Seite auswählen

Trần Hoa
2019-07-01

Các tờ báo của Việt Nam ở một sạp báo tại Hà Nội hôm 28/2/2019

Các tờ báo của Việt Nam ở một sạp báo tại Hà Nội hôm 28/2/2019

 AP

Tuần trước, có những nhà báo nghe người ta chúc mừng “Ngày nhà báo Cách mạng Việt Nam 21/6” thì hờ hững: “Không phải ngày của tao. Tao chỉ làm báo đúng cái nghĩa của nó. Không phải làm báo chí cách mạng”.

Một nhà báo kỳ cựu, hiện đã chuyển sang làm trong một cơ quan chính quyền tại Hà Nội thì nói rất khéo léo: “Nếu nói ngày kỷ niệm của báo chí Việt Nam thì phải từ rất lâu, chứ không phải chỉ 94 năm, mà cũng không phải ngày 21.6”.

Mỗi năm, đến ngày “giỗ ngành”, các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đối tác, celebs… lại gửi vô số lẵng hoa đến các báo. Những tờ báo lâu năm ở phía Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ nữ TP HCM, Pháp luật TP, ở phía Bắc như Lao Động, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam… số lẵng hoa phải tính hàng trăm. Các “siêu báo” Nhân Dân, Quân đội nhân dân, hay các báo được khoác “Tiếng nói của nhân dân” như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Sài Gòn Giải phóng, Hà Nội mới… phải cả ngàn.

Hơn 900 đơn vị báo chí “cách mạng”

Cũng như nhiều câu chuyện khác về văn hóa, lối sống, có một thứ phân biệt ngầm nhưng rõ rệt giữa làng báo miền Bắc và miền Nam, cũng như báo chính thống và báo tư nhân, hay “báo chí cách mạng” và  “phi cách mạng”

Ở miền Bắc, số lượng tòa soạn báo dày đặc. Theo viện dẫn trên báo chí, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại hội nghị báo chí toàn quốc vào tháng 12/2018 thì cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 67 Đài Phát thanh, Truyền hình. Ngoài ra còn có 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình, 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền.

 

Hình minh họa. Một người bán báo ở Hà Nội hôm 10/1/2013
Một người bán báo ở Hà Nội hôm 10/1/2013 AFP

 

Nghĩa là tính sơ có hơn 900 đơn vị báo chí thuộc dòng “Cách mạng” (trừ các tờ báo điện tử độc lập).

Đó là các tờ báo/tạp chí trực thuộc cơ quan trung ương, đảng bộ các địa phương (mỗi địa phương đều có một tờ mang tên địa phương, như Sài Gòn giải phóng là thuộc Đảng bộ TP HCM), các bộ ngành, các hội, hiệp hội…

Do quy định phải đặt trụ sở tại nơi hoạt động của cơ quan chủ quản, các tờ báo này dày đặc ở Hà Nội. Tuy vậy, ngoài một số rất ít trên đầu ngón tay các tờ báo có công chúng, có bán ra thị trường (ví dụ Sài Gòn giải phóng, Lao Động, Tiền Phong…) thì tuyệt đại đa số các báo còn lại sống bằng nguồn sữa rót từ cơ quan chủ quản và nguồn kiếm quảng cáo từ doanh nghiệp trong ngành. Có những cái tên mà cả đời người làm báo, nếu không vì tò mò đi xem danh sách báo chí Việt Nam thì chắc không bao giờ biết đến. Ví dụ như Tạp chí Xây dựng đời sống văn hoá (Cục Văn hoá-Thông tin cơ sở, nơi có bà cục trưởng vừa nổi tiếng với phát ngôn “chữ lon nếu chềnh ềnh trên các bảng quảng cáo ngoài trời thì nhạy cảm lắm”, chẳng hạn.

Những tờ báo “cách mạng” được ngân sách nhà nước chi trả và phải thực hiện chức năng tuyên truyền cho chính sách của Đảng và Nhà nước.

