PTKT: Hôm nay, giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel của ngân hàng Sveriges Riskbank được trao cho ba nhà kinh tế Abhijjt Banergie, Esther Duflo và Michael Kremer vì “cách tiếp cận thực nghiệm của họ để giảm bớt nghèo khổ trên toàn cầu”.
PTKT đăng lại dưới đây bài phỏng vấn năm năm trước đây (và được cập nhật hôm nay) Esther Duflo, nhà nữ kinh tế thứ hai và là khôi nguyên trẻ tuổi nhất vào lúc được giải này.
Giáo dục, tín dụng nhỏ, chính sách y tế, …
Làm thế nào kiểm định thật sự hiệu quả của một chính sách công? Esther Duflo trình bày những nguyên lí của phương pháp thực nghiệm được bà tinh chỉnh trên thực địa ở nhiều nơi trên thế giới.
Esther Duflo, sinh năm 1972, cựu sinh viên Trường đại học sư phạm Paris (ENS) và tiến sĩ kinh tế, hiện là giáo sư kinh tế học phát triển tại đại học MIT, đồng sáng lập và giám đốc Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab. Năm 2010 bà được giải John Bates Clark của Hội kinh tế Mĩ dành cho nhà kinh tế làm việc ở Hoa Kì dưới 40 tuổi, và giải Calgo-Armengol về những đóng góp của bà cho lí thuyết và sự hiểu biết các cơ chế tương tác xã hội.
Trong cuộc trò chuyện dưới đây, Esther Duflo đề cập lại cách tiếp cận “ngẫu nhiên” trong kinh tế học, bản chất những dự án đã tiến hành và cách quản lí chúng; bà cũng trả lời những băn khoăn mà đôi lúc một cách tiếp cận như thế gợi lên.
Esther Duflo là nhà kinh tế phát triển tại đại học Masachussets Insititute of Technology. Tháng giêng 2009, bà giảng dạy chuyên ngành “Kiến thức chống nghèo khó” tại Pháp quốc học viện. Là nhà đồng sáng lập tổ chức Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab, bà bảo vệ việc tiến hành thử nghiệm in vivo (trong cuộc sống) trong kinh tế. Theo khuôn mẫu của những thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trong các “khoa học cứng”, các thí nghiệm ngẫu nhiên này có những lợi thế nhất định, đặc biệt là trong việc kiểm tra các tham số có thể làm chệch việc phân tích các cơ chế được nghiên cứu. Tuy nhiên các thử nghiệm này cũng đặt ra những vấn đề đạo đức và khoa học luận.
Florian Mayneris
Phó giáo sư kinh tế học tại Đại học công giáo Louvain (Bỉ)
Đánh giá các chính sách phát triển
Bà là nhà kinh tế phát triển, giáo sư môn “Kiến thức chống nghèo khó” tại Pháp quốc học viện, nơi bà trình bày các nghiên cứu đang tiến hành về kinh tế học phát triển. Thế nào là phương pháp thực nghiệm, hay như bà gọi là những thử nghiệm ngẫu nhiên?
Đây là một phương pháp được sử dụng để thử đánh giá tác động của một chương trình hay một dự án. Tôi chủ yếu làm việc trên cuộc chiến chống nghèo khó và về các nước đang phát triển, trong những lĩnh vực như giáo dục, y tế, tham nhũng, tín dụng, v.v… trong các nước đang phát triển. Nhưng đây là những phương pháp hoàn toàn có thể áp dụng được vào các nước khác, vả lại chúng cũng đã được áp dụng vào các nước đó.
Nguyên lí chung là cố đến gần nhất có thể phương pháp thử nghiệm lâm sàng. Ta so sánh những ai đã được điều trị – trong trường hợp này đó sẽ là một loại thuốc mới – và những ai không được hưởng điều này. Nhằm làm được như thế, chúng tôi làm hết sức để cho các đối tượng này là có thể so sánh lẫn nhau được. Trong cuộc sống thực tế, điều ta đối mặt khi thử so sánh những ai được thụ hưởng một chương trình, ví dụ chương trình xây dựng trường học, với những ai không thụ hưởng được chương trình ấy, là cách mà các chương trình được phân bổ thường kéo theo rằng những người thụ hưởng hoàn toàn không so sánh được với những người không được thụ hưởng chương trình. Ví dụ, ta có thể xây trường tại những nơi mà dân chúng mong muốn có trường nhất, trong truờng hợp này trình độ giáo dục ở đó sẽ cao hơn; hoặc ta có thể nhắm đến các trường ở những nơi người dân cần nhất, và trong trường hợp này trình độ giáo dục sẽ thấp hơn.
Mục đích của thử nghiệm ngẫu nhiên là làm việc với những đối tác trên thực địa, các đối tác này có thể là ví dụ, những tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương, hay công ti tư nhân mong muốn thực hiện một chương trình để tạo những điều kiện mà những ai thụ hưởng chương trình hoàn toàn có thể so sánh được với những ai trong bước đầu chưa được thụ hưởng chương trình ấy. Để làm điều này, trước tiên ta xác định một mẫu, ví dụ 200 làng sẽ xây dựng trường, và ta chọn ngẫu nhiên làng nào sẽ có trường. Ví dụ, nếu một tổ chức phi chính phủ đủ sức tài trợ 100 trường, ta chọn 200 làng thay vì 100 làng mà dù sao họ cũng sẽ chọn. Sau đó, ngay từ đầu ta thu thập dữ liệu của 200 làng, điều này cho phép so sánh, ví dụ, quá trình đi học của hai loại làng. Thường sau đó, khi thử nghiệm chấm dứt, người ta xây dựng trường khắp nơi.
Giáo sư tiến hành các chương trình viện trợ phát triển và thử nghiệm này phần lớn thông qua cơ cấu tổ chức của Poverty Action Lab, J-PAL, mà hiện nay đang thực hiện cả trăm dự án. Đâu là những kiểu dự án mà bà tiến hành?
