Đào Tiến Thi
9-10-2019
(Lược thuật một cuộc tọa đàm hết sức sôi nổi và cảm động)
Không kể những cuộc gây hấn trên biển trong thập niên thứ nhất thế kỷ XXI mà không mấy ai biết đến, kể từ mùa hè 2011, với hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, giới chóp bu cầm quyền trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Trung Cộng) đã lộ nguyên hình bộ mặt xâm lược, bành trướng đầy tham vọng và đầy tàn ác.
Cùng với những cuộc xuống đường là những cuộc hội thảo, đưa kiến nghị, thư ngỏ tới những người, những cơ quan có trách nhiệm quản trị đất nước. Hoạt động này trong mấy năm đầu cũng rất sôi nổi, nhất là khi Trung Cộng gây hấn lớn.
Tuy nhiên, phong trào chống xâm lược Trung Cộng cứ yếu dần, yếu dần. Nếu như năm 2011 ở Hà Nội, Sài Gòn có những cuộc xuống đường với hàng ngàn người thì mùa hè năm nay, với sự kiện bãi Tư Chính, số người xuống đường ở mỗi thành phố trên chưa được 10 người, và cũng chỉ một, hai lần. Cũng như vậy với những hoạt động hội thảo, đưa kiến nghị, thư ngỏ cũng chỉ lác đác.
Trong khi ấy, vụ Tư Chính là vụ gây hấn nghiêm trọng nhất của Trung Cộng từ trước đến nay.
Bãi Tư Chính là một rạn đá trong khu vực Nam Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý, cách biển Hải Nam (TQ) 600 hải lý, là điểm cuối cùng về phía nam của “đường lưỡi bò” – một vùng nước “chủ quyền” do Trung Cộng ngụy tạo. Từ năm 1989, Việt Nam đã xây dựng ở đây hệ thống nhà giàn phục vụ công việc thăm dò và khai thác dầu khí.
Khoảng đầu tháng 7 năm nay, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào khu vực Bãi Tư Chính. Nhưng Đảng và Nhà nước VN đã không có thái độ mạnh mẽ như hồi năm 2014 với vụ tàu Hải Dương 981. Do đó, ngày 19/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chính thức tuyên bố Bãi Tư Chính nằm trong “quần đảo Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và yêu cầu “quốc gia có liên quan” tôn trọng quyền chủ quyền của họ. Cho đến nay Hải Dương 8 và nhiều tàu khác của Trung Quốc vẫn không chịu rút khỏi bãi Tư Chính.
Tôi đã gần như buông xuôi, gần như hết hy vọng thì may sao có cuộc tọa đàm này. Tọa đàm do Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đứng đầu là PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao chủ trì.
Ngoài một loạt “chiến hữu” quen thuộc đối với tôi, như cụ Chí sỹ Nguyễn Khắc Mai, GS. Nguyễn Đình Cống, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nhà ngoại giao Nguyễn Trung, Anh hùng LLVT Lê Mã Lương, PGS. Trần Thị Băng Thanh, Nhà thơ Trần Nhương, PGS. Nguyễn Vi Khải, KTS. Trần Thanh Vân, PGS. Chu Hảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nhà văn Nguyên Bình, Nhà văn – Cựu tù nhân lương tâm (vì chống Trung Cộng xâm lược) Phạm Viết Đào, GS. Trần Ngọc Vương, TS. Đinh Hoàng Thắng, TS. Công Nghĩa Tụ, TS. Nguyễn Đại, TS. Phạm Văn Chung, TS. Nguyễn Văn Vịnh, TS. Nguyễn Xuân Diện, Nhà báo tự do Lê Dũng,… tôi được gặp thêm nhiều vị trí thức đáng kính khác mà trước đó mới chỉ nghe tên tuổi, thấy hình ảnh trên mạng hoặc gặp ở hội nghị nhưng chưa được tiếp cận cá nhân, đó là: PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, PGS. Hoàng Ngọc Giao, Nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, Cựu quan chức Chính phủ Nguyễn Nam Cường, ThS. Hoàng Việt (một chuyên gia về luật biển, hiện đang là Giảng viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh),… Có một thanh niên nông dân người thấp bé tên là Nguyễn Văn Sẵn, từ Bắc Giang xuống. Cậu nói cậu bỏ cả việc đồng áng đang bề bộn để xuống đây dự họp.
Xuất hiện đầu tiên trên màn hình trình chiếu là hình ảnh Cảnh Sảng – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cùng lời nói ngang ngược của y về bãi Tư Chính.
Liền sau đó trên màn hình có câu hỏi: “TỔ QUỐC LÂM NGUY, HÀNH ĐỘNG HAY KHÔNG HÀNH ĐỘNG?”
Chao ôi, nghe câu này, ai mà có chút chữ nghĩa mà không nhớ đến câu của Hoàng tử Hamlet trong vở bi kịch cùng tên của Đại văn hào Shakespeare: “TO BE OR NOT TO BE?”
(Tồn tại hay không tồn tại/ Sống hay không sống?)
Một không khí xúc động trang nghiêm. Cứ như là đoàn quân sắp ra trận “Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây”. Ai cũng muốn nói những lời gan ruột. Ai cũng muốn hiến một kế gì đó cho đất nước trong lúc này.
