Seite auswählen

TTO – Dẫu có một vài biến tấu như những nốt nhạc trầm buồn nhưng xét về tổng thể, phở Việt Nam trên đất Hàn vẫn là món ăn ngon, kết tinh những nét văn hóa đặc sắc của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Những khi nghĩ đến phở Việt Nam, tôi luôn bị ám ảnh bởi truyện ngắn Danh phận của cố nhà văn Nguyễn Khải:

“…Những lần ra Hà Nội tôi thường lần lượt đến ăn sáng ăn tối tại các hiệu phở của Khang và An……Là một xí nghiệp phở, vì anh em hắn có tới năm cửa hàng bán phở ở các trung tâm buôn bán của Hà Nội. Nấu phở ở một nơi và có xe đưa tới các cửa hàng để đảm bảo cách nấu riêng, mùi vị riêng của một bảng hiệu, kể cả cái mềm dai của sợi bánh phở, màu sắc của lát ớt, của nhánh hành…”.

Khi Nguyễn Khải viết những dòng này, bằng linh cảm tinh tế của mình, ông đã tiên đoán về một tương lai tươi sáng của phở.

Nghĩ đến Việt Nam là nhớ phở

Tôi đã hỏi nhiều người Hàn “Ấn tượng đầu tiên khi bạn nghĩ đến Việt Nam là gì?”, đại đa số người Hàn trả lời rằng “phở, áo dài, bún chả, vịnh Hạ Long…”.

Rõ ràng phở là một trong những ấn tượng sâu sắc nhất mỗi khi người Hàn nghĩ đến Việt Nam. Hàn Quốc có nhiều món mì nổi tiếng nhưng khác hẳn phở Việt Nam.

Mì Hàn Quốc được làm bằng bột mì, không phải bột gạo. Sự khác biệt không chỉ ở nguyên liệu mà còn ở hương vị, kỹ thuật chế biến và nhiều yếu tố khác. Chính sự khác biệt này mang đến sức sống kỳ lạ cho phở Việt Nam trên đất Hàn.

Tháng 11 vừa qua, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – ASEAN tại thành phố Busan, Busan đã tổ chức Phố ẩm thực ASEAN (ASEAN Food Street) với chủ đề “Món ngon ASEAN” từ ngày 15 đến 27.

Tại đây, ngoài việc bán các món ăn của các quốc gia ASEAN, nhiều chương trình khác cũng được tổ chức như nấu món ăn dân tộc do các đầu bếp nổi tiếng của Hàn Quốc thực hiện, các ca sĩ, diễn viên hài tham gia chương trình vui chơi, ca hát.

Ở các kiôt, mỗi nước bán 2 món ăn của mình. Kiôt Việt Nam có bảng hiệu “Phở Lan” bán phở bò và gỏi cuốn. Quán phở Việt Nam luôn đông khách. Tôi gặp bà Park Ji Young (56 tuổi, ở Busan) khi bà xếp hàng mua một bát phở.

Tôi hỏi vì sao bà muốn ăn phở, bà nói: “Tôi từng sống ở TP.HCM khoảng 2 năm, từ năm 1992 đến 1994. Khi đó, tôi hay đi ăn phở ở quán phở Hoa. 25 năm rồi tôi chưa thể quay lại Việt Nam. Tôi luôn nhớ món phở Việt Nam.

Bởi vậy, tôi thường tìm đến quán phở nào ngon ở Busan nói riêng, ở Hàn Quốc nói chung. Qua đài truyền hình, nghe ở đây bán phở, lập tức tôi chạy đến và thưởng thức. Tôi rất hạnh phúc vì nó ngon quá!”.

Tôi thấy bà đúng là một người Hàn có tình yêu nồng nàn với phở.

