Seite auswählen
Người Kurd: một dân tộc, bốn câu chuyện - Ảnh 1.Một nữ chiến binh người Kurd ở Syria tham gia huấn luyện chống IS trong doanh trại của Iraq ở Nineveh cuối năm 2015 – Ảnh: ABC

Có đánh nhau, tất nhiên sẽ có người Kurd ở Syria chạy sang Iraq tị nạn. Như vậy, chiến dịch quân sự hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây bất ổn khu vực vào lúc IS đang tìm cách trỗi dậy.

Tiến sĩ sử học JORDI TEJEL GORGAS

Người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ ba ở Trung Đông, sau người Ả Rập và người Thổ Nhĩ Kỳ. Dân số ước tính từ hơn 35 triệu đến 45 triệu người, cư trú chủ yếu ở bốn quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ (40%), Iran (25%), Iraq (15%) và Syria (5-10%). Ngoài ra, còn có nhiều triệu người Kurd ở hải ngoại.

Một câu phương ngôn khẳng định: “Người Kurd không có bạn bè nào ngoài núi”. Lịch sử chứng minh người Kurd không có bạn bè vì sau thời gian hữu hảo với các quốc gia hùng mạnh, họ đã bị bỏ rơi một khi lợi ích của các quốc gia này được thỏa mãn.

Iraq – khu tự trị Kurdistan

Tại Iraq, phong trào giành độc lập của người Kurd bùng nổ trong thập niên 1980. Lần đầu tiên, thân phận người Kurd được phơi bày trước dư luận quốc tế sau khi quân đội Iraq mở chiến dịch Anfal trấn áp người Kurd năm 1988. Nhiều làng mạc bị phá hủy. Hàng triệu người Kurd phải tản cư hoặc thiệt mạng do chất độc hóa học.

Năm 1991, với sức ép của Mỹ sau Chiến tranh vùng Vịnh, Chính phủ Iraq đồng ý thành lập khu tự trị Kurdistan ở miền bắc. Hiến pháp năm 2005 thừa nhận khu tự trị Kurdistan với 4 triệu dân đặt thủ phủ ở Erbil. Khu tự trị có chính phủ khu vực Kurdistan (KRG), có quân đội riêng (Peshmerga), có cờ, quốc ca, nghị viện và đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nổi lên từ năm 2014, liên quân quốc tế chống IS đã viện trợ cho Peshmerga đánh đuổi IS đến tận biên giới Syria. Khu tự trị Kurdistan cũng đã trở thành nơi tìm đến của những người Kurd tị nạn.

Thổ Nhĩ Kỳ – cuộc đối đầu đẫm máu

Người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ cư trú chủ yếu ở vùng núi đông nam. Từ ngày thành lập nước cộng hòa vào năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ chấp nhận dân tộc Kurd.

Năm 1978, Abdullah Öcalan thành lập Đảng Lao động Kurdistan (PKK) chủ trương đấu tranh giành độc lập cho người Kurd. Có thể nói PKK là phong trào người Kurd thống trị ở Trung Đông về quy mô hoạt động. PKK hoạt động tại bốn quốc gia có đông đảo người Kurd sinh sống. Sau khi thủ lĩnh Abdullah Öcalan bị bắt vào tháng 2-1999 và bị kết án tù chung thân, hoạt động của PKK đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Liên minh châu Âu đều xem PKK là tổ chức khủng bố. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên mở chiến dịch chống nổi dậy và càn quét. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ còn đánh bom căn cứ của PKK ở Iraq.

Trong giai đoạn IS hoành hành, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giữ vai trò ngăn chặn IS xâm lấn. Năm 2014, PKK được người Kurd ở Iraq yểm trợ đã mở đường đưa hàng ngàn dân theo đạo Yazidis bị IS vây hãm ở Sinjar (Iraq) đến nơi an toàn.

Syria – khu tự trị Rojava

Tại Syria, vấn đề người Kurd bùng nổ năm 2004 ở Qamishli, sau khi hai nhóm cổ động viên bóng đá choảng nhau và quân đội Syria can thiệp dẫn đến biểu tình lan rộng.

