Seite auswählen

Nguồn: Viet Cong attack U.S. Embassy, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1968, trong một phần của chiến dịch Tết Mậu Thân, một nhóm quân du kích Việt Cộng đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Những người lính này đã bao vây Đại sứ quán trong suốt sáu giờ đồng hồ, cho đến khi lực lượng lính dù của Mỹ hạ cánh bằng trực thăng trên mái của tòa nhà sứ quán và đánh trả Việt Cộng.

Tết Mậu Thân đã được lên kế hoạch là một cuộc tấn công đồng loạt vào các thành phố và thị xã lớn ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch được dự kiến diễn ra trong dịp Tết, là thời điểm hạn chế giao tranh theo thông lệ mừng năm mới âm lịch của người Việt. Tháng 12/1967, theo sau cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ tại Khe Sanh, 50.000 lính Mỹ đã được gửi đến để bảo vệ khu vực này, do đó làm suy yếu lực lượng tại những nơi khác. Phản ứng này của Mỹ đã nằm trong chiến lược của Việt Cộng, nhằm dọn đường cho đợt tấn công bất ngờ vào Tết Mậu Thân, khi phe Cộng sản tấn công Sài Gòn, cố đô Huế và hơn 100 khu đô thị khác.

Thời gian và cường độ của các cuộc tấn công đã khiến quân đội Nam Việt và lực lượng Mỹ mất cảnh giác, mặc dù họ cũng nhanh chóng quay trở lại khu vực bị chiếm đóng. Về mặt quân sự, Tết Mậu Thân là một thảm họa cho những người Cộng sản vì họ đã phải chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, dù thất bại nặng nề về quân sự, những người Cộng sản đã giành chiến thắng tâm lý rất lớn, điều cuối cùng giúp họ giành chiến thắng chung cuộc. Hình ảnh lính Mỹ thương vong trong cuộc tấn công đã giúp thúc đẩy tình cảm chống chiến tranh của người dân Mỹ, những người đã quá mệt mỏi với cuộc xung đột dài đằng đẵng (lính Mỹ đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1965; còn các cố vấn quân sự thì đã có mặt từ năm 1961). Công chúng đã vỡ mộng trước những báo cáo quá lạc quan về tiến triển của cuộc chiến và thất vọng với cách mà Tổng thống Lyndon Johnson giải quyết nó.

Johnson, bất lực vì không thể đạt được một giải pháp ở Việt Nam, đã công bố vào ngày 31/03/1968, rằng ông sẽ không tìm kiếm và cũng không chấp nhận sự đề cử của đảng mình cho việc tái tranh cử chức tổng thống. Tướng William Westmoreland, Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã yêu cầu thêm 206.000 quân để tấn công lực lượng địch đang suy yếu. Nhưng Johnson đã từ chối đề nghị của Westmoreland và thay thế ông này bằng Tướng Creighton Abrams. Tháng 05/1968, đại diện của Mỹ và chính quyền miền Bắc đã bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris, và đạt được thỏa thuận chính thức vào tháng 01/1973. Chiến tranh giữa hai miền Nam, Bắc vẫn tiếp tục cho tới ngày 30/04/1975, khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng sản và những người Mỹ cuối cùng cũng rời khỏi Việt Nam.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

 

 

Việt Lê

13-8-2019

Bao nhiêu biệt động còn sống?

 

Muốn tìm hiểu về trận đánh này cần đọc ít nhất 2 cuốn sách: 1. Tet của Don Oberdorfer; và 2. Cuốn sách của Robert J. O’Brien (tựa dài, có thể Google từ tên tác giả). Cuốn sách thứ 1 của Oberdorfer được viết sau sự kiện vài ba năm. Cuốn của O’Brien đầy đủ và cập nhật hơn, ra mắt năm 2009. Vì sao năm 2009? Vì đây là năm mà một số tư liệu về trận Đại sứ quán Tết Mậu Thân được Mỹ giải mật. Trong đó quan trọng nhất là các báo cáo hỏi cung 3 Việt Cộng bị bắt trong trận này.

