Seite auswählen

„Mọi thứ đang thay đổi dọc theo sông Mê Kông. Hạn hán đang gia tăng; tài nguyên nước đang giảm. Sự phong phú của nghề thủy sản và đa dạng sinh học đang bị đe dọa cả từ biến đổi khí hậu và sự xây dựng đập bừa bãi thiếu kiểm soát dọc theo sông.“

Tom Fawthrop (The Diplomat)

Hạn hán năm nay chỉ là một bản dạo đầu của các vấn đề nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra nếu nhà nước không thay đổi chính sách.

Sông Mê Kông đang quay cuồng với sự tấn công của biến đổi khí hậu, khai thác cát và xây đập không ngừng, chúng tổng hợp lại đã tạo nên vụ hạn hán vào tháng Bảy, được xem là tồi tệ nhất ghi nhận trong hơn 100 năm qua.

(Ảnh từ video/Shinshiro Kenji Arthur)

“Đây là thảm họa sinh thái tệ hại nhất trong lịch sử khu vực sông Mê Kông”, chuyên gia tài nguyên thiên nhiên Thái Lan Chainarong Setthachua tuyên bố.

Mực nước ở hồ Tonle Sap, Campuchia, hồ nước nội địa to lớn, “nhịp tim đập để điều hòa sông Mê Kông”, đã bị giảm xuống mức thấp chưa từng có tiền lệ, đến nỗi có ngôi làng chài trên nước hoàn toàn bị biến mất. Hầu như không thể tin được đối với người dân địa phương Tonle Sap, vì điều này xảy ra không phải vào mùa khô, mà đã hai tháng trong mùa mưa.

Youk Sengleng, một chuyên gia thủy sản NGO hoạt động ở vùng Tonle Sap, đã chia sẻ những quan sát của mình: “Nhiều cá chết vì nước cạn, nhiệt độ nóng và nước độc hại do thiếu oxy. Khoảng 2,5 triệu người sống phụ thuộc vào hồ với nghề đánh cá đã bị ảnh hưởng trực tiếp”.

Lấy quá nhiều nước từ một con sông về cơ bản sẽ hút sự sống ra khỏi nó. Các chất ô nhiễm trở nên đậm đặc hơn và nước chảy chậm lại, dẫn đến sự tích tụ các trầm tích làm tắc nghẽn lòng sông.

Trong một mùa mưa bình thường, hồ Tonle Sap mở rộng kích thước của nó lên hơn 40 phần trăm nhờ mực nước dâng cao 7-8 mét ở sông Mê Kông sau những cơn mưa dầm lớn. Hiện tượng “xung lũ” tuyệt vời này thường xảy ra vào giữa cuối tháng 8 và giữa tháng 9, qua đó, nhánh sông Tonle như một nguồn dự trữ, đưa nước sông Mê Kông đổ về hồ lớn.

Một đám mây nặng nề của sự lo lắng và vô định đang treo trên số phận của dòng sông. Tình trạng của nó thay đổi hàng năm, nhưng hiếm khi có xung lũ giảm mạnh như vậy. Nó đã quá yếu để hỗ trợ nghề nuôi cá và bảo đảm lương thực để nuôi sống 60 triệu người đang sinh sống ở hạ lưu sông Mê Kông. Ngay cả khi cuối cùng, dòng sông có thể hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của các vị Thần Angkor để thay đổi tình trạng tồi tệ đó, sự khan hiếm cá và thiếu protein vẫn còn tồn tại đến năm thứ một triệu, cho đến khi lượng cá hiện thời được hồi phục.

Ian Cowx, giám đốc Viện Thủy sản Quốc tế Hull thuộc Đại học Hull ở Anh (HIFI: Hull International Fisheries Institute), giải thích rằng trở ngại lâu dài lớn nhất đối với sự phục hồi của nghề thủy sản không phải là sự biến đổi khí hậu và hạn hán này, mà là từ các con đập ở thượng nguồn.