Có cả một phổ những dự án, từ những dự án giáo dục, với mối quan tâm đến việc tiếp cận học đường cũng như chất lượng giáo dục, cho đến những dự án y tế; trong trường hợp sau, chúng tôi không quan tâm bằng các bác sĩ đến hiệu quả của liệu pháp này hay liệu pháp khác mà muốn tìm hiểu nhiều hơn các hành vi y tế và những đặc điểm của cung, và làm cách nào cải thiện cung này. Có những chương trình liên quan đến thị trường tín dụng, hay tổng quát hơn đến việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Có những chương trình khác liên quan đến sự điều hành và tham nhũng, ví dụ, tác động của những quy tắc đặc biệt và quyết định trong các cơ quan chính quyền được phân quyền: nên tổ chức bầu phiếu hay hội họp? Và có cả những chương trình khác nữa, không dễ dàng liệt vào bất kì loại nào, ví dụ để thử xác định mức độ phân biệt đối xử trong một xã hội.
Sau đó việc triển khai diễn ra như thế nào, ở cấp độ điều hành? Các Nhà nước và chính quyền địa phương liên lạc với giáo sư hay là giáo sư chủ động? Và lúc xác định và triển khai dự án, các cấp ra quyết định phối hợp với nhau như thế nào, đặc biệt là với các chính quyền địa phương?
Đối với những dự án kiểu này, bao giờ cũng phải có ba yếu tố. Phải có một đối tác trên thực địa mong muốn triển khai dự án và muốn có một đánh giá, mặc dù tính chất ràng buộc của phương pháp này. Đối tác trên thực địa này có thể là một chính phủ, một tổ chức phi chính phủ, hay một doanh nghiệp tư nhân. Tiếp đến phải có một nhà nghiên cứu hay một ê-kíp nghiên cứu quan tâm đủ đến dự án để muốn triển khai nó. Và cuối cùng phải cần một nhà tài trợ.
Do đó phải hội đủ ba yếu tố trên, nhưng không phải bao giờ cùng một yếu tố là yếu tố đến đầu tiên. Có khi có một nhà nghiên cứu hay một nhóm nghiên cứu muốn làm việc thật sự trên một dự án, ví dụ về tác động của tín dụng nhỏ, vì chưa từng có một đánh giá kiểu này. Trong những trường hợp khác, chính đối tác trên thực địa thật sự muốn là một dự án phải được đánh giá; đó có thể là một tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn một tổ chức phi chính phủ Ấn Độ đã trực tiếp làm việc với chúng tôi để hỏi xem có thể làm việc với họ về cách cải thiện cung y tế của tổ chức này không. Một ví dụ khác, nhân bạn nói đến chính quyền, chính quyền bang Rajasthan (tổng cục cảnh sát và bộ nội vụ) liên lạc với chúng tôi hỏi xem có muốn làm việc với họ nhằm tìm những biện pháp cải tiến hiệu quả của cảnh sát, giảm tham nhũng và cải thiện hình ảnh của định chế này trong mắt công chúng. Chúng tôi trả lời yêu cầu này: “Đây là những gì chúng tôi có thể làm với các bạn”. Chúng tôi bắt đầu bằng cách tìm kiếm một số ý tưởng trong sách báo, nói chuyện với cảnh sát, thẩm phán, các hiệp hội người sử dụng, v.v… để tìm những cách thử, tiếp đó kiểm định các biện pháp này, trước khi xem xét điều gi là khả thi hay không. Và còn một trường hợp thứ ba nữa, khi yêu cầu đến từ phía có tiền, quan tâm đến một điều đặc biệt gì đó. Ví dụ AFD (cơ quan phát triển Pháp) tài trợ nhiều dự án tín dụng nhỏ để soi sáng toàn bộ hoạt động của cơ quan trong lĩnh vực này.
Điểm xuất phát có thể là một trong ba điểm tôi vừa nêu. Sau đó, cần phải có một sự cộng tác chặt chẽ giữa ba thành viên đến độ là không bao giờ có thể nói rằng dự án là một đơn hàng của một đối tác, của nhà tài trợ hay của một nhà nghiên cứu.
Sự cộng tác này diễn ra suôn sẻ hay một lúc nào đó trong quá trình cộng tác quyền lợi các bên có khác nhau chăng?
Bao giờ cũng có va chạm, những va chạm nhỏ nhưng không bao giờ có tính cơ bản. Tôi chưa bao giờ bị du vào thế mà các kết quả thu được là không thỏa đáng, đến độ là phía từng muốn có dự án lại mong chôn vùi nó đi. Điều này chưa bao giờ xảy ra vì người ta không bước vào quá trình này nếu không cực kì cởi mở đối với kết quả và nhất là nếu không đòi hỏi có một kết quả thật sự. Vì nếu người ta muốn một đánh giá để chứng minh rằng một dự án là tốt thì bao giờ cũng có thể có được một đánh giá như thế, với chi phí bao giờ cũng rẻ hơn và dễ tiến hành hơn, và luôn cho được đúng kết quả mong muốn. Khi một đối tác muốn tham gia vào quá trình này thì họ biết mình muốn gì và làm gì.
Những va chạm hay xung đột quyền lợi có thể có suốt quá trình là khu biệt hơn nhiều. Ví dụ, các đối tác trên thực địa, trong diễn tiến hoạt động bình thường của họ, có thói quen thích ứng với các tình thế, họ đã quyết định làm việc ở một nơi nào đó rồi cuối cùng có vấn đề là dân chúng ở đó không có tinh thần hợp tác cao, nên họ dời chỗ. Chúng tôi yêu cầu họ đừng làm thế. Do đó có thể có xung đột giữa đòi hỏi tiến hành dự án, trên quan điểm tổ chức, một cách hữu hiệu nhất và rẻ nhất có thể với đòi hỏi phải tuân thủ qui trình (protocole); nhưng bao giờ cũng tìm được cách thích nghi. Các qui trình ít nhiều phải được tuân thủ, và sau đó trên phương diện phân tích dữ liệu, chúng tôi có khả năng tính đến những khác biệt với tình thế lí tưởng trong phòng thí nghiệm. Mặt khác, các đối tác cũng nhận thức rằng đây là một tình thế hơi đặc biệt và do đó mỗi bên cùng thích nghi.
