28-12-2019
Mới mấy ngày trước mình có viết bài về sự liên quan giữa nhiệt điện than và các làng ung thư của Trung Quốc với các bằng chứng khoa học không thể chối cãi được, và hy vọng ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo có thể đọc được mà suy nghĩ cho vận mệnh đất nước…
Vậy mà hôm nay mình có cảm giác như bị tạt gáo nước lạnh khi đọc một bài viết trên báo Dân Trí “Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình”! Mình cứ tưởng như Việt Nam đang trở về thời phong kiến và lời của vị chủ tịch Hiệp hội năng lượng, Trần Viết Ngãi, như kiểu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”! Đám DLV không hiểu được đúng sai thì tôi không trách nhưng ông Ngãi là đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của đất nước nếu thật sự phát ngôn như vậy thì thật không ổn tí nào! Để tôi phân tích tiếp cho rõ hơn về vấn đề nguy hiểm của “Nhiệt Điện Than” như thế nào và tại sao các nước trên thế giới, kể cả Trung Quốc đang ruồng bỏ nó.
Vào năm 2017, các chuyên gia của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc (China Academy of Medical Sciences) đã được tờ China Daily phỏng vấn và cho biết ung thư phổi đang gia tăng nhanh chóng ở các nhóm “KHÔNG thường mắc bệnh phổi do hút thuốc”, bao gồm cả phụ nữ và người không hút thuốc. Loại ung thư phổi này có đặc trưng là phát triển sâu trong phổi và không liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 được cho là nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Các hạt PM2.5 có kích thước nhỏ, do đó nó có thể đi qua phế quản, sâu vào phổi để ảnh hưởng đến quá trình trao đổi khí trong phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong cơ thể (hypoxia), và do đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và là một yếu tố rủi ro cao dẫn đến ung thư phổi đã được nhiều nhóm nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh.
Theo số liệu trước đó có gần 4,3 triệu bệnh nhân ung thư mới ở Trung Quốc trong năm 2015, bao gồm 730.000 trường hợp ung thư phổi, chiếm 36% tổng số bệnh thế giới. Một số nghiên cứu địa phương cũng đã thiết lập mối liên hệ giữa ung thư và ô nhiễm không khí. Nghiên cứu được công bố vào năm 2016 bởi Đại học Y Hà Bắc (Hebei Medical University) cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở tỉnh này gần như tăng gấp ba từ năm 1973 đến 2011.
Do vậy, đứng trước các nguy cơ về vấn nạn ô nhiễm môi trường không khí trong nhiều năm qua chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực bằng những kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than để giảm nồng độ bụi mịn PM2.5. Cụ thể, từ năm 2013 đến 2017, họ đã giảm mức PM2.5 ở Bắc Kinh trung bình từ 89,5 microgram/m³ (microgam trên mét khối) xuống còn dưới 60. Để làm như vậy, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và cấm người dân ở các khu vực xung quanh dùng than để đốt nóng. Những biện pháp này rất tốn kém và gây tranh cãi, nhưng chúng đã cho phép thành phố đạt được mức PM2.5 trung bình hàng năm là 58 microgram/m³ (giảm 35%). Trong bảng kế hoạch hành động tiếp theo trong ba năm (2018-2020) nhằm “chiến thắng trong cuộc chiến bầu trời xanh” thì họ đặt ra tiêu chí sẽ giảm mức PM2.5 xuống tiếp 18% nữa so với năm 2015.
Nếu các bạn theo dõi các bình luận (comment) trong bài trước mình viết khi phản biện với các DLV thì các bạn cũng thấy trong 10 năm (2007-2016), Mỹ cũng đã giảm đáng kể các nhà máy điện than của mình để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Nói tóm lại, các bạn nên nhớ là mối liên hệ của ung thư phổi và nhiệt điện than là “một sự thật không thể chối cãi” và đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng. Các nước trên thế giới đang cố gắng giảm chúng để bảo vệ sức khỏe cho dân của họ thì chúng ta, một đất nước độc lập, tự chủ đừng nên đi ngược lại xu thế này để đánh đổi sức khỏe người dân và vận mệnh dân tộc! Tôi xin nhắc lại lần nữa điều tôi đã nêu ở bài viết trước là “một quốc gia không thể hùng cường nếu dựa trên một dân tộc bệnh tật”.
_____
Tài liệu tham khảo:
– China lung cancer on rise, smog suspected – China Daily (Reuters)
– China releases 2020 action plan for air pollution (eco-business)
– Cao, Q., Rui, G. & Liang, Y. Study on PM2.5 pollution and the mortality due to lung cancer in China based on geographic weighted regression model. BMC Public Health 18, 925 (2018) doi:10.1186/s12889-018-5844-4. https://doi.org/10.1186/s12889-018-5844-4
– Deng X, Feng N, Zheng M, Ye X, Lin H, et al. PM 2.5 exposure-induced autophagy is mediated by lncRNA loc146880 which also promotes the migration and invasion of lung cancer cells. Biochimica et Biophysica Acta (BBA)-General Subjects 2017; 1861: 112–125. https://doi.org/10.1016/j.bbagen.2016.11.009.