Và ai cũng được nói, nhưng mỗi lần nói không được quá 5 phút. Mọi người đều bình đẳng theo quy định này (có thể du di chút ít cho những vị có kiến giải sâu sắc). Không như đa số các cuộc tọa đàm khác, càng có địa vị, tuổi tác, càng được nói dài.
Và ai nói cũng có màu sắc riêng, ý kiến nào cũng đáng lắng nghe, cũng đóng góp được một cái gì đó. Cậu thanh niên Bắc Giang dự tọa đàm luôn cả sang buổi chiều “vì thấy các bác bàn hay quá”. Cậu bảo cậu không dám bàn chuyện đánh giặc mà chỉ mong Đảng và Nhà nước thông tin đầy đủ về tình hình đất nước, đừng để như chuyện bãi Tư Chính, cứ phải tìm thông tin ở mạng xã hội.
Có lúc hội trường lặng đi vì ai đó đã khía vào nỗi đau chung, nỗi nhục chung của dân tộc, như chính nỗi đau, nỗi nhục của mình. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khóc khi phát biểu. PGS. Hoàng Ngọc Giao đã khóc khi nhận bức “tranh chữ” ghi lại câu thơ – đồng thời cũng là ời “sấm” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà cụ Nguyễn Khắc Mai chép tặng[1].
Ý kiến vô cùng phong phú, đến nỗi ban tổ chức phải kéo sang cả buổi chiều. Lúc 5 giờ chiều, nếu ban tổ chức không tuyên bố kết thúc thì vẫn còn nhiều người muốn nói.
Chúng tôi không thể tường thuật chi tiết. Chỉ xin tóm tắt các ý kiến thành 5 loại với những nhận định chính như sau.
1. Về sự kiện bãi Tư Chính
Các chuyên gia hàng đầu đều nhận định sự kiện bãi Tư Chính là VÔ CÙNG NGHIÊM TRỌNG. Bởi vì đây là “nút thắt của nút thắt” (Tư Chính là nút thắt vấn đề Biển Đông hiện nay và vấn đề Biển Đông lại là nút thắt của quan hệ Việt – Trung). Mất Tư Chính có thể dẫn đến mất toàn bộ quần đảo Trường Sa, và mất Trường Sa có thể dẫn đến mất nước.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng vụ Tư Chính nguy hiểm gấp cả trăm lần vụ Giàn khoan 981 hồi 2014. Ông cũng bác bỏ từng luận điệu sai trái hiện tồn tại trong chính giới Việt Nam như coi vụ Tư Chính chỉ là cuộc chơi giữa hai cường quốc, như cho rằng Trung Quốc to lớn đến mức ta không thể làm gì được, v.v…
2. Về việc kiện Trung Quốc
Các chuyên gia về luật biển, về biển và về ngoại giao đều cho rằng, kiện Trung Quốc là biện pháp tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên kiện ở tòa nào, kiện về việc gì thì còn phải tính toán, cân nhắc để chắc thắng. Trên thế giới có những luật sư chuyên giúp các nước nhỏ kiện các nước lớn trong vấn đề chủ quyền. Nicaragua đã từng thắng Mỹ theo cách đó.
Cái khó là Trung Quốc rất lì lợm, không chịu cùng nhau ra tòa, trong khi nhiều tòa án quốc tế chỉ thụ lý nếu cả hai bên cùng chấp nhận ra tòa. Theo một số chuyên gia, giới cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần “rỉ tai” giới lãnh đạo VN “đừng kiện để giữ đại cục”. Thế thì VN đã gặp khó khăn ngay từ chủ trương rồi.
Trong trường hợp chưa thể kiện được ngay lúc này thì theo PGS. Hoàng Ngọc Giao, Việt Nam cũng phải đưa vấn đề lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (cả HĐ Thường trực và không thường trực). Cũng theo ông Hoàng Ngọc Giao, nếu đưa ra HĐ Thường trực, VN chắc chắn giành được 3/5 phiếu là Mỹ, Anh, Pháp. Còn nếu đưa ra HĐ Không thường trực, ngoài Mỹ, Anh, Pháp cũng ít ra được 6 phiếu nữa, và tổng số sẽ là 9/15 phiếu.
Đây là cách kêu lên “Ối làng nước ôi!”. Hội đồng Bảo an không có trách nhiệm giải quyết nhưng có thể lấy ý kiến tư vấn của các tòa án quốc tế. Kết quả này kết hợp với phán quyết trước đó của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về kết quả xử đơn kiện của Philippines trong vụ kiện TQ, thì như vậy thắng lợi đã thuộc về VN.
3. Đánh giá sức mạnh của Trung Quốc và dự đoán về việc Trung Quốc đánh VN
Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc có tiềm lực quân sự mạnh hơn ta nhiều lần nhưng không mạnh đến mức như nhiều người nghĩ. Và nhất là tương quan giữa ta và Trung Quốc hiện nay đâu có chênh lệch lớn như thời ông cha ta đánh giặc Tần, giặc Nam Hán, giặc Mông – Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh.
Nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, người đã bỏ công nhiều năm nghiên cứu Trung Quốc, nêu ra: Trung Quốc là con hổ (hổ thật, không phải hổ giấy) thể hiện: 1. Có sức mạnh; 2. Rất hung dữ, một thứ hung dữ hoang dại; 3. Rất đói mồi (trong quan hệ TQ – VN thì bao giờ cũng là quan hệ giữa kẻ săn mồi với con mồi); 4. Nhưng con hổ này cũng đầy bệnh tật, nếu bị đánh trúng chỗ yếu là chết. Và ông khẳng định nếu TQ gây chiến với VN, chắc chắn TQ thất bại (tất nhiên là với điều kiện VN quyết đánh chứ không phải bỏ chạy).
Còn Tướng Lê Văn Cương thì khẳng định: “Có cho kẹo, Trung Quốc cũng không dám đánh Việt Nam”. Vì sao? Vì nếu đánh VN, TQ sẽ mất cả thế giới. Mà TQ cần thế giới hơn là thế giới cần TQ. Không có (thị trường) thế giới, TQ sẽ sụp đổ.
4. Mỹ có vai trò như thế nào?
Trong bối cảnh VN cứ im lặng hoặc phản ứng yếu ớt như hiện nay, thì đừng trông cậy gì ở Mỹ. Một số chuyên gia trong tọa đàm này có mối quan hệ gần như là bạn bè với một một số chuyên gia Mỹ, Úc, như ông Carl Thayer chẳng hạn, khẳng định: những tiếng nói vừa rồi của Mỹ chỉ là vì Mỹ, chứ không phải vì VN. Mỹ chỉ có thể giúp VN khi nhà nước VN thực sự hành động.
Nhiều chuyên gia đề nghị VN phải liên minh với Mỹ và chỉ có liên minh với Mỹ thì mới chống được TQ. Nhưng theo Tướng Lê Văn Cương, cứ như tình hình nhà nước VN hiện nay, thì đó là điều không tưởng. Tướng Lê Văn Cương cho biết, gần đây vẫn có một vị quan chức VN phát biểu rằng “Trung Quốc là bạn vĩnh viễn, Mỹ là kẻ thù vĩnh viễn”!
5. Vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ Tổ quốc
Rất nhiều ý kiến cho rằng, nhân dân vẫn đang bị đưa ra ngoài lề, bởi không biết từ bao giờ đã hình thành cái mệnh đề “Đã có Đảng và Nhà nước lo”. Các cuộc biểu tình biểu thị lòng yêu nước, quyết tâm chống xâm lược đều bị đàn áp, bị xuyên tạc, bị bôi nhọ. Và năm nay, vụ Tư Chính nghiêm trọng đến như thế mà người dân Hà Nội, Sài Gòn không xuống đường nữa, đó là dấu hiệu thật đáng lo ngại. Ấy thế mà, theo một đại biểu, có một báo cáo của cơ quan chức năng, nọ nói rằng năm nay không xảy ra biểu tình là vì nhân dân đã “giác ngộ cao”!
Một khi nhân dân bị gạt ra ngoài lề thì đất không còn sức mạnh gì. Chứng cứ rõ ràng nhất là thời nhà Hồ. Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhắc lại câu của Hồ Nguyên Trừng, tướng cầm quân đồng thời là con trai vua Hồ Quý Ly: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Ông Nguyễn Nam Cường, một cựu quan chức chính phủ từng làm việc qua 5 đời thủ tướng, một người chỉ qua nói chuyện đã biết là người chăm đọc sử, kể câu chuyện: Khi quân của Hồ Nguyên Trừng mới vừa bố trí lực lượng chuẩn bị nghênh chiến với quân Minh ở bờ sông Hồng (1406), quân Minh chỉ cần thả những thẻ tre kể 2 tội chính của Hồ Quý Ly là tội soán ngôi và tham nhũng thì quân lính của nhà Hồ đã hết tinh thần chiến đấu, tự bỏ trốn rất nhiều và đội quân nhà Hồ mau chóng tan vỡ[2].
Có vị đại biểu nói rằng, trong họa có phúc, nếu “triều đình” hiện nay tỏ rõ quyết tâm chống giặc, mà việc đầu tiên là kiện TQ và thả tù nhân lương tâm, thì lập tức lấy lại đươc niềm tin của nhân dân.
Cuộc tọa đàm giúp tôi lấy lại nhuệ khí, nhưng chưa hết buồn. Thay lời kết, xin cảm thán tâm trạng bằng mấy câu thơ của nhà thơ Bế Kiến Quốc nói về bi kịch của sỹ phu VN cuối thế kỷ XIX:
Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ.
_____
[1] Đó là hai câu:
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình
Nghĩa là:
Vạn dặm Biển Đông quơ vào tay nắm/ Ức (một ức bằng 10 vạn) năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.
Đinh Gia Khánh dịch thơ:
Biển Đông, vạn dặm quơ tay nắm
Nam cực, muôn năm vững trị bình.
[2] Sự kiện này, sử cũ ghi lại rằng: trên bảng văn của quân Minh kê ra 22 tội của Hồ Quý Ly, trong đó có tội “Coi nước và dân như thù địch”.
