Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận (31/5/1919-31/5/2019)
Thanh Thảo
Người ta thường ca ngợi những bài thơ có cảm thức vũ trụ của Huy Cận. Đúng là những bài thơ ấy rất hay. Nhưng bạn có biết không, vũ trụ thì mênh mông quá. Trong khi con người lại quen với những gì gần gũi. Có hai bài thơ của Huy Cận mà tôi cảm thấy gần gũi nhất với mình. Hai bài thơ ấy gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với làng quê, gần gũi với những gì gần gũi nhất của con người ở mọi thời.
Đây là bài thơ thứ nhất:
BUỒN ĐÊM MƯA
(Tặng Khái Hưng)
Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…
Rơi rơi…dìu dịu rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…
Tương tư, hướng lạc, phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư…
Bài thơ tặng Khái Hưng. Tôi nghĩ, có lẽ vì Khái Hưng rất yêu thích bài thơ này, nên ông được tặng. Khái Hưng đã yêu đúng. Một bài thơ ở khoảng giữa của bất cứ cảm giác nào về một không gian mưa. Và, mưa đêm. Nó hiện thực đến không thể hiện thực hơn:
“Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn”
Không có trời nặng nặng, thì cũng không có ta buồn buồn. Và ngược lại. Đó là sự giao cảm có trọng lượng giữa “nước giọt mái nhà” và cái “buồn buồn” không thể định danh hay định vị.
Nhưng nó cũng phi thực đến không thể phi thực hơn:
“Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…”
Nhịp mưa đi trên mái nhà, hay trong tâm hồn của nhà thơ, nó “rời rạc”. Cảm nhận về những “bước chân mưa” như thế, tôi cho là tuyệt tác.
Tôi cũng đã bao lần nằm nghe trong đêm mưa tiếng “nước giọt mái nhà” như thế, và chắc rất nhiều người cũng có chung cảm giác như vậy. Nhưng viết ra được trong hai câu lục bát ngắn ngủi, làm hiện lên cái cảm giác chơi vơi miên man mà rời rạc lẻ loi xa vắng như thế, thì chưa ai làm được. Âm thanh đã thấm nhập, không chỉ nghe bằng tai nữa, mà nghe bằng cả con người mình, từ hồn đến xác.
Đó là thơ đi giữa “cảm” và “tưởng”, nó làm nên một “tiểu vũ trụ” cho riêng mình, gạt ra ngoài mọi thêm thắt hay bình tán vô ích. Thơ ấy đã nội tâm hóa vũ trụ, nội tâm hóa thiên nhiên, nội tâm hóa chính cảm thức của nhà thơ.
Huy Cận là nhà thơ cổ điển như vậy. Cổ điển khi ông đưa thơ phương Tây và thơ phương Đông lại gần nhau, hòa nhập với nhau. Bởi trong cách thể hiện, là phương Tây. Nhưng cái hồn, là phương Đông.
Huy Cận chịu ảnh hưởng của Xuân Diệu. Nhưng ông đi xa hơn Xuân Diệu ở cách hòa nhập Đông-Tây này.
Bây giờ tôi càng hiểu, sự giản dị là một thượng phẩm trong thơ. Sự giản dị ấy phải phát xuất từ tâm hồn anh, rồi nó tìm được sự giản dị trong thiên nhiên, trong cả vũ trụ nữa, nếu cần. Nó giữ một vẻ “trung tính” nào đó, rất khó cắt nghĩa, nhưng có thực. Thơ Huy Cận thường có cái vẻ “trung tính” đó, không phải ông cố làm ra cái vẻ ấy, mà tự nhiên nó có trong thơ ông. Có phải trung tính là bản chất của vũ trụ ? Tôi không biết. Cái này phải hỏi các nhà khoa học vũ trụ. Còn Huy Cận, tự nhiên ông có được cái “trông lên” ấy, vậy thôi:
“Da chiều mới tỏ sao Hôm
Màu thanh thiên đã vào ôm giữa hồn”( Trông lên)
Sự giản dị trong tâm hồn đã làm nên sự giản dị trong thơ. Mà biết đâu, giữa vô vàn sự phức tạp của mình, vũ trụ cũng cực kỳ giản dị. Có phải, Albert Einstein đã cảm nhận hết sức sâu sắc “sự giản dị vũ trụ” này chăng, khi Ông đưa ra Thuyết tương đối rộng ( hay còn gọi là Thuyết tương đối tổng quát), công bố vào năm 1916, một thuyết hấp dẫn thành công nhất cho tới thời hiện đại. Tôi không biết. Điều này cũng phải hỏi các nhà khoa học. Nhưng đọc bài thơ Huy Cận, thì cảm nhận được sự giản dị mênh mông đó.
