Triều Giang thực hiện
LTG: Dự án Di Sản VNCH và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt do Trung Tâm Á Châu Học của Đại học Oregon (UO) và Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) hợp tác thực hiện với sự khuyến khích và hỗ trợ của một số cựu viên chức VNCH nhằm mục đích đào tạo và khuyến khích thế hệ sử gia trẻ viết về VNCH và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt. Dự án sẽ được Giáo sư Tường Vũ người điều hành Dự án và cũng là Giám đốc của Trung tâm Á Châu học tại Đại học Oregon chính thức giới thiệu tại Hội thảo: “Nghiên Cứu Về Việt Nam Cộng Hòa: Vấn Đề, Thử Thách Và Triển Vọng” vào hai ngày 14&15 tháng 10 sắp tới. Người được chọn đầu tiên để hoàn thành luận án hậu tiến sĩ trong dự án này là anh Alex-Thái Võ, người sẽ nhận bằng Tiến sĩ về Sử học từ Đại học Cornell vào cuối năm nay. Alex- Thái đến Mỹ cùng với gia đình theo diện HO lúc 8 tuổi. Biết rằng theo đuổi ngành nhân văn, nhất là Sử học thì khó kiếm việc nhưng qua kinh nghiệm bản thân, anh nhìn ra được sự khiếm khuyết và bất công trong sách sử hiện đại đối với người dân từng sống dưới thời VNCH tại VN cũng như tại hải ngoại nên anh quyết tâm kiên trì theo học. Anh đã từ chối một vài vị trí nghiên cứu sinh để hợp tác với Dự án vì anh tin rằng Dự án sẽ giúp anh thực hiện được niềm ước mơ và đam mê của mình.
Để độc giả hiểu rõ hơn về Alex-Thái và chương trình làm việc của anh với Dự án, chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn dưới đây. Xin mời độc giả theo dõi.
(Hình do Alex-Thai Võ cung cấp)
Triều Giang: Chào anh Alex, anh có thể tự giới thiệu ngắn gọn về
thân thế và học vấn?
Alex Thái: Thưa, xin tự giới thiệu tôi là Alex-Thái Đình Võ, sinh ra ở Quảng Ngãi, Việt Nam, và cùng gia đình sang định cư tại California, Hoa Kỳ, vào năm 1990 theo diện H.O. Tôi bắt đầu học ở Mỹ từ cấp tiểu học và sau đó học đại học tại trường University of California, Berkeley, theo ngành Chính Trị Học [Political Science]. Ra trường năm 2005 và sau hai năm làm việc thì tôi quyết định học thạc sĩ ở Đại Học Cornell University theo ngành Á Châu Học [Asian Studies]. Năm 2013, tôi trở lại Cornell để theo đuổi bậc tiến sĩ ở môn sử học, dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư Keith Taylor, giáo sư sử học về Việt Nam.
Chủ đề học của tôi là lich sử Á Châu với trọng tâm nghiên cứu là lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, đặc biệt chú trọng về các cuộc chiến tại Việt Nam từ giai đoạn 1945 đến 1990. Chủ đề nghiên cứu luận văn tiến sĩ của tôi là chính sách cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, từ giai đoạn 1945 đến 1960. Thời gian vừa qua tôi đã xuất bản hai bài nghiên cứu về chủ đề ấy. Một bài về Hồ Chí Minh và địa chủ Nguyễn Thị Năm cùng những quyết định đưa đến việc thi hành chính sách cải cách ruộng đất. Bài thứ nhì về La Quý Ba, cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, và ảnh hưởng trong cải cách ruộng đất. Có thể tìm hai bài này tại trang: https://cornell.academia.edu/AlexThaiVo.
Ngoài chủ đề cải cách ruộng đất thì tôi còn nghiên cứu về những biến đổi xã hội, văn hoá, kinh tế và chính trị tại Việt Nam, điển hình như: Nhân-Văn Giai-Phẩm, đi cư và tập kết 1954, chính sách cải tạo, vượt biên và định cư, kiểm duyệt đối với văn học nghệ thuật, cũng như vấn đề ký ức và di sản chiến tranh thời hậu chiến. Ngoài ra, trong thời gian học tiến sĩ tôi cũng có thành lập một dự án lịch sử mang tên “Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu về Cuộc Chiến Việt Nam”. Đầu năm nay dự án này đã ra mắt bộ phim 17 tập về sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam qua cái nhìn ông Bùi Diễm, Đại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tài Hoa Kỳ. Chi tiết về dự án này có thể cập nhật tại: https://vietnamwarohp.com.
