LTS. Diễn Đàn Thế Kỷ rất hân hạnh nhận được bài Tội Phạm Học Luận Chứng do tác giả, Giáo sư Lê Hữu Khóa gửi đến. Đây là một bài nghiên cứu quy mô về vấn đề tội phạm, nhằm giúp mọi người nhìn ra tính chất tội phạm của đảng cộng sản trên đất nước Việt Nam suốt bảy thập kỷ qua. Vì bài khá dài, chúng tôi sẽ đăng liên tục trong nhiều kỳ.
Định hướng khoa học luận của tội phạm học
- Cái ác được nhận ra bằng quá trình của ý thức, vì ý thức trước đó biết là có cái tốt hoàn toàn ngược lại với cái ác, và cái tốt có mặt trong cuộc sống để bảo vệ cuộc sống.
- Cái độc là nền của động cơ hành động cho ra cái ác, chính sự hiện diện của lý trí báo thức cho ý thức biết là cái lành có trong cái nhân, để duy trì cuộc sống trong xây dựng, chống lại sự tàn phá của cái độc.
- Cái thâm là con tính của cái độc, để biến cái ác thành cái thực trong cuộc sống. Nhưng chính tại đây, ý thức hợp lực với lý trí để chế tác ra niềm tin bảo vệ cho bằng được cuộc sống bằng cái hay mang tầm vóc của cái tốt, mang bản lĩnh của cái lành để tiếp tục bảo hành cuộc sống.
- Cái hiểm, là thủ đoạn của cái thâm, là gốc rễ của cái độc, là cội nguồn của thâm. Nó luồn lách qua tà quyền, nó chui rúc để bám bạo quyền, nó thích bóng tối hơn ánh sáng, vì nó sợ sự thật, nó sợ bị lột mặt nạ, nên bóng tối là nơi ẩn nấp của cái hiểm để nó thực hiện tội ác của nó.
- Tội ác, không những mượn bóng tối để ẩn nấp, mà còn để che giấu tội trạng, để khỏa lấp tội phạm, giấu diếm tội nhân, mà còn để lẩn trốn ánh sáng của sự thật, chính sự thật sẽ đưa tội phạm ra trước ánh sáng: công lý!
- Tội trạng, sẽ được xử bằng công lý, có cái lý của công bằng, có cái luận của công luật, cái cái quyết của công pháp, nơi đây pháp luật thực thi cái luật trên nền của công tâm.
- Tội phạm, khi bị lên cán cân, một bên là đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) và một bên là luật pháp (công bằng, công lý, công pháp, công tâm), thì nguyên nhân, động cơ, hành động, hậu quả của tội ác, tội trạng, tội phạm sẽ vạch mặt, chỉ tên tội nhân.
- Tội nhân, bị vạch trần lý lịch qua bằng chứng của tội ác, qua tang chứng của tội trạng, qua minh chứng của tội phạm, nên luật pháp có đầy đủ luận chứng để luận tội và kết tội thủ phạm của tội ác; dù đó là một đảng, một chính quyền, một chính phủ, một bọn tham quan, một tập đoàn tội phạm, một nhóm sát nhân… dù chúng có sự hỗ trợ của một cường đảng như Tàu tặc, Tàu phỉ hiện nay.
Định vị phương pháp luận của tội phạm học
- Khoa học nhân văn, từ văn học tới triết học, cho tới ngôn ngữ học có cơ sở là văn bản từ dữ kiện tới chứng từ, từ phân tích tới giải thích, văn bản làm nền cho diễn luận và giải luận. Nhưng tội phạm học phải đi xa hơn nữa trong cách thuyết phục dữ kiện để tạo tiền đề cho tang chứng, chứng từ là thượng nguồn để nhận ra tang vật, từ đó thấy rõ tội ác để nhận diện tội nhân.
