Seite auswählen

Tập trận Mỹ – Úc : Canberra giám sát chặt chẽ tầu do thám Trung cộng

Một cảnh diễn tập tiếp liệu cho máy bay ném bom đường dài trong cuộc tập trận Úc-Mỹ Talisman Sabre 17, tháng 07/2017.U.S. Air Force/Sarah Johnson

Truyền thông Úc ngày 07/07/2019 cho biết bộ Quốc Phòng Úc theo dõi chặt chẽ tầu dọ thám Trung cộng công nghệ cao đang trên đường hướng về Úc trước ngày diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ – Úc mang tên Talisman Sabre trong tháng Bẩy này bên bờ biển Queensland.

Nhiều nguồn tin quân sự đã xác nhận với hãng tin ABC rằng tầu dọ thám điện tử lớp Đông Điều 815G của Trung cộng sẽ đến theo dõi cuộc tập trận chung hai năm một lần giữa Úc và Mỹ dự kiến diễn ra trong tháng Bẩy.

Các nguồn tin trên khẳng định đã nhìn thấy tầu của Trung cộng khởi hành đi về phía nam hồi cuối tuần trước và thấy con tầu này đã xuất hiện ngoài khơi phía bắc Papua New Guinea tối thứ Bảy 06/07.

Loại tầu Hỗ trợ Thông tin (Auxiliary General Intelligence AGI) được trang bị nhiều hệ thống liên lạc tân tiến và được thiết kế dùng cho nhiều mục đích quân sự khác nhau. Con tầu này đã từng đến theo dõi cuộc tập trận chung Mỹ – Úc, mang tên Talisman Sabre năm 2017.

Đây là một cuộc tập trận có quy mô lớn và năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 25.000 quân nhân, phần đông là Mỹ và Úc.

Điểm mới trong đợt tập trận này, là lần đầu tiên có sự tham gia của Nhật Bản. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến Trung cộng chú ý, muốn biết xem Hải Quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản phối hợp tác chiến với quân đội Mỹ và Úc như thế nào.

RFI (07.07.2019)

Phi Luật Tân : Duterte thách Mỹ tuyên chiến với Trung cộng

Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte, Manila, Phi Luật Tân. Ảnh chụp ngày 23/07/2018.©Czar Dancel

Tổng thống Phi Luật Tân, hôm qua, 05/07/2019, trong một phát biểu thách Hoa Kỳ tuyên chiến trước với Trung cộng, ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự tại Biển Đông, trong đó có vùng lãnh hải tranh chấp chủ quyền với Phi Luật Tân.

Trong chuyến thăm đảo Leyte, tổng thống Phi Luật Tân chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ đối xử Phi Luật Tân như là con « mồi nhử ». Pha lẫn tiếng Anh và Phi Luật Tân, ông Duterte phát biểu : « Tôi nói là Hoa Kỳ nên gởi hàng không mẫu hạm tấn công và tầu chiến đến Trung cộng và khai hỏa trước tiên thử xem, còn chúng ta thì sẽ ở phía sau. Tấn công trước đi, khai chiến đi để xem xem ai thắng ai bại ! »

Dẫn lại Hiệp ước Phòng thủ chung 1951, ông nói tiếp : « Họ nói là chúng ta có hiệp ước Mỹ – Phi Luật Tân. Được thôi. Vậy thì Mỹ đi tuyên chiến đi. Hãy để họ tập hợp hết toàn bộ vũ khí của họ đến Biển Đông đi. Rồi họ khai hỏa trước đi và tôi rất vui lòng làm việc tiếp theo

Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh, thời gian gần đây, tổng thống Phi Luật Tân bị chỉ trích dữ dội vì lập trường của ông với Trung cộng, nhất là trong vụ tầu cá Trung cộng đâm chìm tầu cá Phi Luật Tân rồi bỏ mặc 22 thuyền viên nước này. Ông Duterte khi ấy đã giảm thiểu tầm mức vụ việc cho đấy chỉ là “một tai nạn”, đồng thời khẳng định rằng đất nước chưa sẵn sàng đối đầu với Trung cộng.

RFI (06.07.2019)

Thử hỏ tiễn đạn đạo ở Biển Đông: Tham vọng Bắc Kinh trong khu vực này

Ngày 3 tháng 7, Ngũ Giác Đài đã lên án các cuộc thử nghiệm phi đạn này, nói rằng đó là một hành động gây rối trái ngược với các cam kết của Trung cộng rằng sẽ không quân sự hóa khu vực này.

Thử nghiệm phi đạn gần đây của Bắc Kinh tại Biển Đông đã làm gia tăng các mối lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung cộng tại vùng biển hiện đang bị tranh chấp gay gắt.

Cuối tuần qua, một viên chức Mỹ yêu cầu được giấu tên, đã cho Reuters biết rằng Trung cộng đã thử nghiệm nhiều hỏa tiễn đạn đạo chống hạm trong vùng biển tranh chấp. 