Theo nghiên cứu của HIFI, “tất cả các loài cá đều thích nghi với chu kỳ hạn hán và lũ lụt” và yếu tố khí hậu không gây ra nguy cơ tuyệt chủng. “Vấn đề lớn ở đây là liệu các hoạt động khác như điều tiết dòng chảy và hiệu ứng rào cản gây ra bởi thủy điện, chất ô nhiễm và khai thác trầm tích có làm hủy hoại môi trường sống và làm tăng nguy cơ tuyệt chủng hay không”, theo Cowx. “Có lẽ vấn đề lớn nhất ở đây là dòng chảy giảm sút do những con đập ở Trung Quốc, đập Lower Sesan 2 [trên một nhánh sông Mê Kông ở Campuchia] và mất hẳn kênh Hou Sahong vì đập Don Sahong”.

Thêm vào đó, đập Xayaburi, con đập đầu tiên được xây dựng và gần như hoàn thành ở hạ lưu sông Mê Kông, là một thí dụ khác về dự đoán thiệt hại lâu dài cho hệ sinh thái, lớn hơn nhiều so với vấn đề tạm thời hao hụt nguồn nước.

Lý do chính khiến mực nước hạ thấp ở sông Mê Kông vào tháng 7 năm nay là do thiếu mưa, nhưng hoạt động tại đập Jinghong ở Trung Quốc và đập Xayaburi khổng lồ sắp xây xong ở Lào, cũng liên quan đến việc làm cho cuộc khủng hoảng nước trầm trọng thêm. Trung Quốc đã quyết định “tắt vòi nước sông Mê Kông” từ Jinghong với lý do họ phải tiến hành “bảo trì lưới điện”.

Đồng thời, các nhà phê bình cũng xác định rằng đập Xayaburi là thủ phạm tham gia vào các thử nghiệm đặc biệt đã đóng cửa ngăn lũ lụt. Điều đó càng tăng nỗi giận giữ của người nông dân Thái Lan sống ở tỉnh Chiang Rai, hơn 220 km về phía hạ lưu.

Trong khi công ty xây dựng đập Thái Lan CK Karnchang từ chối mọi trách nhiệm đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước, các tổ chức phi chính phủ Thái Lan đã kiến ​​nghị lên Tòa án Hành chính Thái Lan, yêu cầu EGAT, Ủy ban Điện lực Thái Lan, trì hoãn việc mua điện từ đập Xayaburi, chờ điều tra thêm về vai trò thủ phạm tiềm năng của nó trong vụ hạn hán bất hợp lý. Vụ kiện này có thể trì hoãn việc khánh thành con đập dự kiến vào tháng 10 này.

Mọi thứ đang thay đổi dọc theo sông Mê Kông. Hạn hán đang gia tăng; tài nguyên nước đang giảm. Sự phong phú của nghề thủy sản và đa dạng sinh học đang bị đe dọa cả từ biến đổi khí hậu và sự xây dựng đập bừa bãi thiếu kiểm soát dọc theo sông.

Chainarong, người giảng dạy ngành sinh thái chính trị và quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Maha Sarakham, khẳng định rằng, “hôm nay chúng ta có thể thấy từ trường hợp các đập Trung Quốc ở thượng nguồn và đập Xayaburi [Lào] rằng, chính phủ các nước trên giòng sông Mê Kông và chính sách của họ đã tạo ra một thảm họa sinh thái ở lưu vực sông lớn nhất trong khu vực”.

Nhưng bất chấp những cảnh báo khoa học khác nhau về sự xuống dốc nghiêm trọng của Mê Kông, các nhà hoạch định chính sách và chính phủ đã không chú ý đến các yêu cầu của xã hội dân sự nhằm áp đặt các biện pháp kiểm soát môi trường quy mô hơn để bảo vệ con sông Mê Kông đang bị uy hiếp.

Một cảnh báo quan trọng đã được đưa ra bởi Ủy ban sông Mê Kông (MRC: Mekong River Commission), bao gồm bốn quốc gia thành viên: Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. MRC chính thức công bố vào năm 2018 báo cáo Nghiên cứu của Hội đồng về tác động của thủy điện. Một trong số nhiều kết luận đáng báo động là, khối lượng sinh thái cá sẽ giảm 35-40% vào năm 2020. Hơn nữa, báo cáo cảnh báo rằng phát triển thủy điện đến năm 2040 sẽ hủy hoại khả năng cá di chuyển ở phần lớn các vùng của sông Mê Kông. Không có loài cá nào trên sông Mê Kông có thể sống sót trong các hồ chứa của các đập sẽ được xây dựng vào năm 2020 và 2040.