Về 3 VC sống sót, phía Mỹ vì lý do gì đó không tiết lộ, và nó là một bí mật cho đến tận gần đây. Đương nhiên người ta biết ít nhất có 1 VC còn sống và bị bắt, đó là Ba Đen, chỉ huy của toàn bộ nhóm biệt động. Hình ảnh ông này bị bắt sống và được lính Mỹ áp giải bên ngoài Tòa Đại sứ đã được đăng tải khắp thế giới vào thời điểm đó. Oberdorfer trong Tet cho biết có ít nhất 2 VC còn sống, nhưng không biết tung tích.

Theo O’Brien, 3 tù binh VC là Ngo Van Giang, Nguyen Van Sau ( tự “Chuc”), và Dang Van Son. Những người này bị Trung tâm Tình báo Quân đội Tổng hợp (CMIC của Mỹ) hỏi cung, và báo cáo hỏi cung về 3 VC này hiện đang nằm trong trung tâm lưu trữ quốc gia ở Maryland. Rất tiếc, mình rất muốn đọc hết cả 3 báo cáo nhưng chỉ tìm được của tù binh Nguyen Van Sau, có hình chụp từ báo cáo đăng bên dưới.

Sau trận đánh, 3 tù binh được Mỹ bàn giao cho cảnh sát VNCH. Như vậy, ngoài hỏi cung của Mỹ, chắc chắn phía VNCH có phần hỏi cung tù binh của riêng họ. Và những tư liệu tiếng Việt này có lẽ vẫn còn nằm đâu đó trong kho lưu trữ ở VN?

Ngo Van Giang chắc chắn là tên mà Ba Đen, được biết đến trên báo chí VN là Ngô Thành Vân, khai với CMIC. Có vẻ như trong 3 tù binh chỉ có mỗi Ba Đen sống sót trong tù của VNCH cho đến sau năm 1975. Ông này cũng là một bí ẩn khác của biệt động Sài Gòn, vì với vai trò quan trọng, chứng nhân của trận đánh lịch sử như vậy, nhưng Ba Đen chẳng bao giờ được xuất hiện đình đám như những ông Tư Chu, Mười Hương, v..v.. Thử tìm thì không thấy bài báo nào phỏng vấn trực tiếp ông này, hoặc có thể có nhưng đã từ rất lâu.

Tù binh thứ 2 là Nguyen Van Sau, ông này bị thương từ sớm và nửa bất tỉnh cho đến khi bị bắt. Đọc lời khai của Nguyen Van Sau khá hay ho. Ông này khai bị VC vào làng bắt lính, trói tay lại dẫn đi, chứ không phải tình nguyện. Rồi sau đó do đồng đội chung quanh cũng toàn người làng bị bắt lính, cùng độ tuổi, thấy ai cũng muốn chiến đấu, thế là “giác ngộ” luôn.

Tù binh thứ 3 là Dang Van Son, bị thương ở đầu, bất tỉnh rồi bị bắt. Ông này nằm viện cho đến mấy tháng sau đó. Dang Van Son khai là đầu bếp của đơn vị bị huy động đi chiến đấu.

Ngo Van Giang cho biết tài xế của Đại sứ quán tên là Ba đã tham gia vào trận đánh. Điều này phù hợp với xác nhận của lính Mỹ cho biết có ít nhất 2 VC mặc áo sơ mi trắng, và có thẻ nhân viên Đại sứ quán chết trong trận đánh. Như vậy qua lời khai của tù binh, tư liệu Mỹ xác nhận có ít nhất 2 lái xe nhân viên Đại sứ quán Mỹ là VC nằm vùng. Ngoài ông Ba, còn một người nữa mà lính Mỹ gọi là “Soc Mau” là tài xế. Những chi tiết này mình chưa thấy tư liệu hoặc báo chí của bên thắng cuộc nhắc tới.