Báo chí “phi cách mạng”

Những tờ báo độc lập (một cách hết sức tương đối) còn lại vô cùng ít ỏi, với những cái tên quen thuộc với người đọc báo, như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Pháp luật, Lao động, Đại Đoàn kết (thời trước), Phụ nữ TP HCM, Tiền phong, Mực tím, …

Những tờ này sống bằng nguồn thu độc lập, từ bán báo, quảng cáo và các hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Bên cạnh hệ thống èo uột và ký sinh của báo chí nhà nước (cách mạng), là sự phát triển rầm rộ của báo chí tư nhân (phi cách mạng) trong những hệ thống đa dạng và linh hoạt. Mặc dù vẫn phải núp dưới những cái bóng của báo chí nhà nước thì mới có giấy phép hợp pháp để xuất bản, nhưng về bản chất, họ là những tờ báo tư nhân thực sự. Đó là các địa chỉ quen thuộc với người đọc như Vnexpress, Zing, Vietnamnet, 24h (chuyên thể thao, giải trí), Kênh 14 (dành cho giới trẻ)…

Hệ thống báo chí tư nhân thường không có không khí đấu đá giữa các nhân sự để giành quyền lực và quyền lợi, vì mọi thứ đó đều của chủ đầu tư. Họ cũng không đi đầu trong các đề tài đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực vì dưới chế độ kiểm duyệt báo chí, điều đó thiếu an toàn. Nhưng trong tất cả các lĩnh vực còn lại như tin tức thời sự nói chung, kinh tế, tài chính, giáo dục, thể thao, giải trí, các tờ báo chính thống phải thừa nhận sự yếu thế thấy rõ của mình. Từ đời sống, khoa học, kinh tế, xã hội đến thể thao, giải trí hay dành riêng cho một nhóm/một độ tuổi người đọc, tất cả báo chính thống đều phải xếp sau báo chí tư nhân.

Báo chí tư nhân cũng luôn tiên phong trong đầu tư những công nghệ báo chí mới.

 

Hình minh họa. Các nhà báo bên ngoài khách sạn Melia ở Hà Nội để đưa tin về Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hôm 28/2/2019
Các nhà báo bên ngoài khách sạn Melia ở Hà Nội để đưa tin về Thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn hôm 28/2/2019 AFP

 

Cách đây khoảng ba năm, các định dạng báo chí hiện đại nhất như Emagazine, Photo Graphic lần đầu tiên xuất hiện trên Kênh 14, khởi đầu trào lưu này cho tất cả các tờ báo còn lại. Hài hước là nhiều năm trước, chính trang tin này từng bị mệnh danh là “Mương 14” do đăng tải nhiều nội dung lá cải nhảm nhí.

Ở hiện tại, sự đầu tư mỹ thuật và thiết kế, cùng với nội dung (cho một số ít sản phẩm) của tờ báo này vẫn dẫn đầu làng báo Việt Nam. Thật là một thông tin hết sức ngạc nhiên và đáng suy ngẫm. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là một số bài báo của “Mương” lại được thực hiện rất công phu, sáng tạo và giàu tính nhân văn hơn hẳn nhiều tờ báo “đàn anh”, “đàn chị” và “chính thống” khác.

Một tờ báo cách tân khác cũng có lõi tư nhân là Vietnamplus, khi mới ra đời từng rất được tán thưởng vì tính mới mẻ và sáng tạo trong chọn lọc thông tin, đã được giải của Hiệp hội Các nhật báo và nhà xuất bản tin tức Thế giới với bản tin Rap News (điểm tin tức bằng hình thức đọc Rap). Nhưng sau khi người chủ thực sự cũng là linh hồn của nó là ông Lê Quốc Minh được cất nhắc lên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam thì Vietnamplus biến dạng thành một tờ báo thông tấn, nghèo nàn, nhàm chán và một màu hệt như hằng hà sa số các tờ báo “cách mạng” khác.

Cái lõi khác nhau quy định cách ăn mừng ngày “báo chí cách mạng 21/6” cũng khác nhau ở phía Bắc và phía Nam.

RFA