cũng đang trên đường đi đến cõi chết. Bob nhanh chóng quyết
định việc thay óc cho vợ, nếu cuộc giải phẫu có một không hai này thành công,
Linda may mắn thoát chết, tâm tính nàng có bị thay đổi ít nhiều thì Bob vẫn bằng
lòng.
Cả thế giới hồi hộp theo dõi ca mổ thay óc cho Linda trên màn ảnh truyền hình,
trên internet và các mạng lưới thông tin, báo chí. Đâu đâu cũng nghe người ta
bàn luận sôi nổi về sự tiến bộ của khoa học. Ngành y khoa như có chiếc đũa thần,
đã mạo hiểm giành giựt mạng sống con người trong bàn tay Thượng đế.
Sau bao ngày mê man trên giường bệnh, đột nhiên một ngày kia Linda mở bừng con
mắt để ngỡ ngàng nhận ra một thế giới mới mẻ đã hồi sinh trong cơ thể nàng. Các
nhà khoa học hớn hở, hân hoan vì sự thành công của họ bao nhiêu thì Bob, chồng
nàng hân hoan bấy nhiêu. Sự sống đã trở lại tràn ngập trong đôi mắt xanh biếc
kia, chàng hình dung ra một mùa hè vùng Địa Trung Hải, nắng ấm, biển xanh, những
cánh chim hải âu và rặng thùy dương rì rào tiếng gió.
Linda còn phải ở lại một thời gian trong bệnh viện cho tới khi hoàn toàn bình
phục, như để bộ óc kia có thời gian nối kết với những mạch máu li ti trong từng
tế bào của não bộ. Như những chiếc rễ lan tỏa trong lòng đất, giờ đây nó đã thực
sự sống, để tiếp tục cuộc hành trình tư tưởng trong thân xác một người xa lạ.
Riêng Linda giờ đây rất lặng lẽ, không bày tỏ được cái cảm giác mâu thuẫn trong
tâm tư nàng. Tuy nhiên nàng vẫn nhận ra Bob, chồng nàng, để rồi vẫn lúng túng,
thẹn thùng một cách kỳ cục khi Bob hôn nàng giữa đám người tò mò vây xung
quanh. Linda có cảm tưởng mình chưa hề hôn chồng trước mắt mọi người bao giờ, mặc
dù trước kia nàng vẫn làm như thế. Lắm khi sự xấu hổ của nàng, khiến Bob cũng
ngỡ ngàng như bị ai xô té bất ngờ. Tuy nhiên, Bob không hề hờn giỗi, chàng hiểu
sự bối rối của vợ, Linda như một người chết vừa được hồi sinh, cần phải có thời
gian để hội nhập những thói quen cũ.
Khởi đầu lại một cuộc sống quả có khó khăn cho Linda. Nàng đã phải suy nghĩ khó
khăn mới diễn tả được cảm tưởng với chồng, bằng thứ tiếng mẹ đẻ mà nàng đã phải
sắp xếp sao cho ổn thỏa như thói quen khi dùng tiếng nước ngoài, để giao thiệp
với người không cùng chủng tộc. Nàng ngập ngừng bày tỏ với chồng về vẻ đẹp của
khu vườn nhà khi mùa xuân tới, những chiếc lộc non mượt mà như ngọc thạch trên
rặng cây khẳng khiu, gió xuân chừng như đang vuốt ve trên những chiếc lá non.
Đồng thời trong lúc ấy, Linda cũng có một nỗi nhớ kỳ dị về một nơi chốn rất xa
xăm. Hình như ở đấy có một dòng sông mênh mông, những đóa hoa tím bập bềnh
trôi, những thân dừa nghiêng ngả lả lơi như đùa với sóng nước, con đường đất
ngoằn nghoèo mát rượi bóng tre xanh. Tất cả những hình ảnh ấy như chập chùng,
lượn lờ trong tâm trí nàng, trong sâu thẳm mịt mùng tận cùng của dĩ vãng, khiến
Linda đôi khi muốn khóc khi biết mình khó có thể quay về, nắm bắt lấy những gì
thân yêu nhất của trái tim.
