Seite auswählen

Đinh Yên Thảo

Ba thủ lĩnh trẻ Hong Kong: La Quán Thông (trái), Hoàng Chi Phong (giữa) và Chu Đình (phải) ngày 18/6/2019 AFP

Cuộc tranh đấu dân chủ tại Hồng Kông hiện nay, dù khá quy mô và tổ chức chặt chẽ nhưng được xem như không có những người lãnh đạo chính thức nhằm bảo vệ những nhân vật có ảnh hưởng trong phong trào. Dù vậy, những khuôn mặt quen thuộc của phong trào từ cuộc Cách Mạng Dù hồi năm 2014 cho đến nay đã được cả thế giới chú ý, không chỉ từ những hoạt động tranh đấu tích cực của họ mà còn là những suy nghĩ, tư tưởng dân chủ họ đang cổ súy. Để hiểu hơn về phong trào dân chủ tại Hồng Kông, hãy gặp gỡ những khuôn mặt thủ lãnh sinh viên Hồng Kông tiêu biểu như Joshua Wong, Agnes Chow, Brian Leung, Nathan Law,  Alex Chow, Andy Chan… đã và đang đóng vai trò gì trong cuộc cách mạng dân chủ này.

1. Joshua Wong (Hoàng Chi Phong): Tuần này, Joshua Wong đang ở Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan và Đức nhằm vận động sự ủng hộ của công luận thế giới cho cuộc tranh đấu dân chủ tại Hồng Kông hiện nay. Với phong thái đĩnh đạc, phát biểu sâu sắc, Joshua đã chứng tỏ bản lĩnh của một lãnh tụ trẻ,  tạo được nhiều thiện cảm với truyền thông cùng giới chính khách các quốc gia này. Thái độ cùng các tuyên bố giận dữ của Trung Cộng, cũng như việc khóa bỏ tên Joshua Wong trên các trang mạng tại Hoa Lục đã cho thấy Trung Cộng đặc biệt lo ngại về tầm ảnh hưởng của Joshua Wong cùng các những thủ lãnh Hồng Kông khác.

Joshua Wong sinh năm 1996, một năm trước khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Cộng, có thể xem Joshua lớn lên trong một tân Hồng Kông đã bị Trung Cộng chi phối, không như vốn đã từng là một phần của thế giới tự do. Có lẽ vì vậy mà tinh thần dân chủ và phản kháng của Joshua đã tỏ mạnh mẽ, là khuôn mặt tiêu biểu cho giới trẻ Hồng Kông cùng thế hệ.  Năm 15 tuổi, Joshua  khởi xướng phong trào phản đối  Trung Cộng có ý định tiêm nhiễm vấn đề ý thức hệ vào Hồng Kông, qua chiến dịch tuyên truyền “dân tộc và đạo đức” đưa vào học đường. Cùng với một số bạn bè, Joshua khởi xướng phong trào Scholarism (Học Dân Tư Triều) để phản đối những áp đặt giáo dục của Trung Cộng. Phong trào Scholarism  huy động được hàng chục ngàn sinh viên học sinh (SVHS) tuần hành, vây quanh các cơ quan chính phủ  để đòi hỏi những người đứng đầu Hồng Kông phải hủy bỏ các chương trình của Trung Cộng. Không ngừng ở đó, phong trào Scholarism còn tiếp tục quy tụ các SVHS để trở thành một trong những tiếng nói dân chủ mạnh mẽ nhất Hồng Kông,  lên tiếng về các vấn đề chính trị lớn lao hơn như cải tổ lại hệ thống bầu cử theo thể thức dân chủ, phản đối sự can thiệp của Trung Cộng.

Năm 2014, ở tuổi 17,  Joshua Wong trở thành một trong những thủ lãnh sinh viên đầy ảnh hưởng trong cuộc Cách Mạng Dù Vàng, kêu gọi SVHS và người dân bất tuân dân sự, bãi khóa và xuống đường nhằm phản đối Trung Cộng áp đặt luật lệ bầu cử lên Hồng Kông.  Cuộc xuống đường của người dân cùng SVHS Hồng Kông kéo dài hơn hai tháng rưỡi và đã nhận được sự ủng hộ từ khắp thế giới.  Cuộc tranh đấu này đã làm anh bị vào tù ra khám, chịu án hai tháng tù giam và chỉ mới ra tù hồi giữa tháng Sáu năm nay, đương lúc cuộc tranh đấu mới phản đối dự luật dẫn độ của Hồng Kông diễn ra. Joshua đồng sáng lập đảng Demosisto (đảng Vì Dân) năm 2016 và hiện là Tổng Thư Ký của đảng phái chính trị này, hứa hẹn sẽ hiện diện tích cực trên chính trường Hồng Kông trong thời gian tới. Anh được Netflix dựng phim và từng được đề cử danh hiệu “Nhân Vật trong Năm” (2014) của Time và được đề cử giải Nobel Hòa Bình (năm 2017) cùng với người biểu tình trong phong trào Dù Vàng.

2. Agnes Chow (Chu Đình):  Cùng ở tuổi 22 như Joshua Wong và từng là phát ngôn viên của phong trào Scholarism. Agnes tham gia tích cực vào các phong trào dân chủ như kể trên cùng với Joshua Wong và trở thành Phó Tổng Thư Ký của đảng Demosisto. Nói tiếng Anh, Quảng Đông và tiếng Nhật, năm 2018 Agnes Chow buộc phải từ bỏ quốc tịch Anh theo luật định để ra tranh cử vào Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (LegCo) nhưng lại bị ủy ban bầu cử loại bỏ với lý do cô không tuân theo luật lệ và thể thức bầu cử do đã ủng hộ, kêu gọi quyền tự quyết của Hồng Kông, vi phạm “Luật Căn Bản” – luật xem Hồng Kông là đặc khu hành chính trực thuộc Trung Cộng (!?). Giới quan sát cho rằng đây là một động thái chính trị của giới  lãnh đạo Hồng Kông thân Trung Cộng, nhằm ngăn cản Agnes Chow có nhiều khả năng trở thành một nhà lập pháp trẻ tuổi nhất của đảo quốc này một khi được ra tranh cử. Đó là một thủ thuật dùng đối phó với Chủ Tịch đảng Demosisto là Nathan Law trước đó khi dùng luật này để truất quyền nghị viên cùa anh. Agnes Chow hiện là tiếng nói được thế giới chú ý nhiều bên cạnh Joshua Wong.

3. Brian Leung (Lương Kế Bình): 25 tuổi, Brian Leung đang cùng Joshua Wong thực hiện chuyến diễn thuyết tại các đại học và quốc hội Hoa Kỳ tuần này. Từng là Tổng Biên Tập tạp chí sinh viên The Undergrad, Brian vẫn tiếp tục tranh đấu cho Hồng Kông dù sang Mỹ du học sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Chính Trị Học. Hiện đang theo học ban tiến sĩ tại đại học University of Washington, Brian trở về Hồng Kông để tham gia tranh đấu cùng phong trào dân chủ Hồng Kông hồi đầu Hè. Anh là người duy nhất đã can đảm mở mặt nạ khi các sinh viên chiếm tòa  Lập Pháp Hồng Kông, chính thức tuyên chiến cùng Trung Cộng với tuyên bố về “một thế hệ không có gì để mất” và tố cáo Bắc Kinh không tôn trọng lời cam kết giữ chế độ dân chủ tại Hồng Kông khi được phỏng vấn trên tờ Le Monde.  Brian Leung đã kịp rời Hồng Kông trước khi bị bắt để hiện đồng hành cùng Joshua Wong tại Mỹ từ cuối tuần qua.

4. Nathan Law (La Quán Thông): Hiện nay 26 tuổi,  từng là Chủ Tịch Liên Đoàn Sinh Viên Hồng Kông và cũng là môt thủ lĩnh tích cực của phong trào Dù Vàng . Nằm trong phái đoàn sinh viên đối thoại cùng hội đồng đặc khu Hồng Kông, Nathan cùng với Joshua Wong và Alex Chow là ba khuôn mặt thủ lĩnh sinh viên nổi bật, được các hãng tin nước ngoài phỏng vấn, đăng hình ảnh và các phát biểu nhiều trong cuộc tranh đấu này. Có thái độ và phát biểu ôn hòa hơn Joshua,  Nathan cũng từng vào tù ra khám như các thủ lĩnh sinh viên khác vì bị ghép tội tổ chức biểu tình bất hợp pháp. Đồng sáng lập đảng Demosisto và trở thành Chủ Tịch đảng này, Nathan bắt đầu các hoạt động chính trị từ 2016. Tháng 9 năm 2016, ở tuổi 23, Nathan ra tranh cử và đắc cử vào Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông, trở thành nghị sĩ trẻ nhất trong lịch sử Hồng Kông. Tuy nhiên như đã nói trên, anh bị hủy quyền nghị sĩ khi trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, anh cùng những tân nghị sĩ độc lập khác bị cho có những phát biểu và thái độ chống Trung Cộng, vi phạm “Luật Căn Bản”. Nathan Law tốt nghiệp khoa Nghiên Cứu Văn Hóa tại Hồng Kông và được đại học Yale trao học bổng để theo học Cao Học về Đông Á Học từ mùa Thu năm nay. Theo tin trên tờ Yale News, Nathan đã nhận được rất nhiều lời hăm dọa thủ tiêu qua mạng xã hội từ những nhóm Hoa Lục tự nhận là “sinh viên trường Yale” trong những tuần qua.

5. Alex Chow (Chu Vĩnh Khang): Sinh năm 1990, năm nay 29 tuổi, khi phong trào Dù Vàng xảy ra hồi 2014, Alex là người lớn nhất trong nhóm thủ lĩnh sinh viên này. Là cựu sinh viên Văn Khoa và Xã Hội Học ĐH Hồng Kông, Alex là Tổng Thư Ký Liên Đoàn Sinh Viên Hồng Kông, người được xem là biến những cuộc tuần hành của giới SVHS trở thành thành phong trào bất tuân dân sự tại Hồng Kông. Alex từng cứng rắn tuyên bố sẽ hủy bỏ các cuộc họp giữa Liên Đoàn Sinh Viên với đại diện chính phủ nếu có sự đàn áp người biểu tình xảy ra lúc bấy giờ. Năm 2016, Alex theo học Cao Học Đại Học Kinh Tế London và dự kiến theo học ban tiến sĩ tại đại học Berkeley tại California vào mùa Thu năm nay, mà lẽ ra anh đã theo học từ năm trước nếu không bị các án tù như các thủ lĩnh khác. Alex Chow hiện đang là cái gai trong mắt Trung Cộng khi mới hồi đầu tháng Chín này, anh cùng với Joshua đã viết bài trên tờ New York Times để tố cáo chính quyền Hồng Kông thân cộng đàn áp người dân và kêu gọi quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật nhân quyền với biện pháp trừng phạt với những quan chức Trung Cộng xen vào vấn đề Hồng Kông.

6. Andy Chan  (Trần Hạo Thiên), sinh năm 1990,  cựu sinh viên Bách Khoa Hồng Kông cũng xuất thân trong phong trào Dù Vàng và đi vào con đường chính trị từ sau thời gian này. Năm 2016, Andy sáng lập đảng Dân Tộc Hồng Kông, quy tụ các đảng viên là giới sinh viên tranh đấu tích cực cùng các trí thức trẻ mới ngoài 20, mang mục đích vận động cho sự độc lập của Hồng Kông. Chính vì mục tiêu hoạt động này, đảng Dân Tộc Hồng Kông trở thành đảng phái chính trị đầu tiên của Hồng Kông bị xem là bất hợp pháp và bị cấm hoạt động từ khi đảo quốc này bị trao trả lại cho Trung Cộng. Andy Chan thường cho rằng Trung Cộng là mối đe dọa với các quốc gia tự do trên thế giới. Anh vừa bị bắt tại phi trường Hồng Kông trong khi chuẩn bị thủ tục sang Nhật, cùng thời điểm Joshua Wong và Agnes Chow bị bắt hồi cuối tháng Tám vừa qua, ngay trước ngày được kêu gọi sẽ có cuộc tổng xuống đường.  Andy Chan hiện đang bị ghép vào tội danh “âm mưu gây bạo động” và “tàng trữ vũ khí”, một tội danh mà các thể chế cộng sản thường ngụy tạo và gán đặt cho những nhà đấu tranh dân chủ.

Đinh Yên Thảo , Dallas, Texas

RFA