Seite auswählen

Đồng ý hợp tác với Trung cộng khai thác dầu khí trong EEZ, Duterte bị đả kích

TT Phi  Luật Tân Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch TC Tập Cận Bình (phải) vỗ tay tại lễ ký kết ở Nhà Khách quốc gia Diaoyutai State ở Bắc Kinh, TC, ngày 29/8/2019. How Hwee Young/Pool via REUTERS

Quan chức Phi Luật Tân mạnh mẽ đả kích Tổng thống Duterte, đánh đổi chủ quyền biển đảo lấy lợi ích kinh tế và chấp nhận khai thác dầu khí chung với Trung cộng trong khu dặc quyền kinh tế Phi Luật Tân trên Biển Đông.

Nói chuyện với các nhà báo ở Phi Luật Tân hôm thứ Ba 10/9, ông Duterte cho biết ông Tập đã hứa chia cho Phi Luật Tân phần lợi lớn hơn với một dự án khai thác dầu khí chung trong vùng dặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.

Ông Duterte lặp lại lời ông Tập hứa hẹn:

“Hãy dẹp sang một bên các tuyên bố chủ quyền. Rồi cho phép mọi người liên kết với các công ty Trung cộng. Các công ty này sẽ khai thác và nếu tìm được gì, “chúng tôi sẽ rộng lượng, chia cho các ông 60%, chúng tôi chỉ lấy 40%.”

Ông Duterte nói đó là lời hứa của ông Tập, khi hai ông gặp nhau ở Bắc Kinh hồi tuần trước.

Theo Xinhua, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung cộng, ông Tập nói hai nước có thể tiến “một bước dài” trên con đường hợp tác khai thác dầu khí ở ngoài khơi. Xinhua dẫn lời nhà lãnh đạo Trung cộng nói:

“Miễn là hai bên xử lý đúng đắn vấn đề Biển Đông, bầu không khí của quan hệ song phương sẽ thuận lợi, nền tảng của mối quan hệ sẽ vững chắc, và hòa bình ổn định sẽ được bảo đảm.”

Nhưng hôm thứ Năm, Phó Tổng thống Phi Luật Tân Leni Robredo mạnh mẽ đả kích nhà lãnh đạo Phi Luật Tân là “cực kỳ vô trách nhiệm” khi cân nhắc khả năng gạt sang một bên “chiến thắng vẻ vang của Phi Luật Tân trước tòa án trọng tài” để hợp tác với Bắc Kinh khai thác năng lượng chung trong khu dặc quyền kinh tế Phi Luật Tân, theo Reuters.

Bà Leni Robredo, cũng là lãnh đạo phe đối lập, không che dấu sự bất bình của mình. Trang Rappler.com dẫn lời bà phát biểu:

“Bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào. Bán rẻ tương lai ấy để đạt một thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung cộng là một cách đáng hổ thẹn, để trốn tránh trách nhiệm đó.”

“Bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào. Bán rẻ tương lai ấy để đạt thỏa thuận khai thác dầu khí chung với TC là một cách đáng hổ thẹn, để trốn tránh trách nhiệm đó.”

Phó Tổng thống Phi Luật Tân Leni Robredo


Phó Tổng thống Robredo phản bác lập luận của ông Duterte rằng khẳng định chủ quyền của Phi Luật Tân trên Biển Tây Phi Luật Tân (Việt Nam gọi là Biển Đông), sẽ dẫn tới chiến tranh với Trung cộng.

Bà nói khẳng định chủ quyền lãnh thổ không nhất thiết dẫn tới chiến tranh với Trung cộng. Bà đơn cử cách xử lý của Việt Nam và Nam Dương:

“Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để khẳng định các quyền của chúng ta đối với khu dặc quyền kinh tế của mình. Các nước láng giềng của chúng ta, Việt Nam và Nam Dương, đã nhiều lần chứng minh điều đó.”

Bà chất vấn:

“Tại sao Tổng thống và chính quyền của ông lại chính là những người coi nhẹ chiến thắng dứt khoát của chúng ta trước tòa trọng tài quốc tế năm 2016 với những phát biểu như thế?”

Trước làn sóng chỉ trích, phủ Tổng thống Phi Luật Tân đã tìm cách biện minh cho ông Duterte. Người phát ngôn của điện Malacañang, Salvador Panelo, giải thích với các nhà báo rằng ông Duterte chỉ muốn nói ông sẽ “để sang một bên” vấn đề, nhưng “không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền”.

