Seite auswählen

Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 vừa chính thức bắt đầu tối 31.05.2019 tại Singapore với sự tham dự của khoảng 20 Bộ trưởng Quốc phòng và hàng trăm đại biểu gồm các Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh lực lượng quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia, Nghị sĩ, các học giả đến từ hàng chục quốc gia.

Diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương diễn ra từ 31-5 đến 2-6 này được mong đợi để xác quyết thái độ của các bên về những vấn đề nóng bỏng hiện tại như trật tự an ninh đang biến đổi ở châu Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, an ninh biển. 

Đối thoại Shangri-La năm 2019: Nhu chế cương, trong khác ngoài

© AFP 2019 / Roslan Rahman

Nhìn nhận và đánh giá thế nào về quan hệ giữa Mỹ và Trung cộng trong bối cảnh hiện nay, qua những gì diễn ra tại Đối thoại Shangri-La năm 2019?

Mối quan hệ giữa Trung cộng và Mỹ hiện không được ổn thoả. Nó nhập nhằng giữa găng và dịu, giữa tiếp tục leo thang căng thẳng và sẵn sàng nhanh chóng hoà giải, giữa có nhiều chuyện gay cấn chưa thể được giải quyết và giữ cho quan hệ không hề bị đổ vỡ. Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quan hệ như thế giữa Mỹ và Trung cộng.

Sau 8 năm vắng bóng, lần đầu tiên Trung cộng lại cử bộ trưởng quốc phòng tới tham dự. Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng tham dự lần đầu tiên. Họ cũng đã gặp nhau tay đôi bên lề cuộc Đối thoại. Bài phát biểu của họ tại diễn đàn được chú ý bởi dù họ có trình bày quan điểm của chính phủ Trung cộng và chính phủ Mỹ về chính trị an ninh khu vực hay thế giới thì ẩn hiện phía sau đều về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung cộng.

Đối thoại Shangri-La Singapore là diễn đàn an ninh có uy tín nhất định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng thực chất chỉ là sự kiện “đến hẹn lại lên”, như Hội nghị an ninh Munich ở Đức hay thậm chí Diễn đàn kinh tế thế giới Davos ở Thuỵ Sỹ. Ồn ào mấy ngày rồi bị quên lãng cho tới năm sau. Ở đó, vấn đề chỉ được đề cập đến chứ không được giải quyết, thuyết trình chứ không thảo luận, được nói ra quan trọng hơn những gì nói ra được nghe. Vì thế, tất cả những gì diễn ra ở khuôn khổ diễn đàn này cần phải được sàng lọc hiện tượng nếu muốn nhận diện bản chất.

Giữa Mỹ và Trung cộng hiện tại có nhiều mắc mớ hơn so với trong thời gian trước. Liên quan đến Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thiết lập được cơ chế đối thoại song phương giữa Mỹ và Triều Tiên để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chuyện chiến tranh hay hoà bình trên bán đảo Triều Tiên và khả năng bình thường hoá quan hệ giữa hai nước mà chưa phải dựa cậy gì nhiều tới vai trò của Trung cộng.

Tham khảo thêm:

Đối thoại Shangri-La 2019: Thể hiện rõ nét quan tâm thực chất của các nước.
Liên quan đến Đài Loan, cả 40 năm sau khi Mỹ có bộ Luật về quan hệ với Đài Loan, Trung cộng vẫn chưa thành công với việc làm suy xuyển mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Đài Loan. Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Chừng nào Mỹ vẫn còn như vậy thì chừng ấy Trung cộng chưa thể thu phục được Đài Loan bằng biện pháp quân sự.

Ở khu vực Biển Đông, bất đồng quan điểm và cọ sát lợi ích giữa Mỹ và Trung cộng ngày càng gia tăng, không chỉ quyết liệt mà còn cơ bản. Xung khắc thương mại giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Đàm phán thương mại chưa biết đến khi nào mới có thể được kết thúc thành công.

