Seite auswählen

Viet Thanh Nguyen là nhà văn người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, The Sympathizer, năm nay. Thành tựu của anh là một niềm hân hoan và nỗi xúc động cho cộng đồng văn chương người Mỹ gốc Việt vì từ hơn hai mươi năm nay anh đã làm việc hăng hái và tích cực với các nhà văn và nghệ sĩ khác để thúc đẩy văn học, nghệ thuật tạo hình và văn hóa Việt Nam. 

Ở đây, Nguyen tham gia cùng Andrew Lam (tác giả cuốn East Eats West: Writing in Two Hemispheres and Birds of Paradise Lost) và Aimee Phan (tác giả cuốn We Should Never Meet và The Reeducation of Cherry Truong) để thảo luận về việc viết văn, cảm hứng của họ, về cộng đồng văn chương Việt Nam hải ngoại, và về tương lai của văn chương người Mỹ gốc Việt. Cuộc phỏng vấn này được xuất bản lần đầu tại trang World Literature Today.

For the original article in English, click here.

viet-andrew-aimee
Viet Thanh Nguyen (photo by Bebe Jacobs), Andrew Lam, and Aimee Phan (photo by Julie Thi Underhill), respectively.

Aimee Phan: Mặc dù cuốn sách đầu tiên của Viet với tư cách là người viết tiểu thuyết xuất bản năm ngoái, cả ba chúng ta đều đã viết và tham gia hoạt động trong cộng đồng văn chương Việt Nam hải ngoại từ nhiều năm nay. Các anh có thể chia sẻ về lần đầu tiên các anh nhận ra rằng mình muốn sáng tác? Nỗ lực viết truyện đầu tiên của các anh là về chủ đề gì? Các anh có cuốn tiểu thuyết đầu tay nào thất bại không? Việc viết văn của các anh đã phát triển như thế nào?

Andrew Lam: Tôi bắt đầu viết sau đại học, vào cùng khoảng thời gian máy tính Apple Mac được chế tạo. Tôi mua máy tính đầu tiên của mình vào năm cuối ở đại học California. Đó là thời điểm mà tôi, mặc dù đang học khoa dự bị y khoa và hóa sinh, mơ mộng trở thành nhà văn. Nỗ lực viết văn đầu tiên của tôi là về một chuyện tình không thành, dựa trên cuộc tình của chính tôi. Khi đang làm việc ở phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư, tôi bắt đầu viết—Tôi cần hiểu được ý nghĩa của những điều đã xảy ra. Ban ngày tôi dồn dập tấn công chuột thí nghiệm với chất gây ung thư và theo dõi sự phát triển của ung thư, và ban đêm tôi thả mình vào nỗi buồn. Tôi viết. Nhưng rồi tôi sớm nhận ra rằng nếu trái tim một người vẫn đang đau khổ, anh ta không thể tạo dựng một cốt truyện trọn vẹn cho câu chuyện về một cuộc tình tan vỡ. Nên tôi dừng truyện đó và viết về tuổi thơ của tôi ở Việt Nam và về cuộc chiến tranh, và về ký ức làm một người tị nạn của tôi. Về sau tôi viết khá hơn và chán khoa học, nên tôi quyết định theo học một chương trình thạc sĩ mỹ thuật MFA. Tôi viết truyện ngắn, chủ yếu là bởi vì chúng phù hợp với tính khí của tôi. Và, vâng, tôi có một cuốn tiểu thuyết thất bại đang nằm đâu đó trong một đĩa mềm mà đã hơn hai thập kỷ rồi tôi không ngó ngàng tới (tôi cũng không biết giờ cái đĩa mềm đời cổ đó còn đọc được không?), nhưng tôi hiện đang viết một cuốn tiểu thuyết mới.

