Lịch sử, lãnh thổ, ngôn ngữ, chủng tộc… tất cả chỉ là hư cấu để chống lại các giá trị con người và phục vụ cho quyền lực chính trị muốn làm “đại diện”. Chấp nhận tất cả những khái niệm ấy, người ta có thể có làm những việc phi nhân như đã làm ở Tây Tạng, Tân Cương mà vẫn thấy mình chính nghĩa.
26-11-2019
Chị ấy sinh năm 91, đắc cử Hội đồng lập pháp Hong Kong năm 2016, là nữ chính trị gia trẻ nhất HongKong 3 năm trước.
Chị là người giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Hong Kong không dựa trên lịch sử, lãnh thổ, chủng tộc, ngôn ngữ… mà dựa trên hệ giá trị tôn trọng quyền con người.
Đừng nói với chị về cái chủ nghĩa dân tộc đại Hán của China, dựa trên cái gọi là lịch sử, văn hoá, thành tựu 5000 năm của “người Hán” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc “ba đại diện”.
Nhân dân Trung Hoa ấy hả, chị cười: Đ… mẹ nhân dân Trung Hoa.
Tháng 10 năm 2016, trong bài phát biểu “Hong Kong is not China” nhân lễ nhậm chức thành viên Hội đồng lập pháp HK, chị 3 lần đọc nhầm “People Republic of China” (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa) thành “People Re-Fu…king of China” (Đ… mẹ Nhân dân Trung Hoa).
China ngay lập tức gây sức ép, loại chị khỏi hội đồng lập pháp. Và khái niệm mà China dùng để tấn công chị cũng là khái niệm mà chị bác bỏ: trung thành.
Trong bài phát biểu, Chị còn đọc “China” thành “Shi-na” theo cách phát âm của người HK thời trước 1945 khi gọi Trung Quốc. Nguyên nước Trung Quốc suốt nhiều nghìn năm vốn không có tên nước, chỉ có tên triều đại. Người Nhật từ thời Minh Trị mới dùng từ “China” (đọc là “Shi-na”) để gọi một “Trung Quốc” vượt lên các triều đại. Cái tên “Trung Hoa” mới chỉ có từ thời Tôn Trung Sơn làm cách mạng.
Cả người Đài Loan và Hong Kong thời trước 1945 đều gọi “Trung Hoa” theo cách ấy. Khi phát âm China theo kiểu thời trước 1945, Chị ấy nhấn mạnh đến tính chất hư cấu của cái gọi là quốc gia Trung Hoa.
Lịch sử, lãnh thổ, ngôn ngữ, chủng tộc… tất cả chỉ là hư cấu để chống lại các giá trị con người và phục vụ cho quyền lực chính trị muốn làm “đại diện”. Chấp nhận tất cả những khái niệm ấy, người ta có thể có làm những việc phi nhân như đã làm ở Tây Tạng, Tân Cương mà vẫn thấy mình chính nghĩa.
Với chị, chỉ có tự do của con người cá nhân là có thật. Hong Kong phải lập quốc dựa trên điều đó.
Tôi chỉ muốn nói lại một lần nữa, những tinh hoa của Việt Nam đầu thế kỉ 20, khi trăn trở tìm đường đi cho dân tộc mình, đã giải quyết trên góc độ tư tưởng, một cách rốt ráo, hầu hết các vấn đề trọng yếu của dân tộc này, những vấn đề mà các “chiến lược gia” Việt Nam ngày nay đang bàn lăng nhăng trên báo.
Về con đường xây dựng chủ nghĩa dân tộc, năm 1917, Nguyễn Bá Trác đã viết như chị Du Huệ Trinh ở Hong Kong một trăm năm sau.
Chỉ tiếc là, sau đó, Việt Nam chìm đắm vào một loại chủ nghĩa dân tộc dựa trên giai cấp (“giai cấp công nông phải trở thành dân tộc” như trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản), dựa trên chủng tộc, lãnh thổ, lịch sử 4.000 năm…bla bla… và người ta còn chạy theo cả một chủ nghĩa dân tộc dựa trên… giới tính nữa. Khi coi những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài là “quốc sỉ”, người ta đồng nhất “dân tộc” với đàn ông hay đàn bà?
Không biết tại sao các chị lãnh tụ ở Hong Kong ai cũng đẹp rạng ngời thế này nhỉ? Chị Chu Đình ơi, em yêu cả chị Huệ Trinh nữa. Trái tim Việt Nam rộng mở, có thể yêu cả hai chị một lúc.
Tiếng Dân
Hồng Kông cứng rắn với nghị sĩ trẻ
18-10-2016
(NLĐO) – Tân Chủ tịch Hội đồng Lập pháp (LegCo) của Hồng Kông Lương Quân Ngạn chứng tỏ lập trường cứng rắn bằng cách làm mất hiệu lực lời tuyên thệ của 2 nhà lập pháp.
Như vậy, quyết định này khiến tổng số nghị sĩ phải tuyên thệ lại vào ngày 19-10 lên 5 người.
Trong phiên tuyên thệ náo loạn hôm 12-10, lời tuyên thệ của 3 nghị sĩ Lương Tụng Hằng (Sixtus “Baggio” Leung Chung-hang), Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching), Diêu Tùng Viêm (Edward Yiu Chung-yim) không được công nhận.
Lương và Du khoác lên người áp-phích “Hồng Kông không phải Trung Quốc” và phát âm China thành Chee-na (biến thể của Shina, cách gọi khinh miệt của người Nhật đối với Trung Quốc hồi thế chiến thứ hai), còn Diêu chêm thêm lời kêu gọi phổ thông đầu phiếu khi tuyên thệ.
Bộ đôi Lương và Du của Youngspiration (Thanh niên Tân chính), đảng ra đời từ phong trào biểu tình của sinh viên, còn từ chối tuyên bố trung thành với Trung Quốc mà chỉ làm việc vì Hồng Kông với tư cách là một thực thế độc lập.
Hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (trái) và Lương Tụng Hằng phát biểu trước báo giới ngày 17-10. Ảnh: SCMP
Tới ngày 18-10, thêm lời tuyên thệ của Lưu Tiểu Lệ (Lau Siu-lai) và Hoàng Định Quang (Wong Ting-kwong) thuộc Liên minh Dân chủ vì Sự cải thiện và Tiến bộ của Hồng Kông (còn gọi tắt là DAB) bị ông Lương cho là không hợp lệ.
Tuần trước, Lưu Tiểu Lệ đọc lời tuyên thệ chậm rề rề, dừng lại 6 giây giữa mỗi từ. Theo giải thích của ông Lương Quân Ngạn, thái độ của Lưu Tiểu Lệ cho thấy “cô ấy không nghiêm túc khi tuyên thệ và không có ý định tuân thủ luật”. Còn Hoàng Định Quang bỏ qua từ “Hồng Kông” khi tuyên thệ. Ông Lương Quân Ngạn cho đó là sơ suất và cho phép nghị sĩ này tuyên thệ lần nữa.
Ngày 19-10 là cơ hội tuyên thệ cuối cùng để các nghị sĩ trên giữ được ghế tại LegCo. Phát biểu trước báo giới ngày 17-10, hai tân nghị sĩ Lương Tụng Hằng và Du Huệ Trinh ngỏ ý muốn tuyên thệ lại. “Rất nhiều người hy vọng chúng tôi có thể đạt được lý tưởng và mục tiêu bằng chiếc ghế ở LegCo. Vì những điều lý tưởng và mục tiêu đó, tôi không ngại hi sinh uy tín cá nhân của mình” – anh Lương Tụng Hằng phát biểu.
Dù vậy, cả hai đều nhấn mạnh họ không làm gì sai trong buổi tuyên thệ hồi tuần trước và bác bỏ các yêu cầu đề nghị họ phải xin lỗi hoặc từ chức nghị sĩ.