Mạc Văn Trang
2-10-2019
Tối nay 2/10/2019, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm về nhóm Giáo dục Cánh Buồm nhân Kỷ niệm 10 năm thành lập và 100 ngày mất của Nhà giáo Phạm Toàn, người sáng lập và lãnh đạo nhóm Giáo dục hiện đại Cánh Buồm. Cuộc Hội thảo được đồng tổ chức bởi L’Espace và NXB Tri Thức.
Sau lời phát biểu của ông Thierry Vergon Giám đốc L’Espace, GS Chu Hảo điều khiển Chương trình. Tôi thay mặt nhóm Cánh Buồm trình bày báo cáo (đăng ở dưới); cô giáo Phương THảo báo cáo về dạy và học Văn, Tiếng Việt theo phương pháp Cánh Buồm thế nào; Phần Thảo luận, 9 ý kiến trao đổi; sau đó Nhà Thơ, dịch giả Hoàng Hưng nói về xây dựng tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm. Cuối cùng cô Pham Mai Hiền, con gái nhà giáo Phạm Toàn nói lời Cảm ơn.
Không ngờ nhiều người quan tâm đến thế, cử tọa ngồi gần kín Hội trường lớn của TTVH Pháp và chăm chú theo dõi cho đến phút cuối. Rất tiếc thời gian có hạn, nên nhiều người muốn phát biểu đành không thể!
Dưới đây là bản báo cáo của tôi, xin giới thiệu để bạn nào quan tâm, ngó qua.
LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN GIÁO DỤC CÁNH BUỒM
(Báo cáo Tóm tắt, nhân Kỷ niệm 10 năm thành lập Nhóm Cánh Buồm và 100 ngày mất của Nhà giáo Phạm Toàn)
Mạc Văn Trang
PGS TS Tâm lý học
Phạm Toàn (PT) là người thiết tha yêu nước, từ 1945 PT cùng nhiều bạn bè “xếp bút nghiên” lên đường đi chiến đấu giành Độc lập cho dân tộc. Rồi số phận đưa đẩy, PT đi học sư phạm, ông thành Nhà giáo, Nhà Văn vừa viết sách vừa đi dạy học. Sách của PT dạy cho HS dân tộc vùng núi đã được Giải thưởng UNESCO (1984). Cả đời PT vừa Tự học, vừa đi dạy, vừa viết văn, vừa dịch sách, vừa nghiên cứu Văn học, Nghệ thuật, Tâm lý học, Khoa học giáo dục… Từ đó ở PT đã hình thành nên niềm khát khao muốn đem tất cả những gì mình đã tích lũy được, truyền đạt lại cho thế hệ trẻ, bằng phương pháp giáo dục mới, với một niềm tin: sẽ Đúng và Thành công.
Niềm khát khao đó lại gặp lúc giáo dục nước nhà đang có nhiều bất cập. PT đã nghỉ hưu lại đang huấn luyện một nhóm giáo viên (GV) theo phương pháp mới, nhưng thất nghiệp. Vậy là mấy thầy trò lập ra nhóm Cánh Buồm (2009) để thực hiện mong ước của mình.
Việc Nhóm Cánh Buồm (CB) tự tồn tại được và phát triển như ngày nay đã là điều kỳ diệu trong cái xã hội đầy những khó khăn, phức tạp này.
Lý do tồn tại và phát triển của CB đó là nó được Cuộc sống chấp nhận, yêu thương và nuôi sống nó. Nó không có một “ô dù” hay thế lực nào để dựa dẫm, nó tự bươn chải và tự trưởng thành, nhờ vào sự hấp dẫn của lý thuyết và kết quả thực tiễn của việc làm.
1.VỀ LÝ THUYẾT CỦA GIÁO DỤC CÁNH BUỒM
PT rất chú trọng đến cơ sở lý thuyết của giáo dục. Trước khi lập nhóm CB (2009) ông đã nghiên cứu, tổng hợp các lý thuyết cơ bản trong cuốn “Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục” (NXB Tri Thức, Hà Nội, 2008). Sau đó, cùng nhóm CB tiếp tục phát triển tủ sách Tâm lý học giáo dục (TLHGD). PT nói, Tư tưởng, Triết lý giáo dục, lý luận nằm cả trong Sách giáo khoa và các hoạt động giáo dục. Với tư cách một thành viên của nhóm CB, xin nêu ra mấy lý thuyết cơ bản được CB vận dụng.
