Đoàn Thanh Liêm
17.10.2010
Giáo sư Vũ Quốc Thúc năm nay đã vào tuổi 90, và hiện đang sinh sống tại Paris thủ đô nước Pháp. Giáo sư vừa cho ấn hành một bộ Hồi ký có nhan đề là “Thời Đại Của Tôi” gồm hai cuốn, tổng cộng dài trên 1,100 trang, do cơ sở công ty Người Việt ở California phụ trách xuất bản. Sách được in trên giấy trắng khổ chữ 12, bìa cứng, được trình bày thật trang nhã, dễ đọc.
Cuốn I dài 400 trang với phụ đề “Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử” viết về những nét chính yếu trong sinh hoạt chính trị xã hội của Việt nam trong thế kỷ XX. Cuốn II dài 700 trang với phụ đề “Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến” viết chi tiết về cuộc đời của tác giả. Có thể coi cuốn II này mới là phần chính của bộ Hồi ký.
Mặc dầu tác giả đã minh định rằng mình không có chủ ý viết lịch sử, mà chỉ ghi lại những sự việc ông đã chứng kiến trong suốt một cuộc đời hoạt động lâu dài của mình, thì những điều vị giáo sư khả kính và khả ái này đã trung thực viết ra trong bộ Hồi ký quý báu này sẽ rất có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu cặn kẽ hơn về cuộc sống tại đất nước chúng ta trong thế kỷ XX.
Nói chung, thì về hình thức cuốn sách được trình bày với một lối văn sáng sủa, gọn gàng, dễ lôi cuốn người đọc. Mà về nội dung, thì tác giả đã cung cấp cho chúng ta những thông tin rất phong phú với giá trị khả tín rất cao, do nhân cách đáng trọng của một nhà trí thức từ lâu nay vẫn từng được sự mến phục của đa số đồng bào trong nước, cũng như tại hải ngoại.
Lại nữa, vì là một vị giáo sư chuyên giảng dậy tại đại học trong nhiều năm, cũng như chỉ tham gia công việc của quốc gia trong lãnh vực chuyên môn về kinh tế tài chánh, nên tác giả không hề có nhu cầu, hay chịu một áp lực nào để phải giải thích, biện bạch cho các hành động của mình, như các nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp thường hay làm. Do đó, mà tập Hồi ký này dễ có tính chất khách quan trung thực hơn, để bạn đọc có thể yên tâm tin tưởng được.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã dậy học tại trường Luật ở Hà Nội và tại Sài Gòn trong gần 25 năm. Ngoài ra ông cũng còn giảng dậy tại Đại học Đà Lạt, Học viện Quốc gia Hành chánh tại miền Nam Việt Nam suốt thời kỳ trước năm 1975. Rồi sau này, khi sang định cư tại Pháp, giáo sư còn giảng dậy tại Đại học Paris XII từ năm 1978 đến năm 1988 mới về hưu. Số môn sinh được học tập với giáo sư có thể lên tới hàng bao nhiêu vạn người, nên thiết tưởng không cần phải viết dài dòng về tiểu sử của tác giả nữa.
Dưới đây, tôi xin ghi lại chi tiết hơn về một số điều mình tâm đắc trong khi đọc tập Hồi ký này.
1 – Niềm say mê học tập và nghiên cứu
Như trong tập Hồi ký ghi rõ trong nhiều trang, sự thành đạt trong việc thi cử của tác giả là do việc ông đã học tập rất chu đáo, nghiêm túc. Cụ thể như ngay từ thời còn ở bậc tiểu học và trung học ở thành phố Nam Định, ông đã miệt mài học để mà nắm vững được việc sử dụng đọc và nhất là viết tiếng Pháp. Khả năng viết tiếng Pháp trôi chảy như vậy chính là cái chìa khóa mở ra cho tác giả nhiều cánh cửa cho việc thăng tiến về khoa cử tới bậc cao nhất, như văn bằng tiến sĩ và thạc sĩ về môn Kinh tế học, cũng như về các chức vụ công quyền khác.
Riêng mục làm luận án để chuẩn bị thi bằng tiến sĩ tại đại học Paris, tác giả đã kể lại chi tiết về sự tham khảo tìm kiếm rất công phu, không những trong các tài liệu sách báo, mà còn cả trong lúc quan sát trực tiếp tại các địa phương từ nhiều năm trước, kể cả trong thời kỳ tản cư sinh sống tại làng Đào Xá thuộc tỉnh Hưng Yên trong thời Việt Minh. Nhờ vậy mà ông mới hoàn thành được tập luận văn bằng tiếng Pháp với nhan đề là : “L’economie communaliste du Vietnam” (Kinh tế Duy Xã Thôn của Việt Nam). Luận án này được ban giám khảo đánh giá rất cao, và ông đã được chấm đậu văn bằng Tiến sĩ với hạng Tối Ưu (Mention Très Bien) vào năm 1950.
