Seite auswählen

 

 

Ảnh: Luật Khoa tạp chí.

Trong lời tựa cuốn sách do Luật Khoa tạp chí và Nhà xuất bản Tự Do ấn hành này, tác giả Đoan Trang viết:

“Đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam dành cho những gia đình có người thân bị tù, đặc biệt khi người thân là tù nhân lương tâm, tù chính trị. Nó nêu rõ, cụ thể, chi tiết tất cả những gì gia đình phải làm để hỗ trợ và bảo vệ người thân trong trại giam/nhà tù, suốt từ những ngày đầu khi mới bị bắt, trải qua giai đoạn tạm giam chờ xét xử, rồi ra tòa và có án, cho đến những năm tháng thụ án. Luôn luôn, người tù (kể cả tù hình sự, những người quả thật đã phạm tội, chứ không chỉ tù nhân lương tâm hay tù chính trị) cần được bảo vệ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng.”

Ít ai có thẩm quyền để viết về đề tài này hơn Đoan Trang. Mặc dù chưa từng bị kết án và chính thức là tù nhân, Đoan Trang có chín ngày bị tạm giữ hình sự tại trại tạm giam B14 (Bộ Công an) vào năm 2009, và sau đó là hàng chục lần bị công an bắt cóc, giam giữ, cùng với hàng trăm lần bị sách nhiễu tại gia cũng như ở nơi công cộng. Là một trong những nhà báo và nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng nhất Việt Nam, Đoan Trang thuộc vào nhóm “đối tượng” bị theo dõi gắt gao nhất.

Nhưng “Cẩm nang nuôi tù” không chỉ được đúc kết ra từ kinh nghiệm máu xương của cá nhân Đoan Trang. Đây là bản tổng kết quá trình tác giả theo dõi hoạt động của công an và hệ thống cơ quan tư pháp Việt Nam trong suốt mười năm, qua hàng chục vụ án chính trị và hàng trăm vụ án hình sự thông thường, cùng với quá trình quan sát cách mà công an Việt Nam sử dụng các công cụ ngoài pháp luật để kiểm soát dân chúng hàng ngày. Không chỉ là nạn nhân và người quan sát, Đoan Trang còn là người trực tiếp phản kháng lại các hoạt động phi pháp của các cơ quan công quyền bằng đủ các hình thức khác nhau: đối đáp, kiến nghị, truyền thông, trợ giúp pháp lý và vận động quốc tế.

Trong cuốn sách của mình, Đoan Trang vạch trần ra các chiến lược, sách lược mà công an sử dụng để kiểm soát những người mà họ gọi là “đối tượng”: trấn-phân-cô-kéo, nghĩa là trấn áp, phân hoá, cô lập và lôi kéo.

Không chỉ có thế, “Cẩm nang nuôi tù” còn cung cấp cho độc giả những chiến thuật và “mẹo” đối phó lại với công an mà có lẽ không trường lớp nào ở Việt Nam dạy được. Chẳng hạn, làm thế nào để đối đáp với công an trong phòng hỏi cung? Làm sao để vụ án của người thân của mình được nhiều người biết đến? Có nên “chạy án” hay không?

Trong điều kiện sinh sống và làm ăn trong một xã hội mà bản thân cơ quan công quyền cũng coi thường pháp luật thì “Cẩm nang nuôi tù” xứng đáng được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất mà mỗi gia đình cần có. Bởi, mỗi người trong chúng ta đều là một “cầu thủ dự bị” của “đội tuyển Juventus”, hay nói cách khác là tù nhân dự khuyết của nhà nước công an trị.

Nhân việc các nhân viên của Nhà xuất bản Tự Do đang bị sách nhiễu và bắt bớ liên tục, Luật Khoa quyết định công bố miễn phí bản điện tử của cuốn “Cẩm nang nuôi tù” này để đông đảo độc giả có thể tiếp cận được và ủng hộ tác giả cũng như nhà xuất bản.

Bạn đọc có thể tải sách miễn phí tại đây (PDF), đọc trực tiếp tại website của Nhà xuất bản Tự Do, hoặc đặt mua sách tại đây.

Nếu bạn thấy cuốn sách có ích và muốn đóng góp giúp tác giả cũng như Nhà xuất bản Tự Do, bạn có thể gửi ít nhất 50.000 đ tới tài khoản của Quỹ 50k như sau:

140 232 691 66021
Nguyễn Thuý Hạnh
Techcombank
Chi nhánh Hà Thành
Xin ghi rõ lý do chuyển tiền: CNNT.

Hoặc

Tài khoản Paypal của Luật Khoa tạp chí tại địa chỉ editor@luatkhoa.org. Xin ghi rõ lý do chuyển tiền: CNNT.

 

Tải sách (PDF)