Là một nhà báo, chủ đề của tôi dao động từ các mối quan tâm về môi trường đến quyền của người di cư, từ các khám phá khoa học đến những thay đổi trong hành vi con người với sự ra đời của công nghệ thông tin liên lạc, từ cuộc khủng hoảng tị nạn đang diễn ra đến không khí chính trị hiện tại ở Hoa Kỳ—tức là tôi viết về mọi thứ. Tuy vậy, việc viết văn của tôi, như là trong cuốn Birds of Paradise Lost, tập trung chủ yếu vào câu chuyện của người di cư, người tị nạn đã vượt qua mọi thể loại biên giới—cả biên giới trên đất, cát hay biên giới trong tâm trí họ—và nỗ lực của anh hay chị ta trong việc làm mới bản thân. Điều này từ trước đến giờ vẫn không thay đổi, nhưng thời gian đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về bản thân, về bản sắc của tôi trong mối quan hệ với người khác, và có thể cả về bản chất của những nỗi đau khổ của tôi và việc điều này tiếp tục tác động đến tôi thế nào khi tôi viết.

Viet Thanh Nguyen: Tôi thì lúc viết lúc không, phần nhiều là không, từ khi tôi học lớp hai. Tôi viết truyện ngắn đầu tiên khi đang học trung học, và tất cả những gì tôi nhớ về truyện này là lời bình luận của giáo viên về “lời văn màu tím” của tôi. Tôi trở nên nghiêm túc hơn ở bậc đại học khi tôi theo học sêmina về phi hư cấu sáng tạo của Maxine Hong Kingston ở đại học Berkeley. Nhưng ở thời điểm tôi tốt nghiệp, tôi biết rằng tôi làm nghiên cứu khá hơn là viết văn sáng tạo, do đó tôi tiếp tục làm tiến sĩ và viết truyện hư cấu trong thời gian rảnh. Tôi viết truyện ngắn vì tôi nghĩ chúng dễ viết hơn và tôi có thể hoàn thành chúng trong những khoảng thời gian tôi có. Nhưng hóa ra truyện ngắn khá khó viết, và tôi dành một hai thập kỷ để viết chúng, với sự chú tâm thực sự sau khi tôi được bổ nhiệm làm giáo sư. Thời gian sau khi được bổ nhiệm đó, khi tôi tập trung viết truyện ngắn (trong khi vẫn làm nghiên cứu khoa học), rất là khó khăn và đã rèn luyện cách viết, tính kiên trì và chịu đựng của tôi. Đó là một sự chuẩn bị tuyệt vời cho việc viết tiểu thuyết.

Các truyện ngắn đó có nội dung về người tị nạn Việt Nam, những người họ bỏ lại phía sau hay từng gặp gỡ. Khi viết tiểu thuyết, tôi cảm thấy tôi không cần phải tiếp tục chủ đề đó. Hơn nữa, nhiều nhà văn đã xuất bản sách về họ, như Andrew và Aimee. Nên trong cuốn tiểu thuyết tôi tập trung vào chính cuộc chiến và hậu quả của nó. Lối viết cuốn tiểu thuyết hoàn toàn khác với các truyện ngắn, vốn chủ yếu theo mạch chủ nghĩa hiện thực chuẩn mực. Tôi nghĩ tôi có thể làm điều gì đó hoàn toàn khác biệt vì thể loại này bao quát hơn và tự nhiên hơn, và vì tôi đã viết theo kiểu hiện thực và không thực sự hài lòng với nó.

Aimee Phan: Cách suy nghĩ và mối quan hệ của các anh với văn chương và sáng tác đã thay đổi như thế nào? Các anh nhìn nhận ra sao về văn chương Việt Nam ngày nay so với hai mươi năm về trước khi chúng ta chỉ có vài nhà văn có tác phẩm xuất bản? Và các anh thấy vị trí của văn chương Việt Nam hải ngoại như thế nào trong nền văn học thế giới đương đại?

