Seite auswählen

Kỳ 1

Cù Huy Hà Vũ

11.11.2019

Ngày 7/4/2014, tôi đặt chân tới Thủ đô Washington của Hoa Kỳ, sau một chuyến bay dài đưa tôi ra khỏi Trại giam số 5 ở Thanh Hóa, nơi tôi bị giam suốt 3 năm rưỡi với bản án 7 năm tù do bị kết “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngay sau đó, tôi được nhập học tại Viện Quốc Gia Phát Triển Dân Chủ (National Endownment for Democracy – NED) cho dù tiếng Anh của tôi lúc đó chỉ ở mức ABC. Tuy nhiên, nhờ có tiếng Pháp mà tôi thông thạo, tôi cũng đã xoay xỏa được với ngôn ngữ của Washington và Lincoln để rồi 8 tháng sau, ngày 11/12/2014, tôi thuyết trình về đề tài “Thực hiện nhân quyền để dân chủ hóa Việt Nam” (Implementing Human Rights as a Path to Democracy in Vietnam) tại NED.

Trong số những người đến chúc mừng tôi sau thuyết trình, có một phụ nữ nhỏ nhắn, điềm đạm, tự giới thiệu là Jackie Bông và đề nghị chụp ảnh cùng tôi và vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà. Lúc đó có ai đó nói: “Chị Jackie Bông nguyên là phu nhân của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người bị Việt Cộng ám sát khi sắp làm Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa”. Thực tình lúc đó tôi không chú ý tới chi tiết này, không chỉ vì phía trước tôi là cả một thách thức to lớn đặt ra cho bất cứ nhà hoạt động lưu vong nào mà còn vì tôi chưa bao giờ nghe tên của Giáo sư Bông. Thực vậy, sau 30/4/1975, các tài liệu chính thức về chiến tranh Việt Nam chỉ nhắc tới các lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa tại nhiệm, dù chỉ vài ngày như Vũ Văn Mẫu hay Nguyễn Xuân Oánh.

Sau này, thỉnh thoảng tôi lại gặp bà tại các cuộc họp của cộng đồng Việt Nam hay hội thảo về Việt Nam. Mùa thu năm ngoái, nhân danh tổ chức “Họp mặt dân chủ” (The Assembly for Democracy in Vietnam -ADVN) bà mời tôi dự Hội thảo có tên “Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam” (Vietnam War Revisited). Tôi đã dự Hội thảo và thấy rằng Jackie Bông là một phụ nữ năng nổ và có tài tổ chức, điều này khiến tôi bắt đầu tò mò về người chồng quá cố của bà, Giáo sư Nguyễn Văn Bông. Cuối tháng 10 vừa qua, khi mùa thu đã nhuộm vàng cả vùng Thủ đô Washington, Jackie Bông mời vợ chồng chúng tôi điểm tâm tại Phở 95 ở Van Dorn Plaza và sau đó mời chúng tôi về thăm nhà bà.

Đó là một căn hộ sang trọng tại tầng 15 Chung cư Watergate. Trong nhà treo ảnh gia đình Jackie Bông hồi bà còn nhỏ, ảnh gia đình chồng bà, Lacy Wright, ảnh cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa, Ellsworth Bunker, đang khoác tay cô dâu Jackie Bông chụp năm 1976… Đặc biệt, có vài tủ gỗ quý kiểu cổ mang từ Việt Nam sang mà tôi rất mê. Bà nói tên bà là Thu Vân, Jackie Bông Wright là tên bà có sau khi tái giá, nhưng mọi người gọi ngắn lại là Jackie Bông. Tặng vợ chồng tôi cuốn hồi ký “Mây Mùa Thu” (Capital Books xuất bản 2002), bà giải thích: “Mây Mùa Thu, tức Thu Vân đấy. Cuốn này cũng đã được xuất bản bằng tiếng Anh vẫn với cái tên này, “Autumn Cloud”. Bà còn cho tôi mượn cuốn “Giáo sư Nguyễn Văn Bông – Di cảo (Nguyễn Ngọc Huy Foundation – Mekong-Tỵnạn xuất bản 2009) và nói đây là bản duy nhất bà còn.

Jackie Bông nói tôi khi nào đọc xong hai cuốn sách này mà cần hỏi thêm về Giáo sư Bông thì bà sẽ giải đáp. Lẽ tất nhiên tôi đã không bỏ lỡ cơ hội. Ngoài ra, ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng nhiệt tình cung cấp cho tôi một số thông tin liên quan Giáo sư Bông. Vậy là tôi đã có những phương tiện cơ bản trong tay để làm một nghiên cứu nhỏ về nhân-vật-bị-ám-sát-khi-sắp-làm-Thủ-tướng nhân 48 năm ngày ông qua đời (10/11/1971 – 10/11/2019).

Việt Nam hóa chiến tranh

Điều đáng chú ý đầu tiên là vụ ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization).

Chính thức thì cái tên “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguồn gốc từ “Phi Mỹ hóa chiến tranh” (De-Americanization) chỉ xuất hiện sau khi Richard Nixon vào Nhà Trắng với “Học thuyết Nixon”, học thuyết này dựa trên chiến lược “Răn đe thực tế” thay cho chiến lược “Phản ứng linh hoạt” của người tiền nhiệm Lyndon Johnson. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird coi “Việt Nam hóa chiến tranh” là “Học thuyết Nixon trong hành động”, là “biện pháp kết thúc sự tham gia của Mỹ, bước mở đầu tăng cường lực lượng đồng minh ở châu Á”. Tóm lại là chuyển dần trách nhiệm tiến hành chiến tranh từ Mỹ sang Việt Nam Cộng hòa. Trên thực tế, chiến lược này đã bắt đầu với Robert McNamara, Bộ trưởng quốc phòng của hai tổng thống Mỹ, John Kennedy và Lyndon Johnson.

Kể từ khi Kennedy vào Nhà Trắng cuối tháng 1/1963 cho đến khi vị tổng thống trẻ tuổi này bị ám sát vào tháng 11/1963, McNamara đã nâng số quân Mỹ tại Việt Nam từ 900 lên hơn 16.000. Đến năm 1965 khi Mỹ tiến hành chiến tranh không quân ra miền Bắc mang biệt danh “Chiến dịch sâm rền” thì số quân Mỹ đã là 184.000. Như vậy, McNamara là “kiến trúc sư” của Chiến tranh Việt Nam.

Tuy vậy, khi đối diện với những thất bại quân sự trước Quân giải phóng miền Nam áp dụng lối cận chiến “Nắm thắt lưng địch mà đánh” nhằm vô hiệu hóa ưu thế áp đảo về pháo binh và không quân của Mỹ, với bộ óc thông minh của một cựu sinh viên Havard và Chủ tịch Hãng Ford McNamara hiểu rằng leo thang chiến tranh cũng sẽ bế tắc. Trong cuộc họp ngày 17/12/1965 với Tổng thống Johnson tại văn phòng Nội các, trả lời câu hỏi “giải pháp quân sự không đảm bảo chiến thắng sao?” của Tổng thống, McNamara khẳng đinh: “Tôi đã nói: chúng ta không thể có giải pháp quân sự. Chúng ta cần phải tìm giải pháp khác” (1). Điều trớ trêu là kế hoạch “rút chân” khỏi Việt Nam của Mỹ được hình thành chỉ hơn 9 tháng sau khi đơn vị chiến đấu đầu tiên, Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến, đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, tức hầu như ngay khi nó được bắt đầu. Trớ trêu hơn nữa là kế hoạch này lại được khởi thảo bởi chính “kiến trúc sư” của cuộc chiến.

Cụ thể hóa quan điểm của mình, vào mùa xuân 1966, McNamara đã cùng phụ tá của mình là MacNaughton soạn thảo một “Kế hoạch tháo lui chiến thuật”. Ngày 14 tháng 10 năm 1966, McNamara đã gửi một báo cáo dài đến Tổng thống Johnson, thừa nhận thất bại của Mỹ trên mọi phương diện, từ chương trình bình định nông thôn ở miền Nam cho đến chiến dịch “Sấm rền” ném bom miền Bắc. Báo cáo này viết: “Nói tóm lại, chúng ta – từ góc cạnh của một cái nhìn đối với tầm quan trọng của cuộc chiến – sẽ thấy rằng không có tiến bộ nào đáng kể, mà còn tệ hại hơn. Cuộc chiến quan trọng này phải do người Việt Nam tự lo liệu; họ phải chiến đấu để giành chiến thắng”. Không nghi ngờ gì nữa, báo cáo này của McNamara chính là xuất phát điểm của “Việt Nam hóa chiến tranh”(2).

Một tháng sau khi nhận được báo cáo của McNamara, Tổng thống Johnson đã yêu cầu Cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow và Robert Komer, thành viên Hội đồng an ninh quốc gia chuyên về Việt Nam, tìm một giải pháp hiệu quả hơn các chiến thuật chiến tranh tiêu hao và ném bom của McNamara. Kết quả là ngày 13 tháng 12 năm 1966, hai người này đã đề xuất bổ trợ chiến dịch tấn công quân chủ lực phía địch và ném bom tấn công bằng các nỗ lực tăng cường nhằm bình định hóa vùng nông thôn và tăng cường sức lôi cuốn của chính quyền Nam Việt Nam.

Để triển khai kế hoạch này, Johnson đã đã cử đến Sài Gòn Ellsworth Bunker làm Đại sứ Mỹ, Robert Komer làm chỉ huy một tổ chức chống nổi dậy mới có tên “Hoạt động dân sự và hỗ trợ cách mạng” (Civil Operations and Revolutionary Development Support program – CORDS), và Đại tướng Creighton Abrams, phó Tham mưu trưởng Lục quân, làm phó cho Đại tướng William Westmoreland, Tư lệnh quân Mỹ tại Nam Việt Nam (MACV) với nhiệm vụ tăng cường năng lực của quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm thay thế quân Mỹ trong chiến đấu chống các lực lượng Cộng sản. Lẽ dĩ nhiên, Bunker là người điều hành chung kế hoạch.

Sở dĩ Bunker được Tổng thống Johnson tín nhiệm cho trọng trách giúp Mỹ thoát khỏi vũng lầy quân sự tại Việt Nam là vì nhà ngoại giao Mỹ ngoại thất tuần này đã giải quyết thành công khủng hoảng năm 1965-66 tại Cộng hòa Đôminica sau khi các đặc phái viên khác của Hoa Kỳ và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ thất bại.