Theo kết quả của các cơ quan thủy sản MRC đã báo cáo, giá trị của nghề thủy sản sông Mê Kông – nghề thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới – đạt mức 11 tỷ đô la trong việc đánh bắt tự nhiên (chưa kể các trang trại cá) cho các nước MRC, các nhà quan sát có thể chờ đợi một cách hợp lý về viễn cảnh thảm khốc của tình trạng cá bị tuyệt chủng.

Tuy nhiên, ba trong số bốn quốc gia thành viên – Lào, Thái Lan và Campuchia – đã bất ngờ từ chối chấp nhận tài liệu mang tính chiến lược này vốn đã dựa trên năm năm nghiên cứu, và họ cũng ít bày tỏ mong muốn tranh luận về báo cáo. Chỉ có Việt Nam hoan nghênh và tán thành báo cáo.

“Chính phủ các nước Mê Kông thực sự cần thức tỉnh trước các báo động của những năm gần đây và cần bắt đầu làm việc cùng nhau vì lợi ích chung”, nhà sinh thái học vùng ngập nước, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thiện, người đã làm việc trên một số báo cáo quốc tế về Mekong với tư cách là cố vấn cho WWF và ICEM, khẩn thiết kêu gọi.

Trong một cuộc phỏng vấn với Thiện ở Cần Thơ, ông đã bày tỏ mối quan ngại lâu dài của mình đối với quốc gia trong tương lai: “Vùng tam giác [Mê Kông Delta] đang chìm vì hầu hết các trầm tích giàu chất dinh dưỡng quan trọng để bổ sung cho đồng bằng bị kẹt ở thượng nguồn bởi các con đập. Điều này gây ra suy thoái môi trường ở quy mô lớn và cũng liên quan đến sự mất ổn định và căng thẳng trong khu vực. Trong tương lai, vùng tam giác sẽ không còn có thể duy trì 18 triệu dân. Họ sẽ phải chạy trốn như những người di cư và tị nạn. Thủy điện ở khu vực sông Mê Kông đang gieo mầm cho sự bất ổn của khu vực và nó có thể trở thành một vấn đề an ninh khu vực”.

Nghiên cứu mới được công bố bởi Viện Môi trường Stockholm (Stockolm Environment Institute) vào năm 2018 cho thấy, 96% trầm tích giàu chất dinh dưỡng của sông Mê Kông sẽ không bao giờ đến được vùng đồng bằng tam giác, nếu tất cả 11 đập theo kế hoạch dự kiến được xây dựng ở Hạ lưu sông Mê Kông.

Nếu việc xây đập ở thượng nguồn và suy thoái môi trường dẫn đến việc Việt Nam “mất” vùng đồng bằng, điều đó có nghĩa là mất nguồn chính về gạo, trái cây và rau quả, tổng số chiếm gần 25% GDP. Tiến sĩ Thiện tự hỏi, “nếu về lâu dài, không có đồng bằng, Việt Nam có thể tồn tại như một quốc gia?”

Khi việc ngăn đập có thể dừng lại, chủ tịch về tài nguyên nước của WWF, Marc Goichot giải thích rằng điều đó sẽ có nhiều lợi ích cho dòng sông: “Việc giữ cho dòng sông ở hạ lưu chảy tự do sẽ khiến khoảng 28 triệu người ở Campuchia và Việt Nam sống vững chãi hơn với thảm họa khí hậu và nước, đồng thời cải thiện sự ổn định thực phẩm”.

Hy vọng đang tăng lên, khi các đập thủy điện có thể sớm bị coi là lỗi thời so với năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió vốn đang bắt đầu phát triển trong khu vực. Nhà phân tích năng lượng của Mekong, Brian Eyler, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Hoa Kỳ tin rằng các quốc gia MRC đang bắt đầu khai thác năng lượng tái tạo và cuối cùng sẽ chuyển hướng ra khỏi thủy điện. Ông nói, “Nhiều chuyện đã được thay đổi, kể từ khi đập Xayaburi bắt đầu xây dựng vào năm 2012. Tôi chắc chắn rằng một số quan chức của chính phủ Thái Lan, sẽ lấy làm tiếc khi thấy đập Xayburi (được tài trợ bởi Thái Lan) là một dự án hoàn toàn không cần thiết”.

