Tại hội thảo chủ đề Đọc lại Truyện Kiều tổ chức tại Hà Nội mới đây, tôi có dịp gặp những nhà nghiên cứu hàng đầu, trong đó phải kể đến GS TS Trần Đình Sử để hiểu thêm về hành trình xuất chúng của Kiều- từ một nữ nhân bên lề tiến trình lịch sử Trung Quốc tới nữ chính mẫu mực tiêu biểu trong văn học Việt Nam.
Kiều được người Việt nhớ tới như một biểu tượng về tài sắc hơn là cuộc đời đầy truân chuyên của nàng.
Khi mới tiếp xúc với Truyện Kiều, tôi còn nhớ mình có cảm giác hơi “chạnh lòng” khi tượng đài văn chương lẫy lừng của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vậy một lần nữa, giáo sư có thể nêu bật sự khác biệt giữa Truyện Kiều (Đoạn trường Tân thanh) của Nguyễn Du và tác phẩm gốc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân?
Nguyên tác là tiểu thuyết văn xuôi 20 hồi, Nguyễn Du viết lại dưới dạng thơ lục bát. Thế là đã khác hẳn về thể loại. Cải biên tác phẩm trên thế giới cũng không phải chuyện đặc biệt gì. Kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII phần lớn đều lấy đề tài từ nước ngoài. Rất nhiều kịch của Shakespeare cũng thế, Hamlet lấy tích truyện Đan Mạch. Những chuyện như thế bình thường, không có gì phải “chạnh lòng”.
Văn học Trung đại vẫn có thói quen lấy truyện có sẵn, vẫn có sáng tác mới. Nhưng họ không phân biệt giữa cái có sẵn với cái mới. Thí dụ ở Việt Nam có những truyện như Sơ kính tân trang của Phạm Thái là kể chuyện của ông ấy. Hay Lục Vân Tiên- một mặt Nguyễn Đình Chiểu làm như lấy từ truyện Trung Quốc: “Chong đèn xem truyện Tây Minh/Ngẫm xem hai chữ nhân tình éo le”.
Thế là ông ấy làm người đọc tưởng là truyện Trung Quốc. Nhưng trong đó, nhân vật chính cuộc đời lại mang nét của tác giả. Tức là cũng đi thi, mẹ chết, phải về chịu tang, thương khóc rồi bị mù. Nếu chỉ kể chuyện mình thì không đủ hay. Ông phải tưởng tượng thêm các chuyện khác: thi đỗ, đi sứ nước ngoài, dẹp giặc Ô Qua… Phần lớn truyện Nôm Việt Nam viết lại tích truyện dân gian, truyện Trung Quốc. Đấy là thói quen hoặc quy luật sáng tác của thời Trung đại. Vấn đề là viết lại thì phải viết cho hay.
Việc mượn cốt truyện nước ngoài phải chăng còn là một cách để tránh kiểm duyệt thời bấy giờ, thưa giáo sư?
Không, chả có vấn đề gì. Thói đời nó thế. Một là người Việt Nam thời đó tôi nghĩ cũng có tâm lý sùng Trung Quốc. Nhân vật Hoàng trong truyện Đôi mắt của Nam Cao bảo “tiểu thuyết hay nhất là của thằng Tàu”. Như vậy nhân vật đấy chưa từng đọc những tiểu thuyết hay của phương Tây gì cả. Nếu đọc Những người khốn khổ chẳng hạn thì nó có kém gì mà phải nói là “nhất thằng Tàu”. Nói cho công bằng, Trung Quốc có truyền thống kể chuyện hay, nhưng hay khác phương Tây. Đấy là chuyện không phải bàn.
Lấy truyện có sẵn và chuyển sang truyện thơ Nôm khiến cho người Việt dễ đọc dễ kể. Rất nhiều truyện Nôm kể mộc mạc lắm, rất đơn giản. Cũng có những truyện kể cũng giỏi như Phan Trần chẳng hạn, ngôn ngữ cũng hay. Nhưng nói chung đến Truyện Kiều, Nguyễn Du là “đại bút”, cho nên ông viết thành một kiệt tác.
Rất nhiều người đã có ý thức so sánh xem thử Nguyễn Du đã sáng tạo so với nguyên tác thế nào. Trước đây ông Đào Duy Anh và một số người đã so sánh chủ yếu cốt truyện, nhân vật so với nhân vật, tình tiết so với tình tiết thì phần lớn đi đến kết luận truyện Kiều không khác gì mấy so với nguyên tác. Do đó họ cho rằng cái hay nhất của Truyện Kiều là văn chương.