Hiện nay, tại Hàn Quốc, nhiều quán phở với những thương hiệu khác nhau đang hoạt động rất sôi nổi như: quán Hòa Bình, quán Thu Hiền, quán Miss Sài Gòn, quán Lai Ngọc, quán Phở Phở, quán Trần Thi Mai, quán Xin Chào, Phương Hoàng Quán, Madam Phở, Phở Mêin, Phở Lan, Phở Việt Nam…

Sức hút kỳ lạ

Tôi tiếp tục tìm hiểu thêm về phở Việt Nam thông qua cô chủ quán. Cô ấy tên là Mạc Thị Lan (sinh năm 1989, quê Hải Dương). Cô lấy chồng Hàn Quốc và sang Hàn vào năm 2008. Cô mở quán phở cách đây 2 năm tại Seo Myeon, trung tâm Busan.

Lan cho biết bánh phở được nhập khẩu từ Việt Nam qua một công ty thương mại. Các nguyên liệu khác được sử dụng nấu phở là nguyên liệu của Hàn Quốc.

Cô không phải đầu bếp chuyên nghiệp. Mặc dù cô chỉ nấu phở theo phương thức gia truyền từ người mẹ ở quê hương nhưng nếm thử chút nước dùng, tôi vẫn cảm nhận được hương vị thơm ngon đặc trưng của phở Việt Nam.

Hơn 10 năm nay món ăn Việt Nam ở Hàn Quốc nói chung, phở nói riêng đang là một trong những lựa chọn hàng đầu, nhiều khi trở thành “mốt”. Nhiều quán phở, quán lẩu, quán bún chả được mở khắp nơi nhưng không phải quán nào cũng ngon.

Từng thưởng thức ở một số quán phở Việt Nam đang bán tại Hàn Quốc, tôi nhận thấy đó là phở lai. Những bát phở đó lỡ cỡ, dở dang, không phải Việt Nam cũng chẳng phải Hàn Quốc. Những quán phở này làm mất đi nét tinh tế đặc trưng của ẩm thực Việt Nam nói chung, phở Việt Nam nói riêng.

Là một người có tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam, bỗng nhiên lòng tôi thấy buồn man mác. Ẩm thực nếu không được cấu thành từ linh hồn, đặc trưng văn hóa dân tộc sớm hay muộn sẽ bị chối từ, nhất là ở nước ngoài.

Dẫu có một vài biến tấu như những nốt nhạc trầm buồn nhưng xét về tổng thể, phở Việt Nam trên đất Hàn vẫn là món ăn ngon, kết tinh những nét văn hóa đặc sắc của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Là món ăn tiêu biểu, hội kết tinh hoa của ẩm thực Việt Nam, không bị nhòe lẫn vào bức tranh đa sắc của văn hóa ẩm thực tại Hàn Quốc, đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến phở Việt Nam luôn có sức hút kỳ lạ đối với thực khách Hàn.

Phở phải ra phở

Năm 2008 tôi sống ở Mỹ 1 năm, lúc đó gia đình tôi đi du lịch đến rất nhiều tiểu bang. Chúng tôi hay đi tìm quán ăn hợp khẩu vị, thấy ở nhiều thành phố nhỏ không có quán ăn Hàn, nhưng quán Việt rất nhiều. Quán Việt nào cũng có phở.

Vì vậy tôi nghĩ món phở Việt Nam đã phổ biến khắp thế giới. Tuy nhiên, có một điều không vui là không ít quán phở lại không biết nấu phở! Thậm chí, khi ở Lubuck Texas, tôi đã ăn phải một tô bún được gọi là phở!

Tôi nghĩ, ban tổ chức Ngày của phở phải làm sao cho tất cả các bà nội trợ, các đầu bếp phải nấu phở ra phở. Khi làm được điều ấy, tôi tin phở sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

 

Thực khách Hàn thưởng thức phở Việt Nam – Ảnh: BAE YANG SOO

************

Giáo sư Bae Yang Soo là người Hàn Quốc đầu tiên đạt học vị tiến sĩ văn học Việt Nam. Ông từng là tổng thư ký Hội người Hàn yêu Việt Nam. Hiện nay GS Bae là viện trưởng Viện nghiên cứu ASEAN, ĐH Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc.

GS Bae Yang Soo đã dịch khá nhiều tác phẩm văn học Việt sang tiếng Hàn, nổi bật nhất là Chinh phụ ngâm. GS Bae có nhiều năm sống ở Việt Nam, có cả tên Việt là Bùi Lương Tú.

Tuổi Trẻ

.