Mục lục
Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông
7 tháng 10 2019
Một buổi thảo luận về Bãi Tư Chính vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 6/10, với sự tham dự của nhiều vị nhân sĩ có tiếng.
Tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế” do Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Cuộc gặp có sự tham gia của nhiều nhân sĩ trí thức như GS Nguyễn Đình Cống, cựu đại sứ Nguyễn Trung, GS Chu Hảo, GS Trần Ngọc Vương.
Ngoài ra còn có ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực UBKT Trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chuyên gia Phạm Chi Lan, KTS Trần Thanh Vân, cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang…
‘Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác’
GS Chu Hảo, người mới bị Đảng khai trừ, chia sẻ: “Lần thách thức này là chuyện trước mắt mất nước hay không mất nước. Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế lúc này là đúng thời điểm, đúng lúc rất quan trọng.”
“Muốn có thế trận lòng dân thì Đảng, chính phủ phải minh bạch thông tin. Đài Tiếng nói, đài truyền hình phải cập nhật liên tục diễn tiến tàu Trung Quốc đang xâm phạm Bãi Tư chính.”
GS Chu Hảo nhấn mạnh hiện tại chính quyền Việt Nam có 3 nút thắt.
Nút thắt thứ nhất là cần kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Nút thắt thứ hai là nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành quan hệ chiến lược, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng.
Ông Chu Hảo nói: “Vài người bạn ở Bộ Ngoại giao Mỹ có nói với tôi rằng phản ứng của Việt Nam hiện nay chậm chạp bị động rụt rè, việc này làm cho phía Mỹ nản lòng.”
“Họ nói rằng Mỹ đang căn cứ luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông chứ không phải vì quyền lợi của Việt Nam.”
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nêu nhiều ý kiến:
“Dự buổi hội thảo này có các anh ở Bộ ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, tôi muốn hỏi các anh chính phủ có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không. Đây là câu chuyện của toàn dân Việt Nam. Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác của Việt Nam, nếu chúng ta để mất thì Việt Nam sẽ không còn đảo nào.”
Tại tọa đàm khoa học này, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an – phát biểu thông tin rất đáng chú ý về yêu cầu của Trung Quốc trong một cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Theo Tướng Cương: Sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên Trung Quốc thua kiện Philippines (phán quyết PCA năm 2016), Trung Quốc cử cán bộ sang làm việc với lãnh đạo cao cấp Việt Nam thực hiện “5 không”.
Thứ nhất, không được ủng hộ phán quyết tòa trọng tài
Thứ 2, không được đưa ra Asean bàn thảo liên quan đến vấn đề Biển Đông
Thứ 3, trong đa phương quốc tế Việt Nam không đưa phán quyết này ra
Thứ 4, trong đàm phán Việt Trung- Trung Việt không được đưa vấn đề này.
Thứ 5, các đồng chí không được kiện Trung Quốc.
Tướng Cương nói: “Tuy nhiên theo tôi biết, không có đồng chí lãnh đạo Việt Nam nói không kiện! Hiện này vẫn chuẩn bị đầy đủ, nhưng theo tôi ngửi mùi cấp trên lúc này chưa thích hợp để kiện!”
‘Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình’
TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu ý kiến:
“Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình, kiện là giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong thế giới văn minh và hội nhập.”
“Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về ta. Sợ kiện hay sợ Trung Quốc? Đặt câu hỏi như vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện Trung Quốc thì họ làm căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù vặt thì rất khó ở.”
“Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện. Họ không muốn ta quốc tế hóa vấn đề mà chỉ để riêng họ và ta với nhau để dễ bề ức hiếp. Đó là cách đấm người ta mà muốn bịt miệng không cho la.”
“Tôi nghĩ không thể đồng ý với cái lí lẽ cho rằng vì sợ họ ép ta (hơn nữa) nên thà rằng cứ để cho họ ép dần dần như thế mà không cần phải kiện. Họ sẽ chèn ép ta ngày càng nhiều thêm là quy luật tất yếu, vì mục đích của họ là độc chiếm Biển Đông.”
Mới hôm 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định về chủ quyền ở Bãi Tư Chính:
“Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Bà Thu Hằng nói khi đó: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự.”
Xem thêm các bài khác về buổi hội thảo Biển Đông:
Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông
Vũ Hân
vuhanbc@gmail.com
07/10/2019 15 THANH NIÊN
Theo các chuyên gia, trước những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, điều VN cần làm là khởi kiện hoặc đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an LHQ.
Sáng 6.10, Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức tọa đàm khoa học “Vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế”. Theo các chuyên gia tại tọa đàm, trước những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, điều VN cần làm là khởi kiện hoặc đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an LHQ.
Giẫm đạp lên luật pháp quốc tế
Phát biểu tại tọa đàm, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), nhấn mạnh tình huống hiện nay (nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm ở khu vực bãi Tư Chính) nguy hiểm hơn việc Trung Quốc năm 2014 đưa giàn khoan Haiyang Shiyou-981 xâm phạm chủ quyền VN trên Biển Đông. Bởi vì khu vực bãi Tư Chính, hay rộng hơn là vùng biển nam Biển Đông, vốn hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, tính từ đất liền.