Tháng 12/1963, Juan Bosch, một ứng cử viên cánh tả, đã được bầu làm tổng thống. Sau khi nhậm chức vào tháng 2/1963, Bosch đã tiến hành một số cải cách theo hướng xã hội dân chủ, điều này khiến ông bị dán nhãn cộng sản. Vào tháng 9 cùng năm, một nhóm sĩ quan cấp cao đã lật đổ ông và đưa Donald Reid làm tổng thống mới. Tháng 4/1965, một nhóm quân nhân liên kết với những người cánh tả đã nổi dậy và lật đổ chế độ quân phiệt để đưa Bosh trở lại cầm quyền. Cuộc nổi dậy này được gọi là “Cách mạng tháng Tư”. Để tránh một Cuba thứ hai ở bán cầu Tây, Tổng thống Johnson đã đưa 42.000 quân vào Dominica và lực lượng này đã đụng độ trực tiếp với lực lượng nổi dậy. Thấy rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ sẽ làm nước này sa lầy nên Bunker, lúc đó là Đại sứ Mỹ tại Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) chủ trương một giải pháp chính trị dựa trên tổ chức một cuộc bầu cử mới với sự tham gia của các bên tham chiến người Dominica. Nố lực của Bunker và các đại sứ khác của Tổ chức các nước châu Mỹ theo hướng này đã thành công, cho phép quân Mỹ triệt thoái khỏi đảo quốc này một cách êm ả, điều này đã mang lại cho ông biệt danh “Người giải quyết rắc rối” (Troubleshooter)

Sau này trong một cuộc phỏng vấn, Bunker nói: “Tôi đã giúp ông ấy (Tổng thống Johnson) thoát khỏi Cộng hòa Dominica và đạt được mục đích chính trị ở đó. Ông ấy muốn tôi làm điều tương tự ở Nam Việt Nam”. Vẫn theo nhà ngoại giao này, Johnson muốn bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam nhưng trước khi các lực lượng này có thể rời đi, quân đội Nam Việt Nam phải mạnh hơn, hoàn thiện hơn và người Nam Việt Nam phải tăng tốc quá trình phát triển dân chủ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về vận mệnh chính trị của Nam Việt. Nói ngắn gọn, Johnson muốn vai trò của Mỹ tại Việt Nam giảm đi với tốc độ tương ứng với sự tăng cường tự lực của Nam Việt Nam.

Ngay sau khi đặt chân tới Sài Gòn, tại buổi trình ủy nhiệm thư ngày 28/4/1967, Bunker nói với Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu rằng miền Nam Việt Nam phải gánh lấy cuộc chiến chống các lực lượng cộng sản thay cho các đơn vị chiến đấu Mỹ được hỗ trợ bằng các cuộc ném bom miền Bắc. Vị đại diện Hoa Kỳ này nói tiếp, để giành chiến thắng, miền Nam Việt Nam phải xây dựng một chính phủ chính danh đại diện cho các lực lượng chính trị đa dạng trong nước song song với bình định hóa nông thôn.

Chú thích

(1), (2) Ngẫm lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam” (In Retrospect: The Tragedy and Lesson of Vietnam), Robert S.McNamara, Times Books,1995.


Kỳ 2

Giáo sư Nguyễn Văn Bông.

Cù Huy Hà Vũ

13.11.2019

Lựa chọn hoàn hảo

Để thực hiện thành công sứ mệnh giúp Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến mà vẫn bảo đảm cho chính quyền Sài Gòn khả năng tự mình đương đầu với địch thủ Cộng sản, Đại sứ Bunker buộc phải tìm ra một nhân vật người Việt không chỉ là dân sự mà còn phải đáp ứng chí ít ba tiêu chí: có năng lực chống Cộng, có uy tín chính trị và nhất là, có chiến lược xây dựng một Việt Nam Cộng hòa có khả năng “độc lập tác chiến”. Rất nhanh chóng, ông đã tìm thấy nhân vật đó ở Giáo sư Nguyễn Văn Bông.

Nguyễn Văn Bông sinh năm 1929, trong một gia đình nghèo, cha là thợ bạc, mẹ là thợ may. Vì vậy, ông phải làm việc từ lúc mới 12 tuổi để kiếm thêm tiền đi học. Năm 1949, ông mua một vé tàu hạng ba đi Pháp để du học. Tại Paris, ông làm bồi bàn tại tiệm ăn La Table du Madarin và kết thân với một sinh viên Việt Nam khác cũng đang làm bồi bàn tại đây là Nguyễn Ngọc Huy, người sẽ sát cánh cùng ông trong các hoạt động chính trị sau này. Sau khi đạt học vị Tiến sĩ Luật và Tiến sĩ Chính trị học vào năm 1960 và Bằng Giảng dạy đại học (Agrégation) (2) về công pháp vào năm 1962, ông về nước vào tháng 1/1963 theo lời mời của chính quyền Ngô Đình Diệm để giảng dạy tại Phân Khoa Luật – Viện Ðại Học Sài Gòn. Trước khi về nước, ông đã hứa hôn với một nữ sinh viên tên là Lê Thị Thu Vân, người mà ông sẽ cưới làm vợ vào năm 1964. Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền mới bổ nhiệm ông làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh có chức năng đào tạo các công chức trung, cao cấp.

Về tiêu chí thứ nhất, Giáo sư Bông là một người chống Cộng có bài bản.

Thời điểm ông về nước, chính quyền Ngô Đình Diệm đang đàn áp dữ dội phe đối lập với việc truy cứu hình sự nhiều người trong số 18 chính khách chống Cộng thuộc Khối Tự do Tiến bộ (gọi tắt là Cấp Tiến), còn gọi là Nhóm Caravelle, Nguyễn Tường Tam, tức nhà văn Nhất Linh… do ủng hộ cuộc đảo chính ngày 11.11.1960 của nhóm sĩ quan Nguyễn Chánh Thi – Vương Văn Đông. Ngày 7/7/1963, trước khi quyên sinh để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông ra xét xử, Nguyễn Tường Tam viết trong di chúc: “Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản”.

Đồng quan điểm chống độc tài gắn với chống Cộng nêu trên của vị cựu thủ lĩnh Tự Lực Văn Đoàn, Giáo sư Bông cho rằng sự tồn tại của đối lập chính trị mới giúp chống được Cộng sản. Trong bài thuyết giảng “Vấn đề đối lập trong chánh thể dân chủ” nhân lễ khai giảng 1/8 cùng năm tại Trường Luật, ông nhấn mạnh: “… vì thiếu đối lập mà cộng sản và những phần tử dân chủ nắm mất chánh nghĩa đối lập và lợi dụng khai thác những bất mãn, than phiền của quần chúng. Vậy để tránh mọi sự ngộ nhận giữa chánh quyền và nhân dân, để cho trạng thái tinh thần khủng hoảng của dư luận được thể hiện một cách ôn hòa, để cho những phần tử phiến loạn hết cơ hội lợi dụng tuyên truyền và khai thác, vấn đề đối lập tự do và xây dựng cần phải được đặt ra”. Sau bài thuyết giảng này, theo bà Jackie Bông, Giáo sư Bông đã phải liên tục thay đổi chỗ ngủ trong một thời gian vì sợ mật vụ của ông Ngô Đình Nhu, Cố vấn của Tổng thống Diệm, hãm hại.

Cũng bởi tầm quan trọng có tính sinh tử của đối lập chính trị trong cuộc chiến chống Cộng sản mà Giáo sư Bông đã dành hẳn một chương, Chương IV, Thiên thứ ba, cho vấn đề này trong giáo trình “Luật Hiến pháp và chính trị học”. Tuy nhiên theo ông, để có đối lập chính trị thì phải có hệ thống đa đảng vì hệ thống độc đảng triệt tiêu nó. Ở phần “Chính đảng” của giáo trình này, ông viết: “Với một chính đảng duy nhất – dù trên Hiến pháp phân quyền được ấn định – nguyên tắc này chỉ là hư ảo vì Hành pháp và Lập pháp chỉ là thừa hành mệnh lệnh của trung ương đảng bộ. Chính phủ gồm toàn nhân viên cao cấp của đảng, còn Quốc hội là cán bộ của đảng chỉ biết hoan hô. Đại hội của đảng có một tầm quan trọng gấp trăm lần phiên họp của Quốc hội. Đối lập – lẽ dĩ nhiên – không thành vấn đề. Vì chỉ có một chính đảng được phép công khai hoạt động. Không những không có chính đảng đối lập mà cũng không có đối lập trong chính đảng duy nhất ấy”. Tóm lại, Giáo sư Bông cổ súy hệ thống đa đảng cũng là nhằm chống Cộng sản.

GS Nguyễn Văn Bông (phía trước) GS Nguyễn Văn Tương,(bên phải) và GS Tạ Văn Tài đên trao bằng Tiến sĩ cho một sinh viên Trường Luật.

GS Nguyễn Văn Bông (phía trước) GS Nguyễn Văn Tương,(bên phải) và GS Tạ Văn Tài đên trao bằng Tiến sĩ cho một sinh viên Trường Luật.

Đối tượng tác động của ông không chỉ là sinh viên mà còn, và nhất là, bản thân thể chế chính trị. Đầu tháng 3 năm 1967, ông đã cho xuất bản thành sách giáo trình nói trên với cùng tiêu đề nhằm ảnh hưởng trực tiếp đến việc soạn thảo Hiến pháp cho Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa. Kết quả là Hiến pháp được ban hành sau đó 1 tháng đã quy định “Chính Đảng và Đối Lập” tại Chương VII.

Vẫn theo Giáo sư Bông, để chống Cộng thành công, chính quyền phải lôi kéo được dân đi với chính quyền. Trong bài “Vai trò chánh đảng và cuộc sinh hoạt chính trị tại Việt Nam Cộng hòa”, ông viết: “Đa số quần chúng ở với ta nhưng vẫn chưa theo ta. Trong lúc đó, ở vùng Cộng sản kiểm soát sự tham gia của dân chúng vào guồng máy đấu tranh là một điều bắt buộc, dưới hình thức này hay hình thức khác, với mọi phương tiện và thủ đoạn. Cộng sản huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng chiến đấu với họ. Đối với Cộng sản bất cứ ai cũng không thể đứng ngoài cuộc tranh chấp. Và giải pháp của vấn đề không phải chỉ có phát gạo, phát đường, mà phải còn đặt nặng vấn đề chính trị, củng cố lập trường, cùng ý thức hệ…Xây dựng nông thôn, tranh thủ nhơn tâm, trước hết là xậy dựng tư tưởng chính trị, tranh thủ quần chúng chấp nhận xã hội ta, chế độ ta”. Và để lôi kéo được dân, Giáo sư Bông chủ trương “chính trị hóa sinh hoạt” của bộ máy chính quyền, biến từng viên chức chính quyền thành “cán bộ chính trị”.

