Seite auswählen

Các tuyên bố của Tổng thống về thuế quan và thâm hụt thương mại cân xứng với thực tế như thế nào?

Veronique de Rugy
Bà de Rugy là một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Mercatus của Đại học George Mason.

VNC dịch

7.10.2019

 

Đậu nành từ Brazil tại cảng Nam Thông ở Trung Quốc. Xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc năm nay dự kiến chỉ bằng một phần ba của năm ngoái. Credit:Agence France-Presse – Getty Images

 

Tranh luận các vấn đề thương mại với những người ủng hộ áp đặt thuế quan của Tổng thống Trump, là một trò chơi liên tục thay đổi mục tiêu. Nếu bạn chỉ ra rằng thuế quan Trump đang tăng doanh thu cho chú Sam trên lưng người tiêu dùng Mỹ, họ trả lời rằng Trung Quốc đang bị tổn thương nhiều nhất. Nếu bạn lưu ý rằng chiến tranh thương mại là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán trở nên điên đảo, chứ không phải là các hành động của Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, họ trả lời rằng “Trung Quốc là một quốc gia Cộng sản công an trị tàn bạo lạm dụng chính nhân dân của mình và ăn cắp thế giới”.

Ông Trump và đội ngũ những người bảo hộ mậu dịch không khoan nhượng của ông đã đưa ra những tuyên bố ngông cuồng về việc tăng thuế quan lớn và chiến thuật đàm phán hung hăn sẽ đạt được gì. Hãy lựa chọn năm tuyên bố hàng đầu. Có bất kỳ luận điệu nào thực sự thành công? Câu trả lời sẽ không gây ngạc nhiên. (Đó là không.)

Luận điệu 1
Hãy bắt đầu với một luận điệu dễ phản biện. Vào ngày 2 tháng 3 năm 2018, khi chương trình “Buổi sáng với Maria” của Fox Business Network hỏi liệu Trung Quốc có trả đũa thuế quan kim loại hay không, Peter Navarro, cố vấn kinh tế của ông Trump trả lời, tôi không tin bất kỳ quốc gia nào trên thế giới sẽ trả đũa, lý do đơn giản: chúng ta là thị trường sinh lợi nhất và lớn nhất trên thế giới.

Ông đã sai: Mọi nước đã trả đũa chúng ta. Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế Mary Amiti của Cục Dự trữ Liên bang, Stephen J. Redding của Princeton và David Weinstein của Columbia cho thấy các đối tác thương mại của chúng ta, đặc biệt là Trung Quốc, đã trả đũa thuế quan trung bình 16% đối với hàng xuất khẩu khoảng 121 tỷ đô la Mỹ.

Luận điệu 2
Tổng thống nói rằng thuế quan là một cách thức mạnh mẽ để khiến các công ty quay trở lại Hoa Kỳ. Ông Trump không thể làm gì hơn là chỉ ra những giai thoại của các công ty chuyển đến Hoa Kỳ. Nhưng xu hướng rộng hơn kể một câu chuyện khác. Hầu hết các công ty không có đủ khả năng để chuyển chuỗi cung ứng của họ sang sử dụng các bộ phận sản xuất trong nước hoặc chuyển sản xuất về nước. Dữ liệu cho thấy khi các công ty rời khỏi Trung Quốc, họ đã di dời sang các nước khác ở Đông Nam Á.

Ngay cả Bộ Thương mại cũng thừa nhận rằng các công ty phải đối mặt với một thách thức liên quan đến thuế quan khi nghĩ về việc di chuyển trở lại đây. Xu hướng này chắc là sẽ tiếp tục bởi vì tương lai của hầu hết các ngành sản xuất ở Mỹ – bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô – là việc xuất khẩu. Chi phí sản xuất tăng ở Hoa Kỳ có nghĩa là để duy trì tính cạnh tranh, một số lượng lớn các doanh nghiệp sẽ chuyển sản xuất ra nước ngoài.

Điểm mấu chốt: Nó có nghĩa là công việc sản xuất ở đây sẽ ít hơn so với trước đó, không thể nhiều hơn được.

Thuế quan không phải là một cách tốt để duy trì sự hồi sinh sản xuất trong nước. Sau khi cải thiện vào năm 2017 và 2018 nhờ bãi bỏ các quy định hành chính và cải cách thuế, lĩnh vực sản xuất đang hạ nhiệt. Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy, năm 2019, việc làm trong ngành sản xuất đã tăng trung bình hàng tháng là 5.000 việc làm. Năm 2018, con số đó là 22.000.