Ngày 3 tháng 7, Ngũ Giác Đài đã lên án các cuộc thử nghiệm phi đạn này, nói rằng đó là một hành động gây rối trái ngược với các cam kết của Trung cộng rằng sẽ không quân sự hóa khu vực này.
Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài,  nói trong một tuyên bố rằng “Tất nhiên, Ngũ Giác Đài biết rõ về những vụ phóng tên lửa này của Trung cộng từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa”.


Ông East Eastburn nói thêm “Tôi sẽ không nói thay cho tất cả các quốc gia có chủ quyền trong khu vực, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng họ đồng ý rằng hành vi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là trái với tuyên bố của chính Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng họ muốn mang lại hòa bình cho khu vực và rõ ràng là những hành động như thế này là những hành động cưỡng buộc nhằm đe dọa những quốc gia khác cùng có những yêu sách về khu vực Biển Đông này”.


Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng đã có lúc trở nên gay gắt do tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ngoài Trung cộng, Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, tất cả đều có những tuyên bố đối chọi nhau đối với các đảo, các rạn san hô và các thực thể đá tại vùng biển giàu tài nguyên này.


Để hậu thuẫn cho các tuyên bố của mình đối với các thực thể này, Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, bao gồm cả khu vực xung quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đã kiến tạo các đảo nhân tạo với việc thiết đặt các căn cứ hải quân và không quân.


Trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 2 tháng 7 (2019), Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung cộng đã không có bình luận nào khi được hỏi về tuyên bố của Hoa Kỳ. Cảnh Sảng đã giới thiệu phóng viên này sang Bộ Quốc phòng Trung cộng để được trả lời về câu hỏi này.


Theo Reuters, Bắc Kinh cho biết họ đang thực hiện các cuộc tập trận ở khu vực giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ cuối tuần trước cho đến ngày 3 tháng 7, và cảnh báo về việc ra vào khu vực được ấn định cho cuộc tập trận này.


Ngày 29 tháng 6 (2019), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã đưa tin rằng Bắc Kinh đã thực hiện lệnh cấm du lịch bằng tàu thuyền ở Biển Đông. Văn phòng hàng hải Tam Sa, một thành phố ở phía nam của tỉnh Hải Nam của Trung cộng, đã tuyên bố rằng lệnh cấm là do các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển này, và cho biết rằng các hạn chế sẽ kéo dài đến hết ngày 3 tháng 7, 2019.

Diễn tiến này trước hết được NBC News đưa tin, vào ngày 1 tháng 7, trích dẫn một nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ được yêu cầu giấu tên, rằng Bắc Kinh đã lần đầu tiên tiến hành các vụ thử tên lửa trong khu vực này.


Hồi tháng Năm năm ngoái, Trung cộng đã lắp đặt tên các lửa hành trình chống hạm và các hệ thống tên lửa đất đối không trên ba trong số các tiền đồn của họ tại Biển Đông, CNBC đưa tin, trích dẫn các nguồn có thông tin trực tiếp về các báo cáo tình báo của Hoa Kỳ.

Quốc gia Phi Luật Tân
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết tăng cường hiện diện quân sự và đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.


Hồi đầu tháng 6 (2019), cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ không “rón rén” nữa về các hành vi của Trung cộng trong khu vực này nữa. Shanahan đã đưa ra những nhận xét trong Đối thoại hàng năm tại Shangri-La (Singapore), một diễn đàn an ninh lớn nhất của châu Á.


Việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Châu Á có thể bắt đầu với Phi Luật Tân, vì Hải quân Hoa Kỳ hiện đang xem xét việc quay trở lại một xưởng đóng tàu tại Vịnh Subic, tờ báo Sao và Vạch (Stars and Stripes) của quân đội Hoa Kỳ đã đưa tin vào ngày 26 tháng Sáu như vậy.


Tư lệnh Nate Christensen, phó chỉ huy phụ trách các vấn đề công cộng của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết rằng “Hải quân Hoa Kỳ đang nghiên cứu các năng lực của Nhà máy đóng tàu Hanjin tại vịnh Subic để sử dụng như một cơ sở sửa chữa và bảo trì tiềm năng”. 
Xưởng đóng tàu này nằm trong vịnh Subic, trên bờ biển phía tây của hòn đảo lớn nhất Phi Luật Tân, mở ra Biển Đông. Cho đến năm 1992, vịnh này là căn cứ của một trong những căn cứ hải quân nước sâu lớn nhất của Hoa Kỳ trong khu vực Biển Đông.


Theo báo Stars and Stripes, tàu chiến và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vẫn thực hiện các chuyến ghé thăm thường xuyên mỗi khi đến vịnh này.


