Seite auswählen
phạm toànFB MAI HIEN PHAM
Giáo viên trường Olympia đến thăm ông Phạm Toàn hôm 14/6

Tin cho hay nhà giáo Phạm Toàn, đồng sáng lập trang Bauxite Việt Nam, qua đời hôm 26/6, thọ 88 tuổi.

Ông Phạm Toàn là dịch giả cuốn ‘Nền dân trị Mỹ’ và lãnh đạo nhóm ‘Cánh Buồm’.

Năm 2009, ông cùng với giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, thành lập ra trang mạng Bauxite Việt Nam nhằm phản đối khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Ngay sau khi ra đời, trang này đã thu hút sự chú ý đặt biệt của hàng triệu độc giả cả trong và ngoài Việt Nam, dù sau đó trang này bị nhà cầm quyền Việt Nam dựng tường lửa và tin tặc liên tục đánh phá. Đến nay, trang mạng đã tồn tại được 10 năm.

Một số báo ở Việt Nam đưa tin ông qua đời nhưng không nhắc gì đến trang Bauxite Việt Nam.

Khi tin ông qua đời được loan báo trên mạng xã hội, nhà báo Huy Đức viết trên trang cá nhân: “Vĩnh biệt nhà giáo Phạm Toàn, người đi hết cuộc đời trong chính thể này mà vẫn giữ được cốt cách sỹ phu”.

‘Yêu tự do dân chủ’

Nhà thơ Hoàng Hưng viết trên trang cá nhân:

“Phạm Toàn, với tôi, là gì? Là nhiều thứ lắm! Nhà giáo tận tuỵ yêu thương trò; nhà giáo dục đầy kiến văn và kinh nghiệm giảng dạy theo nguyên lý giáo dục hiện đại, mang tính cách mạng đối với giáo dục Việt Nam; người tổ chức thực hành gíao dục kiên định và kiên trì, đem lại kết quả thực tiễn; người thầy-nghệ sĩ.

Nhà trí thức cả đời khắc khoải tìm lẽ sống đời mình, cống hiến hết mình cho xã hội, say mê làm việc với năng lượng phi thường ngay ở tuổi U90.

Người công dân yêu nước, yêu tự do dân chủ, khẳng khái, không sợ bạo quyền, tận tình với bạn bè đồng chí.

Con người rất tình cảm, yêu ghét phân minh nhưng bao dung và hồn hậu, hài hước, trẻ trung đến những ngày cuối đời, một “lão ngoan đồng”. Trẻ con và phụ nữ rất mến anh!

Người bạn tâm đầu, người anh nêu gương, người truyền cảm hứng cho tôi ở cuối đời.”

Trang Bauxite Việt Nam hôm 26/6 dẫn chia sẻ của Facebooker Đinh Thảo: “Điều khiến tôi ngưỡng mộ hơn cả chính là tấm lòng khoan dung của bác. Bác yêu mến và luôn trân trọng đóng góp của tất cả mọi người. Hiếm có khi nào nghe thấy bác phán xét ai. Có lần tôi hỏi bác tình tình đất nước như vậy thì người trẻ nên làm gì. Bác đáp: “Làm gì cũng được, làm việc lớn cũng được, việc nhỏ cũng được. Chỉ cần luôn nhớ là làm điều đúng và thật là được.” Chỉ giản dị như vậy đấy, mà lời nói đó trở thành kim chỉ nam để tôi hoạt động, để sống và để ghi nhận những người xung quanh mình.”

Trang Văn Việt viết về ông Phạm Toàn, tức nhà văn và dịch giả Châu Diên, thành viên sáng lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam: “Ông có đóng góp quan trọng vào tư duy đổi mới, hiện đại hoá nền giáo dục Việt Nam. Là đồng sáng lập website Bauxite Việt Nam của các trí thức phản biện.

Phạm Toàn là nhà giáo tận tuỵ yêu thương trò; nhà giáo dục đầy kiến văn và kinh nghiệm giảng dạy theo nguyên lý giáo dục hiện đại, mang tính cách mạng đối với giáo dục Việt Nam; người tổ chức thực hành gíao dục kiên định và kiên trì, đem lại kết quả thực tiễn; người thầy – nghệ sĩ.

