Seite auswählen

Cuộc chiến Việt Nam đã khép lại hơn 40 năm qua, nhưng có những dấu vết vẫn còn hằn sâu trong ký ức, trên thân thể của những nạn nhân không hề chọn lựa cho mình một chổ đứng ở hai bên bờ vĩ tuyến.

Câu chuyện một cậu bé trở thành tật nguyền bởi những tháng ngày tù tội được kể qua lời một người Mẹ là một dấu ấn bất hạnh cho những cuộc đời thời hậu chiến:

Nhà văn Lê Ngọc Ánh trong cuộc trả lời phỏng vấn RFA

Di chứng để lại sau cuộc chiến Việt Nam là những trái ngang, những bất hạnh trải dài trên cuộc đời của những người phụ nữ. Sau ngày 30/4/1975, bên cạnh những trùng phùng cũng là lúc bắt đầu những chia lìa, bên cạnh những hạnh phúc cũng tràn đầy nỗi khổ đau. Hành trình gian truân của chị Lê Ngọc Ánh cũng là một trong những mảnh đời sau năm 1975. Cho đến hôm nay, chị đã xuất bản 3 quyển sách, mỗi quyển nói lên một giai đoạn trong cuộc đời của chị. Với quyển thứ nhất « Ngày tháng buồn hiu » kể lại 30 năm lao đao khốn khổ với khoảng thời gian 10 năm trong ngục tù cộng sản với đứa con tàn tật là một sự trải lòng để giải thoát chính mình :

« Tôi cố gắng viết lại như một câu chuyện như một sự trải lòng của mình cho bớt đi những ức chế về tâm lý. Mỗi lần viết xong thì rất là buồn. Vừa viết vừa khóc, lại cất nó qua một bên rồi lấy ra viết tiếp… Nên cuốn sách kéo dài đến gần 20 năm mới hoàn tất »

Chồng là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa, Cha là cán bộ cộng sản. Chị đứng trước sự chọn lựa vô cùng khó khăn : chọn một cuộc sống an toàn, đầy đủ bên gia đình cách mạng hay đứng về phía thành phần được gọi « thành phần nguy hiểm của  tàn dư Mỹ nguỵ » ?

« Tôi nghĩ tại sao mình phải theo con đường công hầu khanh tướng của gia đình tôi ? Tôi chỉ cần theo Ba tôi, ngoan ngoãn sống chung với cách mạng thì biết đâu tôi sẽ tiến thân. Nhưng tôi không nghĩ đến điều đó mà tôi nghĩ là mình không chấp nhận chế độ này. Có nhiều cách yêu nước, và tôi chọn cách yêu nước của chính tôi mặc dù nó có thể đi ngược với nguyện vọng của Ba tôi. Cho nên ổng giận và ổng đã từ tôi »

Tình yêu chồng và lý tưởng tự do là sự chọn lựa khá dễ dàng đối với chị lúc đó, dù sự chọn lựa đó đã đưa chị đến cái án tù 14 năm và người chồng đã vĩnh viễn lìa xa chị tại chân núi Đất ở Bình Thuận, nơi anh đã bị kết án tử hình, Cả hai vợ chồng tham gia “Lực Lượng Việt Nam Tự do “, một tổ chức do các lính VNCH cũ tập hợp lại vào rừng tìm cách phục quốc.

Chị viết về lần cuối gặp chồng trong toà án :

« Tôi bị tuyên án 14 năm tù, chồng tử hình. Không một giọt nước mắt nào rơi xuống trước vành móng ngựa, tôi lạ lùng như thế người ta gọi một cái tên nào đó xa lắc xa lơ, không dính líu đến mình. Lần gặp mặt cuối cùng tại toà án, nụ hôn anh nhẹ như sương khói mong manh…Hành trang nặng nề là đứa trẻ èo uột trên tay, kỷ vật duy nhất trong tình yêu tuyệt vời của hai đứa… »

Và đứa bé ra đời từ tình yêu đó đã trở thành người tù nhỏ tuổi nhất thế giới. Chấp nhận mang con vào tù, chấp nhận để nó chết trên tay mình chứ không thể để nó đến một cô nhi viện nào mà chị không biết. Với chị, đây là lần chọn lựa khó khăn thứ hai trong đời :