1.1. Quan niệm về sự Trưởng thành của học sinh
PT quan niệm: Giáo dục là tổ chức sự Trưởng thành của Thế hệ trẻ của dân tộc.
– Luận điểm “Thế nào là giác ngộ”/ Khai sáng (die Aufklärung) của Immanuel Kant): “Giác ngộ là trạng thái ta thoát khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ chưa trưởng thành. Chưa trưởng thành là không có khả năng tự mình dùng hiểu biết của mình mà cứ phải có người dẫn dắt. Nguyên nhân của tình trạng đó không phải vì thiếu trí năng mà do thiếu quyết đoán, thiếu dũng cảm đem trí năng của mình ra dùng, bất cần đến kẻ khác phải chỉ bảo cho”… (Tr. 55. Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục).
– Xuất phát từ TLH lứa tuổi/TLH Phát triển: Được giáo dục đúng, hết THCS (16 – 17 tuổi), HS đủ trưởng thành, trở nên con người biết Tự ý thức, Tự điều chỉnh hành vi, có khả năng Tự chủ bản thân và năng lực Tự học để tiếp tục phát triển… (J. Piaget, A. Kossakowski…)
1.2. Nguyên tắc tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ
PT quan tâm đến TLH của J. Piaget, vì Piaget nghiên cứu Cái tâm lý ra đời, hình thành ở trẻ em “từ không đến có diễn ra như thế nào”? (Sự ra đời của Trí khôn ở trẻ em; Sự hình thành Biểu tượng ở trẻ em; Sự xây dựng (hình thành) Cái thực ở trẻ em; Rồi giai đoạn: Cảm giác vận động; Tiền thao tác, Thao tác Cụ thể; Thao tác hình thức; Tư duy logic…). Từ đó PT rất coi trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ trong quá trình giáo dục…
1.3. Tôn trọng và phát triển cá tính sáng tạo, độc đáo của mỗi học sinh
PT tôn trọng nhân cách HS, khuyến khích, hướng dẫn HS phát triển mọi tiềm năng trí khôn “sẵn có” của mình. Ví dụ, Dạy Văn, cho HS biết hoạt động liên quan đến các loại hình nghệ thuật, HS có thể dùng mọi loại hình nghệ thuật để diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình trước một sự kiện, hiện tượng… Ở đây không nhằm cho HS thuộc bài văn mẫu và làm lại giống văn mẫu, mà là hình thành năng lực cảm thụ và diễn đạt nghệ thuật theo trí năng và cảm xúc riêng của mỗi HS…
Quan điểm này rõ ràng có cơ sở từ Lý thuyết nhiều dạng trí khôn của Howard Garner mà PT đã đề cập trong cuốn Hợp lựu các dòng TLHGD (2008) và sau đó ông dịch cuốn “Cơ cấu Trí khôn” của Howard Garner, NXB Tri thức, 2015)
1.4. Lý thuyết Tâm lý học hoạt động
Tâm lý học hoạt động là một thành tựu quý giá của Nga – Xoviet (L. S. Vygotxky, A. R. Luria, A.N Leontiev, P. Ia. Galperin, V. V. Davydov…) được Phạm Minh Hạc, Hồ Ngọc Đại đưa về Việt Nam áp dụng. PT đã tìm hiểu và viết “thu hoạch” về Tâm lý học hoạt động theo kiểu “bút ký” văn chương: “Lão ngồi mơ nước Nga” 1 – 2 – 3… (Sđd, tr. 183 đến 258), cho thấy ông đã tiếp thu lý thuyết này một cách khá “nhuyễn”.