Hiện tượng và bản chất

Nếu nhìn vào bản chất cuộc cạnh tranh chiến lược hiện tại giữa Mỹ và Trung cộng thì giữa hai bên rồi đây nếu có được thì chỉ có thể dịu bớt chứ không thể có được hài hoà. Hai bên sẽ không xô đẩy nhau vào chiến tranh thương mại và càng không để xảy ra đụng độ quân sự với nhau ở khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhưng rõ ràng là chừng nào ông Trump còn cầm quyền ở Mỹ thì chừng đó Trung cộng còn bị khó khăn chứ không được dễ dàng với Mỹ trên mọi phương diện quan hệ song phương. Nếu như tới đây ông Trump chính thức ứng cử tổng thống Mỹ lần nữa thì chuyện xử lý quan hệ của Mỹ với Trung cộng sẽ càng được ông Trump coi trọng vì tác động dân tuý của nó càng thêm quyết định đối với triển vọng được tái đắc cử tổng thống của ông Trump. Trung cộng không thể không trù liệu đến và chuẩn bị ứng phó sớm với kịch bản này.

Trung cộng đáp trả Mỹ quyết liệt trong chuyện xung khắc thương mại và cả ở diễn đàn Đối thoại Shangri-La Singapore năm nay. Trong khi chưa tung ra hết mọi con chủ bài để đáp trả đủ mức ngang ngửa với mức độ xung khắc thương mại của Mỹ, Trung cộng không khoan nhượng trong cuộc khẩu chiến với Mỹ trên dư luận và ở Singapore. Ở đây có thể thấy mức độ phản ứng của Trung cộng vẫn còn kiềm chế, lấy cương chế cương trong các tuyên bố và phát ngôn, nhưng vẫn còn lấy nhu chế cương trong thực chất, phản ánh nhận thức của Trung cộng là với Mỹ thì phải đáp trả thích đáng nếu muốn làm cho Mỹ không tiếp tục lấn tới, nhưng hiện tại chưa phải là thời điểm và bối cảnh thích hợp và có lợi nhất để chơi sát ván với Mỹ mà Trung cộng vẫn còn cần thời gian để củng cố và tăng cường thế và lực, để tập hợp lực lượng và bài binh bố trận.

Dùng nhu chế cương và duy trì sự khác biệt giữa trong và ngoài như thế này là cách Trung cộng chơi con bài thời gian trong quan hệ với Mỹ.

Ở Singapore vừa qua, người ta chứng kiến cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Nguỵ Phượng Hoà.

Thật ra, nó chỉ đặc biệt thu hút được chú ý ở phương diện ông Shanahan lần đầu tiên tham dự Đối thoại Shangri-La Singapore và lần đầu tiên kể từ năm 2011 Trung cộng lại cử bộ trưởng quốc phòng tham dự sự kiện này thôi chứ còn mọi tuyên bố và thông điệp, lập luận và giải thích, răn đe và cảnh báo của cả hai phía đều không mới mẻ gì. Bên này nhắc nhở bên kia về chỉ giới đỏ mà chớ nên bước qua. Và sẽ chẳng có bên nào rồi đây bước qua lằn ranh ấy đâu.

Sputnik (03.06.2019)

Tại Shangri-La, Washington kêu gọi Bắc Kinh ngừng xâm lấn chủ quyền của láng giềng

Quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Patrick Shanahan và bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng, Ngụy Phượng Hòa, bên lề Diễn đàn An ninh Shangri-La ngày 31/05/2019.REUTERS/Idrees Ali

Hôm nay, 01/06/2019, tại Diễn đàn An ninh châu Á, Shangi-La, Hoa Kỳ kêu gọi Trung cộng chấm dứt xâm lấn chủ quyền của các nước láng giềng. Washington cũng cảnh báo sẽ đầu tư ồ ạt trong 5 năm tới để duy trì ưu thế quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong diễn văn tại diễn đàn hội nghị, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Patrick Shanahan tuyên bố : « Trung cộng có thể và phải có quan hệ hợp tác với các nước còn lại trong vùng… Nhưng những hành vi làm xói mòn chủ quyền của các nước làm gieo rắc nghi ngờ của Trung cộng phải được chấm dứt ».