Các dự án này tốn bao nhiêu và ai tài trợ chúng?
Chi phí biến đổi rất lớn. Nếu bạn làm một dự án trong các trường học tại đô thị, bạn chỉ cần đến các trường và để các em làm một trắc nghiệm, một việc không mấy tốn kém. Có thể làm việc này với 50.000€ mỗi năm. Nếu dự án của bạn muốn đo tác động của những biện pháp phòng chống AIDS trên tỉ suất nhiễm trùng thì cần những mẫu khổng lồ vì may thay tỉ suất nhiễm HIV không quá cao và vì tất cả những người bị nhiễm sống cô lập ở nông thôn. Nhanh chóng con số bạn cần sẽ là hai triệu đôla.
Như thế thì ai trả? Một câu hỏi rất hay vì điều quan trọng là đừng quên rằng đánh giá không phải là một công cụ hồi cố mà là một công cụ thăm dò: những bài học rút ra từ chương trình, cho dù chương trình thất bại hay thành công, có tính tổng quát hơn. Tri thức có được từ những kiểu đánh giá này là những sản phẩm công cộng và do đó phải được tài trợ không chỉ bởi những ai quan tâm đặc biệt đến chương trình này mà còn bởi những định chế tài trợ cho những sản phẩm công. Ví dụ, Ngân hàng thế giới tài trợ rất nhiều chương trình đánh giá, của chúng tôi hay của những tổ chức khác. Các định chế nghiên cứu, cũng là các định chế tài trợ các thử nghiệm lâm sàng (như NIH, Viện y tế quốc gia của Mỹ), các quỹ như quỹ Hewlett, quỹ Gates, quỹ McCarter vừa tài trợ cho nghiên cứu vừa tài trợ cho các chương trình hành động. Đôi lúc là những quỹ nhỏ, hay cả những nhà tài trợ tư nhân quan tâm đến một lĩnh vực đặc biệt nào đó, ví dụ như tác động của nước ở Maroc (trường hợp Veola). Còn có những nhà tài trợ song phương (AFD, v.v…).
Đạo đức của thử nghiệm
Phương pháp thực nghiệm mới này trong kinh tế học phát triển đã khơi lên một số tranh luận và câu hỏi. Trước hết việc triển khai một số dự án này có đặt ra những vấn đề đạo đức không? Việc đánh giá một dự án có tiềm năng là có lợi bằng cách quyết định võ đoán rằng một số người được thụ hưởng từ dự án và một số khác thì không đôi lúc cũng có vấn đề chứ? Có thể là sau khi dự án được triển khai một số người được xử lí lâm vào tình thế không tốt bằng trước khi có dự án thì trong trường hợp này có chăng việc bồi thường cho họ?
Do đây là lĩnh vực nghiên cứu, và tất cả các nhà nghiên cứu đều hoạt động trong đại học nên các vấn đề đạo đức chịu những ràng buộc của các ủy ban đạo đức của đại học, tiếc là đại học Pháp không có các ủy ban này song ở Mĩ thì có. Ví dụ, về phần tôi, tất cả các dự án tôi tham gia đều phải được ủy ban đạo đức của MIT thông qua, ủy ban này quản lí những vấn đề đạo đức gắn liền với các thử nghiệm lâm sàng hay với tất cả các nghiên cứu khác, chứ không nhất thiết chỉ các thử nghiệm, có sự can dự của các chủ thể là con người. Tất cả những vấn đề đạo đức này chịu những ràng buộc của những qui trình được quyết định ở cấp quốc tế, như qui trình Belmont, mà có lẽ không phải mọi người trên thế giới đều tuân thủ, nhưng đều được những ủy ban đạo đức mà tôi biết áp dụng. Nói chung, một dự án nhận được ý kiến của các ủy ban đạo đức của tất cả các nhà nghiên cứu có can dự và ý kiến của ủy ban đạo đức của nước có liên quan. Ví dụ, ở Kenya, ủy ban đạo đức quản lí tất cả những thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng cũng phụ trách các vấn đề đạo đức cho kiểu dự án của chúng tôi.
Cũng có một số quy tắc thuộc lĩ lẽ thông thường. Một trong số đó là giới hạn tối đa các rủi ro mà những ai tham gia thử nghiệm có thể phải gánh chịu. Trong kiểu dự án chúng tôi thực hiện, thật ra ít có hiệu ứng tiêu cực và rủi ro vì chúng tôi không bao giờ phát thuốc, và nếu có thì đó là những thuốc đã được biết rõ. Dù thế nào đi nữa, trên phương diện bảo vệ các chủ thể, bao giờ chúng tôi cũng đặt câu hỏi: “Điều gì có thể làm tổn thương chủ thể?”. Trong trường hợp chúng tôi, vấn đề lớn là đánh mất việc bảo mật thông tin hay khi có ai khác nắm được thông tin của các nhà nghiên cứu và có thể gây phương hại cho các chủ thể. Chúng tôi rất quan tâm đến việc bảo mật và tự do cá nhân, người ta không bị buộc phải tham gia cuộc thử nghiệm, ngay cả khi thụ hưởng chương trình. Ví dụ, có người thuộc nhóm được xử lí và từ chối trả lời các câu hỏi, nhưng vì họ ở trong làng thuộc diện được tổ chức phi chính phủ (NGO) triển khai chương trình thì họ vẫn có quyền tiếp cận chương trình này. Chúng tôi cực kì chú ý để tôn trọng quyền tự do này.