« Cái hối hận đó là tôi đã mang nó vào trại tù. Bởi vì rõ ràng công việc này là công việc của mình, của người lớn. Nhưng lúc đó tôi không có chọn lựa nào hết… »

Đứa bé lớn lên èo uột theo từng hột cơm tù. Ban ngày, chị phải đi lao động, Vy Dân lăn lộn suốt ngày trong chiếc củi được bạn tù đóng cho, người bạn duy nhất của nó là con két cụt cánh nhặt được ở cánh rừng. Đời tù thiếu thốn từ cái ăn, nước uống đến thuốc men đã biết một đứa trẻ khoẻ mạnh thành tàn tật. Di chứng của viêm não sau một trận sốt không được chửa trị đã làm cơ thể Vy Dân co rút , tay chân không còn cử động bình thường, lưỡi thì bị rút lại, mất luôn khả năng nói. Đứa bé hồn nhiên vô tội đã mãi mãi bị tàn tật trong suốt cuộc đời còn lại chỉ vì sự vô tâm của chế độ.

« Sự đau khổ của một người Mẹ khi mà mang thằng bé 1 tuổi vào trong trại giam, suốt 3 năm trong biệt giam và những năm tháng còn lại. Tức là thằng bé ở với tôi 8 năm nữa. một người tù ở 8 năm trong tù đã như thế nào rồi huống hồ thằng bé. Khi mà nó đã 9 tuổi. Sự phát triển của nó bị tàn phế theo thời gian. Nó không phát triển được cái gì hết. Bệnh tật đã làm nó càng ngày càng kiệt quệ, rồi những thiếu thốn về thuốc men làm tôi cảm thấy thằng bé đã quá sức chịu đựng của nó »

Những dòng chữ ghi lại khoảnh khắc chị vào bệnh viện nhìn đứa con vĩnh viễn trở thành tàn tật như một mũi dao đâm mạnh vào tim người đọc :

« Vy Dân thở từng cơn mệt nhọc, nó không nhận ra tôi trong ánh mắt vô hồn, mặt mủi tèm lem, thở từng cơn mệt nhọc nhìn tôi trong đống tả dơ bẩn. Tôi ôm con phóng xuống đường, hét lớn : « Cộng sản, mấy người là những tên giết người. những người công an cầm súng đứng sẵn dưới đường kéo giật vào xe, đóng mạnh cửa lại. Lúc đó tôi chỉ biết cầu nguyện thôi, lúc nó tỉnh dậy thì cái lưỡi của nó bị rút lại, tay chân nó co quắp. Trong khi hồi đó nó có thể cử động được, cái chân nó rất là mạnh mẻ nhưng giờ co quắp lại thì mấy anh bạn tù trong trại, mấy ông bác sĩ bị một cái gọi là di chứng của viêm não »

Công an trại giam cách ly Vy Dân với chị với ý nghĩ xa thằng bé, chị sẽ phải khai cung. Họ đem Vy Dân vào bệnh viện nhi đồng. Nhưng ở đó, Vy Dân không được chăm sóc mà bệnh thằng bé càng tệ hại hơn.

« Đây là một vấn đề tâm lý, có nghĩa là họ muốn mang đứa con đi một nơi khác để người Mẹ khai cung cho tốt hơn, nhưng dĩ nhiên họ không khai thác gì được, mà thằng bé thì ngược lại. Ở phòng cô nhi của bệnh viện nhi đồng, nó được coi như những đứa con cô nhi, cho nên nó không được chăm sóc về bệnh tật như một người bệnh bình thường. Tôi không nghĩ là thằng bé có thể tệ hại hơn nữa nên tôi không cần phải khai cung tốt nhưng thực tế là thằng bé càng ngày càng tệ hơn. Khi mà nó gần chết thì bệnh viện nhi đồng mới báo lại cho công an thành phố Sài gòn. Họ mới mang tôi đến nhận thằng bé về. Bởi vì nếu thằng bé chết thì họ cũng phải chịu trách nhiệm nên họ đã không khai cũng gì ở tôi mà thằng bé thì ở trong tình trạng thoi thóp. Nên khi nghe nói vậy thì họ lật đật chở tôi vô bệnh viện để đón thằng bé ở trong tư thế gần như bất tỉnh, nó không còn nhận ra tôi nữa »