Nhà máy đóng tàu này hiện đang chờ đợi một nhà điều hành quản lý mới, kể từ khi chi nhánh Philippine của công ty Công nghiệp nặng và Xây dựng Hanjin của Hàn quốc, nộp đơn xin phá sản sau khi vỡ nợ với khoản nợ trị giá vào khoảng 1,3 tỷ đô la vào tháng 1 (2019). Từ thời điểm đó, các nhà máy đóng tàu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung cộng, Úc và Hoa Kỳ, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tiếp quản cơ sở này.


Đại úy hải quân đã nghỉ hưu Brian Buzzell, trong một ấn phẩm được xuất bản trên tạp chí Kỷ yếu hàng tháng của Viện Hải quân Hoa Kỳ hồi tháng 6 (2019), cho biết rằng việc để ngỏ này đã mở ra “một cơ hội vàng” cho việc Hải quân Hoa Kỳ trở lại vịnh này.


Ông này nói rằng sự trở lại của Hải quân Hoa Kỳ “sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng, bất chấp những nỗ lực của TC, liên minh giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân vẫn sẽ rất mạnh mẽ và không thể phá vỡ”.


Buzzell cũng nói thêm rằng một cảng ở Vịnh Subic sẽ có nghĩa là các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ sẽ không cần phải đến Trân Châu Cảng để bảo trì hoặc sửa chữa nữa trong khi họ đang làm nhiệm vụ ở vùng phía tây Thái Bình Dương.


Quốc gia Cambodia
Trong một báo cáo gần đây của Ngũ Giác Đài về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Campuchia được lưu ý là một quốc gia mà Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự.


Theo bản báo cáo này, Hoa Kỳ tìm kiếm một sự cam kết với Campuchia mà sẽ “bảo vệ chủ quyền của mình, thúc đẩy một sự chuyên nghiệp quân sự và giúp nước này trở thành người đóng góp có trách nhiệm và có năng lực cho an ninh khu vực”, bất chấp một sự thật là quốc gia này đã đình chỉ mọi cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ trong năm 2017.

Hồi tháng 6 (2019), Joseph Felter, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tại Nam và Đông Nam Á, đã viết một lá thư gửi Tia Banh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia trong đó bày tỏ lo ngại rằng Campuchia có thể đang lên kế hoạch dọn đường cho việc bố trí các cơ sở quân sự của Trung cộng tại căn cứ Hải quân Ream, theo báo Nikkei của Nhật Bản.


Tờ Nikkei đưa tin rằng ông Felter cho biết những lo ngại đã xuất hiện sau khi Campuchia đột ngột tuyên bố vào hồi tháng Sáu rằng các nguồn tài trợ của Hoa Kỳ sẽ không còn cần thiết cho việc nâng cấp tại căn cứ này nữa. Hồi tháng Một, khi Felter đi thăm căn cứ này, các viên chức Campuchia đã yêu cầu các nguồn tài trợ của Hoa Kỳ để nâng cấp sửa chữa căn cứ này, tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết thêm như vậy.


Căn cứ hải quân Ream nằm ở phía nam của Sihanoukville, thành phố vốn có cảng nước sâu duy nhất của Campuchia. Theo Nikkei, vùng nước gần căn cứ Ream đủ sâu để bố trí các tàu tuần tra nhỏ.
Ông Tia Banh nói với Nikkei rằng ông đã nhận được thư của Felter, nhưng phủ nhận rằng Campuchia đang lên kế hoạch dọn đường cho việc bố trí các cơ sở quân sự của Trung cộng tại căn cứ Hải quân Ream này.


Chính quyền Trung cộng đã đầu tư rất nhiều vào Campuchia thông qua sáng kiến chính sách đối ngoại “Một Vành đai Một Con đường” mà kết quả là sẽ dẫn quốc gia này đến việc mắc nợ Bắc Kinh nặng nề. Campuchia hiện đang nợ Trung cộng đến 3 tỷ đô la Mỹ – gần bằng một nửa tổng số nợ nước ngoài của Campuchia.

 FRANK FANG, EPOCH TIMES (06.07.2019)

Nguồn: China Missile Tests in South China Sea Highlights Beijing’s Ambitions in Region

VNTB (06.07.2019)

Vì Trung cộng “quá hung hăng” nên Mỹ và các cường quốc phải kéo đến Biển Đông

© REUTERS / Damir Sagolj

Sự hung hăng của Trung cộng ở biển Đông đang thúc đẩy các cường quốc tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển có tầm chiến lược hết sức quan trọng này, Pháp luật TP.HCM dẫn phân tích báo chí phương Tây khẳng định.

Các hành vi hung hăng của Trung cộng (TC) luôn là tâm điểm làm leo thang căng thẳng ở biển Đông. Tuy bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ nhưng Bắc Kinh không có dấu hiệu thay đổi. Trái lại, TC ngày càng quân sự hóa biển Đông quyết đoán hơn. Từ ngày 29-6 đến 2-7, TC ngang nhiên tiến hành cuộc tập trận quân sự tại một khu vực rộng lớn nằm cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) khoảng 50 hải lý về phía bắc.