Qua lời khai của Nguyen Van Sau, và có thể của cả Ngo Van Giang, phía Mỹ khám xét garage của bà Nguyễn Thị Phê ở 59 Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ ngày nay) và một ngôi nhà khác của gia đình bà này gần đó. Đây là điểm tập kết của đội biệt động trước trận đánh. Hơn 10 người trong 2 nhà này bị bắt, trong đó có 1 cảnh sát và 1 sĩ quan quân đội VNCH. Những người này không rõ số phận ra sao sau đó, và hình như cũng ít được bên thắng cuộc nhắc đến hay ghi công gì.

Trong một điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi ngày 27 tháng 2 năm 68 được giải mật năm 2009, Đại sứ và nhân viên xác nhận tài xế của Đại sứ quán tham gia vào trận đánh. Bức điện này cho biết một báo cáo chi tiết về việc Nguyen Van De tham gia trận đánh sẽ được gửi sau khi tù binh Ngo Van Giang bị khai thác hết. Tuy nhiên, báo cáo này có lẽ chưa được giải mật. Nhưng quan trọng hơn, ta biết được tên của một trong hai lái xe VC nằm vùng là Nguyen Van De.

 

Diễn biến chính

 

Diễn biến trận đánh theo tư liệu từ phía VN cho thấy sự khác biệt lớn với nguồn của Mỹ. Nguồn phía VN được tham khảo là sách Biệt động Sài Gòn của ông Tư Chu và một cuốn sách gần đây ra đời kỷ niệm 50 năm Mậu Thân của Hà Minh Hồng – Trần Nam Tiến.

Theo đó, khác biệt lớn nhất là ở 2 điểm sau. Theo nguồn VN:

1. Đội biệt động chiếm được tòa nhà chính, ít nhất là tầng trệt và lầu 1.

2. Số thương vong của phía Mỹ rất cao. Cụ thể, theo nguồn “khiêm tốn” nhất và mới nhất của HMH – TNT: 5 lính Mỹ chết tại chỗ, 17 chết tại quân y viện, và 124 bị thương.

Dễ thấy các thông tin đó là trung thành với một câu chuyện gốc được đăng đi đăng lại từ rất lâu ở VN. Rất tiếc là thông tin về diễn biến trận đánh ngày nay đã dễ dàng kiểm chứng được, chứ không như cách đây hai hay ba chục năm trước.

Trong thực tế, đội biệt động do Ba Đen chỉ huy đã nổ bộc phá đột nhập vào bên trong hàng rào của Đại sứ quán Mỹ. Nhưng đây chỉ là khuôn viên. Trong suốt trận đánh, họ hoàn toàn không vào được tòa nhà chính mà Mỹ gọi là Chancery. Nếu biết số lính Mỹ thực sự bảo vệ ĐSQ Mỹ bên trong hàng rào, có lẽ ta sẽ khá bất ngờ.

Cần biết trước Tết Mỹ đã đồng ý nhường lại trách nhiệm phòng thủ Sài Gòn cho VNCH. Chỉ một ít lính Mỹ đóng quanh các tòa nhà, trụ sở của Mỹ. Cụ thể Tòa Đại sứ Mỹ lúc đó vừa dời từ Hàm Nghi về khu nhà mới xây ngay góc Mạc Đĩnh Chi và Thống Nhất (Lê Duẩn hiện nay). Trách nhiệm phòng thủ phía ngoài ĐSQ là của cảnh sát quốc gia VNCH đóng ở 3-4 bót chung quanh. Bên trong hàng rào, có 2 quân cảnh thuộc tiểu đoàn 716 Quân Cảnh Mỹ đóng ở bót gác cạnh cửa hông bên phía đường MĐC. Bên trong tòa nhà Chancery có 2 thủy quân lục chiến chốt ngay sau cửa chính. Trên sân thượng có thêm 1 thủy quân lục chiến. Số đông thủy quân lục chiến bảo vệ TĐS đóng ở một tòa nhà gọi là Marine House cách đó một vài khu phố. Như vậy, toàn bộ lực lượng bảo vệ của Mỹ đóng trong ĐSQ chỉ là 5 người. Đương nhiên có một số nhân viên ĐSQ cả Mỹ lẫn Việt còn ở trong tòa nhà Chancery vào đêm đó, nhưng họ là dân sự.