Về sau này càng ngày người ta càng so sánh nhiều hơn, cả về lời văn nữa. Bên kia là văn xuôi mà bên này là thơ mà thơ bên này siêu đẳng, nên nó hơn hẳn… Phân tích kỹ nữa, hai tác phẩm mới nhìn bề ngoài tưởng cốt truyện giống nhau nhưng nhìn kỹ thì không phải.
Tức là một mặt Nguyễn Du bỏ bớt rất nhiều những tình tiết không cần thiết. Kim Vân Kiều Truyện có nhiều tình huống éo le, những chuyện gây cấn đáp ứng thị hiếu độc giả Trung Quốc. Chẳng hạn Thúc Sinh muốn đưa Kiều ra khỏi lầu xanh lại phải có mẹo. Cô này đẹp thế lại có nhiều khách thế, nó không cho ai chuộc. Tất cả những thứ mẹo mực ấy Nguyễn Du bỏ hết, chỉ cần vài câu là xong…
Phan Ngọc nói: Nguyễn Du đã vứt bỏ “một cách tàn nhẫn”, không thương tiếc hàng loạt chi tiết trong Kim Vân Kiều Truyện để dọn nó lại thành một truyện rất gọn gàng như ta đọc. Như vậy tức là phải có tài mới biết sáng tạo lại cốt truyện. Ông tập trung vào 3 mối tình của Kiều với Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Còn những cái nằm ngoài là bớt. Nguyên tác lại không biết tả cảnh, tả tình, Nguyễn Du lấp chỗ trống ấy.
Về tâm lý nhân vật, hai cô Kiều có gì khác nhau, thưa ông?
Kiều của Nguyễn Du đẹp hơn, quý phái hơn, tính cách nhất quán hơn, có tình hơn nhiều. Còn cô Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân nhiều khi rất dung tục. Thí dụ sau khi mụ Tú Bà dạy “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”, các cách tiếp khách làng chơi “Chơi cho liễu chán hoa chê/ Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”. Nghe xong, Kiều của bản gốc thích thú: “Ơ hay vậy mẹ!” Kiều của Nguyễn Du thì lại đau đớn: “Nửa đời học lấy những nghề nghiệp hay”. Khi đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến, Kiều nguyên tác còn liếc mắt đưa tình… Tính cách Kiều Nguyễn Du đẹp, cao thượng hơn rất nhiều.
Kết thúc truyện gốc, Kiều không cho Kim Trọng chăn gối là để nhằm đề cao chữ trinh, Kiều muốn nêu gương trinh liệt, đến mức mà Kim Trọng phải kêu lên: “Té ra hiền thê không phải là đàn bà, mà là thánh nhân, hào kiệt, thế thì nàng quên tình đi cũng được, Kim Trọng tôi đâu có dám xằng bậy nữa”.
Cái kết đề cao chữ trinh làm cho truyện giảm bớt tính nhân văn, thế tục. Nhưng Nguyễn Du nhấn mạnh cái cảm giác tủi nhục, xấu hổ của Kiều, làm nhạt đi cái ý làm liệt nữ: “Người yêu ta xấu với người/ Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”. Tầm vóc đạo đức nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du cao hơn nhiều.
Trong nguyên tác, cô Kiều là “thường thường bậc trung”, tức thị dân nhỏ, không phải quý tộc, cho nên không có đầy tớ để sai bảo. Muốn uống nước hay muốn giặt áo quần là phải tự đi làm lấy. Nguyễn Du xuất thân quý tộc nên lại miêu tả nâng Kiều với Kim Trọng thành hàng quý tộc. Kiều đi đâu là có hương thơm đấy tức là loại người không tầm thường…
Và cuối cùng ngôn ngữ Truyện Kiều mới là cái đặc sắc. Nó không chỉ là ngôn ngữ lục bát với thứ tiếng Việt trau chuốt, mà cách kể chuyện của Nguyễn Du hoàn toàn khác.