Sau khi phe đối lập nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad năm 2011, Đảng Liên minh dân chủ (PYD) – chi nhánh của PKK Thổ Nhĩ Kỳ – đã thành lập cánh vũ trang mang tên Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG). YPG nổi tiếng với trận đánh IS tại Kobanî giáp Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7-2014. Sau đó, với hậu thuẫn của Mỹ, YPG đã hợp sức đánh bật IS khỏi cứ địa Raqqa.

Từ tháng 11-2013, PYD tuyên bố ba khu vực do người Kurd quản lý ở miền bắc Syria là khu bán tự trị. Ba năm sau, PYD tuyên bố thành lập khu vực liên bang ở miền bắc Syria lấy tên là “Liên bang dân chủ Bắc Syria” (Rojava) với Qamishli là thủ phủ.

PYD đã thông qua hiến pháp xác định Rojava là một bộ phận không thể tách rời của Syria. Năm 2017, người Kurd đã bầu hội đồng địa phương. Khu tự trị Rojava có nguy cơ biến mất sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch hành quân tấn công người Kurd ở Syria để lập vùng đệm an toàn giáp biên giới.

Iran – người Kurd hoạt động từ Iraq

Có năm tổ chức của người Kurd Iran trú đóng trong khu tự trị Kurdistan ở Iraq, phụ trách các vụ tấn công quân đội Iran ở các tỉnh biên giới. Mạnh nhất là Đảng Dân chủ Kurdistan ở Iran (PDKI) gồm hàng ngàn tay súng Iran và Iraq. Từ tháng 4-2016, PDKI đã gia tăng tấn công chống quân đội Iran.

Lực lượng mạnh thứ hai là Đảng Vì cuộc sống tự do Kurdistan (PJAK) do PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ thành lập. PJAK rất ít khi đối đầu trực tiếp với quân đội Iran.

Iran lo ngại Mỹ sử dụng PDKI như một lực lượng ủy nhiệm tiềm năng nếu chiến tranh với Iran bùng nổ. Do đó, với tinh thần “tiên hạ thủ vi cường”, tháng 5-2019 Iran đã tổ chức đàm phán với người Kurd ở Na Uy.

Người Kurd không phải là một tập hợp đồng nhất về ngôn ngữ và tôn giáo. Tiếng Kurd có nguồn gốc Ấn – Âu. Hai phương ngữ chính là kurmandji và soranî, song ở phía bắc Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ), người Kurd lại nói phương ngữ zazaki.

Người Kurd nói chuyện với nhau khó hiểu còn do tiếng Kurd viết bằng ký tự Ả Rập ở Iraq và ký tự Latin ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Phần lớn người Kurd theo Hồi giáo dòng Sunni. Tại miền bắc Iraq có 0,7 triệu người Kurd theo đạo Yazidis (một nhánh của Hồi giáo). Ngoài ra, số ít người Kurd theo Giáo hội Nestoriô (Kitô giáo) và đạo Tin Lành.

Tuổi Trẻ

 

 

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurds?

CBN

Tác giả: Julie Stahl & Chris Mitchell       

Dịch giả: Mai V. Phạm

11-10-2019

Lời dịch giả: Bài tóm lược sau là của trang Christian Broacasting Network – một trong những kênh truyền thông Kito giáo lớn của Mỹ. Bài viết cung cấp những thông tin cần thiết, giúp độc giả có cái nhìn trung thực và bao quát hơn về quyết định bật đèn xanh của Trump cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd cũng như mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 11 ngàn người Kurd thiệt mạng trong cuộc chiến liên minh với quân đội Mỹ, chống lại nhà nước khủng bố Hồi giáo ISIS.

***

Thổ Nhĩ Kỳ đang tấn công ai và tại sao? Điều này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về người Kurd và người dân phía Bắc Syria.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công quân sự chống lại người dân phía Bắc Syria, bạn đọc có thể tự hỏi chuyện gì đang xảy ra, ai đang bị tấn công và tại sao nó lại quan trọng.

Trước hết, người Kurd là nhóm người lớn nhất trên thế giới không có nhà nước của riêng họ.