Cũng cần nói thêm rằng phương pháp “dân vận” này của Giáo sư Bông hoàn toàn khớp với mục tiêu “bình định nông thôn” (pacification) bằng phương thức tình báo của người đứng đầu CORDS. Thực vậy, Komer tổ chức các “Đoàn cán bộ xây dựng nông thôn” được trang bị vũ khí nhẹ, còn gọi là “Đội quân áo đen” và thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân, nhất là với những nhà có người tập kết ra Bắc hoặc thoát ly theo Cộng sản, để phát hiện và tiêu diệt “Cộng sản nằm vùng”. Cũng như vậy, phương pháp này của Giáo sư Bông hoàn toàn phù hợp với “chiến tranh toàn diện” gồm cả hành quân, bình định và gia tăng năng lực của Quân lực Việt Nam Cộng hòa của Đại tướng Abrams.

Về tiêu chí thứ hai, Giáo sư Bông có một loạt lợi thế để tập hợp lực lượng và tạo đoàn kết cả trong và ngoài chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Là Giám đốc Học viện quốc gia hành chính, chắc chắn ông có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các học trò của ông đang và sẽ nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Là một trí thức nổi tiếng chống độc tài và cổ súy cho đảng chính trị và hệ thống đa đảng, điều được thể hiện rõ qua các tác phẩm đã dẫn ở trên của ông, Giáo sư Bông dễ có được sự hợp tác của các đảng phái hơn bất cứ ai khác.

Sự liêm khiết của Giáo sư Bông cũng là một thế mạnh nữa của ông trong bối cảnh chính quyền Sài gòn bị ngay người Mỹ nhận định tham nhũng trầm trọng (3). Ông Hoàng Đức Nhã cũng khẳng định: “Không có gì phải nghi vấn về sự trong sạch của Giáo sư Bông”. Phẩm chất này của ông hẳn sẽ giúp xây dựng được một chính quyền “sạch” hơn để tranh thủ dân chúng một khi ông tham gia Chính phủ.

Tóm lại, uy tín của Giáo sư Bông chẳng những có thể mang lại cho Việt Nam Cộng hòa tính chính danh trong mắt của đa số người dân miền Nam mà quan trọng hơn, có thể giúp chính thể này chiến thắng trong viễn cảnh tổng tuyển cử để định ra chính quyền tương lai cho Nam Việt Nam mà Hội nghị Paris đang bàn tới.

Về tiêu chí thứ ba, Giáo sư Bông đã tìm ra phương thức khả dĩ giúp Việt Nam Cộng hòa trụ vững trong cuộc chiến một khi Mỹ rút quân. Đó chính là công tác chính trị.

Vẫn trong bài “Vai trò chánh đảng và cuộc sinh hoạt chính trị tại Việt Nam Cộng hòa”, ông viết: ”Chính trị hóa sinh hoạt còn có nghĩa nung đúc tinh thần chiến đấu…Chỉ có tinh thần mới có thể giúp ta tự lực, tránh cho ta thái độ ỷ lại vào người. Nếu ngoại viện là điều cần thiết trong giai đoạn hiên tại thì chính vì ngoại viện ấy mà chúng ta càng phải mau mau phát động ý chí tự lực, tự cường hầu có thể chịu đựng khi không còn ngoại viện”.

Cũng như vậy, trong bài “Mặt trận quân sự” viết trong bối cảnh Hội nghị Paris về Việt Nam đã được tiến hành, ông chủ trương “phát triển triệt để chiến tranh chính trị trong quân đội” với giải thích: ”Thực vậy, sự rút quân của đồng minh sẽ tạo một khủng hoảng tâm lý quan trọng cho quân đội Việt Nam. Ngành tâm lý chiến phải đánh tan mặc cảm bị bỏ rơi, thái độ ỷ lại, tinh thần chủ bại, tâm lý ngạo khó, ngán địch, đồng thời phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, tự túc, nâng cao tinh thần tự vệ và đoàn kết với nhơn dân để tiêu diệt địch trong nhơn dân”.

Nói cho đúng, Bunker có được Giáo sư Bông như một lựa chọn hoàn hảo cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” chính là nhờ người tiền nhiệm: Henry Cabot Lodge. Thực vậy, vị cựu Thượng nghị sĩ bang Massachusetts này đã phát hiện ở Giáo sư Bông một chính khách có bản lĩnh, và hơn thế nữa, một thủ lĩnh đối lập tiềm tàng qua bài thuyết giảng “Vấn đề đối lập trong chánh thể dân chủ” của ông. Bảo trợ và gây dựng vị thế cho vị giáo sư Trường Luật này vì vậy là chuyện không phải bàn cãi đối với Cabot Lodge, vốn được Tổng thống Kennedy cử sang Nam Việt Nam để chấm dứt chế độ Ngô Đình Diệm đang gây phương hại nghiêm trọng cho cuộc chiến chống Cộng sản của Mỹ tại đây (4). Điều này giải thích vì sao Hội đồng Quân nhân Cách mạng đã bổ nhiệm Giáo sư Bông làm người đứng đầu Học viện Quốc gia Hành chánh ngay sau cuộc đảo chính sát hại ông Diệm cùng bào đệ là ông Nhu mà Cabot Lodge là người trực tiếp đứng đằng sau.

Sự bảo trợ chính trị này không hề kín đáo, ngược lại là khác. Bà Jackie Bông kể: “Đại sứ Cabot Lodge luôn mời anh Bông và tôi dự các buổi tiếp tân của Đại sứ quán, và nhất là dành cho tôi ghế danh dự, bên tay mặt ông, trong khi anh Bông tuyệt nhiên không phải là quan chức cao cấp. Ông ấy còn đến đám tang Khánh em trai tôi, chỉ là một trung úy tử trận”.

(Còn tiếp)

Chú thích

(2) “Agrégation” là bằng cần có để giảng dạy Đại học ở Pháp, người có bằng này được gọi là “agrégé”. Ngược lại, “Capes” (Certificat d’Aptitude au Professorat de l’Enseignement du Second degré) là bằng cần có để giảng dạy trung học. Trong hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam trước 1975, “Agrégation” được dịch là “Thạc sĩ”. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, “Thạc sĩ” là học vị trên Cử nhân và dưới Tiến sĩ, tương đương “Maitrise” (Pháp) hay Master (Anh, Mỹ). Để tránh nhầm lẫn, theo tác giả bài viết này, “Agrégation” cần được dịch là “Bằng Giảng dạy đại học”. Cũng như vậy, “Capes” cần được dịch là “Bằng Giảng dạy trung học”.

(3) Theo nhà báo Mỹ William J. Lederer, kẻ thù tồi tệ nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là nạn tham nhũng của Việt Nam Cộng hòa; hàng tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ bị quan chức tham ô rồi bán ra chợ đen.

(4) Tổng thống Ngô Đình Diệm không chỉ cai trị theo lối gia đình trị, đàn áp Phật giáo gây phẫn nộ lớn cả trong chính quyền và quân đội lẫn ngoài xã hội mà còn muốn độc lập với Mỹ và thỏa hiệp với Cộng sản. Khi Đại sứ Frederick Nolting đề nghị để cho Hoa Kỳ chia sẻ những quyết định về Chính trị, Quân sự và Kinh tế, ông Diệm trả lời rằng “chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ”. Theo ông Cao Xuân Vỹ, phụ tá của Cố vấn Ngô Đình Nhu, vào tháng 2 năm 1963, ông Nhu mượn cớ đi săn cọp ở khu rừng Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy, để bí mật gặp Phạm Hùng, ủy viên Bộ chính trị Đảng Lao Động Việt Nam. Thông tin này là có cơ sở vì Phạm Hùng giữ chức Trưởng Ban Thống nhất thuộc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (từ 1958 đến 1966), cơ quan này có chức năng nghiên cứu và triển khai thống nhất hai miền Bắc-Nam Việt Nam bằng phương pháp hòa bình.

 

Kỳ 3

Ông bà Giáo sư Nguyễn Văn Bông và các con – Sài Gòn 1964.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Bổ nhiệm định mệnh

Để chuẩn bị cho việc Giáo sư Bông chấp chính trong đường hướng “Việt Nam hóa chiến tranh”, Đại sứ Bunker hẳn đã đề nghị ông lập đảng để tạo hậu thuẫn chính trị (5). Kết quả là vào mùa xuân năm 1969, Giáo sư Bông đã cùng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Tổng thư ký Đảng Tân Đại Việt và là bạn cố tri, cựu giáo sư tại Học viện Quốc gia hành chính, lập ra Phong trào quốc gia cấp tiến (6) sau chừng gần nửa năm chuẩn bị. Bà Jackie Bông khẳng định: “Những gì Phong trào quốc gia cấp tiến thực sự đòi hỏi, đương nhiên là tìm một sách lược chiến thắng cộng sản, đề nghị một giải pháp dứt trừ tham nhũng và những hành vi quá trớn của các chính phủ quân nhân liên tiếp đã cai trị đất nước, sau khi ám sát Tổng thống Diệm”. Vẫn theo bà, có nhiều giáo sư của Học viện Quốc gia Hành chánh tham gia Phong trào, như Tạ Văn Tài, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Huệ…

Vẫn với sự hỗ trợ đắc lực của “Người giải quyết rắc rối”, Giáo sư Bông đã bành trướng Phong trào quốc gia cấp tiến không chỉ ở các khu vực thành thị mà còn cả nông thôn. Bà Jackie Bông nhớ lại: “Anh Bông hay xuống làng, xã, cùng ăn cùng ở, thậm chí nằm trên đất cùng chủ nhà. Những lần như vậy đều có nhân viên của bộ phận chính trị Tòa Đại sứ Mỹ đi cùng. Anh Bông nằm đất thì họ cũng nằm đất”. Cựu dân biểu Nguyễn Văn Tiết, người thường xuyên đi cùng Giáo sư Bông xuống địa phương, cho biết: “Phong trào quốc gia cấp tiến phát triển và lớn mạnh nhanh chóng, chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày ra mắt, hầu hết các tỉnh, thị xã và các xã quan trọng trên toàn miền Nam đều có cơ sở, tổ chức của Phong trào”. Với khẩu hiệu “Chống Cộng và chống hối lộ”, Phong trào Quốc gia Cấp tiến cùng với Đảng Tân Đại Việt đã giành được 21/159 ghế tại Hạ viện sau cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 8/1971, một con số đáng kể trong bối cảnh có tới 9 đảng phái có chân trong cơ quan lập pháp.