Tiếp theo đến năm 1952, ông lại qua Pháp để thi văn bằng Thạc sĩ. Và cuối cùng, nhờ ở sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tuyển chọn rất gay go này, ông đã lại thi đậu văn bằng cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học của Pháp một cách dễ dàng. Diễn biến các cuộc thi tại Paris đã được tác giả mô tả lại với nhiều chi tiết khá lý thú, kể cả việc đi xem bói ngay tại thủ đô Paris với lời giải đoán của bà Dumonceau chuyên về tiên tri (voyante) thật là ngộ nghĩnh.
Những chi tiết nhỏ nhoi, mà lại rất thật và đa dạng như thế đã làm cho cuốn sách thêm màu sắc tươi mát, sinh động xen lẫn với những chuyện nghiêm trang thuộc lãnh vực chuyên môn sở trường của tác giả. Cuốn sách được đề “tặng cho con cháu thân yêu” rõ ràng đã có tác dụng nêu ra được một tấm gương sống động và chân thực về sự say mê chuyên cần trong học tập và nghiên cứu của một bậc tiền bối vậy.
2 – Hoạt động chuyên môn : Dậy học và Cố vấn kinh tế
Trong suốt trên 34 năm giảng dậy môn kinh tế tại các đại học ở Việt Nam cũng như ở Pháp, giáo sư Thúc đã góp phần đào tạo cho biết bao nhiêu thế hệ sinh viên thuộc đủ mọi giai tầng xã hội. Với nhiều chi tiết lý thú liên quan đến chuyện đụng độ gay cấn với một vài giáo sư người Pháp vốn còn giữ lề lối thực dân trịch thượng, tác giả kể lại việc tổ chức điều hành trường luật ở Hà Nội trước năm 1954, lúc trường này vẫn còn do người Pháp đảm trách, mà chưa được chuyển giao sang cho phía Việt Nam.
Tuy ông không viết gì nhiều đến kinh nghiệm giảng dậy lâu năm của mình, mà nhiều môn sinh vẫn còn nhắc nhở đến cái lối diễn giảng thật sáng sủa, gọn gàng khúc chiết của vị giáo sư với khuôn mặt thanh tú và giọng nói thân tình hiền dịu. Nhờ kinh nghiệm tham gia trong nhiều dự án của chánh phủ trong lãnh vực kinh tế, tài chánh, ngân hàng, nên giáo sư đã có thể đem ra những sự việc cụ thể, thiết thực để minh họa cho phần lý thuyết trong các bài thuyết giảng. Vì thế mà sinh viên dễ lãnh hội được những điểm mấu chốt trong các bài học và tìm được nguồn hứng khởi trong việc theo đuổi việc học hỏi và nghiên cứu sâu rộng hơn sau này.
Ngoài việc dậy học, giáo sư Thúc còn tham gia rất tích cực trong lãnh vực chuyên môn về kinh tế tài chánh trong chế độ cộng hòa ở miền nam Việt Nam. Trong nhiều đoạn, tác giả đã kể lại những đóng góp của mình trong việc xây dựng được một nền tài chánh ngân hàng độc lập riêng cho Việt Nam, tách rời khỏi sự chi phối của người Pháp. Đây là một thành tựu rất đáng ca ngợi, mà giáo sư đã đạt được trong lúc giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Quốc gia năm 1955 – 56, và cả sau này với cương vị là cố vấn kinh tế của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Điển hình như việc thành lập được Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Hội đồng Tối cao Tiền tệ và Tín dụng, Hội đồng Kinh tế Quốc gia v.v…
Tác giả còn thuật lại những cuộc gặp gỡ trao đổi với Tổng thống Ngô Đình Diệm với một thái độ khách quan, thẳng thắn cương trực. Cụ thể như trong việc đại diện cho phía Việt Nam để thương thảo với phái đoàn Staley của Mỹ hồi năm 1961, giáo sư đã được vị lãnh đạo giao phó trọn quyền quyết định về việc không công khai công bố việc phá giá đồng bạc của Việt Nam Cộng hòa. Và sau này, dười thời Đệ nhị Công hòa, giáo sư lại điều khiển Nhóm Nghiên cứu Kế hoạch Hậu chiến cùng chung với phía đối tác người Mỹ do ông David Lilienthal dẫn đầu. Các chi tiết về sự thương thảo với chuyên viên người Mỹ trong hai dự án hợp tác này, cũng như việc tham dự thảo luận thường xuyên với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington DC cũng được tác giả ghi lại với nhiều chi tiết ngoạn mục lý thú.