Triều Giang: Lý do khến Alex chọn ngành sử mà không chọn các ngành nghề khác dễ dàng tìm việc mưu sinh hơn?
Alex-Thai: Thực tế ngành sử không phải là ngành dễ dàng tìm việc mưu sinh. Mỗi năm nhiều nhất thì có được 2-3 vị trí trống để vài trăm tiến sĩ cạnh tranh. Nói chung ai theo đuổi ngành sử và khoa học xã hội đều nhận biết được sự khó khăn này, nhưng đa số vẫn theo đuổi nó vì trách nhiệm và đam mê. Tôi theo đuổi môn lịch sử về chiến tranh Việt Nam là vì hai yếu tố trên. Trách nhiệm xuất phát từ những kinh nghiệm cá nhân, tuy nhỏ bé nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và lựa chọn của mình. Trong đời tôi có bốn sự việc ảnh hưởng quyết định này: Thứ nhất là lúc khoản 6-7 tuổi khi bị người trong xóm gọi là “con ngụy” và tỏ thái độ phân biệt nhưng lại không hiểu vì sao mình bị gọi vậy và cũng không hiểu hai từ “con ngụy” là gì. Khi về hỏi ba thì ba bảo đừng nhắc đến hai từ đó và từ đó thì hai từ đó nó như một sự ám ảnh. Thứ nhì là khi chứng kiến cảnh người anh đau buồn và vô vọng vì không được vào đại học dù điểm thi vào đại học cao hơn điểm quy định. Lý do là bởi lý lịch gia đình. Thứ ba là khi học lớp 7 ở Mỹ và bị một cậu bạn nhận định một câu về gia đình ngay sau khi học về cuộc chiến Việt Nam. Cậu ấy hỏi: “Gia đình mày là từ phía nào?” Tôi trả lời: “Nam”. Ngay lập tức cậu ấy la lên: “A, vậy gia đình mày thua là xứng đáng.” Lần thứ tư xẩy ra ở Đại Học Berkeley, khi bị một giáo sư cho điểm “F-” cho một bài văn viết về chiến tranh Viết Nam, trong đó tôi có góp ý với vị giáo sư về những thành kiến và thiên lệch ông thể hiện trong cách ông giản dạy và đưa ra chứng cứ về chiến tranh Việt Nam. Ông trả lời với một trang bình luận và bảo lý do tôi có những góp ý vậy là vì tôi không thoát được cái cay đắng xuất phát từ việc gia đình tôi đã bị thua cuộc.
Bốn sự kiện ấy làm tôi nghĩ về lịch sử, về bản thân và về những gì mình có thể làm để hiểu rõ hơn về lịch sử, nhất là lịch sử cuộc chiến Việt Nam và những ảnh hưởng của nó, mà không bị ảnh hưởng bởi những định kiến thiên lệch. Từ đó tôi cho việc tìm tòi, nghiên cứu, và lưu truyền lại những câu chuyện lịch sử là một trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đó dần trở thành đam mê, mà đam mê là sự “mù quáng”, đôi khi bất chấp hết những lẽ thường để cứ được theo đuổi cái mình muốn tìm hiểu và lưu truyền. Thành ra dù biết ngành nghề này khó cho việc mưu sinh, nhưng tôi vẫn chấp nhận kiên trì theo đuổi. Theo đuổi để được hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đã ảnh hưởng không chỉ riêng mình mà còn không biết bao nhiêu người khác cũng như vận mệnh đất nước. Theo đuổi để được ghi lại những câu chuyện của những người đã từng sống qua những giai đoạn ấy, từ câu chuyện của giới lãnh đạo đến câu chuyện của người nông dân, để rồi thế hệ sau còn cơ hội hiểu thêm về quá khứ, hiện tại và tương lại của chính họ.
Triều Giang: Được biết Alex đã nhận lời hợp tác với Dự án Di sản VNCH và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt, xin Alex cho biết lý do và những dự định của Alex sẽ làm gì cho dự án?