Trung cộng ngày càng hung hăng ở biển Đông

Theo đài NBC News, nói về cuộc tập trận này, Ngũ Giác Đài cho biết TC bắn thử tên lửa từ “các đảo nhân tạo ở biển Đông gần quần đảo Trường Sa”. Trước đó, giới chức Mỹ cho hay loại tên lửa này có thể là tên lửa đạn đạo chống hạm. Động thái này là một bước leo thang quân sự nghiêm trọng tại khu vực.

Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên TC bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào các mục tiêu di động trên biển ở khu vực biển Đông, thay vì vào các mục tiêu giả lập ở sa mạc Gobi như trước đây. Theo tờ Japan Times, TC hiện nay đang sở hữu tên lửa chống hạm siêu thanh CM-401 có tầm bắn ngắn khoảng 290 km và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21/DF-21D có tầm bắn 1.700 km. Các loại tên lửa này được một số chuyên gia gọi là “sát thủ hàng không mẫu hạm”.

© AP PHOTO / NG HAN GUAN

Tên lửa DF21

Trung tá hải quân Mỹ Dave Eastburn nói với tạp chí The Diplomat rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm của TC ở Trường Sa sẽ đánh dấu một sự chuyển hướng của Bắc Kinh, từ việc quân sự hóa một cách gián tiếp trong sự ngụy biện và lấp liếm sang trực tiếp sử dụng vũ lực và hành động cưỡng ép nhằm dọa dẫm các nước khác ở biển Đông.

Nhận định của ông Dave Eastburn hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ gần đây TC tăng cường theo sát hoạt động của các nước trên biển Đông. Hôm 24-6, Bắc Kinh đã điều các máy bay chiến đấu Su-30 áp sát hai tàu chiến Canada (gồm tàu khu trục HMCS Regina và tàu tiếp viện hậu cần Asterix) đang trên đường quay về sau chuyến thăm Việt Nam. Khi đi ngang qua eo biển Đài Loan để tiến ra biển Hoa Đông, các tàu hải quân Canada bị máy bay TC bám sát, cách chừng 300 m.

Thậm chí một máy bay trực thăng của Canada còn bị rọi tia laser bởi một tàu cá gần đó vào chiều 24-6, theo hãng tin AFP. Sự kiện này từng xảy ra với Úc hồi tháng 5-2019. Theo đó, một số phi công Úc đã bị tàu TC rọi laser vào mặt và yêu cầu họ phải hạ cánh khẩn cấp khi đang bay ở biển Đông.

Năm 2018, một viên chức quốc phòng Mỹ tiết lộ có ít nhất 20 vụ chiếu laser nghi do TC thực hiện ở phía đông Thái Bình Dương từ tháng 9-2017 đến tháng 6-2018. Nhà nghiên cứu Euan Graham (thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc) nhận định rằng rõ ràng TC muốn gây khó dễ máy bay và tàu chiến của các nước khác tại vùng biển được đánh giá là có tiềm năng và nhộn nhịp bậc nhất thế giới này.

Các nước tăng cường hiện diện quân sự

Thực tế cho thấy các quốc gia láng giềng dễ bị tổn thương nếu đơn độc đối trọng yêu sách của TC ở biển Đông, bởi Bắc Kinh có những đòn “trả đũa” về kinh tế lẫn thực địa. Trong khi đó, dù là cường quốc số một thế giới về kinh tế lẫn quân sự nhưng nếu chỉ với chương trình Tự do hàng hải (FONOPs), các hoạt động tập trận đơn lẻ, Mỹ chưa thể “ghè chân” TC ở biển Đông.

Sự tham gia về mặt ngoại giao lẫn quân sự của các quốc gia khác là rất quan trọng. Pháp và Anh đã cam kết sẽ gửi tàu chiến đến biển Đông bất chấp phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh. Ngoại trưởng Pháp Jean-Baptiste Lemoyne mới đây đã tái khẳng định cam kết của hải quân Pháp về “tuần tra, hiện diện ở biển Đông”.

“Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công vụ của Phi Luật Tân ở biển Đông sẽ kích hoạt trách nhiệm phòng thủ chung theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”, Ngoại trưởng Mỹ MIKE POMPEO 

Ông Lemoyne còn nói rằng Pháp (vốn sở hữu quân đội ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương) quan tâm đến việc đảm bảo luật pháp quốc tế ở biển Đông.

“Đó là bằng chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc đảm bảo tự do hàng hải phải được tôn trọng” – ông Lemoyne giải thích thêm.