Mỹ đặc biệt chỉ trích Bắc Kinh chiếm đóng và quân sự hóa nhiều đảo trên Biển Đông mà các nước như Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan hay Brunei vẫn đòi chủ quyền. Nhân danh tự do hàng hải, Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tiến hành các chuyến tuần tra, giám sát trong khu vực Thái bình Dương cũng như không phận quốc tế. Mỹ vẫn đưa tàu chiến đi vào các vùng như eo biển Đài Loan và vùng biển có các đảo Trung cộng chiếm giữ nhưng đang có tranh chấp các nước xung quanh.

Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ cảnh báo, « chúng tôi sẽ không làm ngơ trước hành vi của Trung cộng ». Ông Shanahan khẳng định, không một nước nào có thể hay có quyền thống trị khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và Hoa Kỳ « bảo đảm không một đối thủ nào có thể nghĩ rằng họ có thể đạt mục đích chính trị bằng sức mạnh quân sự ».

Ông Shanahan nhắc lại là Bộ Quốc Phòng Mỹ dự trù ngân sách 104 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển quân sự. Lầu Năm Góc còn « đầu tư nhiều hơn nữa trong 5 năm tới cho các chương trình chủ chốt để Ấn Độ – Thái Bình Dương là khu vực ổn định chắc chắn ».

Hôm qua bên lề diễn đàn, bộ trưởng Patrick Shanahan và đồng nhiệm Trung cộng, tướng Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp riêng. Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ khẳng định hai nước vẫn có những lĩnh vực có thể hợp tác được với nhau, đặc biệt trong việc kiểm soát thực thi lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên.

Đăng đàn sau đó, bộ tưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly nhắc lại là Pháp có các vùng lãnh thổ tại Thái Bình Dương và khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích, công dân, lãnh thổ và các vùng đặc quyền kinh tế của mình trong vùng. Ám chỉ đến hành động quân sự hóa của Trung cộng ở Biển Đông, bà Parly tuyên bố : « Chúng tôi coi chủ trương ʺsự đã rồiʺ là vi phạm rõ ràng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển ».

RFI (01.06.2019)

Việt Nam nêu mô hình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

© Ảnh : Văn Điệp – TTXVN

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng dù có khác biệt về vấn đề Biển Đông, các nước cần duy trì hòa bình, hợp tác để từng bước giải quyết mâu thuẫn, – VnExpress thông báo.

“Biển Đông là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển”, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch ngày 2/6 phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

“Cách đây vài ngày tại Hà Nội, tôi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất rằng Việt Nam và Trung cộng có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông, nhưng duy trì hòa bình, hợp tác là lợi ích chung của hai nước và khu vực”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói thêm.

Ông nhấn mạnh đây là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển “Hòa bình – hợp tác – phát triển”, trên cơ sở đó thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột.

“Tôi tin Trung cộng luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, họ đang khởi xướng ý tưởng xây dựng ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, sẽ ủng hộ, cùng Việt Nam và các nước biến điều đó thành hiện thực”, ông Ngô Xuân Lịch nói. “Làm được như vậy, Trung cộng và Việt Nam sẽ đóng góp một ‘mô hình tốt’ cho việc giải quyết tranh chấp”.

Việt Nam và một số nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ trương của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đang dẫn đầu phái đoàn Việt Nam dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn thường niên tại Singapore quy tụ các Bộ trưởng và quan chức quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương, thảo luận về các thách thức và an ninh trong khu vực. Đối thoại năm nay được tổ chức từ 31/5 – 2/6, có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan.

Sputnik (02.06.2019)

Lãnh đạo quốc phòng Mỹ – Trung hội đàm tại Đối thoại Shangri-La

Quyền Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan và Bộ Trưởng Quốc phòng Trung cộng Ngụy Phương Hòa gặp bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore, 31/5/2019.

Hôm 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan đã có cuộc hội đàm tại hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á tại Singapore, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước về thương mại và an ninh đang gia tăng, theo Reuters.

