Berlin – Tuần Lễ Kỷ Niệm 30 năm Bức Tường sụp đổ – November 2019
Ngày 09.11.1989, Bức tường Bá Linh (Berlin) sụp đổ sau 28 năm được xây dựng, chấm dứt sự chia cắt hai miền Đông,Tây của nước Đức hậu chiến. Bức Tường Bá Linh, mà người dân Tây Đức, thuộc vùng tự do, gọi là “Bức tường Ô Nhục“, hiện giờ chỉ còn lại một vài đoạn ngắn biểu tượng cho sự cách biệt giữa một bên là thế giới tự do, dân chủ còn một bên là xã hội cộng sản độc tài, toàn trị.
Và gần một năm sau đó, Đông và Tây Đức đã chính thức hợp nhất vào ngày 03.10.1990 dưới danh xưng Cộng Hòa Liên Bang Đức. Sự sụp đổ của bức tường dẫn đến ngoài việc thống nhất nước Đức còn đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại: Chủ nghĩa cộng sản tại các quốc gia Đông Âu sau đó cũng bị sụp đổ theo.
Ba mươi năm sau, nhân dịp nước Đức kỷ niệm ngày bức tường sụp đổ, một số các thành viên của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn cs tại Âu châu đã cùng nhau đến Bá Linh, thủ đô nước Cộng Hòa Liên Bang Đức để cùng chung vui, cảm nhận sự kiện lịch sử này.
„…Chúng ta, những người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Âu châu cũng nhân dịp này tưởng nhớ đến một Việt Nam cũng đã bị chia cắt và sau đó rất tiếc lại thống nhất dưới chế độ độc cai trị bạo tàn và hèn hạ của đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng nắm tay nhau, chúng ta hy vọng quê hương Việt Nam một ngày gần đây sẽ thay đổi thể chế để toàn dân tộc được hưởng một đời sống tự do, hạnh phúc và dân chủ…“ (trích thư kêu gọi của CĐNVTNcs ÂC)
Bên Bức Tường Berlin, một số anh chị thuộc phái đoàn Cộng Đồng Âu châu tham dự tuần lễ kỷ niệm 30 Jahre Mauerfall, Nov 2019.
Tại khu vực tưởng niệm bức tường, các anh chị Cộng Đồng Âu châu đã căng tấm biểu ngữ với hàng chữ lớn: „Demokratische Einheit und Freiheit ist über Alles und für Alle“ ( „Sự Thống Nhất và Tự Do trong Dân Chủ là trên hết và là của tất cả Mọi Người“).
Niềm hân hoan chia sẻ cùng người dân Đức được biểu hiện qua những lá cờ Vàng, cờ Đức và cờ Pháp tung bay trên nền trời thủ đô Bá Linh trong ngày đầu mùa đông gió lạnh và mưa bụi bay. Nhiều người Đức và ngoại quốc đang viếng thăm khu tưởng niệm đã đến hỏi thăm chúng tôi để tìm hiểu.
„Chúng tôi, những người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Âu châu đến đây, một mặt để chia sẻ niềm vui thống nhất cùng dân tộc Đức và nhân dịp này tưởng nhớ đến một đất nước Việt Nam cũng đã bị chia cắt và sau đó rất tiếc lại thống nhất dưới chế độ độc cai trị bạo tàn và hèn hạ của đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi rất hy vọng quê hương Việt Nam một ngày gần đây sẽ có sự thay đổi thể chế để toàn thể người dân Việt được hưởng một đời sống tự do, hạnh phúc và dân chủ như nước Đức hiện nay!“
Nhân dịp này, chị Ca Dao, một phóng viên của đài Radio Pháp Á (RFA) cũng đã có mặt tại chỗ để trò chuyện, tâm tình cùng những người Việt đến từ khắp nơi, hỏi thăm về ước vọng tương lai. (1)
Một vị khách người Đức, ông Christoph đến hỏi thăm, cũng được chị phỏng vấn và ông bày tỏ: „Tôi chúc cho các bạn, một ngày nào đó trong tương lai, có được một đất nước Tự do, một thế chế không còn Cộng sản, Tự do trên toàn thế giới. Chúc cho các bạn và đất nước các bạn những điều tốt đẹp nhất ! „ (2)
Nhưng cho dù cùng hân hoan với người dân Đức, dù luôn mong ước những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với quê hương Việt Nam, chúng tôi vẫn không bao giờ quên hiểm họa cộng sản độc tài hiện còn đang thống trị tại Việt Nam và tại một vài quốc gia trên thế giới như lời ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã phát biểu nhân sự kiện lịch sử này:
„Bức tường Berlin không còn nữa.
