NGOs
Kính gửi:
– Ông David Sassoli, Chủ Tịch Quốc Hội Âu Châu
– Ông Bernd Lange, Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại QHAC
– Ông David MacAllister, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao QHAC
– Bà Marie Aréna, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền QHAC
– Ông Tomas Tobé, Chủ Tịch Ủy Ban Phát Triển QHAC
– Các Dân Biểu Quốc Hội Âu Châu
Brussels, ngày 4 tháng 11 năm 2019
Kính gửi quý vị dân biểu Nghị Viện Châu Âu,
Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế ký tên dưới đây, viết thư này để kêu gọi quý vị hãy hoãn lại việc chấp thuận Hiệp Định Thương Mại Tự Do giữa Liên Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Vệ Đầu Tư (IPA) cho đến khi các yêu cầu về nhân quyền đề ra được chính quyền Việt Nam đáp ứng.
Như quý vị có thể đã biết, trong những năm gần đây chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền, thành viên các xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo và những cá nhân nào bày tỏ quan điểm phê phán hoặc không vừa ý chính quyền. Quyền tự do ngôn luận, quan điểm, hội họp và tụ tập vẫn bị hạn chế nghiêm trọng. Hệ thống tư pháp, cũng như truyền thông, xã hội dân sự, và các tổ chức tôn giáo, bị nhà nước kiểm soát chặt. Bất cứ sự phản đối nào cũng bị nhà cầm quyền trừng phạt khắt khe, trực tiếp hoặc gián tiếp qua tay côn đồ được nhà nước bảo trợ. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, môi trường, lao động, luật sư, nhân sĩ tôn giáo, blogger đã bị kết án hoặc bị bắt giam chỉ vì thực thi ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ. Nhà nước Việt Nam dùng bộ luật hình sự khắc nghiệt để hình sự hóa việc chỉ trích chính quyền.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi lấy làm tiếc là việc thương lượng các hiệp định EVFTA và IPA đã không đưa đến các cam kết cụ thể nào về nhân quyền từ phía Việt Nam ngoài những điều sơ sài trong chương phát triển bền vững của EVFTA, và ngay cả đối với các khoản đó cũng chẳng có thời khóa biểu ràng buộc nào hoặc có hình phạt nào nếu không tuân thủ. Hơn thế nữa, chúng tôi quan tâm đến việc giám sát việc thi hành các thỏa thuận đó, mà văn bản EVFTA giao cho xã hội dân sự độc lập của hai bên chịu trách nhiệm, trong khi không để ý đến việc chẳng có bao nhiêu xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam, và chắc chắn là chẳng có tổ chức nào ở thời điểm này dám lộ diện để làm công việc giám sát đó mà không sợ bị trả đũa. Cuối cùng, chúng tôi hết sức quan tâm đến việc Việt Nam không muốn [1] điều chỉnh bộ luật hình sự, mà các điều khoản trong đó hình sự hóa việc chỉ trích ôn hòa chính quyền, khiến cho không thể nào hưởng được trọn vẹn các quyền hạn đề ra trong các công ước của Tổ Chức Lao Động Thế Giới mà Việt Nam đã và hứa làm thành viên.
Nếu một khi hiệp định thương mại đã được áp dụng, thì việc đe dọa đình chỉ hiệp định vì vi phạm nhân quyền theo như Hiệp Ước Đối Tác và Hợp Tác EU-Việt Nam sẽ không có trọng lượng nào cả: thứ nhất, chưa có tiền lệ nào của Châu Âu đình chỉ một hiệp định thương mại tự do vì lý do nhân quyền; thứ nhì, việc đình chỉ hiệp định, đặc biệt là IPA, có thể gây thiệt hại nặng nề cho giới doanh nghiệp và đầu tư EU tại Việt Nam; thứ ba, Việt Nam đang hưởng lợi từ ưu đãi giao thương đơn phương xuyên qua Generalised Scheme of Preferences (GSP) [2] và những vi phạm nhân quyền của Việt Nam vẫn chưa gặp phải phản ứng nào đáng kể từ phía EU, ngược lại EU còn đẩy mạnh đàm phán cho EVFTA; thứ tư, vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đã sâu rộng và nặng nề đến độ nếu hiệp định được thực thi vào thời điểm này thì đã có sẵn lý do để đình chỉ hiệp định.
Với những lý do nêu trên, thủ tục đang tiến hành tại Nghị Viện Châu Âu, quyết định chấp thuận, bác bỏ, hay hoãn lại EVFTA và IPA, là cơ hội mạnh mẽ cuối cùng để đánh đổi đạt được những cải thiện nhân quyền cụ thể tại Việt Nam.
Noi theo cách giải quyết của Nghị Viện Châu Âu nhiệm kỳ trước vào tháng Ba này liên quan đến Hiệp Ước Đối Tác và Hợp Tác EU-Turkmenistan [3], quý vị dân biểu Nghị Viện Châu Âu nên cho chính quyền Việt Nam biết là quý vị chỉ chấp thuận hiệp định khi nào các mối quan tâm về nhân quyền đã được đáp ứng bởi nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, quý vị dân biểu Nghị Viện Châu Âu nên yêu cầu Việt Nam phải:
– Thả hết các tù nhân và những người bị giam giữ vì lý do chính trị, và trong lúc chờ được trả tự do, có biện pháp tức thời để xây dựng niềm tin, bằng cách cho phép tù nhân và người bị giam giữ được gặp gia đình, luật sư, quan sát viên bên ngoài từ EU cũng như các tổ chức nhân quyền và nhân đạo quốc tế; trong số những trường hợp nổi bật nhất là các nhà hoạt động nhân quyền, lao động, tôn giáo và môi trường, ký giả và blogger, bao gồm Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Ngô Hảo, Lưu Văn Vịnh, Hồ Đức Hòa, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Đức Độ, Trần Thị Nga, Trần Thị Xuân;
– Thông báo công khai và rõ ràng mối cam kết, với thời biểu rõ rệt để hủy bỏ hoặc bổ túc các điều khoản 109, 116, 117, 118 và 331 của bộ luật hình sự và điều khoản 74 và 173 của bộ luật tố tụng hình sự, đem luật hình sự phù hợp hơn với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị;
– Chấm dứt việc sách nhiễu, cưỡng bách bỏ đạo, bắt giữ, khởi tố, giam cầm, ngược đãi những tín đồ của các tôn giáo bị nhà nước không thích, và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, biểu đạt, tụ họp và lập hội; và bảo đảm là các điều luật quốc gia về tôn giáo phù hợp với luật nhân quyền quốc tế;
– Chấp nhận việc xuất bản của các báo và tạp chí, tư nhân, độc lập, không bị kiểm duyệt; tháo gỡ các sàng lọc, theo dõi và những giới hạn nào khác về việc sử dụng internet, và trả tự do cho tất cả những người bị đi tù hay giam giữ vì quảng bá ôn hòa quan điểm của họ trên mạng; thông báo công khai thời biểu điều chỉnh Luật An Ninh Mạng để phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế;
– Công nhận ngay lập tức các nghiệp đoàn lao động độc lập; thông báo công khai thời biểu chi tiết để thông qua Công ước điều 87 (Tự do lập hội và Bảo vệ quyền lập hội) và điều 105 (hủy bỏ lao động cưỡng bức) của ILO; và trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho những người bị bắt giữ vì các hoạt động ôn hòa để cổ võ cho quyền công nhân;
– Chấp nhận các yêu cầu lời mời còn tồn đọng từ Thủ Tục Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc;
– Tạm dừng án tử hình, với quan điểm bãi bỏ án này trong tương lai.
Hơn nữa, quý vị dân biểu nên đặt điều kiện với Ủy Ban Châu Âu là:
– Thiết lập một cơ chế giám sát và khiếu nại độc lập để giải quyết các tác động nhân quyền mà EVFTA và IPA có thể gây ra. Cơ chế đó phải được sử dụng bởi các cá nhân hoặc các đại diện của họ; và
– Nêu rõ tên các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam nào sẽ là thành viên của nhóm Domestic Advisory Group (DAGs, nhóm cố vấn nội địa) dự kiến bởi Hiệp định và những biện pháp nào được đặt ra để bảo đảm là họ có thể làm vai trò của họ một cách độc lập, công bằng, chu đáo, và an toàn.
Kính thư,
Actions by Christian for the Abolition of Torture (ACAT)
ASEAN Parliamentarians for Human Rights (APHR)
Bầu Bí Tương Thân
Boat People SOS (BPSOS)
CIVICUS: World Alliance for Citizen Participation
Hội Chuyên Gia Việt Nam
Human Rights Watch (HRW)
International Federation for Human Rights (FIDH)
International Commission of Jurists (ICJ)
Legal Initiatives for Vietnam
Người Bảo Vệ Nhân Quyền (DTD)
Quê Mẹ: Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam
Reporters Without Borders (RWB)
The 88 Project
Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM)
Việt Nam Thời Báo
Việt Tân
—
[1] Xem hồi âm của Việt Nam tháng 06/2019 về các đề nghị của nhiều quốc gia, với nhiều thành viên Liên Minh Âu Châu, trong dịp UPR 2019: http://daccess-ods.un.org/access.nsf/Get?Open&DS=A/HRC/DEC/41/101&Lang=E
[2] https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX:32012R0978
[3] https://www.europarl.europaeu/doceo/document/TA-8-2019-0146_EN.html
Việt Tin – www.viettin.de/node/1591