Andrew Lam: Khi tôi mới bắt đầu viết, chỉ có vài người có vẻ ngoài giống tôi và có xuất xứ tương tự như tôi trong ngành. Thật sự, chỉ có một hay hai nhà báo người Mỹ gốc Việt—chỉ vậy thôi.  Khi tôi bắt đầu xuất bản, tôi nhớ rằng tôi đã cảm nhận cả nỗi vui mừng lẫn sự sợ hãi: tất cả những người trong cộng đồng đều muốn tôi kể câu chuyện của họ, nỗi buồn và nỗi thống khổ của họ, trong đó có cả các thành viên trong gia đình tôi nữa. Điều này đôi khi khó mà cưỡng lại được: “Sao con không viết điều này . . .” mẹ tôi vận động tôi. “Sao con lại nói thế; điều đó không đúng,” bác tôi sẽ nhận xét thế. Khi đó tiếng nói của tôi khá là đơn độc, và cộng đồng, vốn từ rất lâu vô hình và bị gạt bên lề, đã muốn tôi trở thành người phát ngôn cho họ, và điều này khiến tôi không thoải mái lắm. Bây giờ, tất nhiên, đã có cả một dàn đồng ca của nhiều tiếng nói, và rất rất nhiều những góc nhìn và ý kiến tuyệt diệu về cùng một câu chuyện, và điều này mang lại một công trình tập thể phong phú và mạnh mẽ.

Tôi nghĩ việc viết văn của mình đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm khi tôi bắt đầu một phần tư thế kỷ về trước. Khi tôi mới bắt đầu viết, tôi viết với một gánh nặng của ký ức, với lòng mong mỏi sâu sắc về việc chia sẻ sự khó nhọc và nỗ lực của người Việt Nam sau cuộc chiến, cả ở Việt Nam và hải ngoại. Theo một nghĩa nào đó tôi vừa đóng vai một người cổ vũ vừa đóng vai một nhà văn. Tôi nghĩ một số yếu tố của điều này có thể được thấy trong cuốn Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora. Nhưng rồi trên chặng đường, tôi phải lòng với chính bản thân việc sáng tác, với văn chương và sức mạnh của Anh ngữ. Theo một nghĩa nào đó, nhà hoạt động trong tôi đã nhường chỗ cho một tiếng nói mang tính văn chương nhiều hơn, bình thản hơn, sáng suốt hơn. Đặc biệt, trong sáng tác hư cấu, tôi thích sáng tạo các nhân vật với ý chí tự do—có nghĩa là, tự định hướng, và làm những điều có thể khiến tôi kinh hoàng hay vui mừng, nhưng chủ yếu là họ sống thực với bản thân họ chứ không phải theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của tôi. Đó là điều tôi đã không làm được khi mới bắt đầu cuộc đời viết văn. Việt Nam, cộng đồng hải ngoại, kinh nghiệm là một người tị nạn có thể vẫn ảnh hưởng nhiều lên chủ đề, nhưng lối viết của tôi rõ ràng đã thay đổi từ năm 1990.

Viet Thanh Nguyen: Trước khi viết cuốn  The Sympathizer, tôi chủ yếu tập trung vào việc cố gắng tìm hiểu cách viết truyện ngắn. Dĩ nhiên là tôi quan tâm đến các câu hỏi về lịch sử, chính trị, và học thuyết, và tôi không hài lòng với chính hình thức truyện ngắn. Nhưng tôi đã bắt đầu một dự án viết các truyện ngắn và tôi muốn hoàn thành nó, có nghĩa là hoàn thành và xuất bản một tập truyện ngắn. Vì vậy lịch sử, chính trị và học thuyết trở thành thứ yếu cho đến khi tôi hiểu được cách viết thứ truyện ngắn chết tiệt ấy. Khi viết tiểu thuyết, bỗng dưng sự vật lộn vất vả với hình thức được khắc phục. Viết tiểu thuyết vẫn là một sự thử thách, nhưng không bất mãn sâu sắc như là truyện ngắn, và bởi vì tôi không phải lo về hình thức, tự nhiên tôi đã có thể thấy phải viết như thế nào về lịch sử, chính trị, và học thuyết.

