Vụ việc ở Ba Lan với giấy khai sinh cho các cháu bé sinh ra trong gia đình Việt Nam làm cộng đồng Việt Nam lo ngại vì con cái họ ‘chỉ được nhận tên tiếng Việt’.
Theo ông Ngô Hoàng Minh, phiên dịch viên tuyên thệ tiếng Ba Lan tại Warsaw thì một số cơ quan chính quyền Ba Lan đã cấm không cho công dân Việt Nam đăng ký giấy khai sinh cho con họ với tên Ba Lan hoặc tên châu Âu.
Họ giải thích chính phủ Việt Nam có văn bản yêu cầu chỉ cho đăng ký giấy khai sinh ở nước ngoài cho trẻ sơ sinh Việt Nam “bằng tên thuần Việt”.
Ông Ngô Hoàng Minh cho BBC News Tiếng Việt hay về đầu đuôi câu chuyện:
“Ở Ba Lan có nhiều bệnh viện phụ sản. Khi trẻ em được sinh ra, các giấy tờ chứng sinh được bệnh viện chuyển trực tiếp tới Phòng Hộ tịch của cơ quan chính quyền cấp quận phụ trách bệnh viện đó.
“Hôm 02/09 vừa qua, tôi đã cùng cha mẹ của em bé đến làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho bé và được phòng hộ tịch ở một quận thuộc Warsaw thông báo là theo yêu cầu của phía Việt Nam thì bé chỉ được nhận tên Việt Nam, kèm tên đệm, chứ không được nhận tên thứ hai bằng tiếng Ba Lan, mặc dù cha mẹ muốn đặt cho bé thêm tên thứ hai theo tiếng Ba Lan để sau này đi học cho dễ dàng giao tiếp.”
Theo ông Ngô Hoàng Minh, và căn cứ vào trao đổi trên các nhóm mạng xã hội của người Việt tại Ba Lan thì không ít gia đình muốn con họ có thêm tên Ba Lan hoặc tiếng Anh để dễ cho các cháu lúc đi học.
Lý do do tên ‘thuần Việt’ khó đọc, tạo tâm lý xa lạ với bạn bè cùng lứa và dễ thành lý do khiến khiến học sinh gốc Việt trong lớp bị phân biệt.
Cho tới gần đây, nhiều tên như Anna, Klara, Jessica, Jacek, Alan, Tony…đi kèm tên Việt Nam, đã được cha mẹ sinh sống tại Ba Lan đặt cho con.
Vẫn theo ông Ngô Hoàng Minh:
“Thấy chuyện vô lý, tôi có đến ủy ban quận khác, hỏi phòng hộ tịch thì họ cho biết là họ ủng hộ chuyện cho các bé đặt tên Ba Lan và sẵn sàng ghi thêm tên Ba Lan nếu cha mẹ muốn. Nhưng khi có giấy khai sinh Ba Lan rồi, sau đó bé phải đến Đại Sứ quán Việt Nam ở Warsaw làm hộ chiếu Việt Nam, phía chính quyền Ba Lan sẽ không chịu trách nhiệm nếu gia đình bị quan chức Việt Nam gây khó khăn là bé có thêm tên Ba Lan.”
Hiện nay, được biết câu chuyện đang gây tranh luận trong cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan, và có người sẵn sàng không làm giấy tờ Việt Nam nữa “vì thấy vô lý”.
“Có bạn Việt Nam lấy chồng là người Ba Lan đã lên tiếng là họ sẽ chỉ đặt tên Ba Lan cho con mình và sẽ làm hộ chiếu Ba Lan. Nếu phía Việt Nam không cấp cho giấy tờ Việt Nam, gồm giấy khai sinh và hộ chiếu với nguyên nhân là bé chỉ có tên Ba Lan thì thôi, họ sẽ không cần giấy tờ Việt Nam nữa,” ông Ngô Hoàng Minh cho hay.
Họ tên phải ‘thuần Việt’, cấm dùng ngoại ngữ?
Bộ Luật dân sự Việt Nam 2015, ở khoản 3, Điều 26 có ghi:
“Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.”
Tuy thế, có vẻ như hiện không văn bản nào ghi rõ ‘tên bằng tiếng Việt’ gồm những tên nào.
Được biết cộng đồng Công giáo vẫn có các tên theo Thánh của đạo Ki Tô, và người thiểu số Hồi giáo tại Việt Nam có tên theo tiếng Ả Rập.
Người Hoa ở Việt Nam cũng có tên theo truyền thống của họ.
Cũng có ý kiến nói điều luật này không ngăn cản việc có thêm một tên nữa ghi theo phiên âm tiếng Anh hoặc châu Âu.
Nhưng có vẻ như việc diễn giải điều này ở Ba Lan là “chỉ cho phép đăng ký tên duy nhất thuần Việt”.
Ông Ngô Hoàng Minh cho hay, “thường là người Việt không muốn gặp khó khăn với cơ quan đại diện nhà nước Ba Lan và Việt Nam, không dám đấu tranh để có thêm nhiều quyền lợi, nên có lẽ họ sẽ chỉ đặt tên Việt Nam”.
Trong các gia đình có một bên cha hoặc mẹ là người Ba Lan thì lại khác, ông Minh nói tiếp.
“Nếu cha mẹ thuần Việt thì có thể chấp nhận chỉ có tên Việt Nam, nhưng các cháu sinh ra trong gia đình cha mẹ cả Ba Lan và Việt Nam thì thường muốn con mình có cả tên Việt Nam và tên Ba Lan để phản ánh hai nền văn hóa.”
Nhưng điều này cũng có thể bị chặn lại.
Được biết chuyện tương tự đã xảy ra với một số Việt Kiều khi sinh con tại Việt Nam.
Câu trả lời của giới tư vấn pháp luật là “Tên của con (có quốc tịch Việt Nam) thì bắt buộc phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.””Nếu chọn quốc tịch Việt Nam cho con ( tức là công dân Việt Nam) mà đặt tên con bằng tiếng nước ngoài thì không phù hợp với quy định pháp luật”.
Luật các nước châu Âu như Anh không bắt buộc phải chọn tên ‘thuần theo văn hóa, ngôn ngữ nào”, và khá tự do, trao quyền cho cha mẹ chọn tên con.
Các tên tiếng Do Thái, Hoa, Việt, Ấn…và cả những nhóm nhập cư ít người hơn từ Tonga, Samoa và các bộ tộc châu Phi đều được tôn trọng.
Tuy thế, một số từ bị cấm vì phản cảm như trường hợp một bà mẹ người Anh không được đăng ký giấy khai sinh cho con gái với tên Cyanide, loại thuốc độc Adolf Hitler dùng để tự sát.