Nhưng có lẽ, đời tù của chị cũng còn được an ủi bởi một niềm vui là có đứa con bên cạnh :

« Tôi nghĩ Vy Dân nếu không tật nguyền thì nó sẽ rất thông minh. Không biết hiệu ứng viêm não ra sao nhưng đối với tôi thằng bé không hề bị ảnh hưởng một tí nào về não. Nó vẫn có những suy nghĩ rất là thông minh. Tuy nó không biết nói, nhưng tôi có thể nói với nó điều gì thì nó có thể trả lời « Yes » hoặ « No » bằng cách dơ chân lên là « Yes », còn không dơ chân lên, chụm chân lại là « No » Cứ thế mà mình nói chuyện với nó cả ngày thôi !

Công bằng mà nói, trong trại mấy anh em cũng thương nó nên mấy ông thợ mộc đóng cho nó cái củi để thằng bé nằm trong đó. Rối cứ bỏ trong đó, sáng tôi ra đồng làm, chiều về cho nó ăn. Nó có đói, khát gì cũng phải chịu vì không ai giúp mình cả. Bỏ thằng nhỏ ở nhà uốt thấy tôi, nó cứ lăn lộn trong cái củi.

Có một con két chơi với nó. Con két là một người bạn thân thiết của thằng nhỏ trong suốt thời gian trong trại. Một hôm tôi thấy nó đâu mất, tôi gọi « két ơi két đâu rồi… Công nhân két ở trong hàng rào trả lời : két đây nè…Tôi có cảm giác nổi da gà lên. Tôi có cảm giác như là anh chồng  của tôi đã nhập vào con két để chơi với thằng bé »

Lúc Vy Dân được 9 tuổi đời và 8 tuổi tù. Ánh sáng may mắn đã rọi xuống cuộc đời của cậu bé bất hạnh, một tổ chức nhân đạo quốc tế tại Thuỵ sĩ (Terre des Homes) đã nhận đem Vy Dân về nuôi. Một lần nữa, chị lại đứng trước một sự lựa chọn, nhưng sự chọn lựa lần thứ ba này có vẻ dễ dàng hơn :

« Dĩ nhiên là tôi đứng trước một sự lựa chọn nên hay không nên ? Bởi vì có giữ nó lại đi chăng nữa thì mình cũng không làm cho nó tốt hơn và có thể mình còn làm nó tàn tạ hơn bởi những thiếu thốn.  Tôi giải thích cho nó rằng con phải đi về, con phải ra khỏi chổ này, ở đó có nhiều đồ chơi, có nhiều quền áo đẹp, có nhiều thức ăn ngon. Nó không chịu đi, nó đập chân rầm rầm để phản đối đến nổi tôi cũng cảm thấy đau lòng. Cuối cùng khi chị tôi tới thì tôi mang nó ra phòng thăm nuôi, khuya đó chị mang nó đi. Tôi nói : Thôi, Vy Dân đi đi, rồi vài năm nữa Mẹ ra, Mẹ sẽ đi tìm, lúc đầu nó đạp chân rầm rầm. Sau khi tôi giải thích thì nó cũng có vẻ chịu nghe nhưng hai chân nó vẫn cứ ôm chặt tôi lại không muốn đi. Đến khuya khi thằng bé ngủ thì tôi vào lại trong trại và sáng sớm hôm sau chị tôi mang nó ra khỏi trại. Ở nhà chị vài tháng để hoàn tất hồ sơ thì chị mang nó ra phi trường, ở đó có một người nhận dạng nó bằng tấm hình, đó là một người Pháp. Hai bên không biết tiếng để nói chuyện. Chỉ đưa hình thằng bé ra nhận dạng rồi trao tay nhau thôi. Một người Mẹ tự nhiên ở trong trại, con mình thì gửi đi đâu không biết. Mình biết là gửi đi nước ngoài, mình biết là nó ở một nơi tốt nhất nhưng mà mình sẽ không biết gì về nó nữa trong suốt những năm tháng còn lại ở trong tù »