Văn học Việt Nam hải ngoại đã phát triển trong cùng giai đoạn phát triển của tôi, và hiện nay chúng ta thấy nhiều nhà văn trẻ hơn, cũng như những nhà văn thuộc độ tuổi của chúng ta hoặc xấp xỉ, những người không viết về chiến tranh. Bich Minh Nguyen, Vi Khi Nao, Phong Nguyen, Dao Strom. Tất nhiên, một số người vẫn viết về chiến tranh và di sản của nó, nhưng với những hình thức mới như tiểu thuyết đồ họa—GB Tran, Thi Bui—hoặc thể loại mới, như Vu Tran và tiểu thuyết trinh thám, hoặc Dao và các thể loại hỗn hợp thử nghiệm. Hoặc có những tác giả đang rất được ca ngợi, như Ocean Vuong trong thi ca. Đây thực sự là một lĩnh vực đang phát triển, vừa gắn liền cũng như không gắn liền với lịch sử của cuộc chiến. Nó không dự đoán trước được, và đó là một điều tốt. Còn về vị trí của văn chương Việt Nam hải ngoại trên phạm vi toàn cầu, điều này đã bắt đầu diễn ra với những nhà văn đã đạt một mức độ nào đó về danh tiếng quốc tế, như Monique Truong. Tôi không chắc liệu chúng ta đã có một nhà văn Việt Nam với tầm vóc quốc tế hay chưa, trong khi đó chúng ta đã có những nhà văn Ấn độ hải ngoại nổi danh toàn cầu, chẳng hạn thế.

Aimee Phan: Tôi đang suy nghĩ về chuyến thăm Việt Nam của Barack Obama gần đây. Trong khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang được nhắc đến nhiều trên báo chí quốc tế, các nhà văn người Mỹ gốc Việt được yêu cầu chia sẻ suy nghĩ của họ về các vấn đề mang tính lịch sử và chính trị. Đây là một trách nhiệm mà cả hai anh đều đã không né tránh. Hai anh nghĩ sao về những gì những nhà văn người Mỹ gốc Việt đương đại có thể giúp ảnh hưởng những câu chuyện về mối quan hệ giữa hai nước.

Viet Thanh Nguyen: Tôi mang chuyện này ra thảo luận trên trang tác giả của tôi trên Facebook, nơi đa số những người theo dõi là người Việt Nam sống tại Việt Nam. Tôi viết bằng tiếng Anh; các thảo luận/tranh luận diễn ra bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Những người này theo dõi trang của tôi vì tin tức về giải thưởng Pulitzer, và đa số họ đều chưa có cơ hội đọc cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi không biết họ trông đợi điều gì ở tôi, nhưng tôi sử dụng các bài viết của tôi về các đề tài như 30 tháng Tư, hòa giải, chuyến thăm của Obama, và cuộc tranh cãi quanh việc bổ nhiệm Bob Kerrey vào vị trí chủ tịch ban quản trị Đại học Fullbright Việt Nam để phát biểu rõ ràng và gãy gọn về những gì tôi hi vọng là những quan điểm phê phán chống lại mọi hình thức quyền lực. Còn về chuyến thăm của Obama, tôi đã chỉ ra tính chất sân khấu của nó, bản chất tìm kiếm sự hài lòng của nó, đối lập lại với các vấn đề hóc búa về bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí và vận động tiến đến một liên minh với Việt Nam để giới hạn và kiềm chế Trung Quốc. Một số người Việt Nam đồng ý; một số người khác tỏ ra sẵn sàng theo đuổi mô hình tư bản và quyền lực của Mỹ.

Nhưng như Andrew đã chỉ ra, các nỗ lực trên mạng xã hội hoặc trong các bài viết thỉnh thoảng được dịch ra tiếng Việt chỉ có thể ảnh hưởng một lượng độc giả nhỏ. Chúng ta cần dịch toàn bộ các cuốn sách của chúng ta để mang chúng tới các độc giả nói tiếng Việt ở Việt Nam. Cuốn The Sympathizer hiện đang trong quá trình dịch, nhưng tôi chưa biết chất lượng bản dịch sẽ như thế nào, hoặc liệu bản dịch có vượt qua được vòng kiểm duyệt một cách bình an vô sự hay không. Tôi sẽ không cho phép cuốn tiểu thuyết này xuất bản với nội dung bị cắt xén ở Việt Nam, nên nếu nó bị kiểm duyệt, tôi sẽ phải xuất bản nó trên mạng. Có thể là với thông tin trên báo chí về giải Pulitzer, độc giả sẽ thực sự muốn đọc nó ngay kể cả khi nó không được bán ở các hiệu sách. Cuốn sách phi hư cấu của tôi, Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War, cũng sẽ được dịch ra tiếng Việt, và cũng sẽ gặp phải các vấn đề tương tự. Nhưng trong trường hợp này, nhà xuất bản đang đề cập đến việc mời tôi đến Việt Nam. Có lẽ nếu điều đó xảy ra, nó có thể là một phần của tình trạng lắng dịu mà Andrew nói tới về việc trao đổi văn chương với Việt Nam.

