Seite auswählen

Tình hình Biển Đông sẽ như thế nào trong năm 2020?

Trong năm 2020, Bắc Kinh sẽ vẫn thị uy sức mạnh để khẳng định ưu thế của nuớc này ở Biển Đông?

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionTrong năm 2020, Bắc Kinh sẽ vẫn thị uy sức mạnh để khẳng định ưu thế của nuớc này ở Biển Đông?

Nhiều người vẫn hy vọng rằng, với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam sẽ có cơ hội để thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN để từ đó, có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông cũng như tìm kiếm sự bình ổn cho khu vực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc thiếu một định chế chung khiến ASEAN khó có tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Điều này sẽ khiến cho Việt Nam khó làm được gì nhiều, với cương vị Chủ tịch ASEAN và cũng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong năm 2020.

Tuy ASEAN bị chia rẽ nhưng VN ‘vẫn có cơ hội’

Tại một cuộc hội thảo Chiến lược và pháp luật trong tranh chấp Biển Đông, do nhóm nghiên cứu An ninh hàng hải, thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Canberra) tổ chức, hồi tháng 11/2019, một nghiên cứu đã phân tích sự khác biệt trong cách tiếp cận của các bên liên quan trong các quốc gia ASEAN về Biển Đông.

Theo đó, Phi Luật Tân từng bước thực hiện các thỏa thuận phát triển chung với Trung cộng.

Tuy nhiên, điều này sẽ phải đối mặt với những khó khăn đáng kể trong một quốc gia có cả những ràng buộc về chính trị nội bộ lẫn các ràng buộc tiềm năng về hiến pháp.

Trong khi đó, Mã Lai lại có một cách tiếp cận khác, hạ thấp bất đồng và tranh chấp với Trung cộng. Ưu tiên hàng đầu của Mã Lai là thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung cộng.

Còn hiện tại, giữa Nam Dương và Trung cộng chưa có tranh chấp gay gắt, dẫu một trong những đường chín đoạn của Trung cộng đang cắt vào biển Natuna của Nam Dương.

Như vậy, theo phân tích tại hội thảo nói trên mà Phó Giáo sư Douglas Guilfoyle gửi tóm tắt cho BBC News Tiếng Việt, xét ra Việt Nam vẫn là quốc gia chịu áp lực lớn nhất, đặc biệt là sau khi tàu Hải Dương địa chất 8 củaTrung cộng tiến hành khảo sát ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Sự chia rẽ ngay trong nội bộ các nước ASEAN cũng là một thách thức với Việt Nam trong vai trò chủ tịch, theo Giáo sư Carl Thayer (Đại học News South Wales, Canberra), trong bài phân tích đăng trên Facebook cá nhân.

Tuy nhiên, ông cũng viết thêm rằng, Việt Nam còn có một thách thức khác là nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký ASEAN và bộ máy giúp việc.

Theo Giáo sư Thayer, một trong những việc đầu tiên mà Việt Nam sẽ phải đối mặt vào năm tới là củng cố sự đồng thuận của ASEAN với lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham gia Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ tại Washington vào đầu năm 2020.

Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 19/12, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang, ở Singapore, nhìn nhận rằng, tuy ASEAN luôn bị chia rẽ nhưng Việt Nam vẫn có thể tận dụng cơ hội là Chủ tịch của tổ chức này để tạo ảnh hưởng nhằm định hình chung quan điểm cho khối.

Ông nói: “ASEAN bị chia rẽ như lâu nay vẫn vậy. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tạo ảnh hưởng bằng cách sử dụng các quyền ưu tiên của mình với tư cách là chủ tịch ASEAN để định hình các tiếng nói chung và thậm chí có thể đưa ra các sáng kiến khi cần thiết. Ảnh hưởng đó không phải là để nhắm tới các quốc gia thành viên ASEAN khác, quan trọng hơn là để ứng phó với Trung cộng hoặc nhằm định hình thái độ của nước này khi đề cập đến vấn đề biển Đông.”

Trong một bài viết gần đây đăng trên East Asia Forum, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean đưa ra một ví dụ, đó là việc tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN- Trung cộng về Thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 tại Đà Lạt hồi tháng 10/2019, Hà Nội đã tố Trung cộng cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của nước này trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.

Điều này có thể đã gây áp lực lên các nước thành viên ASEAN, vốn không muốn thấy tiến trình thảo luận COC bị cản trở. Từ đó, có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của Trung cộng rút tàu khảo sát Hải Dương Đại chất 8.

Theo Tiến sĩ Collin, diễn tiến nói trên là sự nhắc nhở về cách Hà Nội có thể tận dụng vị trí mới Chủ tịch ASEAN của mình để vượt qua những trở ngại trong tiến trình đàm phán COC.

Sự cạnh tranh giữa hai cường quốc đem lại cả sự bất lợi lẫn cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á.

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionSự cạnh tranh giữa hai cường quốc đem lại cả sự bất lợi lẫn cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á.

Tiến sĩ Collin lý giải rằng, các quốc gia khác trong khối ASEAN cũng có thể có kỳ vọng như vậy về COC; từ đó, sẽ gián tiếp tạo áp lực với Bắc Kinh.

“Có khả năng Trung cộng có thể cố gắng không ở vào thế đối kháng với Việt Nam, trừ khi họ muốn quá trình đàm phán COC dẫn đến kết quả tồi tệ như những gì từng xảy ra tại Đà Lạt hồi tháng 10/2019,” ông viết.

Tiến sĩ Colllin cũng cho rằng, sự kiện Bãi Tư chính diễn ra năm 2019 này cho thấy, Trung cộng không ngần ngại trong việc vừa sử dụng vũ lực để tranh giành lợi ích của mình ở Biển Đông nhưng đồng thời cũng tham gia vào các cuộc đàm phán.

Trong năm 2020, Trung cộng sẽ dịu hơn trong ứng xử ở Biển Đông do nước này phải bận tâm tới các vấn đề trong nước, từ suy thoái kinh tế do cuộc thương chiến với Hoa Kỳ, đến tình hình ở Hong Kong.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Bắc Kinh sẽ không hoàn toàn từ bỏ việc sử dụng sức mạnh để ép buộc các nước nhằm giành phần thắng về mình.

Tìm cơ hội trong rủi ro

Ian Storey, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Á của Singapore, từng nhận định rằng, Biển Đông sẽ là nơi mà trong nay mai các nước lớn đọ sức với nhau.

Bên cạnh tham vọng của Trung cộng, sự cạnh tranh giữa Trung cộng và Mỹ ắt hẳn cũng sẽ có những tác động đến giải quyết căng thẳng ở Biển Đông và sự ổn định trong khu vực.

Tiến sĩ Collin cũng cho rằng, tất nhiên, cạnh tranh Trung-Mỹ mang theo những rủi ro liên quan đến cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc và điều đó có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á.

Việc Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, gần đây nói rõ rằng Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải, theo Tiến sĩ Collin, là lời nhắc nhở đến Trung cộng và ASEAN rằng, quyền tự do hải hành không nên bị xâm phạm trong COC.

Bởi vậy, Tiến sĩ Collin cho rằng, bất chấp những căng thẳng do cuộc chiến thương mại đang diễn ra, hay những bất đồng liên quan đến công nghệ 5G, vấn đề Tân Cương và Hong Kong, nói chung, Bắc Kinh và Washington vẫn duy trì mối quan hệ quân sự ổn định. Và hai bên có khả năng duy trì thế ổn định này trong năm 2020 sắp tới.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng về những rủi ro đó, bởi có một điều đó rõ ràng là cả Trung cộng và Mỹ đều không muốn leo thang căng thẳng. Họ có thể sẽ cố gắng để quản lý sự cạnh tranh của họ trong một ngưỡng chấp nhận được,” ông nhấn mạnh.

Hơn nữa, cũng theo Tiến sĩ Colllin, tác động của cạnh tranh giữa Trung cộng và Hoa Kỳ cũng không hẳn là bất lợi.

“Sự cạnh tranh này có thể có lợi cho các quốc gia Đông Nam Á, những nước đang cố gắng tìm thế cân bằng trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc, đứng ngoài tầm ngắm của cuộc đối đấu một cách tốt nhất có thể, trong khi vẫn giành được nhiều lợi lộc từ cả hai bên.”

Về việc vậy cụ thể Việt Nam nên làm gì để bảo đảm rằng tiến trình giải quyết các căng thẳng ở Biển Đông trong năm 2020 cũng như vào các năm sau sẽ tương thích với lợi ích của nước này, Tiến sĩ Collin nhấn mạnh rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng vai trò Chủ tịch ASEAN của nước này để thúc đẩy việc thông qua các điều khoản mà nước này đề xuất trong văn bản đàm phán dự thảo COC duy nhất.

Trong văn bản này, Việt Nam đã đưa ra các đề xuất toàn diện và chi tiết nhất, nhất là trong việc đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh tại Biển Đông, theo Tiến sĩ Collin.

Giáo sư Carl Thayer thì phân tích những gì mà theo ông Việt Nam có thể làm trong cương vị Chủ tịch ASEAN cũng như thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

“Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với Phi Luật Tân vì đây là điều phối viên quốc gia ASEAN về quan hệ với Trung cộng cho đến năm 2021. Và Bắc Kinh cũng đã phát đi tín hiệu rằng, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Manila….”.

Đồng thời, Việt Nam cũng có thể sử dụng vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 để thúc đẩy các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN; chủ động định hình kết quả của các diễn đàn, hội nghị của khu vực và quan trọng nhất là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

“Hội nghị thượng đỉnh Đông Á rất có thể sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 2/ 11. Việt Nam sẽ phải tìm hiểu xem nếu Tổng thống Trump tái cứ, liệu có thể mời ông đến dự được không. Còn nếu ông thất cử, tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ nhậm chức vào tháng 1/2021, khi Brunei thay thế Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN,” Giáo sư Thayer viết.

BBC (23.12.2019)

Ngoại trưởng Mã Lai: Đường 9 đoạn Trung cộng là yêu sách “lố bịch”

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh chụp ngày 03/08/2018.

Ngoại trưởng Mã Lai Saifuddin Abdullah. Ảnh chụp ngày 03/08/2018. CC/U.S. Department of State

Khẩu chiến giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông vừa tăng thêm một mức. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/12/2019, ngoại trưởng Mã Lai Saifuddin Abdullah đã không ngần ngại đánh giá rằng việc Trung cộng đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách “lố bịch”.

Tuyên bố của ngoại trưởng Mã Lai được cho là nhằm đáp trả lời tố cáo hôm 16/12 của Bắc Kinh, theo đó Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền “lịch sử” của Trung cộng ở Biển Đông khi nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc xin công nhận thềm lục địa mở rộng.

Theo đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera, ngoại trưởng Mã Lai đã khẳng định rằng việc nước ông quyết định xin mở rộng vùng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý ở Biển Đông nằm trong “quyền chủ quyền” của Mã Lai.

Về yêu sách của Trung cộng trên Biển Đông, ông Saifuddin đã không ngần ngại đánh giá : “Về phần Trung cộng, việc họ tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về họ, theo tôi điều đó thật lố bịch”.

Vào ngày 12/12, Mã Lai đã chính thức nộp đơn lên lên Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc xin công nhận vùng thềm lục địa ở phía bắc Biển Đông nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Đây là yêu cầu của Mã Lai đối với phần còn lại của thềm lục địa nước này, vì trước đó, vào năm 2009, Mã Lai và Việt Nam đã cùng đệ trình phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.

Động thái mới của Mã Lai đã khiến Trung cộng giận dữ. Phái bộ Trung cộng tại Liên Hiệp Quốc đã lập tức gởi thơ cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu không xem xét đề nghị của Mã Lai, trong lúc bộ Ngoại Giao Trung cộng gởi công hàm phản đối Mã Lai là đã vi phạm chủ quyền của Trung cộng và “các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế”.

Trung cộng đã viện ra luật lệ quốc tế để phản đối Mã Lai, trong lúc chính Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đánh giá rằng các yêu sách chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông nằm bên trong đường chín đoạn hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

RFI (21.12.2019)

Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ thăm cảng Cam Ranh

Hình minh hoạ. Tàu chiến USS Gabrielle Giffords trên biển

Hình minh hoạ. Tàu chiến USS Gabrielle Giffords trên biển   Courtesy of Hải Quân Hoa Kỳ

Tàu USS Gabrielle Giffords (LSCS-10) mang tên lửa hành trình đối hải (NSM) của Hải quân Hoa Kỳ đến thăm cảng Cam Ranh, Việt Nam vào hôm 19-12-2019.

