Jackhammer Nguyễn
10-1-2020
Chị Nga
Khi những dòng chữ này đến với bạn đọc của Tiếng Dân, thì có thể chị Trần Thị Nga đã đến được nơi an toàn, nước Mỹ, một nước Mỹ đang có lắm rối ren, nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần, lẫn vật chất cho những người như chị Nga.
Tôi không dùng chữ “bà” theo thông lệ của một bài báo, nhưng xa cách, mà tôi xin mạn phép dùng đại từ “chị” để chính bản thân tôi cảm thấy gần gũi, qua đó tỏ lòng kính trọng đối với chị. Và tôi rất vui mừng rằng chị và gia đình đến được nơi an toàn.
Khi bạn đọc đọc những dòng chữ này thì không biết những cuộc đón rước đầy cờ quạt tại sân bay Mỹ đã tan hàng hay chưa, nhưng chắc chắn hàng ngàn hình ảnh, selfie, video,… lan ra rộng khắp Facebook của người Việt. Trong hàng ngàn cái hình ảnh, âm thanh đó, tôi đoán chắc, vì kinh nghiệm của tôi cũng như của các bạn thôi, hình chị Nga thì ít, mà hình “hội đoàn”, các “nhà truyền thông hải ngoại”, các “kênh truyền hình đấu tranh” thì nhiều.
Chắc chị Nga cũng sẽ nhận được những câu hỏi vô duyên như chị Như Quỳnh đã nhận ở sân bay Houston năm xưa: Sang đây rồi có còn đấu tranh hay không? Mà đâu chỉ cái anh của một cái kênh gì chả ai biết tới, các xướng ngôn viên, hay những người dẫn chương trình của những trang Việt ngữ lớn nhất nước Mỹ đôi khi cũng vô duyên như vậy.
Một điều khác cũng chắc chắn là sau độ vài tháng thì người ta không còn nói tới chị nữa. Mà không còn nói tới nữa đã là quá tốt, bởi có khi lại là những chuyện cãi vả không đâu vào đâu. Thật tình, tôi mong cái sự không nói tới ấy đến với chị Nga càng sớm càng tốt.
Càng đi nhiều càng tốt
Cách đây hơn ba mươi năm, tôi có quen hai anh em nhà kia làm ruộng ở một vùng miền Trung. Bố mẹ của hai anh em sống bên Pháp làm hồ sơ cho họ xuất cảnh sang Pháp. Chính quyền Việt Nam một mực không cho họ ra đi, không rõ họ muốn giữ hai anh em một nông dân lại để làm gì.
Chính quyền Việt Nam hiện nay khác lắm. Một mặt khi họ bang giao với người Mỹ, họ bắt buộc phải tuân theo một cái luật của người Mỹ là phải để cho công dân mình được quyền tự do đi đâu tùy thích. Mặt khác, họ lại phát hiện ra rằng,… À cho cái bọn chống đối ra đi càng nhiều càng tốt. Không biết từ lúc nào họ ngộ ra được điều đó, có thể là khi những nhà đối kháng có khả năng lãnh đạo đầu tiên được phương Tây bảo trợ khỏi nhà tù của họ cuối những năm 1980, họ thấy rõ họ thực sự cất đi một gánh nặng.
Một nhà hoạt động đối kháng trên đất lạ, như con cá ra khỏi nước, họ phải sinh tồn trong không gian mới, ngôn ngữ mới, thói quen mới, cách sống mới,… Bao nhiêu cái mới đó triệt tiêu hết thời gian và sức lực của họ. Tệ hơn, trên đất lạ, không còn bị chế độ cộng sản áp bức nữa, có khi họ lại quay sang đánh nhau. Tôi cũng không cần nêu những ví dụ cụ thể ra đây làm gì.
Đàn anh quá cố của chế độ cộng sản Hà Nội là Liên Xô cũng là bậc thầy trong cách giải quyết giới bất đồng chính kiến như thế. Solzhenitsyn, nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng người Nga, có nói rằng bao nhiêu năm lưu vong tại Mỹ ông không viết được gì cả. Nhà nước Liên Xô cũng hay bắt người sắc dân này đi đày vào giữa sắc tộc khác, thế là họ lo sinh tồn, lo chống nhau, không còn sức lực đâu mà chống Đảng nữa.
Có người nói nhà cầm quyền cộng sản hiện nay hay cầm giữ tù chính trị như con tin để mặc cả với chính phủ phương Tây. Tôi nghĩ cũng có phần đúng, nhưng quan trọng hơn hết là khi họ trục xuất người ta đi như vậy, họ trục xuất luôn phong trào phản kháng, và họ đứng nhìn xem các nhân vật phản kháng chia năm, xẻ bảy ở hải ngoại.
Chị Trần Thị Nga không phải thuộc lớp “thân hào nhân sĩ”, hay “đảng viên phản tỉnh”, … nhưng bạn đọc muốn thì có thể liệt kê ra những từ như thế. Chị Nga chỉ là một con người bình thường trong xã hội Việt Nam hiện tại, thấy bất bình thì lên tiếng. Việc chị bị trục xuất chắc chắn sẽ làm cho những cộng đồng công nhân mà chị từng là nòng cốt bị yếu đi. Nhưng chẳng phải sự việc chị thoát khỏi nhà tù khắc nghiệt sớm đến sáu năm, là một điều tuyệt vời lắm sao?
Không có ai có quyền bắt chị Nga đấu tranh cho họ cả!
Chính sách trục xuất người bất đồng chính kiến sẽ đặt ra cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam thêm khó khăn. Nhưng đâu ai ngờ rằng một người phụ nữ bình thường như chị Nga trở thành một anh hùng. Sự việc đó làm cho chúng ta vẫn còn hy vọng ở dân tộc này. Chẳng lẽ người cộng sản trục xuất hết người Việt Nam?
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco