” Một điều những người trẻ có thể hơn thế hệ cha mẹ của họ, là họ không còn mặc cảm về màu da, về văn hóa đặc biệt của mình, dù mình hoàn toàn khác với “Dòng Chính.” Vứt bỏ được các mặc cảm, họ sống hạnh phúc hơn. Họ yêu thương, không nuôi thù hận dễ dàng hơn. Bằng chính lối sống của mình, họ sẽ thay đổi thái độ của những người Mỹ khác, kể cả những người sẵn mặc cảm tự tôn. Nước Mỹ không thuộc một giống dân nào cả. “
Ngô Nhân Dụng
Ocean Vương đang là một tác giả được dư luận chú ý. Cuốn “On Earth We’re Briefly Gorgeous” là tiểu thuyết đầu tay của anh; mới ra đời mấy tháng đã được rất nhiều nhà phê bình văn chương ở Mỹ và Anh khen ngợi.
Cuốn tiểu thuyết “Trên Trái Đất…” này mang hình thức một bức thư dài của nhân vật chính gửi cho mẹ. Nói đúng ra, đó là những lời thủ thỉ với mẹ. Vì bà mẹ không đọc được tiếng Anh.
Cậu bé từ nhỏ đã được mẹ và bà ngoại đặt tên là “Chó Con” (Little Dog), theo mẹ cùng bà sang sống ở Hartford, thủ phủ tiểu bang Connecticut từ năm hai tuổi. Năm nay Ocean Vương đã 30, nhưng mẹ (Lan), cũng như bà ngoại (Hồng), vẫn “mù chữ Anh,” mẹ không đọc được bức thư con viết.
Trên đài truyền hình NBC ngày 12 Tháng Sáu, 2019, Ocean Vương trả lời ký giả Seth Meyers, khi nhà báo hỏi chính mẹ anh nghĩ thế nào khi con mình thành công.
“Bà rất hãnh diện,” Ocean Vương kể lại lần đầu bà đi theo con đến một buổi “đọc sách” (người Việt gọi là ra mắt sách). Vì vốn tiếng Anh rất giới hạn nên bà chỉ tới đó để nhìn con mình đọc cho người ta nghe. Bà được thấy cả phòng vỗ tay, đứng dậy vỗ tay. Quay lại nhìn, Ocean Vương thấy mẹ đang khóc.Ocean Vương biết mẹ không khóc vì cảm động vì những câu văn mình mới đọc; nói với nhà báo, “Mẹ đâu có nghe được gì đâu!” Anh hỏi: Mẹ sao vậy? Con có làm gì cho mẹ buồn không?
Bà mẹ trấn an: “Không sao, không sao.” Rồi, Ocean Vương dịch cho Seth Meyers hiểu, bà nói: “Mẹ không ngờ còn sống tới ngày trông thấy bao nhiêu người, toàn những người da trắng già vỗ tay hoan hô thằng con của mình!”
Bà mẹ lúc đó mới 48, 49 tuổi. Những độc giả tới nghe Ocean Vương đọc chắc phần lớn ở tuổi về hưu, trên 60, đúng là những “người Mỹ da trắng già!” Họ vỗ tay hoan hô tác giả cuốn “On Earth We’re Briefly Gorgeous,” viết bằng tiếng Anh, tiếng nói của “người Mỹ da trắng.”
Bà mẹ không được chứng kiến cảnh con trai bà đi nhận các giải thưởng văn chương, như T.S. Eliot Prize và Whiting Award, khi anh mới xuất bản tập thơ đầu tay của mình, “Night Sky With Exit Wounds” từ năm 2017; tập thơ mà Michiko Kakutani, nhà phê bình kỳ cựu của nhật báo New York Times đã so sánh với thơ Emily Dickinson. Bà mẹ cũng không được chứng kiến cảnh Chó Con bước lên khán đài nhận giải Forward prize tại Royal Festival Hall, London, Anh Quốc.
Tập thơ “Trời Đêm …” (Night Sky) gồm những bài Ocean Vương viết trong lúc may mắn được vào học văn chương ở Brooklyn College, buổi tối đi lau phòng vệ sinh ở tiệm bánh Panera Bread lãnh lương $8 một giờ, đêm về nghiền ngẫm thơ Baudelaire và Langston Hughes, Allen Ginsberg và John Ashbery.