Andrew Lam: Tôi đã bỏ phiếu cho Obama, đã viết về ông ta một cách trìu mến, nhưng thẳng thắn mà nói tôi đã khá thất vọng về chuyến thăm của ông tới Việt Nam. Tôi rất có ý thức về quyền lực mềm phi thường toát ra từ ông khi ông ở Việt Nam—ông đã gặp và thu hút được cảm tình của hàng chục ngàn người xếp hàng đợi ông trên phố và vẫy cờ Mỹ. Đây quả là một điều đáng ghi nhận. Nhưng đối với tôi việc ông dường như thờ ơ với cuộc tranh đấu cho cải cách chính trị thực sự ở Việt Nam, trong khi chỉ nói lấy được với công chúng về nhân quyền, là một tổn thất. Bán vũ khí sát thương mà không đặt điều kiện cải cách về nhân quyền chỉ khích lệ Hà Nội tiếp tục đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và những nhà hoạt động về nhân quyền mà không sợ quốc tế chỉ trích hoặc Mỹ quở trách. Điều này cũng gửi một thông điệp đến các nhà vận động cải cách chính trị rằng họ không thể hi vọng vào hỗ trợ từ Washington. Một xã hội dân sự đang phát triển mà không có sự hỗ trợ của quốc tế và không được chú ý đến sẽ gặp nhiều gian nan trong một nhà nước công an trị.

Các bài viết của tôi đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở báo chí Việt Nam khi chính quyền xem chúng là những bài viết tích cực về đất nước, nhưng hầu hết các chỉ trích của tôi vẫn nằm trong các bài viết bằng tiếng Anh, với một số bài thỉnh thoảng được báo chí của người Việt ở Mỹ dịch ra tiếng Việt. Nhiều người ở Việt Nam bây giờ có thể đọc được tiếng Anh và sử dụng Facebook—những người kết bạn với tôi hiện nay thường là những người Việt trẻ, có giáo dục ở Việt Nam, những người muốn đọc các bài viết quốc tế—và qua họ tôi thấy các bài viết của tôi đang đóng một vai trò nhỏ trong các thảo luận và trao đổi tư tưởng. Nhưng trừ phi các bài viết của chúng ta được dịch và được phép xuất bản ở Việt Nam, thật khó mà hình dung làm cách nào chúng ta thực sự có thể trò chuyện trực tiếp với những người ở Việt Nam.

Một mặt, tôi làm việc với một vài thành viên Quốc hội Hoa Kỳ về các vấn đề nhân quyền và, ở phía sau hậu trường, với các tổ chức tranh đấu chống lại nạn buôn người ở Việt Nam. Tôi sẽ rất muốn thấy một xã hội dân sự phát triển đến mức một hội thảo với các nhà văn người Mỹ gốc Việt được phép diễn ra tại một hội chợ sách ở Hà Nội. Nhưng ngày này dường như còn rất xa.

Aimee Phan: Những nhà văn người Mỹ gốc Việt nào chúng ta nên đọc ngày nay?