Người phát ngôn nói phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế là đề tài đang được thảo luận giữa hai nước. Các cuộc thương thuyết đang tiếp diễn một cách hòa bình, nhưng trong khi chờ đợi, Phi Luật Tân nên tập trung vào những vấn đề khác có lợi cho cả hai nước.

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Haye ra phán quyết trao phần thắng cho Phi Luật Tân trong vụ kiện kéo dài 3 năm do chính phủ tiền nhiệm phát động, một năm sau khi Phi Luật Tân và Trung cộng đối đầu nhau tại bãi cạn Scarborough. Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye kết luận rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng trên hầu hết Biển Đông là ‘không có cơ sở’, nhưng cho tới nay Phi Luật Tân chưa yêu cầu Trung cộng tuân thủ phán quyết, trong khi ông Duterte theo đuổi chính sách hòa hoãn với Bắc Kinh.

Tại buổi họp báo hôm thứ Tư, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung cộng, bà Hoa Xuân Oánh, không bình luận trực tiếp về phát biểu của ông Duterte. Bà Hoa Xuân Oánh nói:

“Hai bên đã loan báo việc thành lập một ủy ban thường trực liên chính phủ và một toán làm việc giữa các công ty có liên quan từ cả hai nước về vấn đề hợp tác khai thác dầu khí.”

VOA (13.09.2019)

Phó tổng thống Phi Luật Tân chỉ trích Tổng thống Duterte vì ý định gạt bỏ phán quyết Biển Đông

Bà Leni Robredo, Phó Tổng thống Phi Luật Tân. Ảnh: Reuters.

Phó tổng thống Phi Luật Tân hôm 12/9 đã chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte vì ý định gạt sang một bên phán quyết Biển Đông để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Trung cộng.

Phó tổng thống Phi Luật Tân Leni Robredo, cũng là lãnh đạo phe đối lập, gọi ý tưởng của tổng thống là “cực kỳ vô trách nhiệm” khi nhượng bộ Bắc Kinh trong tranh chấp trên Biển Đông.

Bà cũng chỉ trích ông Duterte vì quyết định chấp nhận đề nghị khai thác khí đốt chung trên biển.

Theo bà Robredo, việc tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào đều không cần phải trả giá bằng việc đánh đổi quyền lợi của đất nước ở Biển Đông.

“Đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho con em chúng ta có lẽ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất và khó khăn nhất của bất kỳ chính quyền nào”, bà Robredo nói. “Việc bán tương lai vì một thỏa thuận khí đốt với Trung cộng là việc đáng xấu hổ”.

Chức phó tổng thống của bà Robredo được bầu riêng rẽ so với tổng thống. Theo South China Morning Post, bà có mối quan hệ lạnh nhạt với ông Duterte, người thường chế giễu bà trong các bài phát biểu trước công chúng.

Bình luận của bà Robredo được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Duterte nói rằng Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đề nghị hai bên trở thành đối tác cùng khai thác năng lượng trên Biển Đông nếu Manila phải bỏ qua phán quyết của tòa trọng tài.

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan), tòa án thụ lý vụ kiện của Phi Luật Tân, đã bác yêu sách chủ quyền dựa vào đường lưỡi bò chín đoạn của Bắc Kinh và coi điều đó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung cộng không tuân thủ phán quyết này.

Bà Robredo nói rằng phát biểu của ông Duterte hôm 10/9 khiến bà “vô cùng thất vọng”. Bà nhấn mạnh hiến pháp Phi Luật Tân cho phép hợp tác với công ty nước ngoài trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này mà không cần bất cứ động thái nhượng bộ nào.

Phán quyết của trọng tài PCA vẫn là chủ đề nóng trong các cuộc đàm phán giữa hai nước, theo phát ngôn viên của Tổng thống Phi Luật Tân, ông Salvador Panelo.

VietBF (12.09.2019)

Chiến hạm Mỹ chở tên lửa cường lực tới gần Biển Đông

Tàu chiến duyên hải thể độc lập USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đóng quân tại Căn cứ Hải quân San Diego, ngày 20/10/2017, (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/ Chuyên gia truyền thông đại chúng cấp bậc 3 Abby Rader).

Kênh American Military News đưa tin, tàu USS Gabrielle Giffords mang theo một tên lửa cường lực mới nhằm tăng cường cho lực lượng ở Thái Bình Dương – một khu vực tranh chấp thế giới mà Trung cộng muốn kiểm soát. Sĩ quan John Fag, phát ngôn viên của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ xác nhận việc điều tàu.