Tiếp đó, có vấn đề là ta có thể tước quyền thụ hưởng chương trình của người khác không. Thường vấn đề này không đặt ra vì chúng tôi làm việc với những ngân sách vô cùng hạn chế và những giới hạn trong việc thực hiện chương trình. Ví dụ khi làm việc với các NGO thì dù sao đi nữa ngân sách các tổ chức này cũng giới hạn. Nếu họ chọn theo may rủi một trăm làng thì họ có một trăm làng; và nếu chương trình là một cuộc thử nghiệm thì chúng tôi chọn ngẫu nhiên trong hai trăm làng; điều này cho phép biết được là chương trình có thành công hay không, và nếu thành công thì điều này cung cấp một luận chứng vững chắc để mở rộng chương trình. Nói như vậy rồi thì thường chúng tôi cố gắng làm việc trong những điều kiện có cơ hội mở rộng dần chương trình để những ai thuộc nhóm đối chứng thật ra chỉ bị chậm trễ so với những ai được thụ hưởng chương trình. Ví dụ, trong một chương trình đào tạo chống HIV cho các thầy giáo, các thầy được đào tạo theo từng đợt, và chúng tôi tổ chức một đợt cho các thầy một số trường, và sau đó là cho các đối tượng khác. Nói chung việc này cho phép đẩy nhanh quá trình hơn so với những gì xảy ra bình thường vì có những quỹ dành riêng cho nghiên cứu cho phép đi nhanh hơn là cứ nếu cứ để nguyên trạng. Do đó, trong thực tiễn chúng tôi không gặp khó khăn về mặt đạo đức.
Và nếu có khó khăn này, chúng tôi từ chối làm chương trình. Ví dụ, một NGO Ấn Độ mời chúng tôi làm việc với họ trên một chương trình hỗ trợ các trẻ em rất suy dinh dưỡng. Một khi nhận diện xong các trẻ này, họ tư vấn lẫn hỗ trợ cho các bà mẹ. Chúng tôi được yêu cầu đánh giá chương trình này. Tôi đã từ chối vì một khi đã nhận diện đứa trẻ là suy dinh dưỡng thì, về mặt đạo đức, ta không thể không nuôi dưỡng nó: về mặt đạo đức không thể tham gia chương trình này được. Một ví dụ khác là trường hợp các tổ chức phụ trách người tị nạn hay những tình thế hậu xung đột, như ở Liberia, Congo, v.v… Hiện nay các tổ chức này có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của những gì họ làm và tự hỏi làm thế nào cải thiện công việc của mình. Họ rất quan tâm đến cách tiếp cận thực nghiệm và tiếp xúc với chúng tôi. Tôi nói với họ rằng thường họ không ở thế có thể triển khai cách tiếp cận này vì nếu họ phụ trách một trại tị nạn thì họ lo cho người tị nạn và không thể có sự phân biệt đối xử trong một trại tị nạn; điều này là không thể, về mặt đạo đức lẫn trong thực tiễn. Do đó có những rào cản. Trong các trường hợp này chúng tôi không vượt rào. Tuy nhiên tôi nghĩ là người ta cường điệu hóa tầm quan trọng của những rào cản này. Có những trường hợp, rất rõ ràng, đặt ra những giới hạn và phải tôn trọng chúng. Một giới hạn khác, cũng rất rõ ràng, là chúng tôi không muốn làm hại người khác.
Làm thế nào khái quát hóa những kết luận của các cuộc điều tra ở địa phương?
Ta đo đạc gì qua những thử nghiệm ngẫu nhiên này? Các chương trình này mỗi lần đều được triển khai trong một nước nhất định, trong những làng và trong những điều kiện đặc biệt: đâu là mức độ khái quát của những kết quả thu được? Ta học được nhiều điều rất đặc biệt và rất tương đối liên quan đến nước ấy hay có thể nào khái quát hóa từ các kết quả nghiên cứu này?
Đây là một câu hỏi thiết yếu vì nếu không có bất kì khái quát hóa nào, nghĩa là nếu những gì ta học được về một trăm làng ở Kenya không thể phổ quát hóa sang trăm làng bên cạnh thì không có lí do nào để làm các dự án này vì chúng chỉ có ích do bài học có tính tổng quát mà ta rút ra được, bài học này biện minh cho các chi phí và nỗ lực bỏ ra. Bao giờ vấn đề bối cảnh cũng là một vấn đề xác đáng. Như Montesquieu đã nói, không có những đạo luật tốt hay xấu mà chỉ có những luật tốt hay xấu trong bối cảnh của chúng. Điều đó cũng đúng đối với các chương trình. Nói như vậy rồi thì cũng không nên đẩy lập luận này quá xa. Ta quay trở lại với Hume, người tự hỏi rằng có thể học được điều gì có tính phổ quát chăng. Mỗi ngày ta thấy mặt trời mọc, điều này hoàn toàn không kéo theo là ngày mai mặt trời sẽ mọc nếu ta không có một lí thuyết về quan hệ giữa các tinh tú và hành tinh. Tương tự như thế đối với các chương trình. Ta không thể khái quát hóa một thử nghiệm đặc thù hay một quan sát đặc thù, dù cho đó là một thí nghiệm hay không, nếu không có một khung lí thuyết, rõ ràng hay ngầm ẩn. Tất cả chúng ta đều có khung lí thuyết này. Đây chính là điều căn bản của một chính sách kinh tế: không thể nào có một chính sách kinh tế nếu nghĩ rằng kinh nghiệm của một ai về người láng giềng của mình là hoàn toàn không xác đáng. Đơn giản là không thể nghĩ được là không có bất kì khả năng học được điều gì có tính tổng quát hơn từ một thử nghiệm đặc biệt. Nói như vậy rồi thì bối cảnh vẫn là quan trọng nhưng cũng lại là một lí thuyết giải thích tác động của chương trình này mới cho phép chúng ta phân định điều gì sẽ thành công nơi này hay nới khác. Ví dụ, có những lí thuyết vô cùng đơn giản là những lí thuyết sinh lí. Michael Kremer đã đánh giá tác động của việc tẩy kí sinh trùng: các kí sinh trong ruột làm cho trẻ em bị bệnh, do đó nếu cho trẻ em uống thuốc thì chúng ít bị bệnh và do đó có thể đến trường nhiều hơn. Ta có thể nghĩ rằng hiện tượng này là phổ quát. Trong lúc đối với một số hiện tượng khác, chẳng hạn như việc vận động dân chúng để giám sát thầy cô hay y tá, thì ta có thể nghĩ rằng năng lực tổ chức của đám đông phụ thuộc vào bối cảnh dân chủ. Chính điều này cho phép tiên đoán là, ví dụ, cái gì sẽ thành công ở Kenya hơn là ở Ấn Độ.
