Seite auswählen

Nguyễn Hữu Liêm

Nếu Nietzsche là cha đẻ của “giải cấu luận” (deconstructionism) vốn đã mở màn một phương cách suy tưởng mới cho giai đoạn hậu hiện đại (post-modernity) ở cuối Thế kỷ 19, thì Freud, cùng với Marx và Darwin, đã mở ra một cánh cửa ý thức mới về con người, đánh đổ cái truyền thống giả định về giá trị nhân bản vốn là nền tảng của thời đại Khai Sáng của Âu châu. Cái gia sản trí thức lớn của Freud là cống hiến một phạm trù tư tưởng, một tiền đề lý thuyết, một hệ thống phương pháp luận mới nhằm giúp con người Tây phương tái định nghĩa và định vị lại chính mình trên căn bản ý thức. Cũng như Marx trên tiền đề Kinh tế và Giai cấp, Freud, với tiền đề Vô thức (the Unconscious), muốn đem ra ánh sáng cái cơ sở năng lực nội tại con người – và từ đó, năng tố quyết định cho lịch sử, văn minh – vốn còn nằm trong bóng tối mà tư tưởng Tây phương mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 19 vẫn còn chưa công nhận. Nếu Marx đã thay đổi được lịch sử nhân loại trong suốt thế kỷ qua, thì cũng trong thời gian này, Freud đã thay đổi được con người Tây phương trên chiều hướng tự biết về chính mình(1).

Freud muốn đánh đổ cái huyền thoại bản thể luận về con người vốn mang đầy màu sắc thánh linh của Âu châu bằng một huyền thoại mới. Ðó là Huyền thoại Vô Thức – the Myth of the Unconscious. Trên cơ sở mới của biện minh khoa học thực nghiệm, cái Huyền thoại về Vô thức sử dụng toàn bộ hệ thống khái niệm và phương pháp luận của khoa học để mang cho mình một chính thống tính cho thời đại. Và từ đó, Freud khai sinh ra một “khoa học” mới: phân tâm học (psychoanalysis). Phân tâm học và phân tâm học trị liệu (psychotherapy) là một nỗ lực đem ánh sáng ý thức vào góc tối của ẩn ức vô thức nhằm khai thông những nguồn mạch của ý chí và động cơ, nhằm điều chỉnh và giải hóa những hiện tượng tâm thần tiêu cực cho con người. Ðây không phải là lần đầu. Phật giáo là một hệ thống phân tâm học đồ sộ với một nền tảng bản thể luận và siêu hình học khác(2). Nhưng đối với Tây phương, vốn xa lạ với Phật học, thì Freud là một giáo hoàng mới mang chiếc áo khoa học lộng lẫy và cũng là một cô dâu tươi trẻ với ngôn ngữ xác thịt đầy quyến rũ làm say mê biết bao nhiêu thế hệ trí thức Âu Mỹ muốn giải phóng năng ý tính dục cho mình.