Trong khi đó, đài AP News cho hay một trong những tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Izumo, lần đầu tiên tham gia vào một cuộc triển khai hải quân mở rộng. Tàu Izumo rời Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Phi Luật Tân, vào cuối đợt hoạt động hai tháng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cùng với các khu trục hạm Murasame và Akebono vừa hoàn thành một loạt cuộc tập trận với Mỹ và các nước khác. Trong chuyến hành trình kéo dài năm ngày từ Brunei đến Phi Luật Tân, tàu Izumo đã cố ý thách thức yêu sách đường chín đoạn phi lý của TC trong khi thực hiện cuộc tập trận với hải quân từ Brunei và Phi Luật Tân.

Viện Chính sách chiến lược Úc mới đây đã kêu gọi việc thay đổi thế trận phòng thủ trên biển từ trước đến nay của Úc. Đơn vị này còn cho rằng các nhà hoạch định quốc phòng nên chủ động triển khai hoạt động đến các căn cứ ở Nhật Bản, đảo Guam và Papua New Guinea. Ngoài ra, việc xây dựng một liên minh phòng thủ ba bên chính thức giữa Washington, Tokyo và Canberra sẽ giúp Nhật Bản trở thành “con mắt thứ sáu” trong nhóm tình báo Five Eyes – vốn bao gồm các thành viên Úc, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.

Trang The Strategist vừa đăng tải một bài phân tích của Sam Fairall-Lee nhấn mạnh vai trò của Úc và mong muốn Canberra tham gia tích cực hơn nữa vào giữ gìn trật tự và luật pháp quốc tế ở biển Đông. Các cuộc tuần tra chung trên biển Đông với các đối tác ASEAN sẽ là một cách thực thi cam kết trên. Các cuộc tuần tra chung ở phía nam biển Đông với Indonesia sẽ là điểm khởi đầu tốt để báo hiệu rõ ràng một thái độ cứng rắn đối với các hành động gây hấn của TC.

Quốc tế tập trung chỉ trích Bắc Kinh

Hôm 2-7, Ngũ Giác Đài chỉ trích mạnh mẽ việc Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo chống hạm ở biển Đông. Mỹ gọi đó là hành động “đáng lo ngại”, trái với các cam kết về việc không quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin cho biết sẽ mở cuộc điều tra riêng đối với thông tin TC phóng tên lửa mới đây trên biển Đông, tờ Manila Bulletin ngày 3-7 cho hay.

Hôm 3-7, Đại sứ Mỹ tại Phi Luật Tân Sung Kim tuyên bố với báo chí Phi Luật Tân rằng Washington sẽ “sẵn sàng” thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung (gọi tắt là MDT) với Phi Luật Tân sau vụ tàu cá TC đâm chìm tàu cá Phi Luật Tân ở biển Đông hôm 9-6. Đây là lần thứ hai trong vòng hơn bốn tháng, Mỹ đề cập đến việc kích hoạt MDT, vốn ám chỉ việc sẵn sàng đứng về phía đồng minh Phi Luật Tân khi có xung đột quân sự xảy ra.

Cuối tháng 5-2019, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã từ chức của Mỹ, ông Patrick Shanahan, chỉ trích việc TC xây dựng các đường băng dài hàng ngàn mét, lắp các tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở biển Đông là “quá đáng” và “tàn phá quá mức”, đi quá giới hạn cái gọi là biện pháp tự vệ như Bắc Kinh từng tuyên bố. 

Sputnik News (05.07.2019)

Kẻ thù lớn của Trung cộng ở Biển Đông: Rỉ sét và thời tiết khắc nghiệt

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung cộng triển khai nhiều hệ thống vũ khi mới trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa – Biển Đông), trong đó có chiến đấu cơ J-11. Ảnh chụp ngày 12/05/2018.Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe

Trung cộng đang đau đầu vì các cơ sở và vũ khí mà nước này đang có trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông càng ngày càng bị các điều kiện thời tiết làm hư hại. Để bảo đảm cho các phương tiện đó có thể sử dụng được, Bắc Kinh đã phải cho nghiên cứu để tìm ra các loại chất phủ có khả năng bảo vệ vũ khí và cơ sở hạ tầng mà họ đã xây dựng và triển khai ở trên các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Tình trạng trên đây vừa được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) tiết lộ trong bài viết ngày 01/07/2019, mang tựa đề « Liệu một lớp phủ bằng chất liệu mới graphene có thể giúp quân đội Trung cộng khỏi bị rỉ sét dần ở Biển Đông hay không ? Can a new graphene coating save the Chinese military from rusting away in the South China Sea? ».

Theo tờ báo Hồng Kông, các nhà nghiên cứu Trung cộng đang tìm cách chế tạo ra một chất chống bào mòn mới để bảo vệ vũ khí và công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang có tranh chấp. Những điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến cho súng ống và dinh thự bị ăn mòn nhanh hơn dự liệu của giới chuyên gia.