Andrew Lam: Tất cả. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần mở rộng câu hỏi thành “ai là những nhà văn và nghệ sĩ và nhà làm phim người Việt chúng ta cần theo dõi trên toàn thế giới?” Có nghĩa rằng, có điều gì mới và lý thú về cộng đồng ở hải ngoại và biểu hiện nghệ thuật của họ? Có những người làm việc một mình nhưng thành công tuyệt vời, họ không nằm trong tầm ngắm ra-đa của tập thể nhưng đang tiến những bước dài. Có một nghệ sĩ tên là An-My Lê, các bức hình chụp phong cảnh bị chiến tranh và các hình thức hoạt động quân sự khác biến đổi của cô chất chứa đủ loại tầng lớp ý nghĩa. Cô đã từng đoạt học bổng MacArthur. Binh Danh là một nghệ sĩ khác, các tác phẩm của anh được trưng bày tại de Young và Corcoran và nhiều bảo tàng khác ở Mỹ. Các bản in những tấm hình chiến tranh trên lá của anh thật là ngoạn mục. Có các nghệ sĩ vẽ tranh biếm họa và nhà làm phim tài liệu như Dustin Nguyen, người làm việc cho DC Comics, và Marcelino Truong ở Paris, tập tranh biếm họa Such a Lovely Little War, của anh mới được dịch gần đây. Duc Nguyen là một nhà làm phim đã từng đoạt một số giải Emmy California cho bộ phim Bolinao 52 về những thuyền nhân đã phải ăn thịt đồng loại để sống sót. Và nhà làm phim người Việt gốc Hoa James Chan mới làm một bộ phim tài liệu về phố Trung Hoa, tức là không phải chủ đề nào cũng phải là về chiến tranh hoặc ký ức chiến tranh. Và rồi có những người trở về Việt Nam để gây dựng nên một cộng đồng sôi nổi của tập thể các nghệ sĩ ở đó, với sự hỗ trợ của nghệ sĩ nổi danh toàn cầu Dinh Q. Lê, người có các tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng MoMA ở thành phố New York và có triển lãm solo đầu tiên tại chính bảo tàng Mori Art Museum ở Tokyo.

Cũng có các nghệ sĩ nhạc rap và nhà làm phim và các nghệ sĩ tiên phong ở Việt Nam nữa. Chị có thấy rapper Suboi, người mới hai mươi sáu tuổi, tại buổi họp mặt cộng đồng với Obama? Tôi mới xem các video trên YouTube của cô. Cô thật xuất chúng. Theo một nghĩa nào đó, tôi ghen tị với các nước như Đài Loan, Singapore và Nhật Bản, nơi các nghệ sĩ hải ngoại được rộng tay chào đón tại quê nhà để trao đổi tư tưởng với các nghệ sĩ địa phương, và ngược lại. Nhưng trường hợp chúng ta là một cộng đồng còn non trẻ. Một nhà nước cộng sản như Việt Nam vẫn còn đề phòng “thế lực nước ngoài.” Các bạn tôi nói với tôi rằng họ đọc Perfume Dreams qua bản in lậu bán trên hè phố. Nhưng khi trời mưa, mực bị nhòe đi. Nghe vừa buồn, vừa nên thơ.

Mà chị biết điều mà tôi thực sự muốn thấy là gì không? Một loại tập san văn chương/nghệ thuật đăng tải lại các sáng tác nghệ thuật của cộng đồng hải ngoại, kiểu như 100 Flowers Blooming (Trăm Hoa Đua Nở) cùng với các bài phê bình văn học, điểm sách và phỏng vấn tinh tế được đăng kèm. Và hãy thêm cả vào đó một số bản dịch xuất sắc nữa.  Điều này là tương tự như những gì trang diacritics.org đang làm nhưng ở phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Nếu tôi là một nhà triệu phú, đó sẽ là một trong những dự án tôi sẽ tài trợ.