– Quan điểm của Vygotsky về sự phát triển TỰ NHIÊN của trẻ phải song hành cùng với sự phát triển NHÂN TẠO (giáo dục đúng) để tạo ra sự phát triển con người xã hội, con người văn hóa lịch sử; giáo dục đúng mới thúc đẩy trẻ vươn tới “Vùng phát triển gần nhất”, vượt lên tình trạng tự nhiên, hiện có…
Điều này giúp ta nhìn thấy có thể có ba kiểu giáo dục: Một là, giáo dục kìm hãm sự phát triển tự nhiên của trẻ bằng việc dạy những tri thức và lối tư duy lỗi thời, áp đặt; hai là, giáo dục “vừa sức”, song hành với sự phát triển của trẻ; và ba là, giáo dục kích thích, có cách giúp trẻ vươn tới “vùng phát triển gần nhất”…, (bổ sung vào lý thuyết của J. Piaget);
– Giáo dục bằng hoạt động làm ra sản phẩm: “Toàn bộ con người được khách quan hóa và được hiện ra trong các sản phẩm của nó” (Vygotsky, tr.196 sđd).
– HOẠT ĐỘNG gồm các thành tố cơ bản: Hoạt động – Động cơ; Hành dộng- Mục đích; Thao tác – Công cụ/phương tiện và làm ra Sản phẩm.
– ĐỘNG CƠ hoạt động học được phân biệt: Động cơ ĐỐI TƯỢNG và Động cơ KÍCH THÍCH. Động cơ Đối tượng chính là vì sự “bổ ích, lý thú” của MÔN HỌC đối với HS; nó bền vững, tạo nên sự phát triển ở HS, càng phát triển càng say mê Đối tượng…
Động cơ Kích thích (nằm ngoài tượng: cho điểm, thưởng phạt, thi đua khen thưởng tuyên dương…) tất cả có thể kích thích mạnh, nhưng chỉ tạm thời, không bền vững, đặc biệt, tạo ra sự méo mó động cơ hoạt động của trẻ.
Cho nên CB hướng dẫn cho HS biết khám phá đối tượng để hứng thú và phát triển; không cần đến kích thích giả tạo bằng gây áp lực, cho điểm, thi đua, khen thưởng…
– HÀNH ĐỘNG thực hiện 1 Nhiệm vụ/Việc làm => Sản phẩm bộ phận. Đây chính là khâu quan trọng nhất trong dạy học: Tổ chức Hành động học tập của HS để thực hiện từng Việc làm, từ định hướng cho đến đến quá trình làm ra Sản phẩm.
– THAO TÁC: Có hệ thống thao tác mới thực hiện được hành động, không biết thao tác không làm được gì cả! Biết Thao tác hóa thì những khái niệm trừu tượng cũng có thể hướng dẫn HS Tiểu học hành động để tự hình thành được (PT đã thao tác hóa sự Đồng cảm, thao tác hóa Tưởng tượng, thao tác hóa Liên tưởng, Thao tác hóa Bố cục một bài văn nghị luận để hình thành được ở HS lớp 1-2-3-4 thành công bằng việc học môn Văn). Đây là thành công về TLGD có giá trị đặc biệt.
– Hoạt động đem lại SẢN PHẨM KÉP: Sản phẩm vật chất bên ngoài và Sản phẩm Tâm lý bên trong. Hành động Bên ngoài diễn ra thế nào thì Trong óc cũng diễn ra tương ứng => Hình thành hành động Trí óc, Tư duy (bên trong) bằng cách Tổ chức hành động Tay chân bên ngoài… (hành động bên ngoài tường minh, logic thì trong óc mới có được tư duy tương ứng).
– Từ đó PT huấn luyện cho các giáo viên biết cách tổ chức cho HS hoạt động học để khám phá Đối tượng, bằng cách tự làm ra Sản phẩm bên ngoài, cũng là quá trình hình thành cái Tâm lý bên trong. Quá trình đó giúp HS lĩnh hội cả Tri thức lẫn Phương pháp làm ra Tri thức một cách chắc chắn, khiến cho HS thích học và biết cách Tự học.
1.5. Cái và Cách trong Dạy – học (Lấy ví dụ 2 môn học Văn và Tiếng Việt)
Theo nghiên cứu của Hồ Ngọc Đại thì mỗi CÁI (đối tượng) phải có một CÁCH (phương pháp) để chiếm lĩnh. Từ đó PT vận dụng vào Cách dạy Văn (Nghệ thuật) khác với Cách dạy Tiếng Việt (Ngôn ngữ).
1.5.1. Dạy và Học VĂN
CÁCH học Văn CB không nhằm dạy HS những “mẹo” hoặc những “kỹ thuật” học giỏi văn, đặc biệt không bắt HS học thuộc các “bài văn mẫu”. CB giáo dục cảm xúc nghệ thuật và tạo cho HS năng lực am tường nghệ thuật bằng cách hướng dẫn HS tự làm ra cái đẹp nghệ thuật.
– Lớp Một học về lòng ĐỒNG CẢM, để có cảm hứng làm ra tác phẩm nghệ thuật;
– HS lớp Hai học thao tác TƯỞNG TƯỢNG để tạo ra hình tượng nghệ thuật;
– HS lớp Ba học thao tác LIÊN TƯỞNG để nhào nặn cho hình tượng phong phú;
– HS lớp Bốn học thao tác SẮP XẾP (bố cục).
– HS lớp Năm đã nắm được 4 Thao tác của ngữ pháp nghệ thuật, đủ sức tự tham gia hoạt động với các loại hình nghệ thuật cơ bản: âm nhạc, nhảy múa, tạo hình, văn tự sự, thơ trữ tình, và kịch để hoạt động làm ra các sản phẩm nghệ thuật.
– HS lớp 6: CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT. Vì sao người ta làm ra tác phẩm nghệ thuật: làm Thơ, viết văn Tự sự, Vẽ, chơi Âm nhạc, chơi Kịch…
– HS lớp 7: GIẢI MÃ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Trữ tình và Kịch nghệ)
– HS lớp 8: VĂN TỰ SỰ và các phương thức biểu đạt tự sự;
– HS lớp 9: TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU…
TỔNG KẾT CON ĐƯỜNG HỌC VĂN BẬC GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Chín năm giáo dục phổ thông: HS biết cách học Văn để tạo năng lực nghệ thuật.
1.5.2. Dạy và Học Tiếng Việt
– Tiếng Việt 1: NGỮ ÂM: Cách ghi và đọc tiếng Việt
– Tiếng Việt 2: TỪ VỰNG: Tạo ra và dùng từ ngữ tiếng Việt
– Tiếng Việt 3: CÚ PHÁP: Tạo ra và dùng câu tiếng Việt
– Tiếng Việt 4: VĂN BẢN: Tạo ra và dùng văn bản tiếng Việt
– Tiếng Việt 5: HOẠT ĐỘNG NGÔN NGỮ (Các dạng hoạt động ngôn ngữ trong xã hội)
– Tiếng Việt 6: NGỮ ÂM – GHI ÂM (Tiếng nói và chữ viết)
– Tiếng Việt 7: TỪ VÀ TỪ VỰNG (Từ, ngữ, từ nguyên, từ vựng tiếng Việt…)
– Tiếng Việt 8: CÁCH BIỂU ĐẠT NGÔN NGỮ (Ngôn ngữ Khoa học, Ngôn ngữ Nghệ thuât, ngôn ngữ Chính trị- xã hội…)
– Tiếng Việt 9: NGÔN NGỮ VÀ TƯ DUY (Tư duy Khoa học, Tư duy Nghệ thuật, Tư duy về các mặt của đời sống)
TỔNG KẾT CON ĐƯỜNG HỌC TIẾNG VIỆT
Chín năm giáo dục phổ thông: Biết cách học để tạo năng lực tiếng Việt.
Tóm lại, nếu người ngoài xem sách giáo khoa CB sẽ sửng sốt vì nội dung “quá nặng”, “quá khó” với HS, nhưng với CÁCH DẠY và HỌC của CB, HS không chỉ lĩnh hội được cả tri thức lẫn phương pháp một cách “ngon lành” mà còn thích thú… HS thực sự am tường Văn và Tiếng Việt cơ bản, vững chắc, phong phú và biết hành dụng chắc chắn, linh hoạt trong cuộc sống.
2. QUÁ TRÌNH LÀM SÁCH GIÁO KHOA CÁNH BUỒM
2.1. Quan niệm
– “Sách Giáo khoa” là loại tài liệu “Ba trong Một”: a/Hướng dẫn GV cách tổ chức học cho HS; b/Hướng dẫn HS tự học, khám phá đối tượng (Bài học) để làm ra Sản phẩm; c/Hướng dẫn HS làm bài tập, vận dụng…
– SGK là Vật liệu có giá trị để HS hoạt động khám phá, lĩnh hội. Vật liệu ấy phải là những “món ăn” Bổ dưỡng và Hấp dẫn, tạo nên sự phát triển bền vững ở HS (đã tiếp thu được là có ích lâu dài, không phải thứ độc hại, hay vô bổ, phải vứt đi làm lại…)
– PT nói SGK làm ra phải không được sai; nó có thể thừa, thiếu, còn thô, chưa tinh tế… sẽ hoàn thiện trong quá trình sử dụng, nhưng quan trọng là đúng hướng.
– Cánh Buồm chỉ có thể làm ra cái “MẪU” về cách làm SGK ở môn Văn, Tiếng Việt (đến lớp 9, hết THCS) và thử làm môn Lối sống, Khoa học, Tiếng Anh (đến lớp 5). Đưa ra một Cái “Mẫu” để mọi người cùng tham khảo, nên SGK Cánh Buồm đưa công khai lên mạng, ai cũng có thể dùng… (Tất nhiên phải theo Luật Sở hữu trí tuệ).
2.2. Quá trình làm SGK
– PT Chủ biên tất cả. Cho nên tất cả quan điểm, tư tưởng, nội dung, phương pháp trong SGK… đều quán triệt thống nhất theo PT.
– SGK CB làm theo cách vừa làm vừa thử nghiệm => Điều chỉnh => Thử nghiệm tiếp = > Hoàn thiện hơn => …
– PT mời rất nhiều Công tác viên (CTV). Bằng hiểu biết và mối quan hệ rộng của mình cùng với sự mách mối của bạn bè, PT đã thu hút được đội ngũ CTV rất phong phú ở khắp trong nước, ngoài nước để cùng làm SGK CB.
– Các CTV đồng quan điểm và Thiện nguyện làm SGK CB. PT rất kiên nhẫn, khéo léo trong thuyết phục để các CTV hiểu Sứ mệnh, Tư tưởng, Quan điểm, Phương pháp, công việc của CB để người viết bài, biên tập hay góp ý, xuất bản, đều có sự đồng thuận cao. Đây là một việc rất quan trọng và rất khó trong làm SGK, bởi vì mời người GIỎI mà thu phục được, PT phải là một người đáng tin cậy, SGK CB phải là việc đáng làm… (Tất nhiên cũng có một số CTV được mời nhưng không thể hợp tác với CB, vì nhiều lý do từ cả hai phía). Nhưng số CTV đã làm SGK với CB là đông đảo và vô cùng quý giá. (Danh sách chưa đầy đủ, đã có hơn 40 CTV).
– Lấy ý kiến góp ý từng bản thảo SGK, nhưng không phải theo kiểu “Hội nghị, Hội thảo góp ý kiến” hay “Hội đồng thẩm định” bỏ phiếu, mà mời vài chuyện gia đọc, góp ý cụ thể, sửa chữa trực tiếp, trao đổi trực tiếp với Chủ biên PT…
– Đem SGK dạy thử nghiệm và điều chỉnh… Nên SGK 5 lớp Tiểu học yên tâm, vì qua Thử nghiệm, chỉnh sửa nhiều vòng. Sách Văn, Tiếng Việt các lớp 6-7-8-9 cũng đã được Thử nghiệm, chỉnh sửa nhưng chưa thật hoàn thiện…
2.3. Kết quả
– Hiện đã có SGK Văn và Tiếng Việt lớp 1- 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9 (đã và đang dạy cho HS từ lớp 1 đến lớp 9)
– SGK Lối sống lớp 1-2-3-4-5
– SGK Khoa học lớp 1-2-3-4-5
– SGK Tiếng Anh 1-2-3
– Trong 10 năm qua, CB đã in gần 75 ngàn cuốn sách CB. (Sách CB giấy dùng Thử nghiêm và biếu tặng là chính).
