Seite auswählen

Tác giả: Vũ Đức Liêm

Người Thái và tham vọng “Đông tiến”

Người Thái trong khung cảnh này là các cư dân sống trên lãnh thổ Thái Lan ngày nay. Những người này từ đâu tới? Bản thân họ cũng chưa có câu trả lời cuối cùng. 5-6 ý tưởng khác nhau, từ nguồn gốc bản địa, cho tới các cuộc di cư từ vương quốc Nam Chiếu (vùng Vân Nam) vào thế kỷ XIII xuống phía Nam khi vương quốc này bị người Mông Cổ đánh chiếm…, vẫn còn đang tranh luận.

Dù từ đâu tới thì đến thế kỷ XVIII, người Thái đã làm chủ một khu vực rộng lớn tại vùng trung tâm của Đông Nam Á lục địa, nơi hiện hữu các vương quốc Lanna (miền Bắc Thái Lan ngày nay, với trung tâm là Chiang Mai) và vương triều Bangkok dọc theo sông Me Nam (xác lập năm 1782).

Sự bành trướng của các vương quốc người Thái từ thế kỷ XV dọc lưu vực sông Me Nam đã nhanh chóng trở thành mối đe dọa đối với các cư dân sống ở trung và hạ lưu sông Mekong (ngày nay là nước Lào và Campuchia). Vùng đất này thực tế đã trở thành khu vực đệm giữa 2 nhóm người đang chiếm ưu thế ở Đông Nam Á lục địa: Thái và Việt, sẽ trở thành tâm điểm của cuộc tranh chấp quyền lực khu vực quyết liệt từ thế kỷ XVIII.

Người Thái đã nhìn sang phía Đông nhiều thế kỷ nay.

Chính các cuộc tấn công của họ vào thế kỷ XV là một trong các nguyên nhân khiến đế chế Angkor sụp đổ và người Khmer phải di chuyển xuống phía Nam Biển Hồ. Ít nhất là từ năm 1674, sử nhà Nguyễn ghi chép việc chia rẽ trong hoàng tộc Campuchia, một phe cầu viện Xiêm [lúc đó là vương triều Ayutthaya] và phe khác thì chạy sang Việt Nam. Tình trạng này còn kéo dài tới tận năm 1848.

Cuộc cạnh tranh ở Hà Tiên là một ví dụ cho thấy không phải ngẫu nhiên mà người sáng lập ra vùng đất này, một thương nhân người Hoa đã tới quy thuận chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ XVIII để yêu cầu sự bảo hộ. Ông ta biết vùng đất của mình nằm trong tầm ngắm của người Thái (và Khmer và các nhóm người Hoa khác). Việc chúa Nguyễn biến Hà Tiên thành một trấn trong vương quốc của mình cũng không thể bảo đảm cho sự yên bình của mảnh đất chiến lược này. Hà Tiên là cửa ngõ để vào hạ lưu Mekong và người Thái đã đánh chiếm, tàn phá nó vào các năm 1715, 1771, 1833.

Đỉnh cao là cuộc cạnh tranh Xiêm-Việt diễn ra giữa Xiêm với nhà Tây Sơn và vương triều Nguyễn. Hệ quả của nó góp phần định hình nên trật tự và cấu trúc chính trị của bán đảo Đông Dương thời sơ kỳ hiện đại. Nếu không có cuộc kéo co chính trị-quân sự này, có lẽ vận mệnh của người Lào và người Khmer đã rất khác biệt.

Thực tế là các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và vương triều Nguyễn đã để mắt tới tham vọng của Xiêm, nhanh chóng tìm cách đối phó. Thu thập thông tin địa lý, đường sá và tình báo là công việc thường xuyên của Huế. Xiêm La quốc lộ trình tập lục (1810) là một khảo sát (bí mật) như thế, nơi sứ đoàn Việt Nam ghi chép lại các lộ trình từ hạ lưu Mekong tới Xiêm. Huế cũng liên tục cử người do thám tình hình Xiêm như sứ mệnh của Mạc Hầu Hi năm 1832.