Nguồn VN ( sách HMH – TNT) cho biết có 17 biệt động bao gồm Ba Đen, trong khi theo O’Brien có thể có đến 19 biệt động, bao gồm một số lái xe của ĐSQ nằm vùng. Với nhân sự vượt trội, đội biệt động của Ba Đen đáng lẽ ra đã dễ dàng chiếm được toàn bộ tòa nhà Chancery.

Điểm quyết định trận chiến xảy ra sau khi bộc phá nổ tung một lỗ hàng rào gần góc TN – MĐC. 2 biệt động chui vào đầu tiên đã bị 2 quân cảnh ở bót gần cửa hông bắn hạ. 2 quân cảnh ngay sau đó bị bắn từ phía sau bởi một lái xe nằm vùng của ĐSQ (vừa lái xe vào trước đó). Trong một phút vài phút đầu tiên, có 4 người từ cả 2 phía bị loại ra khỏi vòng chiến. Và thật không may cho đội biệt động vì 2 người bị bắn hạ chính là 2 chỉ huy (ngoài Ba Đen). Chính vì lý do này, những biệt động còn lại thiếu lãnh đạo, tự phát chiến đấu. Tất cả diễn biến trong vài phút đầu tiên mang tính quyết định này đã được tư liệu Mỹ kiểm chứng qua hỏi cung 3 tù binh biệt động bị bắt sau đó.

Ngay sau khi nghe tiếng nổ, một thủy quân lục chiến đã khóa chốt cánh cửa chính tòa nhà Chancery từ bên trong. Một số biệt động dùng B-40 bắn vào nhưng không suy suyển. Nếu dùng chất nổ phá cửa, có thể họ đã vào được tòa nhà, nhưng không hiểu sao người chỉ huy còn lại lúc đó đã không dùng phương án này.

Ngay trong những phút đầu tiên, lính thủy quân lục chiến ở trên nóc tòa nhà Chancery dùng shotgun bắn xuống, nhưng kẹt đạn và sau đó tiếp tục dùng súng lục. Cần biết rằng cho đến thời điểm đó, toàn bộ thủy quân lục chiến bảo vệ bên trong ĐSQ vì lý do gì đó vẫn không được trang bị súng M-16.

Một thời gian ngắn sau, nhận được tín hiệu kêu cứu trên băng tần của Quân cảnh, 2 quân cảnh đang tuần tra gần đó chạy xe đến. Khi họ vừa xuống xe phía bên ngoài ĐSQ thì bị hỏa lực từ bên trong hàng rào bắn hạ.

Không lâu sau, nhận tin kêu cứu, đội thủy quân lục chiến từ Marine House chia 2 hướng tiến về ĐSQ. Một đội chiếm cứ các tòa nhà đối diện, dọc theo đường MĐC để bắn xuống khuôn viên ĐSQ, nơi những biệt động VC đang núp sau các bồn hoa. Họ không vào được tòa nhà chính nên bị kẹt giữa khuôn viên, và sau đó dần dần bị thủy quân lục chiến bắn tỉa từng người một từ các lầu cao chung quanh.