– SGK CB đưa lên mạng ebooks đã được download gần 30 ngàn lần.
– Kết quả giáo dục CB đã được báo cáo trực tiếp và dược ủng hộ của Vụ GD Tiểu học, của Phó ban Tuyên Giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng, của Ban VHGDTTN quốc hội; được báo chí giới thiệu trân trọng khá nhiều bài (chưa thống kê được)
– Đặc biệt là kết quả thể hiện ở HS học sách CB từ lớp Một đến lớp 9 tại một số trường và tại CLB Ô Xinh (Có báo cáo riêng).
– Năm 2015 Nhà giáo Phạm Toàn và Nhóm Cánh Buồm được Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh trao giải Vì Sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục với những hoạt động sáng tạo góp phần cách tân giáo dục.
– Nhóm CB làm được như vậy vì không chỉ các CTV tham gia đều với tinh thần Thiện nguyện mà còn nhận được sự giúp đỡ bằng TIỀN và tạo ĐIỀU KIÊN của rất nhiều người có tấm lòng với sự nghiệp của giáo dục CB.
3. KẾT LUẬN và KHUYẾN NGHỊ
3.1. Kết luận:
CB là một Tổ chức Thiện nguyện triển khai một Dự án giáo dục mang tính cống hiến xã hội suốt 10 năm và đem lại những thành tựu cụ thể cả về mặt lý thuyết giáo dục lẫn kết quả thực tế, như trình bầy ở trên. Đặc biệt là Phương pháp giáo dục CB được áp dụng ở CLB Ô Xinh và một số trường, đồng thời nhiều giáo viên ở một số nơi vận dụng có hiệu quả. Giáo viên dùng sách CB thấy có tay nghề và say mê; HS học sách CB phát triển năng lực và hứng thú rõ rệt; Cha mẹ HS tin tưởng, ủng hộ*…
Điều CB chưa làm được là chưa có điều kiện mở một Trường phổ thông giáo dục “Cánh Buồm” để áp dụng sách CB một cách đàng hoàng thuần khiết “Chất” Cánh Buồm. Hiện mới chứng minh được những SẢN PHẨM BÊN NGOÀI do HS làm ra; chưa có điều kiện tiến hành đo đạc đánh giá được SẢN PHẨM BÊN TRONG, tức sự phát triển Tâm lý của HS (Cảm xúc, Tưởng tưởng, Tư duy, óc Sáng tạo, Tự chủ, Tự tin… của HS học sách CB đã phát triển ưu việt ra sao). Nhưng “cái bên trong” đã được HS hiện thực hóa ra bên ngoài bằng các SẢN PHÂM trực quan, sinh động, có thể thấy rõ và đánh giá được một cách đáng tin cậy.
3.2. Khuyến nghị
– Những di sản PT để lại và thành tựu của CB cần được tiếp tục duy trì và phát triển với nhiều hình thức, không phải vì PT mà vì con em chúng ta, vì đóng góp cho giáo dục, cho xã hội. Nhóm CB cần củng cố và tiếp tục hoạt động.
– Mong những ai quan tâm đến sự trưởng thành của thế hệ trẻ của dân tộc, hãy tìm hiểu cặn kẽ về giáo dục CB, cùng góp sức cho những Giá trị của CB được khẳng định và lan tỏa. Chúng tôi hy vọng năm sau có thể tổ chức cuộc Hội thảo Khoa học về giáo dục CB, với sự đóng góp của các chuyên gia trên các lĩnh vực liên quan.
– Ngành Giáo dục nên quan tâm nghiên cứu, sử dụng những kết quả của CB vừa giá trị đích thực, vừa không mất một đồng nào.
Hà nội, ngày 30/9/2019
Mạc Văn Trang
______
Chú thích * Đinh Thị Phương Thảo – Chủ nhiệm CLB Ô Xinh, thành viên của Nhóm CB sẽ báo cáo những vận dụng và kết quả cụ thể triển khai Sách và Phương pháp CB.