CNN báo cáo hôm thứ Tư (11/9), con tàu rời San Diego đầu tháng Chín, trang bị tên lửa tấn công Naval Strike Missile kiểu mới của Hải quân Mỹ và một máy bay trực thăng không người lái.

Theo nhà sản xuất Raytheon, Naval Strike Missiles mới là hệ thống vũ khí được thiết kế bay lướt qua biển chống radar phát hiện, thao tác chống phản công từ kẻ thù. Tàu Hải quân Mỹ cũng đang vận tải máy bay trực thăng trinh sát hỏa lực MQ-8B Fire Scout. 

Đầu năm nay, các quan chức Hải quân nói với một tiểu ban thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện (Senate Armed Service Committee), USS Gabrielle Giffords là tàu chiến duyên hải đầu tiên trang bị tên lửa tấn công Naval Strike Missiles.

Nhà phân tích quốc phòng cao cấp Timothy Heath, thuộc Rand Corp, cho biết: “Lầu Năm Góc đang xây dựng một lực lượng quân sự có thể hoạt động bền vững, có cơ hội chiến đấu và sống sót tốt hơn khi đối đầu với Chiến lược Chống tiếp cận /Chống xâm nhập của quân đội Trung cộng (Anti-Access/Area Denial, viết tắt là A2/AD)”.

Trong Báo cáo số 4, phát hành năm 2014 của Viện Nghiên cứu Chính sách Trung cộng (China Policy Institute), đặt ở Đại học Anh Nottingham, tác giả Harry J. Kazianis đánh giá từ đầu những năm 2000, Trung cộng nổi lên như một cường quốc khu vực với chiến lược A2/AD. Cùng năm, BBC công bố bản báo cáo, trong đó: “A2/AD được phát triển dựa trên sự kết hợp các yếu tố quân sự khác nhau như tàu ngầm diesel siêu yên tĩnh, hơn 80.000 thủy lôi, nhiều loại hình chiến tranh mạng, vũ khí chống vệ tinh và tấn công số đông của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình”.

Tàu USS Gabrielle Giffords được đặt tên theo tên của cựu Dân biểu bang Arizona Gabby Giffords, bà đã sống sót sau khi bị ám sát vào ngày 8/1/2011, viên đạn trúng đầu nữ dân biểu. Tay súng cũng bắn 24 người khác, giết chết 6 người trong đó có thẩm phán liên bang John Roll và một em nhỏ 9 tuổi, 18 người khác bị thương.

Chuẩn Đô đốc kiêm Giám đốc tình báo Stratcom, Michael Brookes cho biết, Trung cộng đã tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của họ trong thập niên trước, và sắp tới sẽ như vậy, tờ Tin tức Quân sự Mỹ báo cáo ngày 9/8.

Biển Đông là một khu vực buôn lậu thương mại nghiêm trọng, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung cộng gia tăng về quyền kiểm soát khu vực. Trung cộng đã nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân nhằm kiểm soát đại dương nhiều hơn và thách thức Hoa Kỳ nhằm giành quyền thống trị trên biển. Trung cộng có kế hoạch chế tạo thêm 6 hàng không mẫu hạm vào năm 2035, 4 trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung cộng hiện có 5 hàng không mẫu hạm.

Hoa Kỳ hiện có 20 tàu hàng không mẫu hạm, có 11 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 9 tàu đổ bộ có khả năng triển khai như hàng không mẫu hạm.

ĐKN (13.09.2019)

Phi Luật Tân : Trung cộng muốn hạn chế các lực lượng nước ngoài tại Biển Đông

Ảnh hải quân Mỹ chụp Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 21/05/2015 cho thấy các tàu Trung cộng hoạt động tại đó.REUTERS/ Hải quân Mỹ

Ngoại trưởng Phi Luật Tân hôm 11/09/2019 cho biết, Trung cộng trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) muốn hạn chế sự hiện diện của quân đội nước ngoài, cũng như việc các công ty ngoại quốc tham gia vào các dự án dầu khí tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khi trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN News tiết lộ, việc thương lượng « có lúc đã hết sức gay gắt », vì Bắc Kinh nhất định đòi « không có cường quốc quân sự nước ngoài nào được hiện diện tại Biển Đông », và « nếu các vị muốn khai thác dầu khí thì chỉ có thể làm việc với chúng tôi ».