Nhưng khi viết tiểu thuyết “Trên Trái Đất …” Ocean Vương đã khá giả hơn một chút, dạy thi ca ở đại học New York University. Và bây giờ, với cuốn “On Earth We’re Briefly Gorgeous,” gia đình đang ở Northampton, và anh dạy ở đại học University of Massachusetts tại Amherst.
Chắc chắn bà mẹ phải sung sướng, hãnh diện khi thấy những tiến bộ trong đời sống vật chât, nghề nghiệp của Chó Con. Nhìn thấy bao người đứng dậy vỗ tay hoan nghênh con mình, lần đầu tiên, bà mẹ tất nhiên phải khóc vì cảm động; và hãnh diện. Nhưng bà nói cho con nghe rõ, những người vỗ tay này là “những người da trắng,”
Tại sao phải nói rõ “những người da trắng?” Khi Ocean Vương dịch cho Seth Meyers nghe thì chắc nhà báo và khán giả đài NBC không chú ý đến những tiếng “người da trắng” trong câu bà mẹ nói. Và chắc Ocean Vương dịch các chữ đó để thuật lại trung thành những lời mẹ nói nhưng chẳng quan tâm đến chi tiết “da trắng” mấy.
Muốn hiểu tâm trạng của bà mẹ này, chúng ta thử tưởng tượng. Nếu một đứa con của mình được trao huy chương vàng trong một cuộc thi đua nghiên cứu khoa học của “Hội Sinh Viên Gốc Á Châu” ở Mỹ thì chúng ta có hãnh diện không? Tất nhiên ai cũng hãnh diện. Nhưng nếu con mình lại chiếm giải trong một cuộc đua của tất cả các sinh viên nước Mỹ, và cha mẹ chứng kiến con mình lên khán đài được hội trường vỗ tay, đa số các giám khảo và người tham dự là người da trắng, thì chắc cha mẹ còn sung sướng hơn nữa.
Câu nói của bà mẹ Ocean Vương ẩn chứa một tâm lý tế nhị. Thành công ở nước Mỹ chỉ đáng kể nếu là thành công trong “Dòng Chính.” Mà “Main Stream” ở Mỹ là người Mỹ da trắng.
Khi còn ở Sài Gòn bà mẹ Ocean Vương mất việc làm ở một tiệm hớt tóc khi công an khám phá ra mấy chị em bà là “Mỹ lai.” Ông bố là một nông dân ở tiểu bang Michigan, gia nhập hải quân, qua Việt Nam với cây kèn “trumpet,” và kết hôn với một cô gái quê. Giấc mơ của ông là trở thành một “Miles Davis,” nhạc sĩ da đen thổi trumpet nổi tiếng.
Sau khi sinh được ba con gái, ông về nước thăm gia đình, sau đó đứt liên lạc khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam. Bà mẹ phải gửi mấy cô con gái cho người khác nuôi để khỏi bị chế độ mới chú ý. Đến thời có bang giao Việt Mỹ, mấy mẹ con mới đoàn tụ. Nhưng vì mấy đứa con lai, họ “bị đuổi” ra khỏi quê hương Việt Nam, được cứu sang ở một trại tị nạn bên Phi Luật Tân.
Sau khi nhờ Hội Từ Thiện Salvation Army đưa qua Mỹ năm 1990, chắc bà mẹ cũng trải qua kinh nghiệm bị người chung quanh chú ý vì màu da bà không được trắng! Bà đã trải qua kinh nghiệm bị người chung quanh đối xử phân biệt vì khác màu da, hai lần, ở Việt Nam và ở Mỹ.
Vì vậy, bà hãnh diện khi thấy con mình được vỗ tay, nhưng càng hãnh diện hơn khi nhìn những độc giả ái mộ toàn là “Mỹ trắng.”
Đây cũng là tâm lý bình thường của nhiều người Á Châu sống ở Mỹ, trong thế hệ thứ nhất. Họ mang sẵn trong đầu hình ảnh “nước Mỹ là của người da trắng.”
Nhiều người “Mỹ trắng”cũng nghĩ USA trước hết là nước của họ. Nói rõ hơn, của WASP, những người Da Trắng, Anglo Saxon và theo đạo Tin Lành, Protestant. Tất cả những người khác, cũng là người Mỹ đó, nhưng không thể so sánh được với WASP. Nhóm người này là một thiểu số, nhưng khi họ biểu dương sức mạnh chính trị thì họ gây ảnh hưởng rất lớn.