Alex-Thai: Vừa qua tôi có nhận được đề nghị một vài vị trí nghiên cứu ở vài nơi nhưng cuối cùng quyết định hợp tác với Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu của trường Đại Học University of Oregon và Dự Án Di Sản VNCH và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt do Giáo Sư Tường Vũ đứng đầu. Lý do tôi hợp tác vì thấy dự án hợp với mục tiêu và hướng nghiên cứu của tôi trong những năm kế. Là một người Mỹ gốc Việt, ưu tư về lịch sử, nên tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc viết và lưu truyền lịch sử về Việt Nam Cộng Hoà và về người Mỹ gốc Việt. Quan trọng vì những trang sử về hai chủ đề ấy hiện đang còn rất trống mà những người đã từng sống qua những giai đoạn lịch sử ấy thì đã qua đời hoặc cũng rất lớn tuổi. Tôi hợp tác vì muốn tận dụng cơ hội này và thời gian tới để duy trì lại lịch sử Việt Nam Cộng Hoà cũng như lịch sử người Mỹ gốc Việt.
Trong cương vị của mình với dự án, tôi dự định sẽ làm những việc sau:
1) Trình bày nghiên cứu của mình tại hai hội thảo vào năm tới (2020). Một ở Trung Tâm Vietnam Center, Đại Học Texas Tech University và một ở SHAFR, Hiệp Hội Các Nhà Sử Học Về Quan Hệ Đối Ngoại Của Mỹ;
2) Phụ với Giáo Sư Tường Vũ trong việc chỉnh sửa và xuất bản các báo cáo nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo về Chủ Nghĩa Cộng Hoà Việt Nam tại Đại Học Oregon vào tháng 10 năm 2019;
3) Góp phần lên kế hoạch và tổ chức một hội nghị vào mùa hè năm 2020, sẽ được tổ chức tại Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa (còn gọi là Bảo tàng Việt) tại San Jose nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Việt Nam Cộng Hòa;
4) Phỏng vấn các học giả, bao gồm các ứng viên tiến sĩ, đang tiến hành những nghiên cứu tiên tiến về chủ đề liên quan đến Việt Nam Cộng Hoà và Người Mỹ Gốc Việt, để xuất bản trực tuyến;
5) Phỏng vấn những nhân vật nổi bật của Việt Nam Cộng Hòa có liên quan đến lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh, giáo dục và các tổ chức dân sự để rồi đăng tải trực tuyến các cuộc phỏng vấn đó;
6) Viết và xuất bản một số bình luận về các sách nghiên cứu về chủ đề trong dự án; và
7) Tạo một thư mục gồm các nhà nghiên cứu và học giả đã và đang thực hiện nhưng nghiên cứu về chủ đề liên quan đến dự án.
Triều Giang: Alex có muốn chia sẻ với cộng đồng diều gì, đặc biệt là giớ trẻ?
Alex-Thai: Tôi muốn chia sẻ với cộng động, từ những cô bác đến các bạn trẻ, vài suy nghĩ về tầm quan trong của lịch sử và việc duy trì lịch sử. Lịch sử đối với nhiều người là cái gì rất xa lạ, nhàm chán, khô khan, phức tạp, thành vì vậy nên nó hay bị xem thường. Lịch sử, đặc biệt là lịch sử cuộc chiến Việt Nam, trong đó có Việt Nam Cộng Hoà và những ảnh hưởng tạo nên cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiên nay, luôn là vấn đề quan trọng vì đặc tính của nó là ở sự bất diệt và bền vững. Lịch sử là nền tảng định hình chúng ta là ai—quá khứ, hiện tại, và tương lai—nên việc hiểu nó luôn là điều cần thiết. Như nhà hùng biện Marcus Garvey đã từng nói, “Một người không có kiến thức về lịch sử quá khứ của họ, nguồn gốc và văn hóa [thì cũng] giống như một cái cây không có rễ.” Hoặc như nhà văn Hermann Hesse nhận định, “Không có từ ngữ, không có văn bản và không có sách sẽ không có lịch sử, [thành sẽ] không thể có khái niệm về nhân loại.”
Riêng về lịch sử chiến tranh Việt Nam, có người nói, “Đề tài xưa như trái đất không phù hợp cho giới trẻ và thời cuộc hiện nay. Đã thua rồi thì không còn gì để nói chỉ để cho lịch sử phán xét mà thôi.” Câu nói khi nghe thoáng qua thì thấy bình thường nhưng thể hiện một vấn đề khá nghiêm trọng trong nhận thức của nhiều người về lịch sử, cụ thể là lịch sử cuộc chiến Việt Nam. Trước hết, lịch sử là gì, từ đâu mà có, mà ta hiển nhiên cho rằng nó có khả năng phán xét? Lịch sử tự nó làm sao phán xét? Lịch sử đâu phải là một thực thể tự nó có thể tìm tòi, so sánh, suy luận và nhận định để rồi phán xét. Đúng, đến nay cuộc chiến chấm dứt đã gần 45 năm và không biết đã có bao nhiêu sách vở đã viết về nó, nhưng sự thật cần nhìn nhận là đến nay thì chúng ta vẫn còn chưa biết và chưa hiểu hết về nó. Đặc biệt là những khía cạnh xã hội, kinh tế và văn hóa, hoặc từ quan điểm và cái nhìn của người thua cuộc hoặc những thường dân.
Một trong những lý do chính là, như Thủ Tướng Winston Churchill của Anh đã từng nói, “Lịch sử đã/và sẽ được viết bởi những người chiến thắng,” những người có quyền lực và khả năng để họ có thể tường thuật và định hình lịch sử sẽ và phải được nên viết như thế nào.
Nếu lịch sử đã và sẽ được viết bởi những người thắng cuộc, những người có quyền hành, vậy những người thua cuộc hoặc những người ở vị thế yếu không có quyền lực thì sao? Có phải vô hình trung tiếng nói của họ đã và sẽ tiếp tục bị vùi dập qua các hình thức kiểm duyệt hay bị loại bỏ khỏi sách sử? Vậy lịch sử cuộc chiến trong học đường Việt Nam hoặc kể cả nhà trường ở Hoa Kỳ có thật sự đầy đủ và trung thực không? Câu trả lời chắc chắn là không thì tại sao chúng ta phải dị ứng lịch sử, kể cả lịch sử chiến tranh. Nếu lịch sử của chính chúng ta mà chúng ta không tìm hiểu, không viết, không duy trì thì đừng trách tại sao lịch sử người khác viết lại có những sai lệch, những định kiến và phiến diện về chúng ta.
Vì trân quý lịch sử và hiểu rõ tầm quan trọng của nó, Thái xin thành khẩn yêu cầu các cô bác và các anh chị em hãy viết, hãy phỏng vấn và ghi âm lại những câu chuyện của mình, của ông bà cha mẹ và anh em mình, hầu để lưu truyền lại cho con cháu mai sau được cơ hội biết và hiểu hơn về nguồn gốc nguồn gốc của chính họ. Những câu chuyện của quý vị sẽ góp phần dựng lại bức màn lịch sử Việt Nam (VNCH và Người Mỹ Gốc Việt) thêm đa dạng và đầy thú vị—từ những biến động về chính trị và quân sự đến những sinh hoạt kinh tế, xã hội, cũng như văn hóa, phong tục và cuộc sống thường ngày, cho đến những cuộc đổi đời để có sự hiện diện của chính chúng ta và con cháu chúng ta trên đất Hoa Kỳ ngày hôm nay.
Những câu chuyện muôn mầu muôn vẻ ấy sẽ làm phong phú và sáng tỏ thêm lịch sử và đời sống con người Việt Nam, vì khía cạnh ấy gần như vắng bóng trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Thưa các cô bác và các anh chị em, chúng ta ai ai cũng đều có trách nhiệm với lịch sử, thành vì vậy nên xin quý vị đừng đánh mất lịch sử mà hãy cố lưu truyền nó.
Triều Giang: Alex có ước vọng gì cho tương lai mà có thể chia sẻ với độc giả?
Alex-Thái: Ước vọng tương lai của Thái là thành lập một trung tâm lưu trữ tài liệu về Việt Nam ở Hoa Kỳ, nhằm thu thập, lưu trữ, khai thác, và phổ biến dữ liệu, ký ức, và suy nghĩ liên quan đến những kinh nghiệm trong lịch sử, đặc biệt là lịch sử chiến tranh tại Việt Nam cũng như lịch sử cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Mục đích của dự án này là để góp phần trong việc duy trì lịch sử của người Việt Nam. Thái mong một ngày, với sự góp sức của quý vị, trung tâm sẽ được thành lập và được lưu trữ những câu chuyện, những dữ liệu lịch sử của chính quý vị.
Mọi liên lạc xin email: alexthaivo@gmail.com.
Triều Giang: Chân Thành cám ơn Alex-Thái đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn hữu ích này.
TG
(10/2019)
Nguồn: vietvungvinh.com