Một khảo sát gần đây của Viện Quản lý cung ứng cho thấy hợp đồng sản xuất trong tháng 9 và tăng trưởng đầu tư vốn cũng đang chậm lại. Ngay cả các ngành thép và nhôm được bảo hộ nghiêm ngặt đã bắt đầu thấy sự sụt giảm việc làm trong năm nay.

Luận điệu 3
Vào cùng ngày mà ông Navarro đang nói chuyện vô nghĩa, Tổng thống đã tweet rằng “các cuộc chiến tranh thương mại là tốt, và dễ dàng để giành chiến thắng”. Lại sai lầm nữa. Thay vào đó, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng rất tệ hại và khó khăn để giảm bớt nó. Chúng ta không ở đâu gần một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Trên thực tế, ngoài một thỏa thuận với Hàn Quốc, mà không cần sự chấp thuận của quốc hội, vẫn chưa có thỏa thuận thương mại toàn diện và tốt hơn được ghi nhận, và hầu hết các thỏa thuận đang chờ xử lý đều xấu nếu so sánh với những gì đã được thỏa thuận trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại đã thúc đẩy các đối tác thương mại của chúng ta ký các thỏa thuận thương mại – không phải với chúng ta, mà là với nhau. Danh sách này bao gồm Nhật Bản và Châu Âu, Châu Âu và khu vực Mercosur ở Nam Mỹ, Châu Âu và Mexico. Như Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã ghi nhận, thuế quan của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ đã tăng lên 20,7% vào ngày 1 tháng 6 năm 2019 từ 8% vào ngày 1 tháng 1 năm 2018 – nhưng thuế quan của nó đối với tất cả các quốc gia khác đã giảm từ 8% xuống 6,7% trong cùng thời gian đó.

Luận điệu 4
Những người nông dân yêu nước vĩ đại của chúng ta sẽ là một trong những người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã tweet như vậy vào tháng Năm. Cũng sai. Nông dân đã phải chịu đựng trên tất cả các mặt trận trong cuộc chiến thương mại này. Ban đầu, họ thấy chi phí sản xuất của họ tăng lên vì thuế kim loại làm tăng chi phí thiết bị nông nghiệp.

Nông dân cũng bị thiệt hại bởi sự trả đũa từ nhiều quốc gia. Ví dụ, xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc rất có thể – và có lẽ là mãi mãi- là một phần ba so với năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm sữa sang Trung Quốc cũng đã giảm hơn 50%. Rõ ràng, nếu nông dân đã làm rất tốt trong cuộc chiến thương mại của Trump, ông sẽ không cần phải cung cấp cho họ 28 tỷ đô la viện trợ.

Luận điệu 5
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump nói rằng ông sẽ xóa sạch thâm hụt thương mại. Bên cạnh thực tế rằng đây là một mục tiêu dại dột, tranh chấp thương mại của ông ta đã đạt được điều hoàn toàn ngược lại. Theo như đồng nghiệp của tôi, Daniel Griswold, trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, nhiệm kỳ thứ hai từ 2013 đến 2016, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ trung bình hàng tháng đạt 40,7 tỷ đô la; dưới thời Tổng thống Trump, thâm hụt hàng tháng đã lên tới 50,1 tỷ đô la.

Giảm thâm hụt thương mại song phương là một thước đo sự thành công vô nghĩa bởi vì khi một thâm hụt giảm, nhiều thâm hụt khác lại gia tăng. Trường hợp cụ thể: thâm hụt với Trung Quốc đang giảm, nhưng nó đã được bù đắp nhiều hơn bằng thâm hụt song phương gia tăng ở những nơi khác, bao gồm cả Việt Nam và Mexico. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm 12%, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19%. Vì vậy, ngay cả theo tiêu chuẩn trọng thương của riêng Tổng thống, ông đã thất bại.

Nói cho cùng hầu như tất cả mọi thứ mà ông Trump đã hứa trên mặt trận thương mại bằng cách áp thuế quan đã không thành công, ngay cả khi tổng thống vẫn kiên quyết nói ngược lại.

NYT

Word