Thế hệ di dân thứ hai, những người như Ocean Vương, nghĩ khác. Anh nhắc lại lời mẹ nói sau khi thấy con được vỗ tay, nhưng thú thật mình không bao giờ tưởng tượng được mẹ lại nghĩ anh “thành công” là như thế – là được người “da trắng” hoan nghênh. Lớn lên, hoặc sinh ra ở Mỹ, thế hệ thứ hai coi Hiệp Chúng Quốc là một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa. Và thế hệ trẻ này không mang mặc cảm về màu da của mình.
Họ hết mặc cảm là nhờ kinh nghiệm sống. Khi đi học, khi làm việc, các bạn trẻ gốc Việt Nam không thấy mình thua kém một sắc dân nào. Khi vào làm việc ở một công ty như Facebook, có thể thấy chung quanh đa số là người gốc Ấn Độ hoặc Trung Hoa, những người da trắng cũng không đông đảo vượt trên các sắc dân đó. Nếu trong sở làm nhân viên gốc Việt thấy mình là hiểu số, thì họ cũng biết lý do: Ít sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học bằng số người từ Ấn Độ, Đài Loan và Trung cộng.
Một điều vui khi đọc Ocean Vương trả lời các cuộc phỏng vấn, là anh không tỏ ra có mặc cảm nào về nguồn gốc Việt Nam của mình (ba phần tư dòng máu Việt). Anh nói, khi viết cuốn tiểu thuyết “On Earth We’re Briefly Gorgeous,” anh nhắm gửi cho “thế hệ trẻ” những người Mỹ gốc Việt Nam.
Dù sang ở Mỹ từ năm lên hai tuổi, Ocean Vương nói tiếng Việt thông thạo, chắc nhờ mẹ và bà ngoại chỉ nói tiếng Việt trong nhà! Ocean Vương rất hãnh diện về bà mẹ của anh. Bà mẹ đã giúp anh “mang ngôn ngữ trong mình” và sống “trong giờ phút hiện tại.” Từ năm 15 tuổi, Ocean Vương cũng thực tập Thiền quán, đặc biệt là “Quán Sự Chết.” Anh hay sang nghĩa địa gần nhà để quán tưởng, “rửa sạch đầu óc” bên những mộ bia.
Ocean Vương nghĩ rằng nói tiếng Việt là một điều rất ích lợi cho công việc làm thơ viết văn của mình. Đó là một ngôn ngữ có dấu giọng, thay đổi âm trầm bổng, mấy chữ như ma, má, mả, mỗi chữ có nghĩa khác hẳn nhau. Người nói phải hết sức chú ý. Nhờ thế mà khi viết (tiếng Anh), mình sẽ tìm những từ ngữ sao cho chính xác như vậy.
Cuối cuộc phỏng vấn với tác giả Seth Meyers, Ocean Vương được nói mấy câu với mẹ, bằng tiếng Việt: “Cám ơn mẹ, con rất là tự hào là con của mẹ. Con rất là vui và hạnh phúc. Cám ơn mẹ nhiều. Con thương mẹ nhiều lắm!”
Không biết có bao nhiêu bạn trẻ người Việt trả lời một ký giả “Mỹ trắng” trên truyền hình nói như vậy?
Một điều những người trẻ có thể hơn thế hệ cha mẹ của họ, là họ không còn mặc cảm về màu da, về văn hóa đặc biệt của mình, dù mình hoàn toàn khác với “Dòng Chính.” Vứt bỏ được các mặc cảm, họ sống hạnh phúc hơn. Họ yêu thương, không nuôi thù hận dễ dàng hơn. Bằng chính lối sống của mình, họ sẽ thay đổi thái độ của những người Mỹ khác, kể cả những người sẵn mặc cảm tự tôn. Nước Mỹ không thuộc một giống dân nào cả.
Ocean Vương kể cuộc sống của một nhà thơ sống ở New York; lúc nào cũng chú ý quan sát người chung quanh. “Điều tôi biết là khi mình muốn kể chuyện cho mọi người nghe, mình sẽ thấy rất khó mà ghét được người khác!”
Ngô Nhân Dụng (Người Việt)