– He, Y., Li, D., Song, G., Li, Y., Liang, D., Jin, J., Wen, D. and Shan, B. (2016), Hebei Province lung cancer burden. Thoracic Cancer, 7: 323-332. doi:10.1111/1759-7714.12331. https://onlinelibrary.wiley.com/…/a…/10.1111/1759-7714.12331
– Ann M. Bode, Zigang Dong, Hongyang Wang. Cancer prevention and control: alarming challenges in China. Natl Sci Rev. 2016 Mar; 3(1): 117–127. Published online 2015 Aug 29. doi: 10.1093/nsr/nwv054. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4904843/#R25
– Raaschou-Nielsen O, Andersen ZJ, Beelen R, Samoli E, Stafoggia M, et al. Air pollution and lung cancer incidence in 17 European cohorts: prospective analyses from the European study of cohorts for air pollution effects (ESCAPE). The lancet oncology 2013; 14: 813–822. https://doi.org/10.1016/S1470-2045(13)70279-1.
Mục lục
Sự trùng hợp đáng sợ
26-12-2019
Các bạn có thấy một sự trùng hợp đáng sợ giữa 2 bản đồ trong hình của bài post hôm nay của mình không? Bên trái là phân bố các “làng ung thư” ở Trung Quốc và bên phải là phân bố các “nhà máy điện than” cũng ở Trung Quốc… thực ra sự trùng hợp này là một hệ quả tất yếu vốn đã được khoa học chứng minh từ lâu rồi!
Hồi đầu năm 2019, một nghiên cứu khoa học của Đại Học Harvard được đăng trên tạp chí Sức khỏe Môi trường (Environmental Health) cũng đưa ra chứng cứ bổ sung cho thấy quốc gia nào càng dựa vào các nhà máy nhiệt điện than (coal-fired power plant) để tạo ra năng lượng thì nguy cơ ung thư phổi của các công dân nước đó sẽ càng cao!
Hầu hết các ước tính về rủi ro sức khỏe từ các nhà máy đốt than tập trung vào mức độ vật chất hạt mịn, hoặc PM2.5 (hạt nhỏ hơn 2.5 micro mét), được tạo ra bởi các nhà máy. Ô nhiễm không khí từ PM2.5 có liên quan đến tuổi thọ ngắn hơn, nguy cơ tử vong sớm do ung thư phổi và các bệnh tim mạch cao hơn. Nghiên cứu mới này đã dựa trên dữ liệu từ năm 2000 đến năm 2016 từ tổng số 13581 nhà máy đốt than ở 83 quốc gia. Sử dụng số liệu đo đạc được gọi là công suất than trên mỗi người (coal capacity per person).
Số liệu này được tính dựa trên công suất sản xuất hàng năm từ nhà máy đốt than ở một quốc gia nhất định, chia cho tổng dân số tại quốc gia đó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, cứ tăng thêm 1 kilowatt điện tạo ra từ than trên mỗi người, nguy cơ mắc ung thư phổi tăng 59% ở nam và 85% ở nữ (with 1 kW increase of coal capacity per person in a country, the relative risk of lung cancer increases by a factor of 59% (95% CI = 7.0%~ 135%) among males and 85% (95% CI = 22%~ 182%) among females).
Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng tệ ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, mọi người vẫn còn tranh cãi liệu nhà máy điện than đang được phát triển mạnh ở Việt Nam có phải là nguyên nhân hay không thì cũng nên rất cân nhắc đến “thực tế tai hại” của nhà máy điện than đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng và xu hướng hiện nay trên thế giới là giảm loại nhà máy này để chuyển sang các công nghệ tạo ra điện sạch hơn như điện mặt trời, điện gió, v.v…
Để có một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững cho đất nước thì môi trường luôn phải được coi là điểm mấu chốt vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của dân chúng và đến vận mệnh của dân tộc. Một quốc gia không thể hùng cường dựa trên một dân tộc bệnh tật. Xây thêm bệnh viện, đào tạo thêm nhân viên y tế, xây thêm trung tâm nghiên cứu sức khỏe cũng không thể nào bù đắp được cho cái mất đi do thiệt hại môi trường gây ra cho con người! Mong những người lãnh đạo đất nước cần phải cân nhắc điều này!
_____
Tài liệu tham khảo:
Lin CK et al., 2019. A global perspective on coal-fired power plants and burden of lung cancer. Environ Health. 18:9. doi: 10.1186/s12940-019-0448-8.
