Seite auswählen

SCMP

Tác giả: David Shambaugh

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm 

1-10-2019


Biếm họa của Craig Stephens

Lời dịch giả: Nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân, Trung Quốc đã thể hiện những mâu thuẫn rõ rệt, vừa ca ngợi thành tích vừa lừa dối lịch sử cận đại.

Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình tuyên bố là Trung Quốc đã tổ chức đất nước như một lực lượng hòa bình có trách nhiệm. Trong một đoạn văn khác, Tập nói rằng không có sức mạnh nào có thể làm lung lay nền tảng của quốc gia vĩ đại này. Dù không ám chỉ Hoa Kỳ, điều đó tất nhiên ai cũng hiểu như vậy. Với một cuộc diễn hành quân sự đã cho thấy Tập muốn Trung Quốc trở thành siêu cường. Các hỏa tiễn viễn liên mới được trang bị bằng mười đầu đạn có thể tới lãnh thổ Mỹ trong nửa giờ. Đó là một thí dụ.

Nhưng Việt Nam có thể chứng minh sự lừa dối của Trung Quốc với các bằng chứng hùng hồn nhất. Trong lúc Tập đọc diễn văn tại Bắc kinh, thì tàu “khảo sát” Hải Dương 8 “mở rộng khu vực khảo sát dọc theo 9 lô dầu mà Trung Quốc tự nhận và mở thầu năm 2012, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Trước đây, tàu Hải Dương 8 quấy phá khu vực Nam Biển Đông, hiện nay vẫn tiếp tục đe dọa hoạt động của Giàn khoan Hakuryu-5 tại khu vực này. Hoạt động của Trung Quốc từ chỗ chỉ tập trung ở khu vực Bãi Tư Chính, nay đã mở rộng thành hai khu vực: Bãi Tư Chính và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. 

Nhưng Việt Nam thiếu can đảm tố cáo đích danh việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ, nên làm cho Trung Quốc ngang nhiên tiếp tục lừa dối về thiện chí hiếu hoà.

Công luận quốc tế thán phục sự phát triển của Trung Quốc: từ nhà nước của công nhân và nông dân trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Với chính sách cải cách và mở cửa kể từ cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã đưa trên 400 trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Không có quốc gia nào trên thế giới đã thành công quá ấn tượng trong việc này như Trung Quốc.

Nhưng mặt khác của phép lạ này là khi Trung Quốc cố tình che giấu những sự thật thương đau do chế độ độc tài gây ra. Vai trò lịch sử của Mao Trạch Đông vẫn là điều cấm kỵ. Chính sách “Bước tiến nhảy vọt” làm cho hàng triệu nạn nhân chết oan uổng, sau đó đã kết thúc với một nạn đói khổng lồ và có lẽ hơn 40 triệu người chết. Hàng trăm ngàn trí thức đã bị bức hại, tra tấn hoặc giết trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Gần đây nhất là vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn cũng không để lại một dấu tích nào. Cho đền nay, không ai nhớ, không sử gia nào can đảm hay được phép làm sáng tỏ những khuất tất của lịch sử. Tất cả sự thật này không có chỗ trong cuộc triển lãm chính thức nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm.

Lễ kỷ niệm vô cùng hào nhoáng trong chiều hướng khép lại lịch sử  cận đại một cách khôn ngoan. Trung Quốc không trình bày khách quan các sự thật lịch sử là tiếp tục đánh lừa dân chúng bằng chính sách ngu dân. Dân chúng vì cơm áo mà đành yên thân trước sự đã rồi. Nhưng một ngày nào đó, sư thật lịch sử sẽ sáng tỏ. Điều đó có nghĩa là cuối cùng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không còn chỗ đứng trong lòng dân tộc.

***

Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc có thể tự hào về những thành tựu để trở thành một cường quốc thế giới. Nhưng trong 10 năm qua, sự chuyển hướng với các biện pháp kiểm soát chính trị và xã hội rộng lớn hơn sẽ đưa đất nước lui về quá khứ đàn áp, thay vì hướng đến một tương lai có thể phát triển toàn diện các tiềm năng.

Ngày kỷ niệm phải là các dịp để ăn mừng các thành tựu, suy ngẫm về quá khứ, đưa ra một bảng đối chiếu về hiện tại và nhìn về tương lai. Kỷ niệm 70 năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc nên là một dịp để làm như vậy.

Điều chắc chắn là sẽ có một buổi lễ diễn hành trọng đại được dàn dựng với phô diễn quân sự tại Quảng trường Thiên An Môn. Một thập niên trước đây, nhân dịp kỷ niệm 60 năm, tôi ngồi trong khán đài xem bên dưới cổng Thiên An Môn và dự khán các loại vũ khí và phao, binh sĩ và dân chúng diễn hành qua Đại lộ Hòa bình vĩnh cửu. Đó là một màn trình diễn gây ấn tượng về niềm tin quốc gia, xuất hiện sau lễ Thế vận hội Olympic 2008 thành công. Vào buổi tối, có những màn pháo hoa hoành tráng và nhiều lễ hội ở quảng trường.

Lần này là một lễ kỷ niệm hoạch định thậm chí công phu hơn. Về mặt quân sự, Quân đội Giải phóng Nhân dân dự kiến sẽ phô bày một số hoả tiễn mới, nhiều bệ phóng hoả tiễn, máy bay ném bom chiến lược, xe tăng hạng nhẹ, máy bay và tàu bay dưới nước không người lái và máy bay thám thính không người lái trinh sát loại siêu thanh viễn liên.

Những hệ thống vũ khí mới này sẽ không chỉ gây tò mò cho giới quan sát Quân đội Nhân dân, mà nó còn gửi tín hiệu mạnh mẽ khắp châu Á và đến Hoa Kỳ về một Trung Quốc đang liên tục tăng cường quyền lực quân sự.