Giáo sư đặt vấn đề khái quát hóa và bối cảnh trước, trong hay sau các cuộc thử nghiệm?
Có một quá trình phản hồi qua lại, chúng tôi rất muốn đặt vấn đề càng sớm càng tốt. Nói thật, điều thường xảy ra là trước các cuộc thử nghiệm, chúng tôi tiên đoán tùy theo lí thuyết sẵn có liên quan đến tác động của chương trình trên cả một chuỗi luận chứng. Và chúng tôi đánh giá dựa trên tất cả những biến trung gian được tiên đoán. Lấy trường hợp tác động của phụ nữ cầm quyền trên các quyết định chính trị làm ví dụ, tôi đã trước tiên nghiên cứu vấn đề này ở Tây Bengale. Ý tưởng ban đầu của tôi là khá đơn giản: một phụ nữ cầm quyền sẽ có những quyết định chính trị giống với, và thể hiện tốt sở thích của phụ nữ hơn là sở thích của nam giới. Do đó trước hết chúng tôi đo sở thích chính trị của nam giới và nữ giới bằng cách quan sát những đơn kiện của hai giới. Tiếp đó chúng tôi nhìn các kết quả, điều gì được các chính khách nam và nữ quyết định. Trong trường hợp của bang Bengale, ta thấy là phụ nữ nhấn mạnh nhiều đến các vấn đề nước sạch và đường sá hơn là đến giáo dục. Nên mới có tiên đoán rằng kết quả là sẽ có nhiều nước và đường sá và ít trường học. Sau đó, chúng tôi tìm cách lặp lại thử nghiệm ở nơi khác để kiểm tra rằng điều này không chỉ có giá trị ở Bengale, một bang mà phụ nữ có nhiều quyền lực.
Trong một bang khác, bang Rajasthan, một bang với nhiều bé gái bị giết, v.v… tiên đoán cũng như trên: phụ nữ sẽ làm nhiều hơn theo chiều hướng những gì phụ nữ mong muốn. Và ở bang này chúng tôi cũng đo những gì họ muốn: họ vẫn muốn có nước sạch, giống như phụ nữ ở Bengale, nhưng lại hoàn toàn không quan tâm đến đường sá. Do đó bây giờ chúng tôi có một tiên đoán khác: ở những nơi đàn ông nắm quyền sẽ có nhiều đường sá và ít nước. Như vậy bây giờ chúng tôi có những kết quả khác nhau nhưng lại hiểu được vì sao, đó là vì chúng tôi có được biến trung gian là biến sở thích. Bởi thế tiên đoán không phải là: nếu bầu cho phụ nữ sẽ có nhiều nước sạch hơn nhưng là nếu bầu cho phụ nữ thì sẽ có những sở thích tương ứng tốt hơn với những gì phụ nữ muốn. Đây là một tiên đoán ở cấp độ tổng quát hơn, có thể đo đạc được.
Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế học phát triển quan tâm đến những nhân tố quyết định có tính vĩ mô – để có thể phát triển phải giàu có, muốn giàu có phải tăng trưởng – và người ta tìm cách xác định đâu là những nhân tố quyết định tăng trưởng. Cách tiếp cận thực nghiệm, theo định nghĩa, được tiến hành ở cấp độ hành vi các tác nhân, các cá nhân. Bằng cách nào nghiên cứu vi mô ứng dụng này vào kinh tế học phát triển được nối khớp với một cách tiếp cận có tính vĩ mô hơn ?
