Seite auswählen

RFA
2019-08-02

Tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn vừa trở về nhà mình ở tỉnh Trà Vinh, miền nam Việt Nam hôm 2/8, sau 8 năm tù với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự cũ.

Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại sau khi trở về nhà, Nguyễn Đặng Minh Mẫn cho biết: “8 năm tù về đoàn tụ gia đình rất vui nhưng sức khỏe không được tốt với lại đi đường xa về nên cũng mệt”.

Mẹ của cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn cho biết gia đình đã gặp khó khăn để đón cô trở về nhà:

Từ lúc sáng tới hơn 2 giờ chiều gia đình hoàn toàn không nhận được tin tức gì hết,… gia đình đang lo lắm, thì đột nhiên tôi nhận được một cú điện thoại của cán bộ tự xưng là từ trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hóa)… Họ bảo tôi lên phường đón con về, họ đã đưa về đến địa phương và làm thủ tục ở Ủy ban Nhân dân phường. Tôi lên nhận con thì về đến nhà khoảng 5 rưỡi, 6 giờ chiều. Minh Mẫn nhiều tháng nay không ăn cơm trong trại giam nên sức khỏe hơi đuối”, bà Đặng Ngọc Minh nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do.

Đảng Việt Tân hôm 2/8 cũng ra thông báo về sự trở về của cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, thành viên của đảng này. Thông cáo có đoạn viết:

Điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong tù của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 34 tuổi, đã được ghi nhận rộng khắp, với những báo cáo cho thấy cô được nhận những đồ ăn không thể ăn nổi và không được sử dụng nước sạch”.

Theo thông cáo của Việt Tân, để phản đối việc đối xử bất công ở trại giam, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã tuyệt thực nhiều lần vào các năm 2014 và 2015. Gia đình cô cũng cho biết Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị đánh đập trước khi bị đưa đi biệt giam nhiều lần.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn cho biết sau nhiều năm trong tù, mắt cô cũng đã bị mờ và cô cần đi khám mắt.

Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về giam giữ người tùy tiện xác định việc bắt giam Nguyễn Đặng Minh Mẫn là vi phạm luật quốc tế và kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho cô.

Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị bắt giam vào tháng 7/2011 sau khi cô và gia đình viết những khẩu hiệu HS-TS-VN (nghĩa là Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam) ở những nơi công cộng.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn cho biết trong suốt thời gian ở tù cô cũng biết được những quan tâm của nhiều người bên ngoài.

Minh Mẫn cũng cảm nhận được tình cảm đong đầy mà mọi người dành cho Minh Mẫn và xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người”, Minh Mẫn nói qua điện thoại.

Nhà hoạt động nữ bị giam giữ lâu nhất tại Việt Nam vừa được ra tù

Việt Tân

3.8.2019

Thông Cáo Báo Chí

Nguyễn Đặng Minh Mẫn, một phóng viên nữ trẻ và là người chụp nhiều hình ảnh các cuộc biểu tình ôn hòa, vừa được thả từ nhà tù Thanh Hóa vào sáng ngày 2 tháng Tám, sau tám năm bị giam giữ tùy tiện trong những điều kiện lao tù khắc nghiệt.

Là một nhà hoạt động xã hội và là thành viên của Đảng Việt Tân, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã bị bắt vào tháng 7 năm 2011, trong một cuộc đàn áp của bộ máy công an CSVN đối với các blogger và nhà báo tự do. Cô còn là người đã tham gia việc vẽ và chụp hình các khẩu hiệu “HS.TS.VN” được dán ở khắp nơi công cộng tại Việt Nam. Minh Mẫn đã bị kết án cùng với 13 người khác vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền” (Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ), với bản án 8 năm tù giam và 5 năm quản thúc.

Trong tù, cô và các tù nhân lương tâm thường xuyên bị ngược đãi như bị bắt phải ăn những thực phẩm bẩn, thiu và thiếu nước sạch để dùng. Để phản đối sự ngược đãi này, Minh Mẫn đã cùng với các tù nhân lương tâm khác tuyệt thực trong các năm 2014 và 2015. Ngoài ra, cô còn bị đánh đập nhiều lần trước khi bị biệt giam.

Trước những đàn áp này, tổ chức Sáng Kiến ​​Bảo Vệ Pháp Lý Truyền Thông (MLDI) và các sinh viên của nhóm Luật Tự Do Biểu Đạt tại Đại học Zagreb đã thay mặt Minh Mẫn đệ trình trường hợp của cô lên Uỷ Ban Điều Tra Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD). Uỷ Ban sau đó đã ra phán quyết xác định rằng việc giam giữ cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn là vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô.

Vào năm 2015, ông Nguyễn Văn Lợi, thân phụ của Minh Mẫn đã được mời sang Hoa Kỳ, tường trình trước Uỷ ban Hạ Viện về Nhân Quyền Việt Nam tại Quốc hội về tình hình đàn áp đối với Minh Mẫn và về những điều kiện giam giữ tồi tệ đối với các tù nhân lương tâm nữ phải chịu đựng tại Việt Nam.