Ước tính khoảng 30 triệu người Kurd sống rải rác giữa Trung Đông. Người Kurds sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq, nhưng nhiều người tự xem mình là người Kurd và  ước về một quê hương của chính họ vào một tương lai không xa. Họ là nhóm dân tộc lớn thứ tư ở Trung Đông. Phần lớn trong số họ là người Hồi giáo Sunni, nhưng không bị đánh giá là cực đoan. Trong cuộc chiến chống ISIS, một số chiến binh người Kurd ở Iran đã đến tham gia với anh em của họ ở Iraq.

Người Kurd sống ở đâu?

  • Thổ Nhĩ Kỳ: 14-15 triệu
  • Syria: 2 triệu
  • Iraq: 5-6 triệu
  • Iran: 6 triệu

Nguồn gốc Kinh Thánh cổ xưa

Người Kurd là một dân tộc có nguồn gốc cổ xưa có từ thời người Medes (Me-đi) và người Perisans (Ba Tư) theo Kinh Thánh Cựu Ước.

Mối liên hệ trong Kinh thánh của người Kurd là hiển nhiên. Họ thực sự là hậu duệ của những người Medes cổ đại. Chúng ta đã nghe trong Kinh thánh về người Medes  người Perisans”, Giám đốc Jerusalem Prayer Breakfast, Michele Bachmann, chia sẻ.

Bà Bachmann nói thêm: “Những người Medes là những nhà thông thái. Hãy nghĩ về điều đó. Họ là những người đầu tiên nhìn thấy Chúa Giêsu là Đấng cứu thế và lấy vàng để thờ phượng dưới chân Chúa Giêsu. Vì vậy, họ dĩ nhiên là những đồng minh. Họ yêu nước Mỹ. Họ yêu Israel,  cũng có nền tảng Kinh Thánh. Họ rất xứng đáng là đồng minh và họ xứng đáng với sự trợ giúp của chúng ta”.

Vào cuối Thế chiến I, các cường quốc phương Tây đã hứa hẹn một nền độc lập cho người Kurd, nhưng vài năm sau, họ đã từ bỏ lời hứa đó. Sự phản bội đó chỉ là một trong nhiều sự phản bội trong suốt lịch sử của người Kurd. Trong những thập kỷ tiếp theo, bất kỳ nỗ lực nào của người Kurd nhằm thiết lập một nhà nước độc lập đều bị đàn áp dã man.

Ai sống ở Đông Bắc Syria?

Có khoảng 2 đến 4 triệu người sống ở phía Đông Bắc Syria. Rất khó có thể xác định con số chính xác vì người tị nạn và sự di dời thường xuyên của dân chúng nhằm chạy trốn bạo lực. Khoảng 2 triệu người Kurd sống hoàn toàn ở Syria, nhiều người trong số họ sống ở phía Đông Bắc. Các nguồn tin của chúng tôi cho biết, hiện có khoảng 50.000-100.000 Kitô hữu sống ở Đông Bắc Syria. (Thông tấn Công giáo Catholic News Agency ước tính có khoảng 40.000 Kitô hữu trong khu vực này – đây là một sự sụt giảm đáng kể từ 130.000 người sống ở đó trước khi Nội chiến Syria và các cuộc tấn công của ISIS bắt đầu vào năm 2011).

Cũng có nhiều người Hồi giáo Ả Rập sống ở đó.

Đông Bắc Syria, khu vực hiện đang bị bao vây bởi Thổ Nhĩ Kỳ, đang được bảo vệ bởi Lực lượng Dân chủ Syria (Syrian Democratic Forces – SDF).

Lực lượng Dân chủ Syria bao gồm các chiến binh người Kurd được gọi là Đơn vị Bảo vệ Người dân (People’s Protection Units), vốn là quân đội của người Kurd quốc gia ở Syria. Đơn vị Bảo vệ Người dân là một trong những thành phần chính của Lực lượng Dân chủ Syria, bao gồm cả người Hồi giáo Ả Rập và dân quân Assyrian/ Syriac và một số nhóm nhỏ hơn của lực lượng Armenia, Turkman, và Chechen.

Lực lượng Dân chủ Syria là lực lượng chiến đấu hiện đang bảo vệ khu vực tự trị ở Bắc và Đông Syria, hoặc còn được gọi lực lượng tự trị SANES sau khi Mỹ rút quân.