Hoa Kỳ và Trung cộng đang bị ách tắc trong một cuộc chiến thương mại đang leo thang, đồng thời cũng đang mâu thuẫn nhau trong một loạt các vấn đề chiến lược, như vấn đề tranh chấp Biển Đông, vấn đề Đài Loan…

Hôm 31/5, Hãng tin AP trích lời ông Shanahan nói với các phóng viên trước cuộc gặp với ông Ngụy Phương Hòa rằng ông sẽ nêu rõ hành vi xấu xa của Trung cộng trong một bài phát biểu vào hôm sau (1/6), bao gồm cả những gì ông gọi là việc Bắc Kinh quân sự hóa quá mức các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Shanahan cho biết việc Trung cộng xây phi đạo dài và đặt tên lửa đất đối không trên các tiền đồn này là hành động “quá mức” và vượt xa các biện pháp phòng thủ, cũng theo AP.

Tướng Ngụy Phượng Hòa và ông Shanahan đều tham dự Đối thoại quốc phòng thường niên Shangri-La tại Singapore.

Đối thoại kéo dài ba ngày, với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ-Thái Bình Dương, các sĩ quan quân đội và các chuyên gia an ninh, sẽ bắt đầu vào ngày 31/5.

VOA (31.05.2019)

Đối thoại Shangri-La: Mỹ và Trung cộng không nên ép các nước nhỏ phải “chọn phe”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung cộng không nên kéo theo việc gây sức ép, buộc các nước nhỏ phải lựa chọn đứng về một trong hai bên.

Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31/5. (Ảnh: Straitstimes)

Nhắc lại lịch sử thuộc địa kéo dài gần 200 năm của khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết các nước nhỏ không muốn chịu sức ép về việc phải đứng về phía nào trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung cộng leo thang.

“Tôi nhắc lại lịch sử để chứng minh rằng Đông Nam Á không xa lạ với trò chơi lớn của các nước, và cũng để đưa ra một số góc nhìn lịch sử cho bối cảnh chiến lược hiện nay”, Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trước hơn 600 đại biểu từ hơn 40 quốc gia tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore hôm 31/5.

Thủ tướng Lý cho biết lập trường của Singapore đối với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung cộng cũng như chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ là công bằng và nhất quán. Nhà lãnh đạo Singapore cho rằng các chương trình phát triển của Mỹ và Trung cộng, cũng như “các sáng kiến hợp tác khu vực khác”, nên củng cố, thay vì chia rẽ, các mối quan hệ trong khu vực.

“Các mối quan hệ đó không nên tạo ra các khối đối đầu nhau, khoét sâu thêm những rạn nứt hay buộc các nước phải chọn đứng về bên này hay bên kia”, Thủ tướng Lý nói.

Khi Trung tướng He Lei, một đại biểu từ Trung cộng, hỏi rằng Singapore làm thế nào để tránh việc phải lựa chọn giữa các nước lớn, Thủ tướng Lý cho biết Singapore sẽ làm “tốt nhất có thể” để “trở thành bạn của cả hai phía”.

“Nếu muốn tránh phải chọn phe, thì đòi hỏi nước đó không bị gây sức ép phải chọn phe. Nhưng không may là, khi các bên chia tách rạch ròi, mọi người sẽ hỏi rằng, vậy ông là bạn của tôi hay không phải bạn của tôi? Điều đó thực sự khó đối với các nước nhỏ”, ông Lý Hiển Long cho biết.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi cả Mỹ và Trung cộng chấp nhận và thích nghi với một Trung cộng trỗi dậy.

“Sự phát triển của Trung cộng đã thay đổi cân bằng chiến lược và trọng lực kinh tế của thế giới. Sự thay đổi này sẽ vẫn tiếp tục. Cả Trung cộng và phần còn lại của thế giới phải thích nghi với thực tế mới này. Trung cộng phải nhận ra rằng họ đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn mới được tạo ra bởi chính sự thành công của họ. Trung cộng không thể tiếp tục kỳ vọng được đối xử theo cách như trong quá khứ – thời điểm mà họ yếu và nhỏ hơn nhiều so với bây giờ”, ông Lý nhấn mạnh.

Vấn đề cốt lõi là Mỹ và Trung cộng cần hợp tác với nhau và với các nước khác để đưa hệ thống toàn cầu phát triển chứ không phải gây rắc rối cho hệ thống đó. Để làm được điều đó, mỗi bên phải hiểu lập trường của bên còn lại và hài hòa lợi ích của nhau”, thủ tướng Singapore nhận định.