Trước tin ra tù của cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân đã lên tiếng như sau: “Chúng tôi cảm ơn các tổ chức nhân quyền và cộng đồng quốc tế đã liên tục vận động cho cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Ngay từ đầu, việc cô bị giam giữ là sai trái và án quản thúc tại gia đối với cô phải được hủy bỏ ngay lập tức.”

Trong số các nhà hoạt động bị xét xử cùng với Nguyễn Đặng Minh Mẫn, có ông Hồ Đức Hòa vẫn còn ở trong tù và ông Nguyễn Văn Oai bị bắt lại và giam giữ vào năm 2017. Ngoài ra, hàng chục blogger và nhà báo tự do khác cũng đã bị bắt trong hai năm qua. Đặc biệt là trong những tuần gần đây, các tù nhân lương tâm ở Trại giam số 6 tại tỉnh Nghệ An đã tuyệt thực để phản đối các điều kiện giam giữ tồi tệ.

Đảng Việt Tân sẽ tiếp tục tranh đấu để bảo vệ cho các nhà hoạt động đang bị đàn áp và các tù nhân lương tâm vẫn còn khắc khoải trong ngục tù.

Ngày 2 tháng 8 năm 2019
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Mọi chi tiết xin liên lạc:
Hoàng Tứ Duy: +1 202-596-7951

https://viettan.org/64326-2/

Vụ xử 14 thanh niên Công giáo: ‘Phiên tòa chưa khách quan, bản án không thuyết phục’

 

Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án 83 năm tù tổng cộng cho 14 nhà hoạt động xã hội và chính trị trẻ tuổi sau hai ngày xét xử 8/1 và 9/1 về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Ngay sau khi phiên xử kết thúc, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự, tổ chức đại diện pháp lý cho 7 người trong số các thanh niên Công giáo này, trao đổi với Trà Mi của Ban Việt ngữ VOA về diễn tiến và kết quả phiên tòa.

Luật sư Thu Nam: 15 giờ chiều nay, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa ra một phán quyết kết tội các bị cáo. 14 người trong vụ án đều bị kết án vi phạm vào điều 79 với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

VOA: Ban đầu chính quyền thông báo phiên tòa diễn ra từ ngày 8/1 kết thúc ngày 10/1. Nhưng hôm nay 9/1 họ đã kêu án, như vậy phiên tòa đã chính thức kết thúc?

Luật sư Thu Nam: Phiên tòa đã kết thúc rồi.

VOA: Kết quả cụ thể thế nào, thưa ông?

Phiên tòa chưa đáp ứng được kỳ vọng của luật sư, chưa được khách quan, chưa mang tính chất thuyết phục, một bản án không thuyết phục…
Luật sư Trần Thu Nam.

Luật sư Thu Nam: Trong 4 người bị khoản 1 điều 79, có 3 người bị 13 năm tù và 5 năm quản chế bao gồm Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu. Còn Nguyễn Đặng Minh Mẫn cũng khoản 1 nhưng bị mức án 8 năm tù. Còn lại 10 bị cáo ở khoản 2 lãnh từ 3 đến 6 năm tù. Đặc biệt có Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc bị 3 năm án treo, thả tự do ngay tại tòa.

VOA: Có sự chênh lệch rất lớn giữa các mức án từ án treo tới 13 năm tù. Những yếu tố nào quyết định sự chênh lệch này, thưa luật sư?

Luật sư Thu Nam: Theo quy kết của đại diện Viện Kiểm sát và lời luận tội của tòa, Hội đồng xét xử căn cứ vào các hành vi tham gia vào tổ chức Việt Tân, tham gia vào khóa học (đấu tranh bất bạo động), lôi kéo thành viên khác để phát triển lực lượng cho đảng Việt Tân. Đấy là quy kết của Viện Kiểm sát và căn cứ luận tội của tòa cũng như căn cứ vào thái độ thành khẩn khai báo từ giai đoạn điều tra đến tại phiên tòa, cùng các tình tiết giảm nhẹ khác như gia đình có công với cách mạng. Người ta căn cứ vào những điểm này để đưa ra mức án cho từng bị cáo.

VOA: Bên luật sư có những phản hồi thế nào trước các luận điểm tòa đưa ra?

Luật sư Thu Nam: Chúng tôi có 4 luật sư tham gia gồm Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn, Nguyễn Thị Huệ, và tôi là Trần Thu Nam. Luật sư Sơn và Huệ đưa ra các luận cứ bác bỏ lời luận tội và cáo trạng của đại diện Viện Kiểm sát và đề nghị tuyên các bị cáo vô tội và thả tự do ngay tại tòa. Tôi và luật sư Thanh đưa các chứng cứ có căn cứ và thuyết phục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì các chứng cứ trong hồ sơ này rất yếu, chưa đầy đủ để kết tội một người với tội danh rất nặng. Tội này chỉ sau tội phản bội tổ quốc với mức hình phạt cao nhất lên tới tử hình. Để kết tội họ như vậy cần phải điều tra bổ sung. Nếu điều tra bổ sung có thể có các chứng cứ có thể nói rằng họ không có tội. Chúng tôi đã đề nghị và đưa ra các luận cứ, luận điểm. Thế nhưng, Hội đồng xét xử không chấp nhận các quan điểm của luật sư chúng tôi. Chúng tôi rất buồn và thất vọng về phiên tòa hôm nay.