« Dĩ nhiên là rất khó khăn nhưng tôi cần phải quyết định, bởi vì có giữ nó lại thì chỉ làm tội nó thôi. Mình đã mất quá nhiều thời gian để nó chịu đựng sự khổ sở với mình rồi thì phải quyết định. Cũng nói thêm một chuyện là trong thời gian ở trong trại có rất nhiều lần mấy cán bộ cộng sản khuyên tôi nên bỏ thằng bé vào trại mồ côi để đi tù vì họ sợ mang tiếng nếu đem thằng bé vào tù. Nhưng tôi nghĩ thà nó chết trên tay tôi chứ tôi nhất định không cho nó vào trại mồ côi, bởi vì án tù của tôi thì lâu mà trại mồ côi ở nơi nào tôi cũng không biết, tôi sợ mất con. Nhưng tôi biết chắc tổ chức bên Thuỵ Sĩ là tổ chức tốt. Một tổ chức nước ngoài có thể có đây đủ những điều kiện, khả năng để phục hồi thằng bé nên tôi mạnh dạn để quyết định cho nó rời khỏi tay tôi »

Và chị ra tù, chật vật với đời sống. Nhưng, như một phép lạ, sau 15 năm xa cách, Vy Dân cùng với hai người điều dưỡng từ Thuỵ Sĩ trở về thăm mẹ. Chị Ngọc Ánh diễn tả lại giây phút nhiệm mầu đó :

« Năm 2001, nó báo nó sẽ về Việt Nam thăm tôi, đó là một điều kỳ diệu mà tôi không bao giờ dám mơ tới. Khi ra phi trường, tôi mang một bảng để tên đưa lên, nó nhận ra tôi liền. Điều kỳ diệu của tình Mẹ con không diễn tả được, nhưng mà rõ ràng là ánh mắt, nụ cười, cái la, há họng của nó chứng tỏ sự vui mừng của nó .Nó về với hai nhân viên của tổ chức đó. Nó ở Sài Gòn 10 ngày. Lúc đó tôi đang làm cho một công ty Đài Loan, tôi xin nghĩ làm để đi chơi với thằng bé. Tôi mang nó ra Đà lại, nơi sanh ra nó, tôi đưa nó về Sóc Trăng là nơi chôn nhau của nó, rồi tôi đưa nó về Bến Trẻ là nơi ba nó sinh ra. Lúc đâu nó không nhớ tiếng Việt nhưng ban đêm tôi ôm nó và kể cho nó nghe bằng tiếng Việt thì từ từ nó nhớ ra, và nó hiểu. Bây giò nó không còn nhúc nhích ngón tay, ngón chân để trả lời yes hay no nữa mà anh chang le lưỡi, Yes là le lưỡi ra, còn No là ngậm miệng lại. Cứ thế mà hai Mẹ con nói rất nhiều câu chuyện với nhau »

Hiện đang định cư tại Mỹ, niềm vui hiện giờ của chị Trần Ngọc Ánh là những giây phút gặp lại con bên kia bờ đại dương. Đút cho con ăn, nói chuyện với con như những ngày khốn khó cũ:

« Rồi 15 năm sau, tức năm 2015, lần đầu tiên tôi qua Thuỵ Sĩ tìm đến nơi nó ở. Nó mừng quá và nó vẫn nhận ra như thường. Tình mẫu tử thiêng liêng làm tôi vẫn nhận ra nó, và nó vẫn nhận ra tôi Tôi không biết tiếng Pháp, tôi nói tiếng Việt, nó vẫn hiểu.

Rồi thì những giọt may mắn cũng đã rơi xuống cuộc đời chị: Chị gặp lại người bạn thân của người thầy cũ, giáo sư Nguyễn văn Sâm. Khi tuổi tác không còn là biên giới thì cũng là lúc hạnh phúc cuối đời đã đến với chị. Chồng chị, giáo sư Nguyễn văn Sâm chia sẻ :

« Đem cổ qua đây, chúng tôi rất hợp ý nhau, người này hiểu người kia, người kia kính trọng người nọ. Tình yêu nó đến lúc nào không biết. Về phía Ánh không có gì trở ngại vì tôi nghĩ rằng tôi còn rất trẻ trong tâm hồn ! »

15.07.2019

Tường An (RFA)