Có hai cách trả lời. Một cách là nói rằng phải chuyển động, phải thử nghiệm ở cấp độ kinh tế vĩ mô, không phải ở cấp các quốc gia mà đôi lúc ở cấp các thị trường. Khó khăn là một thử nghiệm ở cấp kinh tế vi mô cho chúng ta những tham số, có thể là những tham số về độ co dãn[1], về năng suất, về vốn, v.v… nhưng hiển nhiên là chúng ở thế cân bằng bộ phận[2]. Nếu có một hiệu ứng cân bằng chung[3] thì, theo định nghĩa, ta không thể nhận ra khi ta tiến hành một thử nghiệm trong nội bộ một thị trường. Một ví dụ là việc tư hữu hóa trường học. Trong nhiều nước, kể cả ở Hoa Kì và ở cả nhiều nước nghèo, vấn đề đặt ra là nên chăng Nhà nước chỉ cần tài trợ cho giáo dục mà để cho thị trường xây dựng trường học, và Nhà nước trao cho người dân các phiếu cho phép họ tài trợ cho giáo dục bản thân. Như thế câu hỏi đầu tiên có thể đặt ra có tính cân bằng bộ phận: nếu chỉ có hai chúng ta, bạn được một phiếu và tôi không được phiếu nào; người ta so sánh chúng ta và nhận thấy là hiển nhiên bạn có nhiều cơ may theo học một trường tư hơn và kết quả của bạn tốt hơn. Do đó ta có một cân bằng bộ phận. Ngày nay ta có một thử nghiệm được tiến hành ví dụ ở Colombia, một quốc gia mà trường tư tốt hơn trường công, nhưng điều này không bảo chúng ta nên ngưng tài trợ trường công và phát phiếu cho mọi người, vì một khi phát phiếu cho mọi người thì ta cũng đồng thời làm thay đổi bản chất của thị trường. Trường tư sẽ thay đổi, trường công, nếu tồn tại, vì vẫn có thể còn những trường công được người ta mang phiếu đến học, cũng sẽ thay đổi. Các trường công có thể có những trẻ em tệ hại hơn hay giỏi giang hơn, có thể các trường sẽ có cạnh tranh nhiều hơn. Bởi thế ta không có tiên đoán về bước chuyển từ hệ thống hiện nay sang hệ thống phiếu. Thật ra kết quả có thể thiên về cả hai chiều hướng. Do đó điều có thể làm là nói rằng: hãy thử thử nghiệm ở cấp độ thị trường. Hiện có một thử nghiệm được tiến hành trên vấn đề phiếu giáo dục này trong bang Andrha Pradesh, nơi mà một quỹ Ấn Độ (của nhà sáng lập Wipro, một trong những công ti tin học lớn) phát phiếu cho dân chúng ở cấp độ toàn thị trường và ta sẽ có mức độ và những hiệu ứng cân bằng chung được nắm bắt qua thử nghiệm. Đó là cách trả lời thứ nhất.
Có những giới hạn cho cách trả lời trên. Có thể làm như trên cho thị trường trường giáo dục vì trẻ em không di chuyển quá xa – chân trẻ em thì ngắn nên cũng giới hạn phạm vi! Nhưng ví dụ, đối với thị trường lao động vấn đề sẽ khác vì người ta sẽ sẵn sàng di chuyển hơn để tìm việc làm này thay vì việc làm khác. Do đó trong trường hợp này, điều quan trọng là kết hợp tốt cách tiếp cập thực nghiệm cung cấp cho ta vài tham số hữu ích với các mô hình vĩ mô. Ở đây, thật sự nghệ thuật này còn đang trong thời thơ ấu vì việc kết hợp này là một nghệ thuật hơn là một khoa học. Đó là điều mà chẳng hạn Robert Townsend thử làm cũng với những vấn đề tăng trưởng khi ông dùng những mô hình kinh tế vi mô thường là những mô hình lựa chọn nghề nghiệp (chọn trở thành doanh nhân hơn là người làm công ăn lương, v.v…), các mô hình này có những ràng buộc về thị trường tín dụng, bảo hiểm. Ông sử dụng những ước lượng kinh tế vi mô của các mô hình này, những tham số khác nhau của các mô hình này hiện chưa do những thử nghiệm cung cấp nhưng trong tương lai thì có thể, tiếp đó ông thử vận hành mô hình này và gò[4] nó trên một nền kinh tế, và trong trường hợp này là nền kinh tế Thái Lan. Từ mười lăm năm nay, ông đã thu thập dữ liệu mỗi năm trên cả ngàn hộ gia đình Thái Lan. Ông đã thấy các hộ này tăng trưởng – Thái Lan đã tăng trưởng nhanh chóng trong thời kì này – và thử tìm hiểu xem mô hình này, với các tham số tốt, có tái hiện lại những thành tựu của nền kinh tế vừa về mặt tăng trưởng lẫn về các mặt bất bình đẳng, lựa chọn nghề nghiêp, bất bình đẳng theo vùng, hiện tượng di dân, v.v… Điều này theo tôi là cực kì hứa hẹn.
Khả năng dự báo của các mô hình này là như thế nào?
Chúng tiên đoán tương đối tốt. Ta có thể làm tốt hơn nữa nhưng với những gì ta hiện biết làm thì đã là đi khá xa hơn việc dùng một mô hình đơn giản trong đó không có các ràng buộc đó. Đã có những tiến bộ rất rõ nét. Do đó ở đây đúng hơn là vấn đề gò mô hình với các ước lượng kinh tế vi mô. Các ước lượng này càng tốt và càng chính xác thì sau này việc gò kinh tế vĩ mô càng xác đáng. Và theo tôi điều này có nhiều hứa hẹn hơn là tính các hồi quy, nghĩa là hơn việc ước lượng một mô hình thống kê từ những dữ liệu kinh tế vĩ mô quá tổng gộp[5], trong lúc ta biết rằng tất cả các định lí cho phép tổng gộp đòi hỏi những điều kiện ví dụ như luồng các nguồn lực phải luôn được sử dụng một cách tốt nhất, v.v… Ta biết là các nước đang phát triển không hội đủ các điều kiện này, và do đó sẽ chẳng bõ công thử ước lượng các mô hình đó mà không tính đến các điều kiện ấy.
Thẩm định chuyên gia và chính trị
Cũng theo dòng suy nghĩ đó, giả định rằng tôi đứng đầu chính phủ. Tôi có những nguồn lực giới hạn và tiến hành những chính sách để phát triển đất nước tôi. Những kết quả giáo sư thu được bằng phương pháp thực nghiệm có cho phép giáo sư tư vấn tôi thực hiện những chính sách giáo dục, y tế, tiếp cận tín dụng, cải cách ruộng đất không?
Trước độ tổng quát của câu hỏi tôi xin được miễn trả lời. Đây là một câu hỏi chính trị, nghĩa là tương ứng với một lựa chọn về mặt xã hội hơn là tương ứng với những gì mà tôi, ở cương vị của một nhà tư vấn kĩ thuật, có thể đóng góp. Tôi có thể trợ giúp, nếu bạn là một nhà lãnh đạo một nước đang phát triển, chỉ một khi, ví dụ, bạn đã quyết định tập trung vào lĩnh vực giáo dục.
Phải chăng như vậy có nghĩa là ta không có những ý tưởng chính xác về hiệu suất của những kiểu chính sách khác nhau?
Chúng tôi có những ý tưởng rất chính xác, và thật sự chúng tôi làm việc trên các ý này, về hiệu suất của các chính sách khác nhau nhằm đạt đến cùng một kết quả giống nhau. Ví dụ, người ta bắt đầu biết rõ, nếu bạn muốn đưa trẻ em đến trường và để chúng học trong nhiều ngày nhất có thể ở trường, những chi phí/lợi thế của khoảng mười cách tiếp cận khác nhau. Do đó ta có thể lựa chọn trong số các cách tiếp cận này. Cũng giống như thế đối với y tế: nếu bạn muốn tiêm chủng trẻ em, và ngay cả cải thiện việc tiếp cận những dịch vụ chăm sóc dự phòng, vốn rất yếu trong các nước đang phát triển, người ta có rất nhiều ý, nhiều cách tiếp cận; có thể tài trợ, có những chính sách thông tin, có thể xây thêm những trạm y tế sơ đẳng. Ta hoàn toàn có khả năng so sánh tất cả các cách tiếp cận này. Và càng làm nhiều dự án càng có nhiều điều để có thể so sánh. Chúng tôi cũng tính những tỉ số chi phí/lợi thế, nghĩa là đôla trên đôla, vì chúng tôi có thể nói là một đứa trẻ được học hành nhiều hơn sẽ có thu nhập cao hơn với thời gian, do đó nếu tôi đầu tư bao nhiêu vào sách giáo khoa thì cuối cùng thu nhập sẽ tăng thêm được bao nhiêu. Nhưng theo tôi những lợi thế này là tế nhị hơn trong chừng mực mà có những lợi thế khác hơn là đồng đôla cho mỗi chính sách. Ví dụ, có thể xem giáo dục như một điều tốt tự thân, tương tự như vậy đối với sức khỏe: điều này tương ứng với một lựa chọn xã hội hơn khi nói rằng đâu là giá trị tự thân được ta gán cho giáo dục hay y tế, cho việc tiếp cận tín dụng hay bảo hiểm. Bởi thế tôi cho rằng sẽ là ảo tưởng có một giải pháp kĩ thuật cho vấn đề này. Phải có một câu trả lời chính trị cho câu hỏi này, trong nghĩa cao qúy của từ chính trị.
Điều này dẫn chúng ta đến vấn đề vai trò của nhà nghiên cứu trong việc sử dụng trong thực tiễn các phương pháp mới của kinh tế học thực nghiệm. Thông qua phương pháp thực nghiệm, vai trò của nhà nghiên cứu có thay đổi hoàn toàn không?
Trong kinh tế học phát triển, ta đã chuyển từ những đánh giá và vấn đề rất đơn giản sang những vấn đề nhiều tham vọng hơn, đòi hỏi nhiều hơn và do đó đòi hỏi những thiết kế thử nghiệm tinh vi hơn. Do đó có một sự sáng tạo, ít mang tính thống kê nhưng mang tính kinh tế hơn, theo nghĩa của lí thuyết kinh tế. Và càng hiểu lí thuyết kinh tế thì càng có khả năng thiết kế những thử nghiệm lí thú, vượt lên những vấn đề bối cảnh, v.v… Cuối cùng vai trò của nhà nghiên cứu, với tư cách là nhà kinh tế không thay đổi bao nhiêu: nhà nghiên cứu không còn là một nhà thống kê thuần túy nữa, mà đúng hơn là một nhà kinh tế suy nghĩ về lí thuyết kinh tế và những hệ quả của nó. Ở mức độ thuần túy thống kê, công việc mang tính quan niệm các thử nghiệm nhiều hơn. Các thử nghiệm không phải là không có những điểm tế nhị về mặt thống kê, có cả một lĩnh vực trong sinh học gọi là sinh học thống kê chuyên xử lí việc thiết kế các thử nghiệm: làm thế nào xử lí dữ liệu, quản lí các vấn đề, các đánh giá trong việc thực hiện thiết kế thử nghiệm, v.v… Ở đây phương thức nghiên cứu thay đổi một ít so với nhà kinh tế học ngồi trong văn phòng và tìm dữ liệu để phân tích. Có nghĩa là việc tổ chức cụ thể các dự án là khác nhau. Đây là những dự án lớn với những ê-kíp lớn, từ người mới vừa xong cử nhân và sẽ phải trải một năm trên thực địa để chuẩn bị công việc, qua người đang làm post doc, đến giáo sư trẻ và giáo sư lão luyện lo tìm tiền và đặt những quan hệ đầu tiên. Mọi người đều có chỗ đứng trong mỗi dự án. Do đó có lẽ đây là những dự án giống với những dự án của các nhà sinh học, với một phần dành cho các nhà nghiên cứu.
Liên quan đến vai trò của nhà nghiên cứu trong thế giới và trong cuộc tranh luận công cộng, giáo sư vừa nói là giáo sư cung cấp những giải pháp kĩ thuật. Đồng thời tất cả những dự án này được tiến hành với các chính quyền. Nhà bác học và nhà chính trị có chăng cùng một quan điểm?
Có một truyền thống trong kinh tế học từ chối có những phán định chính trị và có tham vọng mô tả thế giới như nó vốn là; nhưng cũng có một truyền thống chuẩn tắc, mà công trình của chúng tôi thuộc về truyền thống ấy, cho rằng nhà kinh tế, trong lĩnh vực đặc biệt của mình có nhiều điều để nói về cách tốt nhất để, chẳng hạn, bổ khuyết cho một thất bại của thị trường hay tổ chức tốt hơn hoạt động của một dịch vụ công. Do đó, chúng tôi không tự nghiêm cấm có chủ kiến. Hoặc đó là những ý tưởng trực tiếp của chúng tôi, trường hợp này chúng tôi trực tiếp đề xuất. Hoặc chúng tôi vận dụng hiểu biết của toàn bộ lĩnh vực để đánh giá ý tưởng của những người khác.