Linda cảm thấy có hai con người khác nhau trong đời sống của nàng. Hiện tại là
hạnh phúc đã trở về, là hình ảnh Bob, là căn nhà xinh xắn đầy đủ tiện nghi, là
những cuộc thăm viếng của thân nhân, bạn bè. Sáng chủ nhật nào Bob cũng đưa
Linda đến nhà thờ, nàng xuất hiện như một vầng hào quang của phép lạ. Mọi người
xúm xít quanh nàng, ôm hôn nàng. Vị mục sư say sưa giảng về hồng ân của Thượng
đế dành cho tôi tớ hèn mọn của Ngài, Linda chìm ngập trong sự thánh thiện và
thân ái. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra với nàng, từ các khoa học gia, tâm lý
gia, các nhà truyền giáo, những kẻ tò mò, mỗi người một kiểu làm nàng mệt bã
người. Linda đã trở nên rụt rè, lúng túng khác hẳn vẻ tự tin và kiêu hãnh của
người đàn bà đẹp có học thức trước kia.
Điều gì đã xảy ra thế? Linda không làm sao hiểu nổi nỗi nhớ nung nấu trong hồn
nàng, khi nhớ về một tiếng sáo vẳng trên không gian mỗi buổi chiều hè. Âm thanh
buồn buồn sâu lắng của tiếng chuông chùa mỗi buổi thu không, gợi nàng nhớ đến một
mùi hương phảng phất, thật êm đềm giữa cái quạnh hiu của miền thôn dã lúc hoàng
hôn. Lắm khi nỗi nhớ ấy thiết tha khiến Linda phải bậm môi cố ngăn một tiếng nấc
đang muốn thoát ra trong lồng ngực. Sao thế nhỉ? Nàng chạy vội vào nhà, rửa mặt,
soi gương. Ồ không, nàng vẫn là một người Mỹ đấy chứ? Nước da trắng, đôi mắt
xanh, mái tóc vàng óng ả từng lọn phủ lấy khuôn mặt xinh đẹp của nàng, lớp lông
tơ mịn màng trên đôi cánh tay thon, và trong tấm gương, sau lưng nàng là hình ảnh
Bob, đang âu yếm mỉm cười. Bob hôn vợ, lần này thì Linda không né tránh nụ hôn
của chồng, nàng đón nhận với tất cả nỗi ngất ngây. Khi chỉ còn hai người với
nhau, Linda vẫn thấy tình yêu ngập tràn trong tình chồng vợ.
Có rất nhiều thay đổi trong con người của Linda, để đôi khi nàng có cảm tưởng
phải cố quên đi những thói quen, tập tục của mình khi kết hôn với một người ngoại
quốc. Những tối ngồi xem truyền hình chiếu một phim phóng sự hay chiến tranh Việt
Nam, Linda lại cảm thấy nơi chốn ấy hình như rất quen thuộc đối với nàng. Vài
cánh cò trên đồng xanh bát ngát, những người dân đầu đội nón lá, quần xắn lên
quá gối đang lom khom trên thửa ruộng sâu, thằng bé ngồi trên mình trâu áo vá
vai vẫn là những gì thân thương làm nàng xúc động.
Linda cứ vừa xem phim vừa thổn thức khi nhìn cảnh chiến tranh xảy ra trên miền
quê của một đất nước xa xôi. Làng xóm tan hoang, đổ nát, những người Lính đầu đội
nón sắt, ba lô trên lưng, súng đeo trên vai đang hành quân trên vùng đồi cỏ
thưa nắng cháy, người đàn bà đầu chít khăn tang gục xuống khóc thảm thiết trên
mộ người chồng vừa tử trận. Rồi cảnh phố về đêm, người phu xe uể oải đạp từng
vòng xe trên con đường ánh đèn vàng nhòa nhạt dưới mưa. Lắm lúc Linda có cảm tưởng
nàng cần phải đi tìm lại quá khứ của mình, ở đâu đó bên kia bờ đại dương, bằng
cả nỗi nhớ nhung ray rứt trong những đêm nửa khuya thức giấc. Mơ hồ như nàng có
một người mẹ, một người cha, một người tình, đám em dại mà nàng còn vướng mắc
trong khoảnh đời của dĩ vãng. Linda cũng sững sờ nhận ra một sự thật hiển
nhiên, cho rằng mình lầm lẫn một cách tệ hại khi rõ ràng nhìn thấy những bức ảnh
của cha mẹ nàng, của vợ chồng nàng treo trên bức vách cạnh lò sưởi ngoài phòng
khách, Bob đang nghiêng đầu bên nàng như một chở che tuyệt đối. . .
oOo
Thế là Linda đã qua cơn bạo bệnh, phép lạ chứ đâu phải đùa. Rõ ràng thì khoa học
đã chứng minh được sự tiến bộ của nhân loại, nhưng nếu Thượng Đế không ban cho
điều may mắn thì giờ này tôi đã mồ côi vợ.