Trận chiến kết thúc vào tầm 9h sáng. Toàn bộ phía Mỹ có 5 lính chết : 4 quân cảnh kể trên và thêm 1 thủy quân lục chiến trúng đạn ở ngoài ĐSQ. Ngoài ra không có ai chết ở quân y viện, khác xa các con số thổi phồng của nguồn VN. Toàn bộ đội biệt động bỏ mạng tại trận, trừ 3 người còn sống sót và sau đó bị bắt, hỏi cung như bài trước đã cho biết. Con số chính xác của đội biệt động tham gia vẫn không xác định được. Vì trong số xác người Việt tìm thấy ở ĐSQ hôm đó, có nhiều người mặc sơ mi trắng, đồng phục nhân viên ĐSQ. Có thể những người này là VC nằm vùng, hoặc bị lạc đan. Tuy nhiên, từ các nguồn, quân số đội biệt động có thể từ 17-20 người.

Người đọc bình thường sẽ nêu lên câu hỏi: Có thể phía Mỹ tạo hiện trường giả cho thấy VC không vào được bên trong tòa nhà Chancery?

Cần biết, vì lý do nào đó mà một nhân viên ĐSQ đã đánh tin cho cánh nhà báo biết về trận chiến từ rất sớm. Do đó, báo giới quốc tế đã có mặt trước ĐSQ từ khi trận chiến chưa kết thúc. Chính ở đây, một đài khá có tiếng của Mỹ hỏi một thủy quân lục chiến đang hoảng loạn bên ngoài tòa nhà. Anh này cho biết bị bắn từ trên các tầng cao của tòa nhà Chancery. Từ đó, đài này kết luận và loan tin VC đã chiếm được tòa nhà chính Chancery. Thực tế, một số phóng viên đã kiểm chứng tại hiện trường và thấy cánh cửa chính vẫn còn khóa nguyên. Không có dấu hiệu chứng minh VC đã vào được bên trong tòa nhà chính.

Như vậy, khi so thông tin giữa 2 phía, ta thấy: Biệt động không vào được tòa nhà chính ĐSQ Mỹ; và số thương vong của Mỹ chỉ là 5 người chết. Đội biệt động của Ba Đen chỉ chiếm được bãi cỏ. Tuy vậy, cũng nên đọc lại các bài báo kể về diễn biến trận này từ phía VN để nghiên cứu thêm về tính hư cấu của lịch sử.

 

Chết sau những bồn hoa

 

Cuộc tấn công của Việt Cộng vào Đại sứ quán Hoa Kỳ trong Sài Gòn

Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 07 năm 1968 (12/02/1968)

“Đại sứ quán bị đánh chiếm”, báo chí Đức đăng tải sau cuộc tấn công của Việt Cộng vào Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Bài tường thuật sau đây của tờ tạp chí Mỹ “Newsweek” cho thấy: tòa nhà giống như một pháo đài đã đứng vững trước cuộc tấn công, Việt Cộng chỉ vào được đến khu vườn.

Đại sứ quán Hoa Kỳ bị hư hại vì súng cối và hỏa tiễn, ngày 31 tháng 1 năm 1968

Đại sứ quán Hoa Kỳ bị hư hại vì súng cối và hỏa tiễn, ngày 31 tháng 1 năm 1968. Ảnh: Vietnam Center and Archive

Lúc đấy đã khuya, trong đêm đầu tiên của năm mới Phật giáo Tết. Ba triệu người dân Sài Gòn phần lớn đã ngủ say – kiệt sức vì ngày lễ này, ngày mà họ đã ăn mừng với mực, mía và không biết là bao nhiêu chai bia “La Rue”.

Trên đại lộ Thống Nhất rộng và được chiếu sáng, người đàn ông gầy gò mang tên Nguyen Van Muoi lái chiếc limousine Citroën màu đen của mình chạy chậm chậm ngang qua một tòa nhà màu trắng. Trên ghế sau – như một vật mang lại may mắn – là một thanh kiếm Samurai được trang trí rất nghệ thuật.

