Seite auswählen

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, đại diện ban tổ chức, cho hay: “Đúng 40 năm về trước, vào ngày 20 Tháng Bảy, 1979, cộng đồng quốc tế gồm 65 nước đã tổ chức một hội nghị tại Geneva, Thụy Sĩ, về việc cứu thuyền nhân vượt biển (boat people), khiến cộng đồng người Việt tại bang California sẽ họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày quốc tế giải cứu thuyền nhân Việt Nam, tri ân những tấm lòng nhân ái của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng những cá nhân năm xưa đã cứu giúp người tị nạn Việt Nam.

Poster cho sự kiện 40 năm Quốc tế Cứu Thuyền nhân


Sự kiện “Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân” do Hội Văn hóa Việt Nam tổ chức ở thành phố Westminster, bang California vào tối Thứ Bảy 20/7/2019.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, đại diện ban tổ chức, cho VOA biết ý nghĩa của sự kiện này:

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc.


Nhạc sĩ Trần Chí Phúc.


“40 năm trước, đúng vào ngày 20/7/1979, có 65 quốc gia đã họp tại thành phố Geneva nước Thụy Sĩ, bàn tìm cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam đang lênh đênh biển cả và khốn khó trong các trại tị nạn Đông Nam Á.

“Nước Malaysia và Thái Lan đã xua đuổi các thuyền tị nạn Việt Nam ra khơi, không cho cập bến bờ của họ vì các trại tị nạn đã quá đông đúc và thiếu mọi phương tiện.

“Chính cái chết của bao nhiêu thuyền nhân Việt Nam trên đại dương khoảng từ năm 1978 đến mùa hè năm 1979 đã làm xúc động lương tâm thế giới và một hội nghị quốc tế về thuyền nhân Việt Nam mở ra vào ngày 20/7/1979.

“Kết quả là nhiều quốc gia tự do đã đồng ý nhận định cư số lượng lớn thuyền nhân tị nạn Việt Nam và đóng góp thêm tài chánh cho các trại tị nạn; các trại tị nạn ở Đông Nam Á đã mở rộng vòng tay đón tiếp thuyền nhân Việt Nam, không còn cảnh xua đuổi hoặc kéo thuyền tị nạn ra khơi như hải quân Mã Lai đã làm.

“Kết quả là đã có khoảng 800 ngàn thuyền nhân Việt Nam được định cư khắp nơi tạo nên một cộng đồng hải ngoại lớn mạnh như hôm nay.”

Một Mộ Bia Tập Thể Của Người Việt Trên Đất Mã Lai.

Bản thân từng là một thuyền nhân vượt biển tị nạn tại trại Kotabaru, Malaysia, vào cuối năm 1978, nhạc sĩ Trần Chí Phúc cho biết nhiều người Việt đã gặp nạn khi tới gần bờ biển Kotabaru nhưng đã bị chính quyền sở tại từ chối không cho lên bờ, trong đó có người thân của bạn ông là nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Sự việc khiến vợ và con trai của ông Ngạn, cùng hàng chục thuyền nhân vô tội khác, đã thiệt mạng trên Biển Đông.

Ông Trần Chí Phúc nói thêm:

“Trong hoàn cảnh quốc tế hiện nay khi thế giới ngoảnh mặt với dân tị nạn thì chúng ta càng trân quí, càng biết ơn tấm lòng nhân ái của các quốc gia, các tổ chức cùng những cá nhân năm xưa đã cứu giúp thuyền nhân Việt Nam. Đó là lý do mà chúng tôi đứng ra tổ chức kỷ niệm này, đặc biệt là tròn 40 năm trôi qua.”

Biểu tình cho thuyền nhân Việt Nam tại Sproul Plaza năm 1979. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Ông Phúc cho biết trong chương trình lễ kỷ niệm có những ca khúc hát về chủ đề vượt biển và tị nạn, và sẽ có hai thuyền nhân kể chuyện vượt biển.

“Đặc biệt sẽ có hai thuyền nhân kể lại những câu chuyện vượt biển rất ly kỳ.”

‘Lịch sử thuyền nhân Việt Nam- thế giới gọi là boat people, ghi dấu một thời bi hùng biển cả, sự cai trị độc ác của CSVN đã khiến hàng triệu người liều chết vượt biển, bỏ nước ra đi
,” Hội Văn hóa Việt Nam cho biết trong một thông cáo.

“CSVN đã áp lực Mã Lai và Nam Dương (Indonesia) đập bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam vì Hà Nội không muốn khơi lại quá khứ đen tối của họ. Nhưng chúng ta, những thuyền nhân Việt Nam mãi không quên sự cai trị tàn ác của họ.”

“Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân là dịp để bày tỏ sự biết ơn tấm lòng nhân ái thế giới, để những thuyền nhân năm xưa hội ngộ ôn lại chuyện vượt biển và nhắc nhở con cháu biết gốc gác, biết chuyện gian nan của cha anh chúng thuở ban đầu tị nạn,” thông cáo viết.

Trong ca khúc Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới, nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã viết: “Xin cám ơn tấm lòng thế giới, đã cho tôi một cuộc sống mới, xin cám ơn những người nhân ái, đã cho tôi có một ngày mai.”

VOA (19.07.2019)