Trung Quốc có nhiều luận điệu về vấn đề Biển Đông. Trong đó, luận điệu quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, là “2 lần sai”, theo thiếu tướng Lê Văn Cương. Cái sai thứ nhất, là theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo, nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Và cái sai thứ hai, đương nhiên, là quần đảo Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo này.
dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhiều năm qua, Trung Quốc có rất nhiều luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông. Trong đó, theo một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thì yêu sách “Tứ Sa” là nguy hiểm hơn cả, bởi phạm vi của nó còn rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách đường 9 đoạn – vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. Minh chứng là vùng hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 8 hiện không nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, nhưng nó lại nằm trong yêu sách “Tứ Sa”. Đến thời điểm này, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước này Cảnh Sảng đều đã khẳng định yêu sách “Tứ Sa”, thể hiện rõ dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà”.
Theo yêu sách này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm cấu trúc ở Biển Đông mà họ gọi là “Tứ Sa”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Trung Quốc yêu sách các cấu trúc này là một thực thể pháp lý đơn nhất, đủ điều kiện để có đường cơ sở thẳng bao quanh. Từ đó, Bắc Kinh có thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của quần đảo, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, tính từ đất liền.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng yêu sách cả chủ quyền với các thực thể ngầm, như bãi Tư Chính của VN. Yêu sách của Trung Quốc là trong khu vực này, VN không có quyền khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên mà phải “gác tranh chấp cùng khai thác” với Trung Quốc.
Với luận điệu như vậy, Trung Quốc có dã tâm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp và lao vào đòi quyền “cùng khai thác”; trong khi theo UNCLOS 1982, đó là đặc quyền, độc quyền của VN. UNCLOS 1982 quy định ngay cả nếu VN không tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, thì cũng không một quốc gia nào khác có thể tiến hành các hoạt động này mà không có sự cho phép rõ ràng của VN. Yêu sách này giẫm đạp lên luật pháp quốc tế.
Theo luật sư (LS) Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng PLD, UNCLOS 1982 đã quy định chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Quy định của UNCLOS cũng như khái niệm quốc gia quần đảo đã loại trừ khả năng Trung Quốc có thể áp dụng quy chế quần đảo với “Tứ Sa”; chưa kể đến cái gọi là “Tứ Sa” đó không phải chủ quyền của Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2006 cũng đã khẳng định Trung Quốc không phải quốc gia quần đảo nên không có quyền thiết lập đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Trường Sa để mà đưa ra yêu sách.
Đưa Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an
Tuy nhiên, vấn đề là dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông sẽ không dừng lại. Theo ông Trương Triều Dương, nguyên Đại sứ VN tại Philippines, làm chủ Biển Đông sẽ là điều Trung Quốc “cố sống, cố chết” làm, vì đó là con đường duy nhất để Trung Quốc trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường quốc đứng đầu thế giới.
Có thể đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu tham vấn pháp lý đối với ICJ về áp dụng và giải thích UNCLOS tại Biển Đông. Nếu có được một câu trả lời của ICJ thì nó có giá trị pháp lý mang tính toàn cầu, còn hơn cả Tòa trọng tài quốc tế (PCA), chỉ có ý nghĩa giữa 2 nước (bên khởi kiện và bên bị kiện)
LS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển
Ngoài việc Biển Đông là con đường hàng hải lớn nhất nhì thế giới, là bãi đánh cá lớn nhất thế giới, bể chứa dầu mỏ, thì Đại sứ Trương Triều Dương cho rằng đáy Biển Đông có một trữ lượng đất hiếm cực kỳ lớn mà nếu Trung Quốc chiếm được, đồng nghĩa với việc sẽ nắm giữ toàn bộ trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nắm được “cổ họng” của tất cả các nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Thêm vào đó, các rãnh sâu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cũng là nơi lý tưởng để tàu ngầm hoạt động.
Những phân tích trên đây cho thấy VN cần có những hành động tiếp theo, và theo nhiều chuyên gia, đó là con đường khởi kiện.
Theo LS Hoàng Ngọc Giao, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương LHQ, và điều VN có thể làm là đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ. “Hiến chương LHQ nói rất rõ mà đây là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, là các quốc gia thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại quyền bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông từ trước đến nay, và đặc biệt sự việc hiện nay ở bãi Tư Chính, là hành vi vừa đe dọa dùng vũ lực, vừa dùng vũ lực bằng việc các tàu hải cảnh, dân binh… vào vùng đặc quyền kinh tế của VN. Phản ứng của quốc tế cũng nhìn nhận đây là hành vi đe dọa hòa bình, thách thức an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trung Quốc cũng không chỉ xâm phạm vùng biển VN, mà còn cả vùng biển của Malaysia và Philippines”, LS Giao nói.
Chưa kể, theo LS Giao, hành động tôn tạo các đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép cũng gây thiệt hại rất lớn cho tài nguyên môi trường biển, vì đây cũng là lý do có thể kiện Trung Quốc ra tòa.