Viet Thanh Nguyen: Tôi đã nhắc đến họ ở phía trên. Tôi sẽ nhấn mạnh thêm về một số người mà hiện nay chưa được biết đến nhiều, bởi vì họ đang làm những điều rất sáng tạo hoặc khác lạ, hoặc bởi vì các tác phẩm của họ mới ra đời hoặc đang trong quá trình xuất bản. Cuốn The Best We Could Do của Thi Bui là một cuốn hồi ký đồ họa về việc nghệ sĩ này làm mẹ và suy ngẫm về cha mẹ của cô, những người đã sống qua hàng thập kỷ chiến tranh và xáo trộn ở Việt Nam và rồi trở thành “thuyền nhân.” Tôi thấy cuốn sách này dễ đọc (toàn là hình ảnh!) nhưng đồng thời cũng thực sự khiến tôi đau khổ khi đọc nó. Bất kỳ ai có cha mẹ bị tổn thương vì chiến tranh hoặc là một người tị nạn và không thể nói chuyện được với họ và băn khoăn về câu chuyện của họ—hoặc thật ra bất kỳ ai quan tâm đến những câu chuyện rất người—sẽ xúc động khi đọc cuốn này. Fish in Exile của Vi Khi Nao là một cuốn tiểu thuyết rất lạ về hai người vĩnh viễn mất những đứa con của họ trong một tai nạn thảm thương. Cuốn này chẳng liên quan gì đến Việt Nam hoặc người Mỹ gốc Việt, và đa phần là về thần thoại Hy Lạp, thảm kịch, và thử nghiệm văn chương. Thật khó quên và có lẽ cũng khó hiểu nữa. Nói tóm lại, đó không phải là “văn chương sắc tộc.” The Adventures of Joe Harper của Phong Nguyen cũng làm lung lay những khái niệm về văn chương người Mỹ gốc Việt, nếu chúng ta định nghĩa nó như là những gì được viết bởi người Mỹ gốc Việt. Cuốn này là câu chuyện về Joe Harper, một nhân vật phụ trong tiểu thuyết The Adventures of Tom Sawyer (Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer), và tưởng tượng một thế giới nơi Tom Sawyer bỏ chạy để trở thành một hải tặc và một kẻ giết người máu lạnh. Như Bich Minh Nguyen trong Pioneer Girl, Phong khẳng định sự kế thừa từ văn chương Mỹ chứ không phải văn chương Việt Nam.

Aimee Phan: Tôi quan tâm đến ý tưởng mà Viet đưa ra về nhà văn người Việt mang tầm vóc quốc tế—điều chưa xảy ra nhưng có vẻ như sẽ không thể tránh khỏi. Tôi cũng chú tâm đến việc những nhà văn người Việt bắt đầu tham gia hợp tác trong công việc sáng tác, như các nghệ sĩ tạo hình người Việt đã và đang làm. Viêt Lê, một nghệ sĩ tạo hình và thành viên của DVAN (The Diasporic Vietnamese Artists Network – Mạng lưới các Nghệ sĩ Việt Nam Hải ngoại), đã tổ chức các cuộc trưng bày và phòng triển lãm đặc biệt dành cho những nghệ sĩ Đông Nam Á, mang lại những cơ hội hợp tác tuyệt vời cho một tập thể đa dạng của các nghệ sĩ tạo hình. Gần đây, một nhóm các nhà văn nữ người Mỹ gốc Việt, dưới cảm hứng và sự lãnh đạo của nhà văn Dao Strom, đã bắt đầu hợp tác trong các dự án có tên gọi She Who Has No Master(s) (Người Đàn bà Không có Chủ), với sứ mệnh kết nối các nhà văn và nghệ sĩ nữ trên khắp thế giới. Tôi thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến bản thân mình đã được truyền cảm hứng như thế nào khi làm việc cùng với những người phụ nữ mà tôi hằng ngưỡng mộ và dõi đọc trong nhiều năm qua—và sự hợp tác này đã ảnh hưởng đến việc sáng tác của tôi theo nhiều hướng bất ngờ và mang lại sức sống mới. Tôi biết nhiều nhà văn coi việc sáng tác là một việc làm đơn độc, nên chắc không phải người nào cũng muốn hợp tác sáng tác. Cả hai anh đều rất năng động trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt và trong các cộng đồng văn chương và nghệ sĩ khác. Các anh có tìm thấy cảm hứng từ các sáng tác của đồng nghiệp và bạn bè? Các anh có bao giờ hợp tác sáng tác nghệ thuật với các nghệ sĩ hoặc nhà văn Đông Nam Á khác chưa? Các anh có ý định hợp tác cùng các nhà văn và nghệ sĩ Việt Nam khác trong các công việc sáng tác không? Các dự án trong tương lai của các anh là gì?