“Một khẩu pháo đã bị rỉ sét chỉ sau ba tháng sử dụng”

Các thông tin trên dĩ nhiên không được chính quyền Trung cộng loan báo công khai, nhưng hai nhà nghiên cứu tham gia vào dự án đã đồng ý tiết lộ một số khía cạnh cho tờ SCMP nhưng xin được giấu tên do tính chất nhậy cảm của vấn đề.

Một nhà nghiên cứu đã nêu bật tính chất nghiêm trọng của tình hình khi nêu ra một ví dụ cụ thể : “Một khẩu pháo đã bị đưa ra khỏi biên chế chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng phục vụ do vấn đề rỉ sét”.

Và không chỉ có vũ khí gặp vấn đề. Các hệ thống radar và phóng tên lửa, tường chắn cho hải cảng, hạ tầng cơ sở và phi đạo cho sân bay, các loại đường ống, thậm chí cả phần nền trên đó các đảo nhân tạo được xây dựng, tất cả đều có nguy cơ bị hủy hoại nhanh chóng.

Để bảo vệ những tài sản giá trị đó, Quân Đội Trung cộng đã có kế hoạch phủ một lớp bảo vệ bằng chất graphene trên các loại vũ khí và cơ sở hạ tầng. Graphene là vật liệu mới chỉ được các nhà nghiên cứu Đại học Anh Quốc Manchester phát triển từ năm 2004, cực mỏng nhưng lại cứng hơn thép đến 100 lần.

Theo một nhà nghiên cứu thứ hai, một viện nghiên cứu quân sự ở Thượng Hải đang cho thử nghiệm lần cuối cùng lớp phủ graphene này trước khi đưa vào sử dụng.

Nhà nghiên cứu này tỏ ra rất tin tưởng, cho rằng mặc dù chưa được phép dùng trong lãnh vực quân sự, nhưng chất phủ đã được ứng dụng trong các lĩnh vực dân sự và đã tỏ ra “cực kỷ hữu dụng” trong ngành công nghiệp hóa chất, khi được dùng để bảo vệ các ống dẫn dầu khí khỏi bị acid, áp suất hay sức nóng cao bào mòn.

Theo nhà nghiên cứu này thì các thách thức nêu trên còn dữ dội hơn nhiều so với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông.

“Các cấu trúc bê tông bắt đầu bị rã sau chưa đầy 3 năm”

Trong một bản báo cáo (*) công bố trên tạp chí công nghệ quốc phòng Trung cộng Defence Technology Review, giáo sư Hồ Kì Cao (Hu Qigao) thuộc Đại Học Công Nghệ Quốc Phòng Trung cộng ở Hồ Nam, đã nêu bật các vấn đề mà đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông đang gặp phải.

Theo chuyên gia này, vì Trung cộng quá vội vàng trong việc bồi đắp, xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông (cụ thể là ở Trường Sa) trong giai đoạn 2013-2015, cho nên đầy rẫy vấn đề đã nẩy sinh.

Theo ông Hồ Kì Cao, các nhân tố tác hại bao gồm nhiệt độ, độ ẩm cao, sương mù, nồng độ muối trong không khí và bức xạ nhiệt lớn. Tốc độ hao mòn của các trang thiết bị và vật liệu đưa ra Biển Đông khiến Quân Đội Trung cộng phải ngạc nhiên.

Trong bản báo cáo, ông viết: “Các cấu trúc bê tông bắt đầu bị rã ra sau chưa đầy 3 năm, và các trang thiết bị bằng kim loại ngừng vận hành sau khoảng 1 năm do bị ăn mòn”.

Những vấn đề trên đã gây ra lo ngại về an toàn và về khả năng các cơ sở của Trung cộng đứng vững được trước những thảm họa tự nhiên như bão và sóng thần.

« Sự ăn mòn nhanh chóng không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cấu trúc kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, mà còn làm gia tăng đáng kể chi phí vận hành và bảo trì. »

Rỉ sét vũ khí và trang thiết bị là vấn đề lớn đối với quân đội các nước. Một báo cáo của Ngũ Giác Đài năm 2018 đã ước tính là tình trạng ăn mòn trên chiến đấu cơ, chiến hạm, tên lửa và vũ khí hạt nhân đã khiến Mỹ tiêu tốn khoảng 21 tỉ đô la mỗi năm.

Quân Đội Trung cộng không công bố những số liệu liên quan, song Viện Khoa Học Trung cộng vào năm 2017 từng xác định rằng hiện tượng ăn mòn đã khiến Trung cộng mất khoảng 300 tỉ đô la vào năm 2014, tương đương với 3% GDP.

Ngay cả chất liệu mới graphene cũng có vấn đề

Theo SCMP, lớp phủ có chứa graphene mà Trung cộng đang thử nghiệm không phải là không có vấn đề.