Cũng theo ông Locsin Jr., tuy nhiên hiện nay Trung cộng tỏ ra hòa hoãn hơn, không còn kiên quyết đòi loại bỏ sự hiện diện quân sự của nước ngoài, và theo ông, chủ yếu chỉ nhắm vào « các địch thủ của Trung cộng và một số đồng minh của Phi Luật Tân ». Ông bày tỏ hy vọng những trở ngại có thể được tháo gỡ trong thời gian tới.

AP cho biết hiện nay cả Trung cộng lẫn Hoa Kỳ đều chưa đưa ra lời bình luận nào. Bắc Kinh luôn phản đối việc Washington cho chiến hạm tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trung cộng bị phê phán là chỉ chịu đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử sau khi hoàn tất việc xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thời hạn mà Tập Cận Bình đưa ra để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử là ba năm cũng được coi là thủ thuật « câu giờ » để quân sự hóa vùng biển này, đặt các quốc gia ven biển trước « việc đã rồi ».

Sự lợi hại của các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây lên được thấy rõ trong vụ bãi Tư Chính : nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung cộng sau khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã nhiều lần đến Đá Chữ Thập để tiếp liệu rồi nhanh chóng trở lại bãi Tư Chính để quấy nhiễu.

Đá Chữ Thập là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết do Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, bị Trung cộng chiếm đóng năm 1988, nay đã trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa, với nhiều cơ sở quân sự và đường băng dài trên 3.100 mét dành cho oanh tạc cơ chiến lược duy nhất trong khu vực.

RFI (12.09.2019)

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan cảnh báo Bắc Kinh sẽ kiểm soát Biển Đông

Hình minh họa. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu tại một họp báo ở Đài Bắc hôm 1/5/2018 AFP

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu hôm 11/9 lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực nên có hành động nhìn nhận tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông nếu không muốn thấy Trung cộng kiểm soát toàn bộ vùng nước. Bộ trưởng Joseph Wu đưa ra phát biểu này trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNA của Đài Loan.

Chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia nhìn nhận tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”, Bộ trưởng Wu phát biểu, “nếu họ không làm vậy, Trung cộng sẽ kiểm soát toàn bộ Biển Đông, và do đó gây đe dọa cho chủ quyền, an toàn của những nước lân cận và cho thương mại quốc tế”, Bộ trưởng Joseph Wu nói.

Đài Loan là một nước đòi chủ quyền ở khu vực Biển Đông và là quốc gia đang quản lý đảo Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa các nước trong khu vực.

Cả Trung cộng và Đài Loan đều công nhận đường đứt khúc 9 đoạn trên Biển Đông chiếm đến khoảng 90% diện tích Biển Đông mà hai nước gọi là vùng nước lịch sử thuộc chủ quyền của mình. Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.

Trung cộng trong những năm qua đã gia tăng các hoạt động xây lấp đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra các đảo mà nước này đang chiếm đóng ở Biển Đông, trong khi Đài Loan không thực hiện các hoạt động gây hấn mạnh mẽ như Trung cộng.

Trung cộng coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chỉ chờ ngày được thống nhất.

Bộ trưởng Wu cho biết mặc dù Đài Loan không tham gia vào việc đàm phán bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung cộng, hay tham gia vào các diễn đàn khu vực của ASEAN nhưng Đài Loan luôn theo dõi diễn biến chặt chẽ. Ông cũng kêu gọi các nước đòi chủ quyền ở Biển Đông và cộng đồng quốc tế thảo luận vấn đề Biển Đông với Đài Loan và chính phủ Đài Bắc luôn sẵn sàng đóng góp, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và tìm kiếm cứu nạn.

RFA (12.09.2019)

Việt Nam lên án Trung cộng cản trở hoạt động dầu khí ở Biển Đông

Thông cáo của PetroVietnam về dự án Cá Voi Xanh, ngày 12/09/2019.

Hôm 12/09, Việt Nam nói các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Báo Lao Động dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, nói: “Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền, được xác định theo đúng quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 mà cả Trung cộng và Việt Nam đều là thành viên.”

Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thông tin liên quan tới ExxonMobil và dự án Cá Voi Xanh, bà Hằng nói: “Theo chúng tôi được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam hay PVN) đã có thông tin cho biết về các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được các tổ hợp nhà thầu gồm PVN, công ty thăm dò khai thác dầu khí và ExxonMobil triển khai theo kế hoạch.”

