Với việc bà Phạm Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí 2019, hy vọng giới chức trong nước sẽ “giảm bớt cường độ đàn áp đối với cá nhân” bà, luật gia Trịnh Hữu Long nói với BBC.
Nhà báo tự do, blogger, đồng thời là một nhà đấu tranh dân chủ có tiếng ở Việt Nam vừa được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hạng mục Ảnh Hưởng.
Lễ công bố và trao giải diễn ra tối ngày 12/9 tại Berlin.
Đại diện cho nhà báo Phạm Đoan Trang tại lễ trao giải là ông Trịnh Hữu Long, người đồng sáng lập hai trang web Tạp chí Luật Khoa và The Vietnamese với bà Đoan Trang.
“Chúng tôi hy vọng là với việc được thế giới biết đến nhiều hơn [qua giải thưởng này], được thế giới ghi nhận nỗ lực của các nhà báo độc lập Việt Nam nhiều hơn, chính quyền Việt Nam sẽ giảm bớt cường độ đàn áp đối với cá nhân Phạm Đoan Trang và cộng đồng các nhà báo độc lập Việt Nam cũng như các nhà đấu tranh Việt Nam,” ông Trịnh Hữu Long nói từ Berlin.
“Chúng tôi hy vọng áp lực quốc tế sẽ giúp cải thiện dần dần thái độ, hành vi ứng xử lẫn chế độ chính sách của chính quyền Việt Nam đối với các nhà báo độc lập,” ông Trịnh Hữu Long nói thêm.
Bà Phạm Đoan Trang bắt đầu nghề báo từ năm 2000.
Trong thời gian 13 năm liên tục, bà đã làm việc trong gần 10 cơ quan báo chí chính thống, trong đó có các tờ báo có tiếng như VietnamNet, VnExpress, Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Bà nổi tiếng với một số bài viết về chủ đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc đăng trên các báo này, và những bài viết về chủ đề chính trị nhạy cảm khác.
Năm 2009, bà bị bắt giam trong đồn công an chín ngày vì nghi vấn mà giới chức nói là liên quan tới “an ninh quốc gia”, nhưng một số tổ chức nhân quyền thì cho là làn sóng trấn áp tiếng nói đối lập.
Sự kiện này khiến cho bà “không chỉ còn là một nhà báo mà còn là một nhà hoạt động dân chủ,” ông Trịnh Hữu Long nói.
“Phạm Đoan Trang cố gắng dùng những ngôn ngữ bình dân nhất, giải thích một cách dễ hiểu nhất các khái niệm có vẻ trừu tượng, khó hiểu về dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, những quyền người dân đang có.”
Bà muốn “dùng ngòi bút của mình nhằm mong muốn thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam”, ông Trịnh Hữu Long nói thêm.
Hồi 2/2018, bà Phạm Đoan Trang được tổ chức People in Need ở Czech trao giải nhân quyền Homo Homini 2017, vì “lòng dũng cảm của bà khi không mệt mỏi theo đuổi sự thay đổi dân chủ cho đất nước mình, mặc cho sự sách nhiễu và khủng bố.”
Bà Phạm Đoan Trang là phụ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt giải Tự do Báo chí của RSF.
Năm nay, cả ba giải thưởng của RSF đều được trao cho các gương mặt nữ.
Cùng được trao giải trong năm 2019 với bà Phạm Đoan Trang là Caroline Muscat từ Malta (hạng mục Độc lập) và Eman Al Nafjan từ Ả Rập Saudi (hạng mục Can đảm).
BBC
Mục lục
CPJ: Việt Nam trong số 10 nước kiểm duyệt truyền thông gắt gao nhất thế giới
Các nước có tên trên danh sách được cho là đã hạn chế nghiêm ngặt các phương tiện truyền thông độc lập và hăm dọa các nhà báo, bịt miệng họ bằng hình phạt bỏ tù, dùng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi hoặc sách nhiễu họ dưới nhiều hình thức.
Theo Tổ chức Bảo vệ các Ký giả, thì Việt Nam và Trung Quốc cùng với Ả Rập Xê-út và Iran, là 4 nước bị nêu đích danh là “đặc biệt tinh vi trong việc thực hành hai hình thức kiểm duyệt, là bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo và gia đình họ”, ngoài việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giám sát và kiểm duyệt mạng lưới thông tin internet cũng như truyền thông xã hội.
CPJ nhắc nhở rằng theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mọi con người đều có quyền tìm và tiếp nhận thông tin, và quyền tự do biểu đạt.
Tổ chức Bảo vệ các Ký giả nói rằng 10 nước bị nêu tên đã không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khi nghiêm cấm hoặc giới hạn khắt khe truyền thông độc lập, và bịt miệng các nhà báo. Tại những nước này, nạn tự kiểm duyệt rất phổ biến.
Ba nước bị xếp ở cuối sổ, đàn áp báo chí nghiêm ngặt nhất, là Eritrea, Triều Tiên và Turkmenistan, nơi mà truyền thông “chỉ là cái loa của nhà nước, và tất cả mọi cơ sở truyền thông độc lập đều phải hoạt động ở ngoài nước”.
Các nhà báo nước ngoài hiếm hoi được cho phép nhập cảnh thì bị giám sát chặt chẽ.
Việt Nam xếp hạng 6 trong 10 nước, thuộc nhóm được xếp đứng trên nhóm ba nước đội sổ. Giám đốc điều hành của CPJ, ông Joel Simon, tố cáo chính phủ các nước này là kết hợp các biện pháp kiểm duyệt truyền thống với công nghệ mới để bóp nghẹt đối lập và kiểm soát truyền thông.
Các nước này, theo CPJ, sử dụng một loạt chiến thuật đàn áp như sách nhiễu, bỏ tù tùy tiện các nhà báo và gia đình họ, đồng thời sử dụng công nghệ số để giám sát và kiểm duyệt internet và truyền thông xã hội.
Phúc trình của CPJ nói tại Việt Nam, chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo sở hữu và kiểm soát mọi phương tiện truyền thông, kể cả báo chí và truyền thanh/truyền hình.
Nhà nước đã tung ra một loạt đạo luật hay sắc lệnh để bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích nhắm vào chính phủ, các chính sách của nhà nước, hoặc thành tích của các quan chức nhà nước.
Luật báo chí VN năm 2016 xác định rằng báo chí phải phục vụ Đảng Cộng sản và nhà nước, phải là tiếng nói của đảng, các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước.
CPJ nói rằng luật an ninh mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019, là một vũ khí để nhà nước chống lại mọi thông tin bất lợi cho họ trên mạng và bóp nghẹt quyền tự do báo chí.
Từ khi luật an ninh mạng có hiệu lực, các thông tin trên truyền thông trong nước cho thấy người dân thường xuyên bị triệu tập, bị bắt giữ và khởi tố vì đưa những thông tin lên mạng xã hội bị chính quyền cho “sai sự thật hoặc nhằm mục đích chống Đảng và Nhà nước”.
VOA