“Cạnh tranh không nhất thiết phải xung đột”

Các đại biểu nghe bài phát biểu của Thủ tướng Singapore tại Đối thoại Shangri-La. (Ảnh: Straitstimes) 

Theo ông Lý Hiển Long, việc hai cường quốc cạnh tranh nhau để giành “quyền lực và tầm ảnh hưởng là lẽ đương nhiên”, tuy nhiên “cạnh tranh không nhất thiết phải dẫn tới xung đột”.

“Mối quan hệ song phương Mỹ – Trung đóng vai trò quan trọng nhất trong thế giới ngày nay. Việc hai nước giải quyết căng thẳng và mâu thuẫn như thế nào sẽ định hình môi trường quốc tế trong nhiều năm tới”, Thủ tướng Singapore nói.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng các nước nhỏ như Singapore ít có khả năng tác động tới các nước lớn. Tuy vậy, vẫn có cơ hội để các nước nhỏ hợp tác với nhau nhằm thắt chặt hợp tác kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và thúc đẩy các thể chế đa phương.

Theo cách này, chúng ta có thể tăng cường ảnh hưởng của chúng ta với tư cách là một nhóm và thúc đẩy lập trường tập thể trong các vấn đề quan trọng với chúng ta, đó có thể là về thương mại, an ninh hoặc công nghệ”, Thủ tướng Lý cho biết.

Nhận định về mối quan hệ Mỹ – Trung hiện nay, Thủ tướng Singapore cho rằng việc thiếu lòng tin chiến lược là cốt lõi dẫn tới căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước. Điều này khiến cho việc giải quyết các mâu thuẫn trở nên khó khăn hơn.

Ông Lý cho rằng Mỹ và Trung cộng sẽ mắc một sai lầm nghiêm trọng nếu tiếp tục đi theo con đường hiện tại. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, các vấn đề quốc tế lớn sẽ không được giải quyết và các lợi ích của thị trường toàn cầu hóa sẽ mất đi.

“Nếu cả hai nước giải quyết tranh chấp thương mại đơn thuần dựa trên bản chất của vấn đề, tôi chắc chắn các nhà đàm phán thương mại sẽ có thể giải quyết được. Nhưng nếu bên này sử dụng các quy tắc thương mại để kiềm chế bên còn lại, hoặc một bên kết luận rằng bên kia đang tìm cách làm như vậy, tranh chấp sẽ không được giải quyết và hệ quả sẽ lớn hơn nhiều so với việc thâm hụt GDP”, Thủ tướng Lý nói trước các đại biểu, trong đó có bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Trung cộng.

Dành một phần đáng kể trong bài phát biểu để nói về căng thẳng Mỹ – Trung, Thủ tướng Singapore cho rằng “chưa cần tới xung đột trực diện, chỉ cần một giai đoạn bất ổn và căng thẳng kéo dài cũng sẽ gây tổn hại cực lớn”. Ví dụ những vấn đề như tình hình Triều Tiên hay biến đổi khí hậu chỉ có thể được giải quyết nếu cả Washington và Bắc Kinh tham gia.

“Xét về mặt kinh tế, thiệt hại không chỉ là một hay hai phần trăm GDP của thế giới, mà là những lợi ích khổng lồ về thị trường toàn cầu hóa và chuỗi sản phẩm”, Thủ tướng Lý cho biết.

Theo SCMP, Straitstimes (31.05.2019)

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam phát biểu về cách thức tránh xung đột tại Đối thoại Shangri-La

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch  AFP 

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) về cách thức ngăn ngừa xung đột trong các lĩnh vực cạnh tranh, đồng thời sẽ có những cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng một số nước, theo truyền thông trong nước.

Hôm 23/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho báo chí biết Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, diễn ra tại Singapore, từ ngày 31/5 đến ngày 2/6.

Đây là một diễn đàn quan trọng về an ninh và quân sự trong khu vực được tổ chức hàng năm, quy tụ các quan chức quân sự cấp cao và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung cộng.

Truyền thông trong nước trích thông tin từ hãng thông tấn Nhật NHK cho biết, Đối thoại Shangri-La 2019 sẽ có chương trình thảo luận về tình hình Biển Đông, vùng nước đang tranh chấp giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực bao gồm Trung cộng.