SANES hiện đang nắm quyền kiểm soát một phần ba Syria, giữa sông Tigris và Euphrates. Có từ 2 đến 4 triệu người dân đang sống trong khu vực này.

Sau khi cuộc cách mạng Syria bắt đầu vào năm 2011, chế độ chuyên chế Assad bắt đầu rút quân khỏi Đông Bắc Syria. Sau đó, người dân khu vực này đã phải chiến đấu với nhóm khủng bố Al Qaeda và ISIS. Hai biến đổi lớn lao này đã khiến người dân trong khu vực hình thành một chính phủ đại diện chưa từng thấy ở Trung Đông trước đây.

Đầu năm nay, khi Tổng thống Trump đe dọa rút quân Mỹ, các Kitô hữu trong khu vực nói với chúng tôi rằng họ sợ một vụ thảm sát dựa trên những gì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã làm trước đó ở thành phố Afrin ở Tây Bắc Syria.

Người Kurd ở Iraq & Peshmerga

Ở Iraq, có khoảng 5-6 triệu người Kurd. Các chiến binh người Kurd sinh sống ở đó được gọi là Peshmerga – theo nghĩa đen ám chỉ những người phải đối mặt với cái chết. Những người Kurd ở Iraq được cho là mũi nhọn của ngọn giáo, là lực lượng chính trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố ISIS ở Iraq.

Họ đã phải đối mặt với lịch sử thảm sát của chính họ. Năm 1983, tên lãnh đạo độc tài Iraq Saddam Hussein đã tàn sát 8.000 thành viên của Bộ tộc Barzani – là một trong nhiều vụ thảm sát của người Kurd.

Năm 1988, Saddam Hussein đã thả khí độc vào làng Halabja của người Kurd, giết chết 5.000 người Kurd, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Vụ thảm sát đó diễn ra trong chiến dịch Anfal kéo dài 3 năm, và giết chết gần 200.000 người Kurd và phá hủy gần 5.000 ngôi làng.

Người Kurds vẫn sống với di sản tàn bạo của nhà độc tài Saddam. Hắn đã thả 10 triệu trái bom ở vùng núi của người Kurd. Ngay cả lúc này, cơ quan Theo dõi Diệt chủng có trụ sở tại Mỹ cho biết người Kurd đang ở trong “mối nguy hiểm nghiêm trọng” của một cuộc diệt chủng khác.

Vào tháng 9 năm 2017, người Kurd ở miền bắc Iraq đã đi bỏ phiếu và phần lớn bỏ phiếu yêu cầu độc lập. Họ đã mừng rõ, nhưng thế giới, bao gồm cả Mỹ, hoặc bỏ qua giấc mơ tự do của họ hoặc trừng phạt kinh tế họ. Đó là cú đánh mới nhất đối với một dân tộc đã chịu đựng nhiều khốn khổ trong suốt nhiều thế kỷ.

Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và PKK

Có khoảng 14-15 triệu người Kurd sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, một đất nước có khoảng 80 triệu người. Đảng Công nhân người Kurd (Kurdistan Workers’ Party – PKK) vốn đã chiến đấu cho một quốc gia độc lập ngay bên trong Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ qua.

Theo BBC, Đảng Công nhân người Kurd được thành lập vào cuối thập niên 1970 và bắt đầu một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1984.

Hơn 40.000 người đã chết trong trận chiến lên đến đỉnh điểm vào giữa thập niên 1990. Vào thời điểm đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy hàng ngàn ngôi làng ở những khu vực mà người Kurd sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

BBC dẫn lời nhà lãnh đạo quân sự Đảng Công nhân người Kurd, Cemil Bayik, trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay, nói rằng: “Chúng tôi không muốn chia tách khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi muốn sống trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tự do trên chính mảnh đất của mình”.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại nhắm vào người Kurd?

Nhà lãnh đạo độc tài của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan, coi tất cả người Kurd, dù họ có sống ở Thổ hay không, là những kẻ khủng bố. Do đó, khi ông ta hứa sẽ bảo vệ “người dân”, ông ta không nói đến những người Kurd đang bảo vệ số dân ở vùng Đông Bắc Syria.

Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù Đảng Công nhân người Kurd PKK được Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, nhưng không có nhóm người Kurd nào khác như Đơn vị Bảo vệ Người dân YPG hay Peshmerga được coi là khủng bố. Ngược lại mới là sự thật. Người Kurd là những đồng minh trung thành nhất của Mỹ.

Các Chữ Viết Tắt Cần Biết

YPG – Đơn vị Bảo vệ Người dân: Quân đội quốc gia người Kurd ở Syria. Là các đồng minh mạnh của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố ISIS.

SDF – Lực lượng Dân chủ Syria. Được lãnh đạo bởi người Kurd, các lực lượng bao gồm các Kitô hữu và người Ả Rập Hồi giáo. Họ hiện đang bảo vệ khu vực Đông Bắc Syria chống lại cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

NES – Cơ quan tự trị Bắc và Đông Syria hoặc Rojava.

SANES – Lực lượng tự trị ở Bắc và Đông Syria. Họ là cánh tay của chính phủ hiện đang quản lý khu vực Đông Bắc Syria.

DAA – Hội đồng điều hành liên bang (Bắc và Đông Syria), là ủy ban điều phối giám sát việc thực hiện chính sách.

PKK – Đảng Công nhân người Kurd, có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ, và bị Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ coi là một nhóm khủng bố.

FSA – Free Syrian Army, các phần tử thánh chiến (Jihadist) của Quân đội Syria có nguồn gốc từ cuộc nội chiến Syria và hiện đang liên kết với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiếng Dân

Tại sao người Kurd lại trở thành mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ?

Hàng trăm người sinh sống ở phía bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đang lẩn trốn cùng những người thân, bỏ chạy khỏi số phận không rõ ràng trong làn khói lửa mù mịt phía sau lưng. Những người này là thành viên của nhóm dân tộc thiểu số được gọi là những người Kurd ở Syria.

Sống trong khu vực do Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát, một lực lượng vũ trang với thành phần hầu hết là người Kurd, thường xuyên trở thành mục tiêu bị tấn công, những người Kurd một lần nữa lại trở thành “con mồi” khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự để đánh đuổi lực lượng YPG khỏi biên giới.

Nhiều người Kurd ở Syria phải chạy loạn vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: CNN

Những người Kurd, họ là ai?

Người Kurd là một nhóm dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở khu vực miền núi trải dài dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Syria và Armenia. Mặc dù được coi là thiểu số, song trên thực tế có từ 25 đến 30 triệu người Kurd sinh sống trong khu vực, tất cả tập hợp lại với một chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ “có một không hai”. Hầu hết người Kurd theo đạo Hồi dòng Sunni.

Trước Thế chiến I, những người Kurd truyền thống sống theo phong cách du cư cho đến khi Đế chế Ottoman sụp đổ, tước đoạt quyền tự do và chia cách họ thành hai quốc gia mới.

Người Kurd phải vật lộn để duy trì sự nhận diện của dân tộc mình, khi họ thường xuyên bị nhầm lẫn với “người Thổ ở miền núi”. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, họ bị cấm mặc trang phục truyền thống hay nói ngôn ngữ của người Kurd. Họ tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và các chính sách ngược đãi.

Mặc dù người Kurd là dân tộc thiểu số đông nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm tới gần 20% dân số nước này, nhưng họ không được công nhận là dân tộc thiểu số ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Người Kurd sống ở đâu?

Người Kurd là một trong những dân tộc không quốc gia lớn nhất thế giới, sống tại khu vực phi chính phủ, dành riêng cho những người không quốc gia hay đất mẹ.  Ngày nay, người Kurd sinh sống ở 5 khu vực khác nhau: đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, đông bắc Syria, phía bắc Iraq, tây bắc Iran và tây nam Armenia.

Đầu thế kỷ 20, người Kurd bắt đầu chiến đấu vì mục tiêu hình thành quốc gia gọi là Kurdistan. Năm 1920, Hiệp ước Sèvres, một trong nhiều hiệp ước mà các cường quốc ký kết sau Thế chiến I, đã đề cập đến sự sụp đổ của Đế chế Ottoman và kêu gọi hình thành khu tự trị của người Kurd.

Ba năm sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, các đồng minh phương Tây hủy bỏ yêu cầu thành lập một quốc gia Kurd độc lập và khu vực của người Kurd bị chia cách giữa một vài quốc gia như trên.

Các chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ảnh:Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn bày tỏ một thái độ mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa dân tộc người Kurd. Nhà lãnh đạo tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu cuối cùng của ông là tiêu diệt Đảng Lao động người Kurd (PKK), một nhóm phiến quân cánh tả, đồng thời là một tổ chức chính trị có căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq luôn tìm cách chống lại Ankara từ hơn ba thập niên đến nay.

Chính sách này đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Thổ gốc Kurd. Năm 2016, những hãng truyền thông chính của  người Kurd bị đóng cửa, hơn 11.000 giáo viên bị sa thải vì cáo buộc có liên hệ với PKK và ít nhất 24 người được chính phủ Ankara chỉ định thay thế cho các thị trưởng người Kurd trên cả nước.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã không “mấy vui vẻ” khi lực lượng người Kurd hiện diện mạnh mẽ ở phía đông bắc Syria gần biên giới nước này. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển vào khu vực trước đó do người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn kiểm soát, nhưng giờ đây Ankara có kế hoạch lâu dài sẽ tạo ra một vùng đệm ở phía bắc Syria.

Có hai mục đích mà Ankara muốn hướng tới, đó là đẩy lùi người Kurd khỏi biên giới của họ và sử dụng vùng đệm này để tái định cư cho 2 triệu người tị nạn Syria.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công người Kurd?

Hồi tháng Một, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Syria và dần dần đưa binh lính trở về nhà. Những người Kurd ở Syria lo sợ rằng Ankara sẽ tận dụng cơ hội Mỹ rút quân để tiến hành chiến dịch “thanh trừng” họ. Sauk hi ông Trump đột ngột tuyên bố rút quân hôm 6/10 vừa qua, nỗi sợ hãi của người Kurd đã thành hiện thực.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm thực hiện chiến dịch quân sự đã lên kế hoạch từ lâu ở phía bắc Syria. Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ hay can thiệp vào chiến dịch này và quân đội Mỹ, những người đã đánh bại tổ chức khủng bố IS, sẽ không còn hiện diện ở khu vực này nữa”, Nhà Trắng tuyên bố.

Tính đến tháng 9, Mỹ cho biết có khoảng 1.000 binh lính đang hoạt động ở đông bắc Syria. Động thái này khiến những người Kurd ở Syria dễ dàng trở thành mục tiêu chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xóa bỏ và đưa họ tránh xa khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Viết trên Twitter hôm 9/10, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: “Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình sẽ vô hiệu hóa các mối đe dọa khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và dẫn tới việc thành lập một vùng an toàn, tạo thuận lợi cho những người tị nạn Syria trở về quê nhà. Chúng tôi sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và giải phóng các cộng đồng địa phương khỏi bọn khủng bố”.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria. 

Tấn công người Kurd khiến IS “trỗi dậy” trở lại?

SDF, liên minh người Kurd và binh lính Ả Rập do Mỹ hậu thuẫn, cùng với lực lượng đặc nhiệm Anh và Pháp, đã đánh bại IS và giải phóng khu vực phía đông Syria hồi tháng Ba. SDF cho biết họ đã mất 11.000 “lực lượng, lãnh đạo và chiến binh” khi đẩy lui IS.

Trong khi IS hiện không còn lãnh thổ “trú chân”, song Washington vẫn cảnh báo còn khoảng 10.000 chiến binh IS đang lẩn trốn ở Irasq và cả Syria.

Hàng nghìn phiến quân IS đã bị bắt trong các trận chiến lớn chống lại nhóm khủng bố này và đang bị SDF giam giữ. Có thể bằng cách nào đó, những tên khủng bố này sẽ được trao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi rất nhiều người Kurd ở Syria chuẩn bị chiến đấu và một số người khác chạy về hướng đối diện, thì hàng nghìn phiến quân cùng những kẻ khủng bố IS đã bị thải loạn có thể tận dụng bối cảnh hỗn loạn, không kiểm soát này để “vùng lên”. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra một nguy cơ nghiêm trọng, đó là IS sẽ một lần nữa quay trở lại khủng bố thế giới.

Infonet