Theo giáo sư Trương Lỗi (Zhang Lei), thuộc Đại học Khoa Học Công Nghệ Bắc Kinh, Graphene thuần chất là một chất dẫn điện tốt, cho nên bất kỳ vết rạn nứt nào trên bề mặt lớp phủ có thể làm gia tăng tốc độ ăn mòn vật chất do dòng điện. Graphene cần phải được kết hợp với các vật liệu khác để làm giảm tính dẫn diện của nó, và việc tìm ra vật liệu phù hợp hoàn toàn không dễ dàng

RFI (05.07.2019)

(*) « Nghiên cứu về tác động môi trường biển đối với việc bảo trì cấu trúc rạn san hô – Research on the marine environmental impact on reef structures maintenance » – Tạp chí Khoa học & Công Nghệ Quốc Phòng, số 3 năm 2018.

Trung cộng phủ nhận cáo buộc thử phi đạn ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung cộng hôm thứ Sáu bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng quân đội Trung cộng gần đây đã thực hiện các vụ thử phi đạn đạn đạo ở Biển Đông có tranh chấp, nói rằng họ đã tổ chức các cuộc tập trận thường lệ mà trong đó có bắn đạn thật.

Ngũ Giác Đài hôm thứ Ba nói vụ phóng phi đạn là “rất đáng lo ngại” và trái với cam kết của Trung cộng nói họ sẽ không quân sự hóa tuyến đường thủy chiến lược này.

Reuters dẫn lời một viên chức Mỹ, phát biểu với điều kiện ẩn danh, cho biết hôm thứ Sáu rằng theo thông tin ban đầu, Trung cộng dường như đã thử nghiệm nhiều phi đạn đạn đạo chống hạm vào cuối tuần trước. Viên chức này nói thêm rằng một phân tích chi tiết đang được tiến hành, theo Reuters.

Trong một phát biểu ngắn gửi tới Reuters đáp lại tuyên bố của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung cộng nói rằng điều này không đúng. “Các bản tin liên quan không phù hợp với thực tế,” thông cáo nói.

“Gần đây, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tổ chức các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển gần đảo Hải Nam theo sắp xếp tập trận hàng năm,” bộ nói thêm. “Các cuộc tập trận này không nhắm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào,” bộ nói mà không cung cấp thêm chi tiết, Reuters cho hay.

Mỹ và Trung cộng vẫn thường xuyên chỉ trích lẫn nhau về điều mà Washington nói là Bắc Kinh đang quân sự hóa hóa Biển Đông bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo và bãi đá nhân tạo.

Trung cộng nói rằng Mỹ chịu trách nhiệm về căng thẳng bằng cách liên tục gửi tàu chiến đến gần các đảo do Trung cộng nắm giữ, và rằng chủ quyền của Trung cộng trong khu vực là không thể chối cãi.

Chính phủ Trung cộng tuần trước nói rằng quân đội đang thực hiện các cuộc tập trận giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bắt đầu từ cuối tuần trước và kết thúc vào ngày thứ Tư rồi, cảnh báo các tàu khác không được vào khu vực được chỉ định.

VOA (06.07.2019)

Việt Nam ‘quan tâm’ vụ Trung cộng thử tên lửa ở Biển Đông

Một cuộc diễn tập hải quân của tàu chiến Trung cộng. (ảnh minh họa)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 4/7 cho biết rằng Việt Nam “quan tâm” và “theo dõi sát” thông tin Trung cộng diễn tập và thử tên lửa ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters hai ngày trước đó dẫn lời một viên chức Mỹ giấu tên nói rằng Trung cộng đã thực hiện nhiều vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm vào cuối tuần trước.

“Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực”, bà Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội.

Trước đó, Ngũ Giác Đài hôm 2/7 nói rằng vụ thử của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp “đáng lo ngại” và “trái với các cam kết của Trung cộng” về việc không quân sự hóa Biển Đông, theo Reuters.

Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, được trích lời nói rằng vụ phóng được thực hiện “từ các công trình nhân tạo ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] gần quần đảo Trường Sa”.

Ông nói thêm rằng đó là các hành động nhằm “hăm dọa các nước có tuyên bố chủ quyền khác” ở Biển Đông.

Theo Reuters, chính phủ Trung cộng đã thông báo tiến hành các cuộc diễn tập ở vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ ngày 29/6 tới hết ngày 3/7, đồng thời cảnh báo mọi tàu bè không qua lại khu vực tiến hành cuộc thao dượt quân sự.

Trung cộng thử phi đạn ở Biển Đông, Hoa Kỳ  lên án

Tin về vụ thử tên lửa của Trung cộng xuất hiện một tháng sau khi Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói rằng Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ngũ Giác Đài hôm thứ Ba nói rằng việc Trung cộng phóng phi đạn hồi gần đây ở Biển Đông là “đáng lo ngại” và trái với cam kết của Trung cộng sẽ không quân sự hóa thủy lộ đang có tranh chấp này.