3 – Lập trường quốc gia kiên định
Điểm đáng lưu ý nhất trong suốt bộ Hồi ký này là tác giả đã ghi ra được cái quan điểm và lập trường quốc gia kiên định của một người trí thức Việt Nam, không để cho mình bị mê hoặc bởi sự quyến rũ của chủ thuyết duy vật marxist-leninist. Điển hình như trong tập luận án tiến sĩ với nhan đề : “L’economie communaliste du Vietnam”, tác giả đã không chấp nhận lề lối luận thuyết của Karl Marx, như giới trí thức tả khuynh ở nước Pháp hồi những năm 1940-50 thường áp dụng như là một cái mode thời thượng. Và ông đã đưa ra lối phân tích độc đáo của mình về những nét đặc trưng của xã hội truyền thống ở Việt Nam, khác hẳn với mô hình marxist. Sự đóng góp này rất quan trọng về mặt lý thuyết giúp cho giới hàn lâm đại học ở Âu Mỹ vào những năm 1950 thời đó có thể hiểu biết rõ ràng hơn về yếu tố văn hóa xã hội trong cơ cấu kinh tế nông thôn của nước ta.
Với sự phân định rạch ròi về lý thuyết như vậy, ông đã đứng hẳn về phe quốc gia, và phục vụ liên tục trong cả hai chế độ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa ở miền Nam. Và sau 1975, ngay dưới chế độ độc tài chuyên chế cộng sản, ông vẫn giữ được đức tính ngay thẳng, tiết tháo của một sĩ phu trí thức, không hề tỏ ra bị khuất phục trước tập đoàn bạo quyền. Tác giả ghi lại những cuộc trao đổi lý luận thật là gay cấn, sôi động lý thú với ông Đỗ Ngọc Xuân là cán bộ giảng huấn trong lớp học về triết học Marx-Lenin dành riêng cho giới trí thức miền Nam. Đến nỗi mà bà luật sư Nguyễn Thị Vui khi được nghe phu quân là ông Lâm Văn Sỹ tường thuật lại, thì đã gửi lời khen ngợi và bày tỏ sự cảm phục về sự can đảm bất khuất đối với giáo sư Thúc.
Nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Thủ tướng Pháp Raymond Barre là người bạn cùng dự thi văn bằng Thạc sĩ khóa năm 1950 với ông, nên giáo sư Thúc đã được qua định cư tại Pháp và được bổ nhiệm làm giáo sư dậy môn kinh tế tại Đại học Paris XII kể từ năm 1978. Chi tiết về mấy năm phải sống với cộng sản ở Sài Gòn đã được tác giả tường thuật lại khá đầy đủ, rành mạch trong nhiều trang vào phần sau của cuốn II.
Kể từ ngày qua định cư ở Pháp vào năm 1978, ngoài việc dậy học, giáo sư vẫn tiếp tục đóng góp những suy nghĩ của mình qua những bài báo về những vấn đề liên hệ đến tương lai của dân tộc, với một lập trường quốc gia vững chắc, đối lập dứt khoát với chủ trương độc tài chuyên chế áp bức của đảng Cộng sản Việt Nam.
Tác giả còn ghi lại những buổi phát biểu, thuyết trình trên đài truyền hình Pháp, nhằm phổ biến lập trường đứng đắn, nghiêm túc của người quốc gia trước sự xuyên tạc trắng trợn của những người tả phái làm lợi cho phía cộng sản. Cụ thể như trong loạt phim lịch sử của nhà báo Henri de Turenne đã có những đánh giá quá ư thiên lệch, gây ác cảm của công luận đối với các chánh phủ quốc gia từ thời kỳ năm 1950 đến 1975. Vì thế, giáo sư Thúc đã phải ra tay can thiệp, nhằm trình bày trước công luận nước Pháp về chính nghĩa của phe quốc gia, đối lập với chế độ độc tài tàn bạo của người cộng sản. Sự đóng góp này đã giúp rất nhiều trong việc xây dựng và củng cố uy tín của phong trào tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam hiện nay.
Cuối cùng, về nhân cách của tác giả, tôi cũng xin ghi lại lời đánh giá của giáo sư Mai Văn Lễ là một cộng sự viên rất gần gũi lâu năm với giáo sư Vũ Quốc Thúc như sau : “Ông ấy là người kiếm sống một cách lương thiện” (nguyên văn bằng tiếng Pháp được giáo sư Lễ nói với người viết bài này tại Washington DC hồi năm 1960: “Il gagne honnêtement sa vie”.)
Để tóm lược, người viết xin ghi nhận một lần nữa là : Tập Hồi ký “Thời Đại Của Tôi” của giáo sư Vũ Quốc Thúc chứa đựng rất nhiều thông tin vừa đa dạng phong phú, vừa rất mực khả tín làm cho người đọc nào cũng có thể tin tưởng được. Và xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.
Tập Hồi ký này sẽ được giới thiệu với công chúng tại miền nam California vào ngày Thứ Bảy 6 Tháng Mười Một 2010, và tại Houston Texas vào ngày Chủ nhật 14 Tháng Mười Một 2010.
California, Tháng Mười 2010
Đoàn Thanh Liêm
Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