Theo dự kiến, tại đối thoại lần này, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sẽ công bố chiến lược  Ấn Độ – Thái Bình Dương mới.

Sau nhiều năm vắng bóng kể từ năm 2011, Trung Quốc năm nay cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tham dự Đối thoại Shangri-La. Ông Ngụy Phượng Hòa sẽ có bài phát biểu vào ngày 2/6.

Theo đánh giá của ông Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia về an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, Trung cộng sẽ tiếp tục có thái độ cứng rắn về lập trường của mình nhưng đồng thời cũng muốn xây dựng một hình ảnh Trung cộng sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các nước vào giữa lúc quan hệ Mỹ Trung đang trở nên căng thẳng.

RFA (01.06.2019)

Việt Nam sẽ nêu vấn đề Biển Đông ở Đối thoại Shangri-La?

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (trung tâm) tại cuộc họp Các Bộ trưởng ASEAN hôm 25/10/2017 ở Manila, Phi Luật Tân.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sẽ tham dự diễn đàn an ninh khu vực tại Singapore với mong muốn “chia sẻ với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung”.

Theo TTXVN, người đứng đầu bộ Quốc phòng sẽ có bài phát biểu về chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh” tại Phiên toàn thể thứ 5 của Đối thoại Shangri-La, diễn ra ngày 2/6.

Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn hàng đầu có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế, khai mạc ngày 31/5 với sự tham dự của 15 bộ trưởng Quốc phòng cùng các quan chức cấp cao đến từ 47 quốc gia trên khắp thế giới vào thời điểm căng thẳng đang có sự gia tăng giữa các nước lớn, đe dọa tới hòa bình, ổn định an ninh của khu vực, theo TTXVN.

Ngoài sự xuất hiện của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, còn có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hoàng sau 8 năm vắng mặt tại diễn đàn Shangri-La.

An ninh hàng hải sẽ là một trong những vấn đề được thảo luận tại Đối thoại lần này, bên cạnh 6 phiên toàn thể, trong đó có chủ đề về chính sách an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trong bối cảnh Trung cộng tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng ông sẽ nêu tên Trung cộng trong một bài phát biểu hôm 1/6 về các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông và việc nước này ngày càng gây sức ép vì lợi ích quốc gia của họ, theo Navy Times.

Được hỏi liệu Việt Nam có nêu vấn đề quân sự hóa Biển Đông tại đối thoại Shangri-La lần này hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 23/5 cho biết: “Việc Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.”

Bà Hằng nói rằng Việt Nam “mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung, qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển.”

Đó cũng là mục tiêu chính của Đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-la lần này, theo bà Hằng.

Theo TTXVN, sự tham dự của Bộ trưởng Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao tại đối thoại lần này khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.

VOA (01.06.2019)

Diễn đàn Shangri-La : Lo bị cô lập, Bắc Kinh cử bộ trưởng Quốc Phòng tham dự

Diễn đàn an ninh châu Á Shangri-La được tổ chức tại khách sạn cùng tên, ở Singapore, vào cuối tháng Năm đầu tháng Sáu hàng năm.REUTERS/Edgar Su

Diễn đàn hàng đầu về an ninh châu Á tại Singapore khai mạc hôm nay, 31/05/2019, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung bao trùm. Một tâm điểm chú ý của công luận là sự hiện diện của bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng, lần đầu tiên kể từ 8 năm nay. Vì sao Bắc Kinh cử lãnh đạo Quốc Phòng tham dự hội nghị ?

Kể từ năm 2011, Bắc Kinh không cử bộ trưởng Quốc Phòng đến Diễn đàn thường niên về an ninh châu Á, mà chỉ cử một số quan chức cấp thấp hơn. Năm 2011 cũng là năm duy nhất mà Trung cộng cử lãnh đạo Quốc Phòng đến dự Shangri-La. Ngược lại, kể từ năm 2014, Trung cộng tổ chức một hội nghị quốc tế thường niên khác về an ninh và quốc phòng tại Bắc Kinh, với mục tiêu đối trọng với Diễn đàn Singapore, nhằm khẳng định vị thế của một siêu cường đang lên. Chính vì vậy, quyết định cử lãnh đạo Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) tham dự Shangri-La của Trung cộng được nhiều nhà quan sát đánh giá như một thay đổi quan trọng.