Bà Jackie Bông kể: “Khoảng đầu năm 1970, ông Martin Herz, Tham tán chánh trị Đại sứ quán Mỹ, tức người quan trọng thứ ba sau Đại sứ và Phó Đại sứ, mời cơm vợ chồng tôi và ông Hoàng Đức Nhã, Bí thư và là “cánh tay mặt” của Tổng thống Thiệu (7). Sau khi bàn luận về tình hình chánh trị ở Nam Việt Nam, ông Herz hỏi thẳng ông Nhã: “Nếu Tổng thống Thiệu mời Giáo sư Bông với tư cách lãnh tụ Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến lập một chánh phủ liên hiệp (coalition government) để có nhiều sức mạnh chống lại Cộng sản thì ông Nhã nghĩ sao?”. Ông Nhã liền trả lời: “Nếu Giáo sư Bông vào chánh phủ thì thì chúng tôi (chánh phủ Thiệu) sẽ ra và lập khối đối lập để chống lại”. Phản ứng này của ông Nhã, người đã học tại Đại học Pittsburgh, không làm anh Bông và tôi ngạc nhiên. Chúng tôi đã nghe nói ông Nhã từng tuyên bố: “Những người học bên Tây (Pháp) là bỏ thùng rác. Bây giờ là thời (era) của những người học bên Mỹ”. Khi chia tay, ông Herz buồn phiền nói với chúng tôi: ”Sao người Việt không biết bắt tay nhau để cùng đấu tranh chống Công Sản trong lúc tình hình miền Nam lâm nguy?!”

Với tư cách là người bảo trợ cho “Giải pháp Nguyễn Văn Bông”, lẽ dĩ nhiên Bunker không chịu lùi bước. Chuyến ghé Sài Gòn trên đường bí mật đi Trung Quốc vào đầu tháng 7/1971 của Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Nixon, sẽ áp đặt giải pháp chính trị này cho Tổng thống Thiệu.

Ông Hoàng Đức Nhã kể: “Ngay khi đến Sài Gòn, ông Kissinger gặp Tổng thống Thiệu. Với tư cách Bí thư của Tổng thống tôi cũng có mặt trong buổi gặp. Ông Kissinger nhấn mạnh đến việc Việt Nam Cộng hòa phải chuẩn bị thật tốt cho đấu tranh chính trị trong bối cảnh Hội nghị Paris đang bàn về tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam. Tổng thống Thiệu và tôi đều hiểu ẩn ý của ông Kissinger là Việt Nam Cộng hòa phải cải tổ nội các, cụ thể thế nào thì Đại sứ Bunker sẽ bàn”.

Về phần mình, bà Jackie Bông cho biết: “Sau khi ông Kissinger gặp bốn nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa gồm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Thượng viện Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại sứ Bunker tổ chức một bữa tiệc tại Đại sứ quán Mỹ để ông Kissinger tiếp anh Bông với tư cách lãnh tụ một đảng đối lập – Phong trào quốc gia cấp tiến và tôi với tư cách vợ anh Bông. Ông Kissinger và anh Bông đã nói chuyện riêng với nhau”. Còn theo cựu Bộ trưởng Đoàn Bá Cang, Giáo sư Bông có kể với ông rằng trong cuộc gặp đó cũng như những lần gặp trước đó với Kissinger, Giáo sư Bông luôn khẳng định các chức vụ hành chính quan trọng phải được giao cho dân sự để cải tổ chính quyền thành công (8).

Cuối cùng, việc gì phải đến đã đến. Trong hồi ký “Mây mùa thu”, bà Jackie Bông viết: “Ngày 9 tháng 11, Tổng thống Thiệu gửi một phái viên, người anh của Tổng thống, Nguyễn Văn Kiểu, Đại sứ ở Đài Loan, đến nhà chúng tôi để thảo luận. Anh Bông đoán ông Kiểu muốn cái gì, vì thế mới mời ông ta ở lại dùng cơm trưa. Sau khi ăn cơm xong anh Bông nói với tôi rằng ảnh đã chấp thuận làm Thủ tướng cho Tổng thống Thiệu”. “Trong vòng 15 phút sau khi anh ông Thiệu từ nhà chúng tôi ra về – Bà Jackie Bông viết tiếp – báo chí được biết nhờ tin lọt ra, khởi sự gọi điện thoại anh Bông để xin xác nhận việc anh được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Anh Bông từ chối không bốc điện thoại lên, và bảo tôi trả lời, nói rằng tốt hơn là để Tổng thống Thiệu loan báo chính thức sự bổ nhiệm cho truyền thông và dân chúng Việt Nam. Nhưng khi François Nivolon, phóng viên tờ báo France Soir (thực ra là Le Figaro -CHHV) cũng là người bạn tốt gọi đến, tôi đưa điện thoại cho anh Bông. Bị hỏi dồn, anh Bông xác nhận việc bổ nhiệm”.

Được hỏi do đâu mà Giáo sư Bông “đoán được ông Kiểu muốn gì”, bà Jackie Bông nói: “Vì báo chí đã ầm lên về việc anh Bông sẽ là Thủ tướng sắp tới sau cuộc gặp riêng giữa ông Kissinger và ảnh”. Thật ra, Giáo sư Bông biết rất rõ cuộc đến thăm của ông Kiểu chỉ là “long trọng hóa” thỏa thuận đã đạt được giữa Tổng thống Thiệu và ông. Điều bất ngờ và không kém phần thú vị là thỏa thuận đó lại được xúc tiến bởi chính nhân vật đã “dọa” sẽ làm “đối lập” với Giáo sư Bông nếu ông lập chính phủ.

Ông Hoàng Đức Nhã kể: “Ngay sau chuyến thăm của ông Kissinger vào đầu tháng 7/1971, Tổng thống Thiệu cử tôi làm đại diện Tổng thống đi gặp Giáo sư Bông để mời ông ấy với tư cách lãnh tụ Phong trào Quốc Gia Cấp tiến làm Thủ tướng trong bối cảnh “vừa đánh vừa đàm“ với Cộng sản. Thực ra trước đó ông Thiệu đã nhờ ông Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam và cũng là Chủ tịch Đảng Công Nông Việt Nam, đứng ra tập hợp các đảng phái để lập một chính phủ liên hiệp nhưng sau chừng 4, 5 tháng thì ông Bửu nói là không làm nổi. Tôi đã có dịp làm việc với Giáo sư Bông vào khoảng cuối 1969, đầu 1970. Khi đó, một đài truyền hình Pháp đề nghị tổ chức tại Paris một cuộc gặp giữa hai phe Quốc gia và Cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Họ yêu cầu phái đoàn Việt Nam Cộng hòa gồm cả người của chính quyền lẫn người đại diện các đảng phái. Tôi được Tổng thống Thiệu chỉ định đại diện cho chính quyền còn Giáo sư Bông thì do các đảng phái cử ra”.

Tác giả và ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí thư Tổng thống và Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng hòa.

Tác giả và ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí thư Tổng thống và Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng hòa.

“Tôi gọi điện cho Giáo sư Bông đang có mặt ở Học viện Hành chính Quốc gia – ông Nhã kể tiếp – và đề nghị gặp riêng tại nhà ông nhưng không vào giờ cơm trưa. Đầu giờ chiều ngày 10 /7, tôi đến gặp Giáo sư Bông như đã hẹn và tiếp đó thảo luận với ông khoảng 2 tiếng. Giáo sư Bông nhận lời mời làm Thủ tướng nhưng đề nghị cho ông ấy đưa hết bộ tham mưu của mình ở Học viện Quốc gia Hành chánh vào chính phủ. Tôi không chịu, nói: “Một vài người thì được chứ anh mang hết người của anh ở Học viện đi thì lấy ai giảng dạy. Đâu có thể lấy các giáo sư nơi khác về để làm lại từ đầu cả một nền tảng Quốc gia Hành chánh. Nếu có trình Tổng thống ý kiến này của anh thì tôi cũng sẽ bác. Còn về thành lập nội các thì trừ Tổng trưởng bốn bộ – Ngoại giao, Quốc Phòng, Nội vụ và Thông tin – do Tổng thống quyết định, các thành viên nội các khác sẽ do anh chọn và về nguyên tắc Tổng thống sẽ chấp thuận. Nhân đây tôi cũng nói với anh rằng Tổng thống muốn có trong nội các những người trẻ tuổi nhưng học ở nước khác ngoài Pháp”. Cuối cùng Giáo sư Bông cũng đồng ý với tôi. Hai hôm sau, tôi gặp ông ấy một lần nữa để chốt thỏa thuận. Phải nói Giáo sư Bông là một người rất kín đáo. Tóm lại, chính tôi là người bắt đầu và hoàn tất việc bàn thảo với Giáo sư Bông về việc bổ nhiệm ông ấy làm Thủ tướng”. “Còn ông Kiểu – ông Nhã nói thêm – ông ấy là Đại sứ tại Đài Loan nên chủ yếu ở nước ngoài. Việc Tổng thống Thiệu cử ông Kiểu đến gặp anh Bông khi mọi việc đã được định đoạt cốt lấy tiếng trong nước cho ông Kiểu mà thôi”.

Bất luận thế nào, việc Giáo sư Bông chính thức nắm chức Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa chỉ là vấn đề ngày một, ngày hai. Vậy mà, chỉ hơn 24 tiếng đồng hồ sau cuộc đến thăm của phái viên của Tổng thống Thiệu cùng với xác nhận của vị thủ lĩnh Phong trào Quốc gia Cấp tiến về việc bổ nhiệm này với báo giới, vụ nổ tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản giữa Đô thành Sài Gòn đã làm mọi toan tính chiến lược của cả chính quyền Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa với “Giái pháp Nguyễn Văn Bông” tan thành khói – theo đúng nghĩa đen của từ này!

(Còn tiếp)

Chú thích

(5) Nhiều tài liệu đáng tin cậy cho thấy Đại sứ Mỹ Bunker có lối đặt vấn đề không úp mở nhằm tạo chuyển biến trên chính trường Việt Nam Cộng hòa.

Trong hồi ký “Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào?”, Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống và Chủ tịch Ủy ban hành pháp (Thủ Tướng) Việt Nam Cộng hòa, viết: “Một buổi chiều, Đại sứ Bunker đến nhà tôi trong căn cứ không quân và nói với tôi: “Bầu cử và độc diễn thì không phải là tấm gương tốt cho thế giới”. Ông ta còn xung phong kiếm tiền cho tôi vận động bầu cử, chắc hẳn ông ta thừa biết tôi chẳng có hy vọng gì trúng cử, nhưng có lẽ người Mỹ nghĩ rằng nếu phải tổn phí mà tạo được một cái vỏ ngoài bầu cử tự do thì cũng đáng đồng tiền. CIA cũng làm áp lực để tôi phải ra tranh cử, nhưng tôi trả lời họ như tôi đã trả lời Đại sứ Bunker: “Không thể được. Thiệu nắm chắc quá, và nhất định sẽ không chịu để cho tôi trúng cử “.