Do chúng tôi làm việc rất gần với các đối tác trên thực địa, dù cho đó là các NGO hay các chính quyền, chúng tôi không chỉ can dự với tư cách người đánh giá khi mọi việc đã xong xuôi mà ngay khi thực hiện một chương trình và thường là ngay ở thượng nguồn khi suy nghĩ thiết kế chương trình để triển khai. Bao giờ tôi cũng nói rõ là muốn được thông tin về những mục tiêu mà mình được mời hỗ trợ hoàn thành, và ở đây chính là có sự khác biệt giữa nhà bác học và nhà chính trị: nhà chính trị phải cung cấp các mục tiêu. Một khi đã xác định các mục tiêu thì phải tìm cách tốt nhất đạt các mục tiêu ấy, và trên điểm này nhà bác học mới có điều gì để nói. Đó là vai trò thứ nhất trong thế giới của nhà bác học. Vai trò thứ hai là đánh giá, một điều không dễ thực hiện dù về mặt quan niệm là không quá khó song trong thực tiễn thì hơi khó chút ít.
Và đây là câu hỏi cuối cùng, một khi đã đánh giá xong công việc của giáo sư đã chấm dứt chưa hay, vì quan tâm đến tư vấn chính trị, giáo sư đảm nhận việc quảng bá các kết quả này, một hình thức vận động hành lang, sau khi đã biết là có một số việc thành công để phổ biến những cách thực hành tốt này?
Chính vì thế mà chúng tôi đã thành lập Poverty Action Lab, tiền thân của Jameel Poverty Action Lab vì mỗi nhà nghiên cứu nghĩ rằng nghề của mình là viết bài khoa học, nhưng sẽ là một sự thiệt thòi lớn khi phải luôn đánh giá mà không theo dõi việc đưa thông tin đến những người ra quyết định. Khẩu hiệu của chúng tôi là “translating research into action”, biến nghiên cứu thành hành động, đảm bảo việc quảng bá các kết quả. Tôi không biết là có thể nói rằng đó là vận động hành lang hay không, nhưng vấn đề là làm cho các kết quả có mặt trong diễn ngôn chính trị. Tất nhiên chỉ riêng các kết quả không quyết định việc chọn một chính sách nhưng chúng cũng có một vai trò. Có những quỹ đặc thù cho việc này và có những nhà tài trợ đặc biệt quan tâm đến để chuyển từ một kết quả sang việc triển khai một chính sách. Chẳng hạn, điều này giải thích sự thành công của việc tẩy kí sinh trùng. Và một khi chúng tôi biết rằng việc tẩy kí sinh trùng tốn kém rất ít và vô cùng hiệu quả trên sức khỏe và giáo dục và chúng tôi đã thử bàn luận với những ai có thể cho thuốc, với các chính phủ có khả năng lên các chương trình, v.v…: kết quả là nhiều triệu trẻ em đã thụ hưởng các chương trình tẩy kí sinh trùng.
Một ví dụ khác, màn ngủ. Đã có một cuộc tranh luận lớn để xem là nên phát miễn phí các màn ngủ hay không. Một nghiên cứu của Pascaline Dupas và Jessica Cohen cho thấy là nên phát không vì nhiều người sẽ nhận được màn ngủ hơn và cũng có nhiều khả năng họ sử dụng hơn; bởi thế diện bao phủ thật sự là lớn hơn nhiều và khi diện này lớn hơn nhiều thì muỗi bay đi nơi khác. Do đó khi màn ngủ được phát không, thì điều nghịch lí là tỉ số chi phí/lợi thế cao hơn. Và kết quả này đã thuyết phục PSI, một NGO lớn về tiếp thị xã hội phân phối các màn này để phát không thay vì bán chúng.
Rồi còn có những trường hợp đơn giản hơn nữa: chúng tôi đã đánh giá tác động của một chương trình xóa mù chữ cho các trẻ em đã đến trường nhưng chưa học đọc của một NGO Ấn Độ lớn là Pratham. Chúng tôi nhận thấy là chương trình này cực kì có hiệu quả và đã hỗ trợ họ làm ứng viên của quỹ Hewlett và quỹ Gates, họ đã nhận được đủ tiền để triển khai chương trình trên một phần ba nước Ấn Độ. Trường hợp này là dễ dàng do đã có sẵn người tài trợ một khi có sẵn thông tin về các kết quả.
Florian Mayneris
Nguyễn Đôn Phước dịch.
Nguồn: Florian Mayneris: “L’économie du développement à l’épreuvedu développement – Entretien avec Esther Duflo” – La vie des idées, 5 mai 2009.
Để tìm hiểu thêm:
- Banerjee and E. Duflo: The Experimental Approach to Development
(http://econ-www.mit.edu/files/3158)
(http://www.economist.com/node/11535592?story_id=11535592)
(http://www.povertyactionlab.org/sites/default/files/publications/)
(http://www.brookings.edu/events/2008/0529_global_development.aspx)
(http://bostonreview.net/BR31.4/deaton.php)
(http://www.ecopublix.eu/2009/01/la-rvolution-des-randomistas.html)
[1] Xem mục “Độ co dãn” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).↩
[2] Xem mục “Cân bằng bộ phận” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).↩
[3] Xem mục “Cân bằng chung” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).↩
[4] Xem mục “Cân bằng chung tính toán (phương pháp)” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).↩
[5] Xem mục “Tổng gộp (vấn đề)” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).↩