Các hình ảnh trên báo Thanh Niên và một số hình ảnh từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy sự hiện diện và hoạt động của tàu chiến hiện đại của Mỹ ở Việt Nam.

Đây là con tàu từng phóng tên lửa tấn công hải quân đánh chìm tàu chiến USS Ford cũ trong cuộc tập trận SINKEX ở Thái Bình Dương đương lúc Trung cộng kỷ niệm ngày Quốc khánh và phô trương sức mạnh quân sự.

Hôm 20/11 vừa qua tàu USS Gabrielle Giffords đã đi qua vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn – một đảo nhân tạo mà Trung cộng đã cho xây lấp thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước. Hoạt động của tàu USS Gabrielle Giffords này được cho biết là để thực hiện cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

Trên tàu lần này có một người Mỹ gốc Việt, thuộc thế hệ người nhập cư đầu tiên là Kỹ thuật viên Ryan Can.

Kỹ thuật viên Ryan Can trên tàu USS Gabrielle Giffords

Kỹ thuật viên Ryan Can trên tàu USS Gabrielle Giffords Courtesy of Hải quân Hoa Kỳ

Hải quân Mỹ đăng ảnh Ryan Can (bên trái) đứng trên tàu giải thích cho Bệnh xá trưởng Jameson Basa về quê hương của mình trước khi USS Gabrielle Giffords thả neo ở Cam Ranh.

Cảng quốc tế Cam Ranh trước kia đã từng là căn cứ quân sự của Hải quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, sau đó được cho Liên Xô và Nga thuê cho đến năm 2002. Sau đó Việt Nam đã tiếp quản và biến cảng này thành cảng Quốc tế Cam Ranh, tiếp đón tàu chiến từ nhiều quốc gia đến thăm.

Theo ghi nhận của RFA, tin tàu chiến USS Gabrielle Giffords đến thăm cảng Quốc tế Cam Ranh không được báo chí Việt Nam thông tin rộng rãi, chỉ có 2 tờ báo là VOV và Thanh Niên loan tải.

RFA (21.12.2019)

Hải Quân Phi Luật Tân cảnh báo về đề án sân bay có Trung cộng tham gia

Công Ty Xây Dựng Truyền Thông Trung Quốc (CCCC) tham gia nhiều dự án bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo, trong ảnh là Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa.

Công Ty Xây Dựng Truyền Thông Trung cộng (CCCC) tham gia nhiều dự án bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo, trong ảnh là Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. CSIS/Reuters

Một số quan chức Hải Quân Phi Luật Tân đã lo lắng theo dõi kỹ lưỡng sự can dự của Trung cộng vào một đề án trị giá 10 tỷ đô la nhằm xây dựng một sân bay mới gần Manila. Theo báo Nhật Bản Nikkei Asian Review số ra ngày 20/12/2019, lý do gây lo ngại là việc Trung cộng tham gia công trình này hàm chứa nhiều đe dọa đối với an ninh và quốc phòng Phi Luật Tân.

Theo tờ báo Nhật Bản, mới đây, một tập đoàn Nhà Nước Trung cộng là Công Ty Xây Dựng Truyền Thông Trung cộng (CCCC) đã liên kết với công ty dịch vụ hàng không Macroasia của một tỷ phú Phi Luật Tân để giành được gói thầu xây dựng một sân bay trị giá 10 tỷ USD ở ngoại ô thủ đô Manila.

Điều được Nikkei Asian Review nêu bật là tập đoàn Xây Dựng Truyền Thông Trung cộng chính là đơn vị đã xây dựng một loạt tiền đồn quân sự Trung cộng ở Biển Đông, trong lúc sân bay mới của Phi Luật Tân lại nằm gần một loạt cơ sở quân sự rất nhạy cảm của Manila.

Một quan chức Hải Quân Phi Luật Tân cấp cao xin giấu tên đã xác nhận với tờ báo Nhật Bản : “Đấy không chỉ là một mối lo ngại đối với Hải Quân và lực lượng vũ trang Phi Luật Tân, mà còn đối với cả đất nước Phi Luật Tân”.

Nằm cách trung tâm thành phố Manila khoảng 35 km, sân bay được cho là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hàng không của thủ đô Phi Luật Tân.

Thế nhưng, sân bay Sangley Point lại nằm ở tỉnh Cavite, gần Bộ Chỉ Huy nhiều cơ quan trọng yếu của Hải Quân, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quan trọng cho quân đội như tiếp tế nhiên liệu, kết nối điện, và một loạt dịch vụ hậu cần khác.Sân bay cũng nằm trên vịnh Manila, nơi đặt bản doanh của Hải Quân Phi Luật Tân.

Cựu tư lệnh Hải Quân Phi Luật Tân đã về hưu Alexander Pama cho rằng nếu được tiến hành với sự tham gia của nhà thầu Trung cộng gây tranh cãi đó, dự án sẽ là hiểm họa treo lơ lửng trên đầu Phi Luật Tân.

Trong một bài đăng trên Facebook, vị cựu tư lệnh này cho rằng “Trong lịch sử Phi Luật Tân, các căn cứ hải quân và không quân được đặt ở khu vực hiện tại chính là vị trí chiến lược của nơi đó trong việc giúp bảo vệ thủ đô Manila”.

RFI (21.12.2019)

Mỹ-Trung ‘đấu’ nhau trên biển Đông như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều chuyên gia an ninh châu Á-Thái Bình Dương nhận định, Trung cộng sẽ không từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò” nên sẽ tiếp tục có hành vi vi phạm quốc tế trên biển Đông, buộc Mỹ và các đồng minh, đối tác phải có biện pháp đối phó.

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2019/12/My-Trung-dau-nhau-tren-bien-dong-nhu-the-nao-12b_vteu-1576893233-711-width665height449-1.jpg

Một mặt, Trung cộng thúc đẩy cùng thăm dò, khai thác khí tự nhiên với Phi Luật Tân, trước tiên ở bãi Cỏ Rong; mặt khác, Trung cộng cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu cá quấy nhiễu hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai với sự tham gia của nước ngoài, GS Carlyle Thayer (Ðại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nhận định.

Trung cộng sẵn sàng đưa tàu hải cảnh và tàu cá lớn ra quanh 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa thường xuyên hơn, sẵn sàng phun vòi rồng, chạy cắt mặt tàu Việt Nam để dọa dẫm hoặc tạo chứng cứ giả tàu Việt Nam đâm tàu Trung cộng, nhà báo Phi Luật Tân Jaime Laude nhận định. Trung cộng cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên 7 đảo nhân tạo, nâng cao chất lượng hệ thống vũ khí trên đảo. Trung cộng sẽ nâng cao năng lực quân sự nói chung, đặc biệt là triển khai tên lửa diệt hạm, tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay để ngăn Mỹ tăng cường tuần tra tự do hàng hải, tập trận song phương, đa phương ở biển Ðông. Cụ thể, Hải quân Trung cộng sẽ tăng cường tập trận bắn đạn thật, trong đó có phóng tên lửa đạn đạo chống tàu.

Theo GS Thayer, trong năm 2020, Trung cộng sẽ đẩy mạnh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Ðông với nội dung chỉ các doanh nghiệp nhà nước của Trung cộng và ASEAN hợp tác với nhau để thăm dò dầu khí trên biển Ðông, không bắt tay với bên ngoài và khi các nước trong khu vực tập trận chung với các siêu cường bên ngoài thì phải thông báo trước để Trung cộng có thể phản đối. Vì thế, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh… có thể nêu vấn đề biển Ðông, chỉ trích Trung cộng tại các sự kiện đa phương như hội nghị ASEAN với các đối tác đối thoại, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các hội nghị ARF mở rộng, hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, thượng đỉnh Ðông Á…, ông Thayer dự đoán.

Các nước sẽ bày tỏ quan ngại về hành động đơn phương của Trung cộng trên biển Ðông, phê phán Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài thường trực, kêu gọi tuân thủ phán quyết mang tính chung thẩm và ràng buộc pháp lý này. Các siêu cường bên ngoài có thể trừng phạt thương mại Cục Khảo sát địa chất Trung cộng và các tàu thuyền của cơ quan này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Ðông Nam Á, GS Thayer nhận định. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản… có thể đề nghị giúp một số nước Ðông Nam Á phát triển lực lượng cảnh sát biển thông qua chuyển giao tàu tuần tra cao tốc, mở khoá huấn luyện, xây dựng năng lực, tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức khu vực biển…

“Mỹ đang tạo mạng lưới đồng minh và đối tác chiến lược chống chính sách kinh tế săn mồi, sự đe dọa các nước láng giềng, quân sự hoá biển Ðông của Trung cộng… Mỹ sẽ tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở biển Ðông, điều thêm máy bay ném bom B-52 từ Guam, Diego Garcia và Nebraska, điều thêm tàu chiến”, ông Thayer dự đoán.

Theo 24h (20.12.2019)

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU KÊU GỌI TRỪNG PHẠT TRUNG CỘNG

https://1.bp.blogspot.com/-0pxUIuOwMc8/Xf4SujYn-8I/AAAAAAAA_4g/KG2-zSXhQGk7_PMdGZDy06Aep2D1mz9PwCLcBGAsYHQ/s1600/2017-06-30t175636z_1676457319_rc1e6e9ee3e0_rtrmadp_3_germany-kohl_0.jpg

 Trụ sở Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. REUTERS/Arnd Wiegmann 

Duy Ngô Nhĩ – Tân Cương: 
Nghị Viện Châu Âu kêu gọi trừng phạt Trung cộng

Nghị Viện Châu Âu ngày  19/12/2019 đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu ban hành những biện pháp trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các quan chức Trung cộng can dự vào các vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ nhằm đồng hóa thiểu số Hồi Giáo tại vùng Tân Cương. 

Trong bản nghị quyết được thông qua tại Strasbourg, Nghị Viện Châu Âu đã cho rằng các công cụ được Liên Âu sử dụng cho đến nay để thúc đẩy các tiến bộ về mặt nhân quyền tại Trung cộng đều không mang lại kết quả rõ rệt nào. Thậm chí tình hình nhân quyền còn trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.

Trên cơ sở đó, Nghị Viện Châu Âu đã kêu gọi giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đề ra “các biện pháp trừng phạt có chọn lọc và phong tỏa tài sản… nhắm vào các quan chức Trung cộng chịu trách nhiệm về những vụ đàn áp nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương”.

Định chế lập pháp của Liên Hiệp Châu Âu đồng thời kêu gọi chính quyền Bắc Kinh “chấm dứt ngay các hành động giam giữ tùy tiện” người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ, kể cả ông Ilham Tohti, người đã được trao giải thưởng Sakharov năm nay”.

Hôm thứ Tư 18/12, Nghị Viện Châu Âu đã chính thức trao giải thưởng nhân quyền Sakharov của châu Âu, năm nay cho giáo sư người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti. Nghị Viện Châu Âu ca ngợi ông là một “tiếng nói ôn hòa và hòa giải”, nhưng bị Bắc Kinh cáo buộc là “khủng bố” và đang bị giam giữ. Đích thân con gái của ông Ilham đã thay cha nhận giải.

Hôm qua, khi được hỏi là giáo sư người Duy Ngô Nhĩ còn sống hay đã chết, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng đã từ chối trả lời.

Trong thời gian gần đây, Trung cộng càng lúc càng bị quốc tế lên án về việc giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số Hồi Giáo khác trong một mạng lưới các trại giam ở vùng Tân Cương, nơi đa số cư dân là người Duy Ngô Nhĩ.

Bắc Kinh thoạt đầu đã phủ nhận sự tồn tại của các trại cải tạo này, nhưng trước những bằng chứng ngày càng hiển nhiên, đã phải công nhận rằng đó là những “trung tâm huấn nghệ” cần thiết để chống khủng bố.

Vào tháng 11 vừa qua, nhật báo Mỹ The New York Times đã tiết lộ 403 tài liệu về chính sách đàn áp mà Bắc Kinh tiến hành đối với các sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo trong vùng Tân Cương. Trong các tài liệu này, có cả những bài phát biểu chưa được công bố của chính chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, thúc giục các quan chức thẳng tay đối phó “không thương tiếc” với những người bị cho phần tử “cực đoan”. 

RFI (20.12.2019)