- Khoa học xã hội, từ xã hội học tới dân tộc học mà tên gọi mới là nhân học cho tới sử học, có nền cũng là văn bản, nhưng định vị qua điều tra thực địa, qua nghiên cứu thực tiễn, qua điền dã thực nghiệm tại chỗ, nơi mà “mắt thấy tai nghe” ngay “tại chỗ, tại nơi”, “bây giờ và ở đây” làm rễ cho thực tế, làm gốc cho sự thực. Nhưng tội phạm học phải đi sâu hơn nữa trong cách diễn đạt các tội ác không nằm trên mặt nổi của xã hội, mà trong các mạch ngầm, bóng khuất, xó gian, luồn bẩn…luôn được giấu kín và được bảo kê bởi tà quyền.
- Sử học, ghi nhận sự kiện, mô tả dữ kiện, giãi bày sự cố, rồi xếp vào một trật tự của không gian, một thứ tự của thời gian, trong đó các diễn biến được phân tích và giải thích bằng chứng từ, làm nên luận cứ cho sử học. Nhưng tội phạm học phải đi rộng hơn nữa trong cách phân giải các sử kiện có liên quan tới quá trình thâm, độc, ác, hiểm của tội nhân luôn ép nghẹn, các tội trạng luôn phủ lấp cho tội phạm để thủ tiêu các tội ác của nó.
- Văn học, biết ghi nhận sự kiện để sáng tác ra hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết, biết mô tả dữ kiện để sáng tạo ra các cá thể với hành vi đặc thù để phong phú hóa các diễn biến. Đồng thời, biết giãi bày sự cố qua không gian và thời gian được tổ chức vừa theo thực trạng, vừa theo sức tưởng tượng của tác giả, qua văn xuôi hoặc qua thi ca. Nhưng tội phạm học phải khách quan bằng sự chính xác của tang chứng, qua minh chứng của tang vật. Tại đây tội ác gây ra có tác động dây chuyền không những trên nạn nhân của nó, mà còn lan tỏa ra xã hội, thấm nhập vào giáo dục, làm hư úng đạo lý cộng đồng, luân lý tập thể, đạo đức tổ tiên.
- Triết học, dựng tư tưởng để lý luận trên các khái niệm, xây dựng ra kiến thức lý thuyết để lập luận các vấn đề của nhân sinh bằng diễn luận các quá trình tri thức của nhân trí để tìm tới sự thật. Nhưng tội phạm học phải tỉnh táo để cặn kẽ, tự đó tập hợp đầy đủ tang chứng, tang vật, qua biến cố mà hậu quả được thấy-biết-hiểu không những trong môi trường của nạn nhân qua hành động của tội nhân, mà ngay trên môi sinh của một dân tộc, của một quốc gia, từ đó xét nghiệm các hậu quả này trên toàn nhân loại.
- Xã hội học, nghiên cứu về đời sống xã hội, điều tra về sinh hoạt xã hội, xét nghiệm các quan hệ xã hội, để tìm hiểu các mâu thuẫn, các xung đột, qua phân loại và phân tầng trong xã hội. Xã hội học cùng lúc thấu hiểu hợp tác giữa các cộng đồng qua tính đoàn kết hay qua quá trình bị tha hóa; các sáng kiến của tập thể tự đòi hỏi tới đấu tranh; các sáng tạo của cá nhân luôn củng cố quyền lợi xã hội của mình qua các công trình có lợi ích an sinh xã hội. Nhưng tội phạm học phải đào sâu hơn nữa quá trình liên đới giữa quyền lực -quyền lợi- tư lợi để nhận diện được cái ác có mặt không những qua quá trình bóc lột đồng loại để trục lợi, mà nó còn dựa dẫm lên bạo quyền để trộm, cắp, cướp, giật; Nó còn biết đeo bám vào tà quyền để giết, loại, hủy, bỏ các cái hay, đẹp, tốt, lành của đạo đức xã hội, bằng tội ác để vơ vét, để đục khoét, để bỏ đầy túi tham tư lợi của nó.