Trong bài phân tích mang tựa đề « Vì sao Bắc Kinh cử lãnh đạo Quốc Phòng tham dự hội nghị Shangri-La 2019 ? », trên The Diplomat, nhà báo Eleanor Albert tìm cách lý giải nguyên nhân đằng sau quyết định này. Theo tác giả, với việc cử đại diện cấp cao tham dự Shangri-La, Trung cộng đang « điều chỉnh lại » chiến lược đối ngoại quân sự và an ninh, để không bị loại ra bên lề diễn đàn quốc tế về an ninh quan trọng bậc nhất này, đúng vào một thời điểm đặc biệt.

Đây là giai đoạn mà chính quyền Mỹ đang tiếp tục điều chỉnh chiến lược tại châu Á, với tên gọi mới « Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương ». Washington cũng tìm cách đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các đồng minh và đối tác khu vực vào dự án bảo vệ an ninh, tự do hàng hải và một khu vực rộng mở. Trong chiến lược nói trên của Hoa Kỳ, Trung cộng ngày càng bị chỉ mặt như mối đe dọa chính.

Biển Đông hứa hẹn sẽ nổi lên như một điểm nóng tại Diễn đàn Singapore. Nhân diễn đàn an ninh khu vực này, chính quyền Hoa Kỳ dự kiến công bố một chiến lược mới chống lại những tham vọng trên biển của Trung cộng. Theo ông Randall Schriver, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, phụ trách An ninh châu Á – Thái Bình Dương, mục tiêu của chiến lược mới này là không để cho Trung cộng « triển khai thêm các hệ thống quân sự » tại Biển Đông, và đòi hỏi Trung cộng phải dỡ bỏ các hệ thống quân sự đã được xây dựng tại các đảo nhân tạo ở khu vực này.

Khả năng căng thẳng Mỹ – Trung về chủ đề Biển Đông dâng cao tại Diễn đàn Singapore cũng là điều được giới quan sát đặc biệt chú ý. Báo Ấn Độ Times of India nhấn mạnh là trong những tuần gần đây Washington không chỉ gia tăng các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung cộng, mà chính giới Mỹ cũng có thêm nỗ lực thúc đẩy tăng cường « khung pháp lý » nhằm trừng phạt các hoạt động bành trướng, quân sự hóa của Trung cộng ở Biển Đông.

Ngày 23/05/2019, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ, gồm cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ, đệ trình một dự luật theo hướng này. Dự luật yêu cầu ngoại trưởng Mỹ cứ 6 tháng một lần đệ trình lên Quốc Hội danh sách các cá nhân và các tổ chức Trung cộng tham gia các dự án xây dựng tại các thực thể địa lý tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả các dự án viễn thông. Ngày 29/05, tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tố cáo chủ tịch Trung cộng bội ước, khi biến nhiều thực thể địa lý ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự.

Một số nhà quan sát cho rằng, trước các áp lực của Mỹ, Bắc Kinh sẽ tỏ ra mềm mỏng tại Shangri-La. Hãng tin Nhà nước Trung cộng Tân Hoa Xã, trong một thông cáo phát đi trước ngày bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa lên đường, cho biết mục tiêu của phái đoàn Trung cộng tham dự Shangri-La lần này là để khẳng định chiến lược « hợp tác » nhằm tham gia vào việc duy trì an ninh và ổn định tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh là sự đóng góp của Trung cộng mang lại « một hy vọng mới cho an ninh khu vực ».

Liệu thái độ tránh né nói trên của Bắc Kinh có tránh cho Trung cộng cuộc đối đầu nảy lửa với Hoa Kỳ về Biển Đông ? Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới trên đường đến Singapore, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết : trong cuộc gặp không chính thức ngày mai với đồng nhiệm Trung cộng, ông sẽ trực tiếp đề cập đến vấn đề nóng bỏng : Các hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung cộng.