Còn đây là bài thơ thứ hai:
ĐI GIỮA ĐƯỜNG THƠM
Tặng Thạch Lam
Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu
Lên bề cao hay đi xuống bề sâu ?
Không biết nữa. –Có chút gì làm ngợp
Trong không khí…hương với màu hòa hợp…
Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ.
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
Buổi trưa này xưa kia ta đã đi,
Phải cùng chăng ? Lòng nhớ rõ làm chi!
Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng,
Trí vô tư cho da thở hương tình.
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không; -khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…
Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng…
Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”
Chân đang bước bỗng e dè dừng lại
-Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại…
Bài thơ tặng Thạch Lam. Cả món quà và người được tặng hòa hợp với nhau vô cùng. Vì tâm hồn Thạch Lam cũng nhẹ nhàng, nhạy cảm và buông xả như bài thơ này.
Cách đây hai năm, sau Tết, tôi ra Đà Nẵng gặp nhà văn Đặng Tiến mới từ Paris về Đà Nẵng ăn Tết, tôi đã đưa anh Đặng Tiến về Hội An thăm chơi với nhà văn Nguyên Ngọc. Hôm ấy, không gặp được Nguyên Ngọc vì anh bị ốm phải về điều trị ở Đà Nẵng, nhưng thật tình cờ, chúng tôi đã gặp chính “con đường thơm” mà Huy Cận đã viết bài thơ “ Đi giữa đường thơm”. Anh Đặng Tiến là một nhà bình thơ rất tinh tế, và rất am tường xuất xứ từng bài thơ hay. Con “đường thơm” ấy là một con đường nhỏ nhưng khá dài thuộc ngoại vi Hội An. Anh Đặng Tiến nói: “ Cảnh trí hai bên đường này vẫn không khác mấy so với hồi Huy Cận viết bài thơ. Chỉ có khác, đường này xưa là đường đất, giờ là đường nhựa. Nhưng bóng tre và bóng phượng thì vẫn còn nguyên đó. Hồi nhỏ, tôi đi học cũng có nhiều dịp đạp xe trên con đường này, cứ có cảm giác lâng lâng thế nào ấy.”
Huy Cận và Đặng Tiến
Cái cảm giác lâng lâng đúng là cảm giác mà tôi nhận được từ bài thơ Huy Cận:
“Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không; -khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho”
Cái lâng lâng ấy, vừa là những động chạm đầu tiên của tuổi học trò khác giới, vừa là những động chạm của thiên nhiên cũng đầy những trinh nguyên e ấp. Mừng cho Hội An giờ vẫn còn giữ được con đường thơm này, dù có khác một phần, nhưng những khóm tre, những cây phượng già vẫn còn, gió vẫn nhẹ mà nắng vẫn vàng ươm, cái lâng lâng ấy chưa mất.
“ Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm”
Mùi rơm cùng mùi hoa dại, bây giờ người thành phố mới thấy quí cái mùi thơm mộc mạc, như quí những dòng thơ trong trắng của Huy Cận. Bây giờ người ta có thể gọi đó là “thơ sinh thái” cũng được, vì có thể hít thở cái không khí sạch trong từ chính những câu thơ.
Luôn luôn, bài thơ là một cơ thể thống nhất, dù người ta có nhận ra đôi mắt to tròn, làn da trắng mịn hay mái tóc dài mượt mà, thì cả cơ thể bài thơ vẫn là một. Và giọng nói trong bài thơ nữa, nhẹ nhàng như giọng nói người Hội An. Chính thiên nhiên làng quê của Hội An ngày xưa ấy đã cho Huy Cận bài thơ này. Bây giờ thì Hội An có hơi nhiều những resort hay khách sạn, may mà còn giữ được “con đường thơm” là nguyên mẫu bài thơ Huy Cận ngày xưa.
Thơ Huy Cận cổ điển là như vậy. Và cảm thức vũ trụ nảy sinh từ những li ti bé bỏng thân yêu nhất, từ những “bước chân mưa” hay mùi hoa dại cùng mùi rơm mùa gặt phơi trên đường. Sự giản dị, đó cũng là một vũ trụ của Thơ.
Tôi cảm thấy mát rượi cả người khi đọc bài thơ “Đi giữa đường thơm”, cứ như bóng tre và bóng phượng đã tỏa mát xuống mình giữa mùa hạ nóng bức.
Thanh Thảo
Nguồn: Diễn Đàn