- Nhân học, nghiên cứu toàn bộ nhân sinh, khảo sát toàn diện nhân tình, điều tra toàn cõi nhân thế, nhận diện nhân loại bằng chiều sâu để hiểu chiều cao, thấu đáo chiều rộng để biết chiều dài của nhân vị. Nhưng tội phạm học phải mang tính chính xác của phương pháp để có tính chuẩn xác trong phân tích và giải thích các bóng tối của nhân sinh nơi mà tội ác đang ẩn náu; Các góc khuất của nhân thế nơi mà tội phạm đang luồn lách, các mạch ngầm của nhân tình nơi mà tội trạng không được phơi bày, nơi có các luồng vừa bẩn, vừa độc của tà quyền đang bao che cho tội nhân. Chúng đang giết, loại, thiêu, hủy đồng loại, đang bất chấp nhân tính được định vị qua không những qua nhân bản và nhân văn, mà còn qua nhân nghĩa và nhân từ.
- Luật học, lấy công bằng để bảo vệ nhân sinh, dùng công luật để duy trì nhân thế, dụng công pháp để bảo trì nhân tính, đại diện cho công tâm để xử lý các vấn đề của nhân tình, phán quyết bằng hệ công (công bằng, công luật, công pháp, công tâm để lập nên công pháp) làm nên công luận để tuyên án tội phạm. Nhưng tội phạm học phải chuẩn bị sắc sảo nhất ngay trên thượng nguồn để giúp luật học, luật pháp tra, quyết, xét, xử tội ác với sự tỉnh táo của khách quan, với sự sáng suốt của liêm minh, nơi mà sự liêm chính của chứng từ được vạch ra bởi sự liêm khiết của mọi công dân trong một dân tộc có văn hiến, trong một quốc gia có văn minh đang là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tội ác, mà luật phải luận tội tới nơi, tới chốn, một cách nghiêm minh nhất.
Định chất lý thuyết luận của tội phạm học
- Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái thiện, vì nó diệt không những nhân phẩm có trong nhân tính, nhân bản có trong nhân tri, nhân nghĩa, nhân từ có trong nhân văn và nhân vị; mà nó còn giết, diệt, hủy, thiêu các điều kiện làm người bình thường nhất đã có trong nhân loại, nhân tình, nhân thế, nhân sinh.
- Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái lành, vì chính cái lành làm nền cho hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự trọng), có trong quan hệ giữa người, tạo nên sự sống chung trong đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội. Chính từ cái lành này, mọi người có cùng một quá trình tư duy tự làm người biết sống chung qua sự tôn trọng lẫn nhau để tiến tới chuyện làm người biết làm việc chung, biết chia sẻ với nhau trong điều kiện làm người vì cái lành.
- Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái tốt, vì chính cái tốt chế tác ra hệ công (công ích, công lợi, công pháp, công luật để bảo vệ công bằng), trực diện để đối kháng lại với cái ác. Và, chính cái tốt nói rõ bổn phận với cộng động, trách nhiệm với tập thể của mỗi công dân, từ đó biến đoàn kết thành tương thân, tương trợ làm nền cho bản chất của cái tốt: bác ái! Từ định chất này, cái tốt làm được bác ái, vì nó mang nội hàm của vị tha, khoan dung, rộng lượng để tới thẳng từ bi, mà nhân từ là kết quả tích cực của cái tốt biết làm nên nhân phẩm.
- Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái hay, không hề là chuyện của bẩm sinh, mà là chuyện của giáo dục. Nó không trên trời rơi xuống mà là chuyện rèn luyện qua phẩm chất của giáo khoa, làm nên giá trị nhân tính qua giáo trình, chế tác ra chất lượng của nhân bản qua giáo án. Vì cái hay mang cái thiện, cái lành, cái tốt vào cuộc sống xã hội, qua đường đi nẻo về của nhân sinh quan hay của mỗi cá nhân, qua thế giới quan hay của một dân tộc, qua vũ trụ quan hay của một chính quyền. Và, nếu chính quyền này chỉ là bạo quyền, hoặc tà quyền thì không thể cấy, cày, tới, tẩm được cái hay để chống lại cái ác.
- Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái đẹp, tới từ ý muốn của nhân phẩm, ý định của nhân ái, ý lực của nhân lý. Nơi mà con người biết đứng dậy và đi tới để đi xa hơn trách nhiệm cá nhân và bổn phận công dân, để tới phương án mà cũng là phương trình của cái đẹp: tự do luôn song hành cùng nhân phẩm, cả hai không để cái ác lộng hành, rồi biến tự do lẫn nhân phẩm là nạn nhân của nó. Đứng dậy, đi tới để lấy, cầm, giữ, nắm hệ tự (tự do, tự chủ, tự quyết, tự trọng), để bảo vệ tự do lẫn nhân phẩm, phải được xem như ngang hàng, lắm lúc còn cao hơn cả hạnh phúc của một cá thể, cao hơn cả sự bình yên của một tập thể. Cái đẹp vì nó đẹp ở trên cao (cao hơn cả trời), ngay trong tư duy của con người tự do biết yêu người, của con người tự trọng biết yêu cuộc sống.
- Cái ác gây ra tội ác, luôn tìm mọi cách để tiêu diệt chủ thể, chính là cá thể có cá tính luôn biết đòi hỏi công bằng qua công lý, luôn thấu hiểu tự do để có tự chủ. Chủ thể tôn trọng bổn phận và trách nhiệm, nhưng chủ thể muốn làm công dân trong ý nghĩa toàn vẹn nhất, với giá trị phổ quát nhất: chủ thể của tự do hành động vì công lý. Cá tính của chủ thể trong sáng tạo biết song hành, biết chung lưng đấu cật với cái lành, cái tốt, cái hay, cái đẹp để sáng tạo của chủ thể phải là tác phẩm của cái thiện, hoàn toàn mâu thuẩn với cái ác.
- Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái nhân, vì trong cái nhân có sự thương yêu biết hiến dâng lòng bác ái, có thiện chí biết hiến tặng thiện tâm; trong khi đó cái ác không những gây nên nổi khổ, niềm đau cho nạn nhân của nó, mà còn truy, hủy, giết, diệt nhân phẩm của nạn nhân này. Cái ác không phải chỉ là lỗi, mà chính là tội: tội ác đã giết thân xác, diệt cuộc sống, hủy nhân cách của nạn nhân, bằng bạo lực của bạo quyền, bằng bạo hành của tà quyền, nó mang bản chất của bạo động, hoàn toàn ngược lại với phẩm chất bất bạo động của hệ nhân (nhân từ, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn).
- Cái ác gây ra tội ác, ngược lại với cái sinh, chính là sự sống đang bị cái ác gây thương tích, tạo thương tật, gây ra thương xót trong xã hội, quần chúng. Chính cái ác báo hiệu cái chết đang tới, nó báo động cái sinh trong sự sống đang bị đe dọa bởi bạo lực, được bảo kê bởi bạo quyền, được hà hơi tiếp sức bởi tà quyền, bất chấp công tâm và công lý. Muốn chống lại cái ác, thì sự hiểu biết về công bằng và công lý không đủ, sự thấu đáo về tự do, tự chủ không đủ, mà phải vận động tư duy qua hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) trên hệ nhân (nhân phẩm, nhân từ, nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn). Cả hai hệ (luận và nhân) này, phải đủ hùng lực để chế tác ra hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) biết bảo vệ cái sinh trong nhân thế, bảo hành sự sống cho nhân sinh.
TỘI PHẠM HỌC BẠO QUYỀN (Tội ác quyền lực)
Cải cách ruộng đất 1956-1958 : tội phạm cầm dân, tội ác cầm cân
- Tội ác chống đạo lý, chính Cải cách ruộng đất đã gây ra sự rạn nứt trầm trọng trên các tổ chức truyền thống của nông thôn, từ giáo dục tới văn hóa, từ đạo lý tới truyền thống…Diệt tình nghĩa làng xóm để thế vào đó là sự tố cáo lẫn nhau, tạo ra quan hệ từ ngờ vực tới thù hằn, mà nhiều thế hệ mai sau còn phải nhận hậu quả của sự xung đột giữa hai chiến tuyến: một bên là nạn nhân, một bên là tòng phạm với tội ác.