Bây giờ thì nàng đã trở về nhà với bộ óc mới của một người phụ nữ Việt Nam
trong đầu, nhưng tôi đã tâm niệm rằng dù có gì thay đổi đi chăng nữa thì tôi vẫn
yêu nàng. Hình như nàng còn dễ chịu hơn cả con người của nàng trước kia, lặng lẽ
hơn, trầm mặc hơn, dịu dàng hơn, và có một điều nghịch lý hơn, trước kia nàng
không có, đó là việc nàng chiều chuộng, săn sóc dành cho tôi nó lạ lùng lắm
kia, tôi không biết tại sao nhưng cảm thấy dễ chịu hơn trước nhiều. Việc gì phải
thay đổi hay khó chịu vì một sự đổi khác tốt đẹp hơn trước, lắm khi tôi có cảm
tưởng Thượng Đế dường như bắt đầu đãi ngộ cho tôi một người phụ nữ dễ thương đến
thế là cùng.
Tôi không muốn Linda đi làm nữa, coi bộ nàng cũng thích như vậy. Giờ đây, nàng
như một con người đầy chất thơ, mong manh, dễ vỡ nếu phải đụng chạm với đời. Mụ
trưởng phòng của nàng khó tính, hay cau có, lũ nhân viên coi vậy lại hay tò mò,
Linda dễ bị xúc phạm vì những hạng người ấy. Với lại, cái “job” của
tôi ngon lành, dư sức bảo đảm cho nàng sung sướng, có thêm một hai tí nhau nữa
cũng chẳng sao.
Hình như Linda bây giờ chẳng đòi hỏi gì, nhất là vấn đề vật chất, chen đua với
thiên hạ thì nàng hoàn toàn dửng dưng. Khó kiếm lắm đó. Dạo trước hai đứa thường
hay nhức đầu vì những khoản chi tiêu lỉnh kỉnh chẳng ra thế nào cả. Nào tiền
nhà, tiền sách vở, âm nhạc, hoa hoét, quà cáp, lễ lạc, ngân khoản dành cho kỳ
nghỉ hằng năm, hội này, hội nọ, quần áo giày dép thứ nào ra thứ đó, vẫn cứ là vấn
đề hàng đầu phải băn khoăn trong đời sống của hai đứa.
Trong lúc tôi đi làm Linda lục đục cả ngày trong bếp, tự nhiên nàng lại thích nấu
nướng, cái vụ này trước kia nàng đã từng đả phá, khi tranh luận với bạn bè nàng
cho rằng không có gì chán nản cho bằng người đàn bà suốt ngày quanh quẩn chuyện
bếp núc. Người Mỹ ăn uống dễ dãi và đơn giản, ra chợ cứ khuân về hàng đống đồ hộp,
thịt nguội, bánh mì, trái cây, không phải đun nấu mà lại rẻ, đầy đủ chất bổ dưỡng.
Sáng chủ nhật qua, đi nhà thờ về Linda đề nghị tôi đưa nàng đi ăn. Được quá đi
chứ, lâu rồi tôi vẫn nhớ cái món kem dâu tuyệt cú mèo ở nhà hàng Ryan, nhưng
Linda cứ lắc đầu quầy quậy nhất định đòi ăn thực phẩm Á Đông. Nhà hàng Tàu thì
nàng chê lắm mỡ, chúng tôi ghé vào một quán ăn Việt nam, ở đấy có một món
“soup” thập cẩm mà người ta gọi là Phở, gồm có thịt, bánh bột gạo sắt
sợi cùng đủ mọi thứ gia vị. Khi người bồi bàn bưng hai tô phở ra, tôi thấy nét
mặt Linda khoan khoái hẳn lên, mắt nàng sáng long lanh khi ngửi thấy mùi vị
thơm tho của hành ngò bốc lên từ tô phở. Chúng tôi bắt chước những người xung
quanh cầm đũa, tôi lọng cọng gắp mãi không xong, riêng Linda lại có vẻ khá quen
thuộc với kiểu ăn uống này. Những cọng giá trắng mập mạp, tươi mát, chút tương
đen, chút tương đỏ, vài cọng rau thơm, vài lát ớt, tô phở đã có đủ mùi vị hấp dẫn
của nó. Linda vừa ăn vừa hít hà vì ớt cay, vì phở nóng, mồ hôi tuôn ra nhễ nhại,
hình như nàng sung sướng lắm nên đôi má đỏ hồng lên, mắt long lanh nhìn tôi cười
chúm chím. Chưa bao giờ nàng đẹp đến thế, mà ngay cả tôi cũng quá dễ chịu với
món “soup” ngon lành, đầy đủ gia vị như vậy. Vừa no lại vừa rẻ, khác
hẳn cái món “soup” gà nấu với mì sợi nhão nhoét.