Nhưng chúng ta hãy chớ coi nhẹ các mối đe dọa đối với tự do, những thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt từ những chế độ dùng thống trị thay vì quản trị, tước đoạt nhân quyền thay vì bảo vệ nó, những chế độ khiến cho buổi lễ kỷ niệm này trở thành một lời cảnh báo đáng sợ chứ không phải nguyên nhân khiến chúng ta chúc mừng.
Những ai trong chúng ta muốn lan tỏa tự do đều buộc phải đối đầu với những kẻ muốn truyền bá tư tưởng độc ác của họ với mục tiêu thống trị các quốc gia tự do trên thế giới, để lật đổ nền pháp trị và để phá hoại các thể chế đa phương có giá trị vô cùng đối với tự do.“ (3)
(Trích đoạn diễn văn ngoại trưởng Pompeo đọc trong sự kiện kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ tại Đức, hôm 8/11/2019).
Tưởng cũng nên kể thêm là một số người trẻ Tây Tạng, Hồng Kông tại Âu châu (có lẽ đa số là sinh viên du học hoặc tỵ nạn) nhân sự kiện lịch sử này cũng đã đến Berlin tại khu vực tưởng niệm bức tường sụp đổ để biểu tình vạch trần cho thế giới hiểu rõ mối nguy hiểm của chế độ cộng sản mà điển hình là nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung cộng) đã xâm chiếm Tây Tạng từ năm 1950 đến nay cũng như đàn áp người dân Hồng Kông hiện đang đòi hỏi quyền tự do đề cử và bầu cử người, cơ quan lãnh đạo hành chánh và chính trị cho Hồng Kông.
Trước khi ra về, các vị trong Cộng Đồng Âu châu đã đến chia sẻ quan điểm , bày tỏ sự cảm thông và chụp hình lưu niệm cùng các 2 phái đoàn này. Cộng Đồng cũng ngỏ lời chúc tương lai tốt đẹp sẽ sớm đến với các sắc dân bị cộng bọn cộng sản độc tài áp trị.
Vào buổi tối cùng ngày các anh chị em Cộng Đồng Người Việt Tỵ nạn cs tại Âu châu đã họp mặt tại một nhà hàng Việt Nam khu Đông Bá Linh, dùng bữa cơm tối do một người bạn của anh Ngôn là anh Tuấn, một doanh nhân người Việt tại Bá Linh có cảm tình với Cộng Đồng khoản đãi. Đến lúc này, trong bữa cơm thân tình, bên chén trà, ly rượu, các anh chị em mới có nhiều thì giờ làm quen, thăm hỏi và trao đổi với nhau về cuộc sống, về tình hình thời sự khắp nơi và bàn thảo về những công tác đấu tranh tương tự trong tương lai.
Xin chân thành cám ơn các anh chị tại thủ đô, nhất là các anh Trần Thanh Ngôn và Nguyễn văn Trấn, các „thổ công“ địa phương đã tphối hợp tổ chức, tiếp đón, hướng dẫn và cùng tham gia với phái đoàn Cộng Đồng Âu Châu suốt thời gian lưu lại Berlin, nhất là trong dịp chào mừng, tưởng niệm và biểu dương Cờ Vàng.
Người Munich (11.2019)
Hình ảnh Berlin trong tuần lễ kỷ niệm 30 Jahre Mauerfall, Nov 2019
(1) Video phóng sự của Tường An (SBTN) tại Berlin:
PHÓNG SỰ CỘNG ĐỒNG: 30 năm bức tường Bá Linh sụp đổ – Hồi ức & Ước vọng
(3) Diễn văn kỷ niệm 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ của Ngoại trưởng Mỹ