Trung ta Dave Eastburn, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói. “Tôi sẽ không phát biểu thay cho tất cả các nước có chủ quyền trong vùng, nhưng tôi chắc chắn họ đồng ý rằng hành vi của Trung cộng trái ngược với tuyên bố của họ muốn đem lại hòa bình cho khu vực này và rõ ràng những hành động như thế này là những hành động mang tính cưỡng ép nhằm hăm dọa các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông” .

Biển Đông là một trong ngày càng nhiều điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm một cuộc chiến thương mại, các chế tài của Mỹ và Đài Loan.

Tin tức về vụ thử phi đạn của Trung cộng được NBC News đưa tin đầu tiên.

VOA (05.07.2019)

880 triệu USD/năm và hơn thế: Biển Đông oằn mình hứng chịu thiệt hại “khủng khiếp” do các hoạt động của TC

Hoạt động đánh bắt ồ ạt của đội tàu cá Trung cộng gây thiệt hại tới hệ sinh thái biển. Ảnh minh họa: Reuters.

Chuyên gia Phi Luật Tân cho biết mức thiệt hại thực sự mà Trung cộng gây ra đối với hệ sinh thái trên Biển Đông có thể còn “choáng váng” hơn con số 880 triệu USD/năm.

Đội tàu cá khổng lồ và các hoạt động bồi đắp trái phép trên Biển Đông của Trung cộng gây thiệt hại ít nhất 880 triệu USD mỗi năm đối với hệ sinh thái tại các rặng san hô ở vùng biển này, Straits Times dẫn lời các chuyên gia Phi Luật Tân.

“Con số ước tính bao gồm tất cả những giá trị mà rặng san hô đem lại cho chúng ta, như việc điều hòa khí hậu, và những lợi ích mà chúng ta nhận được từ hệ sinh thái”, Tiến sĩ Deo Florence Onda, một nhà khoa học tại Viện Hải dương học, thuộc trường Đại học Phi Luật Tân, cho hay.

Tiến sĩ Onda còn nói thêm rằng mặc dù con số trên khá “khủng khiếp”, nhưng đó mới chỉ là ước tính có phần “dè dặt” ban đầu. Mức thiệt hại thực sự có thể còn choáng váng hơn thế.

Vị tiến sĩ này cùng 73 nhà sinh vật học – hải dương học và các chuyên gia đã thực hiện chuyến thám hiểm khảo sát dài 2 tuần tại Biển Đông hồi tháng 4 vừa qua nhằm kiểm tra tình trạng hệ sinh thái biển tại khu vực Phi Luật Tân coi là một phần thuộc “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này.

Ông Onda cho biết nhóm nghiên cứu của mình đã dựa trên công thức của một công ty thông tin Hà Lan, và đặt mức tham số cơ bản là 353.429 USD/ha/năm đối với các rặng san hô bị hư hại vì các hoạt động nhân tạo trên biển.

Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có ít nhất 1.850 ha rặng san hô bị hư hại xung quanh đảo Thị Tứ hiện do Phi Luật Tân kiểm soát trái phép, và một số nơi khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chuyên gia về luật hàng hải Jay Batongbacal cho biết, mức thiệt hại vừa được các nhà khoa học Phi Luật Tân công bố vẫn chưa bao gồm các khu vực nằm ngoài phạm vi của vệ tinh.

Cũng theo lời ông Batongbacal, Trung cộng là quốc gia gây ra nhiều thiệt hại nhất, do việc khai thác hàng loạt sò tai tượng và san hô, cũng như các hoạt động bồi đắp đảo trái phép trên Biển Đông.

Đến nay, Trung cộng đã bồi đắp trái phép 7 đảo nhân tạo từ các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, nước này còn xây dựng các đường băng, hệ thống radar, triển khai các loại pháo, tên lửa và vũ khí khác lên các đảo nhân tạo phi pháp này.

Theo lời các chuyên gia, để bồi đắp được 1.300 ha đảo nhân tạo trái phép trên, Trung cộng đã phải tiến hành nạo cát và đá tại Biển Đông.

“Chúng tôi [Phi Luật Tân] không hề đùa khi nói rằng nếu như chúng tôi không ngăn chặn ngư dân Trung cộng hoạt động trên vùng biển của chúng tôi, thì rất có thể họ sẽ vét cạn nguồn tài nguyên biển của chúng tôi chỉ trong vòng vài năm tới”, Giáo sư Batongbacal nói.

Ông này nói thêm: “Ở khu vực bãi cạn Scarborough, họ thậm chí còn tự tay hủy hoại bãi đá. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, thì chỉ trong vòng 5 năm tới, bãi cạn sẽ bị xóa sổ hoàn toàn”.

RFI (05.07.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen