12 tháng 12 2019
“Tôi cảm thấy tôi là người Ba Lan,” Maja Hà Dương Hải My nói. “Tôi có rất nhiều bạn là người Ba Lan, tôi nói chuyện với mọi người bằng tiếng Ba Lan.”
Cô cũng nói tuy còn nhiều năm trước mắt để suy nghĩ về tương lai, nhưng vào lúc này, cô thấy mình thích sống và làm việc tại đất nước này.
Cô gái sinh năm 2000 hiện đang là sinh viên năm thứ nhất ngành kiến trúc tại Warsaw cho biết khi ở nhà, cô trò chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt.
Thuộc thế hệ người Việt đầu tiên được sinh ra và lớn lên tại Ba Lan, Maja nói cô thích các món ăn Việt Nam và may mắn không cần phải ra quán Việt Nam bởi được “mẹ hay nấu ăn” hàng ngày.
Mục lục
Gắn bó với gia đình
Người ta thường cho rằng tuổi teen là lứa tuổi có nhiều mối quan tâm bên ngoài hơn là với gia đình, nhưng với Maja thì không hẳn thế.
Cô nói cô thường đi chơi với bố mẹ trong những ngày nghỉ, hoặc ở nhà tiếp khách mỗi khi bố mẹ mời bạn bè người Việt tới chơi.
“Lúc rảnh rỗi tôi thường cùng bố mẹ đi chơi, tới những chỗ bố mẹ thích. Cũng giống như nhiều người châu Á, bố mẹ tôi rất thích chụp ảnh,” cô kể với BBC News Tiếng Việt.
“Bố mẹ tôi cũng hay mời bạn bè là người Việt tới nhà chơi.”
“Bạn bố mẹ đến chơi thì mang theo con cái, cũng là những người được sinh ra ở Ba Lan. Tôi ngồi chơi tiếp khách, chơi với những người con của bạn bố mẹ.”
“Mình thường nói chuyện với các bạn bé bằng tiếng Ba Lan, còn bản thân mình và các em đó khi nói chuyện với các bố mẹ thì nói bằng tiếng Việt lẫn tiếng Ba Lan.”
‘Khó tâm sự với bố mẹ về tình yêu’
Tuy gần gũi gắn bó với bố mẹ, nhưng Maja cũng duy trì một cuộc sống riêng khá điển hình của giới trẻ châu Âu.
Ngoài những mối liên hệ thông qua bố mẹ, cô không chơi với bất kỳ người Việt nào. Cô cho biết từ bé đến giờ, bạn bè cô đều là người Ba Lan. Thậm chí ở cả trường nơi cô đang theo học, cô cũng là sinh viên gốc Việt duy nhất.
Nói về các hoạt động vui chơi giải trí của mình và bạn bè ngoài việc học, Maja kể rằng cô “hay cùng bạn bè đi ăn, đi xem phim”, với các quán ăn được nhóm bạn của cô ưa thích là đồ Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan. “Mùa hè thì nhóm bạn bọn mình hay đi nghỉ ở biển hoặc đi núi cả tuần.”
Tất nhiên, tâm sự chuyện tình yêu là một phần không thể thiếu đời sống tuổi xanh, và đây cũng là điểm Maja cảm thấy có sự khác biệt lớn giữa các gia đình người Việt với xã hội xung quanh.
“Các bạn thân hay kể với tôi là các bạn bắt đầu yêu từ lúc khoảng 13, 14 tuổi, tức là những năm đầu cấp hai. Bố mẹ các bạn không cấm chuyện đó.”
“Tôi nghĩ là người Việt Nam vẫn nghiêm khắc về chuyện tình yêu, cho rằng trẻ con chuyện quan trọng nhất vẫn là chuyện học, phải học xong đại học mới được yêu, cho nên [con cái các gia đình người Việt] khó nói chuyện với bố mẹ về tình yêu hơn.”
Cuộc chuyện trò với Maja Hà Dương Hải My nằm trong loạt chương trình ‘Người Việt tại Ba Lan và 30 năm chuyển đổi thể chế’, do BBC News Tiếng Việt thực hiện trong tháng 10/2019.