Tuy nhiên, cũng như đã xảy ra đối với tôi cách đây 10 năm trước khi xem màn trình diễn hỏa lực đó, liệu có phải một cuộc phô diễn khích chiến như vậy là mâu thuẫn và phản tác dụng với hình ảnh quyền lực mềm và hiếu hòa trong tình lân quốc mà Bắc Kinh cố tìm cách tô vẽ? Các cuộc thăm dò của Pew tiết lộ rằng, phần lớn các nước ở khắp châu Á đã xem sự trỗi dậy và tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc là tiêu cực.

Người ta tự hỏi liệu điều này có xảy ra trong Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không? Đối với một quốc gia đang tìm cách giảm bớt lý thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc và đang tạo ra về một hình ảnh đẹp ở nước ngoài, có phải đây là cách tốt nhất để làm như vậy? Câu trả lời có thể là cuộc diễn binh nhằm mục đích khơi dậy niềm tự hào trong nước và chủ nghĩa dân tộc hơn là để trấn an người ngoài cuộc.

Ngoài cuộc diễn hành quân sự vào ngày 1 tháng 10, chúng ta nên làm gì với quá khứ, hiện tại và tương lai Trung Quốc?

Chắc chắn là dân chúng và chính phủ Trung Quốc có rất nhiều điều đáng tự hào về bảy thập niên sau khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nền cộng hòa mới.

Bằng bất kỳ một số các biện pháp nào – thống kê kinh tế và các chỉ số phát triển xã hội, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại và vị thế của Trung Quốc trên thế giới – Trung Quốc đã đạt được tiến bộ chưa từng có trong lịch sử thế giới và hiện là một trong những cường quốc thế giới.

Với những thành tựu vật chất và hữu hình như vậy cũng mang lại cảm giác chân thực về thành tựu tâm lý cho người dân Trung Quốc. Sau một thế kỷ phân hoá và nhục nhã, khôi phục ý thức về phẩm giá quốc gia là một trong những mục tiêu chính được thể hiện trong việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc – khi Chủ tịch Mao tự hào tuyên bố trên đỉnh Thiên An Môn là “người Trung Quốc đã đứng lên!“

Trong khi chính phủ Trung Quốc và dân chúng có nhiều điều đáng tự hào và những thành tựu để ăn mừng, thì việc suy nghĩ về quá khứ lại càng khó khăn hơn. Trầm tư về quá khứ không phải là điều mà chế độ khuyến khích, bởi vì nó chứa quá nhiều sai lầm về chính sách và quá nhiều đau khổ cho con người, đặc biệt là trong thời đại theo chủ nghĩa Mao. Ở nhiều mức độ, trong 30 năm đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân thật là kinh hoàng. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà chế độ Tập Cận Bình muốn đề cập.

Tuyên truyền chính thức gần như hoàn toàn minh oan cho giai đoạn 1949-1978 (đặc biệt là 1958-1976) và bất kỳ phân tích nào trái với tường thuật được chứng minh đều được gán cho là theo “chủ nghĩa hư vô lịch sử”. Không đối mặt quá khứ với bất kỳ loại trung thực lịch sử thật sự nào chỉ là một công thức làm cho bản sắc dân tộc bị bóp méo một cách sâu xa và tính hợp pháp của chế độ giống như tuyên truyền che giấu sự thật của Potemkin.

Đối vối Tập, ca ngợi Trung Quốc trong ngày Quốc khánh sẽ nói nhiều về sức mạnh của Tập.

Nếu ba thập niên đầu tiên phần lớn là đàn áp và nhiều đau thương, thì thập niên thứ tư vừa qua đã có nhiều điều tốt hơn – mặc dù không phải không có những bi kịch tiếp theo như năm 1989. Nhưng, nhìn chung, Trung Quốc cởi mở hơn đối với thế giới và trong nước.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua đã chứng kiến sự đàn áp gia tăng và kiểm soát thông tin và xã hội lớn hơn. Trong khi đó, năm 2009, vẫn còn một ý thức lan tỏa ở Trung Quốc và nước ngoài về mở cửa tiến bộ và tự do hóa gia tăng, thập niên qua đã chứng kiến một sự đảo ngược triệt để.

Dường như là có một sự tiến hóa theo đường tuyến tính từ thời kỳ hỗn loạn của thời Mao thông qua sự lạc quan thực dụng của thời Đặng Tiểu Bình, đến sự cai trị công nghệ và cải cách của Giang Trạch Dân, và những cải cách thận trọng hơn dưới thời Hồ Cẩm Đào, thời Tập Cận Bình đã trở thành thoái bộ theo một quá khứ đàn áp bên cạnh những cải cách bị đình trệ.

Nhìn bề ngoài, nhiều chỉ số vẫn còn cho thấy rằng Trung Quốc đi theo đúng hướng của việc trẻ trung hóa tuyệt vời. Tuy nhiên, nhìn dưới bề mặt này, có nhiều vấn đề còn giấu kín: dân số già nua và mất cân bằng về giới tính; một hệ thống chính trị vô trách nhiệm theo kiểu Lenin; một hệ thống tài chính và nền kinh tế do nhà nước thống trị; một hệ thống giáo dục cứng nhắc; bất bình đẳng về mức thu nhập; đàn áp thô bạo đối với xã hội dân sự, bất đồng chính kiến, và tôn giáo; kiểm soát hà khắc đối với Tây Tạng và Tân Cương; kiểm duyệt kỹ lưỡng và kiểm soát các phương tiện truyền thông; giới lãnh đạo thối nát tham nhũng vẫn còn ở mức độ cao; thất thoát vốn tư bản; dư thừa sản xuất trong công nghiệp; nợ nần của chính quyền địa phương và doanh nghiệp (khoảng 300% tổng sản phẩm quốc nội); làm chậm tăng trưởng GDP; rơi vào bẫy thu nhập trung bình; bong bóng thị trường nhà ở và xây dựng quá mức (thành phố ma); suy thoái môi trường; và một nhà lãnh đạo độc tài không có kế hoạch kế nhiệm.

Những cơn bệnh này không làm trầm trọng thêm một Trung Quốc đang gặp khủng hoảng hay một hệ thống đang bị đe dọa trực tiếp, nhưng tất cả là những vấn đề nghiêm trọng và thực tế mà bất kỳ một bảng đối chiếu trung thực nào về tình hình của Trung Quốc ngày nay phải nhận ra.

Bên ngoài, ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc chưa bao giờ rộng lớn như vậy.Trung Quốc đã thật sự trở thành một cường quốc thế giới bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận toàn cầu của Pew cũng tiếp tục cho thấy hình ảnh quốc tế của Trung Quốc là một sự pha trộn giữa tích cực và tiêu cực.

Việc kết liễu sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi đầu?

Cận kề hơn với chuyện nội tình, Hồng Kông và Đài Loan tiếp tục là những vấn đề đặc biệt rắc rối đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Sự bất tuân dân sự đang diễn ra ở Hồng Kông và cuộc biểu tình ào ạt song song được lên kế hoạch ở đó vào ngày 1 tháng 10 là những chỉ dấu cho thấy rõ ràng là, sau 70 năm nắm quyền, thanh danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị mờ nhạt và có sự bất mãn lan rộng với cách hoạt động trong chính sách “một quốc gia, hai hệ thống“.

Trong 70 năm qua, Đài Loan vẫn là một thực thể tự quản riêng biệt, đáng kể là đa số cũng có tình cảm chống lại việc sáp nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Cuộc đối kháng liên tục này ở Hồng Kông và Đài Loan sẽ là một lời nhắc nhở nghiêm túc đối với Bắc Kinh rằng, đối với tất cả những thành tựu trong nước và vị thế quốc tế, nó vẫn chưa thống nhất được Trung Quốc.

Nhìn về tương lai, thách thức rõ ràng nhất đối với Trung Quốc nằm ở trong lĩnh vực chính trị. Hệ thống chính trị cứng nhắc là trở ngại lớn cho nhiều mục tiêu của Trung Quốc – lãnh thổ, kinh tế, xã hội, trí tuệ và đổi mới. Giống như những người ở độ tuổi 70, sự thay đổi không dễ dàng – nhưng chỉ bằng cách nới lỏng và mở ra, Trung Quốc mới có thể đạt được tiềm năng toàn diện, đạt được mục tiêu và thật sự ăn mừng những ngày lễ kỷ niệm trong tương lai.

Tiếng Dân

______

Tác giả: David Shambaugh là Giáo sư nghiên cứu châu Á và các vấn đề quốc tế, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, ở Washington DC.

Sau 70 năm, Đảng cộng sản TQ ngày cành mạnh hay đang trên bờ vực?


Hình ảnh Tập Cận Bình được tung hô trong lễ duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc

03/10/2019

Sau 70 năm kể từ ngày nắm quyền tuyệt đối ở đại lục, Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang đối diện với những thách thức chưa từng có đối với quyền lực của họ bất chấp những thành tựu vượt bậc về kinh tế-xã hội, các nhà phân tích nhận định.

Hôm 1/10, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một cuộc duyệt binh và diễn hành rầm rộ tại Quảng trường Thiên An Môn để kỷ niệm tròn 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng ‘không thế lực nào có thể cản bước tiến về phía trước của đất nước và dân tộc Trung Hoa’.

Mặc dù Trung Quốc đã có bước nhảy vọt từ một nước nghèo đói từ năm 1949 trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế, nhưng một số học giả cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể giành công trong tất cả những công trạng này.

Nhận vơ công?

Trên trang mạng của kênh DW, kênh truyền hình Đức, ông Perry Link, giáo sư về Giảng dạy Sáng tạo, Văn học so sánh và Ngoại ngữ ở Khoa Khoa học Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội thuộc Đại học California ở Riverside và là Giáo sư danh dự về nghiên cứu Đông Á tại Đại học Princeton, đã đưa ra những cảnh báo rất gay gắt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Đảng Cộng sản cầm quyền tự cho đó là công trạng của họ trong việc tạo ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Trung Quốc là số một thế giới trong một số lĩnh vực trong những cách có thể đo lường: chẳng hạn dự trữ ngoại tệ lớn nhất, tuyến đường sắt cao tốc lớn nhất và nhiều điện thoại di động nhất,” ông Perry Link viết, “Nhưng nhiều trong số những cái nhất này là nhờ vào quy mô khổng lồ của Trung Quốc hơn là sự nhạy bén của các nhà lãnh đạo. Người ta có thể kể tên những cái nhất khác – chẳng hạn như số tử vong vì giao thông, số lượng tự tử và các trường hợp cảm lạnh thông thường – ở đây quy mô của Trung Quốc mới là nguyên nhân chính.”

Vị giáo sư này đã dẫn ra là tính bình quân đầu người, các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan – vốn có chung nền tảng văn hóa với Trung Quốc – đều có thành tích kinh tế tốt hơn Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế xếp Đài Loan đứng thứ 14 trên thế giới về thu nhập bình quân đầu người. Nhật Bản xếp hạng 28 và Hàn Quốc hạng 29. Trong khi đó Trung Quốc đứng thứ 73.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc tự hào rằng họ đã ‘đưa hàng trăm triệu người ra khỏi đói nghèo’. Tuyên bố này cũng vậy, cũng không có gì ấn tượng nếu xét về quy mô dân số, nhưng vấn đề lớn hơn là các dùng từ ‘đưa người dân ra khỏi’. Từ này cho thấy đây là công trạng của chính phủ đối với người dân nhưng sự thật là điều ngược lại,” ông lập luận.

Theo giải thích của Giáo sư Link thì bắt đầu từ những năm 1990, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã làm việc hàng giờ với mức lương thấp mà không được các công đoàn hoặc tòa án độc lập bảo vệ đã tự mình thoát khỏi nghèo đói và đồng thời đã đưa giới tinh hoa cộng sản đến sự giàu có vô cùng. Năm 2018, 153 đại biểu giàu có nhất ở Quốc hội Trung Quốc có tài sản khoảng 650 tỷ đô la – tương đương với GDP của Thụy Sĩ.

Di sản của Mao Trạch Đông

70 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm 27 năm dưới thời Mao Trạch Đông, khi hàng chục triệu người đã chết tức tưởi. Nạn đói khủng khiếp từ năm 1959 đến 1962 – do chính sách của Mao chứ không phải do thời tiết – tự nó đã cướp đi 30 hoặc 40 triệu sinh mạng. Một loạt các chiến dịch khác mà Mao phát động luôn xoáy sâu vào sự thù hằn và bạo lực. Trong Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản từ năm 1966, những người trẻ bị buộc phải đấu tố cha mẹ, đánh đập giáo viên và đốt sách. “Khó thể có một cuộc tấn công nào tàn phá nhiều hơn vào các giá trị cốt lõi của nền văn minh cổ xưa của Trung Quốc,” ông Link nhận định.

Ông cho biết rằng những ảnh hưởng của các chiến dịch của Mao đối với văn hóa Trung Quốc vẫn còn. Ngày nay, chúng được nhìn thấy ở sự đảo lộn đáng sợ ngôn ngữ đạo đức. Vào những năm 1950, khi Mao nói ‘phục vụ nhân dân’, nhiều người Trung Quốc đã chấp nhận khẩu hiệu là nội dung mới trong các chuẩn mực về đạo đức. Nhưng vào thời điểm Mao gây ra sự hỗn loạn xong xuôi vào những năm 1970, cụm từ này đã trở nên hoàn toàn rỗng tuếch. “Lời nói của ông Tập Cận Bình rằng ‘chúng ta kiên định con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc’ không chỉ trống rỗng mà còn thiếu mạch lạc. Nhưng mọi người đều biết nó thực sự có ý nghĩa gì. Nó nghĩa là ‘im mồm và tuân lệnh Đảng’,” ông viết.

Tập Cận Bình, cũng như mọi nhà lãnh đạo hàng đầu kể từ thời Mao, đã không thể vứt bỏ ‘Người cầm lái vĩ đại’ vì quá nhiều những điều tạo nên uy tín và quyền lực của Đảng nằm ở hình ảnh của Mao. Ngoài ra, Tập cần Mao như một hình mẫu. Ông Tập có học vấn ít, chưa đi nhiều nơi và không thể nghĩ ra sẽ chuyển sang các nguồn tài nguyên trí tuệ nào khác ngoài các phương pháp của Mao, cũng theo ông Link.

Theo nhà nghiên cứu này thì trong cuộc Cách mạng Văn hóa, Mao đã đưa xã hội Trung Quốc vào nỗi điên cuồng cho rằng Trung Quốc là nơi duy nhất được mệnh Trời để lãnh đạo thế giới và là cơ sở cho niềm tự hào dân tộc. Tất cả đã sụp đổ vào cuối những năm 1970 và nhiều người Trung Quốc đã thề rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nhưng giờ đây, bốn thập kỷ sau, có cái gì đó rất giống đang xảy ra một lần nữa. Trung Quốc đang phấn khích với lòng yêu nước hoa mỹ nhưng hời hợt.

Triển vọng u ám

“Nếu lịch sử là chỉ dấu thì có lý do để hy vọng rằng sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trung Quốc sẽ không kéo dài lâu hơn nữa. Sau 70 năm, nó đã là chế độ cộng sản hiện đại lâu nhất. Nếu chế độ Trung Quốc có vẻ mạnh mẽ vào ngày Quốc khánh lần thứ 70, chúng ta cũng nên dành chút thời gian để xem lại hoàn cảnh của nhà lãnh đạo tối cao của chế độ. Cùng một lúc, Tập Cận Bình cần phải lo lắng về nền dân chủ ở Hong Kong, về cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, về dịch tả lợn nghiêm trọng đang khiến giá thịt lợn tăng vọt và về nền kinh tế đã bước vào giai đoạn suy giảm chậm. Một vấn đề với việc tập trung quyền lực trong mọi lĩnh vực là trách nhiệm cho sai lầm ở bất cứ nơi đâu đều chỉ đến một người,” ông kết luận.

‘Cảm giác bất an’

Còn trên tờ Washington Post, tác giả Ishaan Tharoor có bài phân tích cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang kỷ niệm Quốc khánh trong ‘cảm giác bất an’ và nêu lên những lo ngại về kinh tế và những diễn biến gần đây ở Tân Cương và Hong Kong.

Theo bài phân tích thì dù ông Tập Cận Bình vững vàng trong quyền lực nhưng không bao giờ không cảm thấy lo sợ sẽ mất quyền lực.

“Lịch sử của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là lịch sử của ‘khát vọng, hủy diệt, tham vọng, tự tin và lo lắng’,” ông Klaus Mühlhahn, giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Tự do Berlin, được Washington Post dẫn lời nói. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều chính sách của Trung Quốc là do sợ hãi mà ra. Nỗi sợ mất quyền lực này, diễn biến tương tự như những gì đã xảy ra ở Liên Xô, hình thành nên phần lớn chính sách và tư duy ở nước này.

Những lo lắng đó đã mạnh lên trong bối cảnh kinh tế trì trệ một cách đáng lo và sự trì trệ kinh tế này càng trở nên nghiêm trọng do cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt của Mỹ và sự đồng thuận chống Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ ở Washington và các thủ đô phương Tây khác.

Trong cuộc trò chuyện trên chương trình WorldView, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề nghị ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc cần phải nghĩ xa hơn thông điệp mạnh mẽ mà họ tuyên truyền ở các lễ kỷ niệm: đó là câu chuyện gắn liền với bất bình và bi kịch lịch sử, than khóc cho sự bất hạnh của Trung Quốc trước quân xâm lược nước ngoài và chỉ được cứu vớt nhờ vào bảy thập kỷ cầm quyền quả quyết của Đảng cộng sản.

Một vấn đề gai góc là rối loạn bên trong Trung Quốc như ở Hong Kong và Tân Cương. “Tôi nghĩ những vấn đề gắn kết nội bộ này đang khiến họ lo lắng vì họ không tìm thấy cách nào dễ dàng để đối phó,” ông Lý nói. Lee nói.

Nhà lãnh đạo Singapore không nghĩ rằng ông Tập hoặc các đồng minh của mình sẽ tán thành việc lặp lại hành động can thiệp quân sự như hồi năm 1989 vào Hong Kong. “Mọi thứ sẽ tệ hơn nếu họ phải đi theo chiều hướng đó, và họ sẽ làm gì với Hong Kong sau đó?” ông Lý đặt vấn đề. “Anh đã phá hủy Hong Kong. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiện đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan – làm thế nào hy vọng rằng chuyện này sẽ chìm xuống mà không can dự quá mức?”

Tác giả Ishaan Tharoor nhận đình rằng chắc chắn các cuộc biểu tình ở Hong Kong không hẳn là mối đe dọa hiện sinh đối với ông Tập và các đồng chí của ông. “Kỷ niệm 70 năm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có nghĩa là chính phủ độc đảng của Trung Quốc đã tồn tại lâu hơn một năm so với Liên Xô – và nó không có dấu hiệu gì là rạn nứt,” ông viết trong bài phân tích.

Sự nổi lên của một phong trào đối lập thực sự sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống – chẳng hạn như sụp đổ kinh tế thực sự hoặc thảm họa về khí hậu – điều đó dường như không có khả năng, nhà báo Ian Johnson thường trú ở Bắc Kinh được Washington Post dẫn lời nói. “Ít nhất ở bề ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dựa vào năng lực phục vụ dân sự để đảm bảo các tàu cao tốc chạy đúng giờ, đường cao tốc lúc nào cũng tràn ngập xe hơi mới và tàu sân bay được chế tạo,” ông Ian Johnson nói.

(Theo DW, Washington Post)

VOA

Trung Quốc: Tương lai bất định của chế độ Cộng Sản 70 tuổi

Tập Cận Bình, Chủ Tịch Trung Quốc - trong tiệc mừng kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, ngày 1 tháng Mười, 2019, tại Lễ đường Nhân Dân Bắc Kinh. Ảnh: Reuters/Thomas Peter
Tập Cận Bình, Chủ Tịch Trung Quốc – trong tiệc mừng kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, ngày 1 tháng Mười, 2019, tại Lễ đường Nhân Dân Bắc Kinh. Ảnh: Reuters/Thomas Peter

Ngày 1 tháng Mười, 2019, Bắc Kinh tổ chức kỷ niệm rầm rộ 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Cuộc diễn binh hoành tráng thể hiện sức mạnh Trung Quốc trước đối thủ Hoa Kỳ như để chứng minh “giấc mơ Trung Hoa” đang ở trong tầm tay. Sự kiện đã thu hút sự chú ý không chỉ truyền thông trên khắp thế giới, mà còn cả giới quan sát chính trị Trung Quốc.

Trên diễn đàn báo Le Figaro, trong bài viết “Chế độ Cộng sản Trung Quốc nghĩ mình hùng mạnh, nhưng khó khăn trầm trọng đang đợi họ”, chuyên gia Pháp về chủ nghĩa Cộng sản Thierry Wolton nhận thấy cái cảm giác huy hoàng của chế độ Bắc Kinh chỉ là đánh lừa những thực tại đầy khó khăn tích tụ đang chờ đợi đảng Cộng Sản Trung Quốc ở phía trước.

RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết của chuyên gia Thierry Wolton, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng sản.

Tác giả đặt vấn đề: “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời năm 1949, ngày 1 tháng Mười này tròn 70 tuổi: Đó có phải là tuổi đã trưởng thành hay là khởi đầu thời kỳ lão hóa của một chế độ vẫn tự nghĩ mình là bất di bất dịch? Câu hỏi có vẻ như hơi khiếm nhã, trong khi mà đất nước này đang tỏ ra rất cường tráng.”

Sự chung sống chưa từng có giữa chính quyền Cộng sản với kinh tế thiên hướng tư bản chủ nghĩa. Để chứng minh điều này tác giả Thierry Wolton so sánh Trung Quốc với Liên Bang Xô Viết, một đế chế Cộng sản từng một thời hoàng kim, giờ đã biến mất.

“Liên Xô cũng đã từng có kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Mười đầy kiêu hãnh, trước khi sụp đổ vài năm sau đó. Vào lúc bấy giờ, không một ai nói tiên đoán được Liên Xô sẽ có kết cục như vậy. Chế độ Xô Viết khi đó có Mikhail Gorbachov, một tổng bí thư trẻ (ít ra là so với những người tiền nhiệm của ông), đã hứa hẹn ”công khai” với Glasnost và ”mở cửa” với Perestroika.”

Sức hấp dẫn của Gorbachev đã thuyết phục được giới tinh hoa phương Tây về chính trị, kinh tế cũng như truyền thông. Phương Tây tin tưởng lãnh đạo Liên Xô cả về tinh thần và tiền bạc, theo tác giả Wolton. “Còn nhân vật số 1 Trung Quốc hiện nay, Tập Cận Bình thì chẳng có gì gọi là hấp dẫn, lôi cuốn. Ông ta thậm chí chưa bao giờ cam kết cải cách chế độ, ông sử dụng thành thạo cây gậy cũng như củ cà rốt để áp đặt phần còn lại của thế giới. Một sự khác biệt lớn khác, đó là nền kinh tế Liên Xô từ lâu đã cho thấy dấu hiệu kiệt sức, vì thế mà Gorbachev phải cải tổ. Còn Trung Quốc ngày nay tìm cách chinh phục thị trường mới nhiều hơn là hấp dẫn các nhà đầu tư phương Tây.”

Tương đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc ở tuổi 70

Chuyên gia Thierry Wolton ghi nhận:

“Tuy nhiên vẫn có những tương đồng giữa hoàn cảnh của Liên Xô ngày trước và các vấn đề hiện nay của Trung Quốc để có một chút ngờ vực về sự trường tồn của chế độ Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, thế giới Cộng sản đã mở mang phi thường trong thập niên 1970. Không dưới chục nước Á và Phi đã chọn con đường Marx –Lênin, thường là bằng phương thức vũ trang. Thập kỷ này đánh dấu sự chi phối của Kremlin vào Đông và Trung Âu, khu vực mà Liên Xô chinh phục được sau Thế Chiến Thứ 2.

Các chế độ xã hội chủ nghĩa đã được các nước phương Tây thừa nhận bằng thỏa thuận Helsinki ký hồi mùa hè năm 1975. Với Matxcơva, các thỏa thuận mất nhiều thời gian đàm phán có giá trị như sự thừa nhận đế chế của họ.

Thành công đó cuối cùng đã quay trở lại chống chính Liên Xô. Tự do đi lại và hệ tư tưởng giữa Đông và Tây nằm trong các điều khoản thỏa thuận được phê chuẩn đã cung cấp cho các nhà ly khai chất liệu để đòi được tự do hơn nữa. Tổng đình công ở Ba Lan, Hiến Chương 77 ở Tiệp Khắc, phong trào phản kháng ở Rumani, Hungary… Những biến động đòi nhân quyền như vậy đã làm lung lay dần dần đế chế Xô Viết. Hai năm sau kỷ niệm 70 năm Cách Mạng Tháng Mười rầm rộ ở Mátxcơva năm 1987, Đông Âu đã tìm được tự do, 4 năm sau Liên Xô biến mất.

Sự sụp đổ đó, hiển nhiên có nhiều nguyên nhân – kinh tế, xã hội, niềm tin, v.v… Như vậy là thắng lợi vẻ vang của Kremlin ở Helsinki năm 1975 đã báo hiệu khởi đầu của một cái kết.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã theo dõi, nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân Liên Xô sụp đổ và đã rút ra bài học. Trong một xã hội phân hóa và nhất là vì nhu cầu kinh tế, Gorbachev đã chọn cách “tế sớm cho khỏi ruồi”. Cởi mở chính trị mà ông thực thi với hy vọng thu hút tín dụng của phương Tây cuối cùng đã cuốn trôi chế độ.

Bắc Kinh đã chọn ngược lại: Mở cửa kinh tế, nhưng đóng cửa chính trị. Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc từ 4 thập kỷ qua, phần lớn nhờ đầu tư nước ngoài, đồng thời đi kèm theo là gia tăng chi phối của đảng Cộng Sản đối với xã hội Trung Quốc, thường lại là bằng chính các phương tiện công nghệ mới du nhập từ phương Tây.”

Chuyên gia Wolton phân tích tiếp: “Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO 2001 đã đánh dấu thành công lớn của mở cửa kinh tế. Từ đó, đất nước nay đã có thể hưởng mọi lợi ích của thị trường tự do mà vẫn giữ chế độ toàn trị. Chính sự thành công này, có nguy cơ đến một lúc nào đó chống lại Trung Quốc, giống như thành công của Hiệp Định Helsinki cuối cùng đã phá hủy dần dần Liên Xô trước đây.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc: Cuộc thập tự chinh của công ty nước ngoài

Trung Quốc ngày nay có mặt trên khắp các thị trường thế giới, thế nhưng họ lại không mở hoàn toàn biên giới cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ban đầu được coi là miền đất hứa, đầu tư vào Trung Quốc thực tế là một cuộc thập tự chinh đối với số đông các công ty phương Tây. Họ phải vượt qua bao nhiều trở ngại: thuế má, hạn ngạch sản xuất, thụ tục quản lý mập mờ, tham nhũng… Rất nhiều trong số các công ty đã phải tìm đường ra đi, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc xuống còn một nửa từ 10 năm nay.

Cuộc chiến thuế quan do [Tỗng Thống Hoa Kỳ] Donald Trump phát động vì Bắc Kinh cạnh tranh bất chính, đang càng làm phức tạp thêm ván bài kinh tế vốn vẫn lệ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu này. Trung Quốc giờ đang phải trả giá cho những gì họ thu lợi được từ kinh tế toàn cầu hóa .

Chế độ đã đặt cược vào tăng trưởng kinh tế, nghĩ rằng dân trở nên giàu có đã bù đắp cho thiếu vắng tự do. Giờ đây, kinh tế chững lại, có lẽ phải từ bỏ mô hình mà theo đó, công dân Trung Quốc không có quyền gì khác ngoài quyền tiêu dùng.

Hành động thắt chặt chính trị của Tập Cận Bình đã làm tổn hại hình ảnh của chế độ. Dư luận thế giới đã quên một điều là đất nước này đang sống dưới một Nhà nước đảng trị đầy quyền lực.

Giờ đây với  “con đường tơ lụa mới” và sự chi phối lũng đoạn nguồn tài nguyên quặng mỏ của Châu Phi, Bắc Kinh đang làm cho thế giới lo ngại.  Trung Quốc lại gây nên nỗi sợ cũ, nhất là đối với các nước có chung đường biên giới với họ. Ngay cả ở phần đất tự trị Hong Kong, người dân đã quyết định không để mất những phần tự do còn lại. Phong trào phản kháng này chẳng phải đang gợi nhắc lại điều đã diễn ra ở Đông Âu trong những năm 1980?

Các chế độ độc đoán, chuyên quyền vẫn tự tin là họ trường tồn vĩnh cửu. Sự sụp đổ của Liên Xô đã cho thấy, chế độ này có thể biến mất nhanh như khi nó đăng quang. Sinh nhật thứ 70 của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trong đầu các lãnh đạo, lẽ ra phải đánh dấu thắng lợi huy hoàng của chế độ nhưng lại diễn ra trong bầu không khu u ám, có thể đó là điềm báo khởi đầu của thời suy tàn .”

Lược dịch từ FIGAROVOX/TRIBUNE ngày 1 ngày Mười, 2019

Nguồn: RFI

 

Sau 70 năm, Trung Quốc đã trở thành một quái vật!

Tân Cương ngộp thở với lực lượng an ninh Trung Quốc. Ảnh: AP
Tân Cương ngộp thở với lực lượng an ninh Trung Quốc. Ảnh: AP

Không thể bác bỏ tất cả thành tích kinh tế đưa quốc gia trở thành cường quốc, nhưng sau 70 năm, Trung Quốc cũng đã trở thành một quái vật giẫm đạp tàn bạo chữ “Nhân”. Trong lịch sử phát triển các quốc gia thế giới thời hiện đại, gần như không nước nào xây dựng sự thịnh vượng khi cùng lúc nghiền nát tuyệt đối những giá trị nhân bản như Trung Quốc…

Để chào mừng 70 năm ngày quốc khánh (1/10), ngày 22 tháng Chín, 2019, Cơ quan thông tin Quốc Vụ Viện Trung Quốc công bố “bạch thư” mang tựa “Mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân: 70 năm tiến bộ nhân quyền ở Trung Quốc” (“Vi nhân dân mưu hạnh phúc: Tân Trung Quốc nhân quyền sự nghiệp phát triển 70 niên”).

Tuy nhiên, thế giới đã và tiếp tục thu thập những hồ sơ dày cộm về “thành tích bất hảo” của Trung Quốc về vi phạm nhân quyền.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới “chấm” Trung Quốc hạng 177/180 quốc gia về tự do báo chí trong bảng xếp hạng 2019. Luật sư bị bỏ tù, Internet bị kiểm soát, xã hội bị theo dõi, giáo dục bị nhồi sọ, tôn giáo bị “đảng hóa”, chính trị bị tham nhũng…, tất cả đều tồn tại cùng lúc với những thành phố bóng lộn ngạo mạn đắc ý. Không chỉ nhân quyền hiểu theo nghĩa liên quan những quyền căn bản con người, mọi chữ “nhân” khác, từ nhân đạo, nhân bản, đến nhân tính, đều bị phá hủy dưới bàn tay cộng sản Trung Quốc.

Cùng với cơn lốc “trí phú quang vinh” (làm giàu là vinh quang) – theo chủ trương Đặng Tiểu Bình – là sự đổ nát giá trị đạo đức. Cái xấu được nhân rộng. Cái ác tràn lan. Người ta sẵn sàng giết nhau không gươm giáo bằng mọi thủ đoạn gian trá trên con đường làm giàu. Không lĩnh vực nào có thể thấy rõ điều đó bằng vệ sinh thực phẩm. Không có gì mà không bị đầu độc. Bà bán thịt đầu độc ông bán trái cây và ngược lại. Mọi thứ đều bị nhiễm độc: từ bột sữa chứa melamine; thịt heo “phát sáng” (phát… dạ quang trong bóng tối); mì sợi “ướp” mực in; bánh bao chỉ nhồi nhân thịt thối; giá đỗ nhiễm sodium nitrite, urea, thuốc kháng sinh và hormone 6-benzyladenine (giúp tăng trưởng cấp tốc); bánh bao nhiễm… nhôm; gạo cao su; trái cây “ướp” phócmon; đến “dầu ăn” vớt từ cống thải… Đó là chưa kể nạn thuốc giả.

Song hành với nạn đầu độc thực phẩm là tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn ½ nguồn nước ngọt nước này (khảo sát tại 198 điểm ở 4.229 thành phố) đã bị ô nhiễm trầm trọng trong đó có 5 trong 10 lưu vực sông lớn nhất và 25 trong 60 con hồ. Và trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc chiếm đến 16 thành phố! Ô nhiễm không khí đang nằm vị trí thứ tư các nguyên nhân gây chết người (với trung bình 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm). Theo Ngân Hàng Thế Giới (WB), chỉ vỏn vẹn 1% trong 560 triệu cư dân đô thị Trung Quốc là được hít thở không khí trong lành theo chuẩn EU. Ngay ở thời điểm này, ô nhiễm vẫn bao phủ toàn bộ thành phố Bắc Kinh.

Câu chuyện sau đây là một phiên bản làm giàu đặc sệt “phong cách Trung Quốc”. Khi tập đoàn khoáng sản Tử Kim (Zijin Mining Group) dọa dời trụ sở khỏi Thượng Hàng để đến Hạ Môn cách đó 270 km, tay bí thư địa phương đã lập tức đến gặp chủ tịch tập đoàn Trần Cảnh Hà và nói rằng: “Nếu muốn đi, ông cũng phải dời cả ngọn núi ở đây đến Hạ Môn!” Với giới chức địa phương, tập đoàn Tử Kim – nhà sản xuất vàng lớn nhất Trung Quốc và là nhà khai thác đồng lớn thứ hai nước này – là nguồn doanh lợi không thể mất được. Là một trong những tập đoàn nhà nước lớn nhất Trung Quốc, với các dự án khai thác khoáng sản tại 20 tỉnh nước này và 7 quốc gia, tập đoàn Tử Kim cũng là nơi mang nhiều tai tiếng liên quan tàn phá môi trường.

Chỉ riêng tại Thượng Hàng, một dòng chất thải khổng lồ 9.100 m³ từ mỏ vàng của Tử Kim đã chảy vào một con đập và tràn vào con sông địa phương, làm chết khoảng 4 triệu con cá. Tuy nhiên, Tử Kim cũng là công ty chiếm đến 70% nguồn thu của Thượng Hàng, mang lại công ăn việc làm cho dân địa phương. Nhờ Tử Kim, chính quyền Thượng Hàng mới có tiền xây xa lộ nối với phần còn lại của tỉnh Phúc Kiến. Mất Tử Kim, Thượng Hàng không chỉ thất thu ngân sách mà còn thiệt hại về “chỉ tiêu phát triển”!

Một phần của câu chuyện cho thấy, Trung Quốc không thể trở thành một quốc gia giàu có tử tế khi cơ chế phát triển của nó dựa vào mô hình thành tích. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tạo ra một mô hình phát triển chụp giật bất chấp hậu quả. Họ khai sinh một mô hình bị lỗi ngay từ căn bản. Họ “phát triển” cái sai đến mức nó đã trở thành hệ thống của những cái sai. Họ đẻ ra và nuôi những con quái vật tàn phá chính họ. Một đảng cai trị lưu manh đã tạo ra một xã hội lấy lưu manh làm tôn chỉ sống. “Xã hội hóa” lưu manh xảy ra ngay cả trong giáo dục, trong sinh hoạt tôn giáo… và nó còn phát triển đến mức trở thành “quốc tế hóa” sự lưu manh trong đường lối ngoại giao.

Ngày 17 tháng Chín, 2019, một video lọt lên YouTube đã gây chấn động thế giới như một bằng chứng về điều mà giới chính trị gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc rằng Bắc Kinh đang cố xóa sạch văn hóa Hồi giáo ở Tân Cương. Video cho thấy hàng trăm tù nhân Duy Ngô Nhĩ bị còng và bịt mắt một cách man rợ. Sự đối xử của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là dã man ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ bị theo dõi bởi hàng triệu camera, tất cả người Duy Ngô Nhĩ còn bị lấy mã di truyền (ADN). Ngày 23 tháng Tám, 2019, Ủy Ban Điều Hành Quốc Hội Hoa Kỳ đặc trách Trung Quốc đã gửi thư cho Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới (WB) David Malpass bày tỏ lo ngại về khoản cho vay 50 triệu USD mà WB dành cho chương trình huấn nghệ Tân Cương mà thật ra được dùng để mua thiết bị và vũ khí đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Tân Cương chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số toàn quốc nhưng khu vực này chiếm hơn 20% các vụ bắt bớ toàn quốc trong năm 2017 (New York Times, 8/9/2018). Hai năm qua, Trung Quốc đã giam từ 1-2 triệu người Duy Ngô Nhĩ, tức 11,5% dân số sắc dân này từ 20 đến 79 tuổi, trong những nhà tù bí mật khổng lồ khắp Tân Cương, nơi ngày càng nghẹt thở từ khi Bắc Kinh đưa Trần Toàn Quốc (cựu Bí Thư Tây Tạng) về cai trị từ tháng Tám, 2016.

Tù nhân Duy Ngô Nhĩ buộc phải từ bỏ đạo Hồi và ngôn ngữ mình cùng lúc phải học tiếng Hán và thuộc lòng các ca khúc tuyên truyền. Cuối năm 2018, theo AP, Trung Quốc đã đưa 1,1 triệu cán bộ đảng viên đến sống chung trong các ngôi nhà người dân địa phương để giám sát họ ngày đêm. Và để tiêu diệt tận gốc văn hóa Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh cũng khuyến khích các giải pháp đồng hóa toàn diện. Từ năm 2014, các cặp vợ chồng Hán-Duy Ngô Nhĩ được tặng 10.000 tệ (1.442 USD)/năm, trong 5 năm, kể từ khi đăng ký kết hôn.

Đàn áp tôn giáo là hành động bất nhân nữa của chế độ phi nhân Trung Quốc. Báo cáo Tự do Tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ 2019 cho biết, chỉ trong năm 2018, Trung Quốc đã giam 310 tín đồ Tin Lành, 205 tín đồ Chúa Toàn Năng (Giáo hội “Đông Phương Thiểm Điện”), 136 tín đồ Hồi giáo (không kể người Hồi giáo Tân Cương), 22 tín đồ Phật giáo, và 9 tín đồ Cơ Đốc giáo. Từ tháng Tư, các trang mua sắm trên mạng như Taobao, http://JD.com/ và Dangdang đã cấm bán Kinh Thánh Cơ Đốc giáo. Tồi tệ hơn nữa, Kinh Thánh cũng bị “biên tập” lại! Tại Liêu Ninh, công an văn hóa đã đưa ra mức phạt 400.000 tệ (58.200 USD) cho bất kỳ nhà thờ nào dùng bản Kinh Thánh “không chính thức”. Bỏ tù, bắt cóc giám mục, phá sập nhà thờ…, không gì mà Bắc Kinh không làm.

Mức độ tàn độc và phi nhân của chế độ cộng sản Trung Quốc càng khủng khiếp dưới thời Tập Cận Bình. Một cách tổng quát, sự phát triển Trung Quốc đã không mang lại những giá trị mới nào cho đất nước họ lẫn thế giới mà còn thảm sát tất cả giá trị nhân bản cũ từng tồn tại hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm. Trung Quốc càng tiến lên cao trên bậc thang phát triển kinh tế thì họ càng xuống dốc không phanh về mặt đạo đức.

Chẳng có sự phát triển nào có ý nghĩa nếu nó không được đặt trên căn bản lợi ích nhân loại. Thế giới đáng lý cần phải nhận thức sớm hơn điều này nhưng tất cả đã bị cuốn vào ma lực hấp dẫn làm giàu từ tư duy làm giàu bất nhân của Trung Quốc. Nếu thế giới bất lực trước sự tàn phá vô nhân của Trung Quốc, tương lai thế giới sẽ là một ngày tận thế.

Khi những dòng này được viết ra, người ta đã có thể thấy ngày hủy diệt đang đến rất gần với những quốc gia hạ lưu Mekong, bởi vô số con đập thủy điện mà Trung Quốc đầu tư. Và đó mới chỉ là một vết rách rất nhỏ trên tấm lụa nhân loại mà con quái vật 70 tuổi Trung Quốc đang cào cấu rách bươm từng giờ từng ngày.

Mạnh Kim

Nguồn: FB Manh Kim