Cũng hôm 12/09, PetroVietnam ra thông cáo ngắn trên trang web của tập đoàn: “Các dự án Dầu khí ở miền Trung Việt Nam (bao gồm các dự án trên biển và trên bờ) được Tổ hợp nhà thầu (ExxonMobil, PVN và PVEP) triển khai theo kế hoạch.”

“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ý kiến bình luận đối với thông tin không chính thức xung quanh các Dự án này.”

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, hiện thăm dò mỏ Cá Voi Xanh với PetroVietnam “bỏ cuộc,” trong lúc có tin nói rằng Trung cộng “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông.

Hôm 12/09, giáo sư Úc Carl Thayer chuyên nghiên cứu về tình hình Việt Nam, viết trên Twitter rằng: “Rất có thể lý do ExxonMobil bán mỏ Cá Voi Xanh của Việt Nam, một dự án nhỏ ở khu vực không cốt lõi, để thoái vốn 15 tỷ đôla nhằm cân đối hạng mục đầu tư cho 5 khu vực khác” ngoài Việt Nam.

Liên quan tới việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung cộng quay lại vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Bãi Tư Chính, Bộ Ngoại giao ngày 12/09 khẳng định đã xác nhận và cho biết kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung cộng.

Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu HD (Hải Dương 08) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

VOA (12.09.2019)

Nam Dương cáo buộc Việt Nam điều tàu trái phép vào ranh giới phân chia thềm lục địa hai nước

Hình chụp hôm 27/4/2019: tàu hải quân Nam Dương đụng độ tàu kiểm ngư của Việt Nam  AFP

Giới chức thuộc Bộ ngư nghiệp và các vấn đề trên biển của Nam Dương mới đây lên tiếng cáo buộc Việt Nam đã điều tàu tuần duyên trái  phép vào ranh giới phân chia thềm lục địa giữa hai nước gần đảo Natuna của Nam Dương. Tờ Jakarta Post loan tin này hôm 11/9.

Nam Dương và Việt Nam hiện vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định gần đảo Hòn Cau của Việt Nam và phía bắc đảo Natuna của Nam Dương. Hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới thềm lục địa chính thức vào năm 2003.

Ông Mas Achmad Santosa, người đứng đầu lực lượng chống đánh bắt cá lậu của Bộ ngư nghiệp Nam Dương cho biết giới chức nước này đã phát hiện ít nhất 13 tàu tuần duyên Việt Nam ở đường ranh giới trong năm nay.

“Các phân tích của chúng tôi cho thấy đây là những tàu của chính phủ Việt Nam và chúng được đóng tại ngay biên giới phân chia thềm lục địa. Có hai lý do đằng sau việc này: đó là một dạng đe dọa hoặc những tàu này sẵn sàng canh gác cho các tàu cá của Việt Nam hoạt động tại vùng nước chồng lấn”, ông Mas Achmad Santosa nói tại buổi họp báo hôm 9/9.

Giới chức Nam Dương cho rằng những tàu này của Việt Nam đã vi phạm Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS). Luật cấm các hoạt động có thể gây hại cho những đàm phán liên quan đến những tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Nam Dương Joko Widodo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý sẽ đẩy nhanh những đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế.

Trong những năm gần đây, chính quyền của Tổng thống Widodo đã gia tăng nỗ lực bắt giữ những tàu cá nước ngoài được cho là đánh cá trộm trong vùng biển của nước này gần đảo Natuna.

Số liệu của chính phủ Nam Dương cho biết trong thời gian từ 2014 đến giữa năm 2019, khoảng gần 300 tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng nước của Nam Dương đã bị bắt giữ và đánh chìm.

Jakarta đã nhiều lần phản đối chính thức Việt Nam về tình trạng đánh cá lậu. Lần gần đây nhất liên quan đến vụ tàu hải quân Nam Dương đụng độ với tàu kiểm ngư của Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua. 14 ngư dân Việt Nam và hai tàu cá đã bị phía Nam Dương bắt giữ trong vụ đụng độ này.

RFA (12.09.2019)

Biển Đông : Việt Nam yêu cầu Trung cộng rút ngay các tàu khỏi bãi Tư Chính

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo, Hà Nội, ngày 25/07/2019REUTERS/Kham

Theo báo chí trong nước, bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay 12/09/2019 yêu cầu Trung cộng rút ngay lập tức tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng các tàu hải cảnh đi kèm ra khỏi bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo chiều nay tuyên bố : « Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ».