Tuy nhiên, trên góc độ triết học thì Freud và Huyền thoại Vô thức cũng đã cống hiến một tri thức luận mới – a new epistemology. Thay vì ý thức quyết định sự hữu của con người với công thức của Descartes, cogito ergo sum (Tôi nghi ngờ, nên tôi tư duy, nên tôi tồn tại), thì đối với Freud, vô thức là nền tảng cho ý thức và sự hữu của cá nhân. Tri thức (the mind) không là thống nhất và toàn bộ như Descartes đã đưa ra. Với vô thức, tri thức là một căn nhà bị chia hai: tầng trên với ánh sáng của ý thức và tầng dưới đất (basement) thì vẫn còn đang nằm trong bóng tối. Ðời sống ý thức chỉ là một tảng băng nổi trên mặt biển – mà vô thức là phần ở dưới nước không thấy được thì to lớn gấp muôn lần vốn quyết định tất cả những sinh hoạt và nội dung ý thức. Cái góc tối của vô thức chứa đầy những năng lực đầy khả năng kiểm soát – mà năng lực lớn nhất là libido: năng lực tính dục ẩn ức chỉ muốn thoả mãn bằng mọi phương diện và mọi giá. Từ đó, nhị thể luận Descartes giữa thân (body) đối với thức (mind) được Freud chuyển qua libido (dục) đối với ego (ngã), eros (tình) đối với thanatos (tử). Với tiền đề vô thức và động cơ tính dục, Freud giải thích tất cả hiện tượng ý chí, suy tưởng, tâm lý, và các biến dạng tiêu cực của chúng bằng libido và eros. Từ mặc cảm Oediphus mang năng thức dục tính đối với cha mẹ, đến hội chứng penis envy (ganh tỵ dương vật) quyết định tính chất cảm thụ về đối thể nghệ thuật giữa trai và gái, hành vi nút nắm tay của trẻ con sơ sinh, tất cả đều được Freud cống hiến cho con người Tây phương một quần chúng nạn nhân mới, mà trong đó, tất cả những gì mà con người ham muốn và nuôi ý chí hành động đều có thể được giải thích (explained away) bằng ngôn ngữ tính dục. Ngay cả giấc mơ cũng mang một nội dung vô thức khác: cái năng ý thỏa mãn ước muốn ngấm ngầm được biểu lộ hóa qua màn ảnh ý thức trong lúc đang ngủ say. Từ đó, văn minh và lịch sử con người chỉ là màn bi kịch lớn diễn lộ và khai mở những nỗi uẩn ức dục tính – chứ không là của năng ý Tinh thần, Thượng đế hay là của đấu tranh giai cấp. Những thượng tầng kiến trúc của tư duy như là văn chương, nghệ thuật, đạo đức hay là tôn giáo đều được phát xuất từ năng lực dồn nén và nội tại hóa tính dục. Và khi sự dồn nén này không còn khoảng trống, nó trở nên ý chí tự phủ định: lòng hiếu chiến đối với thế giới khách quan chỉ là sự ngoại thân hoá cái bản năng muốn chết (death instinct). Con người và lịch sử, do vậy, là một trường chiến cuộc liên miên giữa ý thức và vô thức, giữa lý tính và vô lý tính, giữa bản năng và phản bản năng.

Tuy nhiên cái bản án tử hình đón chờ Freud và đứa con pseudo-science phân tâm học đang nằm trên bàn cân phạm trù nhân-quả (categorical causality): chiếc cầu tương tác giữa vô thức và ý thức chỉ là những giả định về khái niệm tuỳ thuộc vào vận hành lý luận (logical operation) hơn là được kiểm chứng và minh xác bởi phương pháp và chứng cớ thực nghiệm. Freud hiểu lầm và trộn lẫn giữa hai phạm trù của bằng chứng lý tính (rational proofs) đối với chứng cớ thực nghiệm (empirical evidence). Bằng chứng lý tính chỉ biện minh được tính hợp lý của logic (logical validity) chứ không phải là cơ sở biện minh cho liên hệ nhân-quả giữa hai định thể tách biệt. Nhị thể luận (ontological dualism) Descartes bị sụp đổ vì liên hệ nhân-quả giữa mind (thức) và body (thân) đã không được giải thích (3) nay bị lặp lại bởi Freud với tiền đề “vô thức” versus “ý thức” – tất cả là những giả định thuần lý thuyết, mang bản chất văn chương hoang tưởng, hơn là có cơ sở khoa học có giá trị thực nghiệm. Ðây chính là điều mà Sebastiano Timpanaro, dựa theo Karl Popper, có nói, “Cái thực chất phản khoa học của một lý thuyết nằm ở chổ nó có khả năng trốn tránh – bằng nguỵ biện – tất cả mọi khả năng chứng minh sai lầm”(4). Phân tâm học của Freud có thể phán giảng về một thể loại ẩn ức nhằm giải thích cho nội dung một giấc mơ bằng nhiều loại dồn nén vô thức khác nhau – mà cái nào cũng có lý như tất cả mọi cái khác trong khi không thể trưng dẫn chứng cớ trị liệu (clinical evidence) cho tính liên hệ nhân quả từ ẩn ức vô thức đến nội dung giấc mơ. Ðây là điều mà các tiêu chuẩn khoa học từ Aristotle đến Bacon đã cảnh giác: cái bệnh lý thuyết trước rồi tìm bằng chứng biện minh sau – để rồi tất cả bằng chứng đều được giải thích từ lý thuyết đã có sẵn với chứng cớ thực nghiệm không vững chắc. Nói theo triết luận của Wittgenstein thì cơ đồ lý thuyết và phân tâm học của Freud là một trận đồ ngôn ngữ mà trong đó quy pháp diễn đạt đã được quy hoạch cố định trước và từ đó tất cả mọi giải thích trên cơ sở bằng chứng đều không thoát khỏi cái khung cửa hẹp của quy tắc diễn đạt vốn đã bị bắt buộc(5). Wittgenstein so sánh thuyết vô thức của Freud với triết học logic của chính ông, “Cái ác ôn của Russell’s logic và của tôi trong Tractatus (Logico-Philosophicus) là ở chỗ khi một mệnh đề được củng cố bằng một vài trường hợp điển hình thì (chúng tôi) đã vội cho rằng nó đã được thấu hiểu (và biện minh) hoàn toàn trên bình diện phổ quát”(6). Wittgenstein đã nói đến cái bệnh say máu trong ngôn từ và khái niệm của giới trí thức ưa lý thuyết hóa mọi sự để rồi tưởng tượng trong mê hoặc rằng lý thuyết của mình đã được lên ngôi vua chúa chân lý cho một vương quốc khoa học thực nghiệm khách quan.