China’s mainland home to 247 ‘cancer villages’ (China.org.cn)
One Map Shows You Why Pollution in China is So Awful (TIME)
Reliance on coal linked with lung cancer incidence (Harvard)
Hiệp hội Năng lượng: Kiến nghị chỉ đạo các tỉnh không phản đối nhiệt điện than
Dân trí Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Theo vị này, với công nghệ hiện đại sử dụng lò siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, các nhà máy nhiệt điện than hiện tại và tương lai không gây ảnh hưởng môi trường lớn.
Hệ thống điện hầu như không còn dự phòng
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành công thương ngày 27/12, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị xung quanh việc phát triển các dự án nguồn điện.
Theo ông Ngãi, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện đến năm 2030. Tuy nhiên việc cung cấp than, khí cho phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể về cung cấp than, ông Ngãi cho biết dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn; năm 2025 khoảng 70 triệu tấn, tới năm 2030, khoảng 100 triệu tấn.Trong khi khả năng cung cấp than trong nước chỉ đáp ứng được 30-35 triệu tấn.
Như vậy theo ông Ngãi, nhu cầu than nhập khẩu trở lên cấp bách trong khi phương án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than vẫn chưa được triển khai.
Nguồn khí cũng đang suy giảm và dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới. Các dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh tiến độ triển khai chậm so với dự kiến.
Về cung cấp dầu, ông Ngãi cho hay, trong các năm tới, do các nguồn điện than vào chậm, cần phải tăng cường huy động chạy dầu, nhu cầu cầu có thể lên tới 1-2 triệu tấn/năm. EVN cần tính toán kỹ về phương án nhập và tài chính, tránh trường hợp phải tăng giá điện đột xuất hoặc thua lỗ do phải tăng cường chạy điện từ dầu, ông Ngãi lưu ý.
Đáng lưu ý theo Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, hầu hết các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch điện VII điều chỉnh đều bị chậm tiến độ từ 2-4 năm. Trong các năm tới nếu nếu không điều hành quyết liệt sẽ xảy ra thiếu điện trầm trọng.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ chỗ có dự phòng khoảng 20% trong các năm 2015 – 2017 đến hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021 – 2025 khả năng xảy ra thiếu hụt nguồn điện.
Thủ tướng: Tiếp tục phát triển nhiệt điện than, dư luận không đồng tình
Đưa ra một số giải pháp để bảo đảm hệ thống điện, ông Trần Viết Ngãi cho rằng chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ các dự nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021 – 2025 và sau năm 2025 được phê duyệt trong Tổng sơ đồ điện VII.
Đồng thời tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, đồng thời bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện 220kV liên quan đến mua điện nhập khẩu. Đôn đốc đảm bảo tiến độ của Khí Cá Voi Xanh và cụm nhiệt điện miền Trung vận hành các năm 2023 – 2024.
Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình.
Theo lý giải của ông Ngãi, với công nghệ hiện đại sử dụng lò siêu tới hạn, trên siêu tới hạn do đó các nhà máy nhiệt điện than hiện tại và tương lai không gây ảnh hưởng môi trường lớn, cần được khuyến khích làm nguồn điện chủ lực.
Bên cạnh đó, do tình hình cấp bách các dự án nguồn điện phía Nam bị chậm tiến độ, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng kiến nghị Thủ tướng ít 2 tháng 1 lần trực tiếp nghe chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than khí; các tổng thầu, các tập đoàn, các địa phương xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn để có chỉ đạo cụ thể.
Ngoài ra, ông Ngãi cũng cho rằng Chính phủ đưa ra quyết định tổ chức đấu thầu điện mặt trời là hết sức kịp thời. Điện mặt trời cần lưu ý chất lượng tấm pin do vậy ông Ngãi cho rằng, nếu chất lượng kém, giá rẻ, tuổi thọ ngắn thì trong ít năm tới sẽ thành phế thải gây ô nhiễm môi trường.
“Việt Nam có bờ biển dài 3.200km có tiềm năng về điện gió ngoài khơi, đề nghị Chính phủ có chủ trương cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư điện gió ngoài khơi. Đây là nguồn năng lượng tái tạo chủ lực bởi vì có hiệu quả vượt trội, số giờ vận hành cao, điện phát ra lớn không thua kém các dự án nhiệt điện than khí”, ông Ngãi kiến nghị.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng phát biểu, kiến nghị có nhiều ý hay. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu nói tiếp tục phát triển điện than thì dư luận chưa chắc chấp nhận.
Thủ tướng cho biết đồng ý đẩy mạnh các dự án điện đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển nhiều dự án điện than mới ở Việt Nam, lo ngại dư luận không đồng tình. Nếu phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh.
Kết luận, Thủ tướng cho rằng phát triển năng lượng nói chung, các dự án điện nói riêng là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện. “Không được thiếu điện” là mệnh lệnh Thủ tướng giao cho ngành điện.
Nguyễn Mạnh