Frank Snepp, cựu chuyên gia phân tích chiến lược của CIA tại Sài Gòn có nhận định tương tự trong hồi ký “Cuộc tháo chạy tán loạn” (Decent Interval). Ông viết: “Bunker sử dụng mánh khóe sở trường để hối lộ nhân vật đối lập ôn hòa là Tướng Dương Văn Minh để ông này tiếp tục vai trò người tranh cử.Cuộc dàn dựng có thể thành công nếu như cuối cùng Minh không tính ra rằng 3 triệu Dollars vận động cũng chỉ đưa tới một kết quả chắc chắn thất cử”.

(6) Vì Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là Tổng thư ký Đảng Tân Đại Việt nên nhiều tài liệu cho rằng Phong trào Quốc gia Cấp tiến là tổ chức ngoại vi của đảng này. Bà Jackie Bông phủ nhận điều này, cho rằng đây là hai tổ chức chính trị độc lập, nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Theo Hoài Sơn, tác giả bài “Cảm Nghĩ Nhân Kỷ Niệm Lần 49 Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt” đăng trên trang điện tử “Đảng Tân Đại Việt” ngày 10/02/2014, Giáo sư Huy nhận thấy Đảng Tân Đại Việt chỉ là đảng cán bộ chứ không phải đảng đại chúng nên ông đến trình bày với Giáo sư Bông để cùng nhau lập ra. Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến qui tụ 3 thành phần chính là dân cử, chuyên viên trí thức, và đảng phái, tôn giáo.

Theo tác giả bài viết này, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến giống như một công ty có hai cổ đông: Giáo sư Bông và Đảng Tân Đại Việt. Đảng Tân Đại Việt góp “vốn” bằng nhân sự còn “vốn” của Giáo sư Bông là uy tín chính trị của bản thân ông. Tóm lại, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến không do một mình Đảng Tân Đại Việt lập ra và vì vậy không thể là tổ chức ngoại vi của đảng này. Để so sánh, Việt Minh thực sự là tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản Đông Dương vì được thành lập theo Quyết nghị ngày 19/5/1941 của Hội nghị lần thứ VIII, Khóa I của đảng này, các thành viên Tổng bộ Việt Minh đều là đảng viên cộng sản cao cấp, bao gồm cả Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau này). Nói cách khác, Giáo sư Bông là lý do tồn tại của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Điều này giải thích vì sao tổ chức này đi vào thoái trào sau khi ông bị ám sát vào ngày 10/11/1971 để cuối cùng, vào năm 1973, nhập vào Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội do Tổng thống Việt nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu lập ra năm 1969 trên cơ sở Đảng Dân chủ cũng do chính ông Thiệu lập ra năm 1967 để tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống cùng năm.

(7) Hoàng Đức Nhã, sinh năm 1942 tại tỉnh Ninh Thuận, là em họ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi đậu Kỹ sư điện tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) vào năm 1966, ông về Sài Gòn tham chính. Ông là Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí của Tổng thống Thiệu từ năm 1968 và Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi từ tháng 4/1973. Trong bài “Hoàng Đức Nhã, người phát ngôn mới của Sài Gòn” (Saigon’s New Chief Spokesman Hoang Duc Nha) đăng trên New York Times ngày 1/1/1973, nhà báo Fox Butterfield đánh giá ông Nhã, 31 tuổi, bà con với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, là “người có quyền hành nhất sau Tổng thống” (the most powerful man in the country after the President). Vẫn theo nhà báo này, “ông Nhã nhúng tay vào mọi chuyện, từ giúp viết diễn văn cho ông Thiệu đến bổ nhiệm các đại sứ và thuyên chuyển các tướng lĩnh…Trên thực tế, ông Nhã dường như tổng hợp các vai trò ở Washington của ông Kissinger, Ronald L. Ziegler, phát ngôn viên Nhà Trắng và Charles G. (Bebe) Rebozo, người bạn thân nhất của Tổng thống Nixon”. Về phần mình, Henry Kissinger có một cái nhìn hoàn toàn tiêu cực về ông Nhã khi dùng các từ “quá đáng” (outrageous), kinh khủng (egregious), “đáng ghét” (obnoxious), “mưu mô“ (intrigue) để nói về ông.

Tóm lại, cứ theo nhận định của hai người Mỹ này, ông Hoàng Đức Nhã quả là “Ngô Đình Nhu Đệ Nhị” khi liên tưởng tới người em ruột và là Cố vấn của Tổng thống Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

(8) Hồi ức về GS Nguyễn Văn Bông, Đoàn Bá Cang, Youtube, 10/8/2019.

Kỳ cuối


Hiện trường vụ ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông.

Cù Huy Hà Vũ

25.11.2019

Ám sát, sụp đổ và đôi điều nhận định

Lẽ dĩ nhiên, Giáo sư Bông càng hữu ích cho việc củng cố chính quyền chống Cộng ở miền Nam Việt Nam, xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, thì ông càng nguy hiểm đối với bên kia chiến tuyến. Chưa nói đến việc Giáo sư Bông được bổ nhiệm làm Thủ tướng, chỉ riêng các vai trò quan trọng mà ông đang nắm giữ, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, “lò” đào tạo quan chức bộ trung, cao cấp cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và vì vậy là một trong những “cơ quan đầu não” của chính quyền này, và chủ xướng Phong trào Quốc gia Cấp Tiến, một tổ chức chính trị chống Cộng triệt để, đã đủ đưa ông vào “tầm ngắm” của hoạt động “trừ gian, diệt ác” của các lực lượng an ninh Cộng sản, đặc biệt sau khi có Chỉ thị số 32/CT ngày 15/12/1967 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Lễ cưới của Jackie Bông và Lacy Wright, Washington D.C., 1976.

Lễ cưới của Jackie Bông và Lacy Wright, Washington D.C., 1976.

Được ban hành nhằm chuẩn bị cho “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa” dịp Tết Mậu Thân 1968 theo Nghị quyết tháng 12/1967 của Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam, Chỉ thị này nêu nhiệm vụ, phương hướng của công tác an ninh trong thời gian tới với nội dung: “Hướng vào các đô thị, thị xã, thị trấn và các vùng xung yếu, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và lực lượng chính trị của quần chúng đẩy mạnh trừ gian, diệt ác và bộ máy kìm kẹp, hạ uy thế của địch, tạo thế cho phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy, tiến lên tiêu diệt cơ quan đầu não, các tổ chức cảnh sát, tình báo của Mỹ – ngụy, các đảng phái phản động của địch một cách triệt để, góp phần đánh sụp ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giành chính quyền về tay nhân dân, tích cực nắm vững tình hình địch, tích cực chuẩn bị lực lượng chuyên môn để truy kích địch, bảo vệ chính quyền cách mạng” (9).

Cựu đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam, Ellsworth Bunker, và cô dâu Jackie Bông tại lễ cưới Jackie Bông và Lacy Wright, Washington, 1976.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam, Ellsworth Bunker, và cô dâu Jackie Bông tại lễ cưới Jackie Bông và Lacy Wright, Washington, 1976.

Cũng cần nói thêm rằng hoạt động “trừ gian, diệt ác” gia tăng với việc “Ông trùm tình báo Cộng sản” Mười Hương (tức Trần Quốc Hương) (10) tham gia Thường vụ T4 – Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và nắm chức Trưởng ban An ninh T4 vào năm 1970, hai năm sau khi ông từ Bắc về Nam và công tác tại Tình báo Miền, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam (Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Nam). Thực vậy, Mười Hương có ba nhiệm vụ chính khi về làm Trưởng Ban An ninh T4: diệt ác ôn, đánh xẹp khí thế chính trị của địch; tiến hành công tác điệp báo, xây dựng mạng lưới cơ sở, nắm âm mưu địch; đảm bảo an ninh khu vực.

Để nói, ngay sau khi bắt đầu vận động thành lập Phong trào Quốc gia Cấp Tiến vào tháng 10/1968, vị Viện trưởng Viện Quốc gia Hành chính trở nên nguy hiểm gấp đôi và vì vậy trở thành mục tiêu trừ diệt hàng đầu của Ban an ninh T4.

Ngày 25 tháng 11 năm 1968, sinh viên Luật khoa Đỗ Hữu Cảnh và công nhân Trần Văn Hoành đã đặt chất nổ ở bức tường ngăn giữa phòng họp của Học viện Quốc gia Hành chánh và phòng làm việc của Giáo sư Bông (11). Ông may mắn thoát chết, chỉ bị xây sát đôi chút và ngất đi. Ông Lê Công Truyền, nhân viên Học viện và là người đưa Giáo sư Bông đến bệnh viện, cho biết vụ nổ tạo một lỗ thủng bằng cái nong trên tường và đẩy Giáo sư tọt vào gầm bàn làm việc. Vẫn theo nhân chứng này, câu đầu tiên của Giáo sư Bông sau khi hồi tỉnh tại bệnh viên là: “Có anh em nào bị gì không?”.

Thế nhưng Giáo sư Bông không còn gặp may mắn trong vụ mưu sát thứ hai. Vụ này do sinh viên năm thứ ba Khoa Khoa học Vũ Quang Hùng và trung úy quân lực VNCH Lê Văn Châu, thành viên Trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh T4 (12), thực hiện bằng một trái mìn DH khoảng 5kg liên kết với ba trái lựu đạn da láng tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, Sài Gòn, vào trưa ngày 10/11/1971.

Trong bài viết “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” đăng trên Dân Việt (báo điện tử của Trung ương Hội nông dân Việt Nam) ngày 30/4/2011, ông Vũ Quang Hùng kể: “Trung tuần tháng 10 năm 1971, ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về mục tiêu cần diệt là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, việc đầu tiên là tôi điểm lại tất cả anh chị em trong đội do tôi (Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Điệp) làm đội trưởng. Đội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập chưa đầy một năm, gồm 11 người (kể cả tôi). Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam (tức Thái Doãn Mẫn, sau 30/4/1974 là Đại tá, phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh – CHHV) – phó Ban An ninh T4: “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.

Đã có nhiều nhân vật cao cấp của chính quyền và quân đội Sài Gòn bị An ninh T4 bị ám sát. Tuy nhiên vụ ám sát Giáo sư Bông mới là đòn chí tử vào Việt Nam Cộng Hòa.

Như đã phân tích, Giáo sư Bộng là sự lựa chọn hoàn hảo của Mỹ cho “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến lược gây dựng cho chính quyền Sài Gòn khả năng tự đương đầu với địch thủ Cộng sản, trong đó tăng cường năng lực “đấu tranh chính trị” ở vị trí ưu tiên. Thực vậy, Hội nghị Paris đang bàn đến hiệp thương giữa các bên tham chiến người Việt để tổ chức bầu cử cử ở miền Nam Việt Nam. Về phần Tổng thống Thiệu, dù muốn dù không ông cũng phải thừa nhận “Giải pháp Nguyễn Văn Bông” là cách duy nhất có thể giúp Việt Nam Công hòa tiếp tục tồn tại bởi Tướng ba sao này quá hiểu rằng không có cơ may nào, dù là nhỏ nhất, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng Cộng sản bằng biện pháp quân sự. Do đó, vụ ám sát Giáo sư Bông dập tắt hy vọng sống sót duy nhất của Việt Nam Cộng hòa. Ông Hoàng Đức Nhã kể: “Khi nghe tin Giáo sư Bông bị ám sát, Tổng thống Thiệu buồn lắm, rất là buồn, Ông ấy nói với tôi: “Đấy chú thấy không, mình cố gắng như thế đó mà không biết thằng nào nó phá” cho dù đã tự động nghi vấn Cộng sản đứng đằng sau.

Thực tế cho thấy sau khi Giáo sư Bông bị ám sát, Tổng thống Thiệu theo quán tính tiếp tục giữ Tướng Khiêm ở vị trí Thủ tướng, đồng nhất với duy trì nội các chiến tranh. Điều này không chỉ củng cố quyết tâm thống nhất đất nước bằng quân sự của những người Cộng sản Việt Nam mà còn biện minh hơn nữa việc theo đuổi chiến tranh đến cùng của họ trong dư luận thế giới nói chung, dư luận Mỹ nói riêng. Tóm lại, cổng Dinh Độc lập bị hai xe tăng mang số hiệu 390 và 843 trong đội hình tổng tấn công của 20 sư đoàn chính quy Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ vào trưa ngày 30/4/1975 chỉ là sự kiện được tiền định bởi vụ ám sát Giáo sư Bông mà thôi!

Để kết thúc bài viết này, tác giả có đôi điều nhận định từ vụ ám sát Giáo sư Bông.

Vợ chồng tác giả và bà Jackie Bông Wright (phải). Virginia, 10, 2019.

Vợ chồng tác giả và bà Jackie Bông Wright (phải). Virginia, 10, 2019.

Đầu tiên, “Việt Nam hóa chiến tranh” hỏng ngay từ đầu vì chiến lược này của Mỹ được giao cho Đại sứ Bunker triển khai, trong khi vị này lại mâu thuẫn với chính mình trong triết lý hành động.

Như đã nói tới, sở dĩ được Tổng thống Johnson phái sang Việt Nam để thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” là vì Bunker đã giải quyết được khủng hoảng Đôminica bằng giải pháp chính trị, tạo điều kiện cho Mỹ rút quân trước viễn cảnh sa lầy quân sự tại đây. Thế nhưng, “giải pháp chính trị” mà Bunker áp dụng ở Nam Việt Nam lại khác hẳn với “giải pháp chính trị” mà ông triển khai ở Đôminica.

Tại đảo quốc ở Caribê, Bunker nỗ lực đưa các bên tham chiến người Đôminica ngồi lại với nhau để định ra một cuộc bầu cử và ông đã thành công. Trái lại ở Nam Việt Nam, vị đại sứ Mỹ này không hề tìm cách đưa Việt Nam Cộng hòa vào con đường đối thoại với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông chỉ chăm chăm dàn xếp chính trị giữa các thành phần chống Cộng nhưng đối lập nhau trong nội bộ Việt Nam Cộng hòa để chính thể này đủ vững để chống Cộng thành công. Do đó, việc Bunker dàn xếp được một sự “cộng sinh chính trị” giữa Tổng thống Thiệu và Giáo sư Bông cũng không giúp được gì cho việc giảm nỗ lực chiến tranh từ phía những người Cộng sản, nếu không muốn nói là ngược lại. Điều này rốt cuộc đã dẫn đến cái chết của của Giáo sư Bông và của chính Việt Nam Cộng hòa như ta đã thấy.

Tiếp theo, tình báo Cộng sản hoạt động rất hiệu quả.

Như đã trình bày, cuộc thảo luận giữa ông Hoàng Đức Nhã, phái viên của Tổng thống Thiệu, và Giáo sư Bông về việc bổ nhiệm vị này làm Thủ tướng bắt đầu vào ngày 10/7/1971 và kết thúc 2 ngày sau đó. Lời kể của “ám sát viên” Vũ Quang Hùng cho thấy tình báo Cộng sản đã nắm được thông tin này hầu như ngay lập tức. Điều này càng phi thường khi biết rằng mãi nửa tháng sau giới phóng viên báo chí phương Tây tại Sài Gòn – cũng là các nhà tình báo – mới biết chuyện.

Ông Nhã kể: “Cuối tháng 10, François Nivolon, phóng viên báo Pháp Le Figaro gọi điện cho tôi, hỏi: “Thưa ông Tổng trưởng, dường như Tổng thống Thiệu sắp cải tổ nội các và Giáo sư Bông đã được mời bàn chuyện này. Có đúng vậy không?” Khi tôi nói là có nhiều giáo sư Bông trong xã hội thì Nivolon nói: “Chỉ có một giáo sư Bông, bạn của ông đó” bởi biết tôi đã cùng làm việc với Giáo sư Bông trong chuyến đi Pháp. Thấy tôi không phủ nhận cũng không xác nhận tin này thì Nivolon nói: “Đừng giỡn, chúng tôi biết vai trò của ông trong vụ này rồi”. “Chúng tôi đã cố gắng giữ rất mật cuộc thảo luận với Giáo sư Bông với tư cách Chủ tịch Phong trào Cấp Tiến Quốc gia – ông Nhã nói tiếp – vì sợ các đảng phái khác phá thối. Nhưng dựa trên thông tin mà ông Vũ Quang Hùng đưa ra thì tôi nghĩ tình báo Cộng sản thậm chí biết được cuộc thảo luận này ngay khi nó mới bắt đầu”.

Suy cho cùng, thành tích tình báo này của những người Cộng sản không có gì là lạ vì trong tay của Trưởng Ban An ninh T4 Mười Hương và Tình báo Miền có một loạt điệp viên “chui sâu, leo cao” trong bộ máy chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Trong số các điệp viên chiến lược này có Nguyễn Văn Tá (Đặng Trần Đức, Ba Quốc, sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục 12 Tổng Cục Tình báo Quốc phòng, Quân đội Nhân dân Việt Nam), làm việc tại Phủ Đặc ủy trung ương tình báo do Đại tá Nguyễn Khắc Bình (sau này là Thiếu tướng quân lực VNCH), một người thân tín của Tổng thống Thiệu, làm Đặc ủy trưởng. Với chức vụ Trưởng ban chính trị phụ trách các đảng phái, ông Tá chắc chắn được Đại tá Bình giao nhiệm vụ lập hồ sơ về Giáo sư Bông với tư cách Chủ tịch Phong trào Quốc gia Cấp Tiến để báo cáo với Tổng thống Thiệu cho dù Giáo sư Bông được Đại sứ Bunker bảo trợ (13). Do đó, rất có thể chính điệp viên Nguyễn Văn Tá là người đã chuyển cho Tình báo Miền thông tin Tổng thống Thiệu mời Giáo sư Bông làm Thủ tướng, thậm chí trước cả khi ông Nhã khởi sự thảo luận với Giáo sư Bông. Cũng cần nói thêm rằng, Cụm A22 của Tình báo Miền hoạt động tại “Phủ Đầu Rồng” (Phủ Tổng thống VNCH) trong đó có Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, hai cố vấn Tổng thống Thiệu, đã bị bắt và đưa ra xét xử vào năm 1969.

Cuối cùng, Giáo sư Bông dẫu có chết thảm và thuộc về bên chiến bại bởi qui luật nghiệt ngã của chiến tranh, những đứa con tinh thần xuất sắc của ông, “Vấn đề đối lập trong chánh thể dân chủ” và “Luật Hiến pháp và chính trị học”, vẫn hiện diện như giá trị tham khảo cần thiết cho công cuộc xây dựng một Nhà nước dân chủ và pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.

Lời bạt

Năm 1976, quả phụ Giáo sư Bông, bà Lê Thị Thu Vân tái giá. Bà lấy Lacy Wright, một nhân viên ngành ngoại giao, người đã từng phục vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trước 30/4/1975. Tại lễ cưới, cựu Đại sứ Bunker đã đóng vai người cha để trao bà cho Lacy. Ông bà sống với nhau rất hạnh phúc, ngày nào bà cũng nấu cơm cho ông ăn.

Được hỏi thái độ của bà đối với những người đã ám sát Giáo sư Bông, Jackie Bông khẳng định: “Tôi theo Đạo Phật nên tôi không thù hận họ”. Bà nói tiếp: “Năm 1994, Thượng nghị sĩ John McCaine gặp tôi và hỏi tôi suy nghĩ thế nào về việc Quốc Hội Mỹ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tôi nói ngay: “Đối với tôi, vấn đề quan hệ ngoại giao với Việt Nam không phải là “why” (tại sao) mà là “when” (khi nào)”. Bà cho biết cả ba người con của bà với Giáo sư Bông, Annie, Victor và Alex, đều đã về thăm và làm việc tại Việt Nam. “Annie, con đầu của tôi – bà kể – nhất quyết về Việt Nam khi hai nước chưa có quan hệ ngoại giao. Con gái tôi nói: “Ba con là người Việt Nam, con là người Việt Nam, con phải về Việt Nam để phục vụ”. Jackie Bông nói thêm rằng Lacy chồng bà đã về thăm Việt Nam những 5 lần nhưng bản thân bà chưa về lần nào vì còn có những băn khoăn, trở ngại.

Cuối cuộc trò chuyện, Jackie Bông cho biết có nhà xuất bản ở Việt Nam đề nghị bà cho họ in lại cuốn “Luật Hiến pháp và chính trị học” của Giáo sư Bông nhưng bà chưa quyết định. Dẫu vậy, tác giả bài viết này tin rằng một ngày không xa bà sẽ lại có mặt ở Việt Nam, trước hết để dự buổi lễ tái sinh tác phẩm ấy của người chồng quá cố của bà, một “trí thức uy tín”.

Chú thích

(9) Chiến công xuất sắc của Lực lượng An ninh miền Nam, Hải Giang (theo Lịch sử Công an nhân dân), An ninh Thế giới Online, ngày 03/03/2008.

(10) Trần Quốc Hương từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ Cộng sản Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, từng là tù nhân của chính quyền thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông là người tổ chức và cũng là cấp trên trực tiếp của những điệp viên chiến lược cộng sản nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Việt Nam là Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn.

(11) “Bí mật điệp báo chưa từng công bố: đốt cháy con bài của Mỹ”, Nam Thi, Thanh Niên ngày 2/5/2000.

(12) Trong bài “Những ký ức hào hùng của người trinh sát vũ trang nội đô” của Phú Lữ, Công an nhân dân ngày 05/02/2018, Thiếu tá Công an Lê Việt Bình cho biết: “Ban An ninh T4 thuộc Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Ban này có các tiểu ban như Bảo vệ chính trị, điệp báo, hậu cần, an ninh vũ trang, giao liên… Đến tháng 4-1965, Ban An ninh T4 lập thêm một tiểu ban mới: Trinh sát vũ trang, bí danh là B5. Khác với An ninh vũ trang chuyên hoạt động ở vùng nông thôn và vùng ven với nhiệm vụ chống các trận càn quét, bảo vệ căn cứ, bảo vệ các lãnh đạo…, địa bàn chiến đấu của Trinh sát vũ trang là vùng nội đô Sài Gòn – Gia Định. Nhiệm vụ của Trinh sát vũ trang không chỉ là điều tra nghiên cứu, thu thập tình hình phục vụ tác chiến, mà chủ yếu là tiêu diệt “Việt gian, ác ôn” nhằm làm thất bại các ý đồ chiến lược của Mỹ -Thiệu, đập tan ách kìm kẹp của địch, tạo điều kiện phát triển các phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị”.

(13) Trong bài “Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng (kỳ 21): Khi Mỹ trở thành đối tượng của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo” của Hoàng Hải Vân – Tấn Tú, Việt Báo (Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông Quốc tế (CPI) – Bộ thông tin và truyền thông) ngày 11/3/2004, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Nguyễn Văn Tá, Ba Quốc) cho biết “nhiệm vụ chủ yếu của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo là bảo vệ Nguyễn Văn Thiệu, đối tượng của Phủ Đặc ủy là Mỹ và các thế lực chống đối trong và ngoài chính quyền”.

 

Những người giết Giáo sư Nguyễn văn Bông bây giờ ở đâu?

Khánh Linh

Gần 12 giờ trưa Thứ Tư 10/11/1971, chiếc xe chở Giáo Sư Nguyễn Văn Bông vừa từ đường Trần Quốc Toản quẹo phải vào đường Cao Thắng, chạy chậm lại để ngừng đèn đỏ ngay ngã tư trước khi quẹo trái vô đường Phan Thanh Giản.

Xe vừa ngừng, một thanh niên chạy đến gần và ném xuống gầm xe của Giáo sư Bông một chiếc cặp trong đựng mìn chống tăng MK6 (1). Sau đó anh ta băng qua đường và nhảy lên một xe Honda 90 có người đã nổ máy chờ sẵn, xe vọt luôn vào một con hẻm. Lựu đạn nổ, Giáo Sư Bông và người cận vệ của ông thiệt mạng.(2)

Nguyễn văn Bông bị ám sát

Nguyễn văn Bông bị ám sát

Những sát thủ

Chiếc xe gắn máy biến nhanh vào một con hẻm trên đường Cao Thắng. Do đã tập luyện thuần thục trước khi ra tay, chỉ trong vòng ba phút xe đã ra đến đầu hẻm phía bên kia và biến mất trên đường Trần Quốc Toản.

Người lái xe, và cũng là người điều khiển vụ ám sát là Vũ Quang Hùng, sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Saigon và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4. Người ngồi sau xe honda là Lê Văn Châu, trung úy quân đội VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4. Người cung cấp sáu trái lựu đạn MK6 cho hung thủ là Nguyễn Hữu Thái, kiến trúc sư, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, lúc đó đang là trung úy chiến tranh tâm lý tại Sài Gòn.

Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, Hùng và Châu được đưa ra bưng để tránh mũi dùi điều tra của chính quyền, và họ chỉ trở về Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, 1975.

Lê Văn Châu về làm việc ở Báo Tuổi Trẻ. Còn Vũ Quang Hùng được đưa về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 3, nhưng sau đó không lâu Hùng nhảy sang lãnh vực báo chí.

Hùng sanh năm 1945 tại Nam Định, bắt đầu viết báo từ 1964, và cho đến nay đã kinh qua các chức vụ phó tổng biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tổng biên tập tạp chí Người Du Lịch, và biên tập viên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Tháng 7/2004, Vũ Quang Hùng dưới tên nhà báo lão thành Quang Hùng xuất bản tập sách “Phóng Sự Điều Tra” trong đó ghi lại những kinh nghiệm mà Hùng đã “đúc kết, học hỏi, thậm chí va chạm trong suốt 40 năm làm báo”.

“Chiến công” của Vũ Quang Hùng đã được chính ông ta kể lại trong một bài đăng trên tạp chí Đứng Dậy của Linh Mục Chân Tín năm 1976. Đến tháng 4/2000, trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng 30 tháng 4 nhà báo chuyên về các đề tài tình báo Nam Thi của báo Thanh Niên cũng kể lại chuyện này, trong đó có ghi rõ vai trò trợ giúp đắc lực của Nguyễn Hữu Thái.

Biệt động thành hay sinh viên tranh đấu?

Giáo sư Nguyễn văn Bông

Vào thời điểm tham gia vụ ám sát Giáo sư Bông, Nguyễn Hữu Thái chỉ mới là cơ sở của An ninh T4 chứ chưa phải là thành viên chính thức. Sau này Thái được bổ về tổ điệp báo A10 vào những năm gần 1975 khi An ninh T4 cần gây dựng thêm nhiều cơ sở để đáp ứng với tình hình sôi động.

An ninh T4 là tổ chức phụ trách hoạt động an ninh chính trị nội thành Sài Gòn trong chiến tranh. Tất cả những lệnh ám sát trong thời gian này đều phát ra từ người chỉ huy trực tiếp lúc ấy là Thái Doãn Mẫn, sau này là đại tá phó giám đốc công an Thành Phố Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 30/04/1975, sau khi nghe tin bộ đội đang vào Sài Gòn, Thái cùng với ký giả Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳng Văn Tòng băng xanh đỏ trên cánh tay chạy ra đường Hồng Thập Tự đón dẫn đường đoàn xe tăng đang tiến vào Dinh Độc Lập.

Tại đây, Thái là người chạy theo anh bộ đội xe tăng Bùi Quang Thận lên nóc dinh Dinh Độc Lập để cắm cờ (Thận không biết sử dụng thang máy và đã bị ngã khi tông vào cửa kính vì chưa bao giờ nhìn thấy cửa kính). Thái cũng có công giúp thâu băng lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh tại đài Phát thanh Sài Gòn. Lần này, Thái và Tòng có dịp chứng tỏ sự quan trọng của mình khi được xưng danh tánh trước khi giới thiệu Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Sau này Nguyễn Hữu Thái luôn tìm cách che giấu những hoạt động cho An ninh T4 của mình, chỉ luôn tự nhận mình thuộc thành phần thứ ba hoặc là một thành phần của lực lượng sinh viên tranh đấu.

Chính phóng viên đài BBC cũng đã bị lừa khi họ cho rằng Thái “không phải là người ở phía bên kia, mà đã từng tham gia phong trào đấu tranh sinh viên ở Sài Gòn”.

Trong buổi phỏng vấn ngày 19/05/2005 với BBC về một cuốn sách nhỏ do Nguyễn Hữu Thái viết, trong đó kể lại những chuyện xảy ra tại dinh Độc lập và đài Phát thanh Sài Gòn vào ngày 30/04/1975, Thái cho phóng viên BBC biết cuốn sách của Thái đã không được phép xuất bản tại Việt Nam vì những chuyện Thái kể không phù hợp với những chi tiết của phiên bản chính thức về những chuyện xảy ra trong Dinh Độc Lập sáng ngày hôm ấy.

Cái vinh quang của người chiến thắng không thể nào lại có thể chia sẻ với một kẻ cứ ngỡ rằng sẽ có một chỗ cho thành phần thứ ba. Và quả thật là vì không có chỗ cho một thành phần như vậy, nên Thái đành phải trở về sống bằng nghề kiến trúc và dạy học của mình.

Ngoài ra Thái cũng trở thành nhà nghiên cứu Phật giáo. Trong kỳ hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới, cơ hội và thách thức” vào tháng 7/2006 tại Việt Nam, Nguyễn Hữu Thái, lúc này đang dạy học tại Hoa Kỳ, đã trình bày đề tài: “Đột phá mới trong truyền bá Phật giáo ở phương Tây.”

Vụ mưu sát Giáo sư Bông năm 1968

Nhà báo Nam Thi của Thanh Niên trong các số báo đã nêu trên cũng xác nhận hai người chịu trách nhiệm về vụ ám sát hụt Giáo sư Bông vào tháng 8/1968 chính là luật sư Đỗ Hữu Cảnhcông nhân Trần Văn Hoành. Vũ khí dùng trong vụ ám sát không thành này là một trái nổ C4 nặng 4kg đựng trong một chiếc cặp học sinh.. Giáo Sư Bông may mắn thoát chết trong vụ này do vừa đi sang một phòng khác lúc mìn phát nổ.

Sau 1975 Hoành trở thành sĩ quan an ninh trong ngành công an, còn Cảnh thì cũng như trường hợp của Thái, ông ta nổi lên như một sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn nhưng thật sự lại là thành viên tổ vũ trang tuyên truyền của công vận, và sau này là thành viên tổ điệp báo A10 của An ninh T4.

Năm 2005 khi người dân Sài Gòn xôn xao về việc thanh lý những hậu quả của vụ Epco – Minh Phụng, người dân được biết đến tên một người đứng tên làm giám đốc cho nhiều công ty của Liên Khui Thìn. Đó là Đỗ Hữu Cảnh.

Cảnh đã đứng tên làm giám đốc công ty sản xuất – thương mại – xây dựng – dịch vụ Hồng Long lập năm 1995, và công ty cổ phần xây dựng – kinh doanh nhà Hồng Hà năm 2003. Con trai Cảnh là Đỗ Trường Sơn thì làm giám đốc của ba công ty khác: công ty cổ phần Đông Dương thành lập năm 2001, công ty tin học Công nghệ mới năm 2000, và công ty tư vấn – thiết kế – kiến trúc – xây dựng Đông Dương năm 2002.

Tất cả 5 công ty trên toạ lạc tại toà nhà số 282 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hầu hết vốn tạo dựng những công ty này là của Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn.

Sau khi tòa án tuyên bố tịch biên tài sản của Liên Khui Thìn và cơ quan thi hành án đã kê biên hơn 100,000 thước đất dự án của công ty Hồng Long, Đỗ Hữu Cảnh vẫn tiếp tục rao bán những khoảnh đất này cho hơn 500 người mua. Việc lường gạt này đưa đến những vụ kiện tụng trong đó nhiều người mua đã kéo đến thể hiện sự tức giận tại nhà riêng của Đỗ Hữu Cảnh ở số 166C đường Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận. Đến lúc đó nhiều người mới bật ngửa ra khi được biết kẻ làm ăn lươn lẹo và lường gạt này lại là một luật sư.

Tháng giêng năm nay (2007), có một văn phòng luật sư mới được phép hành nghề tại thành phố HCM. Đó là văn phòng luật sư Hồng Lạc, địa chỉ 451/2 Hai Bà Trưng, Phường 08, Quận 3,TP HCM, dưới tên Luật Sư Đỗ Hữu Cảnh.

Khánh Linh

NHỮNG NGƯỜI GIẾT GS NGUYỄN VĂN BÔNG BÂY GIỜ Ở ĐÂU ? (Khánh Dung)

 

 

Giết một giáo sư đại học không phải là một hành động anh hùng

 

Mới đây trong dịp lễ 30 tháng 4, ba tờ báo lớn trong nước đồng loạt đăng bài viết của ông Vũ Quang Hùng, người tổ chức vụ ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông dưới bài viết mang tên “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn”.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-05-05
Ông Vũ Quang Hùng lúc đó là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Sài Gòn và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4.  Còn người ngồi sau xe honda là Lê Văn Châu là trung úy quân đội VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4 như trong bài báo tường thuật, là người tự tay ném chiếc cặp có chứa chất nổ vào xe của GS Bông.
Sau Cách Mạng 1 Tháng Mười Một, Giáo sư Nguyễn Văn Bông đảm nhận chức vụ cố vấn cho Tối Cao Pháp Viện, ủy viên Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Ông là thạc sĩ công pháp quốc tế đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp tại Pháp, bị giết vào lúc 12 giờ trưa ngày 10 tháng 11 năm 1971, khi đang giữ chức Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính.


Mặc Lâm phỏn
g vấn bà Lê Thị Thu Vân, vợ của GS Nguyễn Văn Bông để tìm hiểu thêm chi tiết về viêc này.

Ngày định mệnh của giáo sư Nguyễn Văn Bông

Mặc Lâm: Thưa bà mới đây nhiều tờ báo trong nước đã đăng bài viết của ông Vũ Quang Hùng, người tổ chức vụ ám sát cố giáo sư Nguyễn Văn Bông. Là vợ của nạn nhân xin bà cho biết những gì đã xảy ra trong ngày định mệnh ấy?

Giáo sư Nguyễn Văn Bông, thạc sĩ công pháp quốc tế. RFA file
Giáo sư Nguyễn Văn Bông, thạc sĩ công pháp quốc tế. RFA file RFA
Bà Lê Thị Thu Vân:  Thưa lúc ấy tôi đang đi ngoài đường về tới nhà trước trường học Gia Long. Tôi với bà chị của anh mới về với đứa con tụi này đi ngoài đường. Khi gần tới nhà thì ông Trí, là học trò của giáo sư Bông lúc ấy là quận trưởng quận 5, ông ấy nghe tin nên lái chíêc xe Jeep của ổng tới nhà và những người trong nhà nói là tôi đã ra ngoài.

Khi ông ấy thấy tôi thì chạy lại nói rằng giáo sư Bông bị tai nạn xe hơi. Lúc đó tôi chưa biết GS Bông mất thì tôi có hỏi là bây giờ GS ở đâu. Lúc ấy ổng nói là đã mang GS vào bệnh viện Sài Gòn. Tôi hỏi sao không mang GS vào Bệnh viện Grall cho đủ phương tiên mà lại đem vào bện viện Sài Gòn? Ông Trí trả lời vì bệnh viện Sài Gòn gần chỗ xảy ra tai nạn.
Ông Trí đưa tôi chạy tới nhà thương Sài Gòn bằng xe của ông ấy. Chưa bước xuống xe thì tôi thấy rất đông người đứng trước cửa nhà thương. Có cảnh sát cũng nhưng những nhân viên an ninh chìm mặc thường phục. Tôi hỏi GS Bông có sao không thì mấy người ấy lắc đầu. Lúc đó tôi mới biết rằng GS Bông mất thì tôi xỉu liền ngay trên xe.


Mặc Lâm: Thưa rất xin lỗi vì đã khơi lại chuyện thương tâm của bà …
Bà Lê Thị Thu Vân: Lúc tôi xỉu thì người ta đưa tôi vào nhà thương một chút xíu thì tôi về nhà vì không ai cho tôi gặp mặt GS Bông…

Mặc Lâm: Xin bà cho biết lúc ấy cuộc hôn nhân của bà với Giáo Sư được bao lâu?
Bà Lê Thị Thu Vân:  Lúc đó tôi ba mươi tuổi và hai cháu sinh đôi của tôi  đều sáu tuổi và cháu nhỏ 4 tuổi.


Mặc Lâm: Tôi xin đọc nguyên văn một đoạn trong bài báo mà ông Hùng kể lại như sau: “Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam – Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”
Xin bà cho biết liệu những hồi ức này có đúng với sự thật đang diễn ra trên chính trường lúc ấy hay không? Tức là GS đã được kín đáo cử giữ chức vụ Thủ tướng của miền Nam Việt Nam?

Hình ảnh vụ đặt mìn ám sát GS Bông năm 1971.
Hình ảnh vụ đặt mìn ám sát GS Bông năm 1971. Source baodanviet

Bà Lê Thị Thu Vân: Thật sự ra chưa bao giờ tôi nói ra cho ai, mấy tuần lễ trước khi GS Bông mất có những sự việc rất căng thẳng vì báo chí cứ nói ông Kissinger qua gặp GS Bông và GS Bông sẽ là thủ tướng. Trước đó thì ông Đỗ Cao Trí bị nổ tung trên máy bay, cũng tuổi bằng GS Bông. Một hai tháng sau thì ông Tổng trưởng Giáo dục cũng bị bắn mà cũng cùng tuổi với GS Bông thành ra chính tôi có nói tình hình lúc này rất là căng thẳng, nếu có gì xảy ra cho anh thì em và mấy con phải làm sao? GS Bông nói không sao đâu đừng lo, trời sinh voi sinh cỏ thì em cứ ráng mà lo nuôi con.
Theo tôi thấy thì GS Bông cũng rất lo lắng tôi không biết có chuyện gì hay không vì ông không nói nhưng tôi rất lo.


Mặc Lâm: Xin bà cho biết trước khi bị ám sát GS có bao giờ thố lộ điều gì với bà hay không, chẳng hạn những lo lắng nghi ngờ về một chuyện xấu sẽ xảy ra cho ông? Hay có ai đó dò xét tình trạng đi lại của GS mà bà biết được?
Bà Lê Thị Thu Vân: Trước đó có người kêu điện thoại cho tôi nói biết là GS Bông đang ăn tiệc, bây giờ kêu GS về vì có người theo dõi và muốn hại ông. Tôi cũng điện thoại liền cho nhà một người bạn  xin họ đưa GS Bông về liền…Tôi nhận được rất nhiều cú điện thoại hăm dọa như vậy.

Ca ngợi một hành động khủng bố

Mặc Lâm: Là vợ của nạn nhân bị ám sát cách nay đúng 40 năm, bây giờ được đọc lại những lời kể của người giết chồng minh bà có cảm giác ra sao?

Bà Lê Thị Thu Vân: Cái việc này ông Hùng cũng đã viết cách đây 11 năm rồi chứ không phải là lần đầu tiên. Ổng viết một bài báo đăng trên một tờ báo bên Việt Nam. Nhưng vì lúc đó không có Internet nên có người copy gửi cho tôi đọc. Trong cuốn di cảo của GS Bông cách đây 2 năm có một người publisher xuất bản những bài viết của GS Bông và những bài của người khác viết về giáo sư. Tôi có đăng bài của Vũ Quang Hùng trong cuốn di cảo này. Bài viết mới đây thì cũng từa tựa bài viết của ông ta cách đây gần 12 năm.

Mặc Lâm: Việc giết hại Giáo sư Nguyễn Văn Bông được báo chí làm nóng lại lại chỉ hai ngày trước cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Bà có liên tưởng gì về hai nhân vật sát nhân này?
Bà Lê Thị Thu Vân: Tôi đọc bài này một ngày sau khi ông Osama Bin Laden bị giết. Tôi thấy nó có một sự trùng hợp của một tên sát nhân và một tên khủng bố muốn giết hại người khác để đi đến mục tiêu dù có chính nghĩa hay không có chính nghĩa của họ. Ông Osama Bin Laden giết 1 người hay giết 3.000 người hay 100.000 thì cũng là giết người. Thành ra tôi thấy cái anh Vũ Quang Hùng này ảnh được lệnh bề trên thôi! Tôi biết chắc chắn cộng sản Hà nội ra lệnh cho ảnh giết GS Bông vì sợ giáo sư có thể lên làm thủ tướng thì cái chánh nghĩa cộng sản nó không đạt được như là ý muốn.

Việc người mà giết người thì người đó là khủng bố để đạt được cái mục tiêu tốt hay xấu của họ.

Mặc Lâm: Tâm tình của bà đối với người giết hại chồng bà hiện nay ra sao? Bà có còn thù hận kẻ đã làm tan vỡ gia đình bà không? hay là câu chuyện đã nguôi ngoai sau một thời gian khá dài..

Bà Lê Thị Thu Vân: Khi mà biết những người giết hại chồng tôi thì rất nhiều người khuyên tôi phải kiện họ thì tôi nói “không”, tôi là một người Phật giáo, tôi chỉ cầu nguyện cho linh hồn của họ. Họ làm trật họ làm xấu thì để lương tâm và trời Phật sẽ xử họ chứ tôi không xử họ. Và bây giờ ông Vũ Quang Hùng ổng lại viết thêm nữa không biết mục tiêu ông ấy muốn chứng tỏ mình là anh hùng hay có ý định gì nhưng tôi vẫn giữ vững lập trường là tôi sẽ cầu nguyện cho ông ấy và cho linh hồn của ông ấy thôi.

Mặc Lâm: Chúng tôi được biết hiện nay dưới cái tên mới là Jackie Bông bà đang tham gia sinh hoạt nhiều công tác xã hội tại Hoa Kỳ, nếu được đề nghị với chính phủ Việt Nam thì bà sẽ nói gì?
Bà Lê Thị Thu Vân: Tôi mong rằng nhà cầm quyền mở lòng ra, mở mắt ra để mục tiêu của họ không phải là để hại dân, để giết dân hay là để bỏ tù dân, cấm miệng dân. Mở ra tấm lòng của họ cho dân sống một cuộc sống có những “basic human rights” (quyền con người căn bản) cho người ta cái quyền làm người. Tôi chỉ cần xin vậy thôi chứ không cần xin nhiều hơn nữa.

Mặc Lâm: Xin cám ơn bà.