- Tội ác chống luân lý, qua tổ chức các tòa án nhân dân, trong đó nhân dân chỉ là con cờ bị thao túng rồi giật dây, bị đưa đẩy trong nhào nặn để tham dự vào một tội ác mà họ là nạn nhân-đồng loã. Từ đây, họ biến thành tác nhân-đồng phạm để ý đồ của ĐCSVN được thực hiện trước thành thiên bạch nhật.
- Tội ác liên thế hệ, mà Cải cách ruộng đất tạo dựng nên trong một thời gian dài trên một không gian rộng của miền Bắc, đó là tội ác thuộc hành chính và cơ chế. Từ đây tạo phân biệt đối xử để truy đuổi các thế hệ sau của các nạn nhân đã bị giết: con cái, cháu chắt vẫn bị loại bỏ khỏi trong nhiều sinh hoạt xã hội, bị trừ khử trong nhiều nghành nghề, bị tiếp tục truy lùng qua các lần thi cử, tuyển sinh.
- Định lượng hóa qua thống kê, từ cấp làng lên cấp huyện, tự cấp vùng lên cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia về con số chính xác các nạn nhận trong tội ác này
- Hồi ký hóa qua nghiên cứu vừa định chất, vừa định lượng các con cháu của các nạn nhân đang còn sống mà không quên nhật ký, chứng từ, dữ kiện do các nạn nhân đã thuật lại, đã được ghi nhận bằng hình ảnh.
- Phỏng vấn xã hội học phối hợp, theo ba định hướng mà xã hội học đã ứng dụng và đề nghị cho tất cả các nghành KHXHNV khi đi vào điều tra thực địa: phỏng vấn có chủ đề (chủ đề về tội ác trong Cải cách ruộng đất); phỏng vấn không định hướng (không chỉ có định hướng chính mà có luôn cả bối cảnh gia đình, văn hóa, chính trị, xã hội của giai đoạn sau 1954); phỏng vấn phối hợp vừa có chủ đề, vừa không có định hướng (để thấu hiểu thực cảnh lịch sử, thực trạng ý thức hệ, thực tế xã hội của giai đoạn Cải cách ruộng đất.
- Bản câu hỏi có chủ đề về Cải cách ruộng đất, phối hợp thuần thục câu hỏi đóng với các hậu quả trực tiếp, câu hỏi mở giúp các nạn nhân, các tác nhân có tự do vừa trả lời, vừa có các lý lẽ cùng chứng từ về hành vi, hành động của họ trong gia đoạn này. Không quên các câu hỏi vừa đóng vừa mở để khung lại các chủ đề chính còn tồn tại trong tư duy, trong lý lẽ, trong cảm nhận, trong quyết đoán của các nạn nhân, cũng như của các tác nhân trong giai đoạn này.
- Bàn tròn sự thật địa phương về Cải cách ruộng đất ngay trong địa phương: xóm, xã, làng, huyện, tỉnh, vùng… của các nạn nhân, cũng như của các tác nhân trong gia đoạn này. Từ đó kiểm tra các sự kiện như các sự cố mà khi đã được các nhân chứng xác minh thì sự kiện sẽ thành chứng từ để công lý chống tội ác xác chứng như một dữ kiện khách quan không chối cãi được.
- Hội luận liên vùng về Cải cách ruộng đất để đưa vào phân tích chiều rộng bằng phương pháp so sánh tác hại và hậu nạn giữa các vùng với nhau. Từ đó nhận diện ra chiều sâu của tội ác, và chiều cao của tội nhân chính là các lãnh đạo chính trị độc đảng, nơi mà không phải chỉ một cá nhân lãnh đạo chịu trách nhiệm mà phân tích tội ác tới từ các quyết sách đã thành chính sách trong xã hội, mà tất cả tới từ Bộ chính trị của ĐCSVN.
- Hội thảo quốc gia về Cải cách ruộng đất, với các thước đo định lượng cũng như định chất của tất cả các ngành KHXHNV với dữ kiện khách quan từ chứng từ tới chứng nhân để tới được một hệ thống giải thích tổng quan. Có tầm vóc của tổng luận bằng lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận, đủ nội công và nội lực để làm nên sung lực cho công lý, hùng lực cho công pháp, cùng lúc đóng góp cho nhân loại một kinh nghiệm vô cùng thảm khốc chống nhân tính, vùi dập nhân phẩm, vì nó bóp ngộp nhân vị ngay trong nhân sinh.
- Hội nghị quốc tế về các tội ác chống nhân loại (crime contre l’humanité) cần kinh nghiệm của Việt Nam trong giai đoạn sắt máu này để các thế hệ sau, không rơi vào loại thảm sát. Nơi mà tội ác được tổ chức có hệ thống để truy diệt một số lượng lớn nạn nhân vô tội, với ý đồ dùng ý thức hệ độc tài-toàn trị để truy diệt nhân phẩm lẫn nhân tri.
- Tìm hiểu sự thật, cùng lúc thấu hiểu cường độ của tội ác.
- Tìm hiểu chân lý, cùng lúc thấu hiểu mật độ hành sát của tội phạm.
- Các chế độ của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) mang bản chất toàn trị từ hành vi tới hành động, có phản xạ gây tội ác để thuần hóa dân chúng.
- Các chế độ độc đảng-toàn trị mang phản ứng dễ dàng gây tội ác vì không có công lý nghiêm minh của tam quyền phân lập như các chế độ dân chủ.
- Các chế độ độc đảng – toàn trị không có tam quyền phân lập, không có dân chủ, nên có phản xạ và phản ứng truy hiếp nhân dân, vì không có lý trí, không có trí tuệ, không có tuệ giác về nhân quyền.
- Các chế độ độc đảng-toàn trị gây tội ác nhiều hơn các chế độ dân chủ.
- Các chế độ độc đảng-toàn trị giết người nhiều hơn các chế độ tôn trọng nhân quyền.
- Các chế độ độc đảng-toàn trị gây tội phạm qua nhiều thế hệ đậm hơn, sâu hơn, rộng hơn các chế độ dân chủ, biết tôn trọng nhân quyền.
Nhân Văn giai phẩm: Tội phạm diệt nhân tri, tội ác hủy nhân tính
Nhóm xét lại : diệt đối trọng để hủy đối luận
- Cái ác xuất hiện tức khắc trong đấu tranh nội bộ vì quyền lực, mà bạo động của tội ác thanh trừng nhau giữa các đồng chí là phản xạ thay cho đối thoại. Một loại tội ác mà công chúng và xã hội không được thông tin và tuyệt đối cấm có ý kiến, mọi đối thoại để đối luận bị bóp chết ngay trong trứng nước.
- Cái ác hành xử với mật độ trừng phạt và hãm hại khốc liệt cả một kiếp người, nạn nhân tiêu biểu được nhắc tới như: Hoàng Minh Chính. Tại đây, tội phạm gây ra tội ác không cần chứng từ, chứng nhân để buộc tội nạn nhân, mà hoàn toàn có tự do sinh sát trên mạng sống và cuộc đời của nạn nhân.
- Cái ác trấn áp tràn lan, một cách vô tội vạ, bất chấp công lý, bất cần xã hội, bất tuân công pháp, nó hoành hành ngay cả trên hàng trăm nạn nhân vô tội bị vu oan, vu khống, vu cáo, như trường hợp của Vũ Thư Hiên.
Vài nét về tác giả Lê Hữu Khóa : Giáo sư Đại họcLille *Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á*Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN – trang thầy Khóa.
Xem tiếp: Tội Phạm Học Luận Chứng (phần 2)