Andrew Lam: Tôi theo học viết văn sáng tạo tại San Francisco State University năm 1989, và tôi đã học hỏi được rất nhiều. Nhưng tôi là người Mỹ gốc Á duy nhất trong cả trường, ngoài một nghệ sĩ biếm họa người Mỹ gốc Hoa. Ba mẹ tôi đã sốc khi tôi không theo ngành y. “Hãy nêu cho ba tên một người Việt Nam có thể kiếm sống được bằng nghề viết văn,” ba tôi, người có bằng MBA, đã nói thế. Tôi đã không nêu được một cái tên nào. Bây giờ điều này đã khác. Tôi có thể nêu tên vài người. Nhưng về việc tham gia một tập thể sáng tác, tôi không thuộc về một tập thể nào như vậy ở thời điểm này. Tuy vậy, khi viết các đề tài phi hư cấu, tôi thường sáng tác theo yêu cầu hoặc viết tự do, và thường thường tôi làm việc cùng với một nhà biên tập. Tại New America Media, nơi tôi làm biên tập, tôi làm việc cùng các đồng nghiệp cho nhiều bài viết báo chí khác nhau. Nhưng khi viết văn hư cấu, hỡi ôi, tôi chủ yếu sáng tác một mình. Còn về các sáng tác sắp tới? Một tập truyện ngắn khác và một cuốn tiểu thuyết tôi đang vật lộn để viết, về một người đàn ông trẻ tuổi trong nỗ lực kiếm tìm một nơi để gọi là nhà trong một thế giới đầy biến động, chỉ riêng chủ đề này đã đáng công sức bỏ ra để hoàn thành cuốn sách.

Viet Thanh Nguyen: Tôi đã hoạt động tích cực trong các tổ chức chính trị, nghệ thuật và văn chương từ khi tôi còn học đại học, và tôi luôn tin rằng bản thân văn chương không tự nó có tác động lên các thay đổi xã hội. Văn chương chỉ làm được điều này khi kết hợp cùng với các phong trào chính trị và văn hóa. Đó là một lý do quan trọng thúc đẩy các hoạt động cổ vũ của tôi và các nỗ lực đầu tư không ngừng nghỉ cho DVAN và trang blog của chúng tôi, diacritics.org, một nguồn bài trực truyến hàng đầu cho các sáng tác nghệ thuật, văn hóa và chính trị của Việt Nam và hải ngoại. Đồng thời, tôi cũng thấy rất khó để cân bằng công việc này với việc viết văn của tôi, đó là chưa kể các đòi hỏi của cuộc sống cá nhân và các nghĩa vụ khác (như là công việc chuyên môn). Ở thời điểm này, tôi nghĩ có lẽ The Sympathizer có vẻ như đã tác động đến thế giới nhiều hơn là tất cả các hoạt động cổ vũ tôi đã từng làm. Nhưng, cũng cần phải nhớ rằng một phần của tác động đó bắt nguồn từ việc cuốn sách ra đời trong một thế giới đã thay đổi nhờ vào nỗ lực của các nhà hoạt động đi trước. Cho nên tôi vẫn đang tìm hiểu cách cân bằng việc đầu tư thời gian giữa công việc của tôi và việc hợp tác với những người khác.

Tập truyện ngắn của tôi, The Refugees, về người Việt tị nạn và người Mỹ gốc Việt, sẽ được xuất bản vào tháng Hai năm 2017, và tôi đã viết được 50 trang đầu tiên của The Committed, cuốn tiếp theo của The Sympathizer, với một trích đoạn đã được đăng tại Ploughshares và một trích đoạn khác sẽ được Freeman’s đăng tải.

Người dịch: Huong Nguyen (Nguyễn Thị Hường), nghiên cứu và dịch thuật tại New York.

Aimee Phan là tác giả của hai tác phẩm hư cấu, We Should Never Meet, từng được lựa chọn là một Cuốn sách Đáng chú ý bởi tổ chức giải Kiriyama (Kiriyama Notable Book) và lọt vào vòng chung kết của Giải Văn chương Mỹ gốc Á (the Asian American Literary Awards), và cuốn The Reeducation of Cherry Truong, xuất bản năm 2012. Cô đã từng đoạt học bổng từ NEA, MacDowell Arts Colony, và Hedgebrook. Các sáng tác của cô đã được đăng tải trên New York Times, USA Today, Guernica, the Rumpus, và the Oregonian, bên cạnh nhiều tạp chí khác. Hiện cô đang giảng dạy sáng tác và văn chương tại Khoa văn Đại học California (California College of the Arts).