RFI (01.06.2019)

Diễn đàn Sangri-La : Trung cộng khuyến cáo Mỹ đừng  khinh địch

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng, Ngụy Phượng Hòa tại diễn đàn Shangri-La 2019. Ảnh ngày 02/06/2019.Reuters  

Trung cộng không đóng cánh cửa đối thoại nhưng đã sẵn sàng đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh cũng không từ bỏ ý định đánh chiếm Đài Loan, Washington không nên xem thường quân đội Trung cộng. Trên đây là nội dung thông điệp của bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa, kết thúc diễn đàn an ninh khu vực hàng năm Singapore ngày 02/06/2019.

Một ngày sau khi quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan lên án Trung cộng có hành động khuynh đảo an ninh khu vực, đến lượt phái đoàn Trung cộng lên tiếng. Điều mọi người mong chờ là xem phản ứng của Bắc Kinh như thế nào trong bối cảnh hai bên leo thang chiến tranh thương mại lồng trong tình tạng căng thẳng tại biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trong bộ quân phục, bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hoà tuyên bố là quân đội Trung cộng sẽ « chiến đấu đến cùng để xác định chủ quyền cũng như không loại trừ giải pháp chiếm Đài Loan bằng quân sự ». Tướng Ngụy Phượng Hoà cảnh báo Mỹ không nên khinh thường quyết tâm đối đầu của Trung cộng nhưng sau đó ông nhìn nhận là nếu chiến tranh xảy ra thì đó là một thảm họa.

Trong hồ sơ thương mại, thông điệp của đại diện Bắc Kinh cũng mang nội dung nửa cứng rắn nửa hoà hoãn. Từ Singapore, thông tín viên Carie Nooten phân tích :

Diễn văn của tướng Ngụy Phượng Hoà nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất là giải thích luận điểm chính thức của Bắc Kinh với hy vọng thuyết phục các nước là hình ảnh một Trung cộng tiêu cực và đáng sợ mà họ nhận thấy trong những tháng gần đây xuất phát từ những điều nhầm lẫn. Với lối biện luận cố hữu, bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng khẳng định Bắc Kinh chưa bao giờ đô hộ ai hay gây chiến với ai. Lập luận này chỉ có sức thuyết phục trung bình.

Mục tiêu thứ hai là xác định vị trí đối với Mỹ. Theo một phương pháp mang đặc tính Trung Hoa, tướng Ngụy Phượng Hoà lý giải rằng không thể đặt Trung cộng cùng bàn cân với Mỹ.

Xác định là như vậy, nhưng Ngụy Phượng Hoà cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cuối cùng thì Trung cộng và Mỹ vẫn là hai sức mạnh truyền thống đối đầu trong khu vực : « Để hợp tác thì cần phải hai bên. Nếu chỉ cần một bên là có thể tạo ra xung đột. Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ làm việc với chúng tôi vì một mục đích chung, dựa trên nguyên tắc không xung đột không hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi để lèo lái quan hệ Mỹ-Trung đi đúng hướng và phát triển nhiều hơn ».

Thật khó mà kết luận trong cuộc khẩu chiến này tại Sangri-La, giữa quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan và bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hoà, ai thắng, ai thua. Mối lo ngại căng thẳng leo thang, cách nay ba hôm, tạm thời lắng dịu. Nhưng tất cả các phái đoàn hiện diện tại Singapore đều biết rằng tình hình có thể nóng trở lại một cách nhanh chóng.

Về hồ sơ Biển Đông, tuy không gọi đích danh Mỹ và Pháp, tướng Ngụy Phượng Hoà lên án hành động mà ông gọi là một số thế lực « ở bên ngoài » xâm nhập biển « Nam Trung Hoa » để phô trương sức mạnh.

Song song với những lời đe dọa tại diễn đàn Singapore, Hải QuânTrung cộng phong tỏa một vùng Biển Đông để khẳng định chủ quyền bằng hành động. Theo AP, cuộc tập trận kéo dài từ Chủ Nhật 02/06/2019 cho đến ngày 04/06/2019 tại vùng Hoàng Sa, bị Trung cộng đánh chiếm của Việt Nam sau trận hải chiến vào tháng Giêng 1974.

 RFI (01.06.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen