Tổng thống Ronald Reagan từng nói nếu mình ở Pháp, Anh, hay Đức cho dù 20 năm họ cũng không cho rằng mình thành Tây, Anh, hay Đức; nhưng ai qua Mỹ này cũng thành người Mỹ được. Cho nên, tôi nghĩ mình chỉ cần làm việc hết sức. Ở Mỹ này mọi người đều ngang bằng nhau.Trung tá Cao Hùng
Một cậu bé được bố mẹ đưa sang Mỹ tị nạn năm 1975 nay trở thành Chỉ huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Người Nhái và Trục Vớt thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, vị trí điều hành các hoạt động đặc nhiệm và huấn luyện lặn tinh nhuệ nhất trên thế giới mà ít người có thể vươn tới được.
Đó là câu chuyện thành công của Trung Tá Hải quân Cao Hùng, sĩ quan chỉ huy trường đào tạo trên 1200 lính hải quân, thủy quân lục chiến, và phi công hằng năm với đội ngũ 235 giảng viên là những chuyên gia tài giỏi của nước Mỹ.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay, Trung tá Cao Hùng, một trong những sĩ quan Mỹ gốc Việt mang lại niềm hãnh diện cho người Việt nói chung và cho cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại nói riêng, sẽ kể cho chúng ta nghe anh đã biến ‘giấc mơ Mỹ’ của mình trở thành hiện thực như thế nào.
Trà Mi: Lúc đó anh mấy tuổi và những khó khăn ban đầu thế nào anh còn nhớ không?
Trung tá Cao Hùng: Về lại Mỹ năm 1982 lúc đó tôi 11 tuổi. Khó khăn chỉ là phải học tiếng Anh thôi. Tôi vào hải quân vì tôi thương nước Mỹ này lắm. Tôi tốt nghiệp Naval Academy (Học viện Hải quân). Từ Naval Academy họ chỉ chọn 6 người đi hoạt động đặc biệt. Tôi là một trong 6 người được chọn vào ngành nghề này.
Trà Mi: Trên đường binh nghiệp, anh đã đến nhiều nơi, nếm trải nhiều gian nan thử thách, có kỷ niệm nào anh khắc cốt ghi tâm?
Trung tá Cao Hùng: Khó khăn tôi gặp cũng giống như mọi người khác. Chỉ biết là trong 6 người tốt nghiệp Học viện Hải quân, chỉ mình tôi thành sĩ quan chỉ huy. Vì nghề này thật là khó, nên họ chỉ chọn những người giỏi nhất.
Trà Mi: Là sĩ quan chỉ huy trong hải quân Mỹ gốc Việt, anh thấy điều đó có mang lại thử thách nhiều hơn cho mình so với một người bản xứ?
Trung tá Cao Hùng: Không chị. Tổng thống Ronald Reagan từng nói nếu mình ở Pháp, Anh, hay Đức cho dù 20 năm họ cũng không cho rằng mình thành Tây, Anh, hay Đức; nhưng ai qua Mỹ này cũng thành người Mỹ được. Cho nên, tôi nghĩ mình chỉ cần làm việc hết sức. Ở Mỹ này mọi người đều ngang bằng nhau.
Trà Mi: Thành công nào cũng phải trả giá bằng nước mắt, mồ hôi, và sự phấn đấu không ngừng. Nói về những cái giá mà anh phải trả để có được hôm nay, anh nhớ nhất điều gì?
Trung tá Cao Hùng: Nhớ nhất là những lần đi đánh giặc. Tôi đi đánh giặc 5 lần rồi, đi Iraq, 3 lần đi Afghanistan..v.v.. Kỷ niệm đáng nhớ chẳng hạn như khi ở Iraq, mỗi ba ngày lại bị họ bắn những hỏa tiễn. Tôi cũng nhớ những lần mìn nổ vì tôi phải đi tìm và rà phá mìn.
Trà Mi: Vì sao anh không chọn binh chủng khác mà là hải quân?
Trung tá Cao Hùng: Vì một người chị của tôi đã vào Học viện Hải quân rồi nên tôi thấy thích Naval Academy hơn.
Trà Mi: Những yếu tố nào giúp anh tới thành công hôm nay?
Trung tá Cao Hùng: Đó là mấy người làm việc chung với tôi. Họ là những người giúp tôi được chọn làm sĩ quan chỉ huy vì làm công việc này không bao giờ có thể làm làm một mình cả. Công việc này mình cần những người làm việc chung với nhau, hỗ trợ mình.
Trà Mi: Là một chỉ huy điều hành trung tâm hàng trăm chuyên gia, mỗi năm đào tạo hàng ngàn lính tinh nhuệ cho nước Mỹ, anh có cảm giác thế nào trong cương vị một người Mỹ gốc Việt?
Trung tá Cao Hùng: Vì ba mẹ tôi dạy tôi phải luôn cố gắng. Cái ơn là từ ba mẹ và nguồn gốc của mình, nhưng ơn cũng là vì xứ Mỹ đã cho mình cơ hội.
Trà Mi: Anh có khi nào về Việt Nam chưa?
Trung tá Cao Hùng: Chưa, nhưng tôi sắp về Việt Nam để dạy người nhái Việt Nam. Trường tôi đang bắt đầu xem xét khả năng sang Việt Nam huấn luyện người nhái Việt Nam. Tôi rời Việt Nam từ khi 4 tuổi nên cũng muốn về coi Việt Nam ra sao.
Trà Mi: Tham gia hải quân Hoa Kỳ có thể hiểu là cách anh đóng góp lại cho quê hương đã nuôi dưỡng mình. Nếu anh có cơ hội, có một điều nào đó anh có thể đóng góp cho quê cha đất tổ của mình, anh nghĩ anh sẽ làm gì?
Trung tá Cao Hùng: Người trẻ Việt Nam có thể nhìn con đường tôi đã đi để học hỏi. Đó là cách đóng góp của tôi.
Trà Mi: Anh có thể chia sẻ với giới trẻ Việt Nam về ‘giấc mơ Mỹ’ và cách để đạt được thành công ‘giấc mơ Mỹ’ đó?
Trung tá Cao Hùng: Đời sống Mỹ cho mình nhiều cơ hội. Cho nên, mình chỉ cần cố gắng làm việc, nỗ lực hết mình thôi. Có mơ ước hãy đi theo mơ ước đến cùng.
Trà Mi: Anh nghĩ thế nào về vai trò của cộng đồng người Việt ở Mỹ, sự đóng góp của họ cho nước Mỹ, và mối quan tâm của họ kêu gọi dân chủ cho Việt Nam?
Trung tá Cao Hùng: Chẳng hạn nếu người dân Iraq không muốn dân chủ thì mình đâu có đem tới cho họ được. Tôi nghĩ nếu người dân ở Việt Nam muốn dân chủ thì mình phải giúp họ. Giúp bằng cách cho họ thấy rằng nếu mỗi người có tự do thì họ có thể làm được nhiều việc.
Trà Mi: Ngày nay người ta đánh giá rất cao tinh thần lãnh đạo của người trẻ. Anh thấy tinh thần lãnh đạo có ý nghĩa thế nào đối với tuổi trẻ nói chung và với người trẻ gốc Việt tại Mỹ nói riêng?
Trung tá Cao Hùng: Đâu cũng cần tinh thần lãnh đạo. Mình không những cần tinh thần lãnh đạo mà cần phải dạy tuổi trẻ đi theo, học tập làm lãnh đạo.
Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.