Pawel Sơn Ngô 29 tuổi. Ania Hoàng Lê Uyên 19 tuổi.
Họ đều mang dòng máu Việt, cùng được sinh ra và lớn lên ở Ba Lan sau khi Ba Lan chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng đúng ba thập niên trước, vào mùa thu 1989.
Hai bạn trẻ này đều bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm 13/10/2019 vì chia sẻ tinh thần công dân trong thời đại Ba Lan có dân chủ.
Nhưng họ lại có những cảm nhận rất khác nhau về ‘tính chất Việt’ trong con người mình.
Mục lục
Nhà làm phim trẻ họ Ngô
“Tôi mang nửa dòng máu Ba Lan, nửa dòng máu Việt,” Pawel, nhà làm phim trẻ từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, nói với BBC Tiếng Việt.
Phim The Host (2018) của Pawel đã nhận giải phim viễn tưởng hay nhất (Best Sci-Fi Film) tại liên hoan Hollywood Blood Horror Festival, Los Angeles, USA 2019.
Một phim khác, “I am Tomek” (2016) nhận giải phim hay nhất của ’48 Hour Film Project, Warsaw, 2016.
Có mẹ là người Ba Lan, nhìn thoáng qua, anh không có nét gì của người Việt. Cha anh là một trong số hàng ngàn sinh viên Việt Nam được gửi sang Ba Lan học tập trong thời Chiến tranh Lạnh.
Là người Việt hay người Ba Lan?
“Khi ở Việt Nam, tôi cảm thấy rõ hơn chất Việt trong người mình so với khi ở Ba Lan này,” Pawel nói.
“Mặt khác, khi tôi đến Việt Nam thì do tôi không nói tiếng Việt, trông cũng không giống người Việt lắm, cho nên tôi lại cũng không cảm thấy mình là người Việt. Mọi người cũng không đối xử với tôi như thể tôi là người Việt, mà coi tôi như một du khách bình thường.”
‘Tôi là Ania Hoàng Lê Uyên’
Ania có bố mẹ đều là người Việt. Cha cô sang Ba Lan du học sau khi chế độ XHCN ở đây giải thể.
Hiện cô là sinh viên năm thứ nhất Đại học Bách khoa Warsaw. Khác với Pawel, cô nói tiếng Việt khá tốt.
Ở nhà, cô nói tiếng Việt với bố mẹ, và có bạn thân là người gốc Việt.
Nhưng, cũng giống như Pawel, Ania không cảm thấy mình là người Việt. “Tôi nghĩ mình vừa là người Ba Lan vừa là người Việt Nam.”
“Khi đi du lịch [sang Hy Lạp] cùng với các học sinh đồng lứa người Ba Lan, tôi luôn nghĩ mình là sinh viên từ Ba Lan sang,” Ania nói, mặc dù vẻ bề ngoài của cô khiến những người khác không nghĩ thế.
“Có lần có người hỏi tôi rất buồn cười thế này, ‘Có phải là cháu đi cùng nhóm này không, hay là cháu có bị đi lạc không?’.”
Cũng nhờ vẻ bề ngoài và khả năng nói tiếng Việt “không phải là chán lắm” mà Ania thấy cô không bị coi là Việt kiều hay người nước ngoài mỗi khi về Việt Nam thăm thân.
Người Việt trong làn sóng bài ngoại ở Ba Lan
Sau hơn 20 năm chuyển đổi thể chế, Ba Lan từ hình mẫu đáng học tập về tinh thần bao dung trong dân chủ đa đảng, đã chứng kiến một thay đổi.
Năm 2015, Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc, và đề cao tinh thần bài ngoại thắng cử tại Ba Lan.
EU cáo buộc đảng này làm suy yếu nền dân chủ và tính đa dạng trong xã hội Ba Lan.
Tháng 10 năm nay, đảng PiS lại tiếp tục thắng lớn.
Các chính sách dân tộc chủ nghĩa Công giáo, chia lại lợi tức xã hội cho cử tri nghèo, bảo thủ ở nông thôn Ba Lan đã giúp PiS có cơ hội cầm quyền thêm nhiệm kỳ nữa.
Tâm lý bài ngoại ở Ba Lan trong thời gian gần đây khiến nhiều di dân nước ngoài cảm thấy không yên tâm.
Những năm qua, đã có các cuộc tuần hành của những nhóm cực hữu Ba Lan tụ họp hàng nghìn thanh niên trẻ, mang khẩu hiệu “Ba Lan chỉ dành cho người Ba Lan” ở Krakow, Warsaw, Poznan.
Đối chọi lại là biểu tình của các nhóm nhân quyền và tổ chức xã hội dân sự, lên án đảng cầm quyền cánh hữu đang làm xói mòn dân chủ Ba Lan.
Các đảng chính trị cánh hữu Ba Lan trong Quốc hội đã không lên án hoạt động này mà chỉ phê phán bạo lực chung chung.
Một số di dân thậm chí còn cân nhắc tới việc rời khỏi Ba Lan.
“Bố mẹ tôi công khai nói về chuyện này. Họ nói nếu như chính phủ khiến cho tình hình trở nên xấu đi thì cả nhà tôi có thể sẽ quay trở về Việt Nam,” Ania nói.
Tuy nhiên, những người trẻ sinh ra và lớn lên tại Ba Lan như Ania và Pawel thì không cảm thấy bị áp lực.
Họ đều nói muốn gắn bó với cuộc sống, công việc ở đây, nơi họ đã cảm thấy thân thuộc như một phần máu thịt.
“Tôi sẽ ở Ba Lan để học hành, lấy bằng thạc sỹ. Rồi có thể sau khi học xong, tôi sẽ sang Đức để học tiếp hoặc để đi làm,” Ania nói.
Và nếu như có đi ra thế giới, họ đều chưa chọn Việt Nam làm điểm đến.
“Tôi nghĩ là cộng sản có lẽ sẽ kiểm duyệt, hay áp dụng những hạn chế,” Pawel nói.
Còn lựa chọn của Ania là, “Cũng có thể tôi sẽ đi châu Á, nhưng không nhất thiết phải là Việt Nam.”
“Như thế, tôi sẽ gần với gia đình ở Việt Nam hơn. Sẽ rất tiện để về thăm họ hàng thường xuyên hơn.”
Cuộc chuyện trò với Pawel Sơn Ngô và Ania Hoàng Lê Uyên thuộc loạt chương trình ‘Người Việt tại Ba Lan và 30 năm chuyển đổi thể chế‘, do BBC Tiếng Việt thực hiện trong tháng 10/2019.