Cách kể của Thanh Tâm Tài Nhân đơn giản chỉ theo ngôi thứ ba. Và tất cả mọi tâm sự, tâm tư nhân vật được kể như những hiện tượng đã có thế rồi, nhà văn chỉ diễn đạt lại thôi. Nguyễn Du khác, lời kể vẫn của tác giả, người kể chuyện, nhưng đến khi kể vào nhân vật, ông lại dùng cả lời kể của nhân vật và điểm nhìn nhân vật. Tức là ông không kể những việc đơn giản nhìn thấy bên ngoài mà kể cả điều nhân vật cảm thấy ở bên trong. Kể từ bên trong.
Ông cũng không miêu tả phong cảnh có sẵn mà là phong cảnh xuất hiện dần dần theo con mắt và bước chân của nhân vật. Đó là cách kể rất hiện đại. Tiểu thuyết hiện nay cũng làm thế thôi. Thành ra nghệ thuật của ông ấy cuối thế kỷ 18, đầu 19 mà đạt đến mức như thế là điều đột phá rất đặc biệt mà trong tất cả các truyện Nôm, chỉ có Truyện Kiều làm được.
Như vậy qua hơn hai thế kỷ, Kiều vẫn là tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam Cũng như Eugene Onegin (truyện thơ của Pushkin) tiêu biểu cho văn học Nga hay Faust (kịch của Goethe)- Đức, Hamlet (kịch của Shakespeare)- Anh. Giáo sư nhận thấy có mối tương quan gì giữa tính cách hoặc vận mệnh của một dân tộc với áng văn tiêu biểu cho mỗi nước?
Tôi chưa dám trả lời cái này, vì nó hơi rộng. Nhưng rõ ràng Truyện Kiều nhất định có cái gì đó gắn với tâm tình dân tộc mình. Trong Truyện Kiều tôi nhận thấy nổi lên là tiếng kêu, tiếng than, tiếng khóc, tiếng thương thân. Đó là những cái rất tiêu biểu cho người Việt Nam.
Nước Việt, người Việt đã trải qua quá nhiều đau thương, mất mát, tan vỡ. Người Việt luôn luôn cảm thấy mình thiệt thòi, so với ai mình cũng thấy thua thiệt, và than vãn, xót thương cho thân phận mình. Cho nên Truyện Kiều hay thật nhưng nó cũng có phần nào đó bi lụy. Do vậy nhiều người cũng cho rằng mình rất yêu Truyện Kiều nhưng nếu mình chỉ đắm đuối với Kiều thì mình sẽ trở nên yếu đuối. Mình phải mạnh mẽ hơn, mới thay đổi được cuộc sống.
Mặc dù Kiều luôn chủ động nhưng sau mỗi lần chủ động là thất bại. Cho nên Truyện Kiều vẫn là tiếng khóc lớn, tiếng kêu thương. Tố Hữu nói: “Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều.” Kiều viết ra để khóc cho cuộc đời, khóc cho những gì tốt đẹp nhất bị tan vỡ.
Ông có so sánh gì về độ bi lụy giữa nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều?
Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hoàn toàn Nho giáo và rất lý trí. Tuy cũng nói chữ tình là một đại kinh, chữ khổ là một đại vĩ, nhưng Thuý Kiều ở đấy luôn rắp tâm làm người trinh liệt.
Kiều của mình thiên về tình cảm trong khi Kiều của của Trung Quốc luôn có ý thức nêu gương, luôn tỏ ra mình đây là người hào kiệt, trung hiếu tiết nghĩa- tức là một người tiêu biểu cho đạo đức Nho giáo.
Do viết lại một truyện trong đó có trung hiếu tiết nghĩa thì mấy chữ đó mới vào trong truyện Nguyễn Du. Còn ngoài Truyện Kiều ra, không có chỗ nào Nguyễn Du nói “trung hiếu tiết nghĩa” cả. Không có bài thơ nào đụng đến cái này cả.
* Bài viết thể hiện văn phong riêng của tác giả Nguyễn Mạnh Hà, nhà báo mảng Văn hóa Nghệ thuật sống tại Hà Nội.
Mục lục
GS-TS Trần Đình Sử: ‘Kiều luôn chủ động’
“Kiều không hề bị động, mà luôn chủ động từ đầu đến cuối. Thấy Kim Trọng là chủ động đến, bày mưu tính kế cho Thúc Sinh để làm sao mối tình của hai người được lâu dài. Cô cũng bày mưu cho Từ Hải hàng và chính cái đó dẫn đến chỗ diệt vong của cô ấy.