Từ đó, tiền đề vô thức với gia sản phân tâm học của Freud – nhất là trên lý thuyết về giấc mơ và phương pháp luận diễn giải về nó – phần lớn chỉ là một loại khoa học tiếm danh, a pseudo-science, đầy lừa dối và thiếu lương thiện trí thức(7). Thế nhưng, thế giới triết học và tâm lý học Tây phương sau Freud bị choáng ngợp bởi cái màu sắc dục tính, cái cơ đồ lộng lẫy đầy bóng tối, đầy bệnh hoạn đã hồ hởi chụp lấy cái trò chơi ngôn ngữ, cái quy pháp diễn tả, nhảy lên chuyến tàu khái niệm mới của Freud để vừa giải trí cho đầu óc, vừa đánh lận con đen lường gạt và làm tiền đám quần chúng thành thị ngây thơ và trưởng giả Tây Âu trong một thời đại và những xã hội đầy nhàm chán và bực bội. Khi bệnh lý vô thức được thay thế cho ý chí tội lỗi thì chính là lúc mà Freud tìm ra được chiếc ghế nằm (couch) để cho bệnh nhân tâm thần được kể lể tâm sự với bác sĩ phân tâm học (với một giá tiền thời gian đắt như vàng) nhằm thay thế cho phép quỳ gối xưng tội với các giáo sĩ trong nhà thờ.

***
Sai lầm của Freud là sai lầm lớn của một trí thức lớn – nhưng là một thứ sai lầm, nói theo Wittgenstein, của khôn ngoan (cleveness) chứ không phải là của trí tuệ (wisdom)(8) – một thứ sai lầm từ một ý chí ưa diễn đạt và một bệnh lý đi tìm khoái lạc qua ngôn ngữ và khái niệm. Khi đám tang của Freud đang tiến hành (tháng 9 năm1939), thì thi sĩ W. H. Auden của Anh quốc, viết,

If often he was wrong and, at times, absurd
to us he is no more a person
now but a whole climate of opinion
under whom we conduct our diffrent lives.

(“Nếu ông ta đã từng sai, nhiều khi đến độ nực cười

với chúng ta, con người đó nay không còn nữa
nhưng giờ đây, dưới cả một bầu trời quan điểm
chúng ta nay hành hoạt với những cuộc đời đã khác xưa.”)(9)

Những cuộc đời mới của trí thức Âu châu mà Freud đã gián tiếp đẻ ra là những Marcuse, là Lacan, là Foucault, Deleuze và những cơn say lý thuyết triền miên của trí thức Âu Châu, nhất là Pháp(10). Nhưng những cơn say này nay đã đi qua. Cái còn lại của Freud và Vô thức luận chỉ là một thể loại tự kiểm thảo (self-critique) – một phương pháp luận mang bản chất giả thuyết và suy lý (theoretical speculation), nhằm nhắc nhở con người thuần lý của thời đại ngày nay rằng, lý tính không phải là cơ sở duy nhất cho sự hữu (being) của con người.

Và trí thức của thế giới ngoài Âu Mỹ – nhất là ở Việt Nam hiện nay – cũng phải ý thức đến điều này: Freud, cũng như Marx, chỉ là một hiện tượng lý thuyết phát xuất từ ý chí tự kiểm thảo, tự điều chỉnh trong truyền thống trí thức Tây phương – vốn chỉ có giá trị nội tại trong luồng văn minh đó mà thôi (11). Và vì thế, hãy đừng có bắt chước ngôn từ, khái niệm của Freud như là một thứ thời thượng mang chân lý khoa học – một thứ khoa học phù thuỷ, một trò giễu cợt sâu sắc và quyến rũ – vốn đã dãy chết từ lâu trên quê hương của chúng (12).

(NHL: 2004)

Văn Việt

Chú thích

(1) Cho một phân tích rộng lớn hơn về một lịch sử tư tưởng Tây phương trên cơ sở logic và tinh thần triết học, xin đọc Nguyễn Hữu Liêm, “Từ Thế Giới đến Việt Nam: Kiểm thảo và Ðề nghị.” Tạp chí Hợp Lưu, số 76, tháng 4 & 5, 2004.
(2) Ðây là một nhận định quá tổng quan mà khuôn khổ bài viết này – vốn chỉ là một triết luận, chứ không phải là một nghiên cứu – không cho phép đi vào chi tiết. Xin đọc Manly Hall, “Buddhism and Psychotherapy,” Los Angeles, 1979.
(3) Vấn đề căn bản của nhị thể luận giữa “thức” (mind) và “thân” (body) nằm ở trên phương diện tương tác nhân quả (casual relationship): Nếu thức và thân là hai cơ sở khác biệt và tách rời (distinct and seperate) thì tại sao ý thức có thể cử động chân tay?
(4) Nguyên văn: “The actual non-scientificity of the theory resides precisely in its capacity to elude – by way of sophistry – every possibility of falsification.” Sebastiano Timpanara, “The Freudian Slip.” Bản dịch tiếng Anh của Kate Soper, New Jersey, 1976. (Trích từ Bouveresse, “Wittgenstein Reads Freud. Xem (4).”
(5) Jacques Bouveresse, “Wittgenstein Reads Freud: The Myth of The Unconscious.” Bản dịch Anh Ngữ của Carol Cosman. Princeton, 1995. Ðể thông hiểu hơn những vấn đề ở đây, xin đọc Ludwig Wittgenstein’s “Philosophical Investigations.”
(6) Sđd, tr. 50. Nguyên văn: “The basic evil of Russell’s logic, as also of mine in the Tractatus, is that what a proposition is is illustrated by a few common place examples, and then presupposed as understood in full generality”). Xin đọc Wittgenstein’s “Tractatus Logico-Philosophicus.”
(7) Về những xảo thuật và gian lận về bằng chứng cho lý thuyết của Freud, xin đọc, J. M. Masson, “Freud: The Assault on Truth – Freud’s Suppression of the Seduction Theory.” New York, 1984.
(8) Jacques Bouveresse, sđd, tr. 14.
(9) W. H. Auden, “In Memory of Sigmund Freud, 1939.”
(10) Jacques Lacan có thể là trường hợp chính xác hơn cho những phê bình về phân tâm học trên cơ sở triết ngữ. Tôi xin mượn lời T. K. Seung của Ðại Học Texas để gọi những lý thuyết của triết học Âu Châu từ Cấu trúc luận, Giải cấu luận, Thông diễn luận (Hermeneutics)… là “the karma of reference and representation.” (“một thứ ngữ nghiệp về tham chiếu và biếu đạt.” (Seung, “Structuralism and Hermeneutics.” Columbia, 1982). Vấn đề còn đi xa hơn. Ðó là vấn đề của “cám dỗ của khái niệm và ngôn từ” mà trí thức văn bản thường bị rơi vào mê hồn trận. Sau cơn say Hegel, hầu hết triết học của Pháp đã biến thành văn chương.
(11) Cho một phân tích về tiền đề này, xin đọc, Ashis Nandy, “The Savage Freud and other Essays on Possible and Retrievable Selves.” Princeton, 1995 và Harvie Ferguson, “The Lure of Dreams: Sigmund Freud and the Construction of Modernity.” London, 1996.
(12) Khi đang trên giường bệnh và sắp lìa đời vào năm 1951, Wittgenstein có nói với người bạn thân, “Tất cả những triết học của tôi đều là những mẩu chuyện hài ước. Tiếc rằng tôi viết hài ước hơi bị dở.” (Xem phim “Wittgenstein, A Life”). Ở đoạn áp chót của “Tractatus” (6.54), Wittgenstein viết, “Ai hiểu được tôi thì cuối cùng đều nhận ra rằng những gì tôi nói ra đều chỉ là vô nghĩa (senseless).” Tinh thần này cũng phải nên áp dụng cho trường hợp của Freud.

Deconstruction: một số phương pháp phân tích văn bản cho rằng mình không thể nói chính xác ý nghĩa của văn bản bởi vì văn bản dựa vào ngôn ngữ, và ngôn ngữ võ đoán. Phương pháp giải cấu trúc là một chất vấn có tính phê phán và giải thích một văn bản theo nghĩa rộng hơn.

Nhận thức luận hay Tri thức luận là khuynh hướng triết học nghiên cứu về bản chất, nguồn gốc, và phạm vi của quá trình nhận thức.