Từ đấy, tuần nào tôi cũng đưa nàng đi ăn phở. Lúc thì cơm chiên chả giò, khi lại
bánh cuốn giò lụa, bún thịt nướng, cái nào cũng ngon đến nỗi vừa ăn xong đã lại
thèm. Cái hôm mẹ tôi từ Cali sang thăm các con, nhân dịp nghe con dâu mới khỏi
bệnh, Linda đã làm tôi sung sướng quá. Ba tôi qua đời cả chục năm nay, mẹ tôi vẫn
ở một mình khi người con gái đi lấy chồng, còn tôi học xong cũng cắp gói đi biền
biệt cho đến khi lấy vợ. Mỗi năm tôi về thăm mẹ một lần, không bao giờ ở lâu và
có khi lại còn mướn “hotel” để vợ chồng thoải mái với nhau. Ai có đời sống nấy,
hình như mẹ tôi cũng quen như vậy và tôi cũng cho đấy là chuyện tự nhiên.
Linda theo tôi ra phi trường đón bà cụ, mẹ tôi mừng rỡ vì sự khỏe mạnh cuả nàng
dâu. Tối hôm ấy, Linda sửa soạn một bữa ăn thật là tươm tất, thực đơn gồm một
đĩa “salad” trộn dầu giấm thịt bò, cơm chiên với tôm và trời ạ, cả món chả giò
Việt Nam nữa. Cái món chả giò ngon tuyệt ấy đòi hỏi lắm thứ lỉnh kỉnh, lại phải
chiên ròn lên ăn với nước mắm chua ngọt kèm rau sống. Không biết vợ tôi chuẩn bị
từ bao giờ, nhưng lúc thấy nàng đem chiếc bếp ga ra ngoài sân để chiên, tôi mới
biết vợ tôi đã sửa soạn từ lâu. Mẹ tôi ngạc nhiên lắm, tôi thấy đôi mắt hoe của
bà nhướng mãi lên như muốn hỏi: “What’s
happen? “, mà miệng thì cứ ” Oh! My God ” rối rít cả lên. Chưa bao giờ Linda quan tâm, săn
sóc bà cụ như lúc này, mấy lần trước cả nhà cứ đưa nhau ra nhà hàng, tha hồ mà
“All you can eat” thoải
mái.
Bà cụ ở chơi với các con hai tuần, hai tuần lễ tôi sống trong hạnh phúc vì
không khí ấm cúng của gia đình. Mọi lần Linda đâu có thích bà cụ ở lâu, hình
như cụ cũng biết điều đó nên không dám làm phiền con cái. Lần này, Linda đã bày
tỏ sự ái ngại của nàng, khi thấy mẹ tôi ngày một già, cứ lủi thủi một mình như
thế, có ngày chết không ai hay. Nàng đề nghị bà cụ rời Cali sang ở với vợ chồng
tôi, để nàng có dịp săn sóc chu đáo hơn.
“Oh! My God“, bây giờ thì
đúng là “phép lạ” đang xảy ra trong nhà tôi. Mẹ tôi cảm động đến run
rẩy, cái miệng móm mém ngoạc ra cười ngô nghê mà hai giọt nước mắt đã ứa ra
trên khóe mắt hấp háy, nhăn nheo. Đúng là Thượng Đế đang làm phép lạ, mẹ tôi rất
tin Chúa cho nên cứ cho là phép lạ đã xảy ra trong cuộc đời bà. Có lẽ nào như
thế, riêng tôi thì lờ mờ nhận ra rằng, khối óc người đàn bà Việt Nam dịu hiền
kia đã hòa nhập vào Linda, đang đưa nàng đi vào cái nhân nghĩa của đạo làm người,
vốn tiềm tàng trong lòng dân tộc họ.
Từ nay, Linda chăm sóc tôi đúng nghĩa một người vợ hiền Á Đông. Tôi rất cảm động
khi nàng cắm cúi ngồi may lại những đường chỉ bị tuột, đơm lại chiếc nút áo cho
tôi và sáng sáng, nàng dậy sớm chuẩn bị thức ăn để tôi mang theo đi làm. Luôn
luôn, Linda có dáng dấp dễ thương của người đàn bà Á đông tiềm ẩn trong tâm hồn
nàng, dù bên ngoài nàng vẫn là một phụ nữ Tây phương xinh đẹp, đầy sức sống, Tất
cả những điều ấy làm cho tôi sung sướng suốt cả ngày, rồi chỉ muốn hét lên cho
mọi người biết rằng, tôi đang là một người chồng hạnh phúc.
Nguyên Nhung