Ở đây có vấn đề là định mệnh đã biết từ trước, và Kiều luôn có ý thức tranh chấp với định mệnh để giành lấy phần sống của mình. Đồng thời cô ấy giành giật phần sống của mình một cách cao đẹp. Đó là tư tưởng theo tôi là tích cực. Tranh chấp với số mệnh mặc dầu mỗi lần tranh chấp là bị đè bẹp, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ sự lựa chọn của chính mình. Đấy là một ý nghĩa rất hiện đại và hiện sinh: Tư tưởng con người tự lựa chọn, tự làm lấy mình. Mình làm cuộc đời của chính mình theo ý nguyện, lựa chọn của mình. Kiều là như thế.
Tranh chấp với số phận có lẽ là cuộc tranh chấp muôn đời của con người. Ngay như ngày hôm nay cũng vậy thôi. Nếu anh muốn cho cuộc sống xứng ý với anh, anh muốn cuộc sống thực sự tự do dân chủ, anh cũng phải đấu tranh với số phận. Chứ anh không thể cúi đầu được. Cho dù thất bại thì việc tranh chấp ấy cũng thể hiện mình là người. Và đó theo tôi là một ý nghĩa của cuộc đời này.”
GS.TS Trần Đình Sử sinh năm 1940, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội năm 1961, từng du học Trung Quốc, Liên Xô; từng dạy lý luận văn học ở ĐHSP Vinh, rồi ĐHSP Hà Nội. Ông nguyên là Trưởng khoa Ngữ Văn ĐHSP Hà Nội, nhận danh hiệu NGND, giải thưởng Nhà nước về nghiên cứu khoa học năm 2000.
Charles Benoit: ‘Ảnh hưởng Trung Hoa’
“Không có gì ngạc nhiên khi ảnh hưởng Trung Hoa có thể cảm nhận được sâu sắc trong lĩnh vực văn chương cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào khác. Cả hình thức và nội dung của văn học Việt Nam đều mang những dấu ấn không thể xóa bỏ của ảnh hưởng đó. Do các học sĩ trong nước Việt truyền thống đều tinh thông kinh điển Trung Hoa, phần nhiều văn chương Việt Nam được viết bằng ngôn ngữ chung của khu vực văn hóa Đông Á- văn ngôn Trung Hoa. Và cũng giống như cách Shakespeare dựa theo những nguồn Hy Lạp, La Mã và Ý để cho ra nhiều vở diễn của mình, ngay cả những tác phẩm viết bằng tiếng Việt nôm na, bao gồm một số tuyệt tác của nỗ lực văn chương Việt, cũng có nguồn cảm hứng từ truyện Trung Quốc. Nhưng cũng không kém gì những kiệt tác của Shakespeare, không ít trong số các tác phẩm này đã trở thành công trình nghệ thuật có khả năng khiến các tiền bối Trung Hoa của chúng phải hổ thẹn.
Trường hợp đang nói đến ở đây là truyện thơ trường thiên Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, thường được gọi đơn giản là Truyện Kiều. Được cải biên từ một bộ tiểu thuyết không mấy nổi tiếng ở cuối thế kỷ XVII, sự tinh luyện thi pháp của Nguyễn Du được người Việt xem như tác phẩm văn chương ưu tú, có tác động đến nền thi ca dân tộc của họ…
Cho dù là kết quả của nỗ lực cân bằng đạo lý, tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân chắc chắn đã được lưu truyền rộng rãi, đã ảnh hưởng đến một số phiên bản khác của câu chuyện tại Trung Hoa, được chào đón nồng nhiệt tại Nhật Bản và thậm chí có thể đã được dịch sang tiếng Mãn Châu. Song chỉ khi đến Việt Nam thì câu chuyện mới được phát triển thành một tác phẩm văn chương hàng đầu. Qua nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Du, ba nhân vật lịch sử của câu chuyện (Hồ Tôn Hiến, Từ Hải, Thúy Kiều- PV) đạt đến sự hình thành chung cục của chúng, và câu chuyện Thúy Kiều được xử lý một cách thuyết phục nhất.”
(Trích luận án Tiến sĩ bảo vệ thành công tại ĐH Havard năm 1981 của Charles Benoit, xuất bản tại Việt Nam năm 2016 với tên gọi Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều- Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam)
TS Bùi Trân Phượng: ‘Đọc Truyện Kiều, thấy xã hội hôm nay’
Tôi không dám nói Truyện Kiều tiêu biểu cho vận mệnh của dân tộc Việt Nam, không có cơ sở gì để suy diễn như thế. Tôi rất kiên trì một quan điểm của một người đã học Sử theo cách thức của phương Tây: lịch sử là quá khứ. Chúng ta không dựa vào lịch sử để dự báo bất kỳ một tương lai nào.
Nhưng tôi tin rằng quá khứ đó tồn tại trong hiện tại của chúng ta. Mỗi cá nhân tích lũy cả một quá khứ gần và quá khứ xa của bản thân, của gia đình, của dân tộc, của nhân loại. Lịch sử tồn tại trong hiện tại của chúng ta, thành ra chúng ta ráng làm sao hiểu nó gần với sự thật chừng nào tốt chừng ấy.
Tôi muốn tìm hiểu đến thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều thì truyền thống Việt Nam đã trở thành cái gì. Thời điểm đó, dân tộc Việt Nam coi trọng những giá trị gì, mẫu người nào…
Từ góc nhìn lịch sử đó, tôi cảm thấy Nguyễn Du đã Việt Nam hóa tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân một cách không thể nào tuyệt vời hơn. Tôi không gọi đó là phóng tác, tôi gọi đó là sáng tác lại. Nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân đối với tôi là một câu chuyện dật sử về một vài nhân vật có thật. Còn Truyện Kiều là một cuốn tiểu thuyết bằng thơ thực sự. Tôi chưa thấy một tác phẩm nào mà tên riêng của nhân vật trở thành danh từ chung nhiều như thế. Có nghĩa là những nhân vật đó nhan nhản, trong đời nay chúng ta vẫn thấy.
Tôi rất chú ý xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu 19 đã có nhiều tính chất cận hiện đại, khác hẳn xã hội Việt Nam trước đó. Cho nên nó gần với xã hội chúng ta bây giờ hơn là gần với xã hội thời Lý Trần. Chính vì thế mà đọc Nguyễn Du, đọc Truyện Kiều, chúng ta có nhiều cảm xúc như vậy. Vì xã hội ông sống gần với xã hội chúng ta: sự thống trị của tiền bạc, bạo lực đầy dẫy khắp nơi và con người- “chiếc bách giữa dòng” như Nguyễn Du mô tả – cảm thấy mình bé nhỏ mong manh, mọi vật vô thường và những biến cố làm đảo lộn cuộc sống bình thường của mình, mọi suy tính mưu toan của mình đều bị bên ngoài chi phối rất lớn. Nguyễn Du gọi cái đó là mệnh trời, là tài mệnh tương đố, đồng thời cũng chỉ rõ thực thi cái mệnh đó là ai, là những Tú Bà, những Mã Giám Sinh… mà bây giờ mình gọi là tệ nạn xã hội, nói đúng hơn là thực trạng xã hội. Hiện nay bao nhiêu nàng Kiều ở Việt Nam, bao nhiêu nàng Kiều ở những nước nghèo và ít phát triển, bao nhiêu nàng Kiều trong toàn nhân loại… Tính nhân bản của Kiều như thế là phổ quát. Đó là “tiếng nói đứt ruột” của Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!” Nhưng không chỉ than cho đàn bà, mà cho phận người.
Ngay những câu mở đầu, Nguyễn Du đã coi “tài mệnh tương đố” như lẽ đương nhiên: “Lạ gì bỉ sắc thử phong/Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…” Nhưng ông vẫn làm cái việc “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tức là tôi tôi kể cái đau khổ có thật mà tôi thấy, chứ tôi không kể theo Nho giáo, Phật giáo hay theo ai nói hết. Tôi nói cái tôi thấy. Nó khác với Nguyễn Đình Chiểu: “Ai ơi lẳng lặng mà nghe/ Dữ răn việc trước, lành dè thân sau/ Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”…
Tôi nhận thấy cái nghĩ, cái thấy, cái cảm của Nguyễn Du rất gần gũi và chia sẻ được với đại chúng, với bình dân Việt Nam. Tức là đại chúng Việt Nam cảm nhận về Nho Phật Lão thế nào thì Nguyễn Du tả như thế trong truyện của ông.
Tam Hợp Đạo cô (người có thể giải đáp cả những thắc mắc của sư cô Giác Duyên- PV) đối với tôi là Tam giáo. Nếu không thì ông chẳng đặt tên là “Tam Hợp”. “Đạo cô” mà Nguyễn Du vẫn gọi là sư: “Sư rằng phúc họa đạo Trời…” Đó là phiên bản bình dân của Lão giáo. Đạo giáo không phải để làm thầy bói nhưng trong bình dân thì nó trở thành như vậy. Bói toán, đồng cốt, gọi hồn… trong Truyện Kiều đều có, và đều đúng cả. Thì có phải đại chúng Việt Nam cũng đang còn tin như thế không?! Khi bối rối, khó khăn, họ vẫn kêu hồn gọi cốt ngồi đồng…
Tôi tìm thấy trong Truyện Kiều tất cả những yếu tố của Nho, Phật, Lão theo cách mà bình dân tiếp nhận. Ngoài ra còn có những cái vốn có của Việt Nam mà những cái kia không triệt tiêu được, như “âm dương tương hợp” hay quan niệm nhân tính hóa về trời, có khi nghiệt ngã, có lúc công minh. Trước khi tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ và Nho giáo Trung Hoa, Việt Nam có đa thần giáo chủ yếu thờ các thế lực siêu nhiêu: mưa, gió, đá, cây…
Quan trọng hơn là đời sống thực tế. Vì cuộc đời là trải nghiệm thật và phản ứng của chúng ta trước cuộc đời. Nguyễn Du tả Kiều mỗi lần gặp biến đều chủ động suy nghĩ tìm cách vượt thoát. Nếu với Tống Nho, người nữ chỉ có một nhiệm vụ là bảo vệ chữ trinh của mình, có nghĩa là không thất tiết với bất kỳ ai ngoài người đàn ông của đời mình. Nhưng Kiều mỗi lần mỗi bảo vệ một cái khác nhau.
Khi Kim Trọng lần đầu tiên gặp “xem trong âu yếm có chiều lả lơi” thì Thúy Kiều nói bảo vệ chữ trinh, đại ý: Nếu yêu nhau trước hôn nhân thì sau này sẽ sinh lòng rẻ rúng nhau, cho nên là thôi đừng, giữ hạnh phúc cho mai sau… Cái đó là giữ gìn bình thường của một cô gái trẻ con nhà tử tế, không cứ Tống Nho, bây giờ cũng phải giữ gìn như thế chứ chả lẽ không?!
Dù gọi nó là chữ trinh nhưng là gọi thế thôi… Đến khi chưa thất thân với Mã Giám Sinh, mới chuẩn bị động phòng thôi, Kiều đã nghĩ: Ủa thằng cha này mua mình, mà trước kia với người yêu mình mà mình không cho… Cho nên mới có tiếc nuối: “Biết thân đến bước lạc loài/ Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung”. Thì cái đó rất người, nó không có Nho giáo, không có chữ trinh nào, không có “công dung ngôn hạnh” gì chỗ đó.
Nếu mình phân tích ra, cái hành xử của Thúy Kiều là cái hành xử bình thường mà người Việt có thể chấp nhận được. Truyền thống Việt ở trong Truyện Kiều thể hiện ở chỗ, thứ nhất người nữ được coi trọng, thứ hai người Việt thực chất rất phóng khoáng trong chuyện tình yêu, tình dục, không cứng nhắc, giáo điều như Tống Nho (Thúy Kiều ba lần yêu, đều chân thành, sâu sắc, không chỉ khổ mà trải nghiệm cả hạnh phúc trong cả ba lần yêu đó).
Và thứ ba, người Việt giỏi chịu cực, không nản lòng, bỏ cuộc, có thái độ tích cực, “còn nước còn tát”, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, không cực đoan mà biết quân bình trong cuộc sống, nhìn đời có phúc có họa, người đời “nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương”, cư xử với người khác ôn hòa, chừng mực, “mà trong lẽ phải có người có ta”. Chỉ có lòng thương xót, thấu cảm với người yếu thế đau khổ là vô hạn, chân thành. Truyện Kiều có sức thuyết phục cao chính vì tính thực tế, tính quân bình, toàn diện, thấu cận nhân tình của nó.
TS Bùi Trân Phượng tốt nghiệp ở Pháp, từng là Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Trưởng Khoa Sử Địa, trường ĐHSP TP.HCM, sau đó là Trưởng Ngành, Hiệu trưởng trường CĐ, rồi Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen. Từ 2017, bà sáng lập một doanh nghiệp xã hội hoạt động giáo dục