Phía Việt Nam « yêu cầu Trung cộng rút toàn bộ nhóm tàu này ra khỏi vùng biển Việt Nam »,khẳng định việc vi phạm này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung cộng rút nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi bãi Tư Chính. Chiếc tàu khảo sát này đã ba lần xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và liên tục hoạt động tại đây, lần mới nhất vào ngày 7/9. Còn các tàu hải cảnh Trung cộng đi kèm thường xuyên quấy nhiễu, đe dọa các tàu cảnh sát biển Việt Nam đang bảo vệ giàn khoan Rosneft ở lô dầu 06.1.

Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales khi trả lời trang tin Energy News ngày 11/9 cho biết theo những thông tin ông có được, thì ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đã yêu cầu đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov cho ngưng các hoạt động của Rosneft tại Việt Nam, nhưng ông Lavrov từ chối. Đề nghị này được đưa ra khi cả hai gặp gỡ ngày 2/8 bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok hôm 2/8.

Về tin đồn tập đoàn Mỹ ExxonMobil ngưng dự án khí đốt Cá Voi Xanh tại miền trung Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khi trả lời câu hỏi của hãng tin Pháp AFP cho biết đối tác Việt Nam là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã có thông cáo khẳng định các dự án hợp tác trên biển và trên bờ vẫn được triển khai theo kế hoạch. PVN không bình luận đối với những thông tin không chính thức.

RFI (12.09.2019)

Trung cộng và Mã Lai thiết lập cơ chế đối thoại Biển Đông

Trung cộng và Mã Lai đã đồng ý thiết lập một cơ chế đối thoại chung về Biển Đông, nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung cộng nói hôm 12/9, sau khi gặp ngoại trưởng Mã Lai, theo Reuters.

Mã Lai từng chỉ trích quan điểm của Trung cộng về Biển Đông, nhưng gần đây không mạnh mẽ lên tiếng, nhất là sau khi Trung cộng đổ hàng tỷ đôla vào các dự án hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ủy viên Quốc vụ Trung cộng Vương Nghị nói tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Mã Lai Saifuddin Abdullah rằng năm nay, căng thẳng ở Biển Đông đã giảm.

Các nước liên quan và Trung cộng cam kết tiếp tục xử lý phù hợp vấn đề Biển Đông và cùng chung sức bảo vệ hòa bình cũng như ổn định tại đó, ông Vương nói, theo Reuters.

“Để đạt được điều này, hai bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề hàng hải, một nền tảng mới để đối thoại và hợp tác cho cả hai bên”, ông Vương nói.

Gọi ông Vương là “anh trai”, ông Abdullah nói rằng cơ chế trên sẽ được bộ ngoại giao hai nước xúc tiến thực hiện.

Theo Reuters, Trung cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Mã Lai, quốc gia vốn nợ nần chồng chất. Hai nước cũng có mối quan hệ văn hóa gần gũi.

VOA (12.09.2019)

Việt Nam  hoan nghênh hàng không mẫu hạm Anh vào biển Đông theo đúng luật hàng hải

Có thể trong thời gian tới Anh sẽ điều hàng không mẫu hạm tới khu vực biển Đông. Về sự kiện này Vn đã cho biết đây là hoạt động bình thường và rất hoan nghênh việc tự do đi lại này. Dưới đây là 1 số thông tin cụ thể.Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, bà Hằng cho biết.Ngày 12/9, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Trí Thức Trẻ về việc Anh có kế hoạch điều hàng không mẫu hạm vào Biển Đông nhằm thách thức tham vọng ngày càng tăng của Trung cộng ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, quan điểm của VN về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng và nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của LPQT như được thể hiện trong Công ước của LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS).

Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực.

Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế.

Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này, bà Hằng cho biết.

VietBF  (12.09.2019)

Trung cộng cảnh báo Anh chớ ‘có hành động thù nghịch’ ở Biển Đông

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Đại sứ Lưu Hiểu Minh phát biểu tại London rằng Anh Quốc “chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác” trước tin hàng không mẫu hạm Anh có thể chở phi cơ Mỹ tới vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông

Trung cộng cảnh báo Anh chớ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng có tranh chấp trên Biển Đông.