Một sự tình cờ không ngẫu nhiên của lịch sử là Rama III (trị vì giai đoạn 1824-1851) và Minh Mệnh (trị vì giai đoạn 1820-1841) là những đối thủ không hẹn mà gặp của nhau. Lên ngôi lúc 37 tuổi và là người kiểm soát nền thương mại của Bangkok, Rama III là một nhà tập quyền và bành trướng lãnh thổ không khoan nhượng đối với các nỗ lực đòi độc lập của chư hầu.

Chính ông vào năm 1827 đã ra lệnh xâm lược và phá hủy hoàn toàn Vientiane, bắt tất cả dân chúng sang Xiêm và biến vương quốc thành rừng hoang. Ông được phụng sự bởi một trong những vị tướng và nhà quân sự xuất sắc nhất của Xiêm, Chao Phraya Bodinthondecha (mất năm 1848), người dẫn 40.000 quân bộ vào hạ lưu Mekong.

Cuộc xâm lược năm 1833

Cuộc xâm lược Việt Nam năm 1833 là một nỗ lực tiếp theo của người Thái trong việc mở rộng ảnh hưởng sang phía Đông. Khi Bangkok áp đảo Huế trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát vương quốc Vientiane (1827), Minh Mệnh có thể nhún bằng cách cử quân voi tới vùng nghệ An và yên tâm rằng Xiêm không thể đi xa hơn nhưng khi họ can thiệp vào Campuchia thì ứng xử của ông hoàn toàn khác.

Duyên cớ của cuộc xâm lược này chính là những biến động ở vùng hạ lưu Mekong Việt Nam khi vị tổng trấn Lê Văn Duyệt qua đời năm 1832 và con nuôi của ông là Lê Văn Khôi nổi loạn, dự định đánh chiếm vùng hạ lưu Mekong. Cùng việc liên kết với một người họ hàng khác nổi loạn ở Cao Bằng (Nông Văn Vân), Khôi gửi thư yêu cầu Xiêm can thiệp.

Từ khi Minh Mệnh lên ngôi, chính sách của Việt Nam đã giúp loại bỏ ảnh hướng của Xiêm ở Campuchia. Chính vì thế, Rama III luôn tìm cách khôi phục ảnh hưởng trở lại của Bangkok. Rama III nhìn thấy sự chia rẽ và nội loạn của Việt Nam một cơ hội không chỉ giúp xác lập lại bá quyền ở Campuchia mà còn mở rộng ảnh hưởng sang cả vùng hạ lưu Mekong. Bangkok hy vọng việc duy trì một nước Việt Nam chia rẽ sẽ giúp thúc đẩy quyền lực vùng của họ trong khu vực.

Xiêm đã huy động 2 đạo quân chủ lực xâm lược Việt Nam. Đạo quân bộ khoảng 40.000 người dưới sự chỉ huy của Chao Phraya Bodin tiến qua Campuchia thẳng tới Gia Định và đạo quân thủy 10.000 người xâm nhập qua cửa ngõ Hà Tiên-Phú Quốc, sau đó đi ngược lên Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và hội với quân bộ. Đạo quân thứ ba được tổ chức từ lính là người Lào và các tỉnh phía Đông của Xiêm sẽ nhắm tới miền trung Việt Nam qua vùng Trấn Ninh và Nghệ An rồi đi xuống Nam Lào, yểm trợ cho 2 đạo quân chính.

Quân Xiêm rời Bangkok tháng 11-1833, tiến qua Campuchia mà hầu như không có trở ngại nào vì quan quân Khmer bỏ thành và chạy hết sang Vĩnh Long. Trong khi đó, thủy quân Xiêm cũng vượt qua Hà Tiên và ngược theo kênh Vĩnh Tế. 2 đạo quân Thái gặp nhau ở Châu Đốc, thay đổi kế hoạch bằng cách nhập làm một và tiến về Gia Định bằng đường thủy theo đường Vàm Nao, tới Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho.

Tháng 1-1834, cuộc đụng độ đầu tiên giữa quân Xiêm-Việt diễn ra tại Vàm Nao. Quân nhà Nguyễn bị yếu thế, rút lui về củng cố hệ thống phòng ngự quy mô ở Sa Đéc. Cuộc đụng độ quân sự lớn đã diễn ra tại đây ngày 29-1-1834, nơi 2 cuộc tấn công thủy – bộ quy mô của Xiêm bị quân Việt Nam bẻ gãy.

Thất bại này đã giáng đòn mạnh vào hàng ngũ chỉ huy của quân Thái. Đã có sự tranh cãi lớn giữa 2 nhóm quân thủy – bộ. Trong khi Chao Phraya Bodin yêu cầu chỉnh đốn lại hàng ngũ, trừng phạt những người sai phạm và tiếp tục tiến quân thì chỉ huy quân thủy yêu cầu rút lui. 2 ngày sau đó, quân Xiêm lui về Châu Đốc, nơi quân bộ đi theo đường Campuchia và quân thủy rút lui qua ngả Hà Tiên. Trong lúc đó, đạo quân thứ ba được lệnh tiến về Gia Định yểm trợ đã không hề hay biết về sự thất bại và thoái lui này cho tới khi được lệnh rút về phía Bắc.

Quân Việt Nam sau đó đã theo sát cuộc rút lui này và gây ra nhiều thiệt hại cho đạo quân xâm lược. Cuộc rút lui của quân Xiêm qua Campuchia sau đó trở nên hỗn loạn. Tuyên bố rằng họ tới với sứ mệnh “giải phóng” người Khmer nhưng thực tế là xác lập cai trị, bóc lột kinh tế và  mở rộng ảnh hưởng, vì thế đã bị dân địa phương chống trả. Đổi lại, sau thắng lợi quân sự của người Việt, vua Campuchia là Ang Chan được đưa trở lại ngai vàng và quan hệ của ông với Huế vững chắc hơn lúc nào hết.

Quy mô và tầm mức của cuộc xâm lược năm 1833 rõ ràng là ít được biết đến trong sử sách. Một phần có lẽ liên quan tới những biến động chính trị lớn ở Việt Nam trong những năm 1832-1836. Mặc dù vậy, việc nhà Nguyễn tiến hành đáp trả thành công cuộc xâm lược này là một thành công lớn trong nỗ lực không chỉ bảo vệ bờ cõi mà còn bảo toàn được sự thống nhất và ổn định lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đại vừa được xác lập.

Cơ mật viện nhà Nguyễn sau đó đã biên tập 15 quyển phương lược, dựa trên ghi chép về các tấu sớ và chỉ dụ của Minh Mệnh liên quan tới cuộc chiến này. Đoạn dưới đây là nhận định của nhà vua về cuộc chiến đó:

Trước kia Nam Kỳ ngẫu nhiên có giặc Xiêm đến lấn, quan quân ở Gia Định đến nơi đánh. Lần đầu đánh nhau đã đem hơn 1 vạn giặc Xiêm giết tan, mũi nhọn quân ta lừng lẫy, đi đến đâu không ai ngăn trở được, bọn giặc sợ binh uy ta, chưa đầy tháng đều đã nghe tin chạy vỡ. Các nơi Châu Đốc, Hà Tiên, Nam Vang lần lượt thu phục, đã là không phiền binh lực mà giặc đã dẹp yên, công ấy chẳng nhỏ.

Nhờ có thắng lợi này mà cán cân quyền lực ở Đông Nam Á lục địa cân bằng trở lại và vì thế duy trì sự tồn tại của Lào và Campuchia như vùng đệm cho tới khi chủ nghĩa thực dân Pháp xác lập trên bán đảo Đông Dương.

 

Nguồn:Nghiện Cứu Quốc Tế