Lúc gần ba giờ sáng, Muoi tiến đến gần tòa nhà màu trắng đó thêm một lần nữa. Ông ấy nhìn đồng hồ và rồi gọi to ra cửa sổ của chiếc xe: “Tiến!” Theo tín hiệu đấy, 19 người Việt Cộng trẻ tuổi – tất cả đều thuộc tiểu đoàn tinh nhuệ C-10 – lao ra từ những nơi ẩn nấp của họ và chạy dọc theo con đường đến Đại sứ quán của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Hai quân cảnh Mỹ đứng canh gác tại một lối vào phụ bị giết chết ngay lập tức vào lúc cuộc tập kích bắt đầu. Đồng thời, những người tấn công dùng một súng chống tăng 89 milimét để bắn thủng một lỗ to trong bức tường bằng bê tông-sắt bao bọc quanh khu đất của Đại sứ quán và chui qua đấy.

Lỗ trên tường mà biệt đội Việt Cộng đã thông qua đó để tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ

Lỗ trên tường mà biệt đội Việt Cộng đã thông qua đó để tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ảnh: Vietnam Center and Archive

Sau khi đội tiên phong xâm nhập vào trong khu vườn giống như một công viên của Đại sứ quán, họ phá ổ khóa của cổng phụ trên đường Mạc Đỉnh Chi để cho các chiến hữu của họ vào. Rồi toàn bộ nhóm người được trang bị nhiều vũ khí, một phần trong bộ pyjama đen của nông dân với băng đỏ, một phần mặc quần áo màu xanh lá cây, tỏa ra trong khu đất Đại sứ quán rộng 16.000 mét vuông. Chỉ trong vòng vài giây, từng người một đã bò đến vị trí đã định trước của mình, như đã học thuộc trong nhiều tháng luyện tập bí mật.

Trong tầng bốn của tòa nhà chính có sáu nhân viên dân sự Mỹ trong các gian phòng truyền tin và mã hóa; qua điện thoại họ báo tin tòa đại sứ bị bao vây. Ngay sau đó, đường dây điện thoại bị cắt đứt.

Trong tầng trệt, hai người lính canh chạy trên sàn nhà bằng đá hoa cương của gian tiền sảnh được chiếu sáng rực đến cánh cửa nặng nề bằng gỗ tếch của cửa chính. “Tiếng nổ vang khắp xung quanh tôi”,  trung sĩ Ronald W. Harper, 20 tuổi, nhớ lại.

“Tôi nghĩ Việt Cộng sẽ lao vào trong giây lát. Tôi đóng cửa lại. Ngay trong khoảng khắc đó, một quả đạn trúng vào cửa sổ và cửa cái. Nó làm cho chiến hữu tôi bị thương ở tay, mặt và chân và hất tôi ngã xuống đất.”

Bắn bằng súng chống tăng B-40, những người khủng bố bắn thủng cánh cửa gỗ nặng thêm một lần thứ nhì, nhưng không thể phá vỡ nó được. Vì Tòa đại sứ trong Sài Gòn được xây dựng như một pháo đài.

Cửa chính vào Đại sứ quán Hoa Kỳ, ngày 31 tháng 1 năm 1968

Cửa chính vào Đại sứ quán Hoa Kỳ, ngày 31 tháng 1 năm 1968. Ảnh: Vietnam Center and Archive

Tòa nhà được bảo vệ bở những tấm che nắng terracotta dầy, những cái cũng được dùng như tấm chắn chống áp lực nổ. Cửa sổ được làm từ kính an toàn. Chẳng bao lâu sau đó, phe tấn công phải nhận ra rằng họ không thể vượt qua các công sự của tòa nhà này được. Đạn của họ chỉ phá vỡ từng miếng to sắc nhọn ra khỏi lưới bảo vệ và làm rơi biểu tượng quốc gia tròn và lớn từ trên lối vào đại sứ quán xuống.

Chưa đầy 20 phút sau khi cuộc tấn công bắt đầu, một “nhóm phản công” gồm sáu người của tiểu đoàn cảnh sát 716 xuất hiện trước Tòa đại sứ. Đạn của Việt Cộng bắt buộc họ phải tìm nơi ẩn nấp ở  rãnh nước. Hai quân cảnh khác, đến trên một chiếc xe Jeep lao quanh góc đường với lốp xe kêu rít lên, chạy ngay vào giữa làn đạn bắn chéo cánh sẻ và bị giết chết. Bắt đầu từ đấy qua suốt cả đêm, những người Việt Cộng nấp bắn từ sau những cột to hay sau những bồn hoa khổng lồ quanh Đại sứ quán.

Vào lúc trời rạng sáng, thiếu tá Hillel Schwartz, 39 tuổi, một sĩ quan to khỏe, người mới vừa sang đóng quân ở Việt Nam, nhận lệnh tác chiến qua máy vô tuyến. Ông ấy phải chỉ huy cuộc tấn công bằng trực thăng đầu tiên của ông ấy trong cuộc chiến này – chống lại chính tòa Đại sứ quán của mình.

Các chiếc trực thăng Huey mà Schwatz với hai trung đội “Đại bàng thét” (lính dù của sư đoàn 101) ngồi trong đó đã bay đến chỉ còn cách bãi đáp trực thăng trên nóc nhà sứ quán vài mét. Họ bị những loạt đạn của Việt Cộng đuổi đi hai lần.

Cuối cùng, vài phút trước bảy giờ sáng, nhóm quân cảnh nhỏ trước Đại sứ quán xung phong vào giữa làn đạn của quân địch.

Một người Việt Cộng chết trong Đại sứ quán Hoa Kỳ ngày 31 tháng 1 năm 1968

Một người Việt Cộng chết trong Đại sứ quán Hoa Kỳ ngày 31 tháng 1 năm 1968. Ảnh: Vietnam Center and Archive

Trong khi trận chiến vẫn còn đang diễn ra, thông tín viên “Newsweek” John Donnelly lên đường đi xuyên qua các con đường đang có đánh nhau ác liệt của Sài Gòn để đến Đại sứ quán.

“Khi tôi đến khu đất của Đại sứ quán, Việt Cộng chết nằm rải rác trên cỏ được cắt xén cẩn thận và trên sỏi cạnh những bồn hoa. Máu của họ chậm chạp thấm vào đất. Tất cả họ đều được trang bị bằng súng AK-47 và có ít nhất là ba khẩu chống tăng B-40.

“Quân cảnh đã đẩy một người Việt Cộng vào một ngôi biệt thự hai tầng màu trắng trong phần phía sau của khu đất, nơi đại tá George Jacobson cư ngụ. Ngồi sau những bồn hoa trên bãi cỏ, lính quân cảnh bắn vào các cửa sổ ở dưới của căn nhà. Không thể xác định được tên Việt Cộng đang nấp ở đâu, nhưng thỉnh thoảng hắn bắn một loạt đạn, và tất cả đều nằm rạp xuống đất.

“Cuối cùng, một sĩ quan an ninh của Đại sứ quán ném lên cho đại tá Jacobson ở trên tầng hai của ngôi nhà một khẩu súng ngắn và nhiều quả lựu đạn cay. Hơi cay đẩy người Việt Cộng chạy lên cầu thang đến chỗ của Jacobson. Người du kích nhắm bắn viên đại tá ba lần, nhưng không trúng. Thế rồi Jacobson ngắm bắn với khẩu súng ngắn của mình (cỡ 45) và giết chết người đấy.”

Sáu giờ sau khi cuộc tấn công của Việt Cộng bắt đầu, khu đất của Đại sứ quán Hoa Kỳ lại được giật ra khỏi tầm kiểm soát của quân Đỏ. Trong trận chiến, có năm lính Mỹ tử trận, tất cả 19 Việt Cộng đều bị giết chết.

Phan Ba dịch từ Der Spiegel 07/1968

http://www.spiegel.de/spiegel/print/d-46135627.html