Nhà trí thức cả đời khắc khoải tìm lẽ sống đời mình, cống hiến hết mình cho xã hội, say mê làm việc với năng lượng phi thường ngay ở ngưỡng tuổi 90. Người công dân yêu nước, yêu tự do dân chủ, khẳng khái, không sợ bạo quyền, chí tình với bạn bè đồng chí.”

BBC

Vĩnh biệt bậc đàn anh Phạm Toàn

Lại Nguyên Ân

26-6-2019

Quả thật tôi không còn nhớ đã quen anh từ hồi nào, gặp anh lần đầu ở đâu! Có lẽ từ giữa những năm 1980s – 1990s.

Tại nhà anh Dương Tường, hoặc tại thư viện Trung tâm Đông Tây nơi phố mới Trần Quý Kiên tọa lạc trên làng cốm khi xưa vừa xóa sổ!

Vốn đã biết bút danh Châu Diên của anh từ “Con nhện vàng”, rồi các bài ký hay truyện ký Châu Diên trên Văn nghệ cùng thời Chu Văn, Vũ Thị Thường những năm 1960s, cho nên những năm 1990 gặp anh lại như thấy một người khác, một nhà giáo dục có tư tưởng độc lập, mặc dù vẫn còn đó một nhà văn của “Người sông mê”…

Gần Phạm Toàn /Châu Diên/, gặp và đọc Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Xuân Khánh, tôi nhận ra một bộ phận thuộc thế hệ nhà văn tưởng đã tắt lụi đi sau Nhân văn-Giai phẩm, sau thanh trừng NQ 9, “xét lại hiện đại”, v.v…, hóa ra vẫn còn những kẻ sống sót này, sống sót và làm lại khuôn mặt thế hệ. Chỉ với dăm ba tác giả này thôi, thế hệ nhà văn miền Bắc ấy (thế hệ 3X) vẫn tỏ rõ tâm hồn và tài năng đàn anh so với thế hệ tiếp sau (thế hệ 4X)!

Với riêng Phạm Toàn, tôi được chịu những ơn ích cụ thể, đồng thời lại ân hận vì không dám đảm nhận những việc anh muốn giao phó…

Ấy là những kẻ kịp học chữ Nga để biết chút ít về thế giới đương thời mình, nhưng lại không kịp học chữ Pháp chữ Hán để xử lý các văn bản thuộc di sản lớp trước mình. Khi làm các cuốn sưu tập Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, gặp những đoạn câu chữ Pháp, tôi thường gởi email nhờ anh, phamtoanvidai, rồi phamtoankhiemton, luôn luôn, tôi được anh giúp rất nhanh chóng.

Khi khảo chuyện văn bản Số Đỏ, tôi cần có 2 truyện ngắn Guy de Maupassant để minh chứng cái “liên văn bản” mà Vũ Trọng Phụng viện đến, trong một chương kể quan hệ tay ba Xuân Tóc Đỏ, Bà Phó Đoan, Cô Tuyết con cụ cố Hồng. Chỉ cần tôi tìm được văn bản chữ Pháp gởi cho anh, anh đưa lại bản dịch rất nhanh chóng.

Hồi 2017 đây, đang cùng các bạn Quảng Ngãi chuẩn bị kỷ niệm Nguyễn Vỹ, tôi có bản chụp “Tập thơ đầu” bằng chữ Pháp. Tôi lại nhờ anh, anh bảo các cậu bao giờ dùng đến, cho tớ một ít thời gian. Rồi anh cũng sớm gửi lại bản dịch, một bản dịch thơ mà khi đem hỏi ông Tiến Đặng bên Pháp, ông xem qua rồi nói OK.

Anh giúp cho như thế, nhưng những việc anh định giao thì tôi không dám làm, không dám nhận.

Anh rủ tham gia công việc Cánh Buồm? Tôi không dám, vì biết mình không có chuyên môn tương ứng, không thể làm được. Tôi lại cũng có một lô những việc đã định ra trước rồi, nên không thể làm thêm việc…, nhất là những việc cần có chủ kiến từ trước để có thể theo đuổi lâu dài.

Tôi ân hận vì chẳng giúp anh được gì!

Vĩnh biệt anh.

Mong sự nghiệp Cánh Buồm anh đi đầu sẽ có các bạn trẻ tiếp nối.