Lời cảnh báo được nêu ra giữa lúc truyền thông Anh đưa tin về việc Hải quân Anh có thể sẽ cử tân hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth chở theo phi cơ Mỹ tới vùng Quần đảo Trường Sa có tranh chấp.

Tờ Telegraph nói rằng dự kiến các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Thủy quân Lục Chiến Hoa Kỳ sẽ có mặt trên chiếc hàng không mẫu hạm Anh trong lần triển khai hoạt động đầu tiên của chiếc tàu 65 ngàn tấn này tới khu vực, theo kế hoạch sẽ thực hiện vào năm 2021.

Đại sứ Trung cộng tại London, ông Lưu Hiểu Minh được báo chí Anh dẫn lời, nói Anh “chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác”.

Tại một sự kiện được tổ chức ở London hồi tuần trước, tùy viên quân sự Trung cộng tại Anh, Thiếu tướng Tô Quang Huy (Su Guanghui) tuyên bố: “Nếu như Mỹ và Anh cùng nhau thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung cộng, thì đó sẽ là hành động thù nghịch.”

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth là tàu lớn nhất và mạnh nhất từng được đóng cho Hải quân Hoàng gia Anh, có khả năng chở được 40 phi cơ

Cũng cùng tại sự kiện này, ông đại sứ Trung cộng bác bỏ lập luận của Hải quân Hoàng gia Anh về việc duy trì luật pháp quốc tế trong vấn đề tự do đi lại trên biển.

“Biển Nam Trung Hoa (cách Trung cộng gọi Biển Đông) rất rộng lớn, rộng ba triệu cây số vuông, chúng tôi không phản đối việc mọi người đi lại ở đó, nhưng chớ có vào vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý của Trung cộng,” ông nói.

Quan điểm của London là “Anh Quốc duy trì lợi ích trong khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh nói.

“Sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại Biển Đông là bình thường, và Hải quân Hoàng gia Anh không phải là ngoại lệ.”

Việc gửi tàu chiến Anh, HMS Albion tới Quần đảo Hoàng Sa hồi năm ngoái đã gây ra những rạn nứt ngoại giao.

Chiến hạm 22 ngàn tấn của Anh hồi cuối tháng 8/2018 đã đi qua các đảo có tranh chấp khi trên đường từ Nhật Bản tới Việt Nam.

Bắc Kinh giận dữ gọi đó là hành động “khiêu khích”.

Trung cộng nói nếu Anh tiếp tục cho tàu chiến tới khu vực thì điều này sẽ bị coi là vi phạm lãnh thổ của Trung cộng, và sẽ bị coi là hành động thù nghịch.

Từ đầu tháng Bảy đến nay, Biển Đông đã là tâm điểm đối đầu gay gắt giữa Việt Nam và Trung cộng sau sự kiện Bắc Kinh cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào vùng thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, đã lên tiếng phản đối hành động của Bắc Kinh.

Trung cộng đáp trả với việc liên tiếp cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung cộng, lên án Mỹ “kích động ác ý”, và tuyên bố “giữ quan điểm bất di bất dịch” về chủ quyền của mình đối với Biển Đông.

BBC (10.09.2019)

Việt Nam phản đối Trung cộng triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông

© Ảnh: 樱井千一

Hà Nội đã đưa ra tuyên bố trước thông tin Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung cộng điều nguyên mạng lưới máy bay không người lái (UAV) giám sát các đảo và thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Trong buổi họp báo thường kỳ, ngày 12.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định:

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, đều là bất hợp pháp và vô giá trị”.

Cụ thể, SCMP ngày 11.9 đưa tin cho biết, một mạng lưới máy bay không người lái do Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung cộng vận hành đã được triển khai để canh chừng các đảo và rạn san hô ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Hệ thống bao gồm nhiều máy bay không người lái (UAV) mang theo camera độ nét cao, phương tiện liên lạc di động đường bộ đóng vai trò như những trạm chuyển tiếp, cũng như mạng thông tin liên lạc hàng hải dựa trên vệ tinh.

Máy bay không người lái hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho hệ thống viễn thám vệ tinh của Trung cộng – thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực – với hình ảnh có độ phân giải cao, đa góc độ và được truyền phát theo thời gian thực.

Mạng lưới máy bay không người lái là lời khẳng định mới nhất của Trung cộng về quyền lực của mình đối với khu vực, sau khi thành lập các tiền đồn quân sự trên 7 hòn đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Sputnik (12.09.2019)