Ước mơ ban đầu của Thỏa thuận MRC 1995 là một dòng sông có sự hợp tác quốc tế và chia sẻ công bằng tài nguyên nước. Nhưng Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Giám đốc Học viện Kinh tế Hà Nội, phát biểu tại một Diễn đàn Mê Kông vài năm trước, than thở rằng ước mơ đó không đạt được theo cách mà nó đang được giải quyết. “Chúng ta chỉ có thể cứu sông Mê Kông bằng cách loại bỏ tâm lý hẹp hòi theo kiểu ‘ao nhà’ để kiếm lợi nhuận [từ mỗi phân khúc có chủ quyền quốc gia trên dòng sông] nhân danh sự phát triển”.

Một số nhà bình luận bi quan có thể cho rằng đã quá muộn để cứ loanh quanh với các vấn đề, mà cần vạch ra một con đường mới và bền vững hơn cho sông Mê Kông. Tuy thế, vào thời điểm mà tình trạng của sông Mê Kông đang bị đe dọa nguy hiểm chưa từng có, học giả Chainarong người Thái Lan thuyết phục hơn: “Không phải là quá muộn khi bảo vệ dòng sông bằng cách ngăn chặn tất cả các dự án đập đang nằm trong danh sách, và phát triển một chính sách khác cho Mê Kông dựa trên việc tuân thủ các qui định của Ủy ban Đập Thế giới và sự tham gia đầy đủ của xã hội dân sự và cộng đồng dân cư ở ven sông”.

Chain Chainarong nói tiếp: “Tất cả các chính phủ của Mê Kông nên hợp tác để ngăn chặn tác động xấu nhất của thiên tai, thiệt hại sinh thái và cướp bóc tài nguyên thiên nhiên bằng một chính sách khác về Mê Kông, trên cơ sở cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển quốc gia”.

Tom Fawthrop
The Diplomat,
26.8.2019

Người dịch: Tôn Thất Thông

Bản gốc tiếng Anh:

Something Is Very Wrong on the Mekong River – Tom Fawthrop

***

Bài đọc thêm:

Đồng bằng sông Cửu Long đang chìm với tốc độ nhanh nhất thế giới

Báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng 9 năm 2019 loan tin, nhóm các nhà nghiên cứu của đại học Utrecht ở Hà Lan được dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud vừa công bố những thông tin liên quan đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Theo đó, sau khi nghiên cứu, và đo đạc thực địa, các nhà khoa học Hà Lan đã phát hiện đồng bằng sông Cửu Long thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình là 0,8m, chứ không phải là 2,6m như các dữ liệu vệ tinh bình thường thông báo. Với tốc độ chìm như hiện tại, các nhà khoa học này tính toán, chỉ trong vòng 57 năm tới, độ cao của khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngang bằng với trung bình mực nước biển. Đồng nghĩa với việc, có khoảng 12 triệu người dân đang sinh sống ở khu vực trên sẽ chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng tăng gấp đôi so với dự báo trước đây. Và họ sẽ phải di cư trong những năm tới.

Ông Torbjorn E.Tornqvist, nhà địa chất thuộc đại học Tulane của Mỹ nói rằng, ông hy vọng phát hiện mới trên sẽ đánh động với mọi người rằng, những dữ liệu mà mọi người đang có trong tay không đúng với tầm mức của nguy cơ.

Nguyên nhân được chỉ ra là, các vùng châu thổ được hình thành từ lớp phù sa mềm tích tụ qua hàng ngàn năm, dễ nén, và dễ chìm. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn vì trên thượng nguồn các con sông đổ về nơi đây đã bị chặn dòng, khiến phù sa, hoặc nước ngầm, khí đốt bị rút khỏi lòng đất. Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường đi cũng làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất.

Các nhà khoa học kết luận rằng, đồng bằng sông Cửu Long đang chìm với tốc độ 5cm/năm, đây là tốc độ chìm thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Theo SBTN (05.09.2019)