VOA: Luật sư nói thiếu chứng cứ và đề nghị điều tra bổ sung. Những khoản nào cần phải điều tra bổ sung để làm rõ, thưa ông?

 

14 người Công giáo và Tin Lành bị cáo buộc 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền' (ảnh: thanhnienconggiao).

14 người Công giáo và Tin Lành bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ (ảnh: thanhnienconggiao).

Luật sư Thu Nam: Có mấy vấn đề. Về thủ tục tố tụng vụ án, điều tra truy tố và xét xử. Trong việc bắt giữ có sai. Ví dụ như thời gian các bị cáo bị bắt thực tế từ ngày 30 và 31/7/2011 nhưng lệnh bắt thì có từ ngày 2/8/2011. Khoảng thời gian giữa lúc bị bắt trên thực tế tới lúc có lệnh tạm giữ và lệnh bắt chính thức thì không có một văn bản nào nói về việc này. Sau khi các bị cáo khai ở tòa thì mới lộ ra việc họ bị bắt giữ mà không có lệnh tạm giữ, lệnh bắt. Đó là một cái sai trong tố tụng. Thứ hai, cáo trạng của Viện kiểm sát không đưa ra được những thiệt hại theo quy định của tố tụng. Điều 167 của Bộ Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định cáo trạng phải đánh giá và đưa ra được những thiệt hại do hành vi những người phạm tội gây ra. Ở đây, đại diện Viện kiểm sát không chứng minh được những thiệt hại. Ngoài ra, những cái sai trong tố tụng khác như trong hồ sơ có một số chứng cứ liên quan tới hỏi cung, đối chất được ghi âm, ghi hình. Nhưng tại phiên tòa, trong hồ sơ không có những chứng cứ này. Về mặt đánh giá hành vi và điều luật, chúng tôi cũng đưa ra các quan điểm như điều luật nói rằng ‘tham gia’, nhưng tham gia như thế nào cũng không chứng minh được, làm những việc gì, hành vi gì mới gọi là tham gia. Hồ sơ cũng thiếu một chứng cứ quan trọng là tôn chỉ, mục đích, hiến chương, điều lệ của đảng Việt Tân không thu thập được mà nói Việt Tân là một đảng phản động thì cũng chưa đầy đủ. Điều luật nói rằng nếu tham gia đảng phái nhằm ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ thì sẽ phạm vào điều 79. Chúng tôi cũng đã tìm các văn bản hướng dẫn nhưng không có văn bản nào nói về điều liên quan đến ‘an ninh quốc gia’. Bản thân luật sư chúng tôi còn thấy bối rối trước việc áp dụng điều 79 cho một số hành vi cho các bị cáo tại tòa hôm nay. Theo tôi, vụ việc chưa được thông suốt, chưa đầy đủ.

VOA: Các bản án đưa ra với 14 thanh niên Công giáo hôm nay chủ yếu là vì họ liên quan đến Việt Tân, họ tham gia các công tác của Dòng Chúa Cứu Thế, hay là vì các hoạt động xã hội và chính trị của họ?

Luật sư Thu Nam: Họ bị quy kết về hành vi tham gia đảng Việt Tân. Cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam cho rằng đảng này phản động, hoạt động với tôn chỉ mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cho nên, họ đã quy kết các bị cáo vào điều 79, chứ không phải liên quan đến vấn đề Dòng Chúa Cứu Thế, không phải liên quan đến các hoạt động chính trị như biểu tình chống Trung Quốc. Chủ chốt của vụ án này là tham gia đảng Việt Tân.

VOA: Tại tòa, 14 người này nhận hay không nhận có liên quan hoặc tham gia với Việt Tân?

Luật sư Thu Nam: Trong 14 người này, có 8 người nhận tội và 6 người không nhận tội.

VOA: ‘Nhận tội’ ở đây nên được hiểu như thế nào?

Luật sư Thu Nam: Họ nói rằng họ có thực hiện các hành vi và có vi phạm pháp luật Việt Nam.

VOA: 6 người không ‘nhận tội’ gồm những ai?

Luật sư Thu Nam: Gồm Hồ Đức Hòa là người đầu vụ, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật.

VOA: Những người không ‘nhận tội’ đó là những người lãnh các bản án nặng nhất?

Luật sư Thu Nam: Cũng không phải. Theo điều 46 Bộ Luật hình sự, khoản 1, khoản 2, nếu có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên sẽ được áp dụng vào điều 47 là sẽ được xử dưới khung hình phạt.

VOA: Nhận xét chung về phiên tòa hôm nay, phiên xử có số bị cáo đông nhất về vi phạm điều 79, luật sư có suy nghĩ thế nào?

Luật sư Thu Nam: Phiên tòa chưa đáp ứng được kỳ vọng của luật sư, chưa được khách quan, chưa mang tính chất thuyết phục, một bản án không thuyết phục.