“VN cần tận dụng cơ chế của HĐBA, theo Hiến chương LHQ từ điều 33.1 – 33.4 và điều 35, HĐBA có thẩm quyền theo đề nghị của các quốc gia xem xét những tình huống đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, quốc tế. Đây là một cơ chế chúng ta cần tận dụng. Cần đưa câu chuyện về hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông ra trước HĐBA LHQ”, ông Giao khuyến nghị và cho rằng cơ hội đang đến bởi VN là Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Mặc dù một số chuyên gia am hiểu Hiến chương LHQ cho rằng Trung Quốc là Ủy viên Thường trực HĐBA và có quyền Veto (quyền phủ quyết), nhưng theo LS Giao, VN không nhất thiết phải hướng tới một nghị quyết của HĐBA về vấn đề Biển Đông (mà Trung Quốc có quyền phủ quyết), chỉ cần đưa được vấn đề này ra chương trình nghị sự của HĐBA.
“Theo điều 27.2 của Hiến chương thì những vấn đề thuộc về thủ tục không cần áp dụng cơ chế Veto, cho nên chỉ cần 9/15 thành viên đồng ý là có thể đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng. Theo tôi, đây là biện pháp cấp bách nhất hiện nay trước tình hình bãi Tư Chính. Làm được điều này, vấn đề Biển Đông sẽ được quốc tế hóa, người ta phải thảo luận thực sự, phải nêu đích danh Trung Quốc, nêu hành vi của Trung Quốc, để Trung Quốc không còn dùng truyền thông, tiền bạc lu loa lên đó là khu vực tranh chấp”, ông Giao khuyến nghị.
Ông Giao còn cho rằng đây cũng là một biện pháp ngoại giao, vì theo Hiến chương LHQ và cơ chế của Tòa án công lý quốc tế (ICJ), thì 2 cơ quan của LHQ có quyền trưng cầu ý kiến pháp lý (legal opinion) của ICJ là HĐBA và Đại hội đồng LHQ, trong khi các nước thành viên không được lấy ý kiến trực tiếp.
“Có thể đề nghị HĐBA LHQ yêu cầu tham vấn pháp lý đối với ICJ về áp dụng và giải thích UNCLOS tại Biển Đông. Nếu có được một câu trả lời của ICJ thì nó có giá trị pháp lý mang tính toàn cầu, còn hơn cả Tòa trọng tài quốc tế (PCA), chỉ có ý nghĩa giữa 2 nước (bên khởi kiện và bên bị kiện)”, ông Giao nhận xét.
——————————————————————————————————————————————————————————
Phán quyết pháp lý sẽ chấm dứt sự tồn tại của các yêu sách bất hợp pháp
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, dẫn thông tin về việc tàu Hải Dương Địa chất 8 và khoảng 25 tàu hộ tống vẫn đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, và cho rằng sự xâm phạm của Trung Quốc là rất mạnh mẽ.
“Trung Quốc đưa nhiều luận điệu khác nhau về pháp lý, nhưng những hoạt động trên thực tế của họ ở Biển Đông còn ghê gớm hơn nhiều. Chúng ta đấu tranh bảo vệ biển đảo bằng biện pháp hòa bình, nhưng hòa bình không có nghĩa là không làm gì cả. Phát biểu của Phó thủ tướng (Phó thủ tướng Phạm Bình Minh – PV) tại Đại hội đồng LHQ (hôm 28.9 vừa qua) cũng cho thấy giải pháp pháp lý là cần thiết”, ông Việt nói.
Phân tích việc PCA và ICJ đều có bất lợi về thẩm quyền (không thể quyết định mà không có sự đồng thuận của quốc gia liên quan, trong khi Trung Quốc luôn cự tuyệt đưa ra bất cứ một bên thứ ba nào), ông Việt cho rằng VN nên làm như Philippines.
Trả lời câu hỏi kiện Trung Quốc có hiệu quả không, nhất là với tiền lệ Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ phán quyết của tòa trong vụ kiện với Philippines, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Quý Bính, người cũng nguyên là trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại The Hague (Hà Lan), cho rằng: “Đúng là luật pháp quốc tế không có cơ chế bảo đảm thực thi các phán quyết của cơ quan tài phán như pháp luật quốc tế, việc thực thi, do vậy phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan. Tuy nhiên, phải xác định rõ ràng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay đó là việc tồn tại tranh chấp liên quan yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc. Việc sử dụng biện pháp pháp lý chính là để giải quyết nguyên nhân này. Từ góc độ này, tôi cho rằng việc sử dụng biện pháp pháp lý là hiệu quả, vì phán quyết là cuối cùng và có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp, nên về mặt pháp lý sẽ chấm dứt sự tồn tại yêu sách bất hợp pháp. Tất cả các biện pháp khác đều không có được tác dụng như vậy”.
Ông Bính khẳng định thêm: Một phán quyết có giá trị ràng buộc với Trung Quốc sẽ là cơ sở vững chắc để VN huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thực tế là trong vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, các quốc gia đều khẳng định phán quyết có giá trị ràng buộc với cả 2 bên; việc phán quyết một phần chưa được thực thi là bởi chính sách và tính toán chính trị của Philippines. Thời gian qua cũng cho thấy Trung Quốc có những kiềm chế nhất định, không có những hành vi thô bạo trái phán quyết, dù tìm mọi cách để bác bỏ giá trị và nội dung của phán quyết.
Vũ Hân
Buổi tọa đàm ngoài sự tham dự của các chuyên gia về luật pháp quốc tế, về biển đảo, còn có nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng; các chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Đình Cung…; Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Đại sứ VN tại Philippines Trương Triều Dương… thể hiện sự lo ngại của giới trí thức trong nước trước những diễn biến leo thang trên Biển Đông suốt 3 tháng vừa qua.
Hình như đây là bài viết duy nhất của báo chí ở Việt Nam về cuộc hội thảo này.
Vụ bãi Tư Chính “cực kỳ nguy hiểm” cho an ninh quốc phòng VN
Vụ việc ở vùng biển bãi Tư Chính là “cực kỳ nguy hiểm” không chỉ với chủ quyền biển đảo mà còn cho an ninh quốc phòng của Việt Nam, “kể cả trên đất liền”, một nhà nghiên cứu chính sách và pháp luật nói với BBC News Tiếng Việt ngay sau một Tọa đàm Khoa học ở Hà Nội hôm Chủ nhật, 06/10/2019 về vùng biển này và luật pháp quốc tế.
“Không phải như những lần trước, năm 2016 hay trước nữa, là họ vào rồi họ ra như phép thử, mà lần này nó thể hiện một loạt hành động nhất quán và bây giờ vẫn đang hoạt động,” PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), đơn vị đồng tổ chức, tóm lược với BBC kết quả và nội dung chính của Hội thảo.
“Đang có những hành động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của Việt Nam. Cho nên cái đầu tiên phải nhận diện rõ đây là nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam,” nguyên Phó vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ VN nói.
“Thế nhưng cùng với nguy cơ đó, cũng có ý kiến cho rằng và cũng nhiều người đồng tình là trong nguy cơ này cũng lại có một cơ hội để Việt Nam có thể vượt qua nguy cơ này và phát triển được.
“Đó là phải xác định rõ bạn – thù, đó là việc Việt Nam phải liên minh với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, ở đây cũng đã nhắc đến chính sách ‘Ba không’, thì cần phải hóa giải chính sách ba không này bởi một điều khoản rất quan trọng của Hiến chương Liên hiệp quốc – đó là quyền tự vệ chính đáng.
“Tôi không thể duy trì chính sách “Ba không” nếu như chính sách ba không đó không giúp cho tôi bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển và trong trường hợp nếu tôi bị xâm lăng, thì Liên Hiệp quốc cho phép tôi có được quyền tự vệ chính đáng.
“Và để làm sao đó tránh được cuộc chiến tranh, nếu như Trung Quốc gây chiến, thì Việt Nam phải mạnh lên, mạnh dạn hơn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là phải tỏ rõ lập trường của mình trong quan hệ với Hoa Kỳ, cũng như các nước văn minh, các nước phát triển trong khu vực như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và xa hơn nữa là các nước EU.
“Đấy chính là một trong những giải pháp để mà Việt Nam trong nguy cơ đó, có thể hóa giải được hành vi xâm lăng, bành trướng của Trung Quốc ở bãi Tư Chính, đấy là một nhận định, ý kiến theo tôi rất quan trọng, nhận diện được vấn đề và tìm gia một giải pháp.
“Và cái thứ hai, vấn đề cũng rất lớn, đó là khẳng định rằng đây chính là thời cơ chính muồi, đây chính là thời cơ quan trọng nhất, ở thời điểm quan trọng nhất để khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.”
‘Khẳng định thành công’
Nhà nghiên cứu nói thêm về kết luận và nội dung chính rút ra từ hội thảo:
“Và về phía Việt Nam, mọi người khẳng định rằng: thứ nhất chính nghĩa, thứ hai bằng chứng, chứng cứ lịch sử pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa khu vực bãi Tư Chính là có thể nói và khẳng định là không có vấn đề.
“Khẳng định là chắc chắn và việc khởi kiện cũng mang lại thành công cho Việt Nam,” ông Hoàng Ngọc Giao nói về cuộc Hội thảo từ quan điểm cá nhân từ Hà Nội.
Cuộc Tọa đàm khoa học hôm Chủ nhật trước đó đã được Ban tổ chức chủ động rời thời gian lại để chuẩn bị tốt hơn và phù hợp hơn với thời gian của khách mời, ông Giao cho biết.
Được biết, trong số các diễn giả, chuyên gia và khác mời tham dự, có các vị như Vũ Ngọc Hoàng, Thang Văn Phúc, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Trần Thị Băng Thanh, Đặng Văn Sinh, Hoàng Quốc Hải, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Trung, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Hoàng Việt, Trần Ngọc Vương, Đinh Hoàng Thắng, Vũ Hùng, Nguyễn Vi Khải, Nguyễn Văn Cương, Trần Thanh Vân, Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Xuân Diện, Hoàng Ngọc Giao, Lê Mã Lương, Đào Tiến Thi, Phạm Viết Đào.
Căng thẳng và đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc vùng biển bãi Tư Chính đã nóng lên trong suốt các tháng Hè và kéo dài chưa dứt qua mùa Thu năm 2019.
Về phía Trung Quốc, tháng trước, nước này nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.
Các hoạt động tại vị trí ở ngoài khơi Vũng Tàu này, Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Tư, 18/9/2019, là “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)”.
Trong cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.
“Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam,” ông Cảnh Sảng nói.
“Theo Điều 5 Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Nam Hải (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vực.”
“Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam,” ông Cảnh Sảng nói thêm.
Đầu tháng này, trong một diễn biến liên quan, Việt Nam qua kênh ngoại giao nói sẽ nâng cao nhận thức về tình hình Biển Đông trong cuộc đối thoại an ninh hàng năm với Ấn Độ trong tháng Mười, HinduStan Times trích lời Đại sứ Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu, cho hay.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Trung Quốc ngày càng gia tăng vì sự xâm nhập liên tục của các tàu Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, và Việt Nam dường như đang cố gắng củng cố sự hỗ trợ của Ấn Độ trong vùng biển này.
Trả lời phỏng vấn của thời báo Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại nước Nam Á này cho biết kể từ tháng 7/2019, các tàu Trung Quốc đã bốn lần xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vụ xâm nhập mới nhất của 28 tàu Trung Quốc bắt đầu vào ngày 30 tháng 9 và vẫn đang tiếp tục mặc dù Việt Nam đã 40 lần lên tiếng phản đối qua các nẻo ngoại giao, kể từ lần xâm nhập đầu tiên ba tháng trước.
”Chúng tôi nói với họ rằng họ không nên vi phạm vùng biển của Việt Nam và nên rút tất cả các tàu về càng sớm càng tốt,’ nhà ngoại giao Việt Nam được báo Ấn Độ dẫn lời nói hôm 2/9.
An ninh tạm giữ các phóng viên độc lập đưa tin hội thảo Biển Đông
RFA
2019-10-06
3 phóng viên của truyền hình CHTV (Chấn Hưng TV) – một kênh truyền thông độc lập ở Việt Nam – đã bị an ninh tạm giữ nhiều giờ đồng hồ, bị thẩm vấn và tịch thu toàn bộ máy quay, điện thoại, sau khi đi đưa tin một tọa đàm về tình hình Biển Đông vào sáng ngày 6/10 ở Hà Nội.
Vào tối ngày 6/10, sau khi được thả, ông Lê Dũng, một trong 3 phóng viên bị an ninh tạm giữ nói qua điện thoại với Đài ACTD:
“Hơn chục người mặc thường phục đi trên hai xe bảy chỗ đã ập đến bắt giữ anh em chúng tôi đưa về trụ sở công an ở số 3 Nguyễn Gia Thiều… Họ tịch thu tất cả điện thoại, máy quay và các tài liệu ghi chép về hội thảo của chúng tôi”.
Ông Lê Dũng cho biết những an ninh mặc thường phục đã bắt giữ các phóng viên khi họ đi ăn trưa sau hội thảo. Họ bị an ninh thẩm vấn về những gì đã diễn ra trong hội thảo, ai là những người tham dự. An ninh chỉ thả những người này về vào khoảng 6 giờ chiều và hẹn họ phải quay lại làm việc vào sáng ngày hôm sau.
Ông Lê Dũng cho biết nguyên nhân an ninh bắt giữ tịch thu máy móc của các phóng viên CHTV là vì “họ lo sợ chúng tôi là truyền hình độc lập đưa tin về hội thảo này. Họ lo sợ vì hội thảo có rất nhiều nhân sĩ trí thức tham dự và bức xúc rất lớn”.
Theo ông Lê Dũng, trong suốt buổi tọa đàm, khoảng chục an ninh đã có mặt theo dõi và quay phim buổi tọa đàm.
Tọa đàm “Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế” được Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, quy tụ nhiều học giả là các chuyên gia về Biển Đông, tướng quân đội, và các cựu đại sứ, ông Lê Dũng cho biết.
Tọa đàm này đã được dự định tổ chức vào ngày 22/9 nhưng sau đó bị hoãn lại đến sau ngày 1/10 với lý do được công bố chính thức là: “Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện nghiên cứu chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5/10/2019”.
Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/10 có bài viết về buổi tọa đàm, trích lời đại sứ Nguyễn Trường Giang nói rằng dân tộc Việt Nam “đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam”.
Buổi tọa đàm diễn ra vào giữa lúc quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có nhưng căng thẳng sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần bãi Tư Chính, từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay. Bộ Ngoại giao Việt Nam từ tháng 7 đến nay đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Sanh Châu mới đây cho trang tin Hindustan Times biết từ ngày 30/9, Trung Quốc đã điều đến 28 tàu vào vùng biển Việt Nam bất chấp việc Việt Nam đã hơn 40 lần gửi phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hồi tháng trước lên tiếng khẳng định vùng biển Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ và yêu cầu Việt Nam phải ngưng toàn bộ hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 28/9, trong phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến căng thẳng Biển Đông thời gian qua nhưng tránh nói tới tên Trung Quốc. Ông cũng nói tới việc giải quyết khác biệt một cách hòa bình qua đàm phán, hòa giải, và thậm chí cơ chế tòa quốc tế.